Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

NÓ và Những giai thoại sửa thơ của Tô Đông Pha


NÓ và Những giai thoại sửa thơ của Tô Đông Pha

Quán cà phê Du Miên vào buổi sáng chủ nhật cuối thu năm trước. Nó đặt một bàn trên lầu yên tĩnh mời khách,khoảng mươi người. Khách đều là những người kiến thức đầy mình. Nếu không là giáo sư thì cũng đã làm thầy cô giáo từ trước 1975, duy chỉ có Nó là ít học hơn cả, Nó tự biết điều ấy.
Lý do buổi cà phê ăn sáng là do chồng Nó mời bạn là nhạc sĩ từ nước ngoài về, cùng một số thầy cô và bạn bè. Nó là người ngoài cuộc, khác thế hệ với họ. Câu chuyện dần dần xoay quanh nội dung thơ nhạc. Hết nhạc trẻ, nhạc Tiền Chiến, đến Bài Chòi.Cuối cùng tới thơ và những giai thoại gắn với tên tuổi các nhà thơ đã lưu danh thiên cổ. Rất may mắn Nó ngồi gần vị Giáo sư triết học Phương đông từ trước 75, nay đã gần 80 tuổi. Nó nghe câu chuyện giữa thầy trò họ về nhân sinh quan, về đạo lý ở đời. Khi vị giáo sư già nói tới thơ Đường và đức độ của Vương An Thạch thì nó giở giấy bút chép ngay bài thơ vừa nghe được.
Hạng Thác từng làm thầy Khổng Tử
Hình Công đã chế diễu Đông Pha
Làm người quí nhất là khiêm tốn
Biển học mênh mông vô tận mà. (Thơ cổ st).
Câu chuyện về Khổng Tử và Hạng Thác thì Nó đã nghe từ trước. Nó bây giờ ghi nhớ thêm rằng: Đời sau chỉ nhắc nhớ tới tài đức của Khổng Tử. Còn Hạng Thác đã có lúc làm thầy Khổng Tử, nhưng về sau sử sách không còn ghi chép, dân gian cũng không lưu truyền lại bất cứ một giai thoại nào về người này nữa.
Câu chuyện cuốn hút Nó chính là Hình Công-Vương An Thạch- đã chế diễu Tô Đông Pha ra sao? Nó âm thầm ghi nhớ trong đầu. Chỉ tới câu thơ mô tả về họ Tô Nó mới ghi lại
Ngâm thơ viết phú bài bài đạt
Đánh đố pha trò lượt lượt tinh
Chẳng phải Trọng Ni vừa tái thế
Hẳn là Nhan Tử lại hồi sinh (Thơ cổ st).
Nó lúc ấy chưa biết Trọng Ni là Khổng Tử và càng không biết Nhan Tử là Nhan Hồi tự Tử Uyên. Người học trò mà Khổng Tử cho là học một biết mười, ham học, không giận dỗi vô lý và không phạm lầm lỗi hai lần.
Tô Đông Pha được so sánh với bậc hiền tài như vậy, mà sao lại bị Hình Công –Vương An Thạch- chế diễu ? Nó đã nghe như nuốt từng lời đàm đạo giữa thầy trò họ
-Tô Đông Pha thông minh, tài giỏi, đỗ đạt cao thành danh sớm,được nhận chứcHàn lâm học sĩ. Vị giáo sư nói
-Thầy còn nhớ những giai thoại sửa thơ của Tô Đông Pha không ạ!
Một anh hỏi
Giai thoại thì nhiều lắm nhưng lưu truyền rộng rãi nhất có lẽ là hai giai thoại sau
-Lần thứ nhất Tô Đông Pha sửa là hai câu Vương An Thạch đang viết dở trên bàn.
Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm.

(Dịch nghĩa :Chim minh nguyệt hót trên đỉnh núi Con chó vàng nằm trong hoa)
Tô Đông Pha đọc xong liền cầm bút sửa thành.

Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm

(Dịch nghĩa Trăng sáng rọi trên núi Chó vàng nằm dưới hoa).
Vương An Thạch vốn rất trọng dụng người tài. Biết Tô Đông Pha sửa thơ mình nhưng ông không buồn, chẳng giận.Sau đó ông đã điều Tô Đông Pha đi làm quan ở vùng Hải Nam, nơi mà ông đã gặp và biết có loài chim tên Minh Nguyệt và loài sâu tên Hoàng Khuyển.
Sau một thời gian ở đó Tô Đông Pha biết được mình sửa thơ của Hình Công là sai Tô Đông Pha đã viết thư tạ lỗi với Hình Công. Sau đó ít lâu chức Hàn lâm học sĩ của Tô Đông Pha được khôi phục.
-Từ đó chắc Tô Đông Pha chừa tính hồ đồ phải không thầy? Anh học trò có mái tóc trắng hơn thầy cất lời hỏi
-Nếu vậy thì đâu phải Tô Đông Pha.
Thấy Nó chăm chú nghe ông vừa nhìn Nó vừa kể tiếp cũng như trả lời cho học trò của mình!
Trong một lần đến phủ thái sư của Vương An Thạch. Tô Đông Pha được Từ Luân quản lý thư phòng mời vô dùng trà trong khi chờ diện kiến Thái sư. Bổn cũ soạn lại Tô Đông Pha bước đến bàn làm việc của Thái sư thấy bài thơ đề dang dở:
Tây phong tạc dạ quá viên Lâm
Suy lạc hoàng hoa mã địa kim.
(Dịch nghĩa Đêm qua gió thu thổi qua vườn rộng, làm cho hoa cúc rụng vàng khắp mặt đất).

Thông thường cánh hoa cúc không rụng, ngay cả khi cành đã khô.Nghĩ mình hiểu biết hơn người Tô Đông Pha đặt bút viết vào cạnh hai câu thơ:
Thu hoa bất tỉ xuân hoa lạc
Thuyết dữ thi nhân tử tế ngâm
(Dịch nghĩa :Hoa thu chẳng rụng như hoa xuân. Xin nhắc thi nhân chớ nên khinh xuất lúc ngâm vịnh).
Kết cục của việc sửa thơ này Tô Đông Pha lại “được” giáng chức Hàn lâm học sĩ, để chuyển đến làm quan vùng Hoàng Châu, nơi có loài hoa cúc rụng cánh vào mùa thu, khi gặp gió mạnh.
Lời vị Giáo sư vẫn cứ như rót vào tai Nó.

Cũng như khi biết có loài Chim Minh Nguyệt và Sâu Hoàng Khuyển. Lần này khi mùa thu đến và Tô Đông Pha đã thấy cánh hoa cúc gặp gió thu rụng khắp mặt đất. Tô Đông Pha mới hiểu ra dụng ý của Vị Tể tướng học rộng, hiểu sâu, kiến thức uyên thâm, chứ không như mình. Thêm một lần Tô Đông Pha biết mình sai và viết thư xin tạ lỗi với Vương An Thạch.
-Em nghe nói sau này họ là bạn tâm giao với nhau phải không thầy?
-Họ không những là bạn tâm giao dù một già, một trẻ nhưng rất hiểu nhau, trong khi tính cách trái ngược nhau. Mà họ cùng là hai trong tám nhà thơ nổi tiếng Đời Đường lưu danh thiên cổ.
-Dâu nhỏ nãy giờ ghi chép gì mà nghe chăm chú thế?
Vị giáo sư bất ngờ hỏi Nó.
Nó lúng túng rồi thật thà khai nhận là Nó đã ghi mấy câu thơ cổ thầy đọc.
-Dạ con cũng thích thơ Đường lắm thầy ạ! Chỉ là xưa nay trong trường con không được học và ngoài đời cũng ít có cơ hội mở mang kiến thức thôi ạ!
-Thế nãy giờ Dâu Nhỏ tiếp thu được những gì?
Nó thêm một lần ấp úng rồi khất thầy và bạn chồng Nó để hôm nào có dịp Nó sẽ trả lời sau! Trong thâm tâm mình Nó biết rất rõ, Nó dưới con mắt của mọi người chỉ là một đứa nói một câu chưa tròn nghĩa…Nó cũng biết tất cả những người có mặt hôm đó, ngoài chồng Nó có lẽ chưa ai nghĩ Nó biết viết nổi một câu văn cho có đủ chủ ngữ và vị ngữ.

Và hôm nay đây, gần một năm sau buổi sáng ở quán Cà Phê ấy, Nó đã viết cảm nhận được rất nhiều bài thơ, ca từ ca khúc mà Nó thích. Nó cám ơn người Thầy cùng các bạn của chồng Nó hôm đó. Họ chính là những người thầy và cũng là những người bạn lớn của Nó, đã cho Nó hiểu biết thêm về những giai thoại, gắn với những nhà thơ lớn như Vương An Thạch và Tô Đông Pha. Nó cũng tự nhủ rằng giai thoại chỉ để hiểu thêm, biết thêm, về con người và bản tính của tiền nhân cùng cái tâm, cái tài và đức độ của họ..
Nó hôm nay cũng muốn trả lời câu hỏi của vị giáo sư khả kính rằng:
Qua câu chuyện của Thầy và các anh chị, Nó hiểu rõ thêm ở đời cần lắm sự khiêm tốn. “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ”. Nó luôn ghi nhớ câu thành ngữ “Núi cao có núi cao hơn”.Và quan trọng rằng luôn luôn phải học hỏi ở mọi nơi mọi lúc, phải ghi nhớ biển học không bao giờ có bờ. Nó cũng ghi nhớ trong cuộc sống muôn màu này điều gì cũng có ngoại lệ cả. Nghe hai giai thoại sửa thơ của nhà thơ Tô Đông Pha. Nó coi đó là một bài học của tiền nhân, Nó cần ghi nhớ khi đặt bút viết cảm nhận Thơ của người khác! Nếu thấy câu từ ấy, ý thơ ấy có sự vô lý, thì cũng phải tìm hiểu cho rõ ngọn ngành tránh hồ đồ phán xét.
Sài Gòn 30/9/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Đêm Của tác giả Như Mai





Vậy là mùa thu quyến rũ cũng đã đi rồi và đông lặng lẽ đến gõ cửa . Không còn lãng đãng thả hồn theo lá vàng rơi. Chẳng còn mộng mơ với những đêm trăng vằng vặc nữa.Thay vào đó là cái se lạnh đầu mùa, những cơn gió mùa Đông Bắc mang theo mưa phùn ảm đạm đang lũ lượt rủ nhau về. Đêm mùa đông có thú vị của cái se lạnh . Nhưng nếu đêm đông mà ta phải nằm co ro một mình thì quả là bất hạnh và nỗi cô đơn với đêm đông thì có lẽ không có giấy mực nào tả hết được .Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc ta về với chính ta,với hồi ức, với khát khao hay chí ít ta cũng đi tìm cho thỏa nguyện đam mê của riêng mình.
Riêng tôi đêm nay bất ngờ gặp khoảng lặng mang tên Đêm… Của tác giả Như Mai
Đêm…

Ta chạm bóng mình
Hình như là gió
Tự tình lao xao

Đêm...
Chân bước thấp cao
Ngẩn ngơ lối rẽ
Đếm sao trên đầu

Đêm...
Dấu phép nhiệm màu
Xua tan giá lạnh
Bắc cầu ước mơ

Đêm...
Có kẻ làm thơ... (Hình như là thơ thôi!)
Ca khuya chạnh buốt
Miền bơ vơ trầm!

Đêm...
Mơ tiếng thì thầm
Chờ mai trời sáng
Nắng hồng hoan ca (Tác giả Như Mai.)

Đêm...Có lẽ chị viết khi chỉ có một mình với một nhịp tim thổn thức, một tâm hồn sâu lắng và hình như có một chút gì của niềm cô quạnh, của sự bế tắc và có lẽ chị đang muốn tìm một lối thoát cho chính mình trong Đêm… và Đêm… của chị đã níu chân tôi. Không một phút chần chừ tôi bước vô thế giới Đêm…của chị:

Đêm…
Ta chạm bóng mình
Hình như là gió
Tự tình lao xao

Mở đầu Đêm là nỗi niềm òa lên khi ngả mình xuống giường không gian yên lặng bủa vây tâm hồn cô đơn khiến chị nghe như tiếng gió nhè nhẹ ngoài song kia là tiếng tự tình của ai đó. Không phải đâu chị ơi chỉ là tiếng bước chân của gió đi lang thang đó thôi, chẳng có tiếng ai tự tình gì đâu ! tôi muốn xua tan cái ý nghĩ làm cho chị thêm buồn ấy nhưng có lẽ thật khó bởi chị đang ngược dòng đang đắm chìm trong suy tư , với băn khoăn trong lòng mông lung, mơ hồ về một bước ngoặt mà có lẽ chỉ mình chị quyết định được nhưng thật khó khăn khi mà chị đếm sao trên trời để giải tỏa ẩn ức trong lòng:

Đêm...
Chân bước thấp cao
Ngẩn ngơ lối rẽ
Đếm sao trên đầu

Chị đang hụt hẫng đang chơi vơi trên bước đường đời, ngay đây và ngay lúc này rất cần ở chị một quyết định tỉnh táo trước một bước ngoặt quan trọng. Vâng chị ơi chỉ một mình chị thôi không ai quyết định được đâu mong sao chị “chân cứng đá mềm”. tại khúc rẽ này, sau khi chị đã “Đếm sao trên đầu” đủ số mình cần đếm. Trước khi trời sáng chị sẽ trở lại với bước chân vững bước chứ không còn”Bước thấp bước cao” nữa!

Đêm...
Dấu phép nhiệm màu
Xua tan giá lạnh
Bắc cầu ước mơ
Trong trăn trở, suy tư và có khi là bế tắc ta luôn có khát khao và ước vọng phải không chị? Ta ước ao ta hy vọng màn đêm tăm tối trước mắt ta đây chứa đựng tất cả những điều mà ta cần ta mong ta đợi ta đang thiếu. Chỉ cần ta có hy vọng là biết đâu trong tuyệt vọng là cả một con đường mở ra cho ta lối thoát. Chị có hy vọng là Đêm… có “phép nhiệm màu” để xua tan đi những băng giá trong tâm hồn chị.Chị có hy vọng thì chắc chắn ước mơ sẽ thành sự thật thôi. Và có lẽ là trong lúc mà nỗi cô đơn khắc khoải cộng thêm sự bế tắc, và đang phân vân không định được lối rẽ giữa biển trời mây nước điệp trùng mênh mông không nơi bấu víu . Chị đã bắt được một cái phao cho mình đó là gửi tất cả những trăn trở trên đây vào thơ….đúng rồi chị ơi! Chỉ có thơ hoặc “hình như là thơ thôi” ấy chính là nơi mà ta có thể trao gửi trọn vẹn tâm tư của mình cùng tất cả những khát khao những ước mơ mà trong lòng ta trong tâm hồn ta mong muốn. Chị đã rất đúng khi mà chị :

Đêm...
Có kẻ làm thơ... (Hình như là thơ thôi!)
Ca khuya chạnh buốt
Miền bơ vơ trầm!

Đêm cô quạnh đã qua với một khoảng thời gian trôi dẫu chậm chạp thì nó cũng qua tới “Ca khuya” rồi phải không chị? Buốt giá trong lòng cũng lớn theo tới mức mà chị cảm thấy cả miền không gian cô quạnh thanh vắng xung quanh mình cũng biến thành “Miền bơ vơ trầm”! Hãy thả hết vào thơ đi chị bởi khi chị gửi gắm nỗi niềm vô thơ nó bật lên thành tiếng lòng chị, nó ngân lên trên blogspot. Lập tức sẽ có rất nhiều những lời anh ủi, chia sẻ và trong đó nó sẽ thức tỉnh trái tim chị. Nó vỗ về chị chìm vô giấc mơ đẹp và:

Đêm...
Mơ tiếng thì thầm
Chờ mai trời sáng
Nắng hồng hoan ca!
Vâng tôi tin chị tin và bạn bè chị tin rằng chỉ Đêm… Và một đêm nay thôi chị trải qua cô đơn đến nỗi chỉ tiếng gió mà chị ngỡ ai đó tự tình mà quên chị, rồi cũng chỉ đêm nay thôi là bước chân chị hụt hẫng chênh chao trước ngã rẽ. Chị đã có Đêm…bắc cầu ước mơ. Chị đã có nơi để gửi gắm tâm tư tình cảm ….nhất định rồi Đêm…chị sẽ nghe tiếng bạn bè người thân thì thầm cầu an cho chị sớm vượt qua tất cả những bế tắc những trở trăn suy tư này trong Đêm…Chị sẽ bay bổng trong những ước mơ, để ngày mai chị sẽ tìm lại thăng bằng trong cuộc sống. Rạng đông đang chờ sau nó là bình minh hai khoảng đệm này rất ngắn nhưng phải có theo qui luật chị ạ.Hết đêm tới hai khoảng đệm này là ánh sang ban ngày sẽ bừng reo chào đón chị. Cố lên chị nhé Đêm…sẽ qua “Nắng hồng hoan ca” sẽ tràn ngập khắp nơi mà chị đi ,chị đến và chị dừng lại và ngay cả khi vòng quay của trái đất có che đi ánh dương thì Đêm…cũng không bao giờ còn nữa, mà chỉ có đêm bình yên với những giấc mơ đẹp sau một ngày “Nắng hồng hoan ca”.
Cám ơn tác giả Như Mai với bài thơ Đêm…đã cho tôi có dịp đồng hành và chiêm nghiệm với những góc khuất những trăn trở trong cuộc sống đời thường. Mỗi chúng ta ai cũng có những khoảng lặng như Đêm… và mỗi người có cách vượt qua khác nhau nhưng tựu chung là chúng ta đều phải cố gắng hết mình bằng trí , tâm, lực và bằng tất cả những gì mà chúng ta có cộng thêm niềm hy vọng không bao giờ tắt. Ta sẽ qua. Đây là những suy nghĩ và tình cảm của cá nhân tôi giành cho một bài thơ mà tôi đã đồng cảm qua bài viết này. Và đây là bài thơ ấy:
Sài gòn 2/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn








Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Chuyện Tình Khau Vai của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn





Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Chuyện Tình Khau Vai của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn


Khi nói đến Hà Giang là nói đến Cao Nguyên Đá Đồng Văn, đến Cổng Trời Quản Bạ, đến cột cờ Lũng Cú, Đến Núi Đôi, đến sông Gâm, những thửa ruộng bậc thang, hoa tam giác mạch và đặc biệt là phải nói đến chợ Tình Khau Vai, một nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc H’Mông, Giáy,Tày, Nùng, Giao…
Tôi và có lẽ nhiều bạn đọc dầu chưa chứng kiến nhưng đã nghe, đã đọc rất nhiều những lời thơ, câu hát, chuyện kể, về phiên chợ họp chỉ duy nhất một đêm vào 26 tháng ba hàng năm này. Chợ tình, nơi dành cho những chàng trai, cô gái các dân tộc ít người, đã yêu nhau mà không đến được với nhau. Dẫu đã có vợ, có chồng nhưng hàng năm họ vẫn đến chợ để gặp lại nhau. Một đêm cho người tình cũ, dù già, dù trẻ. Đó là nét văn hóa đặc trưng và cũng là phần đông nội dung những câu chuyện tình được người đi họp chợ mang tới Khau Vai từ xa xưa tới nay.
Chuyện Tình thì muôn màu muôn vẻ. Mỗi người, mỗi chuyện tình có những lý do riêng để mà dang dở, để mỗi năm họ có một đêm “danh chính ngôn thuận” đến với nhau. Trong ngàn vạn triệu câu chuyện ở chợ tình Khau Vai, nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn gặp một câu chuyện khiến cho người đọc rưng rưng cảm động. Câu chuyện ấy có tên:
Chuyện Tình Khau Vai.

Đôi dép đặt lên tảng đá

Lão như nấm bấy từ lâu

Ngựa già leo từ Quản Bạ

Chờ ai dáng điệu âu sầu?

Lão đổ chai rượu lên đầu

Cho cái tay già nó uống

Năm qua hắn nhổ tóc sâu

Sao giờ vẫn không thấy xuống!?

Hắn từng bỏ nương, bỏ ruộng…

Trèo non, vượt đá… mòn chân

Đường rừng đói ăn, khát uống

Khau Vai gặp lão bao lần

Nén hương khói quyện phân vân

Kèn lá o e lão thổi

Ngón vê đứt ruột sầu thương

Lão khóc người tình suốt tối

Đắng cổ rượu không nuốt nổi

Núi xa…! Hắn nhắm mắt rồi!

Rừng hoang cây ngừng gió thổi

Cao nguyên như lão… đang trôi!(Hà Nội, 20-4-2014 Nguyễn Lâm Cẩn).
Chuyện Tình Khau Vai của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn không bắt đầu bằng rượu ngô rót tràn bát, bên chảo Thắng Cố nghi ngút khói bay từ buổi chiều tà cho đến đêm khuya khi đã ngà ngà say, họ mới từng đôi tản vào các vách núi ngồi bên nhau tình tự…Mà bắt đầu bằng hình ảnh:
Đôi dép đặt lên tảng đá
Lão như nấm bấy từ lâu
Ngựa già leo từ Quản Bạ
Chờ ai dáng điệu âu sầu?
Chủ thể ngôi thứ nhất của nhà thơ không còn gắn với đại từ nhân xưng, Chàng hay Anh nữa mà đã là Lão, thê thảm hơn với những hình dung từ nhà thơ dùng đặc tả: đã Lão, lại còn “như nấm bấy từ lâu”. Lão đã đến đây trước người tình. Bởi Lão đang “chờ ai dáng điệu âu sầu”. Hình ảnh, điệu bộ nôn nóng của Lão đang ngóng chờ ấy, có lẽ đã thu hút cái nhìn của nhà thơ và phải chăng nhà thơ bắt gặp hình ảnh Lão đặt đôi dép “lên tảng đá”, dép có đôi, hẳn nhiên người đặt nó hy vọng đêm nay mình cũng có đôi. Chưa hết ngay cả bác ngựa leo đến đây từ Quảng Bạ, cũng được gắn theo chữ già.(Xin phép nhà thơ phải gọi bằng bác vì hai chữ Ngựa già không thể là chú ngựa .. ) Ba câu thơ mệt mỏi đặt trước một câu hỏi mà như ta thán “chờ ai dáng điệu âu sầu” khiến cho Chuyện Tình Khau Vai vừa mở ra thôi, đã dẫn người đọc bước vào thế giới nội tại như một khu rừng hoang lạnh chứ không phải là nơi chợ tình khiến người đi chợ nôn nao rạo rực nữa… Dù hoang lạnh, dù thấy ám ảnh một chuyện tình không trọn thì cửa đã mở ta bước vào thôi!
Lão đổ chai rượu lên đầu
Cho cái tay già nó uống
Năm qua hắn nhổ tóc sâu
Sao giờ vẫn không thấy xuống!?


Ngôi thứ hai Hắn đã xuất hiện trong thơ của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn, nhưng việc làm của Lão thì lại làm ngỡ ngàng người đọc. lão mang chai rượu ra không uống như người khác, mà lại “đổ chai rượu lên đầu”. Ắt hẳn là đầu Lão nhưng Lão lại muốn “cho cái tay già nó uống”. vì “Năm qua hắn nhổ tóc sâu”. Trời ạ! Chỉ có con tim và lý trí của những kẻ đang yêu và nhớ đến cuồng điên mới có ý nghĩ và hành động như Lão của nhà thơ được.

Hắn và Lão gặp nhau ở phiên chợ trước, kỷ niệm đẹp lưu lại trong Lão không phải nụ hôn, cái nắm tay, tiếng kèn lá hoặc giả một ánh mắt …mà lại là hình ảnh “Hắn nhổ tóc sâu”. Đôi tay hắn nhổ tóc sâu thì bây giờ Lão cho “tay già nó uống”. Rất công bằng và rất tình, phải chăng đó cũng là cách suy nghĩ khi trao tình cảm cho nhau của người dân tộc thiểu số vùng cao.Lão có lẽ đã “chờ ai dáng điệu âu sầu” lâu lắm rồi và rượu mang theo Lão cũng đã đổ lên đầu mong thỏa cái nhớ. Nhưng sao tới tận bây giờ vẫn không thấy Hắn xuống!?. Lão lại bồn chồn mà ngóng chờ tiếp thôi… Viết tới đây tôi ước mong được động viên Lão rằng: Được chờ đợi, đôi khi lại cũng chính là niềm vui và hạnh phúc đấy, rằng Lão có biết sinh thời ông nhà thơ Hồ Zếnh đã từng ao ước:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn anh dạo khắp quanh sân.
Ngó trên tay điếu thuốc cháy lụi dần.
Anh sẽ nói gớm sao mà nhớ thế”! (Nhớ- Hồ Zếnh)
Vẫn biết ở đời ước thì cũng chỉ là ước thôi! Lão của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn thì vẫn đang ngóng đợi. Càng ngóng đợi thì nỗi nhớ càng trào dâng và đây là những điều hằn sâu, in đậm trong tâm trí Lão lúc này:
Hắn từng bỏ nương, bỏ ruộng…
Trèo non, vượt đá… mòn chân
Đường rừng đói ăn, khát uống
Khau Vai gặp lão bao lần


Một khổ thơ với những ngôn từ bình dị nhất có thể, để chất lên đó sự dài dằng dặc của thời gian và sức nặng của chữ Tình mà Hắn dành cho Lão. Liên tiếp những động từ gắn với danh từ được sắp xếp theo một nhịp điệu khúc khuỷu gập ghềnh như con đường len lỏi qua những vách đá, hay rừng rậm mà Lão và Hắn mỗi năm phải vượt qua, để đến được chợ Tình Khau Vai. Đôi chân có thể mòn, nhưng có lẽ tình cảm và nỗi rạo rực thì mỗi năm mỗi lớn hơn.


Một năm chợ chỉ họp một lần, có lẽ không chỉ mình Lão từ khi cuộc tình dang dở tới nay vẫn mong ngày tới chợ, mà Hắn của Lão cũng vậy. Bốn câu thơ trên đã nói đủ, nói hết về cái tình của Hắn dành cho Lão, suốt từ thời lão còn là chàng trai thổi kèn môi, kèn lá gọi Hắn và Hắn còn là cô gái thổi kèn lá đáp lại… Vì đâu, vì sao mà họ không đến được với nhau điều đó có lẽ hai người họ đã đào sâu chôn chặt trong một hốc đá nào rồi. Xin hãy để nó ngủ yên trong đó. Chỉ có điều chắc rằng từ đó mỗi năm họ đều về gặp nhau ở Khau Vai cho tới tận bây giờ.


Đợi chờ, có lẽ Lão đã mơ thấy Hắn xuất hiện trước mặt nhiều lần. Hoặc giả mỗi khi Lão thấy thấp thoáng bóng người xuống núi từ phía xa xa, hay khi nghe thấy tiếng kèn môi, kèn lá vang lại đâu đó giữa muôn vàn những âm thanh rạo rực của chợ tình mỗi lúc một đông. Nhưng không!
Nén hương khói quyện phân vân
Kèn lá o e lão thổi
Ngón vê đứt ruột sầu thương
Lão khóc người tình suốt tối
Tiếng kèn lá ngày này năm trước và những năm trước, trước nữa… Lão thổi dìu dặt và tha thiết lắm, nay chỉ còn âm thanh o e đứt quãng mới sầu thảm làm sao? “Nén hương khói quyện” cho ta biết đó là khởi nguồn của “ngón vê đứt ruột sầu thương”. Lão đã hy vọng để giờ đây phải tuyệt vọng trong tiếng nấc nghẹn ngào “khóc người tình suốt tối”. Lão đến chợ Tình với niềm thương nỗi nhớ bồi hồi mong gặp lại người cũ. Cũng chỉ là “nhổ tóc sâu” ôn cố, tri tân, như bao năm rồi vẫn thế. Cái tình xưa cũ không duyên phận vẫn có chữ tình đeo mang để rồi giờ đây tất cả chỉ trong phút chốc sụp đổ xuống vực sâu .
Đắng cổ rượu không nuốt nổi
Núi xa…! Hắn nhắm mắt rồi!
Rừng hoang cây ngừng gió thổi
Cao nguyên như lão… đang trôi!
Cú sốc và sự mất mát quá lớn đến với Lão khi biết tin “Hắn nhắm mắt rồi!”.Tự đáy lòng Lão có lẽ đã chết đi một khúc tơ duyên, Nỗi đau trào lên khiến rượu trở thành vị đắng, mà có lẽ đời Lão chưa thấy đắng thế bao giờ, làm sao mà “nuốt nổi”. Tin dữ về từ Núi xa…lan theo những vách đá, vọng theo tiếng rừng âm u dội ngược vào tâm hồn ủ rũ và trái tim quặn thắt của Lão. Sự mất mát quá lớn này có lẽ đã đánh gục Lão. Chân Lão vẫn còn đang bám trụ trên mặt đất, mặt đá. Mắt Lão vẫn hướng ra xa cuối con đường cheo leo vách đá, bên những cánh rừng âm u hoang lạnh. Tai Lão vẫn đang nghe thấy những âm thanh hỗn độn từ chợ dội lại. Nhiều nhất trong mớ âm thanh ấy có lẽ là tiếng thì thầm của cây rừng, của gió ngàn như muốn an ủi Lão. Thân xác lão vẫn còn đây, nhưng trái tim Lão, tâm trí Lão đang bồng bềnh đâu đó trên chín tầng mây cao vời kia. Cao nguyên đá đang trôi như Lão ư! Không! Chỉ là Lão cảm thấy vậy thôi, Nó đang đứng đấy như từ ngàn năm trước vẫn vậy. cũng như chợ Tình Khau Vai trước mặt Lão vẫn đang vui nhộn theo nỗi niềm rạo rực của hàng ngàn trái tim, trai gái các mường hòa với tiếng kèn môi, kèn lá dìu dặt đang được cất lên gọi bạn tình.


Đêm chợ tình Khau Vai rồi cũng trôi qua, bình minh sẽ đến. Mỗi người lại trở về với cuộc sống thường nhật cùng người chồng, người vợ của mình suốt cả năm, để rồi chợ phiên sang năm họ lại rạo rực tìm tới..Chợ phiên năm nay đã thiếu đi một người và ít nhất đã kết thúc một chuyện tình. Sang năm chợ sẽ lại thiếu đi ít nhất một người nữa…!
Chuyện Tình Khau Vai sẽ còn tồn tại mãi mãi với thời gian! Bởi nó đã được nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn ghi lại như một nét đẹp văn hóa, một nỗi niềm sâu nặng….Bằng những vần thơ viết theo thể thơ sáu chữ, mượt mà nhưng vẫn tuân thủ niêm luật, trên nền âm điệu nhịp nhàng, chuyển tải nội dung, cũng chính là tiếng lòng, là tâm tư của người trong cuộc đến với bạn đọc gần xa.
Sài Gòn 4/9/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Tháng Bảy Quê Mình Của Tác giả Lê Thanh Bình



Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Tháng Bảy Quê Mình Của Tác giả Lê Thanh Bình
Tháng Bảy về khắp các trang thơ ăm ắp những vần thơ viết về Quảng Trị nói riêng và chiến trường trên khắp cả nước nói chung. Không chỉ những chứng nhân của cuộc chiến, những nạn nhân của cuộc chiến, mà ngay cả những thế hệ sinh ra trong lửa đạn lớn lên trong thời bình cũng dâng trào cảm xúc gửi vào thơ.

Lê Thanh Bình là một trong những tác giả như thế. Chị sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Linh Quảng Trị. Nơi có dòng sông Bến Hải có cầu Hiền Lương, có kỷ lục lớn nhất nước và có lẽ cũng xót xa nhất nước, tính trung bình mỗi người dân gánh trên vai 7 tấn bom đạn…
Nhưng trong tâm khảm người con đất Quảng Trị nay xa xứ, thì tình người, tình đất và tình quê hun đúc và lưu dấu trong tâm hồn chị bật lên thành những câu thơ chất chứa tình thơ sâu nặng. Chị đã có Một Quê Hương nức lòng bạn đọc về một Quảng trị anh hùng xác xơ trong bom đạn đã thay da đổi thịt. Tháng Bảỷ này chị có một khúc tráng ca về Quảng Trị có lẽ đã làm nao nao rất nhiều bạn đọc của nhiều thế hệ trong đó có tôi. Khúc tráng ca ấy mang tên:
Tháng Bảy Quê Mình.
Mới mấy năm
Xa quê mình Quảng Trị
Mà triền miên
Thao thức nỗi nhớ quê…

Mảnh đất nghèo bên nớ bên ni
Ru các anh vỗ về… yên giấc ngủ
Thạch Hãn, Cổ Thành 81 ngày đêm lửa đỏ
Ai ngang qua không nghiêng mũ cúi đầu…

Đã qua rồi…
Anh ở bên ni Hiền Lương đêm mong ngày đợi
Em ở bên tê Bến Hải ngày đợi đêm trông
Hai ta chung tắm một dòng
Nước sông kia mát rượi … đôi lòng nóng ran…

Tháng 7 sẽ nhiều hơn các đoàn đến thăm
Về nghĩa trang Trường Sơn, Cổ thành Quảng Trị
Thắp nén hương thơm viếng các anh hùng, liệt sĩ
Gạt nước mắt vào trong để nhìn kỹ những dòng tên…

Ơi quê mình chẳng thể nào quên
Đất thép Vĩnh Linh … mẹ nuôi con trong lòng đất
Bát nước chè xanh nặng tình người chân chất
Quảng Trị mình giàu nhất những nghĩa trang…

“Có nơi mô như ở quê mình
Nên ai đi xa cũng hoài nỗi nhớ”
Tên núi tên sông , đồi cây, ngọn cỏ
Máu các chị các anh nhuộm đỏ đất này…

Trời vẫn xanh cao, đất vẫn dày
Sống mặt tiền, chết cũng mặt tiền đấy
Hãy dâng lên... những bông hoa vừa hái
Rồi hướng về những nấm mộ vô danh...(Lê Thanh Bình Tháng bảy 2014)
Vẫn là những vần thơ mượt mà trau chuốt của dòng thơ Lê Thanh Bình như ta vẫn thấy. Nhưng nay không phải những câu lục bát mượt mà, mà là một bài thơ theo thể Tự do khoáng đạt, không theo luật vần, với một nhịp điệu không êm ả, đôi khi như khúc ngoặt, lối rẽ … Chuyên chở những tứ thơ chất chứa bao trở trăn, nặng lòng của người thiếu phụ, với mảnh đất kiên cường trong chiến tranh năm xưa nay đã hồi sinh.
Nhưng, lại vẫn là chữ Nhưng làm nghẹn lòng người đọc khi biết “Quảng Trị quê mình giàu nhất Nghĩa trang”.
Là người Việt Nam có lẽ ai cũng biết cả nước chỉ có 4 nghĩa trang quốc gia, Nghĩa trang Điện Biên thuộc tỉnh Điện Biên, Nghĩa trang Hàng Dương thuộc Côn Đảo. Hai nghĩa trang quốc gia còn lại thuộc tỉnh Quảng Trị : Nghĩa Trang Trường Sơn, Nghĩa Trang Đường 9 Nam Lào. Hơn hai vạn ngôi mộ đã được quy tập về hai nghĩa trang này.
Nhưng câu thơ này tác giả có lẽ muốn nói nhiều hơn thế…Tôi bấm “nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Trị”. Kết quả có lẽ khiến cho nhiều người phải giật mình ngỡ ngàng khi nhìn Danh sách 72 nghĩa trang liệt sĩ…Trong khi chỉ có 1 thành phố,1 thị xã, 8 huyện. Một tỉnh với 10 đơn vị hành chính cấp huyện mà có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ. Thử hỏi không giàu nhất nước sao được.
Hai nghĩa trang quốc gia hơn hai vạn ngôi mộ ,cả có danh và vô danh, 70 nghĩa trang còn lại nhỏ hơn…Tôi đã đọc được ở đâu đó người ta viết thế này : “Những ngôi mộ kề nhau, im lặng, Trắng đến lạnh người. Như mặt biển và hàng ngàn ngôi mộ chỉ như lớp sóng dồn nối đuổi nhau vỗ vào thời gian.”… nhưng thôi hãy để mỗi người tự nhẩm tính về sự “giàu nghĩa trang” của quê hương Quảng Trị.
Dòng sông Bến Hải chính là đôi bờ chia cắt dải đất mẹ thân thương. Thời chia cắt ấy hai bên tính từ bờ sông sâu vào 5km… được quy định là khu vực phi quân sự..vậy mà. Quảng Trị vẫn có một địa danh Khe Sanh nổi tiếng thế giới. Nơi ấy được coi như “địa ngục trần gian” hay là Điện Biên Phủ” thứ hai. Quảng Trị vẫn có Một sông Bến Hải, một cầu Ái Tử, một Cam Lộ,một Hướng Hóa,một Đông Hà, một Tà Cơn, một biển Cửa Tùng, Một Vĩnh Linh Thành đồng luỹ Thép, một Đường Chín Nam Lào, Một Thành Cổ, một Đại Lộ Kinh Hoàng…Chỉ cần nhắc tên những địa danh ấy là người nghe đã biết nó là chiến trường khốc liệt năm xưa…
Nhắc đến những địa danh ấy để thấu hiểu lòng người Quảng Trị xa quê với câu hỏi:
"Có nơi mô như ở quê mình
Nên ai đi xa cũng hoài nỗi nhớ"
Những tên núi tên sông đồi cây ngọn cỏ
Máu các chị các anh nhuộm đỏ đất này.
Nếu chỉ tính máu của các anh hùng liệt sĩ được quy tập vào hai nghĩa trang quốc gia mà đã thấy như “ lớp lớp sóng dồn đuổi vỗ vào thời gian”rồi. Hãy Tính thêm máu xương của những người còn nằm lại đâu đó giữa đại ngàn xanh, trong vườn tược ruộng nương nhà ai đó, trong lòng những con sông, con suối mà chưa tìm thấy được..Thêm một lượng máu xương không nhỏ của những người thương binh đã gửi lại một phần thân thể…Thêm máu xương của những người dân vô tội là nạn nhân của bom đạn không có mắt..
Sẽ là chưa đủ nếu không tính đến máu xương của những người lính bên kia chiến tuyến…Chiến tranh vốn là mất mát, vì quê hương, vì thời cuộc con người bắt buộc phải cầm súng hướng vào nhau, trên những mặt trận giao tranh ác liệt như Khe Sanh Như Cổ Thành như Đường 9 Nam Lào biết bao nhiêu xương máu đổ xuống. Để bây giờ bốn mươi năm sau khi tiếng súng đã im trên mảnh đất này. Người dân Quảng Trị nói riêng và người dân cả nước nói chung vẫn còn thấy “máu …nhuộm đỏ đất này.”
Nỗi niềm của tác giả, một người thiếu phụ sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất ác liệt nhất của Quảng Trị..Huyện Vĩnh Linh nơi có con sông Bến Hải đôi bờ chia cắt…Chị “ Mới mấy năm./Xa quê mình Quảng Trị ./Mà triền miên./Thao thức nỗi nhớ quê…
Nỗi nhớ quê hương nào chỉ có tên đất tên sông, hay làng quê yêu dấu…mà tự đáy lòng người con “đất thép” còn trở trăn: “Mảnh đất nghèo bên nớ bên ni./ Ru các anh đêm ngày yên giấc ngủ”. Với những địa danh xưa nay khắc dấu trong tâm khảm người lính và người dân nơi đây có lẽ dù xa hay gần trong trái tim họ chưa một phút nào nguôi quên. Hình ảnh dòng nước Bến Hải, Thạch Hãn hôm nay êm đềm lặng lẽ trôi về biển hiền hoà mùa tháng 7 là thế. Mấy ai ngang qua còn nhớ “mùa hè đỏ lửa’ năm xưa “cả dòng sông là một nghĩa trang trôi” ( Thơ Hải Minh).
“Thạch Hãn, Cổ Thành 81 ngày đêm lửa đỏ”. Hôm nay nhất là tháng tri ân “Ai ngang qua không ngả mũ cúi đầu…” Đâu chỉ riêng những người dân Quảng Trị, Người hành hương trong cả nước, các cựu chiến binh về lại chiến trường xưa…Mà còn có nhiều rất nhiều du khách nước bạn đến đây, “ngả nón” nghiêng mình cúi đầu trước anh linh những người lính trẻ”. Sự tri ân nhắc nhớ như tác giả có lẽ đã chứng kiến rất nhiều nên chị đã chia sẻ với bạn thơ: Bao người ngả nón cúi đầu./ Có người chẳng nói lên câu…nghiêng mình./ Bởi còn nợ nghĩa nợ tình…” với những người đã khuất. Họ có lẽ không cần ai phải ngả nón kính cẩn tri ân…Ai nghiêng mình không nói được lên lời.? hãy để lương tâm đánh thức họ…
Nỗi lòng người thiếu phụ sống bên bờ ngăn cách dải đất mẹ, làm sao quên được những hồi ức dẫu “Đã qua rồi…” và xa rồi :
Anh ở bên ni Hiền Lương đêm mong ngày đợi./Em ở bên tê Bến Hải ngày đợi đêm trông./Hai ta chung tắm một dòng./ Nước sông kia mát rượi … đôi lòng nóng ran…”. Nhạc sĩ Lê Anh đã viết thay cho những chàng trai cô gái sống ở hai bên bờ sông ấy vào thời ngăn cách trong ca khúc Ôi Hiền Lương :
Có dòng sông nào chia cắt lứa đôi
Có dòng sông nào đò ngang cách trở
Dòng sông quê tôi
Dòng sông quê tôi một thời như thế
Ơi Hiền Lương Hiền Lương
Dòng sông hiền hoà
Tình người mặn mà ( Lê Anh Ôi Hiền Lương)
Quê hương Quảng Trị nay đã là nơi đến của rất nhiều hãng Lữ hành, và các đoàn cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa, quanh năm ngay cả mùa bão lũ…. Tháng Tri ân những năm gần đây năm nào cũng thế. Nườm nượp các đoàn đến Quảng Trị …tỉnh Quảng Trị có hẳn một Nhà Đón Tiếp 27/7 tại Bắc cầu Đông Hà để đón hướng dẫn các đoàn thể và cá nhân cũng như thân nhân người đã khuất, đến dâng hương tại các nghĩa trang.
Nhưng với cái nhìn sâu thẳm của người thiếu phụ thì:

Tháng 7 sẽ nhiều hơn các đoàn đến thăm
Về nghĩa trang Trường Sơn, Cổ thành Quảng Trị
Thắp nén hương thơm viếng các anh hùng, liệt sĩ
Gạt nước mắt vào trong để nhìn kỹ những dòng tên…

Ơi quê mình chẳng thể nào quên
Đất thép Vĩnh Linh … mẹ nuôi con trong lòng đất
Bát nước chè xanh nặng tình người chân chất
Với tâm tư người con đất Quảng hẳn chị đã nghẹn ngào mỗi khi ghé nơi đây. Hoặc giả chỉ cần nhìn những đoàn hành hương nườm nượp vào tháng bảy đã đủ nhói lên trong tim chị. Quê hương Đất Thép kiên cường, Mẹ nuôi con trong địa đạo, Quê hương chị một thời xơ xác vì chiến tranh nghèo của cải vật chất lắm, chỉ có “bát nước chè xanh nặng tình người chân chất.” Như tác giả Ngô Xuân Tiếu đã chia sẻ:

Hoài niệm một miền quê lửa đạn
Hố bom như mặt sàng
Thiếu mọi thứ chỉ thừa bom đạn
Quê hương ơi thương nhớ đất anh hùng
Quảng Bình Quảng trị kiên trung ( NXT)
Hay như Bloger lenguyenhong chia sẻ: “ Quảng Trị mình cái gì cũng hai cả. Một làng chia hai. Một xã chia hai.Một huyện chia hai. Hai cầu Hiền Lương. Hai nghĩa trang Quốc Gia, Nhiều gia đình chia hai…Một mảnh đất đau thương anh dũng cả một thời đất nước chia hai, Mà Vĩnh Linh là hiển hiện rõ nhất. Mảnh đất này đi trước về sau chịu nhiều thua thiệt so với các địa phương khác cũng do chiến tranh tàn phá mà ra.”..
Bao nhiêu tâm tư hồi ức nỗi niềm của người thiếu phụ xa quê, gửi gắm vào bài thơ nay cũng vào đoạn kết.
Trời vẫn xanh cao, đất vẫn dày
Sống mặt tiền, chết cũng mặt tiền đấy
Hãy dâng lên... những bông hoa vừa hái
Và nghĩ nhiều đến những nấm mộ vô danh...
Lại vẫn là những Nghĩa Trang điều cảm nhận của chị về quê là “giàu nhất”. Nhưng hiện tại hôm nay lại là điều nhức nhối mà chị muốn gửi gắm. Trời đất xưa nay vốn thế, cứ lẳng lặng. Thân xác mỗi một người thanh niên trai tráng ngã xuống đều đau đớn cho người thân như nhau. Cùng là người may mắn khi kết thúc chiến tranh được tìm thấy nơi yên nghỉ…Được về nằm trong nghĩa trang. Có tên tuổi, đơn vị, quê quán còn may mắn được người thân đồng đội tìm đến. Những ngôi mộ có tên nằm gần lối đi, hay đài tưởng niệm lúc nào cũng có khói hương…Xa xôi vào trong thì chỉ có người quản trang, hoặc người thân, đồng đội tìm đến…Người nằm trong mộ có tên đã vậy. Người vô danh thì sao? Càng xa đài tưởng niệm, càng sâu vào trong lối đi thử hỏi một năm có mấy cây chân nhang cháy trên đó…
Mà đâu có thể trách những người đến dâng hương tưởng niệm. Một nghĩa trang hơn một vạn ngôi mộ. thử hỏi có đoàn hành hương nào đi khắp lượt được. Xa xôi trong góc khuất của nghĩa trang, những ngôi mộ vô danh nếu may mắn nằm cạnh ngôi mộ có danh, có người thân đến nhận hương khói may ra có một đôi lần ấm nén hương thơm…. Bởi vậy mới thấy thấm thía câu “sống mặt tiền, chết cũng mặt tiền đấy”.
Thôi thì như tác giả viết “hãy dâng lên… những bông hoa vừa hái” hoa tươi thể hiện tấm lòng với người đã khuất…Tấm lòng tri ân xin hãy nghĩ tới “những nấm mộ vô danh…” Dấu ba chấm ấy, có lẽ dành riêng cho mỗi bạn đọc chúng ta tự chiêm nghiệm và chia sẻ…Với những anh hùng liệt sĩ chưa biết tên tuổi quê quán, với người dân thường không may bị bom đạn lạc đường cướp đi sinh mạng. Hay với những người lính của phía bên kia, Việt Nam có, các quốc gia khác có….Họ nằm rải rác đó đây trong những nấm mộ vô danh… Nghĩ về ai khi tưởng niệm là phần dành riêng cho mỗi bạn đọc.
Bài thơ Quê Mình Tháng Bảy của tác giả Lê Thanh Bình với cảm nhận của riêng tôi - thế hệ lớn lên trong hoà bình- Là như vậy.
Có thể đó chưa phải là tâm tư, là góc nhìn của tác giả cũng như phần đông bạn đọc. Nhưng xin hãy coi đây là tấm lòng với nén tâm nhang tôi dành cho những anh hùng liệt sĩ, dành cho những người là nạn nhân của chiến tranh, dành cho quê hương Quảng Trị nơi chiến trường ác liệt nhất năm xưa. Nếu có gì thiếu sót rất mong nhận được sự lượng thứ từ tác giả và bạn đọc.
Tuy Hoà Phú Yên 24/7/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Chiều Nghĩa Trang của tác giả Trần Đức Thái


Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Chiều Nghĩa Trang của tác giả Trần Đức Thái

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã từng nói: “Tôi cho là từ chất liệu đời sống trở thành văn chương giống như gạo nấu thành cơm và rượu. Văn xuôi của chúng tôi là cơm, thơ là rượu. Thơ là tinh chất cuộc đời…”Nhưng tinh chất cuộc đời chắt lọc từ đất, nước, ánh sáng, và không khí, để nuôi dưỡng chờ mùa gặt, trải qua chà sát sàng sảy rồi nấu cơm ủ men, mới đem chưng cất, thành quả thu hoạch mỗi người mỗi khác. Cũng như bản thân giọt Rượu thành bại một phần lớn do người thưởng thức ! Người thấy cay nồng đắng khi nhấp môi, nhưng càng uống càng thấy men say ngọt ngào. Người thì mới nhấp đã bỏ ly xuống….
Một ly rượu nhỏ, trong vô số ly rượu tinh chất cuộc đời vừa mới chưng cất xong và mời bạn đọc thưởng thức trên trang Thơ Trần Đức Thái. Tôi không hẳn là người biết uống rượu Nhân Tình Thế Thái nhưng cũng muốn thưởng thức hương vị cay nồng đắng xem có nhận được chút men say nào của ly rượu Tinh chất cuộc đời mang tên:
CHIỀU NGHĨA TRANG

Chiều tà theo ngọn gió hoang
Đôi chân vô lối,rẽ ngang sá cầy
Ngỡ ngàng - Vẫy cánh - Bướm bay
Nghĩa trang hun hút,lá lay tứ bề,
Cuốc kêu thảng thốt triền đê
Cõi đời tục lụy...Bến về đây chăng?
Ngói hài theo mái uốn cong
Thiên niên - Ai đó - Chắc mong vững bền!
Sè sè nấm đất kề bên*
Dầm mưa,giãi nắng,gió xiên tháng ngày.
Này lăng,này nấm,này cây...
Một vuông yên nghỉ mà đầy ngổn ngang !
Kẻ thì trắng ngợp màu tang
Người vành mây xám thắt ngang lưng trời.
Bời bời nhớ đám bạn tôi
Dưới mênh mang nước Tháp Mười ngóng...Quê !(Trần Đức Thái)
* Ý thơ Nguyễn Du
Mới chỉ nhìn lời tựa Chiều Nghĩa Trang hẳn nhiên là khó đọc thơ với tâm trạng thoải mái được. Ly rượu này quả thật tôi đã rất phân vân khi nhấm nháp hương vị của nó. Nhưng ẩn chứa sau những câu thơ được ghép vần Sáu - Tám rất đơn giản mộc mạc cùng thông điệp mà bài thơ muốn gửi gắm, lại là những tứ thơ tình sâu ý nặng ..Đặc biệt khi đọc hai câu kết
Bời bời nhớ đám bạn tôi
Dưới mênh mang nước Tháp Mười ngóng...Quê !
Xem lại thì thấy tác giả người quê lúa Thái Bình. Ông dời binh nghiệp chắc đã mấy chục năm. Nỗi đau của người lính già vẫn lẩn khuất trong từng câu chữ…Tôi bỗng hiểu vì sao ông lại viết về cái nơi mà không ai muốn đến này. Lý do đưa ông đến cũng thật khác người
Chiều tà theo ngọn gió hoang
Đôi chân vô lối,rẽ ngang sá cầy
Người cựu binh già có lẽ sau một buổi cầy ruộng, mồ hôi sa ướt áo, đôi chân có phần mỏi mệt muốn tìm chỗ nghỉ ngơi chăng? Không ! hình như không phải vậy, mà “rẽ ngang sá cầy” do “ngọn gió hoang”đã khiến “đôi chân vô lối” dẫn đường.. Gió nào đi hoang trên cánh đồng mùa cày phơi ải? Cuối thu có gió heo may già cỗi? đầu đông hoanh lạnh cơn gió bấc non tơ? Ngọn gió hoang vu? Trong chiều tà hay cơn bão trong lòng của người dân cầy “Chính nhân quân tử” bước vào buổi xế chiều hoàng hôn vừa buông của đời người? đưa lối tới nơi mà ít ai muốn tới. Để rồi ông cảm nhận nơi ấy với:
Ngỡ ngàng - Vẫy cánh - Bướm bay
Nghĩa trang hun hút,lá lay tứ bề,
Cuốc kêu thảng thốt triền đê
Cõi đời tục lụy...Bến về đây chăng?
“Nghĩa trang hun hút…”này chắc chắn không phải nghĩa trang Cực Lạc Thái Bình nơi mỗi ngôi mộ đều gắn những bài thơ, của con cháu gửi tới ông bà, cha mẹ, của vợ gửi cho chồng, của chồng gửi cho vợ ở Huyện Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh. Không phải nghĩa trang trong thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa
Người hạnh phúc và người đau khổ
Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này
Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc
Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may (Ở nghĩa trang Văn Điển-Trần Đăng Khoa).
Mà có lẽ là một nghĩa trang thuộc quê Lúa Thái Bình. Quê hương ông, có cánh bướm, có lá lay và đặc biệt tiếng “cuốc kêu thảng thốt triền đê” hai từ “thảng thốt” của câu thơ, đi trước câu hỏi “Cõi đời tục lụy… bến về đây chăng?” đã kéo cả khổ thơ chìm xuống theo tâm tư ông, khi bước chân vô lối, đưa ông đi tới đây, và ám ảnh nơi nghĩa trang chiều chạng vạng cùng suy tư của người “lạc bước” theo “cơn gió hoang” đã cuốn người đọc đi theo nỗi niềm tác giả
Ngói hài theo mái uốn cong
Thiên niên - Ai đó - Chắc mong vững bền!
Sè sè nấm đất kề bên*
Dầm mưa,giãi nắng,gió xiên tháng ngày.
Bốn câu thơ của tác giả Trần Đức Thái tả thực khung cảnh mà ta có thể gặp được ở phần lớn các nghĩa trang trên khắp quê hương Việt Nam từ vùng núi cao đến đồng bằng. Con cháu có tiền về xây mồ mả ông bà cha mẹ theo kiểu nhà xây sau phải to hơn, cao hơn, nhà xây trước…Thậm chí ngay khi còn sống nhiều người bỏ tiền tỷ ra mua mộ phần cho mình đợi ngày về với ông bà. Những mộ phần cho người sống như vậy ta có thể gặp ở Công Viên Nghĩa Trang Bình Dương, Hay siêu công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên…
Những “ngói hài theo mái uốn cong” có lẽ “Ai đó” không chỉ “mong vững bền đến trăm năm, mà còn muốn nổi bật giữa “bến về…” mà nơi đó rất nhiều những “nấm đất” mà “dầm mưa giãi nắng gió xiên tháng ngày”. Ngôi mộ Đạm Tiên mà Đại Thi Hào Nguyễn Du miêu tả khi nàng Kiều đi tảo mộ trong tiết Thanh minh: “Sè sè nắm đất bên đường..” đã được tác giả Trần Đức Thái mượn để miêu tả những nấm mộ của những người dân nghèo yên nghỉ. Ai may mắn còn con cháu thì mỗi năm đắp thêm nắm đất cũng đỡ tủi, người vắn số không con cháu hoặc con cháu đi xa thì trải qua mưa nắng dãi dầu phẳng dần rồi mất hẳn, đúng nghĩa phận người “trở về với cát bụi
Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi viết Nghĩa Trang Văn Điển ông đã thấy:
Ôi thiên nhiên cám ơn người nhân hậu
Những so le người kéo lại cho bằng
Ít nhất cũng là khi nằm xuống
Trong mảnh gỗ rừng dưới một vầng trăng (Trần Đăng Khoa)
Bài thơ ấy ra đời năm 1982 vậy mà sau 32 năm mọi điều đã thay đổi hết, Khắp các nghĩa trang giờ đây “Mọi so le” “Người kéo” so le thêm thì phải! Ít nhất là trong thơ của tác giả Trần Đức Thái và trong cảm nhận của người viết bài:
Này lăng,này nấm,này cây...
Một vuông yên nghỉ mà đầy ngổn ngang !
Kẻ thì trắng ngợp màu tang
Người vành mây xám thắt ngang lưng trời.
Bốn câu thơ người lính già Trần Đức Thái đã nói đủ nói rõ và nói hết về hiện thực hôm nay khi ông “rẽ ngang sá cầy” để lạc lối vào Nghĩa trang trong một buổi chiều đầu đông 2014. Vâng người viết và có lẽ nhiều bạn đọc khác cũng có cùng suy nghĩ chỉ “một vuông yên nghỉ mà đầy ngổn ngang”. Hai từ ngổn ngang có lẽ tác giả còn muốn nói đến không chỉ có “cõi âm” nơi khi con người ai cũng phải một lần về đó yên nghỉ! Mà có lẽ ông còn muốn nói đến chính những người đang sống, và một mặt trái trong xã hội hôm nay.
Vâng có những Lăng tẩm với “ngói hài theo mái uốn cong” nổi bật giữa nghĩa trang thì người thân của những người nằm trong đó phải giàu có, “Có tiền mua tiên cũng được” các cụ xưa đã nói thế, huống chi là xây “một vuông yên nghỉ” cho người đã khuất…Cứ nhìn những ngôi mộ to cao nhiều tầng nhiều mái là đủ biết con cháu họ là tầng lớp nào trong xã hội hôm nay!
Còn những “này nấm…” thì có lẽ không “vô danh” thì cũng là những thành phần “bần cố nông” trong xã hội hôm nay. Con cháu họ có khi cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm..Ngày họ nằm xuống chiếc áo quan tẩm niệm có khi cũng nhờ quyên góp của xóm giềng mới có thì lấy đâu ra “này lăng.
Xã hội phát triển, đưa cuộc đời sống của con người phát triển theo hướng tốt hơn nhưng lại kéo theo nhiều hệ lụy đau lòng, đâu chỉ với người đang sống mà xâm lấn đến cả nơi yên nghỉ của người đã khuất, cứ tưởng xuôi tay nhắm mắt là buông bỏ, là hết.
Đâu chỉ có nghĩa trang quê tác giả …Ngay như bản thân người viết bài mới thăm mộ em trai…Khi em mất gia đình đã cẩn thận xây cất cho em, tuy không mái, không tầng, không cao, không to, nhưng cũng không để em phải tủi như “sè sè nắm đất bên đường” Phía trước xây một bồn hoa để cho vợ con em trồng vài khóm cúc cho ấm nơi em nằm…7 năm trôi đi thì một hôm ngôi mộ bên cạnh được con cháu xây cất tầng lầu cho người thân. Đám con cháu coi hướng sao đó mà sẵn sàng phá bồn hoa của ngôi mộ em nằm. Rồi lát đá hoa cương xiên vô sát thành mộ cho vuông bệ bước lên ngôi mộ ba tầng của thân nhân họ….Nhà xa cha mẹ già neo đơn khi ra thăm đã thấy thế, thôi cũng đành chịu, chứ không lý đi tranh cãi với những kẻ mà người đời vẫn gọi là “lũ vô liêm sỉ…” khi có những việc làm bất nhân như thế, hay là mình lại đi phá bệ bước của họ để trả lại bồn hoa thì cũng đâu khác gì họ…Người thân họ nằm dưới mộ cao tầng ấy hẳn không muốn con cháu mình làm như vậy!

Trở lại với Chiều Nghĩa Trang của người lính già Trần Đức Thái. Khi lạc lối vào nghĩa trang, cám cảnh giữa cõi hoang lạnh. Ông liên tưởng tới thế giới của những người đang sống hôm nay. Sự phân hóa giàu nghèo mỗi ngày mỗi xa. “Kẻ ăn không hết, người lần không ra.” Có ở khắp nơi từ nông thôn đến thành thị. Thế hệ của ông là thế hệ tuổi thanh xuân phả trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt của cuộc chiến giành độc lập tự do…Những tưởng bao sinh mạng, bao xương máu trong đó có ông và các đồng đội góp phần, sẽ đánh đổi được những cơn gió bình yên, mang theo nắng ấm gieo lên mọi mái nhà…Nhưng có lẽ ông và rất nhiều đồng đội của ông vẫn phải chờ…Chờ đến bao giờ thì có lẽ người viết không biết câu trả lời….
Nhưng Chiều Nghĩa Trang thì cũng đã đến hai câu kết, kéo tôi, kéo bạn, kéo tác giả về với thực tại.
Bời bời nhớ đám bạn tôi
Dưới mênh mang nước Tháp Mười ngóng...Quê !
Họ là những người lính hy sinh mà chưa tìm ra phần mộ, hoặc giả họ đã tan vào mênh mông nước lớn, nước ròng Đồng Tháp Mười… Họ ngóng quê, tác giả mong họ được trở về quê, người viết mong và mong rằng bạn đọc cũng mong sự ngóng đợi của những người lính đã “mãi mãi tuổi hai mươi” sẽ được trở về quê hương dẫu có chịu cảnh “sè sè nắm đất kề bên” những “Này Lăng…” nguy nga cao lớn sừng sững cũng được…Nỗi niềm trăn trở này, nỗi ngóng quê vời vợi này với tác giả Trần Đức Thái là như vậy, nhưng có lẽ trên khắp các chiến trường còn nhiều lắm những “bời bời nhớ…” và không chỉ “dưới mênh mang nước Tháp Mười…” mà trong từng mạch nước, trong từng tấc đất nơi chiến tranh gieo tang tóc đều có sự hiện diện tương tự…
Ly rượu mang tên Chiều Nghĩa Trang của tác giả Trần Đức Thái vừa chưng cất từ những Tinh Chất cuộc đời, từ sự chiêm nghiệm cuộc sống bằng chữ Tâm một “chính nhân quân tử” Người viết đã thưởng thức xong và nhận thấy có vị đắng, vị cay, vị chát, chút men nồng tình cảm chứ không tìm thấy chút ngọt hay hương thơm nào từ dư hương của nó…
Có thể với tuổi đời và vốn sống còn có hạn, nên cách cảm nhận chưa đúng với tâm tư tác giả và phần đông bạn đọc, nhưng với tất cả những gì người viết có được sau những năm tháng lớn lên và trải nghiệm cùng tình yêu với thơ. Người viết đã cố gắng chuyển tải hết sức mình, cũng mong được lượng thứ nếu có sai sót…
Sài Gòn 20/10/2014
Huỳnh Xuân Sơn

VÀI CẢM NHẬN SAU KHI ĐỌC '' HỒI KÝ ĐỜI HỌC TRÒ ''CỦA HUỲNH XUÂN SƠN (CHUYỂN THỂ THÀNH THƠ TỪ ''HỒI KÝ ĐỜI HỌC TRÒ CỦA TÔI '' CỦA TÁC GIẢ HỒ NGỌC DŨNG )




Tôi may mắn là người cùng quê, người bà con, và là bạn văn chương của ông Hồ Ngọc Dũng ! Chính vì vậy các sản phẩm văn thơ của ông tôi được tiếp cận sớm và khá đầy đủ . Mới đây tập hồi ký '' ĐỜI HỌC TRÒ CỦA TÔI '' đã nhận được sự đồng cảm của Huỳnh Xuân Sơn và được chị chuyển thể thành thơ song thất lục bát rất ấn tượng, tài hoa !
Hồi ký bằng văn xuôi ĐỜI HỌC TRÒ CỦA TÔI dài 180 trang được cô đặc trong 2014 câu song thất lục bát qua ngòi bút tài năng của Xuân Sơn Huỳnh quả là việc làm không vừa sức một người ! Vậy mà cô gái trẻ đã làm được, làm tốt đến không ngờ trong khoảng thời gian kỷ lục: 10 ngày đêm! Ông Nguễn Tuấn Vũ ( người đầu tiên có công cho hồi ký văn xuôi được ấn hành) trong ''NHƯ MỘT LỜI CHIA SẺ ''''đã phải thán phục:'' Tôi không hiểu cô ấy ăn lúc nào ngủ lúc nào và thở lúc nào nữa,,'' Và '' Tất că 2014 câu thơ ấy mang đầy đủ hồn cốt cuốn sách, từ những nhân vật đến địa danh đều có đủ''( Nguyễn Tuấn Vũ),
Tôi đọc hồi ký văn xuôi rồi đọc hồi ký chuyển thể thành thơ và nhận thấy nội dung của hai tác phẩm ôm nhau rất sát, Song , với thế mạnh của thơ song thất lục bát cuộc đời học trò của Hồ Ngọc Dũng gắn liền với những thăng trầm của đất nước từ Cải cách ruộng đất(1955) đã được tái hiện rất sinh động, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối ! Và đây là những câu mở đầu :
Bàng thay lá bảy mươi mùa chẵn (1)
vẫn hiên ngang thẳng thắn góc sân
Bàng ơi qua những mùa xuân
Cội già chứng kiến bao lần buồn vui !

Còn tôi ! cũng bảy mươi mùa lá
Mong một lần bạn ghé qua đây
Bồng bềnh mái tuyết sương bay
Rút từng sợi thả đắng cay ngọt bùi (8)

Tám câu thơ đầu là một nốt thắt rất đáng giá để rồi mở toang cả cuộc đời đầy gian truân oan trái, làm đảo lộn cuộc sống an lành của một vùng quê, một gia đình, một cậu học trò tuổi 12 hồn nhiên hiếu học bởi sự oan sai của cuộc cải cách mà lịch sử dân tộc đã coi đó là một vết đen !
Cuốn hút người đọc từ phần 1 đến hết phần 25 của tập hồi ký hồn thơ Huỳnh Xuân Sơn tỏ ra không đuối sức mà càng tâm huyết dạt dào, Chị viết gần như quên ăn quên thở! Chị nhập tâm như chính cuộc đời mình! Hồn cốt văn xuôi được chị thổi hồn thơ mà tôi cứ nghĩ không dễ ai làm được!
Từng bước đi nạng nề u ám của thời cuộc như một bóng ma trùm lên cuộc đời của người cha lương thiện, làm hệ lụy cho cả gia đình và cậu bé ! Hồi ký- chuyện kể rằng:(năm 1955)'' Người có học! Ba tôi nhạy bén''(33)
''Ngày đêm canh cánh chuyện dòng mưu sinh''(36)'' Tháng ba năm ấy trời hồng'' (47)''Chiếc ghe xuống biển vượt dòng nước xanh''(48)! thế rồi bị quy là địa chủ, Và:
Gửi hờn tủi những ngày xưa đó(201)
Khi vừa xong đấu tố ở làng
Xếp ba loại tội nhẹ nhàng
Cho đi cải tạo hoang mang cả nhà(204)

Chưa dừng lại ở đó ! Số phận của người cha sẽ còn đi tới đâu, số phận của cả gia đình và cậu bé hệ lụy như thế nào mời các bạn hãy cùng đọc hết !

Quảng Bình nắng tháng năm đổ lửa(57)
Gios nam Lào bụng chứa nóng thiêu
Cảnh nhà đơn chiếc quạnh hiu
Ra sân nằm chõng ước nhiều bình yên (60)
,,,
Sông Nhật Lệ một dòng trong vắt(193)
đã bao giờ ai chắt gạn chưa ?
Giot nào nước mắt người xưa ?
Giot nào sương lẫn giọt mưa đầu nguồn ?

Thuyền ký ức căng buồm rẽ sóng
Ghé bến sông gió lộng đời tôi
Chở đi một mớ ngậm ngùi
Chở thêm niềm nỗi một thời đắng cay(200)

Huỳnh Xuân Sơn quê của cổ ở đâu xa lắc xa lơ trong Nam ngoài Bắc tôi không biết nữa, Ngay cả với tác giả Hồ Ngọc Dũng cũng chưa hề gặp cổ! Chị viết những câu thơ trên như vắt ra từ gan ruột của một người con Quảng Bình vậy!
Trong quá trình thẩm thấu hồi ký văn xuôi đến đồng cảm và nhập tâm hóa thân thành Hồ Ngọc Dũng Huỳnh Xuân Sơn đã năng động luồn tư duy bác học của mình vào những dòng văn xuôi nhẹ nhàng giản dị,cô đặc và nâng chúng lên thành những câu thơ sâu sắc, uyển chuyển càng ngẫm càng hay! Ta sẽ liên tục bắt gặp những khổ thơ đầy tâm huyết như vậy từ đầu cho đến cuối !
Qủa thật tôi không đủ khả năng viết hết những cảm xúc của mình khi đọc hồi ký
ĐỜI HỌC TRÒ CỦA TÔI của Huỳnh Xuân Sơn chuyển thể thành thơ từ hồi ký văn xuôi cùng tên của tác giả Dũng Hồ, Sự mở lòng của tôi chỉ mang tính gợi mở đến với bạn đọc gần xa mong tìm được sự cộng hưởng cho quá trình lan tỏa của tập hồi ký đầy cảm động này! Lựa chọn thể loại thơ song thất lục bát để chuyển tải hồi ký có thể coi là sự lựa chọn thông minh, bản lĩnh của cô gái trẻ đa tài ! Qua thư điện tử tôi có nói với Xuân Sơn rằng
:= Mình rất tâm đắc vì đây có thể coi là một hiện tượng đặc biệt trong đời sống văn học thời nay, rất lâu mới lặp lại, kể từ thời
CHINH PHỤ NGÂM !
= Anh so sánh gì mà khiếp thế ạ !
= Nói như vậy để chúng ta còn phải cần thêm sự lan tỏa của xã hội để giá trị đích thực của tác phẩm đến được với đông đảo bạn đọc gần xa !
Tôi muốn nói thêm rằng : cả 3 người: Hồ Ngọc Dũng, Nguyễn Tuấn Vũ và Huỳnh Xuân Sơn '' kết nghĩa '' với nhau đã lâu nhưng cả 3 vẫn chưa hề ''tay bắt mặt mừng''
Họ cùng yêu chung tập hồi ký, và cùng tâm đồng ý hợp thổi hồn cho hồi ký bay cao!

Lý Hòa - Quảng Bình 18 / 11 / 2014
Phạm Đức Hoan

*Để mừng sự kiện chú Hồ Ngọc Dũng vượt qua bạo bệnh thần kỳ..XS đăng bài viết này như một lời tri ân tới Tác giả Tập Hồi Ký cũng như tác giả bài viết..

"KINH NGHIỆM CỦA NGƯỜI LÍNH GỬI VỀ...'Của Huỳnh Phú Vang.


Cảm nhận khi đọc bài thơ :"KINH NGHIỆM CỦA NGƯỜI LÍNH GỬI VỀ...'Của Huỳnh Phú Vang.
Tôi là một CCB vì thế đề tài viết về người lính tôi hay quan tâm.một trong những cây bút để lại ấn tượng là những bài thơ ,bài bình của tác giả Huỳnh Phú Vang (Huỳnh xuân Sơn)như bài (kinh nghiệm của người lính gửi về...)này chẳng hạn.
Khi nói về chiến tranh chống Mỹ không ai có thể bỏ qua người bạn đồng hành cùng người lính đó là đôi dép cao su và chiếc gậy Trường Sơn,nó đã cùng người lính vào sinh ra tử trên khắp nẻo chiến trường,nó nâng chân người lính trên đường ra trận,đạp trên mọi chông gai vật nhọn sắc,băng qua lớp rào gai cùng với tiếng thét xung phong cho người lính xông vào đồn giặc giành chiến thắng.Đôi dép nó trung thành đến mức khi người lính ngã xuống có vẫn còn ôm chặt bàn chân ,nó âm thầm cùng người lính dưới lòng đất sâu kể cả đến 40 -50 năm sau khi tìm đồng đội gặp lại, nó mách bảo rằng : "cùng tôi đã có một người lính trẻ anh dũng ngã xuống nơi này vì quê hương đất nước"
Lá thư của người lính nào đó viết vội gửi về hậu phương đến hôm nay khi đọc chắc hẳn làm nhiều người lính nhớ lại một thời vừa rời ghế nhà trường nhập ngũ làm bạn cùng đôi dép ,có thể chủ nhân bức thư ấy còn sống hay đã hy sinh thì sự thật của một thời vẫn còn lưu lại đến giờ.
" Những ngày đầu
Dép và chân chưa hiểu nhau
Dép ghì xiết chân
Thành vết rộp phồng
Đông đội cùng nhau
Kim chỉ luồn qua lớp da phồng
Cho nước vàng rỉ dần theo mỗi bước hành quân"
Chắc hẳn bạn đọc cũng đồng tình với tôi lớp tuổi nhập ngũ chống Mỹ hồi ấy còn trẻ lắm , mười bảy đôi mươi, bàn chân còn non nớt chưa từng bươn trải cuộc sống ruộng đồng ..nên da rộp phồng khi hành quân đường dài là điều chắc chắn...Đời lính đồng nghĩa với cụm từ : Gian khổ hy sinh ...đoạn thơ này đưa tôi trở lại cái thời..."ngày ấy" .Đi dép qua giai đoạn "rộp
phồng" đến thời kỳ chai dạn :"Dép và chân hiểu nhau...chân không còn đau vì dép" Thì từ đây đôi dép là người bạn chân thành không thể thiếu nó góp phần bảo vệ tính mạng sự sống cho người lính ,thân thiết đến mức trong đêm tối khi đưa chân vào đôi dép lạ là bàn chân phát hiện ra ngay....
Qua hình ảnh đôi dép tác giả cho ta ôn lại một thời gian khổ oanh liệt của dân tộc ,có niềm tự hào đan xen sự thương tiếc nhớ nhung với những người lính trẻ đã hy sinh vì tổ quốc :
" Tưởng rằng chỉ còn là kỷ niệm mỗi khi có dịp nhớ về người lính tuổi 20 /Còn nằm đâu đó giữa đại ngàn Trường sơn...."
Qua bài thơ người đọc cũng như thế hệ bây giờ thấy được kinh nghiệm vượt gian khổ của những người lính chiến . Tưởng như là chuyện của quá khứ nhưng nó để lại bài học cho lớp người gặp gian khó về cuộc sống hiện tại...ví như cô "cháu gái" "đi bán dạo" chẳng hạn...Thì ra đôi dép cao su cũng như đôi dép của những người bán dạo là một vật "rẻ tiền" nó không thể sánh với những đôi dày da bóng si nhưng lại cho ta thấy quý mến gần gũi và phải cảm ơn nó ,làm cho ta đồng cảm với những hoàn cảnh gian khổ của con người .
Cảm ơn tác giả cho tôi nhớ lại một thời đã từng gắn bó với đôi đép cao su. Tôi nhớ như in đôi dép dã cùng tôi vượt Trường Sơn cùng tôi 6 năm trong chiến trường...Một chân dép bên phài mòn lộ nhiều sợi mành vải , phía bên trái lộ sợi vải ít hơn...nói tỉ mỉ như thế để tác giả bài viết hiểu tôi gắn bó với nó như thế nào...Giá như bây giờ nó có trong tủ "kỷ vật chiến trường" của tôi...tiếc thật.
Bài thơ nội dung đi sâu về đôi dép cao su, cũng như "Kinh Nghiệm" khi mang nó với những gian nan vất vả... Tuy vần điệu chưa để lại ấn tượng, nhưng đã cho tôi cảm xúc dâng trào để viết cảm nhận mộc mạc chân thành này . Chúc tác giả có nhiều niềm vui và có nhiều bài viết hay về kỷ niệm chiến trường.


Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

ƯỚC CỦA TÁC GIẢ TRẦN NGỌC BẢO


Ước

Ước anh là nước cho em tắm,
Choàng cả thân em trắng nõn nà
Nắng thèm hóa dại,không dám ngắm,
Gió ghen đành chịu,chỉ cười xòa!


Tác giả Trần Ngọc Bảo lấy động từ độc lập Ước đặt tựa đề cho bài thơ tình của mình hẳn ông phải có nguyên do...Người viết không cùng thế hệ với ông nhưng vẫn muốn đi tìm xem ông đã viết Ước với ước mong gì và đâu là nội dung mà Ước muốn chuyển tải.
Tác giả vào đề theo cách trực khởi "ước anh làm nước cho em tắm". Thơ tự do viết theo khuôn khổ bài tứ tuyệt vốn chỉ hai mươi tám chữ. Ý thơ được ông khai triển rất rõ ràng để chủ thể trữ tình Anh Ước ngay "làm nước".Rồi chẳng cần rào đón gì thêm, hoặc chưa ai thắc mắc lại vội trả lời luôn "cho em tắm".Chỉ có bảy từ qua sự sắp xếp của tác giả mà nhịp thơ toát lên sự nôn nóng vội vàng...
Có lẽ với chủ thể Anh thì lúc này bản lĩnh "nam nhi chi chí" chỉ còn tập trung vào mỗi nỗi việc ước được làm nước, chẳng phải là nước biển mênh mang để mà "Anh muốn làm sóng biếc hôn mãi cát vàng em",như ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Rất đơn giản rất thật chủ thể Anh của tác giả chỉ muốn làm nước "cho em tắm". Phải chăng lúc này Anh đang múc nước cho em tắm hoặc giả đang nhìn Em tắm từ một góc khuất nào đó...Có thể lắm chứ, bởi tâm trạng của chủ thể anh lúc này không khác là mấy so với nhà thơ Nguyễn Khôi viết trong Ao Làng.
"Cái đêm hè ấy ai ra tắm
Để cả bầu trời phải tắt trăng "Nguyễn Khôi thi sĩ chỉ nhìn người thiếu nữ tắm ở Ao làng mà ông đã cảm rằng, trăng trên trời còn phải tắt, trước thân thể ngọc ngà đang được làn nước vuốt ve mơn trớn kia...
Xin quay trở lại với Ước của tác giả Trần Ngọc Bảo.Khi giai nhân tắm dẫu vô tình hay cố ý chủ thể Anh được chiêm ngưỡng. Có lẽ không chỉ mình Anh mà còn tác giả và không ít các Nam Thanh khác nữa có chung nỗi khát khao hoặc giả ước muốn được"là nước cho em tắm"..Điều ấy được minh chứng trong câu sau ngay đây thôi
"Choàng cả thân em trắng nõn nà". Người viết xin được nhờ tác giả hỏi dùm chủ thể anh rằng :liệu Anh có chối là đang nhìn Em tắm nữa hay không? Anh không nhìn sao lại biết "trắng nõn nà" Và có lẽ cũng chính cụm từ "thân em trắng nõn nà" ấy là nguyên nhân Anh bật ra Ước! để tác giả gửi gắm vào bài thơ tình đầy tính chân thực rất đời và rất thật mang tên Ước mà người viết đã vừa đồng hành qua nửa chặng
Vâng lúc này chỉ có làm làn nước trong mới "choàng cả thân em" được mà thôi!Một nỗi khát khao rất thật, rất đời,mà có lẽ rất nhiều người khi rơi vào cảnh này dù vô tình hay cố ý cũng sẽ Ước như chủ thể Anh thôi!
Trước khi vào câu thứ ba người viết cứ ngẫm nghĩ về câu nói của nhà giáo, học giả Trần Trọng Kim, thơ tứ tuyệt “uyển chuyển biến hóa bởi câu thứ ba. Nếu câu ấy chuyển biến khéo thì câu thơ thứ tư tự trôi đi như thuyền thuận nước”.
Với tác giả Trần Ngọc Bảo thì câu thứ ba của ông là "Nắng thèm hoá dại không dám ngắm". Người viết tới đây có một chút thắc mắc nếu động từ Thèm tác giả thay bằng từ khác vần trắc bài thơ sẽ đúng luật Tứ Tuyệt vì không bị thất luật.Người viết nghiêng về ý tác giả cố tình để thất luật nhưng khi Biên tập viên duyệt lại xếp vào thơ 7 chữ...(mọi phỏng đoán đều có thể không đúng và cũng có thể đúng. Câu trả lời xin nhờ tác giả)..
Câu thơ thứ ba có những động từ thèm , hoá và ngắm thể hiện ý muốn niềm mong của chủ thể Nắng...Chứ không còn liên quan tới chủ thể Anh nữa? Phải chăng tác giả đã thi vị hoá nỗi niềm của anh mà đẩy sang bắt Nắng gánh chịu cái thèm muốn, cái hoá dại, cái không dám ngắm của Anh chăng?
Dẫu là Nắng hay là Anh thì cái sự "không dám ngắm" sau khi "thèm hoá dại" ấy chính là bản lĩnh chế ngự ham muốn của người quân tử đại trượng phu.
Khi tác giả đưa bạn đọc qua câu thứ ba với việc mượn nắng để thể hiện bản lĩnh của chủ thể Anh, hẳn nhiên người viết bước vào câu thứ tư, câu kết của Ước rất nhẹ nhàng như "thuyền thuận nước".
Gió ghen đành chịu chỉ cười xoà".Một câu kết không thể đẹp hơn cho Ước! Nắng, Gió vào thơ của tác giả Trần Ngọc Bảo được gắn cho những động từ chỉ trạng thái bỗng nhiên Nắng Gió như có tâm hồn và nó đã gánh được tâm tư nỗi niềm cùng những khát khao và ước mong của chủ thể Anh sau khi "Là nước cho em tắm"...
Phải chăng ẩn sau những ngữ nghĩa ta đã thấy ở trên của Ước, thì ở hai câu cuối còn thấy một tầng ý sâu xa nữa.Ngời viết xin lạm bàn một chút theo thiển ý của người phụ nữ ..
Khi Làn nước Anh muốn Choàng và đã choàng được cả thân Em, là khi ấy Anh đã sẵn sàng che chở, bảo vệ Em ,trước Nắng lãng tử đa tình muốn nhìn như thiêu đốt,hay trước Gió cũng muốn quấn quít bên em! Có Anh thì dẫu kẻ khác có muốn cũng không dám và có ghen tức cũng đành chịu mà thôi!
Đâu đây phảng phất những ý thơ đồng cảm của nhà thơ Trần Zạ Lữ "Từ em vén mái tóc tiên.Gió mê muội gió anh điên đảo đời"...
Bấy nhiêu thôi cũng đủ cho người viết cảm nhận một tâm hồn lãng mạn trong vóc dáng và khối óc của vị phó tiến sĩ khả kính nhà thơ Trần Ngọc Bảo. Người viết như đã nói ở phần đầu không cùng thế hệ với tác giả, lại là phụ nữ nên những cảm nhận suy nghĩ ở trên đều mang tính nhận định chủ quan với góc nhìn một chiều..Nếu như có thiếu sót cũng xin nhận sự bao dung của tác giả cũng như bạn đọc.
Sài Gòn 12/4/2014
Huỳnh Xuân Sơn






BÀI THƠ HỒI MÔN CỦA TÁC GIẢ CÔNG NHUỆ


BÀI THƠ HỒI MÔN

Tặng Điệp – con gái út

Bố vẫn nhắc mình món nợ với con yêu
Bài thơ nhỏ chia tay ngày con cưới
Nỗi lòng thôi – mà sao không viết nổi
Để vui buồn cuốn theo bụi xe hoa.

Ai đó bảo con về nhà người ta
Không phải thế! Con về nhà con chứ!
Bố linh cảm con như là dảnh mạ
Về chân ruộng xa - con xây vụ riêng mình.

Con bị điếc câm từ lúc mới sinh
Với vườn ta con là hoa đốt cuối
Mọi yêu thương đổ dồn như tắm tưới
Nên hồn con, bố thấy cứ mỏng manh.

Và suốt đận mình con là mầm xanh
Con tha thẩn cảm đời qua đôi mắt
Ngôn ngữ bàn tay(*) nói điều suy nghĩ thật
Dòng chảy đời, con hòa nhập như không.

Nhỏ to gì, nồi cũng phải có vung
Con phơi phới về phía đời trả chỗ
Bắt đầu đấy, làm dâu và làm vợ
Cuộc đời mà, đừng vòi vĩnh gì hơn.

Bố vừa mừng vừa lo cho con
Cho bố nữa, chuyện cõi người là thế
Đến bao giờ để con thành lúa
Trĩu hạt mình trong nắng táp mưa buông.

Con gái út ơi!
Thế là bố đã tròn
Bài thơ nhỏ cộng vào hồi môn đấy!
Bố còn phải đi
Con cũng đi đi…đừng vội!
Đừng để hồn khuyết tật đấy con yêu! Công Nhuệ
(*) Người câm điếc nói bằng ngôn ngữ ký hiệu bàn tay.

Một trong những lần vào mạng đọc thơ tôi đã gặp tác phẩm Bài Thơ Hồi Môn của tác giả Công Nhuệ. Bài thơ dẫn tôi xuôi theo từng từ, từng câu, tới câu kết cơn sóng trong lòng xô tôi ngược trở lại từ câu cuối cùng nên câu mở đầu .
Bài Thơ Hồi Môn được viết theo thể thơ Tự do, với những ngôn từ bình dị nhưng chứa chất một khối tình nặng trĩu, của người cha nhất mực yêu thương "hoa đốt cuối". Trong vườn nhà, bông hoa út ít ấy mỏng manh lắm, nên :"Mọi yêu thương đổ dồn như tắm tưới"...
Lời hứa của người cha ngày con gái về nhà chồng sẽ có bài thơ làm của hồi môn, nhưng ông đã không viết được. Rồi từ buổi ấy cho tới khi ông âu yếm nói với con gái:
Con gái út ơi!
Thế là bố đã tròn
Bài thơ nhỏ cộng vào hồi môn đấy!
Là bao lâu? Ông không nói chỉ biết rằng những lời thơ tuôn chảy xuôi dòng suối tình cha hiền hoà, róc rách nghe như lời ru thủa "hoa đốt cuối" còn nằm nôi.Đôi lúc ào ào tuôn chảy như khi "hoa đốt cuối"cùng "vui buồn cuốn theo bụi xe hoa." Lúc thâm trầm suy tư như đang ngừng chảy "chuyện cõi người là thế"...Lúc lăn tăn gợn sóng xanh rờn hy vọng rằng "dảnh mạ non" sẽ có một ngày "thành lúa.Trĩu hạt mình.." dẫu " trong nắng táp mưa buông."...
Dòng suối ấy cuốn người viết theo và ngay lúc này người viết rất mong bạn đọc cùng xuôi dòng với tác giả Công Nhuệ .
Thông thường với người dân Á đông thì con gái luôn gần gũi với mẹ, khi lấy chồng nỗi lo lắng căn dặn cũng là mẹ...Rất ít khi là cha, tác giả Công Nhuệ với Bài Thơ Hồi Môn có lẽ là trường hợp đặc biệt. Bởi cô con gái út của ông cũng là một thiếu nữ đặc biệt bởi:


Con bị điếc câm từ lúc mới sinh
Với vườn ta con là hoa đốt cuối
Mọi yêu thương đổ dồn như tắm tưới
Nên hồn con, bố thấy cứ mỏng manh.

Và suốt đận mình con là mầm xanh
Con tha thẩn cảm đời qua đôi mắt
Ngôn ngữ bàn tay(*) nói điều suy nghĩ thật
Dòng chảy đời, con hòa nhập như không.


Thật cảm động với hai khổ thơ khắc hoạ về cô con gái út mà ông gọi là "hoa đốt cuối".
"Hoa đốt cuối" là cô bé khuyết tật, nhưng người xưa đúc kết "giàu hai con mắt khó đôi bàn tay" ."Hoa đốt cuối "vì không nghe được nên đã không nói được. Nhưng còn hai bàn tay và đôi mắt cùng sự "yêu thương đổ dồn như tưới tắm" của cả nhà và có lẽ rất nhiều từ người cha nên dẫu "suốt đận mình" bông hoa ấy "là mầm xanh" và chỉ "Cảm đời qua đôi mắt." Hoa đốt cuối vẫn "hoà nhập như không" dẫu mọi giao tiếp để nói lên "suy nghĩ thật" đều bằng "ngôn ngữ bàn tay".Với cả nhà "hoa đốt cuối" và trong tâm người cha thì "hoa đốt cuối luôn mang trong mình một tâm hồn "mỏng manh".
Người làm cha làm mẹ ai cũng lo lắng cho con như thế, nhưng với "hoa đốt cuối" thì có lẽ người cha lo lắng hơn gấp nhiều lần.
Cha mẹ anh chị chăm sóc nuôi dưỡng tâm hồn "hoa đốt cuối". Đưa "hoa đốt cuối" hoà nhập vào "dòng chảy đời". Rồi một ngày "hoa đốt cuối" mong manh ấy trưởng thành.Người cha hẳn vui mừng lắm nhưng cũng là bắt đầu một nỗi lo khác


Nhỏ to gì, nồi cũng phải có vung
Con phơi phới về phía đời trả chỗ
Bắt đầu đấy, làm dâu và làm vợ
Cuộc đời mà, đừng vòi vĩnh gì hơn.

Bố vừa mừng vừa lo cho con
Cho bố nữa, chuyện cõi người là thế

............
Thêm sáu câu thơ nữa xuôi dòng trong lặng sóng với tâm tình của người cha chất chứa suy tư, bên "hoa đốt cuối" đang "phơi phới về phía đời trả chỗ". Nỗi lòng người cha vẫn luôn coi "hoa đốt cuối" mỏng manh, yếu đuối hay "vòi vĩnh". Phải chăng với ông "hoa đốt cuối" chiếm phần lớn những vui buồn trong cuộc sống hàng ngày, "hoa đốt cuối" vui, ông vui và ngược lại..
"Bắt đầu đấy" ba từ ấy, như là lời nhắc nhở "hoa đốt cuối" về chặng đường phía trước,mà lại như người cha tự nhắc nhở mình bắt đầu một nỗi lo khác...
Có lẽ là lo lắng quá cho "hoa đốt cuối" nên ông sợ vậy thôi! "hoa đốt cuối" của ông nay đã trưởng thành rồi, biết "làm dâu và làm vợ", người viết đã rất muốn gửi lời chia sẻ như thế tới tác giả Công Nhuệ.
Dòng suối tình cha êm ái và sâu sắc vừa đưa ta tới khúc quanh cũng chính là điểm nhấn cho cả dòng chảy


Ai đó bảo con về nhà người ta
Không phải thế! Con về nhà con chứ!
Bố linh cảm con như là dảnh mạ
Về chân ruộng xa - con xây vụ riêng mình.
........................
Đến bao giờ để con thành lúa
Trĩu hạt mình trong nắng táp mưa buông.


Sáu câu thơ với những ngôn từ bình dị,dễ hiểu không hoa mỹ không sử dụng những "ngôn từ bác học" mà sao thơ chất trong thơ
"dâu là con " vẫn nghe, vẫn biết, mà sao khi đọc câu thơ người cha gửi gắm vẫn nghẹn ngào xúc động."con về nhà con chứ". Với tấm lòng và tâm tư người cha như vậy thì tác giả ơi! Chắc chắn (chứ không phải là linh cảm) "dảnh mạ non" kia dẫu có phải "về chân ruộng xa" đi nữa nó vẫn đang và sẽ sinh sôi chờ ngày "thành lúa.
Trĩu hạt mình ..."
Và giờ đây thì ông đã không còn phải day dứt trăn trở vì:
Bố vẫn nhắc mình món nợ với con yêu
Bài thơ nhỏ chia tay ngày con cưới
Nỗi lòng thôi – mà sao không viết nổi
Để vui buồn cuốn theo bụi xe hoa.

Mà ông đã viết ra, viết xong tâm tư nỗi niềm người cha.Bài Thơ Hồi Môn đã vào đoạn kết cũng là một chút thanh thản trong lòng người cha khi nói với con:


Con gái út ơi!
Thế là bố đã tròn
Bài thơ nhỏ cộng vào hồi môn đấy!
Bố còn phải đi
Con cũng đi đi…đừng vội!
Đừng để hồn khuyết tật đấy con yêu!

Dòng đời vẫn cứ lặng lẽ trôi cuốn theo những gì nó chảy qua. Biết là thế nhưng khi đọc "bố còn phải đi" nhất là từ còn sao nó nặng trĩu kéo chùng cả khổ thơ xuống. Người cha dẫu không muốn thì cũng phải xa con. Ông đi về phía chân trời,gần phía hoàng hôn đang buông xuống thấp thật thấp. Chung một con đường ấy "Hoa đốt cuối" của ông đang đi phía sau. Lời ông gửi gắm cho con mới thật đắt "con cũng đi đi" nhưng không như cha, con "đừng vội"...Nếu như dừng lại, với người bình thường lành lặn, cũng sẽ lạc dòng lệch bến, huống chi "hoa đốt cuối " của ông mong manh là thế. Hãy từ từ không vội, cứ đi là sẽ đến . Dẫu cho "hoa đốt cuối có một chút khiếm khuyêt về thân thể nhưng tin chắc với sự chăm sóc nâng niu phần xác và được nuôi dưỡng phần hồn từ một trụ cột gia đình và là người cha như tác giả thì "hoa đốt cuối" sẽ toả hương thơm ngào ngạt, chờ ngày gần kết trái ngọt trong khu vườn mới !
Ngời viết và mong rằng bạn đọc cùng cầu chúc và tin rằng "hoa đốt cuối" một thiếu nữ và nay là một thiếu phụ luôn có tâm hồn tròn vạnh trong veo...dẫu một chút khiếm khuyềt về thân thể!
Bài thơ vừa kết .Với tình cảm nỗi lòng người cha cứ ngỡ "không viết nổi" như bao người khác.Nhưng ông đã hoàn thành tâm nguyện gửi cho con gái yêu, bài thơ làm của hồi môn.Một món quà vô giá một thông điệp sâu sắc đậm chất nhân văn, chan chứa tình cảm...
Người viết là phụ nữ tuổi đời và vốn sống chưa nhiều..những cảm nhận trên đây ít nhiều mang tính nhận định chủ quan. Xin được coi đây là tình cảm, là sự cảm thông, là lời chia sẻ của một người Bạn mà cho đến nay, đã và vẫn may mắn có một thân hình lành lặn, một cuộc sống hạnh phúc, viết tặng cho người cha nhà thơ Công Nhuệ và cô con gái út tên Điệp của ông!
Sài Gòn 13/4/2015
Huỳnh Xuân Sơn

http://nontan.blogtiengviet.net/2014/12/06/bai_th_c_a_h_i_mon#comments

MẢNH ĐỜI THỪA CỦA TÁC GIẢ PHẠM HOÀNG TUYÊN.



MẢNH ĐỜI THỪA

Ba nó mất khi nó vừa lên sáu
Mẹ nó ngầm thương tiếc tuổi xuân trôi
Sợ nhạt màu má thắm với son môi
Nên lặng lẽ bên đời - thêm bước nữa

Nó ngây thơ nào có đâu chọn lựa
Khi đắng cay người lớn đã ban dành
Ngày qua ngày trong chiếc áo mong manh
Về với Nội cả hai cùng nương tựa

Nó phụ bà đi hái rau mót lúa
Nhặt ve chai tìm manh áo chén cơm
Đời âm thầm rồi cho đến một hôm
Bà thấy Nó dắt về thêm đứa bé

Đến bên bà nó buông lời thỏ thẻ
- Cháu còn có bà, chứ nó chẳng còn ai! (Phạm Hoàng Tuyên)
Mười bốn câu thơ tự do, với những ngôn từ đơn giản, được trau chuốt kỹ lưỡng, trước khi sắp xếp.Nhằm chuyển tải những ý thơ như những gam màu xám, được tác giả vẽ đậy trên nền bức hoạ màu xanh ngăn ngắt tình người.Níu kéo tâm tư người đọc chùng xuống theo sức nặng của hồn thơ.
Người vẽ - tác giả Phạm Hoàng Tuyên- đã cố tình để lộ một phần phông nền màu xanh hy vọng, không thể phai mờ theo năm tháng ấy. Nếu ai để ý sẽ bắt gặp và người viết đã là một người trong số ấy...
Mảnh Đời Thừa! với câu thơ mở đầu đã giật phăng bức mành chắn cho bạn đọc nhìn trực diện vào Nó:
Ba nó mất khi nó vừa lên sáu
Ca dao ông bà ta để lại có câu:
Mồ côi Cha ăn cơm với cá,
Mồ côi Mẹ lót lá mà nằm! (Ca dao)
Với hai câu này thì người mẹ lại là người quan trọng chứ chưa phải là người cha ...Nó không may mất cha nhưng còn mẹ.Hy vọng vừa kịp loé sáng khi câu ca dao ấy xuất hiện, Lại vụt tắt trong tích tắc vì
Mẹ nó ngầm thương tiếc tuổi xuân trôi
Sợ nhạt màu má thắm với son môi
Nên lặng lẽ bên đời - thêm bước nữa!

Nó ngây thơ nào có đâu chọn lựa
Khi đắng cay người lớn đã ban dành
Ngày qua ngày trong chiếc áo mong manh
Về với Nội cả hai cùng nương tựa
Bảy câu thơ không có một từ nào khó hiểu, như chính những nét vẽ mà tác giả Phạm Hoàng Tuyên phác hoạ. Nó lên sáu tuổi, cha nó mất, Có lẽ chưa kịp có em chứ Nó không có anh chị, Vậy suy ra mẹ nó còn trẻ. Phụ nữ Á Đông vẫn được răn dạy theo "tam tòng tứ đức" nhưng thời hiện đại hôm nay mà đòi hỏi một thiếu phụ trẻ phải "ở vậy" thờ chồng nuôi con thì thật khó. Có lẽ vì mẹ Nó còn "má thắm" và đang thì "Xuân trôi" nên: Mẹ Nó đi "Thêm bước nữa"! Nó có lẽ chưa biết hát, hoặc giả mẹ nó chưa kịp ru nó ngủ hay dạy nó hát câu:
Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai? (ca dao)
Nên Nó "nào có đâu chọn lựa" khi mà "người lớn đã ban dành". Hai chữ ban và dành mới chua xót làm sao? Ban tặng, hay dành tặng cho cuộc đời của Nó "Những cay đắng"! Hoặc giả ông trời đã định đoạt rồi ban tặng, dành tặng cho Nó phải sống cảnh "ngày qua ngày trong chiếc áo mong manh".Thiếu thốn về vật chất, lại thêm "mồ côi cha" mà chẳng được "ăn cơm cá". Không biết trong sáu năm may mắn cuộc đời nó còn đủ cha mẹ ấy, Nó có được ngày nào "Còn Cha gót đỏ như son..."(ca dao) hay không?Nhưng giờ thì sau khi "Cha mất" thì ".. gót con đen sì!(Ca dao) đã thấp thoáng trên dấu chân non nớt của nó rồi.
Tới đây dẫu tác giả không! hoặc giả không nỡ để mình là người đàn ông và để một đứa trẻ mới sáu tuổi lên án người mẹ. Nhưng người viết là mẹ của hai đứa con đã chớm trưởng thành thì bức xúc vô cùng và muốn gửi cho người mẹ ấy mấy câu ca dao sau
Mẹ ơi, mẹ bạc hơn gà
Con chưa lẻ mẹ, mẹ đà lẻ con!
Mẹ ơi, trái bí còn non
Cầm dao mẹ cắt ruột con sao đành!(Ca dao)
Xin bạn đọc cùng lắng lòng để trở lại và đi tiếp cùng với tác giả Phạm Hoàng Tuyên
Nó phụ bà đi hái rau mót lúa
Nhặt ve chai tìm manh áo chén cơm
Có câu "Sểnh cha còn chú, Sểnh mẹ bú dì" Nó không được may mắn như thế Nó về ở với Bà Nội. Hai câu thơ đã vẽ xong cảnh nhà đơn chiếc và khó khăn, hai bà cháu rau cháo qua ngày nhờ vào sức lao động của một đứa bé sáu tuổi, cùng bà nội của Nó có lẽ đã không còn nhiều sức khoẻ nữa, nên mới phải "hái rau, mót lúa, nhặt ve chai.."
Tới đây người viết bỗng phảng phất nỗi lo "Con hư tại mẹ cháu hư tại bà" bởi Cha của Nó cũng là con trai của bà nội nó đã không còn...Mọi yêu thương hoặc giả nuông chiều ( nếu có) bà sẽ giành hết cho đứa cháu côi cút là Nó.
Nhưng điều gì và chuyện gì cũng đều có ngoại lệ.
Điều ngoại lệ ấy khiến cho người đọc vỡ oà niềm vui, niềm hạnh phúc, không chỉ cho Nó, cho bà nội Nó, cho tác giả và có lẽ là cho cả người mẹ sinh ra nó, cũng như vong linh bố Nó...
Bài thơ đã lan toả niềm vui ấy sang người viết và có lẽ không ít bạn đọc nữa:
Đời âm thầm rồi cho đến một hôm
Bà thấy nó dắt về thêm đứa bé

Đến bên bà nó buông lời thỏ thẻ
- Cháu còn có bà, chứ nó chẳng còn ai!
Bôn câu thơ cuối là niềm tin ở thê hệ trẻ ngày mai, là hy vọng vào lòng nhân ái của con người. "Lá lành đùm lá rách". Nó còn quá nhỏ để hiểu về nhân tình thế thái, để hiểu về tình đời nhiều lúc "bạc trắng như vôi", Nó có lẽ cũng chưa thể lường trước về việc nuôi thêm một đứa trẻ cùng với Nó, dẫu chỉ "rau cháo" có là quá sức với bà nội của Nó hay không? Nó chỉ biết "thỏ thẻ" với bà rằng "Cháu còn có bà nó chẳng có ai". Có nghĩa tự đáy lòng nó đã biết nhận thức Nó mất cha, mẹ đi bước nữa, nhưng may mắn còn có bà. Một mảnh đời thừa khác mà nó gọi là Nó xuất hiện,còn kém may mắn hơn, vì "chẳng còn ai" Hai chữ còn trong một câu thơ cũng là câu nói xuất phát từ bản tính thiện của Nó khiến cho ngưọc đọc có quyến hy vọng vào một ngày mai tươi sáng của nó.
Trong xã hội hôm nay, nhìn quanh không thiếu những cô bé, cậu bé có đủ cha, đủ mẹ, lại được sống trong thừa thãi vật chất nhưng có một tâm hồn méo mó...Để rồi lớn lên ăn chơi lêu lổng không chịu học hành, thậm chí đua đòi hút chích...
Từ xa xưa đã có rất nhiều những đứa trẻ mồ côi cha như Nó nhưng lớn lên lại công thành danh toại.
Như Vua Đinh Tiên Hoàng mà theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:"Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự hiểu kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn ông làm trưởng."
Gần đây hơn nữa là ngài Bill Clinton Tổng thống thứ 42 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ! Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì: Ông mồ côi cha từ trong bụng mẹ và "Billy được nuôi dưỡng bởi mẹ và cha kế.... Cậu bé lớn lên trong một gia đình truyền thống, nhưng cha kế của cậu, nghiện cả rượu và cờ bạc, thường ngược đãi mẹ cậu, và đôi khi, cả người em cùng mẹ khác cha với ông"
Một cậu bé chăn trâu mồ côi cha về ở với chú ..Lớn lên thành vị Vua được tôn kính của nước Việt, Một Cậu bé môi côi cha phải sống với người cha dượng nghiện rượu,nghiện cờ bạc ...Vẫn trở thành Tổng Thống của nước Mỹ hùng mạnh đứng đầu cả thế giới....
Điều đó cho người viết nuôi dưỡng niềm hy vọng Nó với bản tính thiện và được nuôi dưỡng dạy dỗ từ Bà Nội. Một ngày kia cậu sẽ trưởng thành cùng với rất nhiều chữ Thành đi theo đúng nghĩa, để cuối cùng Nó đứa trẻ mồ côi cha lúc sáu tuổi lại thiếu bàn tay săn sóc của mẹ Thành Nhân.. Và có lẽ để hy vọng ấy thành sự thực không thể thiếu sự đùm bọc yêu thương chở che của những người tốt xung quanh Nó trên đường đời vốn không bằng phẳng...
Cám ơn tác giả Nguyễn Hoàng Tuyên với tác phẩm Mảnh Đời Thừa.Người viết có dịp đồng hành với những câu thơ viết về cuộc sống, cũng như nhân tình thế thái quanh mình. Rất may mắn người viết chưa từng trải qua bất kỳ một tâm trạng nào của tất cả những chủ thể trong Mảnh Đời Thừa. Mọi cảm xúc khi trải lòng vào câu chữ trong bài viết này, đều mang tính chủ quan với góc nhìn một chiều. Rất mong nhận được sự bao dung của tác giả cũng như bạn đọc nếu như có điều gì sai sót.
Sài Gòn 14/4/2015
Huỳnh Xuân Sơn

KHÁT CỦA TÁC GIẢ HOÀNG DUNG


Với tác giả Hoàng Dung người viết chưa được gặp mặt và cũng chỉ mới gặp chị qua Rỗng...cùng vài tác phẩm khác nữa. Bấy nhiêu cũng đủ để mỗi khi rảnh dỗi người viết lại đi tìm hai chữ Hoàng Dung,Trôi theo mênh mông dòng chảy câu chữ rất riêng, rất đặc biệt của chị Khát là một điểm nhấn cuốn hút người đồng hành cắm sào neo thuyền dừng lại

KHÁT

Nắng tháng ba khát mưa về tắm gội
Gột rửa đi bụi lấm trần gian
Đêm dị mộng khát cùng chung gối
Tan vào nhau lên đỉnh thiên đàng

Trăng non khuyết khát đêm rằm vành vạnh
Soi bóng Hằng ôm Cuội lả lơi
Đêm sâu khát tiếng ru hời
À ơi một khúc tình chơi vơi tình

Cát bỏng rát giữa trưa mùa hạ
Sóng vô tình vội vã ra khơi
Nghẹn lòng biển khóc không lời
Sóng xô lỡ nhịp một đời khát nhau (Hoàng Dung)

Khát! Một trạng thái mà hầu như trong mỗi chúng ta ai cũng từng trải qua. Khát nước, khát vọng, khát khao, Khát..và Khát...Tuy nhiên mỗi người khi khát đều mong muốn thoả mãn cơn khát của mình. Khát nước thì đương nhiên tìm nước uống sẽ hết, Khát vọng, và bao nhiêu cái Khát khác nữa có thoả mãn hay không thì mỗi người có một kết quả khác nhau.Biết là thế nhưng người viết vẫn muốn đi tìm trạng thái Khát của tác giả Hoàng Dung:
Nắng tháng ba khát mưa về tắm gội
Gột rửa đi bụi lấm trần gian
Đêm dị mộng khát cùng chung gối
Tan vào nhau lên đỉnh thiên đàng
Tháng ba buổi giao mùa giữa xuân và hạ..Sau những cơn mưa phùn ẩm ướt của mùa xuân, cỏ cây vạn vật đương nhiên Khát những trận mưa rào đầu hạ.Hiện tượng tự nhiên của thời tiết gắn với từ Khát thứ nhất chỉ có vậy.Thế nhưng theo sau nó lại là "về tắm gội.Gột rửa đi những bụi bặm trần gian".
Phải chăng còn một ẩn ý khác núp bóng sau câu chữ .Một chủ thể đang Khát khi đã bước vào tuổi cuối xuân thì. Dòng đời dẫu chỉ mới vừa qua tuổi xuân, vậy mà cái nắng đầu hạ đã đốt cháy tâm tư lấm lem bụi "trần gian". Giờ đây đang đứng giữa buổi giao mùa mà cảm nhận, mà thấm thía cơn "Khát mưa"!
Mưa nào "gột rửa" được "bụi lấm trần gian"? Mưa đầu hạ cũng chẳng thơ mộng dịu dàng lắm đâu, nó có lúc dạt dào, lúc lại xối xả gắt gao và đôi lúc cũng bơ vơ lạc lõng lắm...Phải chăng Khát này không thể giải toả được sao?
Một trạng thái Khát nữa xuất hiện trong khổ thơ này khiến cho tâm tư người đọc chùng xuống. "Đêm dị mộng khát cùng chung gối.". Đêm chỉ có một màu đen huyền bí, sẽ là không đúng khi bắt Đêm có dị mộng. Nhưng sẽ là rất tuyệt, khi nhờ đêm để gửi gắm nỗi cô đơn trống trải trong lòng người. Người ta khi"đồng sàng mà dị mộng",với sự đồng loã của màn đêm yên tĩnh thì cái sự Khát khao "cùng chung gối" sẽ là vô cùng vô tận...
Để rồi khi cơn Khát ấy được thoả mãn thì cảm giác "tan vào nhau lên đỉnh thiên đàng" là có thật
Trăng non khuyết khát đêm rằm vành vạnh
Soi bóng Hằng ôm Cuội lả lơi
Đêm sâu khát tiếng ru hời
À ơi một khúc tình chơi vơi tình
Thêm hai trạng thái Khát khác nữa xuất hiện "trăng non khuyết khát đêm rằm vành vạnh".Tại sao Hằng ôm Cuội lại phải chờ trăng rằm tròn vạnh mới soi bóng. Phải chăng đó là xuất phát điểm cho cơn Khát trong vòng tay tình ái của nhân vật trữ tình núp sau bóng chị Hằng Và chú Cuội...Điều đó có lẽ sẽ rõ hơn trong cái sự Khát thứ hai vừa đến. "Đêm sâu.."? phải chăng có một đêm khác nữa nông , hay bàng bạc màu huyền bủa giăng người phụ nữ ẩn sau bóng chị Hằng.Để giờ đây có một Đêm sâu thăm thẳm, như chính nỗi trống rỗng trong tâm hồn người thao thức, để mà bật lên nỗi khao"khát tiếng ru hời".Vâng người viết cũng rất đồng tình với nỗi khát khao đặc biệt này. Đêm mênh mông chẳng thể khoả lấp nỗi trống vắng đơn côi trong lòng người. Một khúc "à ơi!" tự tình dẫu có "chơi vơi" vẫn phần nào giúp phá tan cái khoảng trống vô hình mà hiện hữu khi đêm về. Nó phải chăng tỷ lệ thuận với thời gian, đêm càng sâu nỗi khát khao càng lớn...
Cát bỏng rát giữa trưa mùa hạ
Sóng vô tình vội vã ra khơi
Nghẹn lòng biển khóc không lời
Sóng xô lỡ nhịp một đời khát nhau
Bốn câu thơ kết tả thực về bờ cát, sóng biển và nắng nóng "giữa trưa mùa hạ". Sẽ là không có gì để bàn cãi về chuyện muôn thủa của sóng và bờ cát, nếu như không có trạng thái Khát xuất hiện, Không còn khát mưa, khát chung gối, khát tiếng ru, hay khát vòng tay tình ái lả lơi nữa..Mà họ hai nhân vật trữ tình ẩn sau câu chữ chỉ vì " Sóng xô lỡ nhịp" mà phải chịu đựng "một đời khát nhau".
Phải chăng vì cái nắng nóng "giữa trưa mùa hạ" như thiêu đốt,khiến cho "cát bỏng rát".Nếu như cơn sóng xanh hay bạc đầu cũng được, chẳng "vô tình vội vã ra khơi". Biển sẽ chẳng phải "nghẹn lòng" và có lẽ cũng không có ai phải "một đời khát nhau".
Bài thơ Khát vừa khép lại với một trạng thái Khát! Có lẽ đời này kiếp này lỡ phải "một đời khát nhau" sẽ không bao giờ thoả mãn được...

Cám ơn tác giả Hoàng Dung cùng với Khát đã cho người viết có dịp trải lòng vào câu chữ..Rất mong nhận được sự bao dung từ tác giả cũng như bạn đọc nếu như có thiếu sót trong bài viết này.
Sài Gòn 17/4/2015
Huỳnh Xuân Sơn


CHỈ THẾ THÔI CỦA TÁC GIẢ NHƯ MAI



Nhạc sĩ Đức Huy đã viết Đừng Xa Em Đêm Nay, nói dùm tâm trạng người phụ nữ cô đơn rất cần một vòng tay:

Đừng xa em đêm nay khi bóng trăng qua hàng cây
Đừng xa em đêm nay đêm rất dài
Vòng tay em cô đơn đêm khuya vắng nghe buồn hơn
Con tim em khát khao yêu thương ( Đức Huy).

Và cố ca nhạc sĩ Duy Quang thì lại nói dùm tâm trạng của người đàn ông khi cô đơn khi cần tình yêu chỉ mong :

Tôi xin người cứ gian dối
Cho tôi tưởng người cũng yêu tôi
May ra còn được thấy đời vui
Khi cơn mưa mùa đông đang đến
Xin giã từ ngày tháng rong chơi (Kiếp Đam Mê- Duy Quang)

Không biết có bao nhiêu ông chồng trên thế gian này khi cô đơn và khi cần tình yêu đều nói như Kiếp Đam Mê, để rồi khi có được họ về tổ ấm, thì lại không lo vun vén, chăm lo hạnh phúc gia đình, tất cả trút lên đầu cô vợ
Một số ông chồng luôn tỏ ra mình có trách nhiệm khi tan sở đi nhậu, đi vui thú với bạn bè, lại vội vàng nhắn cho vợ một tin nhắn, chứ không phải là gọi điện đâu! Nội dung những tin nhắn ấy thì chỉ có những người trong cuộc mới biết.
Tất cả các ông chồng như thế ơi hãy xem và lắng nghe nỗi lòng của một cô vợ khi nhận được những tin nhắn ấy ra sao? Và trong cuộc sống họ chỉ cần những gì nhé.

Chỉ Thế Thôi...
Lời hẹn hôm nào đã dành cho cả ngày mai
Nên anh chẳng cần gửi thêm những tin nhắn vội...
Mỗi sớm mai...
Mỗi chiều...
Mỗi tối...
Thay lời anh muốn nói... nụ hôn nồng!

Đôi khi...
Chỉ thế thôi... mà đủ cho cả quãng đời hữu hạn
Chỉ một cái nhìn... có thể thay hàng ngàn trang giấy
Một hành động bình thường ta hiểu thấu lòng nhau. (Như mai)

Câu mở đầu:Lời hẹn hôm nào đã dành cho cả ngày mai . Tác giả không nói ai hẹn và hẹn gì, chỉ biết là lời hẹn ấy đã từ hôm nào và đã dành cho cả ngày mai , và có lẽ cũng là nhiều ngày sau này nữa. Cô sẽ tin và vẫn nhớ những lời hẹn ấy, chỉ là không biết khi nào anh thực hiện lời hẹn ấy thôi!
Và câu tiếp tác giả khẳng định Nên anh chẳng cần gửi thêm những ...tin nhắn vội, tại sao tin nhắn ấy là tin nhắn vội tác giả không nói, nhưng dấu ba chấm (…) cuối câu thì đã tố cáo là tin nhắn này vốn vội vã nên có lẽ nội dung chưa đầy đủ hoặc không vui. Vì cụm từ này đi sau việc tác giả khẳng định rằng chẳng cần gửi thêm. Và có lẽ những lời anh gửi vội kia em vốn đã biết trước nội dung rồi .
Và đây là điều tác giả muốn nói với người Nhắn tin vội

Mỗi sớm mai...
Mỗi chiều…
Mỗi tối…
Thay lời anh muốn nói…nụ hôn nồng !

Dấu ba chấm (…) đặt liên tục ở cuối ba câu liên tiếp khiến ta đọc thấy như thời gian kéo dài vô tận dẫu thời gian chỉ là Mỗi sớm , mỗi chiều, mỗi tối. tức là ba buổi trong một ngày.
Thời gian muốn kéo dài ra như vậy lại kết khổ thơ bằng việc : Thay lời anh muốn nói nói gì thì tác giả không nói rõ chỉ có dấu ba chấm (…) nói với chúng ta. Tác giả hiểu , người nhận tin nhắn hiểu, tôi hiểu và bạn hiểu, đặc biệt là các ông chồng hay nhắn tin cũng hiểu dấu ba chấm này nói gì.
Tác giả viết tiếp câu thơ sau dấu ba chấm là "...nụ hôn nồng" . tại sao lại là thay lời anh muốn nói thì là nụ hôn nồng, nụ hôn nồng chính là biểu hiện của xúc cảm tình yêu. Mà hai người yêu nhau họ luôn muốn trao cho nhau. Tác giả đưa ta đi tiếp

Đôi khi...
Chỉ thế thôi... mà đủ cho cả quãng đời hữu hạn
Chỉ một cái nhìn... có thể thay hàng ngàn trang giấy
Một hành động bình thường ta hiểu thấu lòng nhau.

Qủa thật nỗi niềm của người phụ nữ khao khát yêu thương mong người chồng hiểu mình quá đơn giản. Chỉ cần "nụ hôn nồng" là đã "đủ cho cả quãng đời hữu hạn"
Tác giả đã nói "đôi khi..." vâng đôi khi ( chứ không phải là bất cứ khi nào) chỉ cần có vậy mà người nhắn tin lại không hiểu để chị phải nói. Và đã nói thì phải nói hết, mong người ấy hiểu rằng "chỉ một cái nhìn... lại là ba chấm (…) cái nhìn gì đây ? mà sức mạnh của nó bằng "cả ngàn trang giấy". Phải chăng bên cạnh nụ hôn nồng là cái nhìn trìu mến của ánh mắt yêu thương của anh hoặc có thể là cái nhìn với ánh mắt hờn dỗi của em

Và đây là kết luận của tác giả : Một hành động bình thường ta hiểu thấu lòng nhau" . Khi yêu nhau và đã hiểu lòng nhau thì chỉ cần bất cứ một hành động một cử chỉ dù nhỏ nhất của một trong hai người biểu hiện ra. Thì người còn lại đã hiểu người kia muốn nói gì, và muốn làm gì !
Chỉ Thế Thôi… của tác giả Như Mai đã nói hộ nói thay rất nhiều người phụ nữ đang làm người yêu và đang làm vợ. Mong rằng các chàng trai đang yêu và các ông chồng hãy yêu và hãy hiểu người phụ nữ bên cạnh mình muốn gì ?và cần gì ?. các anh cứ tin đi điều họ cần rất đơn giản và rất dễ làm vừa lòng họ chỉ cần các anh hãy nhìn vào mắt họ là sẽ biết thôi mà.
Đức Huy đã hiểu phần nào tâm tư người phụ nữ khi anh đã viết :
Hãy ôm em trong tay cho em biết anh cần em
Và hãy nói anh vẫn yêu em. ( Đức Huy)
Đây có lẽ cũng là yêu cầu và mong muốn chính đáng và rất nhỏ của phụ nữ thôi mà! Nếu ai cũng hiểu và làm vậy thì sẽ chẳng bao giờ có một bài thơ nào giống Chỉ Thế Thôi…nữa!

Sài Gòn 14/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn

Sang Thu của tác giả Duy Khoát


Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Sang Thu của tác giả Duy Khoát
Sang Thu

Lại thêm một mùa thu
Lá rơi đầy mảnh nắng
Gió cong mình đêm lặng
Sương bay mờ trước hiên

Anh mong được ngủ yên
Quên mối tình hoài vọng
Nhưng cứ nghĩ đến em
Lại thấy lòng vỗ sóng

Em- mùa thu chín mọng
Tỏa hương thơm nồng nàn
Mắt em trời thu biếc
Cho lòng anh đa mang

Nhưng con sông mùa lũ
Ngăn cách ta hai bờ
Chỉ nhìn nhau tiếc nuối
Gieo nỗi buồn cho thơ

Anh mong thơ thắp lửa
Sẽ xua tan đêm sầu
Thôi thì còn thương nhớ
Là ta còn có nhau (Duy Khoát)

Sang Thu của tác giả Duy Khoát được gửi gắm ý, tình vào thể thơ Ngũ ngôn, với năm khổ thơ chuyên chở những cung bậc tình cảm của chủ thể trữ tình trong thơ rất đặc biệt. Sang Thu không chỉ có hai chủ thể Anh và Em,mà còn có nỗi niềm của tác giả, của tôi và có lẽ có thêm nhiều bạn đọc cũng tìm thấy mình trong mỗi tứ thơ:

Lại thêm một mùa thu
Lá rơi đầy mảnh nắng
Gió cong mình đêm lặng
Sương bay mờ trước hiên

Với bốn câu thơ mở đầu tác giả đã khắc họa xong cảnh sắc lúc Sang Thu. Nó không thơ mộng như Lưu Trọng Lư với “Con nai vàng ngơ ngác. Đạp lên lá vàng thu” nó không nồng nàn, êm ái như nhạc sĩ Trần Quang Lộc “Mùa thu sang anh lót lá em nằm.”

Không tình tự như nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nói với người tình

Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa thu tới
Mang ái ân mang tình yêu tới
Em có nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé (Mùa Thu Cho Em)
Sang Thu của tác giả Duy Khoát như nghe vụn vỡ trong lòng. Dẫu có màu thu trong lá rơi. Nhưng sự rơi của lá này lại mang theo “ đầy mảnh nắng” mới lạ. Nắng thu vàng mênh mang gợi nhắc, vậy mà trong mắt ông nó chỉ rời rạc từng phiến lá rơi…

Những cơn gió Heo may vốn quyến rũ bao Tao Nhân Mặc Khách xưa nay,vậy mà trong Sang Thu nó lại “Cong mình đêm lặng”. Chưa hết Sang Thu còn có “Sương bay mờ mái hiên”. Liệu có phải khi phát hiện Thu hiện diện bên mình, cũng là lúc cuối chiều, nắng bớt nồng nàn từng sợi buông trên kẽ lá đang cựa mình trở màu rơi xuống…Màn đêm ùa đến sau buổi hoàng hôn để rồi cho những cơn gió heo may “cong mình” nương náu giữa màn nhung tĩnh lặng…Một buổi bình minh sau đêm dài thao thức được phủ bởi màn sương thu mờ ảo….Tâm trạng với cảm nhận cảnh sắc quanh mình như vậy làm sao mà không thốt lên “Lại thêm một mùa thu”. Chữ “Lại” quả đã ám ảnh người viết, bởi theo sau nó có lẽ là những ngày dài không hề thơ mộng như cảnh sắc vốn có của mùa thu theo lẽ thông thường
Anh mong được ngủ yên
Quên mối tình hoài vọng
Nhưng cứ nghĩ đến em
Lại thấy lòng vỗ sóng

Chủ thể trữ tình Anh xuất hiện với nỗi niềm “mong..” rồi muốn “Quên…” Nhưng hình như “Khi cố quên là khi càng nhớ thêm”. Bởi vậy cho nên Anh càng mong được “ngủ yên”, càng muốn quên đi “mối tình”, thì lại càng “nghĩ đến em”. Và, khi ấy lập tức “lòng vỗ sóng”. Em –Anh xuất hiện trong Sang Thu rất tự nhiên như nắng thu buông xuống màu vàng, như cơn gió heo may nhẹ nhàng thổi tới, như ánh trăng thu trong vắt mỗi đêm , Nhưng với một Tình Thu chẳng khác nào dòng sông những khi mưa bão nước lũ tràn về . Ít nhất là từ phía chủ thể Anh cuốn đi.
Em- mùa thu chín mọng
Tỏa hương thơm nồng nàn
Mắt em trời thu biếc
Cho lòng anh đa mang

Bốn câu thơ trả lời cho ai tò mò muốn biết nguyên nhân của những cơn “Sóng vỗ” trong lòng mỗi khi Anh nghĩ tới Em, như tôi!

Em phơi phới nụ xuân hồng? em rực rỡ như sắc hạ? Không, xuân sanh, hạ trưởng để có “Mùa thu chín mọng”. Phải chăng Em dẫu đã bước vào mùa thu của đời người, nhưng chính sự nồng nàn ,đằm thắm của người phụ nữ căng mọng như trái chín ấy? thêm đôi mắt hút hồn như cả bầu trời thu xanh biếc, đã cuốn anh chìm vào đam mê dẫu Anh biết như vậy là mình đã “Đa mang”.

Em chủ thể trong thơ của tác giả Duy Khoát như một nàng thu vậy. Có vị ngọt mùa trái chín, có hương thơm mùa hoa sữa nồng nàn, ẩn chứa tâm hồn bao la của bầu trời mùa thu. Chắc hẳn không chỉ một mình Anh đa mang, Mà có lẽ trước một vẻ đẹp quyến rũ như vậy thì tác giả cũng muốn, nếu tôi là đàn ông hẳn tôi cũng muốn, và không ít đấng mày râu khác cũng muốn chết chìm trong đó chứ không hẳn chỉ “đa mang”trong lòng . Hai chữ Đa Mang liệu có phải nó xuất hiện để gây bão tố cho một bến đậu của thuyền tình Sang Thu?
Nhưng con sông mùa lũ
Ngăn cách ta hai bờ
Chỉ nhìn nhau tiếc nuối
Gieo nỗi buồn cho thơ

Bất kỳ con sông nào, dù lớn hay nhỏ vào mùa lũ đều đáng sợ cả. Hình tượng “Dòng sông mùa lũ” khủng khiếp được tác giả đưa ra, cho nó làm cái việc chẳng đặng đừng và có lẽ cả hai chủ thể Anh và Em cũng đều không muốn “Ngăn cách”.

Dòng nước lũ đã làm tròn bổn phận được giao…Để khi ấy có hai người “nhìn nhau tiếc nuối” và cũng chính cái sự tiếc nuối đã gieo hạt nảy mầm nên “nỗi buồn” của Cây Thơ…Giờ đây có lẽ sau nhiều mùa thu đến rồi đi, lại có thêm “ một mùa thu sang”nữa. Cây Thơ nay vẫn luôn đâm cành, mọc nhánh mỗi ngày mỗi xum xuê. Nhưng vẫn mãi chỉ là những vần thơ buồn. Thơ buồn nhưng chí ít nó cũng là nơi cho Anh có thể gửi gắm những nỗi nhớ, niềm thương của lãng tử phong lưu đã từng ước muốn Đa Mang:
Anh mong thơ thắp lửa
Sẽ xua tan đêm sầu
Thôi thì còn thương nhớ
Là ta còn có nhau

Khổ thơ đầy tâm trạng của chủ thể Anh đã được tác giả Duy Khoát dùng để kết cho Sang Thu . Vẫn biết là “Anh mong” thế, nhưng khi “thơ thắp lửa”bằng hồi ức về Em mà chỉ cần mỗi khi “nghĩ đến” thôi là đã “Lòng sóng vỗ”… Thì ngọn lửa bùng cháy lên liệu có “xua tan được đêm sầu”hay không? Lại là chuyện khác. Kết cục ra sao có lẽ chỉ có chủ thể Anh biết, tác giả biết…Nhưng chữ “Thôi” xuất hiện có phần an ủi cho một tâm hồn nhạy cảm của một Lãng tử “Đa Mang” mà không đèo bòng nổi. Đành tự an ủi mình “Thôi thì còn thương nhớ. Là ta còn có nhau”.

Sang Thu của tác giả Duy Khoát phải chăng ông muốn gửi gắm cảm xúc lúc giao mùa với bâng khuâng, với thao thức cùng cơn sóng lòng dào dạt . Hay nói như nhà thơ Thuận Hữu đó là “Những phút xao lòng”. Nếu vậy thì tác giả ơi!

Mà có trách chi những phút xao lòng
Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ
Ai cũng có những phút giây ngoài vợ ngoài chồng
Đừng có trách chi những phút xao lòng (Thuận Hữu)

Vâng, có lẽ Sang Thu vốn chỉ xao lòng thôi, nhưng dấu ấn của Em để lại sau khi Anh trở lại thăng bằng cũng không hề phai nhạt.Nó chỉ ngủ đông trong góc khuất nào đó, Rồi mỗi khi Sang Thu chợt bừng tỉnh làm cho Anh lại phải cố “Cong mình” trong đêm tĩnh lặng mà thao thức….

Sang Thu với góc nhìn phiến diện của cá nhân tôi là như thế !Mong rằng chủ thể Anh và tác giả lượng thứ cho nếu như có sự khác biệt hoặc sai sót.

Sài Gòn 20/10/2014
Huỳnh Xuân Sơn