Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

NÓ và Những giai thoại sửa thơ của Tô Đông Pha


NÓ và Những giai thoại sửa thơ của Tô Đông Pha

Quán cà phê Du Miên vào buổi sáng chủ nhật cuối thu năm trước. Nó đặt một bàn trên lầu yên tĩnh mời khách,khoảng mươi người. Khách đều là những người kiến thức đầy mình. Nếu không là giáo sư thì cũng đã làm thầy cô giáo từ trước 1975, duy chỉ có Nó là ít học hơn cả, Nó tự biết điều ấy.
Lý do buổi cà phê ăn sáng là do chồng Nó mời bạn là nhạc sĩ từ nước ngoài về, cùng một số thầy cô và bạn bè. Nó là người ngoài cuộc, khác thế hệ với họ. Câu chuyện dần dần xoay quanh nội dung thơ nhạc. Hết nhạc trẻ, nhạc Tiền Chiến, đến Bài Chòi.Cuối cùng tới thơ và những giai thoại gắn với tên tuổi các nhà thơ đã lưu danh thiên cổ. Rất may mắn Nó ngồi gần vị Giáo sư triết học Phương đông từ trước 75, nay đã gần 80 tuổi. Nó nghe câu chuyện giữa thầy trò họ về nhân sinh quan, về đạo lý ở đời. Khi vị giáo sư già nói tới thơ Đường và đức độ của Vương An Thạch thì nó giở giấy bút chép ngay bài thơ vừa nghe được.
Hạng Thác từng làm thầy Khổng Tử
Hình Công đã chế diễu Đông Pha
Làm người quí nhất là khiêm tốn
Biển học mênh mông vô tận mà. (Thơ cổ st).
Câu chuyện về Khổng Tử và Hạng Thác thì Nó đã nghe từ trước. Nó bây giờ ghi nhớ thêm rằng: Đời sau chỉ nhắc nhớ tới tài đức của Khổng Tử. Còn Hạng Thác đã có lúc làm thầy Khổng Tử, nhưng về sau sử sách không còn ghi chép, dân gian cũng không lưu truyền lại bất cứ một giai thoại nào về người này nữa.
Câu chuyện cuốn hút Nó chính là Hình Công-Vương An Thạch- đã chế diễu Tô Đông Pha ra sao? Nó âm thầm ghi nhớ trong đầu. Chỉ tới câu thơ mô tả về họ Tô Nó mới ghi lại
Ngâm thơ viết phú bài bài đạt
Đánh đố pha trò lượt lượt tinh
Chẳng phải Trọng Ni vừa tái thế
Hẳn là Nhan Tử lại hồi sinh (Thơ cổ st).
Nó lúc ấy chưa biết Trọng Ni là Khổng Tử và càng không biết Nhan Tử là Nhan Hồi tự Tử Uyên. Người học trò mà Khổng Tử cho là học một biết mười, ham học, không giận dỗi vô lý và không phạm lầm lỗi hai lần.
Tô Đông Pha được so sánh với bậc hiền tài như vậy, mà sao lại bị Hình Công –Vương An Thạch- chế diễu ? Nó đã nghe như nuốt từng lời đàm đạo giữa thầy trò họ
-Tô Đông Pha thông minh, tài giỏi, đỗ đạt cao thành danh sớm,được nhận chứcHàn lâm học sĩ. Vị giáo sư nói
-Thầy còn nhớ những giai thoại sửa thơ của Tô Đông Pha không ạ!
Một anh hỏi
Giai thoại thì nhiều lắm nhưng lưu truyền rộng rãi nhất có lẽ là hai giai thoại sau
-Lần thứ nhất Tô Đông Pha sửa là hai câu Vương An Thạch đang viết dở trên bàn.
Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm.

(Dịch nghĩa :Chim minh nguyệt hót trên đỉnh núi Con chó vàng nằm trong hoa)
Tô Đông Pha đọc xong liền cầm bút sửa thành.

Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm

(Dịch nghĩa Trăng sáng rọi trên núi Chó vàng nằm dưới hoa).
Vương An Thạch vốn rất trọng dụng người tài. Biết Tô Đông Pha sửa thơ mình nhưng ông không buồn, chẳng giận.Sau đó ông đã điều Tô Đông Pha đi làm quan ở vùng Hải Nam, nơi mà ông đã gặp và biết có loài chim tên Minh Nguyệt và loài sâu tên Hoàng Khuyển.
Sau một thời gian ở đó Tô Đông Pha biết được mình sửa thơ của Hình Công là sai Tô Đông Pha đã viết thư tạ lỗi với Hình Công. Sau đó ít lâu chức Hàn lâm học sĩ của Tô Đông Pha được khôi phục.
-Từ đó chắc Tô Đông Pha chừa tính hồ đồ phải không thầy? Anh học trò có mái tóc trắng hơn thầy cất lời hỏi
-Nếu vậy thì đâu phải Tô Đông Pha.
Thấy Nó chăm chú nghe ông vừa nhìn Nó vừa kể tiếp cũng như trả lời cho học trò của mình!
Trong một lần đến phủ thái sư của Vương An Thạch. Tô Đông Pha được Từ Luân quản lý thư phòng mời vô dùng trà trong khi chờ diện kiến Thái sư. Bổn cũ soạn lại Tô Đông Pha bước đến bàn làm việc của Thái sư thấy bài thơ đề dang dở:
Tây phong tạc dạ quá viên Lâm
Suy lạc hoàng hoa mã địa kim.
(Dịch nghĩa Đêm qua gió thu thổi qua vườn rộng, làm cho hoa cúc rụng vàng khắp mặt đất).

Thông thường cánh hoa cúc không rụng, ngay cả khi cành đã khô.Nghĩ mình hiểu biết hơn người Tô Đông Pha đặt bút viết vào cạnh hai câu thơ:
Thu hoa bất tỉ xuân hoa lạc
Thuyết dữ thi nhân tử tế ngâm
(Dịch nghĩa :Hoa thu chẳng rụng như hoa xuân. Xin nhắc thi nhân chớ nên khinh xuất lúc ngâm vịnh).
Kết cục của việc sửa thơ này Tô Đông Pha lại “được” giáng chức Hàn lâm học sĩ, để chuyển đến làm quan vùng Hoàng Châu, nơi có loài hoa cúc rụng cánh vào mùa thu, khi gặp gió mạnh.
Lời vị Giáo sư vẫn cứ như rót vào tai Nó.

Cũng như khi biết có loài Chim Minh Nguyệt và Sâu Hoàng Khuyển. Lần này khi mùa thu đến và Tô Đông Pha đã thấy cánh hoa cúc gặp gió thu rụng khắp mặt đất. Tô Đông Pha mới hiểu ra dụng ý của Vị Tể tướng học rộng, hiểu sâu, kiến thức uyên thâm, chứ không như mình. Thêm một lần Tô Đông Pha biết mình sai và viết thư xin tạ lỗi với Vương An Thạch.
-Em nghe nói sau này họ là bạn tâm giao với nhau phải không thầy?
-Họ không những là bạn tâm giao dù một già, một trẻ nhưng rất hiểu nhau, trong khi tính cách trái ngược nhau. Mà họ cùng là hai trong tám nhà thơ nổi tiếng Đời Đường lưu danh thiên cổ.
-Dâu nhỏ nãy giờ ghi chép gì mà nghe chăm chú thế?
Vị giáo sư bất ngờ hỏi Nó.
Nó lúng túng rồi thật thà khai nhận là Nó đã ghi mấy câu thơ cổ thầy đọc.
-Dạ con cũng thích thơ Đường lắm thầy ạ! Chỉ là xưa nay trong trường con không được học và ngoài đời cũng ít có cơ hội mở mang kiến thức thôi ạ!
-Thế nãy giờ Dâu Nhỏ tiếp thu được những gì?
Nó thêm một lần ấp úng rồi khất thầy và bạn chồng Nó để hôm nào có dịp Nó sẽ trả lời sau! Trong thâm tâm mình Nó biết rất rõ, Nó dưới con mắt của mọi người chỉ là một đứa nói một câu chưa tròn nghĩa…Nó cũng biết tất cả những người có mặt hôm đó, ngoài chồng Nó có lẽ chưa ai nghĩ Nó biết viết nổi một câu văn cho có đủ chủ ngữ và vị ngữ.

Và hôm nay đây, gần một năm sau buổi sáng ở quán Cà Phê ấy, Nó đã viết cảm nhận được rất nhiều bài thơ, ca từ ca khúc mà Nó thích. Nó cám ơn người Thầy cùng các bạn của chồng Nó hôm đó. Họ chính là những người thầy và cũng là những người bạn lớn của Nó, đã cho Nó hiểu biết thêm về những giai thoại, gắn với những nhà thơ lớn như Vương An Thạch và Tô Đông Pha. Nó cũng tự nhủ rằng giai thoại chỉ để hiểu thêm, biết thêm, về con người và bản tính của tiền nhân cùng cái tâm, cái tài và đức độ của họ..
Nó hôm nay cũng muốn trả lời câu hỏi của vị giáo sư khả kính rằng:
Qua câu chuyện của Thầy và các anh chị, Nó hiểu rõ thêm ở đời cần lắm sự khiêm tốn. “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ”. Nó luôn ghi nhớ câu thành ngữ “Núi cao có núi cao hơn”.Và quan trọng rằng luôn luôn phải học hỏi ở mọi nơi mọi lúc, phải ghi nhớ biển học không bao giờ có bờ. Nó cũng ghi nhớ trong cuộc sống muôn màu này điều gì cũng có ngoại lệ cả. Nghe hai giai thoại sửa thơ của nhà thơ Tô Đông Pha. Nó coi đó là một bài học của tiền nhân, Nó cần ghi nhớ khi đặt bút viết cảm nhận Thơ của người khác! Nếu thấy câu từ ấy, ý thơ ấy có sự vô lý, thì cũng phải tìm hiểu cho rõ ngọn ngành tránh hồ đồ phán xét.
Sài Gòn 30/9/2014
Huỳnh Xuân Sơn

9 nhận xét:

  1. Thăm HPV đọc bài viết về giai thoại sửa thơ của Tô Đông Pha
    Cảm ơn nhé.Chúc cuối tuần vui vẻ.Thân mến

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những giai thoại này mình đã nghe và cũng thường kể cho học trò nghe khi có dịp thuận tiện nào đó.
      Đọc bài của "Nó" càng hiểu thêm rằng "Nó" là người ham học hỏi và cũng hiểu rằng "Nó" thật hạnh phúc khi được nghe những buổi đàm đạo giữa thầy trò của chồng"Nó".
      Chúc mừng "Nó" nhiều nha!

      Xóa
    2. XS cám ơn anh Giacminh chị Song Thu ghé thăm và động viên XS ạ!

      Xóa
  2. Cái từ đầu tiên của bài này " Nó" bao hàm ý nghĩa rất quan trọng. Khi dùng động từ thì ngôi I là người nói, ngôi II là người nghe, và ngôi III là những gì được nói đến, ở đây là "Nó". Cấu trúc căn bản ngữ pháp là như vậy, Ngôi I, ngôi II là sự có mặt, là cái bây giờ và ở đây, ngội III là sự vắng mặt, là cái khi đó, ở chỗ khác. Trong cuộc sống nếu có gì sai quấy, lỗi lầm với ngôi I và ngôi II thì ta có thể xin lỗi và sữa chữa ngay và tại chỗ, bỡi vì hai thực thể này hiện diện. Nhưng, nếu sai trái đối với ngôi III thì rất khó khắc phục hậu quả, bỡi nó là thực thể vắng mặt, ở chỗ kia. Nếu khi muốn sửa thơ mà có chim Minh Nguyệt, có Chó Vàng, Cúc Rụng ở đấy thì Tô Đông Pha không đến nỗi bị sai trái và khổ sở như vậy, và giai thoại ngộ nhận sử thi đó không kéo dài cho tới nay. Mức độ dễ hay khó khắc phục sai lầm đó là một trong các lý do người ta ví ngôi I và ngôi II quyền và tình thương, và ngôi III là trí huệ. Người có quyền và có tình thương thì dễ nhận thấy bỡi nó là hiện tướng , người có trí huệ thì khó nhận thấy bỡi nó là ẩn tướng, là che khuất. Cơ đốc giáo cũng đã giải thích chuyện này. Dân gian Việt Nam thường nhắc nhủ "Không nên phạm tội với người vắng mặt" là lời dạy rất chí lý.
    Chúc vui khỏe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Con cám ơn Thầy đã ghé thăm và cho con lời nhận xét ạ! Con Kính chúc Thầy Cô luôn mạnh khoẻ ạ!

      Xóa
  3. Anh sang thăm em, đọc và chia sẻ đồng cảm cùng bài viết của em...
    Chúc em cùng gia đình luôn khỏe vui, thành công và hạnh phúc an lành nhé em!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cám ơn anh đã ghé thăm.Thời gian qua em bị chặn mạng rất khó vào anh ạ! Chúc anh luôn vui khoẻ nhé

      Xóa
  4. thế là từ đây bạn phải đi nhiều lắm đấy, sang thăm bạn và chúc bạn vui vẻ nhé.

    Trả lờiXóa