Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

YÊN BÌNH của tác giả PHẠM THÔN NHÂN



Cứ ngỡ chiến tranh đã kết thúc sau 30/4/1975. Nhưng rồi thanh niên trai tráng cả nước lại bị cuốn vào bão lửa chiến tranh Biên giới Tây Nam, Biên giới phía Bắc. Tiếng súng trong chiến trận cướp đi sinh mạng của những người lính chỉ thực sự ngừng vào năm 1989..

Người ngã xuống đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ! Người gửi lại một phần xương máu, và những người may mắn trở về lại mang trong mình nhiều vết thương. 

Vết thương trên da thịt xương máu  có thể đã liền sẹo, nhưng vết thương trong lòng thì luôn âm ỉ và thật khó liền…

Người thương binh, đã kinh qua hai cuộc chiến khốc liệt trờ về. Ôm trong lòng bao nỗi đau, nhưng ông đã tìm nguôi quên, tìm bình yên trong thơ, trong hội
 họa và trong nghiên cứu khoa học. Những ngày này dù đang vật lộn với vết thương tái phát hành hạ, ông vẫn có những vần thơ khiến người đọc phải suy tư. Yên Bình là một trong số những bài như thế, của nhà thơ, họa sĩ, nhà khoa học với bút danh Phạm Thôn Nhân 

Yên Bình

Bom đạn đã qua.
Vết thương vờ ngủ…
Ôi! cái bình yên trong bão lửa,
Hãy về, ru ngủ trái tim ta!
Cái thời khói lửa đã xa,
Mà nghe gió rít ngỡ là chiến tranh.
Hiền hoà bến nước đồng xanh.
Gió đừng rít để yên lành nước non. (Phạm Thôn Nhân)

Với tám câu thơ ngắn có dài có, chứa vỏn vẹn đúng 50 từ được tác giả gửi vào thể thơ tự do. Yên Bình là tựa đề của nội dung tác giả
 muốn chuyển tải đến bạn đọc.
 Phải chăng là:

Sự bình yên của lòng người trở về từ hai cuộc chiến?
Sự bình yên có được từ nỗi đau thân thể 
 ngừng hành hạ?
Sự bình yên khi  bốn cuộc chiến  trong một thế kỷ đã kết thúc?
Sự bình yên của quê hương đất nước?

Dẫu là sự bình yên nào đi nữa, thì những câu thơ xuất phát từ trái tim người lính, người thương binh, nhà thơ, nhà khoa học cũng đã gửi gắm xong vào câu chữ. Để giờ đây ta có dịp đồng hành với tâm tư của tác giả.

Bây giờ ai cũng biết, ai cũng thấy rằng “Bom đạn đã qua"
“Bom đạn đã qua”ấy vốn chỉ là tiếng súng đã ngừng thôi, chứ hậu những tiếng nổ đã qua thì chỉ như những :“Vết thương vờ ngủ…” mà thôi!

Vâng! người viết cũng đồng ý với tác giả 
 nó vờ ngủ chứ chưa bao giờ ngủ cả. Ngay như trên thân thể của tác giả thôi, những mảnh bom, mảnh đạn tưởng đã chung sống hòa bình rồi, Nhưng không! lâu lâu khi “trái gió trở giời” lại găm sâu, chọc ngoáy thêm vết thương vốn đã nhiều năm đau nhức. 
Những người lính trẻ năm xưa, cùng thế hệ với ông nay tóc đã bạc, lưng đã còng…Mấy chục năm im tiếng súng nhưng chẳng có nỗi đau nào giống nỗi đau nào cả?
 Điển hình như gia đình và bản thân “người liệt sĩ trở về” sau bốn mươi năm báo tử Phan Hữu Được…Hẳn nhiên họ rất vui mừng, sự vui mừng này cũng giống như niềm vui “Mẹ vỗ tay reo mừng xác con” trong Ca Khúc Da Vàng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ...
Thử hỏi trong chúng ta, bao nhiêu người đã nhớ và  đã nghĩ đến ,đã quên đi: Bốn mươi năm ấy, hơn nửa đời người của người "Liệt sĩ Trở Về" và thân nhân của họ phải chịu đựng bao nỗi mất mát đớn đau.

Những năm gần đây nếu bạn để ý thì sẽ thấy trên dọc quốc lộ 1A thi thoảng lại gặp những chiếc xe gắn băng rôn
 “Đi Tìm Mộ Liệt Sĩ..”. Bao năm qua họ hẳn muốn đi tìm, nhưng ở những năm thời bao cấp khốn khổ ấy, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc. Nếu phải di chuyển thì cũng bị nhồi nhét trên những “chuyến xe bão táp” làm sao đi tìm lại “nắm xương tàn” của người thân đây. Dẫu biết khi ấy đi tìm sẽ dễ hơn rất nhiều bây giờ bởi “thời gian sẽ xóa nhòa” tất cả…

Tuy rằng tiếng súng đã im nhưng những tàn tro của đạn bom thì vẫn đang âm ỉ cháy… Tác giả gọi cái tàn tro âm ỉ cháy ấy là “ cái bình yên trong bão lửa”. Ôi! Một tán thán từ đi trước đủ cho ta thấy “cái bình yên” ấy chẳng bao giờ là yên bình cả, kể cả khi nó không ở “trong bão lửa” đi chăng nữa…Cái sự bình yên không yên ả ấy thực tế vẫn đang nóng, bỏng, rát đau bởi bốn bề là “bão lửa” 
vậy mà người thương binh già hôm nay, người lính tr năm xưa chỉ khao khát Nó: “Hãy về, ru ngủ trái tim ta!”. Trái tim của tác giả, trái tim người thương binh trvề từ hai cuộc chiến đã đập những nhịp dập dồn. 
Thao thức bởi vết thương, thao thức bởi hình ảnh những người đồng đội đã khuất, thao thức bởi những người dân thường bị đạn bom đi lạc cướp đi mạng sống của họ…thao thức bởi những người mẹ ngóng con, người vợ chờ chồng và thao thức bởi bao nhiêu người lính còn nằm đâu đó giữa đại ngàn xanh…Dẫu cho " cái thời khói lửa đã xa..." rất xa rồi , những tiếng gầm rú của đạn pháo, tiếng rít của đạn bom, nhưng có lẽ chưa hề xa trong lòng người lính già nên mới chỉ "nghe gió rít" đã "ngỡ là chiến tranh". " Cơn gió nào bay ngang cuộc đời. Nói với anh..." điều gì?để cho anh "ngỡ ..."
Cái động từ ngỡ ấy làm bàng hoàng người đọc như tôi lúc này.

Vẫn biết rằng bão tố từ trời
 ập vào mang theo lốc xoáy, mưa trút nước dâng ngập lụt, hay hình thành những cơn lũ ống, lũ quét cũng tàn phá chẳng thua gì chiến tranh…

Hoặc giả những tiếng nẹt po xe máy của mấy “quái xế” đua xe, cướp giật bất chấp sinh mạng người đi đường. Tiếng chửi thề văng tục của những thanh niên đầu xanh , đầu đỏ hút xì ke, chơi ma tuý đá, gây ra hậu hoạ khôn lường cho cả xã hội. Phải chăng tiếng “gió rít” không thành tiếng này mới là tiếng để cho tác giả thấy “ngỡ là chiến tranh”

Thế mới biết để đi đến tận cùng cái cảm giác Yên Bình mới thật khó làm sao? Thôi thì dẫu còn ở trong tâm “bão lửa” hay giữa quê hương nơi “hiền hoà bến nước đồng xanh”,trái tim người lính già, người thương binh vẫn chưa hề thanh thản…Đêm ngày thao thức bởi tác giả biết có được sự Bình Yên trên quê hương đất nước này hôm nay, Ông cùng đồng đội đã phải trả giá đắt như thế nào?. Cuối cùng cũng chỉ biết cầu an và cầu mong rằng “gió đừng rít để yên lành nước non”.

Mơ ước cũng là khát khao của tác giả thật khó. Khi mà ngày đêm kẻ thù vẫn rình rập…chỉ chực chờ xâm lấn…Quê hương biển cả vẫn đang yên ả đây thôi .Nhưng vẫn cần và rất cần sự cảnh giác để ngăn chặn những “cơn gió rít” nhất là từ phương bắc, với những cơn gió Bấc mang theo giá lạnh trút xuống những “bến nước đồng xanh"

Bài thơ Yên Bình của tác giả Phạm Thôn Nhân vừa khép lại. Cám ơn tác giả với những câu thơ “ý tại ngôn ngoại” viết ra như một lời nhắc nhở, như một lời tâm sự…Yên Bình nhưng chưa phải đã thực sự bình yên! Từ việc nhỏ như vết thương trên thân thể, đến những việc liên quan đến hậu cuộc chiến ..Xa hơn là sự thanh bình của đất nước, đã phải đánh đổi bằng rất nhiều sinh mạng và xương máu mới có được.

Tất cả gói gọn trong tám câu thơ sâu hun hút và nặng trĩu tâm tư mà người viết
 vừa đồng hành…
Bài thơ Yên Bình người viết đã đọc và thấy đồng cảm với tâm tư tác giả qua một góc nhìn của riêng trái tim người viết thuộc lớp cháu con tác giả. Có thể nhịp đập này của người viết với góc nhìn sẽ khác với góc nhìn và nhịp đập của tác giả và bạn đọc…Nếu có rất mong nhận được sự lượng thứ nếu như có điều sai sót!

Sài Gòn 22/7/2014
Huỳnh Xuân Sơn.

3 nhận xét:

  1. Những năm gần đây nếu bạn để ý thì sẽ thấy trên dọc quốc lộ 1A thi thoảng lại gặp những chiếc xe gắn băng rôn “Đi Tìm Mộ Liệt Sĩ..”.
    Đọc câu này, chị lại nghĩ đến thời gian đi tìm mộ một người anh liệt sĩ. Chị đã ghi lại trong bài viết này:
    http://nhatthanhho.blogspot.com/2014/04/cau-chuyen-tim-kiem-hai-cot-liet-si.html
    Nhưng mà Xuân Sơn này, hình như dạo này hoạt động bên PB nhiều quá nên cảm xúc có phần vơi đi?

    Trả lờiXóa
  2. Em cám ơn chị ạ! Bài này em viết từ tháng 7 năm 2014 ..vừa rồi em mất máy tính nên mất khoảng 300 bài cảm nhận chưa đăng ở đâu trong đó có 2 bài của chị...
    Nên giờ em sẽ tìm những bài đăng rồi lưu lại . cách tốt nhất là ở đây phải không ạ? FB em chỉ đăng ảnh và một số bài viết của tác giả ở fb thôi chị ạ.
    Chị vui nhé, giờ em sang đọc bài viết ấy đây..

    Trả lờiXóa
  3. nghe em bị mất nhiều bài viết mà thấy buồn cho cả một công trình Facebook thường tự động xóa bớt nhiều bài viết cũ nên '' gởi'' ở blog thì chắc hơn em ạ

    Trả lờiXóa