Ru Con Trong Đêm Chợ Tình
Anh ngồi chuyện với chính mình
Trông nhà!_ em đến chợ tình Khau Vai
Đêm nay em sẽ cùng ai?
Còn anh ôm cả đêm dài mà ru
Màn đêm giăng lối mịt mù
Tự lòng lại cất lời ru riêng mình
Hôm nay em diện thật xinh
Liệu em gặp được người tình xưa không?
Cầu trời đừng nổi bão giông
Để hanh khô những cánh đồng ngoài nương
Cho trai với gái các mường
Nợ tình trả hết người thương năm nào
Đêm nay trời vắng trăng sao
Nương ngàn đầy tiếng thì thào sẻ chia
Liệu em mắt có đầm đìa?
Trước khi trời sáng đã lìa được chưa
Thương em nặng mối tình xưa
Chợ phiên năm một đã vừa chưa em?
Cha con anh_ gối đệm mềm
Ru con anh dỗ cả đêm dịu dàng! (Trịnh Phú Đa)
Bài thơ Lục Bát với những câu từ mượt mà, trải theo nhịp thơ êm ả. Nhưng chuyên chở nội dung cũng chính là tâm tư nỗi niềm của chàng trai trẻ, có lẽ là người dưới xuôi lên làm rể đất Hà Giang, không hề yên ả? Chỉ nội tên bài thơ Ru Con Đêm Chợ Tình thôi, đã khiến cho người đọc liên tưởng ngay tới câu hỏi? Đêm chợ tình sao anh lại ru con? Mang theo câu hỏi này ta đồng hành cùng với chủ thê Anh của tác giả Trịnh Phú Đa
Anh ngồi chuyện với chính mình
Trông nhà!_ em đến chợ tình Khau Vai
Đêm nay em sẽ cùng ai?
Còn anh ôm cả đêm dài mà ru
Bốn câu thơ theo một nhịp 2/2 đều đặn diễn tả lời tự sự của chủ thể Anh! Đêm chợ tình Khau Vai chỉ diễn ra duy nhất một đêm trong năm, Anh Trông nhà, để Em đi chợ tình. Tác giả khởi đầu ngay bằng câu tự sự "Anh ngồi chuyện với chính mình." Với câu hỏi "Đêm nay em sẽ cùng ai? Hẳn nhiên đêm nay Anh không chỉ "ôm cả đêm dài mà ru" Mà có lẽ còn trở trăn, còn thao thức, còn bồn chồn lo lắng...
Màn đêm giăng lối mịt mù
Tự lòng lại cất lời ru riêng mình
Hôm nay em diện thật xinh
Liệu em gặp được người tình xưa không?
Anh trò chuyện với mình? Không! Anh đang ngồi Trông nhà, nhưng hồn vía Anh thì đã theo Em đến chợ Tình rồi thì phải. Màn đêm bao phủ ngôi nhà anh đang trông, Màn đêm đồng cảm với trai gái các Mường tìm về chợ Tình đêm nay. Màn đêm có lẽ chỉ "Giăng lối mịt mù" Với chính Anh thôi! Màn đêm chắn mành ngay trước mặt anh kể từ lúc "Em diện thật xinh". Cũng chính là lúc "Tự lòng" Anh bật lên "lời ru riêng mình". Anh ru riêng điều gì? Không! Anh đang dõi theo bước chân Em đến chợ Tình. Anh còn thấp thỏm, lo âu cho chính mình nữa chứ không hẳn chỉ là "Liệu em gặp được người tình xưa không?". Anh biết chắc, biết rõ. Dẫu gặp, hay không gặp được "Người tình xưa". Thì mỗi năm một đêm Em của Anh vẫn đến chợ Tình kia mà. Lời thơ tự sự vẫn đều đều trôi trên nền nhạc điệu có nhịp 2/ 2 ấy. Chưa thấy Anh Ru Con. Vẫn chỉ là thấp thỏm, lo âu "Tự ru" mình và thấp thoáng một chút hờn ghen thì phải?
Cầu trời đừng nổi bão giông
Để hanh khô những cánh đồng ngoài nương
Cho trai với gái các mường
Nợ tình trả hết người thương năm nào
Nghệ thuật sắp đặt câu vần của tác giả rất đặc biệt. "Cầu trời đừng nổi bão giông" Vẫn giữ nhịp 2/2 từ đầu, bỗng nhiên sang câu bát nhịp ngắt chuyển sang 3/3/2, trước khi trở lại nhịp 2/2 để diễn tả tính "Chính nhân quân tử" Của Anh. Có lẽ khi yêu rồi đến lúc cưới nhau, cho đến nay Anh đã biết rất rõ phong tục tập quán của người Đồng Bào nơi Em của anh sinh ra và lớn lên. Biết mỗi năm sẽ phải Trông nhà một đêm .... Biết là thế, Anh đã cầu mong "Mưa thuận gió hoà" Cho "Trai với gái các mường" Chứ không riêng gì Em của anh " Trả hết người thương năm nào"! Tác giả ơi! Anh của Em ơi! Thơ thì thế, mỏi mong là thế. Nhưng nợ tình làm sao trả được đây? Có lẽ nhiều người trong số họ tới chợ tình cũng chỉ là chia sẻ tâm tư tình cảm của mỗi người, đôi khi chỉ cùng ngồi nghe lại tiếng Kèn Môi, Kèn Lá của người xưa mà thôi!
Vẫn chỉ là Anh tự sự, anh cầu mong, anh lo lắng. Chưa thấy anh Ru Con ..Đêm trên cao nguyên đá vẫn trôi về phía những canh khuya. Lòng anh vẫn bất an thì phải? Người ở nhà để trông nhà, nhưng tâm trí chắc ở trên cung trăng dõi xuống chợ Tình Khau Vai thì phải?
Đêm nay trời vắng trăng sao
Nương ngàn đầy tiếng thì thào sẻ chia
Liệu em mắt có đầm đìa?
Trước khi trời sáng đã lìa được chưa
Đoán già, rồi lại đoán non, Anh có lẽ không phải "Ngồi chuyện với chính mình" Nữa. Anh phải chăng suốt đêm đã đi ra, đi vào, luẩn quẩn như con gà mắc tóc. Hết nhìn quanh trong nhà, lại ra sân có khi ra tận ngõ dõi mắt về hướng có Đêm Chợ Tình mà bồn chồn, mà tưởng tượng, mà thắc thỏm...
Điều anh lo nhất, không phải là "gặp được không?" Hay trả hết được không? Càng không phải "Liệu em mắt có đầm đìa" hay không? Mà chính là nỗi lo "Trước khi trời sáng có lìa được không?". Trời ạ! Nguyên một đêm là khoảng thời gian mà phong tục tập quán, cũng chính là nét đẹp văn hoá của người Đồng Bào thiểu số các dân tộc vùng cao Hà Giang. Cho những người mà vì nhiều lý do yêu nhau nhưng không lấy được nhau. Danh chính ngôn thuận đến với nhau...Trời sáng ắt hẳn họ tự động chia tay nhau về lại với cuộc sống thường nhật. trong suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày và ba trăm sáu mươi tư đêm còn lại, họ toàn tâm toàn ý cho gia đình cho chồng, cho con...
Anh thắc thỏm mong họ "lìa nhau" trước khi trời sáng chắc là không có rồi!
Vẫn chưa thấy anh Ru Con, mà có thể lúc này có khi anh còn quên sự hiện diện của con trong căn nhà, nếu như bé không khóc, không quấy vì thiếu hơi ấm của cả cha lẫn mẹ... Dẫu sao thì tác giả cũng đã đưa ta tới khổ thơ kết:
Thương em nặng mối tình xưa
Chợ phiên năm một đã vừa chưa em?
Cha con anh_ gối đệm mềm
Ru con anh dỗ cả đêm dịu dàng!
Một khúc tâm tình, một lời tự sự, của một người chồng, người cha có lẽ là một bậc "Nam nhi chi chí" Hiếm quý trong xã hội phát triển phức tạp hôm nay. Vừa được tác giả Trịnh Phú Đa khắc hoạ gửi gắm vào câu chữ...
'Thương nhau thương cả đường đi " Câu Ca Dao này đã hiện diện trong trái tim, trong tâm hồn của Anh, Chủ thể chữ tình trong thơ. Thấp thỏm, hờn ghen, lo ấu, trăn trở, cầu mong và cuối cùng Anh muốn nói, Anh hiểu được và Anh "Thương em nặng mối tình xưa". Nặng tình! Anh vẫn còn một chút băn khoăn, lo sợ sau mỗi đêm chợ tình ra về, Em có mang theo chút bâng khuâng lưu luyến như kiểu người dưới xuôi hay nói "Tình cũ không rủ cũng tới" hay không?
Không! Người viết tin rằng, người đồng bào vùng cao, họ có văn hoá có phong tục của họ, Truyền thống ấy nối tiếp bao nhiêu đời, để vẫn còn một phiên chợ độc đáo như Khau Vai cho ta chiêm ngưỡng ngày nay!
Một câu thơ như ngắt đôi, như phân định rành rẽ "Cha con anh" Một bên và một bên là "Gối đệm mềm". Tác giả như muốn khẳng định rằng mọi phỏng đoán trên đây của người viết về chủ thể Anh là sai. Anh vẫn nằm yên trên chăn ấm nệm êm mà "Ru con anh dỗ cả đêm dịu dàng"
Cuối cùng thì chữ Ru Con cũng hiện diện ở câu cuối cùng của bài thơ. Nhưng điều đó cũng chưa cho thấy Anh đã Ru Con Trong Đêm Chợ Tình.
Sau khi đồng hành cùng tác giả Trịnh Phú Đa đi qua hết năm khổ thơ, cũng chính là năm cung bậc cảm xúc của chủ thể trữ tình Anh đã trải qua. Phải chăng những cảm xúc ấy chỉ là một trong những phiên chợ tình Khau Vai đầu tiên, mà Anh về làm rể vùng đất Hà Giang huyền thoại này trải qua.
Nhà thơ Nguyễn Duy từng viết
"Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác
Hát nuôi phần hồn"
Phải chăng tác giả Trịnh Phú Đa muốn dùng tâm tư tình cảm của người cha. Cũng là một đấng mày râu có tấm lòng rộng lượng...Để gửi gắm một ý thơ sâu xa hơn nữa, ẩn sau câu chữ, sau những xáo trộn tâm tư của chủ thể Anh "ngồi tự ru mình" trong đêm vợ đi gặp người tình cũ. Để nhắc với thế hệ sau về nét đẹp văn hoá cần giữ gìn của người Đồng Bào vùng cao Hà Giang hôm nay. Và có lẽ tâm tư một nhà giáo về hưu, ông cũng muốn ca ngợi tình yêu cao thượng của chàng trai, người cha ru con trong bài thơ này...
Ngày nay xã hội phát triển như cơn lốc, đã và đang cuốn đi một số phong tục, tập quán hoặc làm biến tướng những phong tục tập quán cũng là nét đẹp văn hoá của một số cộng đồng người Đồng Bào thiểu số...Như tục Ngủ Thăm... Một phần lớn nguyên nhân phải chăng bắt nguồn từ những gia đình được xây dựng không cùng trên một cái nôi văn hoá, như gia đình Anh và Em trong Ru Con Trong Đêm Chợ Tình, nhưng người vợ đã không nhận được sự đồng cảm sẻ chia như chủ thể Anh của tác giả Trịnh Phú Đa.
Sài Gòn 12/5/2015
Huỳnh Xuân Sơn