Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Lắng Cùng Lê Thanh Khúc EM HÁT









"Đã quá nửa đời phiêu dạt con lại về úp mặt vào sông quê
Ơi con sông quê dạt dào như lòng mẹ
Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn...."
Lời ca khúc Khúc Hát Sông Quê nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu mỗi khi vang lên đâu đó hẳn khiến những người con xa xứ đặc biệt là người Xứ Nghệ nao nao mà xúc động mà bùi ngùi nhớ quê....

Tác giả Lê Thanh có lẽ cũng "Quá nửa đời phiêu dạt" khỏi nơi chôn nhau cắt rốn... Ông tha hương chịu cảnh xa xứ nhiều năm, hẳn mỗi khi nghe những lời ca, câu hát Dân Ca ông đều khắc khoải ...
Và phải chăng sau một trong những lần nghe hát Dân Ca như thế ông đã viết đoản khúc Em Hát rất đặc biệt

Em Hát
Nghe Em hát khúc dân ca
Lời ca sâu lắng mặn mà yêu thương
Cho lòng anh những tơ vương
Đưa Anh về lại nẻo đường tuổi thơ

Dạt dào sóng mắt mông mơ
Luyến từng câu chữ thẫn thờ hồn anh
Lời ca thoảng gió trong lành
Lắng vào tâm tưởng... Tim anh bồi hồi

Dù đi cuối đất cùng trời
Vẫn mong gặp lại nụ cười hôm qua
Dù rằng gặp phải chia xa
Còn hơn khắc khoải chẳng nhoà bóng Em!
Lê Thanh

Em Hát được tác giả thể hiện không bằng sự phóng khoáng của Tự Do. Không trầm mặc như Đường Thi. Mà ngọt ngào sâu lắng với Lục Bát...
Những cặp Lục Bát chỉn chu về niêm vận! Nhẹ nhàng chuyên chở từng ý thơ qua những cung bậc cảm xúc của tác giả tới bạn đọc.
Nghe Em hát khúc Dân Ca
Lời ca sâu lắng mặn mà yêu thương
Cho lòng anh những tơ vương
Đưa Anh về lại nẻo đường tuổi thơ

Tác giả vào đề theo cách Trực Khởi, nhằm giới thiệu ngay Em Hát.
Vâng! không riêng tác giả mà còn có tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc khác nữa khi " Nghe em hát khúc Dân Ca" thôi, là đã giăng mắc biết bao sợi " tơ vương" rồi! Người xa xứ hẳn nỗi nhớ quê hương dâng trào theo lời ca câu hát. Người ở lại quê hương nghe những làn điệu Dân Ca quê mình cất lên hẳn niềm vui xen lẫn tự hào cùng hòa theo lời hát.
Em đã hát khúc Dân Ca nào đây? Tác giả không nói.... Chỉ thấy ông ghi lại cảm xúc của riêng mình rằng " sâu lắng mặn mà yêu thương". Em người Hát hôm nay có lẽ đã không còn trẻ nữa...
Chắc có bạn sẽ hỏi tôi sao lại nói Em không còn trẻ?
Tôi ngờ thế bởi tôi nghĩ không bao giờ những người đàn ông có tâm hồn thi sĩ lại để cho nhân vật trữ tình của mình đi nhận xét một thiếu nữ tuổi đôi mươi " mặn mà " cả! Phải không tác giả Lê Thanh ?
Người Hát gieo những sợi "tơ vương" gieo những hạt mầm "yêu thương" và đặc biệt còn " đưa anh về với thiên đường tuổi thơ" nữa. Phải chăng Em là một Hồng Nhan tri kỷ với Anh chăng?
Hoặc giả chủ thể trữ tình Anh cũng là Người Xứ Nghệ như tác giả Lê Thanh và trong một chiều nơi đất khách quê người bỗng nghe Em Hát "... câu hò Xứ Nghệ./ Ôi câu hò xứ xở ./Thắm đượm tình quê hương" Để rồi nỗi nhớ niềm thương cùng rủ nhau về theo mỗi lời ca đưa tới.
"Rằng thương nhau cho trọn
Rằng qua cơn hoạn nạn
Mới hiểu được lòng nhau
Anh qua bao miền quê
Điệu hò theo chân bước
Chiều nay nghe em hát
Thổn thức hoài con tim." ( Giữa Mạc Tư Khoa Nghe Câu Hò Xứ Nghệ- Trần Hoàn)

Bao nhiêu hồi ức theo về. Có lẽ không cần người thể hiện bài hát là Hồng nhan tri kỷ nữa.. Mà những lời ca gọi nhắc trong những làn điệu Dân Ca đủ để bóp nghẹt trái tim những người xa xứ nặng tình với quê rồi.
Từ những nỗi niềm như thế tác giả đã bùi ngùi gửi vào câu chữ cho lời thơ cất cánh nương theo Em Hát:
Dạt dào sóng mắt mộng mơ
Luyến từng câu chữ thẫn thờ hồn anh
Lời Em thoảng gió trong lành
Lắng vào tâm tưởng... Tim anh bồi hồi

Em Hát khúc Dân Ca nào trong kho tàng đồ sộ của của dân tộc giờ đây có lẽ không cần câu trả lời nữa. Bởi lẽ câu hát ấy giờ đây đã đưa chủ thể anh sang một cảm xúc khác!
Lời ca em cất lên lan xa không chỉ 'dạt dào" cảm xúc! Ánh mắt Em với ánh nhìn vào khoảng không trên sân khấu hay ánh nhìn trao cho khán giả là Anh để anh cảm một làn "sóng mắt mộng mơ" và khi từng lời ca tròn trịa em cất lên anh có "Uống từng lời" hay không mà bất giác "Thẫn thờ" như vậy?
Lời Em hay lời ca đọng lại trong anh như một cơn gió thoảng nhưng để lại cảm giác Trong lành" êm ái làm sao!
Lời ca hay ánh mắt em đã "Lắng vào tâm tưởng.." Hoặc giả những " Thiên đường tuổi thơ" những " Ánh mắt mộng mơ" Hay làn môi luyến cấu nhả chữ "...
Để câu thơ lạc nhịp đổi thành 4/ 4 ... Một khoảng lặng đủ để .." Tim anh bồi hồi" xao xuyến!
Dù đi cuối đất cùng trời
Cũng mong gặp lại nụ cười hôm qua
Dù rằng gặp phải chia xa
Còn hơn khắc khoải chẳng nhoà bóng Em!

Một khúc Dân Ca em hát nhiều lắm cũng khoảng mươi phút! Vậy mà giờ đây dẫu có phải " đi cuối đất cùng trời" Anh cũng chỉ mong tìm lại một nụ cười của em hôm ấy, ngày qua, hôm nay , và ngày mai nữa... Nụ cười sẽ theo anh mãi ư?
Lời ca em hát đưa chủ thể anh đi qua từng cung bậc cảm xúc của người nghe để rồi sau phút lắng lòng Tình cảm chuyển sang ngôi thứ nhất Anh có nỗi nhớ ( chỉ là nhớ một nụ cười ) rồi đến khao khát gặp lại dẫu cho có phải bao lâu và tìm cùng trời cuối đất...

Nhưng! Lại là chữ nhưng khó lý .giải cho câu thơ
"Dù rằng gặp phải chia xa"...
Gặp rồi ...
Chia xa...
Vẫn còn hơn ôm nỗi " Khắc khoải " vì bóng dáng em " chẳng nhòa" theo thời gian trôi!
Mới hay sức nặng của lời ca khi nó đi vào tâm tưởng người nghe lắng lại và lan tỏa ...
Tới đây người viết muốn chép tặng chủ thể trữ tình Anh và tác giả hai câu:
Hồng Sơn cao ngất mấy trùng
Lam Giang mấy trượng thì lòng mấy nhiêu ( Ca Dao)
Văng vẳng đâu đây lời thơ như đồng cảm như sẻ chia với Em Hát của nữ sĩ tuổi 80

Trẻ
Cây đàn sẽ cũ
Người sẽ già
Lời ca trẻ mãi( Phan Thị Thanh Minh)

Em Hát của tác giả Lê Thanh vừa dừng lại cùng người viết. Có thể khi đồng hành cùng tác phẩm với góc nhìn một chiều nên không tránh khỏi những nhận định chủ quan không theo suy nghĩ của phần đông bạn đọc cũng như của chính tác giả Lê Thanh khi ông viết Em Hát.
Âu cũng đành bất lực và cũng mong nhận được sự bao dung cho sự khác biệt( nếu có) của bạn đọc và tác giả!

Hà Nội 9/11/2017
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét