Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Tha Thẩn Cùng Gió Của Tác Giả Tuanquang Ngo



Hồ Tây những ngày đầu đông chiều  xuống rất nhanh.Vạt nắng nồng nàn chừng như muốn nán lại trên những chùm hoa Sữa chuẩn bị mãn khai. Con đường ven hồ uốn cong nâng niu những hàng cây thẳng nghiêng bóng xuống mặt hồ không tĩnh lặng đang dần tối!
Từ căn gác quán cà phê Cộng nhìn xuống khung cảnh ấy cảm xung quanh mình nên thơ như nhạc... Bất giác bên mình thơm ngát hương hoa sữa đang lan tỏa theo ngọn gió, vừa trèo qua ô cửa sổ cũ kỹ, đến bên tôi! Âm thanh từ chiếc loa nằm ẩn khuất đâu đó đang vang lên Lời Của Gió ngỡ như cũng đang Thì Thầm thì thầm ...Với riêng tôi!
Cơn gió nào bay ngang bầu trời
Nói với em rằng tôi lẻ loi
Cơn gió nào bên tai thì thầm
Nói với em rằng tôi thương nhớ ... em?  (Duy Thái)

Từng giọt cà phê buông rơi dần đầy, chầm chậm cạn, đưa chiều vào tối! Hồ Tây như mênh mang hơn khi vắng đi màu nắng hanh vàng đắm mê. Ánh đèn đường bật sáng cũng là lúc tôi bắt gặp và say sưa với một Cơn Gió lạ!
Cơn Gió ấy có lẽ cũng xuất phát từ một góc của Hồ Tây. Để rồi nhẹ nhàng lan đến  Thơ Tình Mùa Thu.. Cơn Gió ấy chừng như cũng muốn nán lại. Giãi bày, Chia sẻ...Để rồi những tâm tư những dằng xé nó chở theo nặng trĩu ấy Lắng lại trong tôi!

GIÓ

Đêm trở gió khiến lòng anh trăn trở
Gió có buồn khi chở nỗi cô đơn
Có lẽ nào gió hiểu rõ nguồn cơn
Mang cái lạnh trùm lên đêm khuya khoắt

Anh mang gió vào trong thơ rất thật
Gió giận hờn xô câu chữ ngả nghiêng
Bên ngoài kia gió ràn rạt cả đêm
Trong lòng anh gió như điên như dại

Có bao giờ gió thấy mình mệt mỏi
Lắng vào anh nỗi nhớ đến vô cùng ( Ngoquang Tuan)

Mười câu thơ được tác giả viết cho tựa đề GIÓ! Gió một hiện tượng tự nhiên đi vào bài thơ bắt đầu từ Đêm.

Đêm trở gió khiến lòng anh trăn trở
Gió có buồn khi chở nỗi cô đơn
Có lẽ nào gió hiểu rõ nguồn cơn
Mang cái lạnh trùm lên đêm khuya khoắt

Mở đầu "Đêm trở gió..." không như nhạc sĩ Trọng Đài  "..xanh xanh liễu rủ mặt hồ Gươm / Cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng/ Con sóng nào vẫn vỗ về vào đam mê" mà tác giả lại để cho nhân vật trữ tình của mình "trăn trở" trong lòng! Qủa thực đêm là khoảng thời gian bóng tối bủa vây xung quanh nếu phải một mình trăn trở trong nỗi cô đơn thì thật đáng sợ.
Đêm trở gió... Gió rong ruổi đi lang thang có lẽ chính bản thân gió cũng chẳng thể biết mình đang đi đâu về đâu? làm sao gió biết buồn? Làm sao gió chở nổi nỗi buồn cho ai kia? Và gió càng không thể chở theo "nỗi cô đơn" của ai kia ? Anh có biết? Ai kia có biết? Tôi! Bạn và tác giả có biết ? Gió chẳng bao giờ cô đơn đâu vì bên mình luôn có mây trên cao, có sóng dưới thấp...Gió đa tình hay gió lãng du? Gió mặc tất thảy Gió cứ thả mình ngao du đây đó..
Nhưng trong đêm nay! Đêm trở gió trong bài thơ này! Khi mà ai kia cảm nhận gió chở không khí lạnh về bao trùm lên tất cả! Nhất là đêm càng về khuya thì nỗi cô đơn trống trải càng lớn. Gió thổi mang theo hơi lạnh về càng làm ai kia lạnh hơn... thì có lẽ Gió đã hiểu và phải chăng đã phần nào đồng cảm với ai kia đang giá buốt trong lòng rồi chăng?
Gần nửa bài thơ với cái lạnh ngoài trời len vào bên Anh để rồi thấm vào làm lạnh thêm cái lạnh trong lòng ai kia nữa.. Gió đã làm xong nhiệm vụ giới thiệu nỗi niềm của ai kia cùng nỗi cô đơn khắc khoải trong đêm trở gió !
Gió đã đến bên anh và gió nói khẽ cùng anh điều gì đó để rồi tứ thơ bật dậy
Anh mang gió vào trong thơ rất thật
Gió giận hờn xô câu chữ ngả nghiêng
Anh mang gió vào trong thơ rất thật? Không ai thắc mắc đâu? Thật hay không thật chỉ mình anh biết Gió biết và có chăng là tác giả nữa biết mà thôi!
Nhưng những  câu chữ chuyên chở ý thơ trong Gió thì vẫn ngay ngắn đây thôi!
Gió giận hờn xô nghiêng ngả bất cứ vật thể nào cản đường gió qua! Gió giận anh? Gió giận mình hoặc gió giận mây, giận nước mà rong ruổi đôi khi còn gào thét.
Gió mang hơi lạnh ùa vào tận dáy lòng đang cô đơn trong đêm trở gió khiến cho ai kia nghiêng ngả lại đổ thừa câu chữ nghiêng ngả? Oan này ai giải dùm câu chữ đây? Chắc phải bắt đền tác giả thôi!
"Bên ngoài kia gió ràn rạt cả đêm"! Gió có ngừng không? Hình như không ? Đêm trở gió mà! Nhưng cuối cùng thì chính anh cũng phải thú nhận "Trong lòng anh gió như điên như dại". Gió nào thổi trong lòng anh vây tác giả ơi? Gió buồn, gió cô đơn, gió lạnh? hay cơn gió dỗi hờn ? Tác giả không nói, ai kia chẳng thú thật. Chỉ biết suốt cả đêm anh đã thức trắng để biết gió "Ràn rạt cả đêm"!Phải chăng từ đâu đó trong đêm vắng khuya khoắt này có tiếng hát văng vẳng bên tai:

Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên
Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên
Bao đêm tôi đã một mình nhớ em
Đêm nay tôi lại một mình.(Một Mình)
Những lời ca ấy của nhạc sĩ Thanh Tùng phải chăng muốn an ủi, vỗ về, muốn xua đi cơn gió trong lòng anh đang "như điên như dại". Vì đâu và vì sao hay cũng phần nào cùng tâm trạng với nhạc sĩ để ai kia cũng muốn nói rằng:
Em có nghe thấy gió nói gì không ?
Anh mang thương nhớ gửi vào trong gió
Đôi phút bên anh được nghe anh nói với em.(Một Mình)

Dầu muốn hay không thì hai câu kết của Gió cũng vừa hiện diện

Có bao giờ gió thấy mình mệt mỏi
Lắng vào anh nỗi nhớ đến vô cùng

Một câu hỏi tu từ tác giả hỏi chỉ để hỏi mà thôi! Gió không bao giờ mệt mỏi! Cũng như anh với nỗi nhớ vô cùng kia sẽ không bao giờ lắng lại được! ngay cả khi cây muốn lặng và gió đã ngừng..

Nỗi nhớ của ai kia cũng chẳng thể nào lắng lại được phải không?! Thôi thì đổ thừa tại gió cứ "Thổi bùng lên bao nỗi nhớ" vậy? " Ai đo nỗi nhớ thử bằng bao nhiêu?" nếu chưa bao giờ ai đo được thì thôi ai kia ơi! Như Trịnh đã viết:
Tình ngỡ đã quên đi. Như lòng cố lạnh lùng. Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang… Tình ngỡ đã phôi pha. Nhưng tình vẫn còn đầy. Người ngỡ đã đi xa. Nhưng người vẫn quanh đây ….
(Tình Nhớ- Trịnh Công Sơn)
Gió cứ rong ruổi về nơi vô định! Cơn gió trong lòng như điên như dại kia rồi cũng phải nhẹ dần và ngừng lại... Chỉ có điều đêm mai đêm mai nữa hoặc giả bất kỳ lúc nào nó cũng sẵn sàng bật dậy và thổi bùng lên cùng nỗi nhớ vô cùng...
Gió bão giông lốc rồi cũng có lúc phải ngừng lại!
Riêng có  nỗi nhớ niềm thương trong lòng mãi mãi như cơn gió ngoài trời chỉ có thể dịu nhẹ khiến ta có cảm giác gió đang nằm yên chứ chẳng thể nào ngưng lại phải không ?
Nhưng tác giả ơi! Tôi muốn gửi một lời sẻ chia với Anh rằng: Đêm dài bao nhiêu thì cuối cùng hừng đông cũng phải ló rạng để chờ ánh Bình minh lấp lánh trước khi nắng mai tràn về!
Gió của tác giả Tuanquang Ngo vừa dừng lại cùng tâm tư người viết.
Hà Nội 21/11/2017
Huỳnh Xuân Sơn

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

ĐỌC CHO ANH TÂT CẢ Của Tác Giả Diệp Thế Hùng



Tình yêu là đề tài không bao giờ cạn trong dòng chảy thơ ca của những người có mang chút nợ nần vơi câu chữ. Tình yêu ngang trái lại càng tốn giấy mực ngày xưa và chiếm không gian mạng ngày nay!
 Tác giả nhà thơ nhà Khoa Học Diệp Thế Hùng cũng không ngoại lệ khi gửi tâm tư tình cảm vào câu chữ.. Trong những trái ngang, những dằng xé và đau khổ của hai chủ thể trữ tình hiện diện trong thơ ông gần đây thường bế tắc, đau khổ...
Bất ngờ hôm nay tôi gặp một Đoản Khúc Tình trong bản Trường Ca Bi Ai Tình của ông có những nốt Reo Vui trong đau khổ!

CHO ANH TẤT CẢ

Em đến thăm anh một buổi chiều
Trời xanh cuối hạ gió hiu hiu
Áo em trắng quá như màu nắng
Từng bước em đi dáng mỹ miều

Em nói rằng em đến với anh
Sợ tình kết cuộc sẽ không thành
Nên em muốn đến cho anh hết
Cả tấm thân em, cả tấm tình

Anh siết em yêu chẳng chịu rời
Em ơi, đừng sợ sẽ lìa đôi
Mắt nhung nhòa lệ trên gò má
Nhỏ xuống tim anh đẫm ướt rồi

Nằm xuống bên nhau mặt sát kề
Để nghe nhịp thở của đam mê
Để cho thân thể hai thành một
Và để em quên cả lối về.
Diệp Thế Hùng.

Khi tác giả viết về tình yêu trong dòng thơ Tình của mình, ngoài nhớ mong hờn giận! Thì sự khát khao dâng hiến cũng không thể thiếu trong thơ ông và đây, ngay ở trong Cho Anh Tất Cả đã chứng minh điều ấy!

Em đến thăm anh một buổi chiều
Trời xanh cuối hạ gió hiu hiu
Áo em trắng quá như màu nắng
Từng bước em đi dáng mỹ miều

Những câu thơ mở đầu thoáng qua bề mặt câu chữ  ngỡ không liên quan gì tới tựa đề! Không lẽ nào lại thế? "Anh... buổi chiều? Phải chăng "Em cuối hạ?" Nếu đúng vậy thì người phụ nữ ở tuổi này chỉ một vài "Bước em đi..." qua buổi giao mùa nữa thôi sẽ Sang Thu rồi! Mỹ miều hẳn vẹn nguyên nhưng  có thêm sự dịu dàng đằm thắm quyến rũ của "Nụ cười như mùa thu tỏa nắng"! Có sự chín chắn trong suy nghĩ có thêm chút sáng suốt trong sự lựa chọn... Phần đông phụ nữ thời nay là thế!
Những cơn gió cuối hạ hiu hiu vào thơ của tác giả phải chăng như dự cảm một buổi chiều thăm viếng êm đềm đang và sẽ diễn ra...

Em nói rằng em đến với anh
Sợ tình kết cuộc sẽ không thành
Nên em muốn đến cho anh hết
Cả tấm thân em, cả tấm tình

Nút thắt vừa được cắt phăng ra bất chấp tất cả "Em cho anh hết"! Lý do thật đơn giản dễ hiểu!
dễ hiểu vì "Em nói rằng.." Sợ tình kết cục sẽ không thành"! Tấm thân em ! Chứa trái tim yêu bất chấp tất cả và đương nhiên nó mang theo Cả tấm tình rồi!
Và rồi cái gì đến tất sẽ phải đến với hai người họ thôi!

Anh siết em yêu chẳng chịu rời
Em ơi đừng sợ sẽ lìa đôi
Mắt nhung nhòa lệ trên gò má
Nhỏ xuống tim anh đẫm ướt rồi

Nằm xuống bên nhau mặt sát kề
Để nghe nhịp thở của đam mê
Để cho thân thể hai thành một
Và để em quên cả lối về.

Lời an ủi như trấn an như động viên của chủ thể anh có lẽ cũng không thể làm nguôi cơn sóng tình dồn dập nổi từ phía em!  Phụ Nữ mà ! Yêu dâng hiến trong bế tắc trong đau khổ làm sao mà "mắt nhung" không Nhòa Lệ được đây. ..
Nhưng điều người viết muốn nói ở đây lại là những giọt lệ chảy đầm đìa từ đôi Mắt Nhung tuyệt đẹp kia nó trôi qua gò má xuống đôi môi căng mọng có lẽ cũng đẹp tương xứng đôi Mắt Nhung... Nó không làm ướt môi anh! Má anh hay Vồng ngực anh khi "Siết em yêu chẳng chịu rời" mà nó lại nhỏ xuống tận Tim anh và làm cho trái tim ấy cũng "Ướt đẫm rồi"  Có câu "nước mắt đàn ông không rơi thành dòng".
Phải chăng nhìn em Khóc trái tim anh cũng xót xa đầm đìa đây thôi!
Em quên lối về? Có lẽ là không chí ít là sau khi vòng tay anh dẫu không muốn cũng phải rời thôi!
Tới đây người viết muốn gửi lại một nỗi niềm của một cô gái cũng được viết ra bởi một người đàn ông qua tuổi Thất thập trong một hoàn cảnh tương tự hai chủ thể Em và Anh của tác giả Diệp Thế Hùng.
ƯỚC
Trong tay anh không gian vẫn rộng
Giọt mồ hôi chen giữa làn da
Em ước sao Vu Sơn trải rộng
Để ngàn đời khoảng cách không xa ( Phạm Tấn Thu)
Cho Anh Tất Cả của Diệp Thế Hùng và ƯỚc của Phạm Tấn Thu có chung một khao khát yêu và được yêu trong tình yêu tận hiến của người con gái dành cho chàng trai của mình. Bất chấp tất cả....
Đó là cảm xúc của các nam Thi Sĩ gửi gắm qua chủ thể của mình!
Còn đây là cảm xúc của nam Ca nhạc sĩ Đức Huy và Nhạc Sĩ Lam Phương hai người  đại diện cho phần đông nhạc sĩ chuyên viết nhạc tình!

Thiết chi một đêm tha thiết chi một đêm rồi xa nhau ngàn trùng
Lệ này cho anh hay lệ này cho em khi mộng ước không thành
Ngày buồn còn bao lâu hay muôn đời nuối tiếc đêm cuối cùng
bên nhau  (Phút Cuối - Lam Phương )
....
Anh đến với em với tất cả tâm hồn
Em đến với anh với tất cả trái tim
Ta đến với nhau muộn màng cho đớn đau
Một lần cho mãi nhớ thương dài lâu (Như Đã Dấu Yêu- Đức Huy).

Có phải nhạc sĩ Lam Phương và ca nhạc sĩ Đức Huy đã viết những ca khúc này như lời tiên đoán cho hai chủ thể trong thơ của Khoa Học Gia Diệp Thế Hùng hay không? Hoặc giả Tình yêu luôn có những trái ngang như thế! Nỗi trái ngang nỗi khổ đau vì yêu vốn Không của riêng ai? không giành cho riêng ai!
Nhưng vẫn là chữ nhưng luôn cho những ai biết chờ đợi và nuôi khát vọng một ngày kia họ lại được bên nhau! và bài thơ của tác giả Diệp Thế Hùng là bài thơ có chút ánh sáng niềm vui le lói trong  đường hầm  buồn đau  của hai người Anh và Em đại diện cho những đôi lứa yêu nhau đang chìm đắm trong bể tình đau khổ không lối thoát!
Dù sao và như thế nào thì từ thủa hồng hoang tới nay Tình yêu luôn luôn có lý lẽ riêng của nó!
Người viết xin mượn một đoạn ca từ ca khúc của hai nhạc sĩ trên để kết cho bài viết này. Như một lời sê chia đồng cảm gửi đến Em gửi đến Anh trong Cho Anh Tất Cả của tác giả Diệp Thế Hùng

Trong đôi mắt anh em là tất cả
Là nguồn vui là hạnh phúc anh dấu yêu.
Nhưng em ước gì mình gặp nhau
lúc anh chưa ràng buộc.
Và em chưa thuộc về ai.
.......
Em sẽ cố quên rằng mình đã đến trong nhau
Nồng nàn như đã dấu yêu từ thuở nào.

Hà Nội 12/11/2017
Huỳnh Xuân Sơn

Tác Giả Lê Thanh Người Chồng Trọn Nghĩa Tào Khang


Tác giả Lê Thanh trong một lần gặp gỡ người viết và một số bạn bè trong hội thơ ông đã rất hào hứng khoe : Tôi viết rất nhiều thơ tặng vợ!Trước khi đọc những vần thơ ông cho là mình viết hay nhất, tình cảm nhất giành cho người đầu ấp tay gối bốn mươi năm của mình!
 Chị ngồi bên nở nụ cười hạnh phúc tự hào !Khi tác giả Thanh X.. ngồi gần nói nhỏ với tôi và chị Em viết cả gần ngàn bài thơ mà không viết được bài nào tặng riêng chồng...
Các bạn thơ ngồi nghe hôm ấy nghĩ sao thì tôi chưa biết. Riêng tôi âm thầm đọc để tìm xem có đúng như những gì ông nói không?
Nghĩ là làm vì sẫn sở thích đọc thơ... 
Hôm nay sau khi đọc được tương đối nhiều bài thơ ông viết. Tôi xin dùng chính những vần thơ của ông để  khắc họa phần nào bức chân dung Người Chồng Lê Thanh Trọn Nghĩa Tào Khang .
 Người viết muốn dùng bức họa bằng thơ này tặng tác giả và Bạn đời của ông như một món quà kỷ niệm bốn mươi năm ngày cưới của hai người!
Ông làm thơ từ bao lâu rồi người viết chưa biết . Nhưng với gần 70 xuân đời, 40 xuân tình thì cặp câu thơ sau đủ sức nặng níu chân tôi và có lẽ nhiều bạn đọc yêu thơ dừng lại chúc mừng hạnh phúc bốn mươi năm của hai người!

Vợ chồng duyên số an bài
Gia đình chìa khoá mở lâu đài tình yêu .

Sẽ không ai ngạc nhiên khi ông đang sở hữu một Lâu Đài Tình Yêu! Sau khi đọc bài thơ ông viết tặng vợ ngày sinh nhật có lẽ thủa cả hai còn trẻ

Gửi EM cảm xúc nồng nàn
Gửi vòng tay ấm ôm choàng một khi
Anh gửi qua gió thầm thì
Nhóm lên ngọn lửa mỗi khi em buồn

Gửi em ấm áp nụ hôn
Gửi em luôn cả nỗi buồn vu vơ
Gửi Em khao khát đợi chờ
Gửi Em thêm cả giấc mơ ngot ngào

Anh yêu Em lắm biết bao
Mừng ngày sinh nhật ngọt ngào Em tôi
Mắt Em lấp lánh nụ cười
Tâm hồn trẻ lại cuộc đời nở hoa ./.(Gửi)

Ngày Sinh nhật Ông Gửi Tình cảm vào câu chữ tặng người Phối Ngẫu thật đặc biệt. Rất đơn giản, rất tình, rất thật và cũng rất thơ,
Ai cũng có, ai cũng biết, nhưng không phải quý ông làm thơ nào cũng viết tặng vợ mình được như thế!
Còn ngày lễ Tình Yêu một ngày lễ được du nhập từ Phương Tây phần đông giành cho giới trẻ. Nhưng có hà chi khi hai người họ đã có nhiều năm sinh sống ở xứ sở Bạch Dương.
Và từ tình cảm dành cho vợ, cho thơ, ông đã gửi gắm vào câu chữ những vần thơ chúc mừng, có lẽ khiến cho nhiều chị,nhiều cô phải ao ước có được:

Va- Len - Tin đến ngỡ ngàng
Lẽ tình nhân đến rộn ràng tim Ai

Con đường hạnh phúc chông gai
Gừng cay muối mặn dặm dài yêu thương
Men tình yêu toả sắc hương
Từ muôn kiếp trước nẻo đường tình yêu

Va Len Tin nói bao điều :
Hãy yêu chân thật và yêu hết mình !
Tặng.em triệu đoá hồng xinh
Nụ hôn nồng cháy ngày tình Valen tin !(Chúc Mừng Ngày Lễ Valentin )

Tình cảm vợ chồng khi xa cách cũng được vào thơ ông rất đơn giản nhưng tình sâu nghĩa nặng khiến cho tôi và có lẽ có thêm nhiều bạn đọc cùng cảm động theo nỗi nhớ thương của ông. Chị hẳn rưng rưng xúc động và tự hào lắm khi nhận được chùm thơ ngắn nhưng tình dài nghĩa sâu nặng có tên NHỚ. Nhớ của tác giả dành cho vợ rất đặc biệt:

Sớm
Văng vẳng tiếng gà gáy
Mới có ba giờ hơn
Vùi đầu vào ngủ tiếp
Nhưng lòng dạ bồn chồn
Giờ này em cơm nước
Các con đang học bài
bao nhiêu điều vất vả
Nhưng hạnh phúc ngày mai
Trông mong vào người vợ
Vào con gái con trai
Hai năm trời xa cách
Ôi! sao thật là dài

Trưa

Trưa hè Vinh nóng nực
Con học bài ở nhà
Còn em thì vất vả
Đi cho kịp làm ca

Xe đạp mòn tuột xích
yên xộc xệch khó ngồi
Nghĩ vợ con thấy tội
Cuộn lòng anh bồi hồi

Chiều

Em đi về giặt giũ
Tắm rửa cùng các con
Anh bồn chồn nghĩ lại
Những buổi chiều cô đơn
Ai xách xô nước mát
Ai kỳ cọ cho em
Những điều bình dị ấy
Khi xa thấy mà thèm

Tối
Mưa phùn bay lất phất
Cơn gió lạnh lê thê
Chạnh lòng anh nhớ vợ
Tan ca đi làm về!
Chùm thơ mang tên nỗi Nhớ câu từ ngắn nhưng tình cảm ông dành cho vợ cho gia đình thì không phải ai cũng viết được chân thật mà rung động đến thế!
Trong khi đọc và tìm những vần thơ ông viết cho người vợ yêu của mình tôi cứ thắc mắc mãi về một bài thơ ông đề ghi chú suốt nhiều năm từ 1988 đến 2011. Một tựa đề khi nhìn thấy có lẽ nhiều bạn đọc chứ không riêng tôi sống xa xứ phải nao nao MUỐI MẶN .....GỪNG CAY.
Người xưa dạy rằng:

Tay nâng dìa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau (Ca Dao)

Hay như câu:

 Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa (Ca Dao)

Hai mươi ba năm đau đáu một bài thơ chắc hẳn tác giả có ý của mình. "Vợ chồng là nghĩa tào khang Xuống khe bắt ốc lên ngàn hái dâu"...
Một "đấng trượng phu nam nhi chi chí" Một Nguyên thầy giáo, Nguyên cán bộ đoàn người tình người chồng người tri kỷ tri âm với người phối ngẫu của mình gửi gắm Muối Mặn Gừng Cay hẳn chị phải xúc động lắm khi đọc :

Tình yêu mặn ,ngọt ,chua, cay
Để cho Em đắm ,Anh say hỡi Người
Nay dù xa cách cuối trời
Lòng Anh luôn nhớ tới ngươi ngày xưa

Thu vàng ,đông trắng ,hạ mưa
Mùa xuân xanh lộc cho vừa men say
" Nửa về nửa muốn ở đây
Về thì nhớ bạn ,ở đây nhớ nhà " *

Đa đoan một mối tình ta
Bên Em không thể vỡ ỏa yêu thương
Sẻ chia tình cảm tha phương
Hai mươi ba năm lẻ.. .đoạn trường em ơi

Anh đi qua mấy phương trời
Thành Minxc-Beelarut ,một thời nước Nga.
Anh từng đã đến Lit-va
Con thuyền neo lại Ukraina một chiều

Đất này nặng một tình yêu
Đắng,cay,mặn,ngọt...những chiều tha phương
Bao năm cùng với tuyết sương
Là quê hương mới đoạn trường đó em

Niềm vui ta được nhân lên
Tình yêu nảy nở bao niềm sẻ chia
Như dòng sông mát trưa hè
Thu đông đỡ lạnh,mái che tuyết lùa

Tình yêu đem đến vần thơ
Ukraina yêu dấu bao giờ mới quên
Là tình ,là nghĩa ,là duyên
Hai con đường cắt giao duyên một thời
................
(11/1988 - 11/2011..Muối Mặn Gừng Cay )

Ngày bạn đời Sinh Nhật 60 lúc này họ đã lên chức ông bà. Nhưng tình cảm nào có già đi ông viết tặng vợ những vần thơ tình cảm chân thật ,thật đến nao lòng người đọc. Người xưa nói Gái có công chồng không phụ " với tác giả Lê Thanh thì điều đó được thể hiện ngay trong thơ tặng vợ:

Hôm nay sinh nhật của Bà
Vợ chồng ,Con,Cháu cả nhà mừng vui
Đã sang tuổi sáu mươi rồi
Mà Bà vẫn khỏe ,vãn tươi ,vẫn giòn

Suốt đời phục vụ chồng con
Thân cò lặn lội sớm hôm tảo tần
Thương Bà khi độ tuổi xuân
Tôi xa nhà ,Bà viêc trăm phần đến tay

Mười ba năm ở bên "Tây"
Chợ đêm vất vả vai gầy tuyết sương
Càng nghĩ Tôi lại càng thương
Viêm xoang hành hạ trăm đường cúm, ho

Còn tôi được cái vô lo
Mải mê ban bóng , hẹn hò... thơ ca
Chỉ lo được cái cửa nhà
Tương cà mắm muối mình Bà xở xoay

Bà thì công việc liền tay
Còn tôi lơ đễnh như là " ngài" dưng
Thôi từ nay nhé -Bà mừng
Tôi như con lớn ngoan ,cưng ...luôn ở nhà !

Từ nay hai vợ chồng già
Ăn nhỏ , nói nhẹ cửa nhà ấm êm
Tự mình tôi nhắc nhủ thêm
" Lạt mềm buộc chặt ": chớ nên nổi khùng

Nóng giận, cố chấp xin đừng
Vợ ,Chồng hòa thuận , yên lòng các con
Mong Bà khỏe mãi xinh giòn
Đẹp người, đẹp nết, mãi còn bên nhau ./. (Chúc Mừng Sinh Nhật Vợ Yêu)

Bao năm xa xứ, bao ngày xa nhau ? Nay tác giả chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày cưới ! Sự kiện này làm sao thiếu thơ ông viết tặng vợ được . Mấy ai làm thơ mà có được VÀNG như tác giả Lê Thanh 

Bốn mươi năm quãng đời người
Thành Vinh ,Hà Nội ;Một thời Ukraina
Mặn nồng tình nghĩa đội ta
Qua bao gian khó ...mặn mà yêu thương !
Cùng nhau đi tiếp con đường
Đám cưới vàng đến...Kim Cương đang chờ !
Vui mừng con ,cháu trẻ thơ
Gia đình hạnh phúc bến bờ tương lai ! (Vàng)

Ông đã có Đồng, có Bạc và chuẩn bị Đón Vàng cho cuộc tình mặn nồng 40 năm của mình.. Ngày Sinh Nhật vợ gần đây nhất ông có một bài thơ tặng vợ trẻ trung không ngờ..nếu không nhìn ngày đề dưới bài thơ tôi cứ nghĩ ông viết đã lâu:

Mừng sinh nhật em đang đến
Không gần để gửi yêu thương
Qua phây gửi dòng tin nhắn
Gần thêm...xa cách dặm trường.

Chúc em tâm hồn trẻ mãi
Vần thơ rạo rực mùa xuân
Ánh mắt,nụ cười tươi sáng
Vòng tay bè bạn thêm gần !

Gửi em một chùm hoa nắng
Nồng nàn từ đất phương Nam
Mong em trẻ trung xinh đẹp
Hồn thơ say đắm nồng nàn .

Cách xa hai đầu nỗi nhớ
Tự ru mình ...những giả vờ !
Niềm vui không thành hiện thực
Ru hồn mình...bằng những giấc mơ !(Sài Gòn Tháng 5/2017 .)

Người làm thơ đặc biệt là các Qúy Ông! Phần đông  hay bị các bà các cô Ghen với nàng thơ với những bóng hồng vào thơ của chồng mình.
 Nhưng với tác giả Lê Thanh thì ngược lại Hình như ông "Ghen ngược"
Tôi đã rất bất ngờ khi đọc những vần thơ phải chăng ông ghi lại cảm xúc trong một lần ông phải xa vợ. Trong khi vợ lại đi tham gia những cuôc vui giả như họp lớp, họp bạn hay hội đồng hương chẳng hạn...
Lý do chưa rõ nhưng Nhà Thơ Lê Thanh Ghen thì hiển hiện rõ trên câu chữ đây rồi:

Ngày vui này...
Ai nắm tay em ?
Ai tặng hoa em...
Trong đêm lễ hội ?

Ánh mắt nào nhìn...
Cho lòng em bối rối ?
Người đàn ông nào ...
Xin điện thoại của em ?

Có Ai từng...
Người cũ thân quen
Cứ hẹn hò ...
Bắt em chờ đợi ?...
Còn nhiều lắm...
có bao nhiêu điều muốn hỏi...
Khi chúng mình còn phải chia xa

Mong rằng ai đó tăng hoa,
Đừng làm bối rối đó mà...tim ơi !
Điện thoại chỉ chúc mừng thôi. !
Đừng vì điện thoại ...đứng ngồi đó nha !

Ứơc chi không phải răng xa
Để anh luôn đuợc mặn mà yêu em !(GHEN)

 Cơn Hờn Ghen của ông còn nối tiếp khi ông ghen với cả Biển..
Mặc dù ông chỉ nhận mình Ghen Thầm thôi! Nhưng phải yêu vợ nhiều thế nào ông mới  ghen như thế chứ nhỉ?
Hôm qua bãi biển Sầm Sơn
Em say ,em đắm...biển mơn man người ...
Ra đi anh đã ngỏ lời :
Biển đông người đấy ! Đưng bơi đợt này !

Thế nhưng biển gọi...em say
Hoà vào lòng biển ...quên ngày bên Anh
Nắng vàng sóng sánh biển xanh ,
Bi ki ni đẹp em dành cho ai

Nét cong thon thả ,chân dài
Xì tin khoe dáng...mặc ai ghen thầm !
Điều đà xúng xính canh tân
Em dạo phố biển...tôi thầm ghen em !

Vũ trường quyến rũ ánh đèn
Vòng tay ai chạm...eo em thế này ?
Đắng lòng sống mũi mắt cay
Lần sau đi biển ...suốt ngày bên em !( Ghen Thầm)

Có yêu thương có hờn giận ! Người xưa đã đúc kết hẳn không sai "Bát đũa còn có lúc xô". Bốn mươi năm bên nhau chia sẻ cay đắng ngọt bùi chắc hẳn không phải lúc nào cũng giống  những vần thơ ngọt như mía lùi tặng vợ,. Nhất là thế hệ của ông đã phải sống trọn vẹn cái khó khổ chung của toàn xã hội những năm bao cấp...sau chiến tranh.
Nhưng cũng Người xưa đã dạy "Vợ chồng đóng cửa bảo nhau" nên tôi đã không tìm được những vần thơ lúc họ "Sóng xô" .. 
Tới đây tôi xin trích dẫn bài thơ đặc biệt hiếm có ai viết được như tác giả Lê Thanh tặng vợ và cũng chính là tâm tư ông viết về Cuộc tình hơn bốn mươi năm của mình!

Ngày vui trở lại quê nhà
Bao năm xa cách để mà...giận thương
Bóng chiều tóc ngả màu sương
Vẫn mong tìm lại giận thương thuở nào...

Cái thời tuổi trẻ xanh hao
Gia đình mọt gánh anh trao vai gầy
Bao năm xa cách trời " Tây "
Nỗi buồn ,thương ,nhớ ...càng dày...dày thêm

Em đi tất tả ca đêm
Em về trăng đã xuyên thềm ,chếch ngang
Trưa hè Vinh nắng chói chang
Gió "Lào " thiêu đốt cháy hàng tre pheo

Cuộc đời vẫn chưa hết nghèo
Mẹ già ,con dại ...gieo neo võ vàng...
Thương cho cái tuồi trăng vàng
"Tha phương cầu thực "...để Nàng đợi anh !

Quả ngon trái ngọt đầu cành
Xuân thì qua lứa..hao hanh giọt buồn ....l
Bao đêm thao thức đợi chuông ,
Phỗ đêm vắng vẻ nỗi buồn vắng anh...

Nuôi dạy con cái trưởng thành
Bao nhiêu vất vả thay anh công nàng !
Vợ chồng là nghĩa tào khang
Tình sâu ,nghĩa nặng ..ngàn vàng khó mua !..

Heo may lạnh ,gió đổi mùa
"Nàng Bân "rét muộn cho vừa lòng nhau...
Hiên nhà sớm nở hoa cau
Đào phai nở muộn ...mái đầu lại xuân
Trong vòng tay thoáng tần ngần...
Giận...thương đằm thắm...mùa xuân muộn màng !( Giận Thương-Lê Thanh , Vinh Xuân1996 -Nhân ngày gia đình Việt Nam 2017.)

Chỉ còn ít ngày nữa vợ chồng tác giả Lê Thanh sẽ kỷ niệm tròn bốn mươi năm ngày cưới. 
Bài viết này như đã nói ở đầu ! Là món quà mà tôi một bạn đọc yêu thơ quý trọng những người làm thơ xin được gửi tới tác giả và gia đình như một lời chúc mừng.
Vì nhiều lý do nên trong lúc đọc thơ để tìm tư liệu cho bài viết này tôi đã âm thầm làm mà chưa có điều kiện trao đổi với tác giả cùng người bạn đời của ông. Những nhận định diễn giải trong bài viết này chỉ mang tính chất phiến diện một chiều từ người viết. Rất mong nhận được sự bao dung từ tác giả và người bạn đời của ông nếu như có thiếu sót trong bài viết này.
Thay cho lời kết tôi xin gửi tặng cuộc tình mặn nồng của tác giả một khổ kết bài thơ của Huỳnh Phú Vang  như một lời đồng cảm,chia vui với ngày vui 40 năm hạnh phúc của tác giả Lê Thanh
'Bốn mươi năm
Nếu bây giờ phải chọn
Ta vẫn trung thành với quyết định năm xưa
Nắng vẫn lên cao và đêm dài vẫn xuống
Hạnh phúc vẫn tràn đầy như mỗi tối Tân Hôn"

Hà Nội 11/11/2017
Huỳnh Xuân Sơn


Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

Đọc MẮT NHUNG NHÒA LỆ Của Tác Giả Diệp Thế Hùng



Có một lần "Hồn lỡ sa vào đôi mắt em" Và có lẽ cũng đã " Thầm ước nhưng nào đâu dám nói" Nhưng Anh đã không " Khép tâm tư lại thôi". Để từ đó : " Đường hoa mở lối" cho cuộc tình giữa họ nhen lửa rồi bùng cháy khát khao khiến cả hai không lối thoát.
Yêu nhau chẳng đặng xa nhau không đành....
Có muộc tình tương tự như thế của Anh và Em đã được Khoa Học Gia Diệp Thế Hùng ghi lại trong tác phẩm đặc biệt

MẮT NHUNG NHÒA LỆ

Có những đêm buồn lệ chứa chan
Một mình trong phố bước lang thang
Yêu anh em biết là đau khổ
Em sợ tình duyên sẽ lỡ làng

Yêu để làm chi chịu trái ngang
Đêm đêm em khóc, lệ đôi hàng
Lệ rơi trên gối anh nào biết
Em lỡ yêu anh, sợ bẽ bàng


Anh nhớ em yêu, nhớ lạ lùng
Làm sao quên được mắt huyền nhung
Đường về mưa gió rơi tơi tả
Anh bước trong đêm tối mịt mùng

Gió bấc ngoài hiên thổi lạnh lùng
Đưa hồn anh đến cõi mông lung
Hồn lìa thể xác đừng quay lại
Để khỏi yêu em chuốc não nùng.
Diệp Thế Hùng.

Tôi có may mắn đọc được một số tác phẩm thơ tình gần đây của tác giả Diệp Thế Hùng. Phần lớn tác giả để cho chủ thể trữ tình trong thơ mình độc thoại... Nhưng trong Mắt Nhung Nhòa Lệ lại không theo thông lệ anh hay viết ấy!
Bốn khổ thơ tự do là bốn cung bậc cảm xúc nhưng chia hai phần. Một nửa chở tâm tư chủ thể Em còn một nửa kia là nỗi niềm của chủ thể Anh giãi bày.
 Mắt Nhung Nhòa Lệ được tác giả giới thiệu ngay bằng dòng lệ buồn của một Nửa buồn:

Có những đêm buồn lệ chứa chan
Một mình trong phố bước lang thang
Yêu anh em biết là đau khổ
Em sợ tình duyên sẽ lỡ làng

Biết là đau khổ! Sợ lỡ làng ! Nhưng Em vẫn yêu anh! Phải chăng vì lý do đó mà " Có những đêm buồn lệ chứa chan" Em khóc cho mình, Em khóc bởi trái ngang... Khóc thầm chưa thỏa nên cũng những đêm ấy Em lại " bước lang thang" Em tìm gì nơi đường khuya vắng người?
Trong khi :"Trời đông ngại gió lùa vai gầy" còn trên cao thì " Trăng về không lối chiếu" và có phải "Gác cao ngăn niềm yêu" ....Nhưng có hề chi Em vẫn yêu vẫn lệ chứa chan và vẫn lang thang một mình gặm nhấm chút ngọt ngào trong nỗi cách trở lỡ làng đau khổ bởi yêu anh.
Để rồi đêm sau, đêm sau và nhiều đêm sau nữa...Em vẫn lại " khóc lệ đôi hàng" mà tự trách móc mình hay là muốn trách anh hoặc giả trách ông tơ bà nguyệt dẫn lối đưa đường...

Yêu để làm chi chịu trái ngang
Đêm đêm em khóc lệ đôi hàng
Lệ rơi trên gối anh nào biết
Em lỡ yêu anh sợ bẽ bàng

Em lỡ yêu? Hay Em đã quá yêu? Dẫu biết mình đang phải đau khổ " chịu cảnh trái ngang" Và rồi đây " Sợ bẽ bàng".... Em nghĩ đêm đêm mình ôm gối khóc thầm anh " nào biết" ư?
Trái tim người ta khi yêu rất nhạy cảm. Nó luôn thấu hiểu đồng cảm và đặc biệt nó luôn luôn biết tìm đường đến trái tim yêu cùng nhịp dập với nó dẫu hạnh phúc hay khổ đau phải không tác giả?
Tâm tư vò xé bóp nghẹt trái tim khổ đau bởi yêu anh của Nửa bên em là như thế!
 Còn đây là những gì Nửa bên anh đang trải qua khi Mắt Nhung Nhòa Lệ

Anh nhớ em yêu nhớ lạ lùng
Làm sao quên được mắt huyền nhung
Đường về mưa gió rơi tơi tả
Anh bước trong đêm tối mịt mùng

Vậy là Họ mỗi người một nơi chung một tâm trạng. Yêu khi xa nhau thử hỏi ai không nhớ? Nhưng mà nhớ " lạ lùng" thì lạ thật đấy! Đường Anh về  đang phải " bước trong đêm tối mịt mùng"  và đi trong " Gió mưa rơi tơi tả" Tất cả Anh muốn nói anh không thể " quên được mắt huyền nhung" . Đôi mắt ấy anh đã " Để hồn sa vào..." mất rồi Làm sao quên và lòng thôi xao động đây?

Tới đây tôi muốn nhờ tác giả hỏi chủ thể trữ tình trong thơ mình rằng: Đêm tối mịt mùng bao quanh đường anh về trong gió mưa tơi tả... Hay chính tâm tư anh đang tả tơi vì đau khổ bởi tình duyên ngang trái không thấy lối ra như màn đêm đen bao phủ lúc này?
Dù sao đi nữa tôi vẫn gửi qua giông tố bên anh  lời ca  của nhạc sĩ Hoài Linh như một lời đồng cảm chia sẻ ..:
"Đường phố muôn màu sao thiếu em.
Về đâu làn tóc xõa bên thềm.
Lầu vắng không người song khép kín.
Nhớ em tôi gọi tên.
Chỉ nghe lá rơi bên thềm..." ( Về Đâu Mái Tóc Người Thương)
Dẫu Mịt mùng! dẫu Lạ lùng! Thì Mắt Huyền Nhung vẫn như vì sao lung linh dẫn lối anh về tới nơi cần về! Cho dù " Phố nhỏ đường mưa trơn lối về.Trăng sầu nhân thế đọng trên mi..."
Và giờ đây tâm tư Anh mới được tác giả khai thác triệt để trong khổ thơ kết:

Gió bấc ngoài hiên thổi lạnh lùng
Đưa hồn anh đến cõi mông lung
Hồn lìa thể xác đừng quay lại
Để khỏi yêu em chuốc não nùng.

Bốn câu thơ với ba từ láy Lạnh lùng, mông lung rồi thì Não nùng đặt cuối câu, chở theo những cụm từ " lạ lùng" : nào thì Gió bấc... Hồn lìa... Để khỏi.. Đến cõi..

Phải chăng tác giả muốn khắc họa tâm tư Anh cũng đau khổ rối bời bế tắc không lối thoát như nửa bên em lúc này. Nhưng trên hết anh muốn khẳng định chỉ có " hồn lìa thể xác" mới hết yêu em!
Trời ơi! Sao ông tơ bà nguyệt nỡ để hai người họ phải đau khổ vì yêu như thế?
Tôi muốn kêu lên như vậy đấy tác giả ạ?
Mắt Nhung Nhòa Lệ ! Biết làm sao lau khô được đây khi mà dòng lệ ấy trào tuôn từ hai nơi chứ không chỉ từ Mắt Nhung phải không tác giả?
Là phụ nữ rất may mắn bên mình có một bờ vai vững chãi. Một bóng tùng quân che chở nên chưa một lần thoáng qua thôi Mắt tôi phải Nhòa Lệ ....Mọi nhận định trong bài viết này đều mang tính chủ quan, phiến diện một chiều thông qua sách vở...
 Rất mong nhận được sự bao dung từ tác giả và bạn đọc cho những điều chưa đúng với tâm tư của phần đông bạn đọc yêu mến Mắt Nhung Nhòa Lệ!

Hà Nội 10/11/2017
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Không Của Nữ Sĩ Tuổi 80 Phan Thị Thanh Minh




Trở lại Hà Nội những ngày đầu đông! Tiết trời se lạnh cuộn mênh mang nỗi niềm.. Nhớ lời hẹn đến thăm Nữ Sĩ Phan Thị Thanh Minh mà chưa thu xếp được..
Tìm đến với Thơ của Cô và gặp KHÔNG!
 KHÔNG khiến tôi không thể không chia sẻ đồng cảm với những ngắt ý mà tâm tư nữ sĩ kính quý vừa gợi mở...

KHÔNG

Không gieo trồng
Cây không mọc
Người không có gì ăn!(Phan Thị Thanh Minh)

KHÔNG ! Bài thơ Haiku không Qúy Ngữ của nữ sĩ đã gieo vào trong tôi những suy tư khó tả...
Với ngắt ý thứ nhất
Không gieo trồng
Ngắt ý này gợi suy nghĩ trong ta hướng tới một công việc lao động cụ thể  giả như Nghề nông gieo trồng cây trái. Nghề Thầy trồng người. Nhà thơ gieo trồng ý tứ thành Thơ.. 
Ngắt ý thứ hai
Cây không mọc
Ngắt ý này là hệ lụy tất yếu sảy ra  của ngắt ý thứ nhất.
Không gieo trồng hạt mầm thì làm sao có cây nảy lộc đâm chồi.
Người Thầy không dậy dỗ học trò làm sao con trẻ thành người..
Nhà thơ không nhặt chữ ghép câu làm sao có thơ..
Và đây là ngắt ý thứ ba:
Người không có gì ăn!
Ngắt ý thứ ba này nữ sĩ muốn nhắc đến hệ quả tất yếu của cả hai ngắt ý trên..
Qua ba ngắt ý với ba từ Không! nữ sĩ tuổi ngoài 80 muốn gửi  thông điệp gì  tới bạn đọc của KHÔNG đây?!
Bạn nghĩ sao về những gợi mở của KHÔNG?
Với tôi KHÔNG ! không thể là không?  sau khi đi qua ba ngắt ý tôi nhận thấy KHÔNG này có rất nhiều điều gửi gắm sau câu chữ!
Và đây là những điều tôi nghĩ
Trong xã hội bất kể thể chế chính trị nào thì lao động, dù trí óc hay chân tay, cũng đều cần thiết. Nếu không có lao động sẽ không có thành quả lao động dẫn đến đời sống con người không chỉ  "Không có gì ăn" mà còn dẫn tới nhân loại không thể tồn tại và phát triển được...
Đó là nói đến vật chất và giá trị vật chất mà KHÔNG của nữ sĩ đưa ta liên tưởng đến.
KHÔNG còn gợi mở tới giá trị tinh thần hay nói cách khác là giá trị phi vật chất..
Giả như tình cảm gia đình một nhân tố tối quan trọng để có một xã hội phát triển. Nếu mỗi thành viên trong gia đình không quan tâm chăm sóc tình cảm cho nhau. Mạnh ai sống biết người ấy thì ắt hẳn sẽ dẫn tới kết quả con cái không được quan tâm dậy dỗ, dẫn đến hư hỏng. Vợ chồng không quan tâm chăm sóc nuôi dưỡng tình cảm dẫn đến tổ ấm thành tổ lạnh và rồi hệ lụy là hôn nhân đổ vỡ...
Với tôi đó chính là thông điệp mà Nữ sĩ gửi gắm qua KHÔNG !
Cám ơn nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh với bài Thơ  KHÔNG đã gợi mở khơi dòng chảy suy tư trong tôi để tôi có cơ hội trải lòng vào câu chữ.

Hà Nội đầu đông 2017
Huỳnh Xuân Sơn

Đọc TRẺ của Nữ Sĩ Tuổi 80 Phan Thị Thanh Minh



Đọc TRẺ của Nữ Sĩ Tuổi 80 Phan Thị Thanh Minh
******************************

Trẻ
Cây đàn sẽ cũ
Người sẽ già
Lời ca trẻ mãi (Phan Thị Thanh Minh)


Với tựa đề mang tên Trẻ nữ sĩ tuổi tám mươi muốn gửi gắm thông điệp vào câu chữ qua thể thơ Haiku.
Trẻ lại được tác giả bắt đầu bằng công cụ đặc biệt cụ thể qua ngắt ý

Cây đàn sẽ cũ

Cây đàn vốn chỉ là một dụng cụ dùng trong âm nhạc, Chúng ta ai cũng ít nhiều gắn với những âm thanh được cất lên từ cây đàn. Khi vui, lúc buồn đều không thể không gắn bó với nốt thăng, nốt giáng hay quãng ngưng... Cây đàn hẳn nhiên là phải cũ theo thời gian trôi.
Và ngắt ý thứ hai của Trẻ lại là một đối tượng cụ thể

Người sẽ già

Ai cũng hiểu và ai cũng thấy sự thay đổi của thời gian hằn lên nét mặt mỗi người. Chẳng ai cưỡng lại được quy luật của tạo hoá sinh ra. Có sinh có tử huống chi là già...
Chỉ có điều thật khó định lượng ai già? Ai trẻ. Một nữ sĩ tuổi lục tuần ắt hẳn già hơn một thiếu phụ tuổi bốn mươi! Nhưng nếu đi bên cạnh tác giả của chúng ta cô lại trẻ hơn nữ sĩ hơn hai chục tuổi.
Mới hay cần và rất cần mỗi người nên nhớ nên biết mình là ai và mình đang đứng ở đâu? Mình sẽ về đâu?

Cuối cùng Trẻ được nữ sĩ kết bằng ngắt ý cuối cùng!

Lời ca trẻ mãi

Không còn từ sẽ trong ngắt ý này nữa,
Lời ca là bất biến nó hiện hữu mà vô hình quanh ta nhưng không biến đổi là điều mà nữ sĩ muốn gửi gắm vào câu chữ

Lời ca phải chăng chỉ là lời hát cất lên?
Lời ca phải chăng là câu thơ, là bản nhạc?
Lời ca phải chăng là sợi dây tình cảm gắn kết gia đình?
Lời ca phải chăng là tình yêu đôi lứa?
Lời ca phải chăng là nghĩa vợ tình chồng?
Lời ca phải chăng là hiếu để trong lòng mỗi người?
Hay lời ca là tất cả những tinh anh của tâm hồn?
Tôi đã tìm được hướng đi cho riêng mình để mai này có một Lời ca trẻ mãi!
Còn bạn?

Bài thơ được nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh viết khi bước vào tuổi 80, Có lẽ những kinh nghiệm sống, những trải nhiệm trên dòng đời giúp bà thấu hiểu thông điệp của cuộc sống rồi gửi vào bài thơ ý tại ngôn ngoại mang tên Trẻ.
Giá trị vật chất không thể trường tồn mãi theo thời gian!
Vẻ đẹp nhan sắc bên ngoài rồi cũng tàn phai!
Chỉ có vẻ đẹp tâm hồn là còn lưu lại mãi!

Tuy Hoà 21/2/2016
Huỳnh Xuân Sơn

Cảm Nhận Bài Thơ Trốn Tìm Của Tác Giả Lê Thanh



TRỐN TÌM
   (Thương nhớ em Lê Thanh Hoà ,
hy sinh tại Căm Pu Chia ,năm 1979.)

Thuở còn thơ ,hai đứa trốn tìm
Em lẹ làng nấp sau đống rạ
Anh tìm thấy cười to khoái trá
Em thẹn thùng đỏ mặt : Bắt đền anh !

Chúng mình lớn lên trong khói lửa chiển tranh
Em đi học ngành với tấm vải màu xanh
Che đôi vai gầy suốt những năm dài đánh Mỹ
Còn anh với vòng lá nguỵ trang trên mình
    - Anh là chiến sỹ
Đi khắp mọi chiến trường không kịp gặp để chia tay...

Một ngày xuân anh trở lại nhà
Mong được gặp Em cô gái ngày xưa nấp sau đống rạ
Mẹ cầm tay anh nước mắt rơi lã chã :
Em vừa về sau tết đã đến trường !
Gói trọn tình thương anh lại lên đường
Lòng khắc khoải nhớ thương mong có ngày hội ngộ...

Hai mươi năm sau ...gặp em lần đó
Em đã có chồng. Con cái đã lớn khôn
Sâu thẳm trong em tận đáy tâm hồn
Nhớ thuở trốn tìm một thời thơ ấu...

Tiếng súng Tây -Nam gọi anh chiến đấu
Anh chìm trong hoa lửa...một chiều xuân
Sáng bừng lên một phút trước" Tử thần "
Cô bé " Trốn tìm "trước giờ ly biệt !..
                 1/5.1979 -2017.Lê Thanh Hùng

Lê Thanh ông làm gì? Ở đâu? người viết chưa tường tận! Nhưng dòng thơ ông dạt dào tuôn chảy tràn đều trên các trang mạng thì người viết đã đọc khá nhiều. Ông viết rất nhiều chủ đề về quê hương đất nước về các sự kiện và  đặc biệt mảng thơ ông dành tình cảm cho gia đình và những người thân... Trốn Tìm là một trong những bài thơ đặc biệt ông đề tặng người em trai đã "Mãi mãi tuổi hai mươi" của mình.
TRỐN TÌM Không đi theo lối mòn người ta vẫn viết về sự hy sinh mất mát gây ra bởi chiến tranh!
Tác giả bắt đầu từ một trò chơi dân gian mà tuổi thơ  ai cũng đã từng chơi bất kể nam nữ...

Thuở còn thơ ,hai đứa trốn tìm
Em lẹ làng nấp sau đống rạ
Anh tìm thấy cười to khoái trá
Em thẹn thùng đỏ mặt : Bắt đền anh !
Những câu thơ chở những ý thơ trong veo hồn nhiên như những gì mà tuổi thơ của anh và em đã lưu dấu...Mở đầu cho bài thơ cứ ngỡ rồi đây niềm vui sự tinh nghịch còn nối tiếp... Nhưng không! bài thơ đã ngoặt một khúc cua rẽ sang một hướng khác cũng bởi thế hệ các anh các chị sinh ra và lớn lên giữa cuộc chiến của dân tộc..

Chúng mình lớn lên trong khói lửa chiển tranh
Em đi học ngành với tấm vải màu xanh
Che đôi vai gầy suốt những năm dài đánh Mỹ
Còn anh với vòng lá nguỵ trang trên mình
    - Anh là chiến sỹ
Đi khắp mọi chiến trường không kịp gặp để chia tay...

Tuổi đôi tám với những hoài bão, những ước mơ tuổi trẻ của anh đã phải dừng lại bởi tiếng súng nơi biên cương...
Thế hệ của các anh chị ngày ấy khi nghe tiếng gọi nơi biên ải là ra đi.. Nào ai kịp chia tay hay giã từ...Mùa Xuân 1975 vừa ngưng tiếng súng thì cuocj chiến Tây Nam nổ ra nhiều người lính không kịp báo cho gia đình lại lao lên mặt trận làm nhiệm vụ quốc tế.. Trong đó có Em trai của tác giả Lê Thanh..
Trò chơi Trốn Tìm cùng những kỷ niệm với "Cô bé nhà bên" cũng bởi chiến tranh mà cả hai người phải xa nhau...Em đi học, anh vào lính....Tới đây hình ảnh nhắc nhớ về chiến tranh leo thang ác liệt không chỉ nơi biên cương mà ngay cả hậu phương mới hé mở, qua thi ảnh chiếc khăn dù ngụy trang trên vai cô bé đi học.. Và vòng lá ngụy trang trên vai anh lính trẻ..
Để rồi trong một dịp anh được nghỉ phép thăm nhà cứ ngỡ gặp lại nào ngờ:

Một ngày xuân anh trở lại nhà
Mong được gặp Em cô gái ngày xưa nấp sau đống rạ
Mẹ cầm tay anh nước mắt rơi lã chã :
Em vừa về sau tết đã đến trường !
Gói trọn tình thương anh lại lên đường
Lòng khắc khoải nhớ thương mong có ngày hội ngộ...

Anh khắc khoải nhớ mong mang theo hình bóng cô bé "nấp sau đống rạ" quay trở lại mặt trận... Nhưng anh có biết ở quê nhà, sau ngày anh trở lại mặt trận. Cô bé về chắc hẳn Mẹ cũng lại cầm tay cô bé  "..Nước mắt rơi lã chã .." mà tả lại hình dáng và nỗi niềm của anh khi về thăm nhà với mong mỏi gặp lại "cô bé nhà bên" hay không?

Hai mươi năm sau ...gặp em lần đó
Em đã có chồng. Con cái đã lớn khôn
Sâu thẳm trong em tận đáy tâm hồn
Nhớ thuở Trốn Tìm một thời thơ ấu...

Đôi bạn nhỏ lớn lên cùng nhau sẽ có biết bao điều để nhớ, biết bao kỷ niệm để thương, để lưu giữ và còn bao lần bắt đền mà anh chưa đền đươc ... Tất cả, tất cả vẫn vẹn nguyên trong trái tim người thiếu phụ  hai mươi năm sau kể từ ngày anh về phép không gặp ấy...
Thế rồi tác giả cũng phải nghẹn lòng mà kết cho khúc bi ai của Trốn Tìm

Tiếng súng Tây -Nam gọi anh chiến đấu
Anh chìm trong hoa lửa...một chiều xuân
Sáng bừng lên một phút trước" Tử thần "
Cô bé " Trốn tìm "trước giờ ly biệt !..

Ngôn ngữ thơ đã nói đủ nói hết những gì tác giả muốn nói .. Người viết không nhắc lại nỗi đau xé lòng ấy nữa..
Một khổ thơ chứa đựng những thi ảnh rất thật rất thơ thể hiện nỗi mất mát của chiến tranh.. Mà cụ thể ở đây là người lính trong một chiều xuân đã"Chìm trong hoa lửa"! Tác giả đã đưa hình ảnh hoa lửa chiến tranh một loài hoa không ai muốn thấy nhưng cũng không thể tránh không nhìn thấy vào Trốn Tìm. "Sáng bừng lên một phút" có lẽ chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi trong trái tim người lính trước khi vĩnh biệt vẫn có hình bóng cô bé nhà bên ...

Trốn Tìm viết về đề tài chiến tranh nhưng không có bom rơi đạn nổ.. Không có giết chóc chỉ có "vòng lá ngụy trang.." Có "hoa lửa" . Nhưng tử thần đã cướp đi người lính trẻ, người bạn thủa ấu thơ của cô bé nhà bên, người em trai, người anh trai, người con của một gia đình...
Nỗi mất mát đến nhẹ nhàng như một lưỡi dao sắc nhọn cứa vào trái tim những người thân yêu của người nằm xuống. Như cứa vào da thịt bạn đọc ....
Chiến tranh là mất mát, điều đó không sao tránh khỏi.. Nhưng từ chính nỗi đau ấy tác giả đã thi vị hóa sự mất mát để đưa vào thơ qua những hình ảnh dung dị, gần gũi chuyển thông điệp lên án chiến tranh đến bạn đọc thế hệ sau lớn lên trong hòa bình...

Trốn Tìm đã kết thúc cùng nỗi mất mát quá lớn của gia đình tác giả...người viết khi gặp đã đồng cảm và viết ra đây như một lời sẻ chia. Xin được gửi tới vong linh anh Lính trẻ đã "mãi mãi tuổi hai mươi". Cũng như tới tác giả và người thân của ông!
Nếu sự cảm nhận có điều sai sót âu cũng là lực bất tòng tâm người viết mong nhận được sự bao dung từ tất cả!
Hà Nội 9/11/2017
Huỳnh Xuân Sơn
               

Đọc Nhớ Hà Nội Của Tác Giả Lê Thanh



Trong trái tim tôi mỗi khi nhớ về Hà Nội là nỗi nhớ của Trịnh  thả hồn vào giai điệu sẽ vang lên đầu tiên với những ca từ rất tuyệt :
Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu...
....Hà Nội mùa thu, đi giữa mọi người lòng như thầm hỏi tôi đang nhớ ai?( Trịnh Công Sơn)
Đôi khi lại cùng Phú Quang thầm thì thầm: "Hà Nội ơi! Mỗi khi lòng thấy xác xơ tôi vội vã trở về...( Hà Nội Ngày Trỏ Về)
Hà Nội vùng đất Kinh Kỳ là nơi khởi nguồn ra nỗi nhớ cho biết bao Tao Nhân Mặc Khách. Tác giả Lê Thanh cũng không ngoại lệ khi ông gửi Nỗi Nhớ vào câu chữ :

NHỚ HÀ NỘI

Ở nơi này tôi thèm...
Một chút rét đầu đông
Heo may nhẹ...
Rắc nồng nàn hoa sữa
Hơn một lần đi xa...
Để biết thế nào là nhớ
Quay quắt hoài...
Trống vắng Hà nội ơi !
Sài Gòn - Hà Nội đầu đông 11/2016 .

Viết về nỗi Nhớ Hà Nội tác giả Lê Thanh lại có cảm xúc đặc biệt với buổi đầu đông. Một chút se lạnh đủ để các nàng thiếu nữ làm duyên với chiếc khăn buông lơi trên vai. Một chút se lạnh vừa đủ để hai bàn tay tìm nhau, đan vào nhau khi nam thanh nữ tú đi dạo ven hồ...
 Nơi khởi nguyên ra nỗi nhớ có lẽ là Sài Gòn mảnh đất Phương Nam hai mùa mưa nắng! Ông gửi nỗi nhớ bằng một nỗi Thèm rất thật, rất thơ và cũng rất tình
.
Ở nơi này tôi thèm...
Một chút rét đầu đông

Hai câu thơ dắt díu theo một dấu ba chấm khiến cho tôi và có lẽ nhiều bạn đọc đã từng đi trong cái se lạnh buổi đầu đông phương Bắc không khỏi nao nao nhớ về...

Heo may nhẹ...
Rắc nồng nàn hoa sữa

Ai đã từng đi dưới những con phố Hà Nội " mùa hoa sữa về. Thơm từng cơn gió..." mới cảm thấy đồng cảm và quay quắt nhớ cùng tác giả!
 Nếu bạn cũng như tôi hơn một lần được sóng đôi với người ấy đi dưới mưa hương hoa sữa trên những con phố như Nguyễn Du, Quang Trung hay Quán Thánh để rồi khi xa không thể nào quên mỗi khi mùa hoa sữa về...
Tác giả đã rất khéo léo khi sử dụng động từ Rắc ở đầu câu thơ... Heo may về rắc hương hoa sữa.. hay hương hoa sữa rắc nỗi nhớ theo mỗi bước người đi xa... Đểrồi theo dấu mà nhớ về Hà Nội mỗi buổi đầu đông...

Hơn một lần đi xa...
Để biết thế nào là nhớ

Tác giả ơi! Hơn một lần có thể là hai có thể là con số nhiều... Không đâu! Chỉ cần xa là đã nhớ rồi mà!
Quay quắt hoài...
Trống vắng Hà Nội ơi  !

 Hai câu thơ kết hiện diện trong Nhớ Hà Nội cùng cái se lạnh đầu đông. Với nỗi nhớ của người xa Hà Nội. Để rồi từ sâu thẳm trong lòng bật lên một tán thán từ da diết đến nao lòng người đọc..Hà Nội ơi!
Ừ nhỉ ai xa mà chẳng nhớ! Nhưng mà nhớ đến Quay quắt thì có lẽ nỗi trống vắng do xa Hà Nội để lại chắc hẳn là quá lớn với người đi xa phải không tác giả?

Đâu đây văng vẳng lời sẻ chia đồng cảm của nhạc sĩ Hoàng Hiệp:
Hà Nội ơi!
Nhớ phố Quang Trung đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng
Và nhớ, nhớ bao khuôn măt mến thân
Đã quen bước chân giọng nói ( Nhớ Về Hà Nội)
Một nỗi nhớ Hà Nội trong nhiều triệu nỗi nhớ Hà Nội vừa gửi đến từ nỗi niềm của tác giả Lê Thanh.Tôi vừa may mắn đọc được tâm tư ông để rồi tôi đã ghi lại những suy nghĩ của mình về nỗi nhớ ấy của ông!
Tới đây tôi xin mượn một đoạn ca từ trong ca khúc Nhớ Về Hà Nội để kết cho bài viết và cũng là lời sẻ chia xin được gửi tới tác giả cũng như ban đọc đang phải xa Hà Nội
Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội..
Hà Nội của ta Thủ Đô yêu dấu
Môt thời đạn bom một thời hòa bình...
Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây...( Hoàng Hiệp)
Hà Nội 9/11/2017
Huỳnh Xuân Sơn

Lắng Cùng Lê Thanh Khúc EM HÁT









"Đã quá nửa đời phiêu dạt con lại về úp mặt vào sông quê
Ơi con sông quê dạt dào như lòng mẹ
Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn...."
Lời ca khúc Khúc Hát Sông Quê nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu mỗi khi vang lên đâu đó hẳn khiến những người con xa xứ đặc biệt là người Xứ Nghệ nao nao mà xúc động mà bùi ngùi nhớ quê....

Tác giả Lê Thanh có lẽ cũng "Quá nửa đời phiêu dạt" khỏi nơi chôn nhau cắt rốn... Ông tha hương chịu cảnh xa xứ nhiều năm, hẳn mỗi khi nghe những lời ca, câu hát Dân Ca ông đều khắc khoải ...
Và phải chăng sau một trong những lần nghe hát Dân Ca như thế ông đã viết đoản khúc Em Hát rất đặc biệt

Em Hát
Nghe Em hát khúc dân ca
Lời ca sâu lắng mặn mà yêu thương
Cho lòng anh những tơ vương
Đưa Anh về lại nẻo đường tuổi thơ

Dạt dào sóng mắt mông mơ
Luyến từng câu chữ thẫn thờ hồn anh
Lời ca thoảng gió trong lành
Lắng vào tâm tưởng... Tim anh bồi hồi

Dù đi cuối đất cùng trời
Vẫn mong gặp lại nụ cười hôm qua
Dù rằng gặp phải chia xa
Còn hơn khắc khoải chẳng nhoà bóng Em!
Lê Thanh

Em Hát được tác giả thể hiện không bằng sự phóng khoáng của Tự Do. Không trầm mặc như Đường Thi. Mà ngọt ngào sâu lắng với Lục Bát...
Những cặp Lục Bát chỉn chu về niêm vận! Nhẹ nhàng chuyên chở từng ý thơ qua những cung bậc cảm xúc của tác giả tới bạn đọc.
Nghe Em hát khúc Dân Ca
Lời ca sâu lắng mặn mà yêu thương
Cho lòng anh những tơ vương
Đưa Anh về lại nẻo đường tuổi thơ

Tác giả vào đề theo cách Trực Khởi, nhằm giới thiệu ngay Em Hát.
Vâng! không riêng tác giả mà còn có tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc khác nữa khi " Nghe em hát khúc Dân Ca" thôi, là đã giăng mắc biết bao sợi " tơ vương" rồi! Người xa xứ hẳn nỗi nhớ quê hương dâng trào theo lời ca câu hát. Người ở lại quê hương nghe những làn điệu Dân Ca quê mình cất lên hẳn niềm vui xen lẫn tự hào cùng hòa theo lời hát.
Em đã hát khúc Dân Ca nào đây? Tác giả không nói.... Chỉ thấy ông ghi lại cảm xúc của riêng mình rằng " sâu lắng mặn mà yêu thương". Em người Hát hôm nay có lẽ đã không còn trẻ nữa...
Chắc có bạn sẽ hỏi tôi sao lại nói Em không còn trẻ?
Tôi ngờ thế bởi tôi nghĩ không bao giờ những người đàn ông có tâm hồn thi sĩ lại để cho nhân vật trữ tình của mình đi nhận xét một thiếu nữ tuổi đôi mươi " mặn mà " cả! Phải không tác giả Lê Thanh ?
Người Hát gieo những sợi "tơ vương" gieo những hạt mầm "yêu thương" và đặc biệt còn " đưa anh về với thiên đường tuổi thơ" nữa. Phải chăng Em là một Hồng Nhan tri kỷ với Anh chăng?
Hoặc giả chủ thể trữ tình Anh cũng là Người Xứ Nghệ như tác giả Lê Thanh và trong một chiều nơi đất khách quê người bỗng nghe Em Hát "... câu hò Xứ Nghệ./ Ôi câu hò xứ xở ./Thắm đượm tình quê hương" Để rồi nỗi nhớ niềm thương cùng rủ nhau về theo mỗi lời ca đưa tới.
"Rằng thương nhau cho trọn
Rằng qua cơn hoạn nạn
Mới hiểu được lòng nhau
Anh qua bao miền quê
Điệu hò theo chân bước
Chiều nay nghe em hát
Thổn thức hoài con tim." ( Giữa Mạc Tư Khoa Nghe Câu Hò Xứ Nghệ- Trần Hoàn)

Bao nhiêu hồi ức theo về. Có lẽ không cần người thể hiện bài hát là Hồng nhan tri kỷ nữa.. Mà những lời ca gọi nhắc trong những làn điệu Dân Ca đủ để bóp nghẹt trái tim những người xa xứ nặng tình với quê rồi.
Từ những nỗi niềm như thế tác giả đã bùi ngùi gửi vào câu chữ cho lời thơ cất cánh nương theo Em Hát:
Dạt dào sóng mắt mộng mơ
Luyến từng câu chữ thẫn thờ hồn anh
Lời Em thoảng gió trong lành
Lắng vào tâm tưởng... Tim anh bồi hồi

Em Hát khúc Dân Ca nào trong kho tàng đồ sộ của của dân tộc giờ đây có lẽ không cần câu trả lời nữa. Bởi lẽ câu hát ấy giờ đây đã đưa chủ thể anh sang một cảm xúc khác!
Lời ca em cất lên lan xa không chỉ 'dạt dào" cảm xúc! Ánh mắt Em với ánh nhìn vào khoảng không trên sân khấu hay ánh nhìn trao cho khán giả là Anh để anh cảm một làn "sóng mắt mộng mơ" và khi từng lời ca tròn trịa em cất lên anh có "Uống từng lời" hay không mà bất giác "Thẫn thờ" như vậy?
Lời Em hay lời ca đọng lại trong anh như một cơn gió thoảng nhưng để lại cảm giác Trong lành" êm ái làm sao!
Lời ca hay ánh mắt em đã "Lắng vào tâm tưởng.." Hoặc giả những " Thiên đường tuổi thơ" những " Ánh mắt mộng mơ" Hay làn môi luyến cấu nhả chữ "...
Để câu thơ lạc nhịp đổi thành 4/ 4 ... Một khoảng lặng đủ để .." Tim anh bồi hồi" xao xuyến!
Dù đi cuối đất cùng trời
Cũng mong gặp lại nụ cười hôm qua
Dù rằng gặp phải chia xa
Còn hơn khắc khoải chẳng nhoà bóng Em!

Một khúc Dân Ca em hát nhiều lắm cũng khoảng mươi phút! Vậy mà giờ đây dẫu có phải " đi cuối đất cùng trời" Anh cũng chỉ mong tìm lại một nụ cười của em hôm ấy, ngày qua, hôm nay , và ngày mai nữa... Nụ cười sẽ theo anh mãi ư?
Lời ca em hát đưa chủ thể anh đi qua từng cung bậc cảm xúc của người nghe để rồi sau phút lắng lòng Tình cảm chuyển sang ngôi thứ nhất Anh có nỗi nhớ ( chỉ là nhớ một nụ cười ) rồi đến khao khát gặp lại dẫu cho có phải bao lâu và tìm cùng trời cuối đất...

Nhưng! Lại là chữ nhưng khó lý .giải cho câu thơ
"Dù rằng gặp phải chia xa"...
Gặp rồi ...
Chia xa...
Vẫn còn hơn ôm nỗi " Khắc khoải " vì bóng dáng em " chẳng nhòa" theo thời gian trôi!
Mới hay sức nặng của lời ca khi nó đi vào tâm tưởng người nghe lắng lại và lan tỏa ...
Tới đây người viết muốn chép tặng chủ thể trữ tình Anh và tác giả hai câu:
Hồng Sơn cao ngất mấy trùng
Lam Giang mấy trượng thì lòng mấy nhiêu ( Ca Dao)
Văng vẳng đâu đây lời thơ như đồng cảm như sẻ chia với Em Hát của nữ sĩ tuổi 80

Trẻ
Cây đàn sẽ cũ
Người sẽ già
Lời ca trẻ mãi( Phan Thị Thanh Minh)

Em Hát của tác giả Lê Thanh vừa dừng lại cùng người viết. Có thể khi đồng hành cùng tác phẩm với góc nhìn một chiều nên không tránh khỏi những nhận định chủ quan không theo suy nghĩ của phần đông bạn đọc cũng như của chính tác giả Lê Thanh khi ông viết Em Hát.
Âu cũng đành bất lực và cũng mong nhận được sự bao dung cho sự khác biệt( nếu có) của bạn đọc và tác giả!

Hà Nội 9/11/2017
Huỳnh Xuân Sơn

Đọc ANH CÓ VỀ QUÊ NHÃN VỚI EM KHÔNG Của Tác Giả Lê Thanh




Tháng mười vừa tiễn thu đi, đón đông về, bằng những cơn mưa nhẹ nhàng trong cái se lạnh nồng nàn Phương Bắc.
 Phương Nam với những cơn mưa giông cuối ngày cũng rạo rực chuẩn bị đón mùa nắng về.
Khúc ruột Miền Trung lại thêm một lần gồng mình trước mưa bão lũ....
Tháng mười cũng là mùa của hạnh phúc lứa đôi! Mùa cho những đôi trai tài, gái sắc trao nhau lời ngỏ, trao nhau nụ hôn và chờ ngày hạnh phúc đơm bông nở hoa kết trái.
Tất cả, tấy cả, đã có trong bài thơ của tác giả Lê Thanh một người con của Xứ Nghệ gửi cảm xúc vào thơ ca qua tác phẩm đặc biệt khi ông về dự Hội Thơ Lục Bát.

ANH CÓ VỀ QUÊ NHÃN VỚI EM KHÔNG.

Mấy hôm rày trong ấy bão giông
Em cứ thấy lòng mình như lửa đốt
Bão điên cuồng...xô triều dâng ,lũ lụt
Anh gồng mình cùng xứ sở giữ bình yên
Ơi Miền Trung yêu quý của em
Em nín thở ...nghe từng tin báo bão...

Để hôm nay ,miền Trung tạnh ráo
Cuộc sống hồi sinh...
Như chưa qua bão bao giờ !
Để lại trong em thuơng nhớ , mộng mơ...
Em hò hẹn...và nóng lòng...chờ đợi ...
Em ngại ngùng qua sóng âm điện thoại:
Bão tan rồi ! Anh có về với em không ?

Anh có về quê nhãn với em không ?
Về Phố Hiến bên nhau thi thầm huyền thoại
Câu chuyện tình hôm qua ..chảng còn xa ngái
Anh -Chàng Chử Đồng tử hôm nay
Gồng mình lên trước bão lũ dâng đầy
Vồng ngực rộng...ôm em người con gái...
Mình trao tình đầu ,nụ hôn êm ái
Ngay giữa đất trời Phố Hiến thân thuơng!

Từ binh minh đến tắt nắng hoàng hôn
Cùng ngắm Đảo Cò giữa lòng thành phố
Thành phố bình yên ...chuyện tình ..bến đỗ...
Anh có về quê nhãn với em không ?

Phố Hiến quê em chẳng rộng lớn ,phố đông
Hối hả chảy... như Sài Gòn ,Hà nội
Nhịp sống yên bình thoảng hương đồng nội
Hương nhãn sông Hồng ,sông Luộc thân thương
Hạnh phúc bình yên giản dị khiêm nhuờng
Nhưng vẫn tự hào cùng Đông Đô ,Tràng An ,Kinh Bắc ,
Vẫn rạng rỡ một hồn quê...
Sau "Thứ nhất Kinh Kỳ *...

Hãy cùng em về nhé ! Anh ? Đi !
Về cùng em trong Hội thơ Lục Bát
Đêm phố Hiến nồng nàn câu hát
Điệu Ví ,dân ca ,Quan họ...trữ tình ...

Nhãn Lồng , sóng mắt người xinh
Hòa vào Lục Bát tình mình thêm say !
(Lê Thanh Phố Hiến tháng 9/2017-Hội Thơ Lục Bát Đinh Dậu.)

Một bài thơ Tự Do dài được tác giả gửi gắm tình thơ, ý thơ qua những ngôn từ bình dị chuyển tải thông điệp tới bạn đọc... Thông qua lời độc thoại của một cô gái người con của Quê Nhãn gửi người yêu là chàng trai Miền Trung..
Mùa lễ hội Lục Bát đã qua đi, Phố Hiến đã trở lại vẻ đẹp đài các, bình yên vốn có của mảnh đất " sau thứ nhất Kinh Kỳ của mình. 
Nhưng thử hỏi liệu có mấy ai không xúc động khi đọc lời thủ thỉ của cô gái quê nhãn  nói với người yêu của mình.

Mấy hôm rày trong ấy bão giông
Em cứ thấy lòng mình như lửa đốt
Bão điên cuồng...xô triều dâng ,lũ lụt
Anh gồng mình cùng xứ sở giữ bình yên
Ơi Miền Trung yêu quý của em
Em nín thở ...nghe từng tin báo bão...

 Với truyền thống đùm bọc yêu thương nhau của dân tộc Việt mà đặc biệt là người dân Miền Trung nơi luôn chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của thiên tai.. Thì mỗi khi nghe tin báo bão người xa xứ ngóng tin, người nơi bình yên cũng nóng lòng mong bão đi qua. 
" Em thấy lòng mình như lửa đốt"
"Em nín thở... nghe từng tin báo bão..." Những câu thơ chứa những cụm từ đơn giản dễ hiểu nhưng chứa đựng trong đó cả một khối tình sâu nặng không chỉ của riêng Em mà có lẽ còn có rất nhiều người khi nghe tin bão, theo dõi mưa và hồi hộp khi thấy tin  nước lũ... đều có chung tâm trạng ấy!
Bão rồi cũng tan! Lũ rồi cũng đã rút. Cuộc sống của người dân nơi đây lại trở lại với sinh hoạt thường ngày từ trên những gì bão lũ đi qua còn để lại..
Anh có về quê nhãn với em không? Cũng được chủ thể em tiếp tục nhỏ nhẹ :

Để hôm nay miền Trung tạnh ráo
Cuộc sống hồi sinh...
Như chưa qua bão bao giờ !
Để lại trong em thương nhớ , mộng mơ...
Em hò hẹn...và nóng lòng chờ đợi ...
Em ngại ngùng qua sóng âm điện thoại:
Lời cô gái quê nhãn nói với chàng trai quê Miền Trung ở khổ thơ này có đầy đủ Tình chung, niềm riêng dẫu " thương nhớ", dẫu " nóng lòng chờ đợi" và mong mỏi anh Về với em! Nhưng em vẫn " ngại ngùng" khi hỏi bởi em biết gác tình riêng để anh yên tâm " gồng mình " lo việc chung trong lúc Khúc ruột Miền Trung chìm trong bão lũ...

Bão tan rồi ! Anh có về với em không ?
Anh có về quê nhãn với em không ?
Về Phố Hiến bên nhau thi thầm huyền thoại
Câu chuyện tình hôm qua ..chẳng còn xa ngái

Câu hỏi được lặp lại ở khổ thơ này sau chút ngại ngùng ở khổ thơ trên.Phải chăng qua " sóng âm điện thoại" chàng trai vẫn còn chút phân vân...
Có lẽ thế! Nên em muốn gửi gắm tình riêng trong nỗi lo chung rất thật rất thơ và cũng rất tình rằng 
Anh -Chàng Chử Đồng tử hôm nay
Gồng mình lên trước bão lũ dâng đầy
Vồng ngực rộng...ôm em người con gái...
Mình trao tình đầu nụ hôn êm ái
Ngay giữa đất trời Phố Hiến thân thương!

Với cá nhân người viết thì đây là một tứ thơ đắt giá nhất là một trong những điểm nhấn cho  bài thơ cả về tính nghệ thuật trong thơ cũng như tình thơ được thể hiện qua câu chữ với sự sắp xếp theo một nhịp thơ như mời gọi tha thiết, như thúc giục người nghe trở về của tác giả Lê Thanh!
"Một nụ hôn êm ái" !Có lẽ thấy là chưa đủ nên Tiên Dung Em lại tiếp tục:

Từ bình minh đến tắt nắng hoàng hôn
Cùng ngắm Đảo Cò giữa lòng thành phố
Thành phố bình yên ...chuyện tình ..bến đỗ...
Anh có về quê nhãn với em không ?
Phố Hiến quê em chẳng rộng lớn ,phố đông
Hối hả chảy... như Sài Gòn ,Hà Nội
Nhịp sống yên bình thoảng hương đồng nội
Hương nhãn sông Hồng ,sông Luộc thân thuơng
Hạnh phúc bình yên gỉản dị khiêm nhường
Nhưng vẫn tự hào cùng Đông Đô ,Tràng An ,Kinh Bắc ,
Vẫn rạng rỡ một hồn quê...
Sau "Thứ nhất Kinh Kỳ *...

Thêm một khổ thơ với những ngôn từ bình dị chuyển tải ý thơ nhẹ nhàng không mới nhưng chứa đựng trong đó sức nặng của chữ Tình.

Người xứ Nhãn xa xứ đọc hẳn rưng rưng nhớ quê hương !
Người Quê Nhãn đọc nở một nụ cười kiêu
hãnh tự hào về Cuộc đất và tình người "Thứ nhì phố Hiến"!
Người Việt xa xứ cũng như người Việt trên khắp mọi miền quê đặc biệt là các nhà thơ có lẽ có rất nhiều người  sau khi đọc cũng muốn một lần về thăm quê Nhãn !
Còn các Nam Thanh Nữ Tú có lẽ có không ít bạn trẻ cũng muốn tìm  cho mình một ý trung nhân người Quê Nhãn thì phải?
Còn bạn? Bạn nghĩ sao khi đọc tới đây cùng tôi, cùng tác giả Lê Thanh và tâm tư cô gái Quê Nhãn gửi  chàng trai Miền Trung ...


Hãy cùng em về nhé ! Anh ? Đi !
Về cùng em trong Hội Thơ Lục Bát
Đêm phố Hiến nồng nàn câu hát
Điệu Ví Dân Ca Quan Họ...trữ tình ...
...
Từ ngày có Hội Thơ Lục Bát thì đây là lần đầu tiên Hội tổ chức ngoài vùng đất "Thứ nhất Kinh Kỳ"! Người làm thơ cũng như bạn đọc yêu thơ trên khắp đất nước đổ về Quê Nhãn, thì không có lý do gì anh lại từ chối về cùng em. Về để không chỉ nghe thơ mà còn có những làn điệu Quan Họ, Những câu Ví Giặm thân thương và rất nhiều làn điệu Dân Ca đến từ mọi miền tổ quốc.
 Điều đó có lẽ cũng góp phần lớn chuyển biến tâm tư cô gái Quê Nhãn trong thơ của tác giả Lê Thanh!
Không còn câu hỏi của cô gái dành cho chàng trai nữa, mà thay vào đó là " Hãy cùng về..." Anh ? Đi! hỏi mà như giục và như chàng trai đang kề cận bên mình! động từ Đi đặt trước một dấu than phải chăng đầu dây bên kia chàng trai đã đồng ý!
Niềm vui như vỡ òa theo tâm tư Em trải trong những câu thơ
Vẫn chưa Thấy Anh trả lời nhưng những gì Em thể hiện trong thơ cho tới giờ tôi có thể tự tin mà nghĩ Anh sẽ về!

Nhãn Lồng sóng mắt người xinh
Hòa vào Lục Bát ,tình mình thêm say !

Một cặp Lục Bát trọn tình, nặng nghĩa vừa được tác giả dùng để kết cho bài thơ Anh Có Về Quê Nhãn Với Em Không của mình!

Cùng đồng hành với chủ thể trữ tình Em của tác giả Lê Thanh tới đây Tôi nhận thấy bài thơ như một vườn hoa ngôn từ  có nhiều bông khoe sắc tỏa hương lan tỏa ý thơ bay xa.
Có lẽ tác giả vì quá yêu các loài hoa nên ươm trồng rất nhiều trong khu vườn Anh Có Về Quê Nhãn Với Em Không! vì thế cho nên  bài thơ quá dài vốn dĩ nó có thể cô đọng thêm được nữa...
Và với suy nghĩ thiển cận của riêng tôi... Tôi sẽ để Bài thơ dừng lại ở câu thơ
Vẫn rạng rỡ một hồn thơ
Sau Thứ Nhất Kinh Kỳ...

Nhưng sau tất cả Tôi và có lẽ có nhiều bạn đoc đông ý với nhận xét : Đây là bài thơ chứa chan tình cảm ...
Tình với quê hương đất nước sâu rộng
Tình với Thơ đặc biệt là Thơ Lục Bát mênh mông
Tình chung hòa quyện với tình riêng chảy theo những ý thơ dạt dào cảm xúc của tác giả
Tôi đã đọc được ở đâu đó rằng Thơ hay là sau khi đọc bạn đoc muốn đọc lại không chỉ một lần...
Với cá nhân tôi Anh Có Về Quê Nhãn Với Em Không  đã hội đủ điều kiện ấy!

Hà Nội 8/11/2017
Huỳnh Xuân Sơn



Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

Đọc Em Của Tác Giả Lê Thanh



Nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ  đã từng ao ước có một dòng sông Anh để mình nương náu rất đặc biệt :

Ước gì
Anh là dòng sông
Cho em soi thấy mình như trời cao rộng

Ước gì
Anh là dòng sông
Để tận cùng anh em gặp chính mình. (Tôi Thấy Mình - )!

Và cũng chính nữ sĩ lại có suy nghĩ cũng khác lạ hơn người thế này
"Ước gì ta được là sông
Để ra đến biển là không còn mình"

Tôi rất thích những ý thơ trên của chị để  hôm nay khi vừa bắt gặp bài thơ của tác giả Lê Thanh viết về Em tôi đã cảm mến. bởi Em của  Lê Thanh cũng được ông mang thi ảnh Sông vào tứ thơ. Một con sông đặc biệt níu chân tôi lại ngắm nhìn và thả hồn theo dòng Em đang êm trôi . Nếu bạn cũng yêu thơ. yêu sông xin mời cùng bước lên thuyền xuôi dòng  Em với tôi với tác giả

EM

Em là dòng sông bí ẩn
Sông không ra biển bao giờ
Dòng sông bên bồi bên lở...
Vẹn tình đời thực đời thơ.

Hồn mình có khi trống rỗng
Tưởng rằng không có tri âm
Buông tiếng thở dài khe khẽ
Biết không ? Có kẻ nhớ thầm...

Thảo thơm và đôi mắt đẹp
Tứ thơ chạm đến bao người ...
Trằn trọc nhiều đêm không ngủ
Nhủ lòng :phải bắt đền thôi !

(Sài Gòn tháng 3/2017. Lê Thanh)

Em được tác giả khắc họa chân dung bằng thể thơ Sáu Chữ... Thể thơ đòi hỏi phải chắt lọc câu từ trau chuốt kỹ lưỡng trước khi dưa vào sử dụng. Thể thơ cũng đòi hỏi nhạc tính cao trong khi vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ chuyển tải ý thơ đến bạn đọc nhanh nhất.
Em ! Đại từ đặc biệt đã được tác giả phác họa những nét cọ đầu tiên:

Em là dòng sông bí ẩn
Sông không ra biển bao giờ
Dòng sông bên bồi ,bên lở...
Vẹn tình đời thực đời thơ.

Không cần rào trước đón sau tác giả xô đến ầm tôi và vài lữ khách nữa xuống bến đẻ giới thiệu rằng "Em là dòng sông bí ẩn". Chưa ai kịp phản ứng với nét cọ có vẻ phi lý này, thì ông phác họa tiếp ngay trước sự ngơ ngác của tôi và mọi người.."Sông không ra biển bao giờ"! Dòng sông Em sẽ mãi mãi là em tất cả chúng tôi trên bến đều có chung nhận định ấy bởi nếu trôi ra biển thì em không còn là chính mình nữa... Mặc ai nghĩ gì, tác giả tiếp tục vung cọ và thêm một lần Sông xuất hiện "Dòng sông bên bồi bên lở". Đặc tính của tất cả các dòng sông được miêu tả qua nét cọ này. Nhưng nét cọ tiếp theo thì khiến tất cả chúng tôi đều thích thú sau phút ngỡ ngàng "Vẹn tình đời thục đời thơ". Em là dòng sông em cũng bồi lở và quan trọng nhất Em đã làm trọn chữ Tình một bên đời thực với nỗi lo cơm áo gạo tiền và một bên cân bằng đời thơ.. Thử hỏi trên đời mấy ai có được trọn vẹn hai vế thơ và đời như thế...Một bức phác họa chân dung dòng sông em vừa hiện diện qua bốn nét vẽ tài tình của tác giả...
Dòng sông Em vẫn lặng lẽ trôi mặc chúng tôi đứng nhìn. Chẳng ai mời gọi chẳng ai thúc giục nhưng tất cả cùng háo hức nhìn theo tác giả khi ông đưa cọ hoàn thiện dần bức chấn dung Dòng Sông Em:

Hồn mình có khi trống rỗng
Tưởng rằng không có tri âm
Buông tiếng thở dài khe khẽ
Biết không ? Có kẻ nhớ thầm...

Không có em và dòng sông xuất hiện nữa. Đại từ nhân xưng Mình xuất hiện trong nét vẽ này của ông Phải chăng ngôi thứ hai xuất hiện. "Tưởng rẳng không có tri âm? một câu hỏi buông lửng khiến chúng tôi nhìn nhau trước khi nhìn vẻ đăm chiêu của tác giả... Ai buông tiếng thở dài? Ai tâm hồn trống rỗng? Ai biết không? và ai là "kẻ nhớ thầm? Ai cũng hỏi ai cũng nhìn theo tay của tác giả và chờ những nét vẽ trẳ lời từ ông:
Bùi Kỷ đã viết
Khối tình lăn lóc cố câm
Cõi người được một tri âm đã nhiều
Vậy ở đây ngay trong bức họa tác giả đang vẽ này ai là Tri âm ? Em hay là dòng sông? Là tôi, là bạn hay là chính tác giả đây?

Thảo thơm và đôi mắt đẹp
Tứ thơ chạm đến bao người ...
Trằn trọc nhiều đêm không ngủ
Nhủ lòng :phải bắt đền thôi !

Không có dòng sông em hiện diện nữa.. Chân dung em chuyển gam màu khi tác giả chấm phá những nét cọ hoàn thiện chiều sâu  chi tiết.
Em "Thảo thơm và đôi mắt đẹp" nét cọ này khi tác giả nhấc cọ ra khỏi bức chân dung tất cả chúng tôi đều ồ lên thích thú... Thì ra là vậy? Dòng sông không ra biển này đẹp đến nao lòng người đối diện... Một nét cọ đột phá xuất thần xuất hiện "Tứ thơ chạm đến bao người" Đang là Dòng Sông đang là tri âm đang buông tiếng thở dài, đôi khi tâm hồn trống rỗng, bất ngờ xuất hiện tứ thơ mà tứ thơ này "Chạm đến bao người" chắc hẳn không chỉ có chúng tôi những người trên bến đang chiêm ngưỡng hôm nay mà còn có bạn có bạn của các bạn nữa...đều thích thú ngắm nhìn và chờ đợi những nét vẽ hoàn thiện cuối cùng từ tác giả.. Hai nét vẽ cuối cùng cũng chính là hai câu thơ kết nói nên tâm trạng của ngôi thứ hai với Dòng Sông Em ngôi thứ nhất.. Hai nét vẽ này cũng chính là hai nét vẽ cuối cùng hoàn thiện bức chân dung Em của tác giả Lê Thanh.
Em là dòng sông?
Em là tứ thơ?
Em là tri âm tri kỷ?
Em là đời thơ?
Em là đời thực?
Em khiến ta trằn trọc nhiều đêm không ngủ?
Em có bị ta bắt đền không?
Có lẽ là không! Bởi ai nỡ bắt đền một Nàng Thơ dịu dàng dễ thương như Em  Phải không bạn? Phải không tác giả?

Một bài thơ với những câu từ được chắt lọc kỹ lưỡng lại được viết ra từ nhịp đập tình  yêu thơ đặc biệt của tác giả Lê Thanh người đàn ông sắp bước qua tuổi Ngũ thập tri thiên mệnh ....Chắc hẳn nhiên những ý thơ tình thơ và trên hết là giai điệu bài thơ chuyên chở thông điệp tới bạn đọc, đã được ông ấp ủ nuôi dưỡng kỹ càng trước khi giơi thiệu vè Nàng Thơ của mình.! Rất may mắn người viết đã gặp được Em để được chiêm ngưỡng bức chân dung Nàng Thơ của ông và giới thiệu đến bạn đọc...
Với góc nhìn phiến diện một chiều có thể những gì người viết cảm nhận và viết ra đây chưa hẳn có cùng hướng nhìn của tác giả và phần đông bạn đọc...
Người viết mong tất cả hãy coi đây là tình cảm của cá nhân người viết dành cho một bài thơ mà người viết tâm đắc và đồng cảm!

Hà Nội 8/11/2017
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

ĐỌC ANH GỌI EM CỦA TÁC GIẢ DIỆP THẾ HÙNG



ANH GỌI EM
Anh gọi em qua đường  dây điện thoại
Bởi đêm nay, khắc khoải với mong chờ
Những lời em, ôi ngọt dịu như tơ
Anh muốn nói “Anh yêu em nhiều lắm”

Anh vẫn biết em xa anh vạn dậm
Những ngày buồn khi trời trở vào đêm
Anh thầm ghen với người ấy bên em
Rồi đau khổ nghĩ là em bội bạc

Tình ngang trái, những ngày buồn man mác
Lá thu rơi, tan nát cả lòng anh
Trên cành cây một ít lá còn xanh
Như nán lại trong một niềm hy vọng

Anh nhớ em đêm nay trời gió lộng
Anh mong em hứa hẹn sẽ trung thành
Em yêu anh, và chỉ một mình anh
Sao lạ quá, anh không còn lý lẽ

Nghe giọng nói, ngọt ngào em thỏ thẻ
Qua đường dây, anh quên hết ưu sầu
Tình yêu em như liều thuốc nhiệm mầu
Anh gọi nói « Anh yêu em tha thiết ».
(Diệp Thế Hùng)

Không cần biết em là ai!
Không cần biết em từ đâu
Không cần biết em ngày sau.....
Ta yêu em và chỉ biết đó là em! ( Diệu Hương)

Tôi  bất giác khe khẽ hát sau khi đọc Gọi Cho Em của Khoa Học Gia, Lãng Tử,Soái Ca làm thơ Diệp Thế Hùng....Vừa hát tôi vừa tủm tỉm cười sau khi phát hiện ra ( có lẽ đúng) điều mà tác giả muốn giấu sau câu chữ...
(Từ đây xin phép tác giả cho tôi tạm đặt một cái tên cho người nói, chủ thể trữ tình Anh trong thơ. Tôi muốn gọi chàng trai trẻ đang yêu ấy là Hùng.)
Vâng Hùng ơi! Khi yêu lời tình yêu là vô tận, tiếng tình yêu là vô thanh... Chỉ có con tim rạo rực trong bầu ngực nóng cất tiếng ca, bất chấp khúc bi ai hay hoan ca của cuộc tình..
Trong Gọi Cho Em, tác giả đã để cho Hùng độc thoại qua năm khổ thơ, cũng chính là năm cung bậc cảm xúc khác nhau của Hùng ..
Năm khổ thơ này tác giả đã khéo léo chọn lọc câu từ sắp xếp theo giai điệu để viết lên Bản Nhạc Tình, nghe như êm đềm theo tùng ý thơ tuôn

 Nhưng không! Hình như "Sóng ở đáy sông" đang cuộn nhồi thì phải. Nếu vậy thì bản nhạc này không êm ái như văn phong đang thể hiện...Tôi nghĩ vậy bởi giai điệu trẻ trung  đang đươc chàng trai trẻ, tuổi cỡ đôi mươi, ngân nga tiếng lòng, lại được viết ra từ một đấng mày râu đã qua tuổi Ngũ  thập tri thiên mệnh khá lâu....
Còn ngôi thứ hai Em chính là Người nghe có được nghe không? Nếu nghe được thì Em trả lời ra sao, Phản ứng hay đồng lõa với nhịp con tim rạo rực bất chấp tất cả để nói ra lời tình yêu của Hùng.? Tác giả chưa đề cập đến hoặc giả tác giả cũng chỉ nghe được từ một phía !
Những thắc mắc này tôi xin gửi lại đây để cùng tác giả nghe Hùng Gọi Cho  Em !

Anh gọi em qua đường dây điện thoại
Bởi đêm nay, khắc khoải với mong chờ
Những lời em, ôi ngọt dịu như tơ
Anh muốn nói “Anh yêu em nhiều lắm”

Không ai hỏi gọi bằng gì? Bởi giữa những phương tiện truyền thông hiện đại bây giờ đâu nhất thiết chỉ có " đường dây điện thoại" giả như gọi video qua FB hay Zalo .... Tự nhiên lại giới thiệu chi vậy Hùng?
Một câu mở không thực sự cần thiết khi viết  Gọi Cho Em... Nhưng có lẽ tác giả muốn tặng cho độc giả một nút thắt ngờ vực ngay tại đây. Bởi tâm tư Hùng đêm nay đang " khắc khoải với mong chờ".

 Hùng gọi cho em. Gọi mà trong tâm trạng ấy thì dự cảm một tình yêu say đắm nồng nàn của hai người, đang vì lý do nào đó mà phải xa nhau, là điều có thể phần đông bạn đọc đã, đang nghĩ tới chứ không chỉ riêng tôi Hùng ạ!

Ở đầu dây kia Em đã nghe, đã nói gì? Mà Hùng phải cất lên một thán từ không bình thường Ôi! Trước khi nhận ra nó " ngọt dịu như tơ"... Nếu đúng em đã nói cho Hùng nghe những lời ấy thì hà cớ gì Hùng không nói ngay " Anh yéu em nhiều lắm" mà chỉ mới " muốn nói" mà thôi!
Thêm một ngờ vực nữa tôi đặt ở đây trước khi nghe tiếp cuộc điện đàm này!

Anh vẫn biết em xa anh vạn dặm
Những ngày buồn khi trời trở vào đêm
Anh thầm ghen với người ấy bên em
Rồi đau khổ nghĩ là em bội bạc

Đồng ý với Hùng. Khi yêu mà phải xa nhau mới nhớ thương trằn trọc, nhất là khoảng thời gian sau một ngày bề bộn công việc, trở về nhà nằm gặm nhấm nỗi cô đơn,  để  rồi không chịu nổi sự trống vắng mới phải nhấc máy mà " gọi cho em"!

Nhà thơ Vũ Dương Tá xa vợ mới từ sáng tới chiều đã phải dậm chân mà rằng:

Trời ạ.
Cả ngày em đã đi đâu
Để cho nỗi nhớ thành sầu trong anh ( Một Ngày Vắng Em)

Nói chi với Hùng và Em lại đang phải cách xa nhau tới vạn dặm, hẳn nỗi sầu thương kia nhân lên gấp bội, phải không Hùng?
Nhưng với hai câu thơ còn lại thì Hùng ơi! Thật tình khó chấp nhận và thông cảm cho Hùng được. Hùng gọi cho em ngỡ là Em yêu của Hùng cơ chứ! Ai đời người ta đã có " người ở bên" rồi thì dẫu cho Hùng  có gan gọi thật đi nữa thì cũng làm sao mà nói những lời yêu thương được đây?

Điều ngang trái dần lộ diện mà xuất phát từ chính Hùng chứ không phải ai khác.. Vậy mà còn quay sang trách ngược người ta mới ác chứ...

Chuyện Hùng đau khổ tôi tạm để lại nơi đây để Nghe tiếp cuộc điện đàm của Hùng vốn càng ngày càng hấp dẫn.

Tình ngang trái, những ngày buồn man mác
Lá thu rơi, tan nát cả lòng anh
Trên cành cây một ít lá còn xanh
Như nán lại trong một niềm hy vọng

Bản nhạc lòng bi thương trái ngang của Hùng vẫn còn đang ngân lên những lời ca
thống thiết....
Ừ thì cuối cùng cũng nghe được Hùng nói ra đây là cuộc tình Ngang trái.... Biết là thế nhưng con tim không nghe lời lý trí phải không Hùng...? Tự Hùng làm cho " lòng anh tan nát" chứ nào phải tại " nhìn lá thu rơi"!
Không! Người ấy đã qua rồi tuổi đôi mươi nông nổi thì phải? Lá trở mình thôi thắm hay màu vàng sắc thu kia cũng là điều Hùng muốn nói Em dẫu vào buổi thu của đời người ...

Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn vẫn còn có chút " nổi loạn" tiềm ẩn .Hùng ơi! " Một ít lá còn xanh" chẳng thể là màu xanh của hy vọng đâu Hùng ạ!
 Hùng nán lại? Hay Hùng mong em sẽ nghĩ lại hoặc giả tự Hùng huyễn hoặc mình như thế?

Người phụ nữ ấy có lẽ không chỉ Thông minh , sâu sắc, Tài giỏi mà còn xuân sắc, duyên dáng, đằm thắm, dịu dàng lắm phải không Hùng? Chỉ có thế mới khiến Hùng si mê đến thế? Những thắc mắc này tôi không đi tìm câu trả lời đâu! Để Hùng trả lời hoặc giả tác giả Diệp Thế Hùng trả lời thay!

Anh nhớ em đêm nay trời gió lộng
Anh mong em hứa hẹn sẽ trung thành
Em yêu anh, và chỉ một mình anh
Sao lạ quá, anh  không còn lý lẽ

Hùng nhớ Em? Nhớ đến mức " nổi gió lộng" trong lòng mà khi Gọi Cho Em được nói gì không nói lại đi " mong em hứa hẹn sẽ trung thành". Em yêu Hùng và chỉ một mình Hùng trong khi có " người kề bên" cũng không lạ với tôi. Mà điều lạ ở đây là hai chữ Trung Thành kia Hùng ạ?
Tình yêu nam nữ không nói đến trung thành. Mà người ta hay nói đến chung thủy cơ bạn Hùng ơi?
Đúng! Tôi đồng ý với Hùng khi yêu trái tim không còn lý lẽ, không có sự lạ quen mà chỉ cần yêu và được yêu là đủ... Hùng còn phải thốt lên " Sao lạ quá" thì tôi và bạn đọc còn ngạc nhiên đến mức nào nữa đây?
Dẫu còn muốn nghe Hùng nói nữa nhưng tác giả đã viết khổ thơ kết xong và cho Hùng gác máy mất rồi. Dù thế thì tôi cũng đã kịp nghe:

Nghe giọng nói, ngọt ngào em thỏ thẻ
Qua đường dây, anh quên hết ưu sầu
Tình yêu em như liều thuốc nhiệm mầu
Anh gọi nói « Anh yêu em tha thiết ».

Cảm xúc đã thực hơn rất nhiều. Anh Gọi nói chứ không còn "Anh muốn nói" nữa... thêm một lần Hùng khẳng định "Qua đường dây" Hùng không chỉ giãi bày tâm tư của một kẻ si tình đang bất chấp tất cả... để khoe với mọi người là Tôi đang yêu và đang được nói chuyện với người mình yêu đây!
Tình yêu ấy " Như là thuốc nhiệm màu." Giúp anh quên đi " hết ưu sầu" thì có lẽ không ai thấy lạ đâu Hùng ạ!
Với bạn đọc yêu thơ Diệp Thế Hùng tới đây nghĩ sao về cuộc điện đàm này tôi chưa biết hay nói đúng hơn là tôi không dám "võ đoán"!
Với riêng tôi, tôi nghĩ Hùng đã không nghe được đầu dây bên kia em nói gì?
Hùng đã từng yêu em?! Hùng đã tùng trăm ngàn lần nghe những "lời dịu ngọt" từ em thỏ thẻ... Nay Hùng đang độc thoại với chính mình, mà ngỡ như đang nói với một em nào đó đã từng là của Hùng, nhưng em ấy đã không còn là người yêu của Hùng ngay lúc này nữa...

Hùng muốn nói ngay từ đầu  khi Gọi Cho Em câu yêu thương nhưng rồi ngắc ngứ... Câu kết khẳng định chắc nịch. Anh gọi nói...
Nhưng có lẽ Hùng đã chỉ gửi lời yêu thương vào trong gió mà thôi. Tình yêu đơn phương hẳn bóp nghẹt trái tim của Hùng nhiều đêm phải không? Yêu thương là trao tặng là dâng hiến! Hùng yêu đơn phương làm sao mà có được cảm xúc ấy bây giờ? Khát khao bùng cháy tạo nên cuộc gọi độc thoai này đúng không Hùng?
Còn nếu như Em của Hùng cũng biết về tình yêu của Hùng dành cho em ấy thì Hùng ơi! Dẫu cho cách xa nhiều vạn dặm thì mỗi buổi mai nắng lên hay mỗi khi  sương đêm rơi xuống. Em vẫn nghe trong gió, trong nắng, trong tiếng rì rào của sóng, trong ngọt ngào hờn tủi của sương có lời yêu thương Hùng gửi.. Tôi nghĩ thế bởi tôi vẫn nghĩ rằng trái tim của người phụ nữ được yêu rất nhạy cảm Hùng ạ!
Tới đây thay cho lời kết của bài viết tôi mong bạn đọc cũng như tác giả và Hùng cùng nghe ca khúc Hãy Cứ Là Tình Nhân của nhạc sĩ Tú Vinh.
Trong đó có những ca từ như:

Hãy cứ là tình nhân
Để mong mỏi đợi chờ
Để chiều chuộng nâng niu
Và sợ điều tan vỡ..
....
Hãy tìm em tìm em
Rồi nhìn em nhìn em
..
Chỉ muốn yêu muốn nhớ
Hãy tìm em trong mơ ( Tú Vinh)

Là phụ nữ tuổi đời và vốn sống còn hạn chế nhưng khi đọc GỌI CHO EM với thủ pháp đặc biệt được tác giả Diệp Thế Hùng gửi vào câu chữ. Tôi đã viết ra những cảm nghĩ của mình! Có thể đó chưa phải là suy nghĩ của phần đông bạn đọc cũng như chủ ý của tác giả . Rất mong nhận được sự bao dung từ bạn đọc cũng như tác giả nếu như có điều sai sót!
Hà Nội 4/10/2017
Huỳnh Xuân Sơn