Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Bên Lề Thị Phi Của Tác Giả Huỳnh Gia



Tôi chưa có may mắn đọc thơ của tác giả Huỳnh Gia nhiều. Chỉ ít bài thơ chị viết theo thể thơ tự do đăng trên trang cá nhân. Bấy nhiêu cũng đủ để lôi cuốn tôi mỗi khi lang thang trên mạng ghé vào. Trong những lần dạo chơi ấy, tôi bắt gặp bài thơ có tựa đề Bên Lề Thị Phi cùng lời đề tựa Viết Tặng Một Mảnh Đời Khốn Khổ.

"À ơi ! con ngủ cho ngoan
Má đi "hôi" * chút thứ còn sót kia "

Đám đông túm tụm bên lề
Nhao nhao như thể vịt về mé sông:
- "Bà đi rồi - hết trông mong
Trả vài trăm bạc muối lòng cho vay
- Biết rằng tháng rộng năm dài
Một câu khất nợ chẳng hoài đến nhau "
Chú nhà bên tiếng thở phào :
" Thiệt may, thước củi mấy hào - trả xong " !?
Quán tạp phẩm giọng lầm bầm :
" Dăm ngàn tiền gạo hết mong kiếm lời "

Đám đông tay với tận trời
Tay sục sạo - cố mà hôi cho nhiều
Miếng gạch lát - mảnh ván xiêu
Dẫu còn sót lại bấy nhiêu vẫn là ...!?

( Bà ta vỡ nợ - dỡ nhà
Để rồi trôi dạt xứ xa khốn cùng
Gán người miếng đất tổ tông
Nỗi đau ai hiểu - cảm thông ai màng )

- "À ơi !con ngủ cho ngoan
Má đi hôi thứ vẫn còn sót kia ..."

Ngồi bên ngưỡng cửa thị phi
Tôi nhìn ngắm thế nhân - ghi vài dòng
Ngán ngẩm thay những tấm lòng
Tình đời bạc đến như không có gì

Xin đừng ngoảnh lại mà chi
Chân trời mới lại có khi đổi đời
Xin đừng bỏ vuột tiếng cười
Niềm hy vọng vẫn sáng ngời chân mây
Vô hình tôi - cái vẫy tay
" Chị bình yên đợi một ngày nắng lên "



Phía bên kia vẫn xông xênh
Của cần "hôi" đã sạch tênh lâu rồi . (Huỳnh Gia)

Đọc xong bài thơ chị viết. Tôi bần thần rất lâu bởi tình thơ nặng trĩu níu kéo tôi ở lại. Bài thơ chị viết với thể thơ lục bát, rất đơn giản và dễ hiểu….đó là với những gì chị “ngồi bên ngưỡng cửa thị phi. Ngắm thế nhân- ghi vài dòng” muốn nói và chia sẻ với Mảnh Đời Bất Hạnh ấy với bạn đọc.

Nhưng giờ đây khi ngồi đối diện với bài thơ mà tôi mới kịp mở cánh cửa để sửa soạn bước vào thôi. Tôi lại thấy nó không hề đơn giản chút nào!Mang theo suy nghĩ và nỗi niềm nặng trĩu tôi bước vào cặp câu mở đầu:

"À ơi ! con ngủ cho ngoan
Má đi "hôi" * chút thứ còn sót kia "

Lời ru của mẹ là nhịp cầu nối tình cảm, là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ cơ mà. Tại sao người mẹ ở đây lại ru con bằng những lời ru không mang lại chút thiện cảm nào như vậy. Người mẹ này mong con ngủ ngoan chỉ để “Má đi hôi” mà là hôi “chút thứ còn sót kia”. Xót xa thật…

Có lẽ cũng bởi từ lời ru của người mẹ này khiến tác giả chú ý và dẫu “ngồi bên ngưỡng cửa thị phi” chị vẫn quyết định “ghi vài dòng”.

Đâu là những gì mà chị ghi được? ta theo chị vào khổ thơ tiếp:
Đám đông túm tụm bên lề
Nhao nhao như thể vịt về mé sông:
- "Bà đi rồi - hết trông mong
Trả vài trăm bạc muối lòng cho vay
- Biết rằng tháng rộng năm dài
Một câu khất nợ chẳng hoài đến nhau "
Chú nhà bên tiếng thở phào :
" Thiệt may, thước củi mấy hào - trả xong " !?
Quán tạp phẩm giọng lầm bầm :
" Dăm ngàn tiền gạo hết mong kiếm lời "

Cám cảnh cho mảnh đời bất hạnh ấy! một câu thơ tả thực viết về :Đám đông đi hôi của còn sót kia … không thể có câu nào hay hơn trong trường hợp này được viết ra nữa: “nhao nhao như thể vịt về mé sông”. Trong cái khốn cùng của kẻ ra đi chẳng còn gì nữa. Những chủ nợ lúc này làm gì có trật tự, có hàng có lối, và có ai nghe ai nữa…cố giành giựt cho mình được cái gì hay cái đó. Nào phải nợ nần tiền tỷ tiền vàng khối gì cho cam.

Người nhiều than thở cũng chỉ “vài trăm bạc”…Kẻ ít “dăm ngàn tiền gạo”. Xen lẫn trong đám chủ nợ mất của còn có cả tiếng “thở phào” của người may mắn không bị mất “thước củi mấy hào”…. Thật đau xót cho Mảnh đời bất hạnh, và tác giả quan sát cảnh này nghe những lời từ đám đông hỗn độn ấy, chắc cũng chẳng dễ chịu chút nào…

Bài thơ vẫn tiếp tục đi vào sâu trong đám hỗn độn ấy! và đây là những gì họ vơ vét được:
Đám đông tay với tận trời
Tay sục sạo - cố mà hôi cho nhiều
Miếng gạch lát - mảnh ván xiêu
Dẫu còn sót lại bấy nhiêu vẫn là ...!?

Không cần phải diễn giải gì ở khổ thơ này nữa…những thành quả mà chủ nợ hôi được kia, là mồ hôi nước mắt của Mảnh Đời Khốn Khổ bao năm tạo dựng. Nay rơi vào thế túng cùng không còn khả năng chi trả nữa. Thì bị đám chủ nợ mà Mảnh Đời Bất Hạnh thiếu nợ, cũng coi đấy là mồ hôi xương máu của họ. Họ phải “cố mà hôi cho nhiều” thôi. Càng hôi được nhiều càng tốt, bỏ cả con nhỏ chỉ để mong giành giựt được chút của nả còn sót, coi đó là…! Dấu ba chấm đi theo dấu than bỏ lửng khiến ta không khỏi giật mình. Mới hay lời thơ của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tới nay vẫn còn mới nguyên:

“Ở thế mới hay người bạc ác

Giàu thì tìm đến khó thì lui (thơ Nôm số 71)

Tác giả giải thích thêm về Mảnh Đời Bất Hạnh rằng:
( Bà ta vỡ nợ - dỡ nhà
Để rồi trôi dạt xứ xa khốn cùng
Gán người miếng đất tổ tông
Nỗi đau ai hiểu - cảm thông ai màng )

Mảnh Đời Khốn Khổ cũng là người có trách nhiệm với việc làm của mình. Chứ họ không phải là phường “cố đấm ăn giựt”. Khi vỡ nợ - cũng đã cùng đường mới phải “dỡ nhà” rồi “gán” cả “miếng đất tổ tông”. Chỉ còn lại những người vì bữa ăn mà phải nợ “dăm ngàn tiền gạo” hay người cho vay “vài trăm bạc”….

Tác giả dẫn ta đi tiếp , sau khi đã cho ta biết những gì tác giả được chứng kiến đám đông chủ nợ “hôi” của cải còn sót….

- "À ơi !con ngủ cho ngoan
Má đi hôi thứ vẫn còn sót kia ..."

Ngồi bên ngưỡng cửa thị phi
Tôi nhìn ngắm thế nhân - ghi vài dòng
Ngán ngẩm thay những tấm lòng
Tình đời bạc đến như không có gì




Lại vẫn là lời ru của người mẹ trẻ ..nhưng không phải như lúc trước “Má đi hôi thứ còn sót kia”nữa ,dù chỉ là đến giành giật “miếng gạnh lót” hay “mảnh ván xiêu”. Giờ đây là chị ta đi “hôi thứ vẫn còn sót kia”. Chữ “vẫn” tác giả dùng trong trường hợp này sao mà chua chát quá … Không lý chị ru con ngủ để lại tiếp tục chen lấn trong đám hỗn độn ấy, mong tìm được thứ gì mà “Vẫn còn…” nữa đây!

Tác giả chứng kiến cảnh ấy chắc cũng đau lòng lắm nên chị mới thốt ra “ngán ngẩm thay những tấm lòng”… Của người thân, người sơ với Mảnh đời khốn khổ kia…chắc hẳn lúc trước Mảnh Đời Khốn Khổ cũng có tấm lòng rộng mở với đám đông đang hỗn độn tranh giành nhau kia.

Viết đến đây tôi lại thấy thơ Nôm của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm :

“Thế gian biến đổi vũng lên đồi

Mặn lạt chua cay lẫn ngọt bùi

Còn bạc còn tiền còn đệ tử

Hết cơm hết rượu hết ông tôi ( bài 71 )

Thế mới biết Nhân thế đảo điên thời nào cũng có đủ Hỷ Nộ Ái Ố.

Với tác giả Huỳnh Gia có lẽ chị đã phải “ngồi bên lề thị phi” với một nỗi lòng cũng nặng trĩu và lực bất tòng tâm khi nghĩ về thế thái nhân tình…

Tác giả dẫn ta đi vào khổ thơ tiếp bằng trái tim nhân hậu và cái nhìn cảm thông . Khi chứng kiến cảnh “xâu xé” chút gì còn sót và vẫn còn sót, trong mảnh đất hương hỏa đã gán nợ kia:

Xin đừng ngoảnh lại mà chi
Chân trời mới lại có khi đổi đời
Xin đừng bỏ vuột tiếng cười
Niềm hy vọng vẫn sáng ngời chân mây
Vô hình tôi - cái vẫy tay
" Chị bình yên đợi một ngày nắng lên "

Tác giả gửi trong gió (vô hình tôi) mong lời cầu nguyện sẽ đến với Mảnh Đời Khốn Khổ mà chị vô tình phải là người “đứng bên lề thị phi” mà chứng kiến.

Một lời nhắn mang đậm tình người! Thật hiếm trong xã hội hôm nay. Thói thường khi gặp thị phi ồn ào họ tìm cách lánh xa vì sợ “tai bay vạ gió”. Chị đã mở lòng mình để ta có một bài thơ nhân tình thế thái viết về hoàn cảnh cùng đường của Một Mảnh Đời Khốn Khổ.Ta có thể bắt gặp ở bất kỳ nơi đâu, làng quê, thị tứ hay thành phố. Người đi mong rằng sẽ gặp may mắn như lời chúc của tác giả “ Chị bình yên đợi một ngày nắng lên .

Vâng tác giả tin, tôi tin và mong rằng bạn đọc chúng ta cùng tin và cầu chúc cho Mảnh Đời Khốn Khổ kia hãy biến “hy vọng” đang “sáng ngời chân mây” thành khát vọng và sẽ gặp được bến bình yên của cuộc đời .Vào một ngày gần, khi màn đêm đen qua đi, hừng đông le lói và bình minh rực sáng đón ngày mai nắng ấm sẽ tràn đầy.

Còn với đám đông hỗn độn bên kia. Chị cũng không quên họ chị viết:
Phía bên kia vẫn xông xênh
Của cần "hôi" đã sạch tênh lâu rồi .

Bấy nhiêu đã quá thừa đau khổ cho một Mảnh Đời Khốn Khổ rồi. Dẫu rằng họ đã làm gì đi chăng nữa thì lúc này họ đã vào thế túng cùng và khó có lối thoát.

Tác giả có lẽ còn giận những người “tình đời bạc đến như không có gì” nên mới cho hai câu kết nằm ở đây. Chứ nếu như chị kết bài thơ mà không cần phải nói đến những người này…thì bài thơ còn mang đậm tính nhân bản nữa…

Bài thơ Bên Lề Thị Phi của tác giả Huỳnh Gia. Viết theo thể thơ Lục Bát với những câu từ đơn giản, chân chất, ghi lại một cảnh đời vào lúc khốn cùng nhất phải bỏ xứ mà đi…Ngôi nhà cũng dỡ mảnh đất từ đường đã gán nợ…Còn sót chút gì dẫu là Gạch nền, hay ván xiêu thì những người chủ nợ cũng đã nhao nhao xông vào hôi sạch.

Từ bài thơ của tác giả Huỳnh Gia so sánh với thực tế xã hội hôm nay. Vụ án vỡ nợ điển hình gần đây nhất là Huyền Như cùng 3000 tỷ đồng bay biến. Nhan nhản trên báo các vụ vỡ Hụi nhiều vài chục tỷ đồng, ít cũng vài tỷ, con số như không dừng lại kéo theo biết bao mảnh đời khốn khó theo cơn lốc vỡ nợ đang diễn ra…

Bài thơ Bên Lề Thị Phi phần nào đã phản ánh một bộ phận người dân nhất định trong xã hội hôm nay. Coi vật chất nặng hơn tình người. Được tác giả chứng kiến ghi lại. Như một sự sẻ chia, như một lời an ủi và cầu mong Mảnh Đời Khốn Khổ sớm vượt qua những ngày khó khăn trong cuộc đời !

Tôi xin mượn bài thơ của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm làm lời kết cho bài viết này. Mong rằng Mảnh đời bất hạnh hôm nay sẽ may mắn để gặp “Ngày mai nắng lên”.

Thơ Nôm Bài 74

Đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười

Có của thì hơn hết mọi lời

Trước đến tay không, nào thốt hỏi

Sau vào gánh nặng, lại vui cười

Anh anh chú chú , cười hơ hải

Rượu rượu chè chè thết tả tơi

Người của lấy cân ta thử nhắc

Mới hay rằng của nặng hơn người! ( Nguyễn Bỉnh Khiêm )

Sài Gòn cuối xuân 2014

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét