Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Cảm Nhận Tập Thơ Gà Mẹ- Gà Con Của Nhà Thơ Nguyễn Quang Huệ



Trong số những tác giả mà tôi thường đọc thơ của họ trên THI ĐÀN VIỆT NAM (tho.com.vn) - Gần như 100% trong số ấy có tác phẩm viết về thơ tình, thơ cho quê hương, đất nước, thơ cho cuộc sống. Nhưng không phải ai cũng có tác phẩm viết cho lứa tuổi thiếu nhi. Nếu có cũng chỉ một vài bài… Vậy mà nhà thơ Nguyễn Quang Huệ đã giành tâm huyết, thai nghén và cho ra đời năm 2012 tập thơ Gà Mẹ - Gà Con, năm 2013 tập thơ Chuyện Gấu Và Mèo. Hai năm hai tập thơ viết cho thiếu nhi, song song với những bài thơ tình ngọt ngào, những bài thơ viết về quê hương đất nước. Được đăng đều đặn trên trang thơ của ông. Bấy nhiêu cũng đủ để cho ta cảm phục bút lực dồi dào, cũng như tình yêu vô bờ bến cho thơ nói chung và cho thơ viết cho thiếu nhi nói riêng của nhà thơ Nguyễn Quang Huệ…

Cầm trên tay tập thơ GÀ MẸ - GÀ CON do nhà xuất bản Thanh Niên phát hành, như một ngọn gió trong trẻo đưa tôi trở về với tuổi thơ. Lật từng trang, đọc từng bài, mới cảm nhận thấy tình yêu giành cho thơ, cho tuổi tuổi nhỏ của tác giả thật hiếm quí.

Trước khi đọc câu chuyện về Gà Mẹ - Gà Con, ta đến với tình cảm của một người ông cũng là một nhà thơ giành cho cháu mình qua câu chuyện Ông Cháu Ở Nhà :

Ông nay bảy mốt cháu lên ba, Vì sốt vì ho cháu ở nhà…

Vậy là một lô một lốc chuyện xảy ra bởi cậu bé Gấu lên ba bị ốm mà vẫn :

…Đùa nghịch vô hồi không quản được, Chạy nhảy lung tung thật quá trời, Phá bẻ siêu nhân cùng dụng cụ, Lại còn làm hỏng mọi đồ chơi…

Ông nào mà lại không yêu chiều cháu như cục cưng . Tác giả hẳn không ngoại lệ, nhưng trước sự “phá phách” của cậu bé ông đã nghiêm khắc:

…Ông quát dạo này Gấu quá hư, Phá bao đồ đạc thế này ư ?

Phản ứng lại: Cháu bảo: từ giờ không thích nữa, không yêu ông nữa từ bây giờ.

Một ông Nội 71 tuổi với cậu bé lên ba ...bây giờ tính sao đây? Ông loay hoay rồi cũng tìm ra cách : “Không yêu ông nữa có thật không? Ông sẽ đi xa tận phố đông, Cháu ở một mình chơi vậy nhé, Cháu cười cháu nói: Gấu yêu ông”… Chẳng có đứa trẻ nào trong hoàn cảnh này lại không sợ phải ở nhà một mình. Cậu bé vội vàng “Gấu yêu ông”…Và đây là những câu thơ xuất phát từ tình yêu và cách dạy bảo cháu khi còn nhỏ:

…Ôi lời con trẻ thật đáng yêu, Có khỏe nên chi mới nghịch nhiều, Dạy bảo tận tình cùng hướng dẫn, Lớn lên cháu sẽ biết mọi điều. (Ông Cháu Ở nhà). Đến với bài thơ Chào Ông Bà, ta gặp cách răn dạy cháu của tác giả bằng thơ: Gần gụi, dễ nhớ, nhẹ nhàng đi vào tâm thức trẻ lúc đi học và lúc về nhà :

…Chào to ông vui, Chào nhỏ ông cười, Không chào ông giận, Nghe lời ông dặn, Chào cả lúc về…

Với cậu Gấu nghịch ngợm thì như vậy. Bé Mai Chi thì ông lại có cách viết cho cô bé lên mười khác hẳn :

Mai Chi nay đã lên mười, Mà còn có lúc buồn cười quá đi, Học về phải nhắc Mai Chi, Chào ông bà đã có gì khó khăn… (Gửi cháu)

Bé Mai Chi chắc hẳn là cô bé tên Bông chị của cậu Gấu trong bàiGấu Và Bông

Chị Bông nay đã lên mười, Gấu em ba tuổi luôn cười chị Bông, Hỏi rằng –chị có thuộc không ? Bài thơ ông tặng –Khăn Hồng hôm nay…

Trẻ nhỏ luôn thích được khen, được yêu chiều và đặc biệt thích tìm hiểu đồ vật xung quanh. Có lẽ xuất phát từ những thắc mắc của cháu mà những bài thơ về những đồ vật ra đời như: Quạt Cây

Quạt nhà em xinh xắn , Có lồng chắn bên ngoài , Bao giờ em bật quạt , Là cánh liền quay quay…Gom bao nhiêu gió mat , Quạt hướng về ông bà , Rồi quay sang chỗ cháu Chia mát cho cả nhà , Em khen quạt tốt quá , Quạt đứng cười… ha ha.

Cái hay của bài thơ là ở sáu câu dưới vì quạt đã biết kính già, yêu trẻ, và rất công bằng chia mát cho cả nhà, và rất thích được khen như bao bạn nhỏ khác mà nhà thơ là người đã thổi hồn vào đó.

Ông phỗng : Ông phỗng nâng một cục vàng, Miệng cười mãn nguyện giàu sang có thừa, Quần áo mặc không còn vừa, Bụng to rốn hở vẫn chưa bận lòng, Tràng hạt mang đúng một vòng, Cổ đeo chữ phúc, chân không đi hài, Hỏi rằng thiên hạ có ai ?, Giàu sang vẫn khổ, cười hoài ngộ không ?

Những câu chuyện kể bằng thơ của ông vẫn còn nối tiếp với những bài học đầu đời ông muốn các cháu học như câu chuyện vềChú Đánh Giầy

Cơ ngơi trong túi xách, Vài hộp xi đen vàng, Bàn chải lông đuôi ngựa, Nắm vải len mịn màng…, Tay chú đưa thoăn thoắt, Lau lau lại chùi chùi, Bôi xi vào da sạch, Vải len lại bơi bơi…Trả lại giày cho khách, Rạng rỡ nở nụ cười, Làm cho đời thêm đẹp, Làm cho người thêm vui… Chú đánh giày cần tiền là một nhẽ. Nhưng quan trọng hơn là làm cho đời thêm đẹp, người thêm vui, cho nên chú đánh những đôi giày thật mãn nguyện: trả lại giày cho khách , Rạng rỡ nở nụ cười . Trong tập thơ Gà Mẹ - Gà Con ông đã giành rất nhiều tâm huyết cho những câu chuyện về các loài vật thân quen mà ông muốn kể cho các bạn nhỏ nghe: Bắt đầu là câu chuyện về Họ Hàng Nhà Kiến

Kiến càng to nhất đám đông, Đi đứng chậm chạp như không vội vàng, Kiến thợ vừa khỏe vừa gan, Làm ai cũng nể vì hàm rất to, Kiến hôi bé tí chẳng lo, Có mùi khó chịu gây cho bao người, Kiến vàng có vẻ thảnh thơi, Thư sinh nhất họ khắp nơi mời chào, Kiến cánh như gái ả đào, Xúng xa xúng xính với bao áo quần…

Hay như câu chuyện giữa Sâu và Kiến mới thật hấp dẫn. Bài thơ dùng để mở đầu cho tập thơ này, tác giả muốn kể cho các bạn nhỏ nghe câu chuyện giữa họ hàng của nhà Kiến với họ hàng nhà sâu :

Kiến đi chợ về, Gặp sâu ăn lá, Kiến chào Bác Cả, Ăn đã no chưa ?...

Câu chuyện diễn ra trong buổi trưa nắng rất hấp dẫn để rồi sâu phải thốt lên:

…Sâu liền cay cú, Mắc mưu kiến còi, Đã trưa mất rồi, Đừng ăn lá nữa…

Rồi một câu chuyện nữa xảy ra vào một hôm khác :

Sâu ta đi chợ mua về, Nào bún nào bánh nào kê nào đường, Kiến nhìn thấy thế mà thương, Bác mang vác nặng mà đường còn xa, Hay em giúp bác mang qua, Thân dài chân ngắn nhỡ đà gẫy chân…Nhưng mà kiến bé tí teo, Lo thân chưa được lẽ nào giúp ai? Kiến rằng bác nghĩ hơi sai, Anh em nhà kiến có hai sư đoàn, Bún bánh thì bác tự mang, Kiến em xin nhận cõng đường và kê, Nói xong xin phép ra về…

…Đến nơi sâu kiểm lại hàng, Thiếu đi một ít kiến mang đâu rồi ?, Chỉ vào bụng kiến trả lời, Bác thật buồn cười « bồi dưỡng cho em », Vác không bụng đói sao nên, Cũng là công sức đôi bên thôi mà…

Câu chuyện về Kiến và Sâu không chỉ dừng ở chuyện sâu to xác mà bị kiến lừa hết lần này đến lần khác vì sâu phá hoại hoa màu của nông dân. Câu chuyện còn mang thông điệp đậm chất nhân văn khi mà bác Sâu chết. Chính họ hàng nhà kiến lại lo làm đám tang cho Sâu : Bác sâu chết đã một ngày, Sao không thấy vợ con hay họ hàng, Chia buồn nhà kiến mới sang, Phân công lo giúp đám tang đau lòng…Đến nơi thôi khỏi phải bàn, Đưa vào hỏa táng là an tâm rồi…

…Bác sâu dưới đấy có hay, Nếu biết tin này chắc rất cám ơn .Đám ma sâu

Trong câu chuyện với các bạn trẻ hàng ngày ông không quên kể về quê hương, nơi có những cái Ao nhà thật sinh động, nhiều loài vật được ông kể ra:

Chú ếch ngồi ở lá sen

Thảnh thơi ngắm chú dế mèn vuốt râu

Bờ ao hai chú chim sâu

Lích ta lích tích rủ nhau tìm mồi

Nhái bén quan sát một hồi

Nhớ lời cô giáo tìm nơi học bài

Chẫu chuộc có đôi chân dài

Hễ nghe tiếng động là nhoai xuống hồ

Giật mình mấy chú cá rô

Nháo nha nháo nhác nép bờ ngó nghiêng

Chuồn chuồn cánh mỏng như tiên

Đậu cành tre nhỏ làm duyên soi mình

Từ làng quê đến thị thành

Không ao nào đẹp chỉ mình ao em

Cứ như thế ông kể hết về chú nhái Bén,Chẫu chuộc, cá Rô, chuồn chuồn… mỗi loài vật là một hình ảnh, một tính cách riêng. Tạo ra bức tranh Ao nhà thật sống động và nhộn nhịp, không loại nào thôn tính loài nào, ngược lại sống hòa thuận, giúp đỡ nhau cùng tồn tại. Đó là một môi trường sống vô cùng bình yên và hạnh phúc. Ở đấy có một khu dân cư văn hóa tuyệt vời mà ở một làng quê hay một khu phố của con người muốn được như vậy còn phải phấn đấu rất nhiều.

Các bạn nhỏ là cháu ông, hẳn mỗi dịp nghỉ hè đều được ông cho về quê chơi. Những câu chuyện mà các bé thu hoạch được chưa dừng lại trong thơ ông. Phong cảnh mùa hè ông miêu tả thật hấp dẫn ít nhất là với các bạn nhỏ ở thành phố như cháu ông:

….Chớm hè đã ngập tiếng ve, Đàn trời tập dượt một bè mỗi năm, Cành phượng nụ đã dậy mầm, Một trời sắc đỏ đang nằm chờ ai, Sen xanh nhú nụ hoa đàì, Tung bao cánh mỏng hồng lai nhị vàng, Đỏ bừng cánh lựu mỏng tang, Tươi trong ánh nắng chang chang mùa hè… Mùa Hè

Với các bé dù ở thành thị hay nông thôn, thì bạn Gà mẹ - Gà con là thân thiết và gần gũi nhất. Gà Mẹ Gà Con cũng là bài thơ lấy làm tựa đề cho cả tập thơ.

Gà mẹ ấp khoảng ba tuần

Trứng gà cựa quậy nở dần gà non

Mẹ gà cục cục gọi con

Chân chăm bới đất tìm giun làm mồi

Rỉa thành nhiều mảnh tả tơi

Chia thành mụn nhỏ kịp thời cho con

Bới tìm cụt cả móng son

Chăm con chóng lớn quên thân mẹ gà

Xác xơ lông rụng quanh nhà

Thân gầy ngực lép cũng là vì con…

Thế mà đến lúc lớn khôn

Gà con quên cả công ơn mẹ mình

Hết đánh nhau đến tranh dành

Miếng ăn thức ống chỉ mình phần hơn

Chẳng còn tình nghĩa mẹ con

Ăn xong quẹt mỏ no tròn mới yên…

Đây là đúc kết những lời ông muốn nói với các bé sau khi nghe câu chuyện Gà Mẹ Gà Con . Ngay chính cả người lớn khi đọc bài này cũng phải giật mình vì cũng có lúc mình đã đối xử với ông bà, bố mẹ còn chưa trọn vẹn :

Làm người như vậy sao nên

Nhớ ơn cha mẹ tổ tiên ông bà

Không như con của mẹ gà

Mọi điều nhường nhịn mới là con ngoan

Gấp lại tập thơ, lòng tôi dâng tràn cảm xúc với thơ ông, với tình cảm của tác giả giành cho thơ và cho các bé thiếu nhi.

Tôi viết đôi dòng cảm nhận về tập thơ này. Cùng lời chúc sức khỏe tới nhà thơ Nguyễn Quang Huệ, mong ông vui khỏe và viết nhiều thêm nữa những bài thơ giành tặng cho tuổi nhỏ. Hơn ai hết, tôi biết người làm được như ông thật không dễ tìm .

Sài Gòn tháng 3 năm 2014

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét