Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Chùm Thơ HaiKu Viết Về Mùa Đông Của Tác Giả Nhã My



Lục tung lên mớ trí nhớ hỗn độn trong đầu mình. Tôi cũng không tài nào nhớ rõ mình biết đến thể thơ Haiku của Nhật Bản từ bao giờ nữa. Chỉ biết rằng thỉnh thoảng lại đi tìm và mường tượng ra trong những bài thơ ‘cụt ngủn’ và ‘khô khốc’ ấy chứa đựng cái gì? Đăc biệt tôi chỉ thích thơ HaiKu mỗi khi rảnh rỗi. Những bài thơ như :

Vũng nước nhỏ dưới chân núi

Soi

Tận đỉnh (Cái Nhìn- Mai Văn Phấn)

Hay như bài :

Tiếng gà trưa

Vời vợi tuổi thơ

Cánh võng (bài 44-Vũ Tam Huề)

Và nhiều bài thơ khác đã nghiến mất không biết bao nhiêu thời gian của tôi.khi đọc và nghiền ngẫm thơ HaiKu. Không như các thể thơ khác, nếu thích ta có thể có rất nhiều bài thơ để đọc đễ cảm nhận. Từ thơ của một người yêu thơ tập ghép vần, tới thơ của các nhà thơ có tên tuổi từ cổ chí kim. Còn Haiku thì không nhiều người làm thơ Việt Nam viết. Chưa kể khi đọc, người đọc cảm nhận thấy hay, hay không lại là chuyện khác.

Hôm nay cũng một dịp như thế, tôi gặp một chùm thơ HaiKu của chị Nhã My viết về mùa đông. Theo như lời dẫn thì đây là lần đầu tiên chị viết thơ HaiKu. Vậy là tôi có ngay chiếc phao để bơi vì từ lâu đã muốn vượt sông thơ HaiKu mà chưa có dịp. Nghĩ như vậy và tôi bơi liền.

Chùm Thơ Mùa Đông

1-tuyết trắng
cành cây khô
em lặng lẽ buồn




2- lạnh mù sương
chim không hót
người đi xa



3-cỏ úa buồn
mây đứng yên
ai bâng khuâng




4-trăng lạnh sao khuya
núi chìm tuyết phủ
cô phụ sầu







Chùm thơ Mùa Đông có bốn bài. Theo Luật Thế Cách Làm Thơ HaiKu thì. Bài thơ bao gồm tối đa 17 âm tiết. Chỉ gợi chứ không tả, bắt buộc phải dùng Qúy Ngữ (Chỉ mùa mà không được nói tên). Câu một nêu sự kiện hiện tại. Câu hai nêu ý nghĩ một. Câu ba nêu ý nghĩ hai. Hai ý nghĩ này thường ít khi đến cùng một lúc. Cả bốn bài đều nói về một sự kiện hiện tại là mùa đông. Tôi rất muốn biết Mùa Đông 1 của chị gợi gì trong tôi :

1-tuyết trắng
cành cây khô
em lặng lẽ buồn (Nhã My)

Bài thơ này hình ảnh Tuyết trắng gợi sự liên tưởng tới mùa đông xứ lạnh, đây là bài HaiKu Việt vậy nên ta liên tưởng đến tác giả viết bài thơ này cho người xa xứ. Cành cây khô cũng là một hình ảnh gợi nhớ về mùa đông, cây trút hết lá còn trơ lại thân cây khô. Câu ba Em lặng lẽ buồn. Với riêng tôi câu này gợi ra mùa đông đang ở trong lòng người chiêm ngưỡng. Không còn mùa đông của tuyết trắng, chẳng phải cây khô nữa..mà mùa đông ở ngay trong lòng bạn, trong lòng tôi và có khi là tron lòng tác giả. Vâng một người ở tuổi xế chiều như chị khi xa xứ, nhìn tuyết trắng bao phủ giăng mắc trên những cành cây khô. Làm sao lòng người không lặng lẽ lạnh theo nỗi buồn xa xứ cho được.

Bài thơ số 2
2- lạnh mù sương
chim không hót
người đi xa

Lạnh mù sương. Gợi cho ta thấy cảnh mùa đông, tiết trời lạnh giá sương mù che phủ. Chim không hót, gợi tả một khung cảnh ảm đạm. Gợi thêm nỗi buồn khi mùa đông lạnh lẽo sương mù bao phủ ngay cả ‘con chim buồn không hót’ mà người trong bối cảnh này lại cô đơn vì người bên mình đi xa. Hoặc giả Người đi xa còn gợi lên ý nghĩ mùa đông đến ở một nơi khác nơi bài thơ ra đời. Người đi xa xứ lạnh, dẫn đến ý nghĩ con chim nhớ chủ mà không hót.

Ở bài thơ số 3 :
3-cỏ úa buồn
mây đứng yên
ai bâng khuâng(Nhã My)

Cỏ úa buồn. Hình ảnh này gợi tiết trời hanh khô gió bấc về khiến cỏ cây khô héo mà buồn theo ngả màu vàng úa. Mây đứng yên…Mùa đông thường bao phủ bằng mây xám ngắt làm cho bầu trời như sà xuống gần hơn. Nhưng mây không bao giờ là đứng yên cả. chỉ có lòng người nhìn nó như đứng lại mà thôi. Còn câu hỏi ai bâng khuâng ? khiến ta liên tưởng tới mùa đông của con người, chứ không còn đông của thời tiết nữa…là phụ nữ không ai lại dửng dưng trước lúc tuổi xế chiều dang tay đón mình cả. câu hỏi này tác giả hỏi cho mình, cho tôi hay cho bạn. Hoặc giả là chị hỏi cho tất cả những ai đang, sẽ và sắp bước vào mùa đông của đời mình.

Ở bài thơ số 4 :
4-trăng lạnh sao khuya
núi chìm tuyết phủ
cô phụ sầu(Nhã My)

Trăng lạnh sao khuya khiến ta liên tưởng tới đêm mùa đông với ánh trăng vàng võ le lói mấy vì sao lạc. một đêm đông gợi sắc thái buồn. Lan tới ý nghĩ :Núi chìm tuyết phủ. Màn giá lạnh mang theo hình ảnh tuyết phủ bao chùm hết núi. Gợi thêm một hình ảnh gợi nỗi buồn xa xứ nữa.

Mùa đông lạnh lẽo đã khiến trời đất đều buồn theo chăng ? và câu cuối Cô phụ sầu. Hình ảnh người thiếu phụ cô đơn nhìn trời thấy trời lạnh. Nhìn đất thì tuyết phủ. Chỉ có nỗi sầu vì cô quạnh một mình là hiển hiện xung quanh .

Thật xót xa khi bước về buổi hoàng hôn của cuộc đời mình mà lại phải gặm nhấm nỗi buồn như Mùa Đông số 4 này.

Cả bốn bài thơ trong chùm thơ Mùa Đông này chị đều đã tuân thủ nghiêm ngặt luật thế của thơ Haiku Việt. sử dụng Quý ngữ hợp lý, và tiết giảm tối đa số từ trong mỗi câu, và trong từng bài. Với chùm thơ HaiKu này tôi nhận thấy chị đã vận dụng theo phương pháp thơ truyền thống ‘ý tại ngôn ngoại’ để chuyển tải. một chùm thơ mùa đông theo thể thơ HaiKu rất thành công với suy nghĩ và cảm nhận của riêng cá nhân tôi.

Mong rằng tác giả và bạn đọc bỏ qua những thiếu sót trong bài cảm nhận này. Bởi với vốn sống và sự trải nghiệm còn hạn chế nên có thể tôi chưa cảm nhận hết những gì mà chùm thơ Mùa Đông muốn gửi gắm.

Sài Gòn 12/4/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét