Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Cảm Nhận Bài Thơ Dốc Thiêng Của Nhà Thơ Trương Nam Chi



Thác ghềnh của dòng sông đời mà ta phải trôi qua thì ai cũng có, người may mắn chỉ gặp những gợn sóng dịu dàng, người vất vả thì phải ngụp lặn dập vùi trong những thác ghềnh đôi khi là vách đá dựng đứng đổ xuống.
Những con thác bắt nguồn từ những con dốc hoặc vách núi đá. Dù muốn hay không ta vẫn phải theo. Vượt qua nó khó, mà dễ. Bởi chỉ cần cố gắng chắc chắn vượt qua.

Trên hành trình về đích của dòng sông ấy, còn có những ngã rẽ rất quan trọng mà không phải ai cũng biết, cũng muốn, cũng rẽ để đi và sẽ đến.

Đó là con đường tâm linh giác ngộ. Chuyển trạng thái tâm từ động sang tĩnh để leo dốc vô hình tới đích, song hành với dòng sông đời của mỗi một người trong chúng ta
Đã bao giờ bạn gặp hoặc nghe nói có một con dốc vô hình chưa? Nếu chưa bạn hãy cùng tôi đến với Dốc Thiêng của nhà thơ Trương Nam Chi.

Dốc Thiêng
Đêm vuốt ngược
Dốc
Đàn bà
Hương hoa thầm gọi
Ngỡ là
Đang xuân

Ngày chầm chậm
Đếm
Chuông ngân
Thánh tha thánh thót
Khai tâm
Bồ đề

Dốc đời ủ
Chín
Đam mê
Ngũ hành vũ khúc
Vỗ về
Khắc- sinh
(Trương Nam Chi )


Tôi thấy trong bài thơ của “Mệnh Phụ” làm thơ này có sự khác biệt rất nhiều so với những bài thơ khác của chị mà tôi đã có may mắn được đọc và cảm nhận.

Dốc Thiêng cho tôi thấy chị đã “Ngộ”. Chị đã thấu hiểu qui luật hỗn mang của ngũ hành: chị đã cảm nhận được trong tương khắc- có tương sinh và ngược lại.

Chị cũng ngộ ra rằng trong âm có dương và trong dương có âm. Hai cực nó song hành trong ta, nó níu kéo ta và để đến được chân con dốc vô hình ấy đã khó chứ chưa nói ta bắt đầu leo dốc.

Có phải vì vậy cho nên khi chị đến được chân dốc và hẳn chị đã rất vui mừng đặt tên Dốc Thiêng. Thiêng bởi con dốc vốn vô hình và nó thuộc về tâm linh.

Leo dốc vô hình khó gấp nhiều lần vượt những thác ghềnh của cuộc sống mà ta gặp trên đường bươn trải. chèo chống đi tìm vật chất, tìm sự giàu sang phú quí.

Ta đi trên đường đời khốn khó, gặp trở ngại ta tự mình vượt qua chẳng ai níu lại. Nhưng để leo dốc vô hình này biết bao những cám dỗ nó xô ta, nó níu ta lại….Chắc hẳn việc này chị đã vượt qua nên chị bước vào Dốc Thiêng với:

Đêm vuốt ngược
Dốc
Đàn bà
Hương hoa thầm gọi
Ngỡ là
Đương xuân.

Hai câu thơ này thể hiện phần âm trong thuyết Ngũ Hành,thời gian và không gian thì nó là ban đêm và cũng là thì quá khứ. Chắc hẳn khi viết hai câu này chị muốn khẳng định chị đã vượt qua được những hỉ nộ ái ố đời thường,hay nói cách khác là chị đã ngộ ra vật chất hay nhan sắc chỉ là vật phù phiếm bên ngoài. Dẫu nó đã níu kéo đã “vuốt ngược” chị lại vì muốn giữ chị lại, nó đã mang cái sự dễ mủi lòng nhất của phụ nữ đó là nhan sắc. Để làm chị xao lòng. Như màn đêm kia vậy nó lấn tới là ánh sáng ban ngày phải trốn chạy. còn ngược lại ánh bình minh chiếu dọi sẽ xua tan màn đêm đen tối. Chị khẳng định mình đã vượt qua được và phần âm phải chịu lùi bước bằng câu thơ kế tiếp:

Ngày chầm chậm
Đếm
Chuông ngân
Thánh tha thánh thót
Khai tâm
Bồ đề

Vậy đó chị đã bắt đầu leo con dốc vô hình bằng những bước đi đầu tiên chậm mà chắc. Đêm đen chị vượt qua rồi, ban ngày đến, vang vọng trong tâm chị là tiếng chuông, chuông này là chuông cảnh tỉnh, chuông của riêng lòng chị thôi. Chính sự Ngộ trong chị nó đã ngân trong tâm hồn chị thành tiếng chuông tâm linh mà chị gọi đó là tiếng “thánh thót khai tâm bồ đề”. Tâm bồ đề trong chị đã được khai thông, chị đã chuyển hóa tâm thức từ trạng thái mê vọng trồi sụt trong vòng sanh diệt triền miên trở thành giác ngộ. Chị đã bước tiếp những bước vững vàng tiếp theo trên con dốc mà chị đang đi

Dốc đời ủ
Chín
Đam mê

Tới đây chị mới nhắc tới con “dốc đời” của chị. Cũng chính từ con dốc này đã nuôi lớn phần tương sinh, phần dương trong tâm chị để rồi sau bao thăng trầm của dòng đời chị đã đến được với tâm nguyện là vượt qua tất cả cám dỗ đời thường chị đã đi tìm và nay đã đến được chân dốc. Lúc này tôi tin và có lẽ chị tin chắc rằng mình sẽ đến đỉnh dốc thiêng bởi:

Ngũ hành vũ khúc
Vỗ về
Khắc- sinh.

Trong cái hỗn mang của ngũ hành thì tương Khắc và tương sinh vốn là hai mà lại là một..Theo thuyết ngũ hành thì vạn vật trong trời đất vốn sinh ra bởi năm hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Nếu chúng biến thiên theo chiều thuận thì là tương sinh. Nếu vẫn năm hành ấy chúng biến thiên theo chiều ngược lại nó là tương khắc, chúng luôn luôn có quan hệ mật thiết gắn bó với nhau. Mỗi một hành luôn luôn có quan hệ mật thiết với hành kề bên, nó biến thiên thiên không ngừng nghỉ.. (hay nói dễ hiểu nhất là khi ta lưu thông trên đường ta đi thuận chiều bên phải, đi đúng luật. Cũng tại vị trí ấy chỉ cần quay ngược lại ta đã thành người đi trái luật).

Chị đã được ủ chín bởi đam mê trên con đường đi về bến mơ của tâm hồn. Tâm chị cũng đã được bản nhạc ngũ hành vỗ về, khiến cho tư tưởng thấm nhuần thuyết âm dương, thuyết ngũ hành. Chị đã vượt con Dốc Đời hoàn hảo để hôm nay đang từng bước tự tin đi trên con Dốc Thiêng của tâm hồn chị..

Tôi đang có niềm mơ ước là tới một ngày nào đó trên đỉnh Dốc Thiêng tôi lại có dịp đọc thơ và cảm nhận về hành trình thong dong của chị trên đường đến đó

Một bài thơ ngắn được viết bằng những ngôn từ chắt lọc, sâu sắc với nhiều từ láy như: "Thánh tha thánh thót”, “chầm chậm”. Chị sử dụng thêm phép đối Ngày đối Đêm hai từ này cũng là đối ngịch trong thuyết ngũ hành là âm và dương…Tất cả câu từ ,hồn thơ, ý thơ, nhịp thơ hòa quyện với nhau cho ta cảm nhận một “cung” thơ trầm mặc.và cảm giác thư thái tâm hồn như chính ta đang leo con Dốc thiêng.

Cám ơn nhà Thơ Trương Nam Chi với bài thơ Dốc Thiêng đã cho tôi có cảm xúc viết bài cảm nhận này. Chắc rằng với vốn sống còn hạn hẹp của mình tôi chưa thể cảm nhận hết những điều mà chị muốn gửi gắm qua bài thơ. Tôi mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của một bạn đọc yêu thơ giành tặng cho một bài thơ mà tôi yêu thích.

Sài Gòn 27/10/2013
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét