Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Cảm Nhận Bài Thơ Lá Thư Ngày Ấy Của Tác Giả Nguyễn Đăng Tuyên



Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt hàng triệu người thanh niên tạm biệt gia đình, chia tay người yêu ra đi “không hẹn ngày về” Mỗi người có những tình cảm và tình yêu mang theo khác nhau, người may mắn trở về còn người yêu chờ đợi, có người vì những lý do riêng ngày về người yêu đã sang ngang. Cuộc đời và tình cảm của mỗi người khác nhau , chẳng ai giống ai cả!

Nhưng có lẽ giữa đường hành quân ra trận nhận được thiệp hồng của người yêu đi lấy chồng, mà người lính ấy vẫn nặng lòng mang mối tình suốt “lẻ bốn mươi thu”, thì có lẽ không có nhiều. Và bài thơ Lá Thư Ngày Ấy của tác giả Nguyễn Đăng Tuyên là một trong những chuyện tình như vậy:

Lá Thư Ngày Ấy

Em ơi ! ngày tháng trôi nhanh thế ?
Hồi tưởng một thời dạ xót đau
Lẻ bốn mươi thu giờ vẫn nhớ
Phút giây chào biệt mới lần đầu




Ngỡ tưởng rồi đây như đã hẹn
Nào ngờ từ đấy mãi chia ly
Trách ai vội bước sang ngang nhỉ ?
Nhắc lại hôm nay để được gì ?




Lá thư anh nhận mùa xuân ấy
Có cả thiếp mời đám cưới em
Đau thắt tim anh lòng nhức nhối
Bao người đồng đội đã cùng xem




Thế là em giết anh từ đấy
Trước lúc lên đường giữa tử sinh
Đã chẳng niềm vui mà giã biệt
Đâu còn tâm trí vững tin mình




Hẫng hụt tình yêu nơi chiến trận
Như là sét đánh vỡ con tim
Từ nay hai đứa đường hai ngả
Giữa chốn sa trường đứng lặng tim




Nghịch cảnh trái ngang hoa héo lụi
Nhụy tàn cánh úa tả tơi rơi
Nhiều khi tha thẩn buồn không nói
Chỉ hận người ta đã nuốt lời




Suy đi ngẫm lại mình vô lý
Vẫn chỉ người dưng oán trách gì
Có lẽ chính ta cần xét lại
Yêu mà chưa cưới chẳng là chi




Kết thúc chiến tranh tưởng đã yên
Về yêu người khác cưới xong liền
Đâu ngờ tình cũ như ma ám
Cứ quẩn quanh đầu chẳng lúc quên




Vậy phải sao đây hỡi đất trời !
Ghét em chưa thể nhớ chưa thôi
Buồn thương day dứt còn theo bám
Chẳng biết trốn đâu khổ một đời




Đã thế năm nào em cũng đến
Xuân về mỗi độ lại vô thăm
Như là chuộc lỗi ngày xưa ấy
Để lại trong tôi những lặng trầm. (Nguyễn Đăng Tuyên )




Bài thơ dài mười khổ thơ với bốn mươi câu thơ được tác giả viết theo thể tứ tuyệt trường thiên, với bố cục và niêm, luật, vần của thơ tứ tuyệt. chứng tỏ ông đã bỏ rất nhiều tâm huyết để tìm từ, tìm ý và xây dựng bố cục cho bài thơ này. Bài thơ được bắt đầu với :

Em ơi ! ngày tháng trôi nhanh thế ? / Hồi tưởng một thời dạ xót đau /Lẻ bốn mươi thu giờ vẫn nhớ /Phút giây chào biệt mới lần đầu

Trời ơi! Đã “lẻ bốn mươi Thu” trôi qua kể từ lúc “chào tạm biệt”, với nỗi lòng được ông diễn tả “dạ xót đau” mà ông vẫn thấy “thời gian trôi nhanh thế” và vẫn là câu nói thật ấm lòng người nghe “em ơi!”. Nếu chỉ như khổ thơ này thì chưa thấy “dạ xót đau” là bởi tại sao? Ta vào khổ thơ tiếp

Ngỡ tưởng rồi đây như đã hẹn /Nào ngờ từ đấy mãi chia ly /Trách ai vội bước sang ngang nhỉ ?/ Nhắc lại hôm nay để được gì ?

Cách đây đã hơn bốn mươi năm, đã có “phút giây chào tạm biệt”. và họ cũng đã kịp trao nhau lời hẹn ước. Ông hẳn đã hy vọng lắm về lời hẹn này, nhưng sự đời lại không đơn giản thế. Hai chữ “nào ngờ” chứng tỏ ông chẳng hề nghĩ buổi chia tay ấy là cũng “từ đấy mãi chia ly”.

Ông “trách ai vội bước sang ngang” và ông tự trách mình “nhắc lại hôm nay được gì? Nhưng không biết có ai cho ông biết có “được gì”hay không ? nhưng ông vẫn:

Lá thư anh nhận mùa xuân ấy / Có cả thiếp mời đám cưới em / Đau thắt tim anh lòng nhức nhối / Bao người đồng đội đã cùng xem

Thế là em giết anh từ đấy / Trước lúc lên đường giữa tử sinh /Đã chẳng niềm vui mà giã biệt / Đâu còn tâm trí vững tin mình

Hẫng hụt tình yêu nơi chiến trận / Như là sét đánh vỡ con tim / Từ nay hai đứa đường hai ngả / Giữa chốn sa trường đứng lặng tim

Nghịch cảnh trái ngang hoa héo lụi / Nhụy tàn cánh úa tả tơi rơi / Nhiều khi tha thẩn buồn không nói / Chỉ hận người ta đã nuốt lời

Bây giờ thì đã hiểu tại sao ông không tính mốc đo năm bằng mùa xuân mà lại tính “lẻ bốn mươi thu” bởi “mùa xuân ấy” ông đã nhận được lá thư đính kèm tấm thiệp mời của người yêu. Còn nỗi buồn nào hơn nữa đâu? Ông đã dùng cả bốn khổ thơ để diễn tả cái sự “hụt hẫng”khi nhận tin. Mà ác là “bao người đồng đội đã cùng xem”. Tin người yêu đi lấy chồng quả thật đã “sét đánh vỡ con tim” ông.

Chẳng hiểu “nhắc lại được gì?” nhưng ông đã kể lại toàn cảnh bức tranh màu xám, với tâm trạng đau khổ, hận người phụ bạc của ông trước khi ra trận. Tưởng “đâu còn tâm trí vững tin mình”.Nhưng bản lĩnh người lính nơi chiến trường bom rơi đạn nổ . đã thức tỉnh tâm trí ông và ông đã:

Suy đi ngẫm lại mình vô lý / Vẫn chỉ người dưng oán trách gì / Có lẽ chính ta cần xét lại
Yêu mà chưa cưới chẳng là chi

Đau đớn bởi bị phụ bạc ngay trước lúc “vào sinh ra tử” giữa chiến trường, vậy mà ông vẫn còn đủ lý trí để mà “suy đi ngẫm lại” và bỏ đi tất cả “hận người ta đã nuốt lời”. Và quay sang tự trách “mình vô lý” . Quân tử là ở chỗ này đây! “Nam nhi chi chí” cũng chính là suy nghĩ này đây! “yêu mà chưa cưới” ông tự an ủi mình rằng “vẫn chỉ người dưng” mà đã là “người dưng” thì “chẳng là chi” và lại càng không thể “oán trách gì”.Ông lại có suy nghĩ “chính ta cần xét lại”.

Với một suy nghĩ rất có hậu cho người mình yêu, thoạt đầu cứ tưởng tình yêu này mới chỉ là tình cảm hời hợt của ông, nên ông đã dễ dàng trách ngược mình như vậy. nhưng ở khổ thơ kế tiếp thì lại nói nên suy nghĩ trái ngược với điều này:

Kết thúc chiến tranh tưởng đã yên / Về yêu người khác cưới xong liền / Đâu ngờ tình cũ như ma ám / Cứ quẩn quanh đầu chẳng lúc quên

Vậy phải sao đây hỡi đất trời ! / Ghét em chưa thể nhớ chưa thôi / Buồn thương day dứt còn theo bám / Chẳng biết trốn đâu khổ một đời

Trời đất ơi! Ngay trước khi lên đường vào nơi bom rơi đạn nổ, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc, vậy mà ông sẵn sàng quên đi lời hẹn ước bị bội bạc của mình. Bây giờ về nhà sau khi chiến tranh kết thúc.”Yêu người khác” rồi thì “cưới xong liền” . hà cớ gì ông lại “ghét chưa thể” mà lại còn “nhớ chưa thôi”.người bội bạc ấy nhỉ

Ông nói “chẳng biết trốn đâu” mà lại là đi trốn “buồn thương day dứt” của “tình cũ” thì làm sao mà có nơi có chỗ cho ông trốn bây giờ!

Và đây là nỗi khổ nhất của ông kể từ ngày “kết thúc chiến tranh”. Mỗi năm một lần vết thương lòng của ông lại bị xước thêm một ít bởi;

Đã thế năm nào em cũng đến / Xuân về mỗi độ lại vô thăm / Như là chuộc lỗi ngày xưa ấy / Để lại trong tôi những lặng trầm.

Hơn bốn mươi năm mang trong trái tim -dẫu là góc khuất- mối tình bị phụ bạc.Giờ này còn “để lại trong tôi những lặng thầm” ! bởi ông đã quá nặng tình với người xưa, người mà không nghĩ đến tình yêu của một người lính “ra đi không hẹn ngày về”! cô ấy đã gửi thiệp hồng báo tin cho ông vào thời điểm nhạy cảm nhất. Bây giờ thì có lẽ cái tình mà “mỗi khi xuân về lại đến thăm” ấy, không thể là hành động và suy nghĩ “như là chuộc lỗi ngày xưa ấy” được.

Người ấy nghĩ gì ta chưa biết. Chỉ thấy trong ông “những lặng trầm”. Có lẽ đã hơn bốn chục năm chưa quên, thì bây giờ không dễ quên ngay được. “Những lặng trầm” kia có lẽ là nỗi niềm sâu kín trong trái tim “già nua”, nhưng vẫn hừng hực lửa tình, mỗi khi ngược miền hồi ức về với lời hẹn ước đầu tiên ấy, và nhất là mỗi lúc ông nhớ về Lá Thư Ngày Ấy, buồn vui đan xen lẫn lộn lại dày vò trái tim ông chăng?

Sài Gòn 12/12/2013

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét