Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016
Cảm Nhận Bài Thơ Tiếng Dế Trong Đêm Của Tác Giả Lê Thị Bạch Huệ
Tuổi thơ tôi lớn lên ở một vùng quê nghèo khó thuộc vùng trung du Bắc Bộ. Ngày ấy việc học chữ của con trẻ không được coi trọng bằng chăn trâu cắt cỏ. Trong làng gần như con gái chỉ học hết lớp 5 con trai cũng không hơn là mấy..Tôi thì cố gắng theo học đổi lại có rất ít thời gian để chơi những trò chơi như chúng bạn. Ngay cả việc đi xem trò chơi cũng là hiếm
Thời gian thấm thoát trôi qua mấy chục năm. Giờ đã hai thứ tóc trên đầu vậy mà hôm nay , những kỷ niệm thời thơ ấu vùng dậy khiến cho nỗi nhớ ùa về. Nhớ da diết những buổi trưa túm năm tụm ba với dăm trái ổi ương, một đùm sim chín, mấy mậm Cậm cang, hay vài cái lá méo xúm nhau lại dưới bụi tre đầu ngõ…chơi Chắt, chơi Chuyền hoặc Rải Ô Ăn Quan, rồi chia nhau ăn. Lớn thêm chút nữa thì vẫn ăn mấy “sản vật” ấy nhưng chẳng được chơi nữa. Bởi vì nếu không tranh thủ học bài cho thuộc để tối đỡ tốn dầu thắp đèn, thì cũng phải cấy cày hay nhổ cỏ bù vào thời gian đi học….
Tuổi thơ tôi cứ thế lặng lẽ trôi theo cùng năm tháng. Với những khó khổ một thời mà thế hệ tôi ai cũng không ít thì nhiều đều gặm nhấm. Nhiều lúc cứ ngỡ đã quên đi . Nhưng không phải thế, nó chỉ nằm im trong một góc khuất nào đó và chờ cơ hội bùng cháy .
Và ngay lúc này là một cơ hội như thế khi tôi bước vào đồng hành với:
Tiếng Dế Trong Đêm
Đêm tĩnh lặng tiếng ai tha thiết quá
Âm thanh cao vun vút tựa chim ngàn
Ồ! Tiếng dế nghe nao nao trong dạ
Gợi lòng thầm nhớ quá thuở xưa xa….
Bên bến vắng trưa hè cùng nhau tắm
Làn nước trong mát rượi cứ nô đùa
Đứa trên cành chọi những trái ổi chua
Bạn dưới đất ăn ngon lành sim tím
Giờ khôn lớn vẫn nhớ hoài kỷ niệm
Thường rủ nhau chơi đá dế tan trường
Bờ sông hanh gió thổi gợi vấn vương
Cười khúc khích xem dế Cồ háo đá
Rồi mai đây mỗi người đi mỗi ngã
Nhớ sau nhà cây khế của một thời….
Thương rất nhiều áng mây trắng mãi trôi
Nghe tiếng dế ….đêm như dài vô tận ! (Lê Thị Bạch Huệ)
Tác giả Lê Thị Bạch Huệ là một cô giáo đã về hưu, có cháu nội cháu ngoại rồi. Vậy mà khi đọc bài thơ Tiếng Dế Trong Đêm, tình thơ, ý thơ trong vắt hồn nhiên hòa vào từng câu chữ nhẹ nhàng, bay bổng trẻ trung như mấy cô cậu còn đang thời cắp sách tới trường . Đọc bài thơ ta nghe như tiếng nhạc lòng của chính chị ngân nga gọi hồi ức tuổi thơ của chị của tôi trở về.
Đêm tĩnh lặng tiếng ai tha thiết quá
Âm thanh cao vun vút tựa chim ngàn
Ồ! Tiếng dế nghe nao nao trong dạ
Gợi lòng thầm nhớ quá thuở xưa xa….
Tuổi ấu thơ ai đã từng chơi trò bắt dế về lập sàn cho chúng đấu, hoặc tối đến thì thầm rình nghe chúng gáy, đều biết mấy chú dế cồ không chỉ đá giỏi mà tiếng gáy cũng rất to. Ở đây tác giả không nói Dế ở đâu gáy, chỉ thấy chị trong đêm khuya tĩnh lặng nghe thấy tiếng dế “ Cao vun vút tựa chim ngàn”.Tiếng dế trong khuya khoắt khiến chị “nao nao trong dạ” và rồi chị đã trải qua những giây phút bồi hồi …càng nghe càng nhớ, mà nhớ gì đây? Có lẽ không chỉ nhớ “thuở xưa xa ” mà vẳng trong tiếng dế kia còn bao nhiêu hồi ức nữa vọng lại từ ngàn xa. Ngay câu mở đầu chị đã dùng phép nhân cách hóa ‘Tiếng ai!”, để đưa ta vào bài thơ với một không gian ba chiều sống động “ Tiếng ai tha thiết quá”. Tiếng dế? tiếng lòng mình? hay tiếng của lũ bạn thời ấu thơ, hoặc giả là tiếng một Ai đó? Chứ chưa hẳn chỉ là tiếng Dế.
Bên bến vắng trưa hè cùng nhau tắm
Làn nước trong mát rượi cứ nô đùa
Đứa trên cành chọi những trái ổi chua
Bạn dưới đất ăn ngon lành sim tím
Tuổi thơ tôi lớn lên bên những dòng suối nhỏ! bên những ao làng , còn có cả Chuôm xen lẫn giữa cánh đồng, mà các cụ trong làng vẫn thường kể lại rằng Chuôm đấy là dấu chân của Thánh Gióng truy đuổi giặc Ân chạy qua để lại. Giờ đây đọc những câu thơ của tác giả thấy như chị nói hộ ký ức tuổi thơ của chính tôi vậy,. Thường thì tụi con trai xuống suối tắm, bọn con gái thì hái ổi dại ven suối, hay bờ giậu, mùa hè còn có sim mua. Mùa nào không có trái thì hái những mầm cây Cậm Cang, hay mấy thứ lá rừng chua chua, gom lại rồi xúm nhau ăn. Ký ức trong tôi về những buổi trưa hè chỉ có bấy nhiêu, bài thơ của tác giả lôi sạch sành sanh ra cả rồi!
Giờ khôn lớn vẫn nhớ hoài kỷ niệm
Thường rủ nhau chơi đá dế tan trường
Bờ sông hanh gió thổi gợi vấn vương
Cười khúc khích xem dế Cồ háo đá !
Nói đến tuổi thơ, nhớ về tuổi thơ hẳn là không ai có thể bỏ quên thời cắp sách đến trường với bao kỷ niệm của tuổi học trò. Tác giả Lê Thị Bạch Huệ cũng không ngoại lệ, khi chị nghe tiếng dế trong đêm khuya khoắt , lập tức hiển hiện ngay trong chị những buổi chiều sau giờ tan học. Chị cùng đám bạn túm nhau lại xem đá dế, chỗ này cặp dế cồ đen bóng giương cặp râu dài ra nghênh chiến…Chỗ kia là cặp dế “Ốc tiêu” cũng chiến đấu hăng không kém. Vâng, chị viết “giờ khôn lớn..” nhưng làm sao có thể quên những kỷ niệm ấy. Tiếng mấy cô bạn nữ “cười khúc khích” khi cùng “xem dế cồ háo đá”. Chắc chắn không chỉ mình tác giả mang theo ký ức ấy tới bây giờ. Mà mấy cậu bạn chủ nhân của mấy chú Dế cồ năm xưa có lẽ còn nhớ hơn tác giả và tôi khi đọc bài thơ này của chị.
Rồi mai đây mỗi người đi mỗi ngã
Nhớ sau nhà cây khế của một thời….
Thương rất nhiều áng mây trắng mãi trôi
Nghe tiếng dế ….đêm như dài vô tận !
Nỗi nhớ lúc nào cũng có khởi nguồn và luôn có chủ. Mỗi người trong chúng ta ai mà không hoài niệm. Không nhung nhớ, đặc biệt là những người xa quê hương như tác giả, như tôi. Tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm ấy cũng phải chia xa khi ta khôn lớn. Mỗi người có một hướng đi riêng, một nơi để đến . Chỉ quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, nơi ta lớn lên mỗi ngày, là tất cả cùng chung. Dẫu rằng có người ở lại, có người ra đi nhưng tất cả đều chung một ý nghĩ:
“Thủa còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ- (Giang Nam)
“quê hương là chùm khế ngọt.
Cho con trèo hái mỗi ngày…” (Đỗ Trung Quân)
Tác giả của chúng ta với quê hương làm sao mà không nhớ…chị viết “ nhớ sau nhà cây khế của một thời...” . Ngôi nhà, cây khế, một thời…dấu ba chấm. gắn kết với nhau gợi mở một khung cảnh quê nhà, có nỗi nhớ chung “cây khế” có nỗi nhớ riêng “nhà” và cả một vùng hồi ức mênh mông “một thời…”
Giờ đây thực tại đã kéo chị trở lại. sau khi chị đã thả tâm hồn theo tiếng dế gáy trong đêm về với kỷ niệm tuổi thơ, về với cố hương, về với tuổi học trò với những trò chơi dân gian …Chị cảm ơn trời, cảm ơn đời đã cho chị có những hồi ức đẹp. Chị “Thương rất nhiều..” và ngoài kia những “ áng mây trắng mãi trôi”. Dòng đời cũng vẫn cứ trôi, tóc đã phai, da điểm mồi, lưng muốn còng, khóe mắt ghi dấu bằng những vết chân chim.
Nhưng khi “Nghe tiếng dế …” tác giả đã ngược dòng thời gian… đêm nay đồng hành với tiếng dế là cả một dòng thời gian chảy ngược về với những ký ức đã xa . “Đêm như dài vô tận…” sẽ là một đêm không ngủ. Nhưng cũng là một đêm vui với tác giả khi chị đang thao thiết với Tiếng Dế Trong Đêm.
Một bài thơ tự do với những câu từ chắt lọc. Nhạc thơ, tình thơ, ý thơ hòa quyện vào mỗi câu thơ dệt nên một bức tranh miền kỷ niệm. Bức tranh này không chỉ của riêng tác giả. Tôi đã thấy mình trong đó và có lẽ còn có rất nhiều bạn đọc khác nữa sẽ thấy mình trong miền kỷ niệm dấu yêu này, khi đọc bài thơ Nghe Tiếng Dế Trong Đêm.
Sài Gòn tháng 3/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét