Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Nơi Thầy Đến Của Tác Giả Lê Thị Bạch Huệ



Dân tộc ta suốt bao đời nay đều có truyền thống hiếu học. mà muốn học thì phải có Thầy truyền thụ cho. Hiểu được tầm quan trọng của người thầy cho nên:Từ xa xưa có lẽ từ ngày có nghề thầy. Thì ông cha ta đã có những câu nói, ca dao, tục ngữ để nhắc nhở con cháu mình phải tôn kính thầy như: “Trọng thầy mới được làm thầy”. Hay “Không thầy đố mày làm lên”. "Một chữ là thầy nửa chữ cũng là thầy” –( Tục Ngữ)

Hay như lời ru sau:


Bồng bồng mẹ bế con sang

Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy.-(Ca Dao)



Ông cha ta từ bao đời nay đều coi trọng nghề thầy, thậm trí người thầy chỉ đứng sau Vua. “Quân Sư Phụ” tức là Vua tới Thầy rồi mới tới Cha.. Ngày nay thơ văn hiện đại và cách răn dạy con cháu về nghề thầy vẫn vậy. Dẫu rằng xã hội phát triển nhanh và có nhiều hệ lụy kéo theo sự phát triển ấy, nhưng nó chỉ như hạt cát nhỏ trên sa mạc lớn mà thôi. Nghề thầy vẫn luôn luôn được bất kỳ thể chế chính trị nào, bất kỳ quốc gia nào, và bất kể dân tộc nào coi trọng và tôn kính.



Việt Nam ta đã phát triển về tất cả mọi mặt của xã hội rất nhiều. Nhưng vùng sâu vùng xa còn nhiều lắm những ngôi trường nghèo. Vẫn thiếu lắm những giáo viên cắm bản. Tình nguyện về vùng sâu vùng xa, Dẫu đồng bằng thành phố thừa quá nhiều giáo viên. Lòng yêu nghề, mến trẻ, tâm làm thầy đã bị dòng xoáy của cơn lốc thị trường phát triển xoáy bớt, bào mòn đi, trong một bộ phận nhất định những người học nghề thầy ra trường nhưng không làm theo thiên chức người thầy.



Nhưng vẫn còn đây, xung quanh ta, nhiều lắm những người thầy tâm huyết với nghề. Mà người thầy của tác giả Lê Thị Bạch Huệ trong bài thơ Nơi Thầy Đến là một đại diện. Hình ảnh người thầy tâm huyết với nghề dẫu trường lớp còn nghèo xác xơ mà tôi may mắn vừa đọc được sáng nay.



Nơi Thầy Đến




Nơi thầy đến
mái trường chưa có vách
Ngày mưa nhiều gió lạnh thốc vào trong
Nơi thầy đến
sợ có lúc bão giông
Tôn tốc mái , các em ngồi ngơ ngác !



Nơi thầy đến

mùa hè nóng rát
Không quạt trần,chỉ có gió ban trưa
Các em ngồi mồ hôi ướt như mưa
Thèm ly nước, mát lòng khi nắng khát !



Nơi thầy đến

đúng mùa giáp hạt
Không có cơm, khoai vài củ đỡ lòng
Các em đến trường gương mặt sáng trong
Vẫn vui vẻ với bạn bè yêu dấu !

Nơi thầy đến
mùa xuân còn ẩn náu
Tết đến rồi áo em bạc sờn khuy
Luôn hồn nhiên chẳng chút nghĩ ngợi gì
Nhìn đôi mắt…..lòng thầy thương dào dạt !

Nơi thầy đến
để giờ này tóc bạc.
Vẫn còn nguyên tiếng ê a ngày nào
Rồi chợt hiểu vì sao
Nơi thầy đến , thầy thương đến vậy !(Lê Thị Bạch Huệ)



Bài thơ xúc động về Tâm Đức của người thầy một đời vì sự nghiệp đưa đò. Được chị bắt đầu bằng:




Nơi thầy đến

mái trường chưa có vách
Ngày mưa nhiều gió lạnh thốc vào trong
Nơi thầy đến
sợ có lúc bão giông
Tôn tốc mái , các em ngồi ngơ ngác !




Nơi Thầy của tác giả đến. Chỉ với sáu câu thơ ngắn ngủi thôi, nhưng bằng những từ ngữ chắt lọc, đặc biệt là động từ Thốc, chị đã cho thấy một ngôi trường tạm bợ :”Chưa có vách” những ngày mưa thì “Gió lạnh Thốc vào trong”.

Đọc câu thơ này của chị tôi cảm thấy như cơn gió lạnh vô tình ấy đang cứa vào trái tim chị, trái tim Thầy của chị và có lẽ còn thốc vào trong trái tim nhiều rất nhiều người nữa, trong đó có tôi!



Bấy nhiêu đó chưa nói hết được sự tạm bợ của ngôi trường này. Chị miêu tả nó có mái tôn, nhưng cái mái vốn chỉ che được nắng này, nếu có “bão giông” thì các em sẽ “ngồi ngơ ngác” vì “Tôn tốc mái”.

Ngôi trường nơi Thầy chị đến không chỉ có vậy khi mưa dầm gió rét. Thầy giảng dạy với cảnh mùa nắng thì:




Nơi thầy đến

mùa hè nóng rát
Không quạt trần,chỉ có gió ban trưa
Các em ngồi mồ hôi ướt như mưa
Thèm ly nước, mát lòng khi nắng khát !




Có nằm mơ thì học trò và thầy cô ở thành phố với đầy đủ phòng học kiên cố, bảng thông minh, giáo án điện tử và cá biệt còn phòng học máy lạnh nữa, cũng chẳng thể thấy cảnh như Nơi Thầy Đến.

Thầy truyền đạt kiến thức và trò lãnh hội trong không gian phòng học mà “Nóng rát” với cái “gió ban trưa”. “ mồ hôi ướt” đẫm lưng áo” như mưa” là chuyện thường. Vậy mà phải “Thèm một ly nước mát” nghe mới thấy đau lòng làm sao? Quả là gian nan chuyện đi tìm từng con chữ ở những vùng sâu vùng xa như thế này.

Nơi Thầy Đến của tác giả với cơ sở vật chất nghèo nàn, khí hậu thiên nhiên khắc nghiệt là vậy còn cuộc sống của người dân nơi đây và học trò của thầy thì sống như thế nào? Ta sẽ thấy ngay đây thôi khi mà vụ giáp hạt là lúc mà nhà nhà đều phải lo cái ăn chờ vụ mới:

Nơi thầy đến

đúng mùa giáp hạt
Không có cơm, khoai vài củ đỡ lòng
Các em đến trường gương mặt sáng trong
Vẫn vui vẻ với bạn bè yêu dấu !



Vậy đấy! học trò vùng sâu là vậy, dẫu bữa ăn chưa đủ no với “Khoai vài củ” thôi lót lòng khi đói chúng vẫn “đến trường gương mặt sáng trong”. Vẫn nô đùa đâu biết sau lưng chúng là nỗi lòng quặn thắt của người thầy và nỗi lo của cha mẹ chúng. Không biết có bao nhiêu cậu ấm, cô chiêu, đi học xe hơi, xe máy đưa đón đến trường, mà được nghe cha mẹ, hay thầy cô kể cho nghe về các bạn bằng tuổi mình, còn đang sống và học trong môi trường như thế này đây!



Chúng vẫn vô tư, vui vẻ đến trường vì chúng có người thầy hàng ngày chờ đợi tới giờ lên lớp truyền đạt kiến thức cho chúng. Thời gian trôi đi và rồi ngày xuân đến tuổi học trò có lẽ chúng ta ai cũng háo hức chờ đợi tết đến có quần áo mới có bánh trưng có mứt kẹo. Ở thành phố thì mùa xuân về học trò còn có bao nhiêu niềm vui khác nữa. Nhưng ở đây nơi mà Thầy đến thì :

Nơi thầy đến
mùa xuân còn ẩn náu
Tết đến rồi áo em bạc sờn khuy
Luôn hồn nhiên chẳng chút nghĩ ngợi gì
Nhìn đôi mắt…..lòng thầy thương dào dạt !



“Mùa xuân còn ẩn náu”? Chị dùng từ ẩn náu bởi có lẽ chị không nỡ nói rằng không có! Bớt xót xa hơn một chút bởi thực tình thì nơi này quá nghèo cơm không đủ no ai còn nghĩ tới xuân với chả tết nữa. Mặc dù trái đất vẫn từ từ quay, hết đông thì ắt xuân phải đến, chỉ có điều người ta có cảm nhận Xuân đã đến hay không mà thôi! trẻ nhỏ thì “Tết đến rồi áo em bạc sờn khuy”. Khi xuân về tết đã đến rồi. Nhưng chúng vẫn “hồn nhiên” vui tươi chẳng hề có chút buồn trong những ánh mắt trong veo kia. Vâng đúng rồi chị ạ “Lòng vẫn thương dào dạt” không chỉ mình chị thương Thầy chị thương, tôi thương và rất nhiều người nữa thương chúng khi tết đến một manh áo mới cũng không có.

Nơi vùng quê nghèo khó là vậy kham khổ là vậy mà Thầy đã đến đã trụ lại để truyền kiến thức cho học trò tới giờ đây khi:




Nơi thầy đến
để giờ này tóc bạc.
Vẫn còn nguyên tiếng ê a ngày nào
Rồi chợt hiểu vì sao
Nơi thầy đến , thầy thương đến vậy !



Thật cảm động với trái tim người thầy nhiệt huyết yêu nghề yêu trẻ chỉ cần nghe tiếng ê a của chúng thôi là không có gì cản được. Thầy mang hết kiến thức ra giảng dạy cho trò như một người lái đò cần mẫn cả cuộc đời đưa khách qua sông, Con đò tri thức ấy luôn đầy ắp tình thầy trò cho tới hôm nay khi mà thầy:”Giờ này tóc bạc” Thầy vẫn cần mẫn với nghiệp lái đò của mình.

Lời của nhà thơ Thảo Nguyên viết về người Thầy của mình giờ đây cũng rất thích hợp khi ta mang nó tặng cho người Thầy của tác giả Lê Thị Bạch Huệ cùng bài Nơi Thầy Đến.



Tháng năm dầu dãi nắng mưa,

Con đò trí thức thầy đưa bao người.
Qua sông gửi lại nụ cười
Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.

Con đò mộc- mái đầu sương

Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày

khúc sông ấy vẫn còn đây

Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông -(Người đưa đò- Thảo Nguyên)




Ngồi viết đến đây bỗng tôi nhớ tới bài hát Người Thầy Năm Xưa: “Một lời chúc cùng ngàn hoa dâng lên Thầy Cô. Và hạt bụi phấn đừng vội rơi mái tóc bạc phơ, để thầy tôi còn mãi nâng bước chân trẻ thơ….- Nguyễn Văn Chung).

Lời bài hát có lẽ cũng là tấm lòng mà tác giả , tôi và có lẽ là sẽ thêm rất nhiều bạn đọc nữa. Chúng ta cùng chúc cho những người đang theo nghiệp làm Thầy nhưng đang ngày đêm vất vả nơi heo hút truyền đạt kiến thức cho trẻ em nghèo.




Cám ơn tác giả Lê Thị Bạch Huệ với bài thơ Nơi Thầy Đến đã cho tôi có cảm xúc viết bài cảm nhận này. Có thể tôi chưa hiểu hết, hiểu đúng ý của tác giả, nên mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của riêng cá nhân tôi giành tặng cho một bài thơ mà tôi rất thích.




Sài Gòn 4/11/2013

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét