Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016
Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Hoa Đồng Nội Của Tác Giả Thanh Bình (NMCR)
Tôi yêu thích hoa dại, không biết từ khi nào? Có lẽ là từ khi còn bé lắm khoảng ba bốn tuổi. Tôi đã đi chăn trâu theo ông nội rồi. Cả ngày chơi thơ thẩn hái hoa dại trên những triền đồi bãi trống bỏ hoang. Vùng trung du bắc bộ quê tôi, bốn mùa đều có hoa dại. Dân quê tôi ruộng đất ít, mấy ai nghĩ đến trồng hoa vào thời điểm bát cơm ăn độn khoai sắn chưa đủ no. Tôi nhớ tất cả các loài hoa dại quê tôi có lẽ cũng xuất phát từ những ngày chăn trâu từ tấm bé ấy. Chứ sau này lớn lên nữa thì phải mang theo đôi quang đi chăn trâu thêm việc cắt cỏ. Đâu có thời gian mà hoa với bướm …
Thời gian thấm thoắt đã qua hơn ba chục năm, những ký ức cũng dần nhạt phai tỷ lệ thuận với mức độ hằn sâu của những vết chân chim nơi khóe mắt. May mắn thay mấy năm gần đây tôi ra ngoại thành sống gặp rất nhiều hoa dại mọc ở những khu đất trống chưa xây nhà! Cứ vài ngày tôi lại cắt một bình bông mấy loài hoa dại về cắm ở phòng khách, nhiều lần có khách đến ai nấy đều nhìn nó chăm chăm. Mặc, khi hoa héo tôi lại đi cắt bình khác.
Chiều nay vừa thay một bình bông cúc dại xong, lên phòng mở máy lại gặp bài thơ Hoa Đồng Nội của chị Thanh Bình. Lòng tôi nao nao, viết mấy lời thăm chị. Tôi copy về và ngồi nghiền ngẫm bài thơ chỉ vỏn vẹn bốn câu như sau:
Hoa Đồng Nội
Âm Thầm trong gió đùa reo
Bông hoa đồng nội rải nghèo lối đi
Bứt lên…
Dằn xuống mà chi
Hoa giống em.
Chẳng có gì
Hoang sơ… (NMCR)
Càng đọc càng thấy tác giả đã rất khéo léo sử dụng ngôn từ. Chỉ với tựa đề thôi đã cuốn hút người đọc rồi! Bốn câu thơ đọc lên nhìn ngắm quả thật ngôn ngữ chị sử dụng rất đơn giản ai đọc cũng thấy ngay nó là hoa dại, hoa của đồng nội thì vốn dĩ nó luôn luôn “âm thầm” bất kể ở đâu, thôn quê hay thành thị, Chị viết nó : “Âm thầm trong gió đùa reo”. Đọc ta thấy ngay hoa không hề âm thầm bởi động từ reo chị đặt ở cuối câu. Hoa âm thầm lặng lẽ bởi nó chỉ là một loài hoa dại khiêm nhường về hương sắc. Nhưng, đấy chỉ là khi giông tố, mưa trút hay lúc hanh khô lạnh giá mà thôi, hoặc ở một góc khuất nào đấy khiến nó phải âm thầm lặng lẽ cả đời . Gặp gió Xuân nồng nàn đến, hoa cũng xao động, cũng reo vui đón gió trong nắng đấy chứ.
“Bông hoa đồng nội” dù ít,hay nhiều, nó cũng góp phần tô điểm hương sắc làng quê. Sao chị lại để nó gánh thêm cái “tội” “rải nghèo lối đi” thế nhỉ? Phải chăng ngữ cảnh bài thơ ra đời cũng giống nơi tôi sinh ra và lớn lên, Quê nghèo thì ai còn cảm giác say đắm với mấy bông hoa mọc hoang cạnh lối đi nữa đây? Mà cũng vì nghèo nên đường làng, bờ thửa, triền đê ít người qua lại mới có chỗ cho hoa mọc lên và sinh sôi... Phải chăng "rải nghèo lối đi" còn có ý muốn nói, người xa xứ mỗi khi về thấy những Bông Hoa Đồng Nội là nhớ cảnh quê nghèo.
Tới đây tôi nhận thấy những ngôn từ như đã nói nó đơn giản dễ hiểu ở trên, bỗng nhiên lại thấy sâu xa trong đó ẩn chứa cả một nỗi niềm sâu lắng lắm chứ không hẳn chỉ là tả thực một loài hoa đồng nội không thôi đâu!
Tôi nghĩ thế và tôi đặt giả thiết Bông Hoa Đồng Nội này có phải chăng chính là một cô thôn nữ nào đó. Hoặc tác giả bắt gặp hình ảnh bông hoa ấy là chính mình hay không! Ý nghĩ này càng nảy nở trong tôi sau khi đọc đến câu
Bứt lên
Dằn xuống mà chi!
Hai động từ “bứt lên, dằn xuống” đi theo nhau kèm hai từ “mà chi” nửa như cảm thán, nửa nhưmuốn nhắn nhủ người đọc. Thân vốn là loài hoa dại có nghĩa gì đâu? Chẳng cao sang như ly như huệ, chẳng ngọc ngà như hồng như cúc, bứt lên cũng chẳng ai đoái, dằn xuống cũng chẳng ai hoài. Làm vậy chỉ khổ thân tôi thôi! Có sáu chữ rất đơn giản đọc lên ai cũng thấy, ai cũng hiểu sao tôi như nghe nặng trĩu trong lòng với ý nghĩ “Bông hoa Đồng Nội” của chị chính là Hình ảnh người thiếu nữ đó đây ta đã gặp.Có thể là chính tác giả, có thể là tôi và có thể là bất kỳ ai mà ta đã và sẽ gặp….
Suy nghĩ ấy đã có điểm tựa khi tôi vào câu kết:
Hoa giống em
Chẳng có gì
Hoang Sơ….
Tám từ nối nhau thành một sợi dây có ba nút thắt xiết chặt trái tim tôi. Có lẽ với câu thơ này tôi chẳng cần giải thích ý nghĩa của nó làm gì. Chị đã nói hết , nói đủ về Em, về bản chất sự việc sau khi bị bứt lên dằn xuống. Hai từ cuối cùng Hoang Sơ…kèm theo một dấu ba chấm sao tôi cảm thấy như buồn buồn tủi tủi chứa đựng hết vào hai chữ này và ba cái dấu chấm ấy thì phải…
Nhưng tác giả ơi! Cái sự tự mình nhìn nhận rằng Em: “Chẳng có gì” ấy, là do Em nghĩ vậy thôi. Hoa Đồng Nội tuy không rực rỡ về sắc, không nồng nàn về hương. Nhưng nó có sự bền bỉ vì nó được trưởng thành và khoe sắc từ trong mưa nắng bốn mùa. Thậm chí bão tố lũ lụt nữa….
Em cũng vậy! “Em giống hoa” em không đẹp với vẻ đẹp đài các, kiêu sa…Em Hoang sơ….bởi em vốn là một cô gái bước ra từ thôn dã, em được nuôi dưỡng bằng tình cảm chân thực của người thôn quê vốn quanh năm chân lấm tay bùn, nhưng em có trái tim nhân hậu, em có tình yêu đơn giản nhưng bền bỉ và chung thủy dẫu cho gặp phải trắc trở gì thì Em vẫn là Em một Bông Hoa Đồng Nội.
Bài thơ rất ngắn. Được chị viết về Hoa Đồng Nội, nhưng từ tình thơ, ý thơ , hồn thơ phảng phất bao trùm lên từng con chữ chị chắt lọc cẩn thận để gửi gắm một thân phận con người mà cụ thể là Em. Em có lẽ là một cô gái quê nghèo cũng từng phải trải qua những đắng cay cơ cực như loài hoa dại lúc bị bứt lên dằn xuống...
Và đây là nỗi niềm của chính tác giả khi trả lời chia sẻ của bạn bè:
Viết tứ thơ, chị thương mình tội tội
Như bông hoa đồng nội hoang sơ
Chẳng tươi xinh như lan mận đào mơ
Mà dung dị khiêm nhường - Hoa đồng nội (NMCR)
Cám ơn tác giả, cảm ơn Hoa Đồng Nội đã cho tôi sống lại kỷ niệm tuổi ấu thơ. Đặc biệt khiến tôi yêu hơn loài hoa dại ven đường mà tôi vẫn thường nâng niu mỗi ngày.
Sài Gòn cuối xuân 2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét