Nhớ ngày nào công việc của trẻ nhỏ chúng tôi là chăn trâu giúp người lớn. Dắt trâu xuống tới bãi chăn là tha hồ chơi đùa. Mấy đứa con gái thì hái hoa dại, kết vòng chơi trò cô dâu. Mấy bạn con trai hoặc các anh chị lớn lại đá bóng, đánh khăng hoặc chơi Thả Diều vào những buổi chiều bầu trời lộng gió.
Không biết bao lần cô bé chăn trâu là tôi khi ấy, đã thả tâm hồn với những ước mơ theo cánh diều trên bầu trời xanh .Hơn quá nửa đời người đã đi qua, có ước mơ đã thành sự thật, có ước mơ mãi mãi chỉ là mơ ước mà thôi …Ký ức tuổi thơ ngày nào mơ màng cùng cánh diều nơi đồng quê nghèo khó ấy, nhiều lúc tưởng đã ngủ yên trong lồng ngực vốn quá chật chội này.
Nhưng không ! mỗi khi có dịp như chiều nay chẳng hạn, bắt gặp một bài thơ cùng một sự ví von tình yêu thật gần gũi thân thương và cũng rất thiết thực . Khiến tôi lại bồi hồi trăn trở và rồi tôi cũng muốn biết tác giả Ngô Quang tại sao lại ví:
Tình Yêu Như Cánh Diều
Tình yêu như cánh diều
Muốn diều càng bay cao
Sợi dây càng phải mảnh
Nếu sợ diều bay mất
Mà buộc bằng dây thừng
Sẽ chẳng bao giờ có được
cánh diều
chao liệng
giữa trời xanh
Chỉ được khung giấy phết hồ
nằm trơ dưới đất
Tất cả những gì trói buộc
Cũng đều giết chết tình yêu! (Ngô Quang)
Đọc những vần thơ mộc mạc gần gũi có phần rất đơn giản nhưng chứa đựng một ý thơ bao la và một triết lý thiết thực cho những người đang yêu và được yêu. Không hẳn chỉ là tình yêu đôi lứa mà ngay trong cuộc sống đời thường thì triết lý Tình Yêu Như Cánh Diều vẫn thiết thực.
Bài thơ dẫn ta về với trò chơi dân gian Thả Diều. Trò chơi này đã có không biết bao đời rồi . Ta có thể gặp ở bất cứ đâu, từ những cánh diều đủ màu sắc với những ống sáo hiện đại và những cuộn dây đắt tiền của người thành phố…đến những con diều được dán bằng giấy báo với khung tre đơn giản cùng ống sáo tự tạo của bạn nhỏ ở nông thôn. Nhưng một điểm chung nhất là chúng cùng bay theo gió lên cao, với một khung diều và níu bằng một sợi dây, dây càng mảnh diều càng lên cao hơn và tiếng sáo càng vi vút vang xa hơn!
Trở lại với bài thơ của tác giả Ngô Quang anh ví tình yêu cũng “Như cánh diều”. Nếu “muốn diều phải bay cao”thì “Sợi dây càng phải mảnh”.
Khi yêu nhau ai không muốn tình yêu của mình thăng hoa, êm đẹp. Anh ví nó cũng như cánh diều, phải chăng anh muốn nhắc để có được tình yêu ta phải trải qua thời gian tìm hiểu, nuôi dưỡng nhất định. cũng giống như muốn có cánh diều thì phải tìm khung tre tốt, giấy, hồ mới đến công đoạn bồi dán mà phải thật khéo léo rồi chờ nó khô.
Muốn diều bay lên phải tìm dây, xe sợi. Dây phải nhẹ ,phải mảnh và dài. Mới giúp cánh diều no gió.
Cũng giống như khi có được tình yêu rồi thì ta phải nâng niu gìn giữ nuôi dưỡng tình cảm hằng ngày.
Nhưng khi ta đã có được điều ta muốn như cánh diều kia chẳng hạn. ta sợ sợi dây mỏng mảnh nó đứt và sẽ bay mất. Ta xe sợi dây “thừng” rồi dùng nó để “buộc chặt”…thì ôi thôi! Ta vẫn có cánh diều, và cuộn dây vẫn là của ta nhưng
Sẽ chẳng bao giờ có được
cánh diều
chao liệng
giữa trời xanh
Chỉ được khung giấy phết hồ
nằm trơ dưới đất
Khi có cánh diều ai không thích thú ngắm nhìn nó “chao liệng giữa trời xanh”. Chẳng ai muốn nhìn “khung giấy phết hồ” của mình chỉ có thể “nằm trơ dưới đất”. Tình yêu cũng vậy! khi chưa có ta quyết tâm tìm bằng được nhưng tình yêu không đến từ một phía, không thể “trói buộc” mà có được tình yêu. Phải chăng đó là thông điệp mà tác giả Ngô Quang muốn gửi gắm vào hai câu kết:
Tất cả những gì trói buộc
Cũng đều giết chết tình yêu!
Hai câu kết phải chăng cũng là điều mà tác giả muốn nói sau khi ví Tình Yêu Như Cánh Diều.
Sài Gòn tháng 3/2014
Huỳnh Xuân sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét