Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Huỳnh Xuân Sơn với cảm nhận bài thơ Trường Xưa Ơi! của nhà thơ Vũ Miên



Mùa hạ đến gọi tâm trí mỗi người trở về một miền hoài niệm khác nhau. Nhưng hầu như ai nhìn hoa phượng khoe sắc đều nhớ thời học trò, nhớ ngày xa trường để rồi “90 ngày qua” gặp lại. Kỷ niệm nhớ nhất và nhớ mãi trong mỗi chúng ta có lẽ là mùa hạ chỉ có chia xa mà sẽ không có tựu trường nữa…đó là mùa của những chú chim vừa đủ lông cánh xa rời tổ ấm yêu thương. Nơi có những thầy cô tận tuỵ làm nghề đưa đò. Hết lớp học trò này lại tới lớp trò khác…Thầy không thể nhớ hết lớp lớp trò ấy. Nhưng trò thì mãi mãi sẽ không quên thầy bởi dân tộc ta vốn giàu truyền thống tôn sư trọng đạo…

Nhà thơ Vũ Miên Thảo đã viết lên một khúc tâm tư về mùa hạ cuối cùng của đời học trò. Với đề tặng “Kính tặng Thầy Mười Hai”…Không phải ngay mùa hạ chia tay đầy lưu luyến ấy. Mà mãi đến mười năm sau kỷ niệm mới bật dậy hoà quyện vào tứ thơ qua tác phẩm:

TRƯỜNG XƯA ƠI!
(Kính tặng Thầy Mười Hai)

xa thầy- xa bạn – xa trường
mười năm, lưu bút còn hương học trò
tháng xưa
ngày ấy mưa to
trăm bờ mi ướt, tơ vò… rưng rưng
run môi
nghẹn tắt giữa chừng
nửa câu thơ rớt, ngập ngừng phức âm
ngoài hiên có tiếng thì thầm
cố lên…
khoảnh khắc ba năm gió lùa
chạm hồn
hoa phượng đong đưa
mùa như dao cắt cho vừa giọng ve
giở thêm nhớ những ngày hè
miên man hoài niệm thắt the nỗi đời!
trường xưa ơi - thầy, bạn ơi!... (VMT 1978 / 15-11-2012)

Bài thơ được tác giả ghi dòng chú thích. viết năm 1978 bỏ quên hơn ba chục năm trong quyển lưu bút ố vàng….
Thật ấn tượng với thời gian lưu lạc của bài thơ, và có lẽ cũng do nỗi niềm mười năm sau ngày ra trường đầy kỷ niệm ấy ông mới sáng tác, mà lại ghi vào quyển lưu bút cũ. Để rồi cũng vào một ngày hạ tóc đã phai, nhưng nỗi nhớ cứ ùa về thúc giục ông mở lưu bút và bắt gặp lại Trường Xưa Ơi!

xa thầy- xa bạn – xa trường

mười năm, lưu bút còn hương học trò

Hai câu thơ mở đầu cũ mà không cũ. Thể thơ lục bát dễ đưa câu thơ bay bổng dìu dặt như nhạc, nhẹ nhàng như mây..nhưng thật khó cho hồn thơ, ý thơ trú ngụ. Ở đây tác giả đã dùng tới ba từ “xa” trong một câu lục, để diễn tả cái sự cách “xa” thì quả là đắt giá…mười năm xa ngôi trường cuối cấp, xa bạn bè, xa thấy cô… với tác giả có lẽ chưa hề xa trong tâm tưởng, bởi khi mở lưu bút ngày chia tay. Tác giả vẫn cảm nhận “hương học trò” còn nguyên vẹn…Một câu bát đầy tính nghệ thuật, chuyên chở tình thơ đầy ắp vị ngọt ngào. “Hương học trò …” mới thực sự là chất xúc tác cho nỗi nhớ. Nhất là khi nó “còn” ở trong “lưu bút” dẫu đã “mười năm” qua đi….

Dòng hồi ức ùa về với tác giả khi ông mở “lưu bút” và bắt gặp “hương học trò”…Làn hương ấy phải chăng bắt nguồn từ:

Tháng xưa...


ngày ấy mưa to
trăm bờ mi ướt, tơ vò… rưng rưng




Những ngày đầu hạ ở vùng đất phương nam nơi chỉ có hai mùa mưa nắng bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa… “Ngày ấy mưa to”. Con mưa đầu hạ? hay mưa từ khoé mắt của các cô tú cậu tú ngày tạm biệt, mà có tới “trăm bờ mi ướt”..lòng ai cũng rối như “tơ vò…” “biết ngày sau có còn gặp lại”.Nào đâu chỉ có “rưng rưng” mà đó đây, nơi hành lang lớp học, dưới tán phượng có ít nhất một người

run môi
nghẹn tắt giữa chừng

nửa câu thơ rớt, ngập ngừng phức âm

Lời chia tay, hay lời hẹn ước đầu đời, hoặc giả lời ngỏ chưa dám trao cho “bạn ấy”. Dẫu mấp máy đôi môi…để rồi “nghẹn tắt giữa chừng”...”Nửa câu thơ rớt…” do đâu? phải chăng bởi môi run…Hay bởi những âm thanh hỗn độn của buổi tan trường lần cuối. Khiến cho ai đó “ngập ngừng…” rồi nín lặng.

Thật nhiều thắc mắc cho hai câu thơ…chưa hết dẫu trong khung cảnh “phức âm”làm cho “nửa câu thơ rớt” mà bên tai vẫn nghe được:

ngoài hiên có tiếng thì thầm

Cố lên...


Khoảnh khắc ba năm gió lùa

Ai thầm thì động viên ai cố lên? Hay là tiếng lòng tự nhủ mình “cố lên…” chẳng biết sự cố gắng ấy tới đâu? Có nửa câu thơ rồi không giữ nổi lại để rớt mất…bây giờ cố sao đây?...

Mười năm trôi đi để giờ hối tiếc chăng…một “khoảnh khắc” “run môi” hay “nghẹn tắt”..hoặc giả do ngập ngừng để cho “ba năm gió lùa”…bay mất, Hương học trò còn. Vậy phải chăng bay mất “nửa câu thơ”.

chạm hồn

hoa phượng đong đưa

mùa như dao cắt cho vừa giọng ve

Mười năm bôn ba ấy, cũng là mười mùa hoa phượng nở. Mỗi lần hồn chạm những cánh “ phượng đong đưa” là có một cảm xúc riêng chăng? Động từ “chạm” được tác giả sử dụng thay cho từ nhìn, gặp…khiến cho cảm giác mong manh thêm hụt hẫng…chẳng thể nào gần được mà chỉ có thể chạm thôi, chạm hồn hoa phượng? chạm hồn mùa hạ? hay tâm hồn tác giả chạm vào góc khuất nơi cất giữ những kỷ niệm ngày chia xa mười năm ấy? chỉ tác giả mới có thể trả lời mà thôi..

Mỗi lần Chạm vào “linh hồn mùa hạ” sao không gian, thời gian lại chật hẹp đến vậy? Mùa hạ với nắng mênh mông rưới màu vàng lên vạn vật. Màu trời xanh cao vời vợi hà cớ gì lại thấy “mùa như dao cắt cho vừa” mà sao không vừa cái gì ? mà lại cắt chỉ để “cho vừa giọng ve”…Tiếng ve rộn rã là thế màu phượng rực rỡ là thế. Tác giả ơi! sao để cho hồn thơ trầm lắng và buồn mang mác vậy?

Chưa hết sau cái động từ “chạm” rồi “cắt” bây giờ là “giở” và “nhớ” mà là:


giở thêm nhớ những ngày hè

Miên man hoài niệm thắt the nỗi đời


trường xưa ơi - thầy, bạn ơi!...

Mười năm không quá dài. Nhưng cũng đủ làm cho một cậu học trò ngu ngơ ngày nào thành một chàng lãng tử phiêu dạt theo dòng đời có lẽ đã không êm ả…nay rưng rưng với câu hỏi ngập tràn trong nỗi nhớ : trường xưa có còn nguyên vẹn. Thầy cô bè bạn thì mãi mãi chẳng thể còn đông đủ…

Một mình với dòng hồi ức và “thắt the nỗi đời”. Cuối cùng tác giả chỉ còn có thể cất lên tiếng gọi “trường xưa ơi! - Thầy , bạn ơi!”

Liệu có ai đáp lại tiếng gọi tha thiết này không tác giả ơi! một tiếng gọi cất lên từ trong sâu thẳm đáy lòng… Tiếng gọi ấy như văng vẳng bên tai người đọc là tôi lúc này….

Một bài thơ ngắn, viết theo thể lục bát. Tác giả cố ý ngắt câu xuống dòng theo ý nhấn mạnh điều muốn nói. Mới nhìn cứ tưởng câu thơ bị cắt nát vụn ra. Nhưng không! Nó lại chính là điểm nhấn dẫn dắt người đọc đi qua những “nghẹn tắt”, những nỗi nhớ thương xen lẫn tiếc nuối…Nó là điểm nối tiếp của những cơn sóng xúc cảm trào dâng mà bị ghìm nén lại không nói thành lời. Để rồi bật lên một tiếng gọi “Trường xưa ơi!” rất quen, rất lạ, rất thơ, và nặng trĩu tình.

Và cuối cùng thì có một chút riêng tư gì đó được gửi gắm qua cách viết. Tất cả các chữ đầu dòng tác giả không hề viết hoa theo đúng ngữ pháp. Chỉ duy nhất một cái tên riêng trong lời đề tặng được viết đúng….

Trường Xưa Ơi! Ai cũng có lần cất tiếng gọi như thế!

Với nhà thơ Vũ Miên Thảo. Tôi tin và mong rằng bạn đọc cũng có cùng suy nghĩ đó là Trường Xưa ơi! tiếng gọi thiết tha tình cảm của ông. Đã, đang và sẽ lan toả trong vườn thơ ca đương đại và nó cũng như “hương học trò” mãi còn trong lòng bạn đọc gần xa.

Sài Gòn 7/6/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét