Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Nỗi Niềm Thị Nở Của Nhà Thơ Quang Huy



Ngày mà tôi bước vào tuổi cập kê cũng là lúc trái tim biết rung lên những nhịp đập khác thường khi đối diện với người khác giới. Thời gian ấy tôi không được tiếp xúc với nền văn học lãng mạn. Mãi tới khi 19 tuổi tôi lần đầu mới được đọc những tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Nhưng cũng chỉ là những bản chép tay chuyền nhau hiếm hoi.

Không biết bạn bè tôi thì sao? Riêng tôi đã chết mê chết mệt,anh Chàng Dũng một người đàn ông sống có lý tưởng, có trách nhiệm với tình yêu cao cả: Tình yêu tổ quốc, tình yêu gia đình, bên cạnh mối tình sóng gió với cô gái tên Loan trong tác phẩm Đoạn Tuyệt của Nhất Linh.

Giờ đây lý giải cho cái suy nghĩ lãng mạn của tôi ngày ấy. Không gì khác hơn là do đang tuổi mộng mơ, mà suốt ngày cặm cụi học: Chí Phèo, Tắt Đèn…. Nhưng từ sâu thẳm trong tôi lúc đó còn có thêm những trăn trở về vài cuộc tình trong văn học sử mà những lúc học ở trường, ít khi thầy cô giảng về tình yêu của những nhân vật ấy.

Nổi bật trong số đó là cuộc tình của Thị Nở và Chí Phèo. Trong tác phẩm Chí Phèo của cố nhà văn Nam cao.

Chí Phèo xuất hiện trong dòng văn học hiện thực phê phán năm 1941. Trong bối cảnh xã hội lúc ấy và cho đến mãi sau này. Mỗi khi có dịp nhắc đến nhân vật Chí Phèo thì từ già tới trẻ đều nói :Chí Phèo là tên nát rượu, chuyên rạch mặt ăn vạ, tứ cố vô thân. Thị Nở may mắn hơn Chí Phèo còn có bà Cô. Nhưng nói đến Thị Nở là ai cũng nghĩ ngay đến một người phụ nữ “ma chê quỷ hờn” vì xấu. Hai con người đại diện cho một tầng lớp những người cùng khổ thời bấy giờ. Họ đã gặp nhau và nảy sinh tình cảm.

Tôi đã nghĩ họ cũng có một tình yêu trong cuộc đời khốn cùng của họ. Niềm tin ấy được củng cố sau khi tôi được đọc bài thơ của nhà thơ Quang Huy viết về nỗi niềm của Thị Nở. Đọc bài thơ ấy tôi tìm thấy sự đồng cảm trong tứ thơ và tôi đã đi đến ý nghĩ muốn đồng hành với nhà thơ Quang Huy với cảm nhận của riêng tôi trong bài thơ:

Nỗi niềm Thị Nở


Người ta cứ bảo dở hơi
Chấp chi miệng thế lắm lời thị phi
Dở hơi là dở hơi gì
Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình


Làng này khối kẻ sợ anh
Rượu be với chiếc mảnh sành cầm tay
Sợ anh chửi đổng suốt ngày
Chỉ mình em biết anh say rất hiền


Anh không nhà cửa bạc tiền
Không ưa luồn cúi, không yên phận nghèo
Cái tên thơ mộng Chí Phèo
Làm em đứt ruột mấy chiều bờ ao


Quần anh ống thấp ống cao
Làm em hồn vía nao nao đêm ngày
Khen cho con tạo khéo tay
Nồi này thì úp vung này chứ sao!


Đêm nay trời ở rất cao
Sương thì đậm quá trăng sao lại nhòa
Người ta... mặc kệ người ta
Chỉ em rất thật đàn bà với anh!


Thôi rồi đắt lắm tiết trinh
Hồn em nhập bát cháo hành ngàn năm.(1992, Quang Huy)

Nhà thơ Quang Huy sử dụng nguyên mẫu hai thân phận đại diện cho tầng lớp bần nông khốn cùng của làng Vũ Đại đó là Chí phèo và Thị Nở của nhà văn Nam Cao trong truyện ngắn Chí Phèo. Nhưng đưa vào thơ ca ông lại nhìn với góc nhìn từ trái tim người phụ nữ đời thường như bao con người khác. Chứ không phải chỉ đơn thuần là một Thị Nở mà dung nhan khiến “ma chê quỷ hờn”.

Mở đầu bài thơ ông viết:

Người ta cứ bảo dở hơi
Chấp chi miệng thế lắm lời thị phi
Dở hơi là dở hơi gì
Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình

Ngôn ngữ ông sử dụng rất bình dị như chính những điều mà ý thơ muốn chuyển tải đến bạn đọc. Từ khi Thị Nở xuất hiện trong văn học sử, bất cứ ai cũng nhìn thị ở khía cạnh người đàn bà xấu không có bút mực nào tả nổi. Nhà thơ không hề nhắc tới khía cạnh này, có lẽ ông chỉ muốn nói đến nội tâm của Thị. Người đời gọi Thị, bảo Thị là đồ “dở hơi”, Thị đâu có chấp. Bởi dẫu Thị thuộc hạng người “bần cùng” cũng vẫn hiểu rằng trong đời sống “lắm lời thị phi” mà đã là thị phi thì : “chấp chi”. Khi đã không chấp những lời thị phi thì đương nhiên Thị vui sống.Mặc chung quanh nghĩ gì? nói gì?

Nhưng sự tài tình của nhà thơ ở chỗ: Khi viết lời trả treo của chính Thị Nở kìa : “Dở hơi là dở hơi gì. Váy em sắn lệch nhiều khi cũng tình”. Thị Nở nhận mình trong bộ dạng váy sống “sắn lệch”, nhan sắc thì như người ta nói “ma chê quỷ hờn” nhưng vẫn thấy “Cũng tình”. Có lẽ Thị chỉ nhận ra nó từ đêm trăng trong vườn chuối Thị đang “nằm ngủ há hốc mồm ra” , nhưng Lại gặp được anh Chí Phèo….

Nhà thơ Quang Huy đã khắc họa ra một Nỗi Niềm Thị Nở mà không cần phải nói một câu nào về nhan sắc của Thị. Thị đã có “tình” bởi trong trái tim Thị giờ đây đã có bóng dáng một người. Mà người ấy theo Thị miêu tả thì:
Làng này khối kẻ sợ anh
Rượu be với chiếc mảnh sành cầm tay
Sợ anh chửi đổng suốt ngày
Chỉ mình em biết anh say rất hiền

Vâng, cả làng Vũ Đại ngày ấy, và cả những ai quan tâm tới Nam Cao với Chí Phèo đều biết ,hắn bị người sinh ra hắn bỏ rơi ở cái lò gạch hoang. Được anh bắt lươn nhặt về cho bà mù, bà mù bán hắn cho cha hắn, rồi cha hắn chết. Số phận đưa đẩy hắn tới bóp chân tay cho vợ Bá Kiến….Rồi biến hắn thành tên tù, rồi tên nát rượu. Hình ảnh hắn mỗi khi xuất hiện là tay cầm chai rượu, khi cần..hắn đập chai lấy mảnh rạch mặt ăn vạ….

Ở đây nhà thơ cho Chí Phèo oai phong hơn một chút so với khuôn mẫu. Chí Phèo có “Rượu be” và trên tay luôn có “mảnh sành” … Chí Phèo luôn luôn chửi đổng…. chửi bất kỳ ai! Chí Phèo chửi cả làng… “cả làng ai cũng sợ anh” phải chăng cũng xuất phát từ cái sự say xỉn “chửi đổng” và “mảnh sành” trên tay này chăng”..

Cả làng sợ anh. Chỉ mình Thị là ngoại lệ . Với Thị Nở, Thị đã cảm nhận được bản chất lương thiện trong con người của Chí Phèo nên Thị mới thổ lộ rằng: “ Chỉ mình em biết anh say rất hiền.

Thị Nở không chỉ thấy Chí Phèo rất hiền, mà với Thị thì Chí Phèo nghèo thật. nhưng Chí phèo của Thị thật cao cả, thật khí phách bởi:
Anh không nhà cửa bạc tiền
Không ưa luồn cúi, không yên phận nghèo

Có lẽ vì nhận ra bản chất tốt đẹp của người mà Thị yêu. Nên bây giờ Thị mới bắt đầu trút Nỗi Niềm từ trong gan ruột của Thị ra được tác giả đặt vào khổ thơ tiếp:
Cái tên thơ mộng Chí Phèo
Làm em đứt ruột mấy chiều bờ ao
Quần anh ống thấp ống cao
Làm em hồn vía nao nao đêm ngày

Ai cũng sợ Chí Phèo vậy mà Thị Nở chỉ nghĩ đến cái tên ấy thôi mà đã “đứt ruột mấy chiều bờ ao”. Phải chăng lúc này Chí Phèo đang đi “rạch mặt ăn vạ” ở đâu đó trong làng Vũ Đại. Để cho Thị Nở cô đơn một mình. Nên Thị thơ thẩn bên vườn chuối, bờ ao, là nơi mà Thị hay chốn bà cô ra ngủ và gặp được Chí Phèo từ nhà Tân lãng đi ra cái đêm trăng ấy.

Càng “đứt ruột” thì Thị lại càng nghĩ tới Chí Phèo, bây giờ thì hình ảnh người Thị yêu thương nhớ nhung đã hiển hiện trong trái tim Thị. Dẫu là hình ảnh “quần anh ống thấp ống cao” thì cũng quá đủ để “hồn vía” của Thị “nao nao đêm ngày”. Đúng là khi yêu trái tim luôn có lý lẽ riêng của nó thật. Thị Nở yêu cũng đâu có ngoại lệ.

Và rồi tác giả cũng đã lên tiếng với đôi “trai tài gái sắc” của làng Vũ Đại năm ấy:

Khen cho con tạo khéo tay
Nồi này thì úp vung này chứ sao!

Với hai nhân vật chính “Xứng đôi vừa lứa ” là Thị Nở và Chí Phèo thì có lẽ đây là những giây phút đẹp nhất trong đời của họ.
Đêm nay trời ở rất cao
Sương thì đậm quá trăng sao lại nhòa
Người ta... mặc kệ người ta
Chỉ em rất thật đàn bà với anh!
Thôi rồi đắt lắm tiết trinh
Hồn em nhập bát cháo hành ngàn năm.(1992, Quang Huy)

Một lần nữa Thị Nở rút ruột mà nói ra nỗi lòng của kẻ đang yêu và được yêu. Trời đất cũng ủng hộ cho cuộc “mây mưa” của họ đêm nay “trời ở rất cao” không có gì phải ngại. “Sương thì đậm” sáng ra sẽ tan thành nước giúp phần xóa dấu tích của họ. “Trăng sao lại nhòa” đâu thể nhìn thấy hai người . “ Còn người ta…” ngay lúc đầu Thị đã không ngần ngại mà khẳng khái rằng “chấp chi miệng lưỡi lắm lời thị phi ” thì bây giờ Thị còn sợ gì đâu mà chẳng “…mặc kệ người ta”…Thị khẳng định chắc nịch “Chỉ em rất thật đàn bà với anh”.

Nhà Thơ Quang Huy đã để cho Nỗi Niềm Của Thị Nở kết ở nơi mà hai người gặp nhau, tìm đến nhau theo bản năng của con người. Nơi này cũng chính là xuất phát ra tình yêu của họ, chí ít cũng từ phía Thị Nở. Thị yêu, Thị “nao nao”, Thị thương Chí Phèo tới mức “Đứt ruột”. Và rồi đỉnh điểm của tình yêu chính là sự dâng hiến. Sau đêm nay…Thị đã không còn là con gái nữa, Thị đã trở thành “Đàn bà” người mà “rất thật với anh”. Dẫu Thị từ trong sâu thẳm vẫn nghĩ tới tiết hạnh của người con gái Á Đông đấy chứ! Vẫn biết đến “Tiết trinh đáng giá ngàn vàng” mà cả Thị và Người yêu Chí Phèo của Thị đều “nghèo rớt mồng tơi”. Nhưng có lẽ vì quá yêu nên lỡ trao rồi Thị chỉ còn biết thốt ra hai từ “thôi rồi”. Quả thật hai từ này nhà thơ Quang Huy dùng thật đáng giá, bởi có hai chữ “thôi rồi” bản chất của Thị Nở vẫn còn biết mình đã làm gì…? Và có lẽ cũng vì cái sự giật mình mà thốt ra hai chữ “thôi rồi” này, nên “Hồn em nhập bát cháo hành ngàn năm” hay chăng? Có lẽ thế bởi Chí Phèo ra đời cho tới nay hơn 70 năm, nhưng nói đến Thị Nở thì chưa ai phủ nhận tình cảm mà Thị trao cho Chí Phèo qua bát cháo hành giải cảm vào lúc gần sáng năm ấy! Và có lẽ nó sẽ còn được nhớ tới mãi mãi sau này

Hai chữ “thôi rồi” mà Thị Nở thốt ra ở đây, tôi thấy phảng phất câu thơ cũng chính là nỗi lòng của Thúy Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du :

“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa”

Nếu không có cái “giật mình” này Thúy Kiều cũng chẳng khác gì các cô gái “lầu xanh” khác!

Cám ơn nhà Thơ Quang Huy với bài thơ Nỗi Niềm Thị Nở đã cho tôi có dịp đồng hành với một góc nhìn rất nhân văn của tác giả về hai thân phận con người cùng khổ của xã hội thời phong kiến vào những thập niên đầu của Thế kỷ 20. Dẫu cho họ xấu tới mức nào, nghèo đói ra sao, họ đã phải làm những việc xấu xa “rạch mặt ăn vạ…cuộc đời đã xô đẩy họ đến chỗ cùng đường… Nhưng tình yêu, tình cảm của họ trao cho nhau đáng để ta phải suy ngẫm.

Sài Gòn 19/3/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét