Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016
Cảm Nhận Bài Thơ Điệp Khúc Mùa Hè Của Tác Giả Vy Vy
Tháng năm về cây bàng góc phố đã phủ kín cội bằng những tán lá xanh mướt, như muốn nói với tôi rằng mùa xuân mùa thay lá, cây trơ trụi khẳng khiu đã qua rồi. Đó đây những hồ sen hồng, sen trắng cũng chuẩn bị chào đón mùa hè bằng lớp lớp lá che trở cho những nụ hoa vừa nhô khỏi mặt nước. Mùa hè đã ngấp nghé bên thềm giơ tay gõ cửa…
Mùa hè về khiến cho tâm hồn mỗi người có những bâng khuâng hoài niệm riêng. Tuổi hồn nhiên cắp sách tới trường gần như ai cũng có. Đứng trước sắc đỏ của hoa phượng hẳn ai cũng có chút màu xanh nhung nhớ những rung động đầu đời, nhuộm kín tâm tư, trong khoảnh khắc giao mùa tháng tư…
Mùa hè mỗi năm như đã hẹn dẫu không mong không chờ chẳng đợi thì nó vẫn đến. Có lẽ cũng với tâm trạng như vậy tác giả Vy Vy đã viết Điệp Khúc Mùa Hè:
Áo trắng hồn nhiên tha thướt bay
Mái trường rêu phủ dưới vòng cây
Chim non ríu rít đùa trong nắng
Tiếng trẻ rộn ràng quanh quẩn đây
Cắm cúi đầu xanh vui tiết học
Mài miệt quên đi những nhọc nhằn
Hoa phượng thay lần bao lớp áo
Giật mình đỏ thắm trở nên xanh.
Tay run nét chữ mòn trang giấy
Lác đác buồn rơi, bụi phấn dày
Tóc ngã nâu vàng rồi trắng bạc
Qua thời vụng dại tuổi thơ ngây.
Búp măng lướt ngọn tre già rũ
Cành lá đong đưa, đổ đong chiều
Góc kính xa nhìn, bao lớp trẻ
Bờ môi mằn mặn nỗi niềm yêu.(Vy Vy)
Điệp khúc mùa hè với bốn khổ thơ được tác giả viết theo thể thơ tự do. mỗi khổ thơ mang một nỗi hoài niệm, một tâm tư của tác giả, những thông điệp gợi nhớ ấy cứ lặp đi lặp lại như một điệp khúc khi mùa hè đến.
Áo trắng hồn nhiên tha thướt bay
Mái trường rêu phủ dưới vòng cây
Chim non ríu rít đùa trong nắng
Tiếng trẻ rộn ràng quanh quẩn đây
Tác giả với xúc cảm thơ ca thăng hoa khi mùa hè đến, chị đứng trước hoặc giả chị nhớ về “Mái trường rêu phủ dưới vòm cây”. Ngôi trường ấy bây giờ là các nữ sinh “hồn nhiên” và một thời là chị trong những “Tà áo trắng… tha thướt bay”. Ngôi trường ấy có lẽ tác giả không hẳn chỉ là học trò cũ, mà còn đây trong nỗi niềm của một cô giáo với bầy “Chim non ríu rít đùa trong nắng” và nghe như “Tiếng trẻ rộn ràng quanh quẩn đây”. Mùa hè học trò nghỉ rồi, trên những vòm cây kia chỉ có lũ chim nhỏ ríu rít vui đùa. Bởi yêu học trò, nhớ chúng, nên cô thấy như có tiếng nô đùa rộn ràng mà thôi!
Chỉ với bốn câu thơ mà tác giả đã gửi biết bao nhiêu nỗi niềm khi hè về. Thời học trò đã xa, ngôi trường yêu dấu và lớp lớp học sinh thân yêu. Một khổ thơ mở, dẫn ta qua cánh cửa vào Điệp Khúc Mùa Hè thật ấn tượng.
Cắm cúi đầu xanh vui tiết học
Mài miệt quên đi những nhọc nhằn
Hoa phượng thay lần bao lớp áo
Giật mình đỏ thắm trở nên xanh.
Mùa hè chỉ đến sau một năm học miệt mài với cả cô và trò, sau những ngày “cắm cúi đầu xanh” cô ngày trước và cả trò bây giờ đều thấy mình “vui tiết học”. Để “quên đi những nhọc nhằn”. Nghiệp đưa đò của cô còn nhiều lắm những nhọc nhằn, nào đâu chỉ truyền thụ kiến thức, còn cơm áo bao vây khi lương ba cọc ba đồng chưa đủ sống. May mắn ở nơi đô thị còn có thể dạy kèm kiếm thêm thu nhập, xa đô thị, xa trường lớp nhiều khi phải vất vả lao động tay chân, chăn nuôi, chạy chợ mới mong đủ sống…
Thời gian lặng lẽ cứ trôi và những mùa hè vẫn đến nhiều khi nhận thấy thì hè đã vừa qua…để rồi tự hỏi “hoa phượng thay lần bao lớp áo”. Có lẽ không cần câu trả lời cho câu hỏi này nữa, bởi sau câu hỏi cô “giật mình….” Thì “đỏ thắm ..” của sắc hoa đã trở “nên xanh”. Hoa phượng suốt mùa hè khoác trên mình chiếc áo màu đỏ, chẳng hề thay một lần nào cả. Có lẽ sau những “miệt mài vui tiết học”, thì những ngày hè là sự “nhọc nhằn”bao vây, khiến cô không có thời gian mà chiêm ngưỡng nó đấy thôi! Khi giật mình nhìn lên thì chỉ còn những tán lá xanh. Tác giả đã rất tài tình khi chỉ cần một câu hỏi đi trước một cái “giật mình” đã khiến một mùa hoa phượng tươi đẹp đi qua!
Tay run nét chữ mòn trang giấy
Lác đác buồn rơi, bụi phấn dày
Tóc ngã nâu vàng rồi trắng bạc
Qua thời vụng dại tuổi thơ ngây.
Có lẽ đã có nhiều lần “giật mình”như thế đồng nghĩa với điệp khúc “đỏ thắm trở nên xanh” lặp lại nhiều lần,để đến lúc cảm nhận rằng “Tay run nét chữ mòn trang giấy”. Nỗi buồn niềm vui xen lẫn … chỉ có “lác đác buồn rơi” thôi mà đã khiến “bụi phấn dày”. Một “thời vụng dại tuổi thơ ngây” trôi qua mất tự bao giờ. Mái tóc nhung huyền thướt tha thời thanh nữ cũng ngả màu nâu …vàng và giờ đây là bạc…Mùa hè không còn hiện diện nơi điệp khúc này nữa…không còn áo trắng, chim non ríu rít, phượng đỏ tán lá xanh…thay vào đó là hình ảnh đôi bàn tay run…mái tóc đổi màu “trắng bạc”. Tuổi thơ trôi xa lắc vọng buồn…Thời gian trong tứ thơ này đã trôi nhanh, nhưng tác giả còn kịp nhận ra sự biến đổi của mái tóc “ngả nâu” qua vàng rồi mới tới “trắng bạc”.
Búp măng lướt ngọn tre già rũ
Cành lá đong đưa, đổ đong chiều
Góc kính xa nhìn, bao lớp trẻ
Bờ môi mằn mặn nỗi niềm yêu.
Đọc khổ thơ kết này tôi đã dừng lại rất lâu. Có lẽ tác giả cũng đã trăn trở rất nhiều khi viết tứ thơ này thì phải! Một Điệp Khúc Mùa Hè không có cảnh sắc hè, không có âm thanh rộn rã như vẫn thường thấy…chỉ có thời gian vùn vụt trôi nhanh đến mức vừa mới thấy “búp măng” đó, chỉ một động từ nhẹ “lướt” mà đã là “ngọn tre già rũ”. Phải chăng điều câu thơ muốn nói chỉ có vậy? Có thể còn ẩn ý nữa bởi với nỗi lòng một cô giáo tuổi về chiều hẳn còn có “tre già măng mọc” trong đây?
Qui luật của cuộc sống mà, măng non mọc, lớn lên, rèn giũa tôi luyện rồi mới trưởng thành. “Ngọn tre già rũ” thì bên nó đã chở che nâng niu nuôi dưỡng rất nhiều lớp lớp măng non rồi!
“Ngọn tre già” hôm nay trước mùa hè đang tới ngoài song, trải lòng mình theo ngọn gió đang “đong đưa” những “cành lá” và tự “Đổ đong chiều”,qua “góc kính..” Với xúc cảm ùa về đến nỗi “bờ môi mằn mặn”….chị có thể nào đong đổ chiều được không? Khi chính lúc này chị cũng chẳng thể đếm đong được bao nhiêu lớp trẻ đã qua trên những chuyến đò chị cầm lái…
Vâng có lẽ chỉ có “nỗi niềm yêu” mằn mặn” kia ngay lúc này là ta đong đếm được, trong đó còn có cả sự ngọt ngào của ký ức tuổi thơ, dưới mái trường “rêu phủ” thướt tha tà áo trắng. Rộn ràng với tiếng nô đùa của học trò. với những “Cắm cúi đầu xanh vui tiết học..” có vị đắng của “nhọc nhằn” một thủa. Như có sương khói giăng đầy mắt bởi “lớp lớp buồn rơi” theo bụi phấn. Để đến lúc nhận ra ta đã bỏ quên màu hoa “như màu máu con tim”tàn phai tự bao giờ? Rồi tự hỏi hay chúng đã thay màu áo ?….Trong “nỗi niềm yêu” hôm nay hẳn chị có vị cay dịu nhẹ ghi dấu ấn nghiệt ngã của thời gian nhuộm màu trên mái tóc….
Tất cả, tất cả được tác giả Vy Vy khéo léo chắt lọc ngôn từ gửi gắm nỗi niềm bằng bút pháp tài tình để dệt nên một Điệp Khúc Mùa Hè mang nhiều khúc hoài niệm dạt dào tình cảm và gợi nhớ… Khiến cho tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc khác nữa đã nao nao khi đọc Và thấy như có mÌnh trong Điệp Khúc Mùa Hè của chị!
Sài Gòn 19/5/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét