Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016
Huỳnh Xuân Sơn với cảm nhận bài thơ Đời Lá của tác giả Trần Minh Lê
Tôi biết đến tác giả Trần Minh Lê thời gian gần đây và đã đọc rất nhiều tác phẩm của anh. Đề tài được anh viết hầu như là thơ tình….
Thật bất ngờ hôm nay tôi gặp bài thơ Đời Lá dẫu đã coi tên tác giả…mà vẫn phải xem lại. Một bài thơ khác hoàn toàn với một Trần Minh Lê. Từ tình thơ, ý thơ, câu chữ hoàn toàn thay đổi. Thơ mênh mang ý, hồn phiêu du theo câu chữ và chuyên chở một khối tình nặng trĩu. Bố cục chặt chẽ xuyên suốt toàn bài là sợi dây tình cảm kéo người đọc cuốn theo:
Đời Lá
Lá nhìn vào khoảng trống rộng mênh mang
Nơi chất chứa bao buồn vui sướng khổ
Lá gần trọn một đời hoa cây cỏ
Chỉ còn sót chút sắc vàng chiều nay
.
Mà đảo chao giữa trời đất vần xoay
Dốc nhân gian chạm chân ngày vào tối
Định mệnh đời càn khôn ai dời đổi
Vẫn reo gió thèm vương nắng dư dôi
.
Đời lá trải mưa nắng bao mùa trôi
Đủ gánh đời với mầm xanh thành lá
Thời gian đắp vận đổi rời chẳng lạ
Run trên cành mà cười với chồi non
.
Trọn kiếp rồi giờ ngồi đếm héo hon
Trong nắng đời chiều nay đang vụn nát
Mảng nối tình trong lòng ta phiêu dạt
Thương lá vàng đang khắc khoải hồn đau
.
Trong lòng ta héo hắt nỗi khổ sầu
Hồn se sắt hận đơn côi xanh nụ
Lá vàng ơi chiều rời đừng ủ rũ
Bao mầm cây còn đón nắng ngoài kia -
-
Viết cho mẹ -(Trần Minh Lê)
Tôi đã đọc được ở đâu đó đại ý là: muốn hiểu một tác phẩm trước hết phải hiểu về tác giả, cùng hoàn cảnh ra đời của tác phẩm đó…với Đời Lá tôi chưa biết gì về tác giả, nhưng thông qua những lời sẻ chia của bạn bè anh. Tôi được biết tác giả đã bước sang bên kia sườn dốc của cuộc đời…rớt xuống vực đôi lần rồi lại tự tìm cách trèo lên…sau những lần va đập đến xác xơ ấy, tác giả hiện đã ổn định và có lẽ là đang “đơn côi xanh nụ”.
Thế rồi khoảng hơn một tuần nay, người mẹ già đã “chót cành chiếc lá vàng đu” bỗng nhiên bị bệnh hiểm nghèo…Tác giả vào bệnh viện nuôi mẹ…tình mẫu tử thiêng liêng, là khởi nguồn cho tiếng nấc nghẹn trong tim, bật lên thành những câu thơ tràn đầy tình cảm. Nhưng theo một nhịp thơ trầm trầm khắc khoải…
Lá nhìn vào khoảng trống rộng mênh mang
Nơi chất chứa bao buồn vui sướng khổ
Lá gần trọn một đời hoa cây cỏ
Chỉ còn sót chút sắc vàng chiều nay
Thật cảm động khi tác giả mượn hình ảnh chiếc lá để thay cho đại từ nhân xưng Mẹ. Vâng đời Lá đã gần trọn vòng đời dẫu là kiếp cỏ cây…Cuộc đời của lá đã trải qua “bao buồn vui sướng khổ”..”Chỉ còn một chút sắc vàng…” nhìn một “khoảng trống”. Mà khoảng trống này lại “rộng đến mênh mang”…Lá nhìn gì? Lá muốn tìm gì? Trong khoảng trống ấy! tác giả liệu có giúp được gì cho Lá hay không?
Mà đảo chao giữa trời đất vần xoay
Dốc nhân gian chạm chân ngày vào tối
Định mệnh đời càn khôn ai dời đổi
Vẫn reo gió thèm vương nắng dư dôi
Vậy đấy! cả một đời lam lũ, tảo tần. Cho đến lúc chỉ còn chút sắc vàng mà vẫn phải “đảo chao giữa trời đất vần xoay”.
Vẫn biết để đến được chân “dốc nhân gian”..hay là khoảnh khắc giao thoa giữa chiều và tối. Đã là cả một chặng dài vất vả mà con đường ấy không thể biết trước, không thể rời đổi. Tất cả đã được định đoạt bởi Số trời đã định.
Nhưng vẫn “thèm vương nắng dư dôi”. Một khổ thơ mang tính triết lý của nhà Phật. Mang mang nỗi niềm như khát khao, như cam phận và rất thơ rất tình qua những từ như “chao đảo”, chạm. dời đổi, thèm, dư dôi…khiến cho khổ thơ cũng muốn chao đảo theo nỗi niềm tác giả…
Sau khi không đành, nhưng vẫn phải cam phận…bởi biết chẳng thể dời đổi. Tác giả có lẽ đã ngồi nhìn mẹ già héo hắt rất lâu anh mới có thể cảm nhận được…
Đời lá trải mưa nắng bao mùa trôi
Đủ gánh đời với mầm xanh thành lá
Thời gian đắp vận đổi rời chẳng lạ
Run trên cành mà cười với chồi non
Với tuổi đời của Lá xấp xỉ tám mươi. Biết bao nhiêu vất vả, khổ cực của thời cuộc…Đời Lá đã kinh qua hai cuộc chiến tranh ác liệt. Những năm toàn quốc kháng chiến “tất cả cho tiền tuyến”vậy hậu phương còn lại những gì?
Rồi những năm thời bao cấp khốn khổ thiếu ăn thiếu mặc…khó khổ chung với cái khó khổ của cả dân tộc. làm sao đời lá sung sướng được..
Đôi vai gầy guộc nằm thiêm thiếp trên giường bệnh kia , một thời dọc ngang, lặn lội, gánh vác, nuôi một bầy mầm non từ lúc cựa mình tách vỏ nay thành lá xanh. Trong đó có tác giả của chúng ta.
Lá biết, tác giả biết và có lẽ cũng nhiều người biết và đành chịu “Mẹ già như chuối chín cây…” nhưng sao đọc câu thơ “Thời gian đắp vận đổi dời chẳng lạ” vẫn cứ xót xa, vẫn cứ mặn đắng trong lòng.
Đặc biệt là câu thơ “Run trên cành mà cười với chồi non”. Một hình ảnh cảm động vô cùng, nghệ thuật thơ ca có lẽ trong hoàn cảnh này chưa có câu thơ nào hay hơn thế mà tôi từng được đọc. Hình ảnh chiếc lá vàng lay lắt trước gió vẫn lạc quan nở nụ cười nhìn những chiếc lá xanh, lá non, mầm cây vừa nhú…
Một sự ví von tuyệt vời, khi hình ảnh chiếc Lá Vàng ấy, cũng chính là những người phụ nữ như mẹ của tác giả và biết bao bà mẹ Việt Nam khác…”cha mẹ thương con biển trời lai láng…” Bản chất của người phụ nữ Á đông là như vậy. Cả cuộc đời chỉ biết hy sinh cho chồng cho con và cho cháu…
Để rồi:
Trọn kiếp rồi giờ ngồi đếm héo hon
Trong nắng đời chiều nay đang vụn nát
Mảng nối tình trong lòng ta phiêu dạt
Thương lá vàng đang khắc khoải hồn đau
Đâu chỉ tác giả với “mảng tình nối…”Đâu chỉ có ruột rà thân thích của Lá mới “Thương Lá vàng đang khắc khoải lòng đau”. Hàng trăm bạn bè với những lời cầu nguyện sẻ chia với tác giả là minh chứng cho điều ấy…Trong khi đời của Lá đang trôi về cuối chiều…và có nguy cơ “vụn nát”. Thì chẳng có nỗi đau nào bằng nỗi đau của những người con phải chứng kiến….
Trong lòng ta héo hắt nỗi khổ sầu
Hồn se sắt hận đơn côi xanh nụ
Lá vàng ơi chiều rời đừng ủ rũ
Bao mầm cây còn đón nắng ngoài kia –
Khổ kết cũng chính là cái nấc của tiếng khóc trong lòng bật lên.
Tác giả ơi !“Đơn côi xanh nụ”cũng là do “dốc nhân gian” đã định đoạt cơ mà...
Thật xót xa khi nghe từ trong sâu thẳm đáy lòng người con cất lên tiếng kêu bi thương “Lá vàng ơi! chiều rời đừng ủ rũ./ Bao mầm cây còn đón nắng ngoài kia”.
Tới đây tác giả đã trả lại danh phận cho Đời Lá rằng :
Viết cho mẹ
Phải chăng dẫu trong lòng "héo hắt nỗi khổ sầu". Và hận cuộc đời đã để cho con phải ở thế "đơn côi xanh nụ"...Nhưng phía trước kia đường đời còn dài rộng để con đi...Con phải gắng gượng thôi. Phải vượt qua thôi. Phải chăng ở cặp câu kết còn muốn nhắn nhủ với mẹ rằng...Lớp lớp con cháu của mẹ như "những mầm cây còn đón nắng..." Lá vàng trước gió lắt lay hôm nay cũng là điểm tựa cho những mầm non nối tiếp, hết thế hệ này đến thế hệ khác...
Sau tiếng nấc bi thương ấy! cùng với tất cả tấm lòng của những người con như tác giả Trần Minh Lê và rất nhiều người thân và bạn bè chia sẻ.
Ở Đời Lá tác giả rất thành công về bút pháp trong thơ. Không một chữ yêu, chỉ một chữ thương bên những cụm từ như: Lá nhìn… Đời chao đảo…Còn sót chút sắc vàng….Trải nắng mưa…Lá gánh đời…Lá run… Đừng ủ rũ, thêm vài từ héo hắt, se sắt …khổ đau, đặc biệt là hai từ vụn nát.
Khiến người đọc như tôi và có lẽ sẽ có thêm nhiều bạn đọc khác nữa có cảm nhận:bài thơ là một khối yêu thương gắn kết bởi tình mẫu tử thiêng liêng. Ai cũng thấy, ai cũng có và ai cũng biết. Nhưng không phải ai cũng viết được một Đời Lá như tác giả Trần Minh Lê.
Cầu mong sao điềm lành sẽ đến thêm một ngày là có thêm một tia hy vọng …Tôi xin mượn mấy lời thơ chia sẻ của tác giả Hồ Ngọc Dũng để kết cho bài viết của mình:
Gió lay lắt Lá chưa về cội
Dẫu đã vàng nhưng cuống còn xanh
Đời người lắm lúc mong manh
Qua cơn thập tử vẫn lành đó thôi.
Sài Gòn 8/6/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Huỳnh Xuân Sơn với cảm nhận bài thơ Bến Đợi của tác giả Lê Thanh Bình
Không biết từ bao giờ? Bắt đầu ở đâu? Do ai phát hiện ra? Mà cứ mỗi khi mùa hè về lại có tiếng ve cất lên. Nếu có phải bộn bề công việc mưu sinh hoặc do nơi sinh sống chẳng phân ra ranh giới bốn mùa rõ rệt, thì cứ nghe tiếng râm ran của dàn đồng ca ấy cất lên là biết hạ đã về…
Hạ về! lại là khởi nguồn cho bao hoài niệm của thời tuổi hồng. Mỗi tuổi mỗi hoài niệm khác nhau. Hình như không ai giống ai cả…
Mùa hạ cũng là khởi nguồn cho cảm xúc thơ ca dâng trào… Thơ về mùa hạ thì nhiều vô kể như lớp lớp sóng trên sông. Không con sóng nào, giống con sóng nào cả… Và Bến Đợi của tác giả Lê Thanh Bình là một con sóng đặc biệt trên dòng sông thơ mùa hạ đang trôi.
Bến Đợi
(Tặng Một Người)
Tiếng ve thao thiết gọi hè
Khiến người day dứt lời thề... bến xưa
Con sông ngày đứng tiễn đưa
Nửa bên nắng, nửa bên mưa rối bời...
Người đi như cánh chim trời
Để người ở lại bời bời ngóng trông
Dặn nhau giấu nhớ vào trong
Mà sao lại cứ mỏi mong thành lời...
Lời yêu ai thả cuối trời
Để ve khản tiếng ca bài hạ sang
Chia phôi cắt nửa vầng trăng
Ai đo nỗi nhớ thử bằng bao nhiêu???
Lê Thanh Bình
Bài thơ với lời đề tựa “Tặng một người”. Mạch thơ như một tiếng lòng kìm nén lâu năm nay bật lên… Một chủ đề cũ, một thể thơ cổ, được tác giả viết về một hoàn cảnh ra đời không mới (chia tay, đợi chờ, mong nhớ) Nhưng để chuyên chở được những cái cũ, tưởng như đã rất cũ ấy lại là những ngôn từ mới, những ý thơ mới trẻ trung và khác lạ.. mang dấu ấn riêng của người cầm bút rất riêng biệt.
Tiếng ve thao thiết gọi hè
Khiến người day dứt lời thề… bến xưa
Con sông ngày đứng tiễn đưa
Nửa bên nắng, nửa bên mưa rối bời…
Người ta thường cảm nhận tiếng ve rộn rã gọi hè! ở đây tác giả thấy tiếng ve thao thiết như tiếng lòng đang bồi hồi trong “day dứt lời thề…”. Bến xưa có một người, tiễn một người! bến sông ấy ở con sông nào vậy? Suốt dải đất hình chữ S chẳng có vùng nào có hiện tượng thời tiết "ác" đến vậy… Vậy chỉ có thể đấy là một con sông vô hình ngăn cách dòng tình cảm. Bởi nó chia đôi thành: “Nửa bên nắng, nửa bên mưa”... Bên mưa thì “rối bời”… nhưng còn “bên nắng” thì sao? Hay vì bên mưa rối bời mà không để ý tới bên nắng cũng đang như mối tơ vò đấy thôi!
Một khổ thơ đầy tâm trạng nhưng tràn ý thơ… Tiếng ve thao thiết này liệu có tiên tri như:
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
(Chiếc Lá Đầu Tiên- Hoàng Nhuận Cầm)…
Tiếng ve và hai nửa bên mưa, bên nắng ra sao? Ta đành phải nhờ tác giả trả lời để cùng đi tiếp
Người đi như cánh chim trời
Để người ở lại bời bời ngóng trông
Dặn nhau giấu nhớ vào trong
Mà sao lại cứ mỏi mong thành lời…
Có lẽ bên nắng đã là “người đi…” mà đi mải miết như “cánh chim trời”. Không hẹn ngày trở lại và chắc cũng chưa một lần trở lại Bến Xưa…
Bên mưa ở lại… nhạt nhoà… dõi mắt “ngóng trông”, mà trong lòng thì “bời bời” nỗi nhớ! Biết là chẳng thể quên đồng nghĩa với nhớ ùa về… Biết là đã mắt nói với mắt, lòng dặn với lòng. Hai trái tim nói với nhau “giấu nhớ vào trong”. Dặn thì dặn thế… Nhưng biết giấu đi đâu? Nơi nào đồng loã cho cất giấu nỗi nhớ? lại không có ai chỉ đường dẫn lối cho biết. Có khi càng muốn giấu, lại chính là không thể giấu được, cho nên: “Mà sao lại cứ mỏi mong thành lời”…
Hai câu thơ này cũng chính là hai tia sáng lấp lánh nhất làm điểm nhấn trong bài thơ!
Ngày trước nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng có những nỗi nhớ rất đặc biệt
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường nhớ lớp nhớ tên tôi
(Chiếc Lá Bên Thềm)
Có nỗi nhớ nào trong số nỗi nhớ của thơ Hoàng Nhuận Cầm ở trên đây, là nỗi nhớ mà hai nửa bên mưa, bên nắng dặn nhau “giấu nhớ vào trong” không?.. Điều này có lẽ chỉ có tác giả và “một người” được tặng bài thơ này mới trả lời được…
Căn nguyên dẫn đến nỗi nhớ mong mỏi phải bật lên bài thơ này đã phần nào lộ diện qua khổ kết:
Lời yêu ai thả cuối trời
Để ve khản tiếng ca bài hạ sang
Chia phôi cắt nửa vầng trăng
Ai đo nỗi nhớ thử bằng bao nhiêu???
Chỉ vì một lời yêu, nào có phải dành cho mình đã đành! Ai là ai? Mưa hay nắng? Mà đang tâm đành đoạn mang “thả cuối trời”! Để rồi mỗi khi hạ về bằng lăng tím nở bên đường… bầy ve rộn ràng ca hát chào cái nắng nồng mùa hạ… đẹp là thế, sống động vui tươi là thế… mà để ai kia bồi hồi thổn thức mà ngỡ chúng “khản tiếng”.
Hạ sang, nỗi nhớ ùa về ngổn ngang… Ai nỡ cắt đi một nửa vầng trăng? phải chăng là “nửa bên nắng” bay đi như cánh chim trời mang theo cả lời yêu “thả cuối trời” xa tít… Nửa bên mưa ở lại… ngóng chờ, mong nhớ để rồi năm tháng lạnh lùng trôi qua… Tóc đã phai màu nắng, mây tím hoàng hôn đang buông rất gần… Chẳng thể đong đếm được kể từ buổi tiễn đưa “rối bời” ấy. Mỗi bên đã giấu được bao nhiêu nỗi “nhớ vào trong”… Biết bao nhiêu lần thao thiết nhớ thương thả hồn theo những âm thanh gọi mùa sang… nghèn nghẹn… Nén lòng… để rồi bật lên tiếng than! Không… hình như là câu hỏi! mà có lẽ là một sự đánh đố “Ai đo nỗi nhớ thử bằng bao nhiêu???”.
Ba dấu hỏi mà tác giả đặt ở cuối bài cùng câu thơ ấy. Tôi thấy lấp lánh viên đá quý chứa đựng trong nó chiều dài của nỗi nhớ mong, chiều rộng của nỗi nhớ thương, có sức nặng của chữ tình…
Một Bến Xưa ngọt ngào không hề xưa cũ chính là Bến Đợi mà tác giả mong “tặng một người”…
Tôi xin mượn một đoạn ca từ trong ca khúc Tình Nhớ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để kết cho bài viết này và cũng là một lời chia sẻ gửi tới “nửa bên mưa” Của tác giả Lê Thanh Bình.
Tình ngỡ đã quên đi. Như lòng cố lạnh lùng. Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang… Tình ngỡ đã phôi pha. Nhưng tình vẫn còn đầy. Người ngỡ đã đi xa. Nhưng người vẫn quanh đây ….
(Tình Nhớ- Trịnh Công Sơn)
Sài Gòn 9/6/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Mưa Gặp Nhau Của Tác Giả Lê Thị Bạch Huệ
Sài Gòn đã cuối mùa mưa. Những cơn mưa đến có thưa hơn nhưng lại lâu hơn. Hôm nay mưa cũng đang rớt với một màu xám ngắt qua khung cửa, nước tuôn xuống xối xả, thêm những cơn gió vô tình hắt văng chúng vô tấm cửa kính. Từng dòng nước mỏng manh, bám víu một cách vô vọng vào mặt kính vô tâm, trơn tuột, trôi xuống trong tuyệt vọng…
Với khung cảnh như vậy ngay trước mắt tôi lại là bài thơ Mưa Gặp Nhau của tác giả Lê Thị Bạch Huệ
MƯA GẶP NHAU
Mưa hôm nay rất lạnh !
Con cuộn mình trong chăn
Thèm hơi ấm thương yêu từ mẹ
Thèm giấc ngủ êm trong những buổi trưa hè !
Mưa tí tách rơi đều
Như tiếng thì thầm ai đó
Rất êm và rất khẽ
Như lời yêu đầu anh đã nói cùng em
Mưa như than thở với đêm
Thương nhớ lắm ,không tài nào chợp mắt
Tiếng côn trùng rả rích
Lạnh buốt lòng , đêm tối mịt mùng buông !
Mưa trắng xóa khung trời ngày tháng cũ
Chỉ hai mình lặng lẽ đứng dưới mưa
Tà áo bay quấn đời đôi ta lại
Mưa hạt dày , sao áo quá mỏng manh !
Mong ước .....Chức Nữ gặp Ngưu Lang
Dù chỉ trong mưa ngâu tháng bảy
Anh với em cũng vậy
Mưa xa nhau ..... mưa lại gặp nhau !.(Lê Bạch Huệ)
Bài thơ cuốn hút tôi ngay từ cái tên bài thơ.Mưa Gặp Nhau….Mưa sao lại gặp nhau nhỉ?Chẳng lẽ có tới hai cơn mưa? Chắc hẳn tác giả có ẩn ý gì giấu sau Mưa đây, nghĩ vậy nên tôi tò mò khám phá
Mưa hôm nay rất lạnh !
Con cuộn mình trong chăn
Thèm hơi ấm thương yêu từ mẹ
Thèm giấc ngủ êm trong những buổi trưa hè !
Ồ tác giả giống mình khi ngồi ngắm mưa.. . mưa cho ta ngược dòng hồi ức…mưa cuối mùa mang theo hơi lạnh.Mang theo nỗi nhớ tuổi thơ trong vòng tay ấm áp của mẹ.Một ao ước rất bình dị, rất trẻ thơ. Hai từ Thèm ở hai đầu câu thơ cuối khổ càng làm tăng thêm ý nghĩ trong veo như trẻ thơ của tác giả đã bước vô tuổi lục tuần.Tôi đã muốn thử thay hai từ Thèm bằng nhớ, bằng muốn, nhưng đều khiên cưỡng. Để rồi tôi thấy từ Thèm tác giả dùng mới đắt giá làm sao!
Bài thơ vẫn cuốn hút tôi theo:
Mưa tí tách rơi đều
Như tiếng thì thầm ai đó
Rất êm và rất khẽ
Như lời yêu đầu anh đã nói cùng em
ôi đã gặp ở khổ thơ này chút êm ái, chút mơ mộng của thuở đầu đời mới biết rung động trước tình yêu..nhưng tình yêu êm dịu đều đều như mưa rơi tí tách,sẽ dẫn tới
Mưa như than thở với đêm
Thương nhớ lắm ,không tài nào chợp mắt
Tiếng côn trùng rả rích
Lạnh buốt lòng , đêm tối mịt mùng buông
Vậy là mối tình ấy giờ đây trong mưa chỉ còn lại nỗi lòng của người cô quạnh .thả tâm hồn theo tiếng côn trùng rả rich. Ôm nỗi nhớ thương và trước mặt là bức mành tối.
Mưa trắng xóa khung trời ngày tháng cũ
Chỉ hai mình lặng lẽ đứng dưới mưa
Tà áo bay quấn đời đôi ta lại
Mưa hạt dày , sao áo quá mỏng manh !
Tới đây tôi phải dừng lại…dừng lại bởi xót đau cho những Hạt Mưa Dày…
Trong mịt mùng đêm tối tác giả muốn nhờ mưa rửa đi mọi kỷ niệm buồn của “…ngày tháng cũ”
Với hình ảnh “Hai người lặng lẽ đứng dưới mưa”…và với một Tà áo bay…..mà dùng để” quấn đời đôi ta lại”…thì làm sao quấn được đây? Bởi Mưa thì Hạt Dày còn Áo thì lại “Quá mỏng manh”.thì có lẽ sẽ là kết cục buồn…
Tác giả đã rất khéo léo và sâu sắc khi dùng “Tà áo bay….”,nhưng tà áo này lại “quá mỏng manh”, để làm hình ảnh thay thế cho một người đã quay lưng và bước đi xa dần… xa dần…Còn hạt mưa thì ở lại là tất yếu, bởi “áo quá mỏng” thì sao giữ được những hạt mưa dàyTôi liên tưởng tới một người thì mang một tình yêu sâu nặng, trao cho một kẻ hờ hững và vô tâm.Giống như hình ảnh tấm kính cửa trước nhà tôi kia, để cho mưa rửa trôi mọi vết bụi bẩm bám vô mình….Mình thì sạch sẽ đứng đó, mặc nước trôi đi đâu về đâu….
Và cuối cùng thì cũng vẫn là phép ẩn dụ được tác giả sử dụng vào khổ kết của bài thơ.
Mong ước .....Chức Nữ gặp Ngưu Lang
Dù chỉ trong mưa ngâu tháng bảy.
Phụ nữ là vậy..bị phụ bạc ,bị bỏ rơi nhưng vì tình yêu họ vẫn nuôi hy vọng trong mình làm niềm tin để sống..để chờ đón ngày mai dù là mong manh, và có thể chỉ là ảo tưởng…
Nhưng đây cũng là niềm mơ ước của bất cứ ai đã yêu, đã phải chia xa và còn lưu giữ trong mình tình yêu ấy .Ở đây tác giả cũng không ngoại lệ:
Anh với em cũng vậy
Mưa xa nhau ..... mưa lại gặp nhau !
Vâng với cái kết như vậy .Tôi cũng rất đồng tình với chị .
Cám ơn tác giả.Cám ơn bài thơ Mưa Gặp Nhau .Đã gợi lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm- dẫu vui buồn-…Trong một chiều mưa rả rích…và chỉ có một mình.
Đôi dòng cảm nhận và đồng hành cùng bài thơ.Có thể tôi chưa cảm nhận được hết cái ý,cái tình và hơn hết là cái hồn của bài thơ mà tác giả muốn gửi gắm… Nhưng vì tôi đã tìm thấy mình trong đó và tôi đã viết bằng tất cả tình cảm của một bạn đọc yêu thơ, giành tặng cho một bài thơ mà mình đồng cảm và yêu thích!
Sài Gòn 7/10/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Cảm Nhận Bài Thơ Em Vẫn Là Em Của Tác Giả Lê Thị Bạch Huệ
Sài Gòn đã bước vô mùa nắng, nhưng thi thoảng vẫn còn những cơn mưa bất chợt, lạc lõng,làm cho tiết trời se se lạnh vào buổi chiều và đêm đến . Cái lạnh bất thường nơi đây có lẽ đã góp phần đưa nhiều nỗi niềm, hoài niệm ùa về! nhất là với những người phụ nữ đã và đang ở khúc giao mùa giữa Thu và Đông của đời mình.
Bài thơ Em Vẫn Là Em của tác giả Lê Thị Bạch Huệ chính là một khúc tâm tình hoài niệm như thế.
Em Vẫn Là Em
Em vẫn là em của thời đam mê ấy
Em vẫn là em với lá úa ven đường
Trời mù sương cỏ ướt có vấn vương
Đếm sợi nhớ sợi thương mùa đông đến !
Em vẫn là em chắt chiu nhiều kỷ niệm
Góp nắng vàng đem kết tóc huyền bay
Em vẫn là em bên bến vắng sông dài
Ngồi buồn ngắm dòng đời đang cuộn chảy
Em vẫn là em một lần khờ dại
Chuyện ngày xưa giờ nhắc chỉ thêm buồn
Em vẫn là em với những đoạn đường
Chiều nhạt nắng hai mình ngồi lặng lẽ !
Em vẫn là em vẫn là em nhé !
Dù mai này…. em không phải là em-(Lê Thị bạch Huệ)
Bài thơ được tác giả gửi gắm tình ý vào thể thơ tự do với những câu từ gần gụi, tình cảm không cầu kỳ trau chuốt, nhưng được lựa chọn kỹ lưỡng, sắp xếp theo một giai điệu để chuyên chở cả một khối tình sâu nặng!
Em vẫn là em của thời đam mê ấy
Em vẫn là em với lá úa ven đường
Trời mù sương cỏ ướt có vấn vương
Đếm sợi nhớ sợi thương mùa đông đến !
Như tôi đã nói ngay từ đầu, khi “mùa đông đến” người ta hay hoài niệm! Ở đây, ngay những câu thơ mở đầu này chị đã “đếm sợi nhớ sợi thương…” từ thủa “ đam mê ấy”Thủa ấy là bao lâu để đến bây giờ đã là “lá úa ven đường”?
Tôi đã thấy chị đong đếm kỷ niệm kỹ càng, chứ chẳng phải chỉ là “trời mù sương”, nhìn thấy cảnh “cỏ ướt” đẫm và chị thấy “có vấn vương” trong lòng đâu!
Thật lạ tại sao suốt một giai đoạn dài của một đời người và nhất là lại là phụ nữ nữa, mà chị lại khẳng định đi khẳng định lại rằng “em vẫn là em” nhỉ! chẳng lẽ chị chưa hề có sự thay đổi ư?
Mang theo câu hỏi này ta vào khổ thơ tiếp
Em vẫn là em chắt chiu nhiều kỷ niệm
Góp nắng vàng đem kết tóc huyền bay
Em vẫn là em bên bến vắng sông dài
Ngồi buồn ngắm dòng đời đang cuộn chảy
Tới đây chị nói rõ thêm cái điều khẳng định mình vẫn mãi là mình bởi vì chị đã “chắt chiu nhiều kỷ niệm” xưa nay vẫn vậy. Chung thủy ,dịu hiền chờ đợi một thời “bên bến vắng sông dài”. Thời gian nghiệt ngã đã ghi dấu lên mái tóc nhung huyền xưa, giờ đây đã pha sương. Tôi chợt nghĩ : Chị “góp nắng vàng” bao nhiêu và bao lâu rồi mới “đem kết” thành “tóc huyền bay”.
Ba động từ trong một câu thơ “góp, kết, bay” và chị đảo chỗ đứng động từ “bay” ra sau làm tăng thêm ý nghĩa của câu thơ miêu tả mái tóc không còn đen nhánh như ngày xưa nữa.
Lại thêm một lần chị khẳng định “em vẫn là em” thủa ấy, mặc dù có “buồn” đôi chút, vì “dòng đời vẫn đang cuộn chảy” chứ chưa êm đềm lặng sóng.
Em vẫn là em một lần khờ dại
Chuyện ngày xưa giờ nhắc chỉ thêm buồn
Em vẫn là em với những đoạn đường
Chiều nhạt nắng hai mình ngồi lặng lẽ !
Phải chăng đây là một chút thầm xót cho một cuộc tình thời thơ mộng đã xa? Bốn câu thơ hoài niệm với thật nhiều cảm xúc được chị nhớ lại . Thuở ấy có một “chiều nhạt nắng hai mình ngồi lặng lẽ”. Chị ơi! Có phải tại trời “nhạt nắng” nên cuộc tình xưa phai nhạt. Hay bởi dòng đời chưa êm ả kia, khiến chị đã có quyết định “khờ dại” để bây giờ nhắc lại chuyện xưa “chỉ thêm buồn”.
Và, dù sao đi nữa. Dòng hồi ức vào buổi chiều chớm đông hôm nay cũng được chị kết lại bằng hai câu
Em vẫn là em vẫn là em nhé !
Dù mai này…. em không phải là em !
Chị tha thiết khẳng định rằng Em vẫn là em, nhưng thêm ở đây một sự tự nhủ với lòng mình rằng ‘ vẫn là em nhé !’ nghe sao bùi ngùi xót xa. Chị đã biết là rất khó đây, nhưng tự nhủ lòng hãy cố gắng. Để cho ‘mai này"...
Khi mái tóc pha sương hay là tuyết trắng phủ che đi màu tóc ‘nhung huyền’ ngày ấy... Đám đồi mồi rủ nhau tô điểm làn da mịn màng thời thiếu nữ, Đôi môi Căng mọng ngày nào, không còn thắm sau nghiệt ngã của thời gian.
Dẫu vậy thì trái tim và tình yêu tình cảm vẫn mãi ‘là em’ như ngày xưa, như hôm nay và đến mãi sau này vẫn vậy. Chị muốn gửi thông điệp ấy đi ngay từ lúc mà chị viết khúc tâm tình này. Đây cũng chính là điều chị tự nhủ lòng và cố gắng để chị sẽ làm được điều ấy ! Tôi tin, chị tin và mong bạn hãy cùng tôi chúc cho chị sẽ: Em Vẫn Là Em khi mùa đông của cuộc đời lan đến bao phủ thời xuân sắc của chị... ! Ta vẫn gặp một tâm hồn trong sáng, một trái tim yêu thủy chung dịu dàng nồng nàn tình cảm như thủa đôi mươi, trong nhan sắc của một bà lão phúc hậu.
Sài Gòn 23/12/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016
Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Nơi Thầy Đến Của Tác Giả Lê Thị Bạch Huệ
Dân tộc ta suốt bao đời nay đều có truyền thống hiếu học. mà muốn học thì phải có Thầy truyền thụ cho. Hiểu được tầm quan trọng của người thầy cho nên:Từ xa xưa có lẽ từ ngày có nghề thầy. Thì ông cha ta đã có những câu nói, ca dao, tục ngữ để nhắc nhở con cháu mình phải tôn kính thầy như: “Trọng thầy mới được làm thầy”. Hay “Không thầy đố mày làm lên”. "Một chữ là thầy nửa chữ cũng là thầy” –( Tục Ngữ)
Hay như lời ru sau:
Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy.-(Ca Dao)
Ông cha ta từ bao đời nay đều coi trọng nghề thầy, thậm trí người thầy chỉ đứng sau Vua. “Quân Sư Phụ” tức là Vua tới Thầy rồi mới tới Cha.. Ngày nay thơ văn hiện đại và cách răn dạy con cháu về nghề thầy vẫn vậy. Dẫu rằng xã hội phát triển nhanh và có nhiều hệ lụy kéo theo sự phát triển ấy, nhưng nó chỉ như hạt cát nhỏ trên sa mạc lớn mà thôi. Nghề thầy vẫn luôn luôn được bất kỳ thể chế chính trị nào, bất kỳ quốc gia nào, và bất kể dân tộc nào coi trọng và tôn kính.
Việt Nam ta đã phát triển về tất cả mọi mặt của xã hội rất nhiều. Nhưng vùng sâu vùng xa còn nhiều lắm những ngôi trường nghèo. Vẫn thiếu lắm những giáo viên cắm bản. Tình nguyện về vùng sâu vùng xa, Dẫu đồng bằng thành phố thừa quá nhiều giáo viên. Lòng yêu nghề, mến trẻ, tâm làm thầy đã bị dòng xoáy của cơn lốc thị trường phát triển xoáy bớt, bào mòn đi, trong một bộ phận nhất định những người học nghề thầy ra trường nhưng không làm theo thiên chức người thầy.
Nhưng vẫn còn đây, xung quanh ta, nhiều lắm những người thầy tâm huyết với nghề. Mà người thầy của tác giả Lê Thị Bạch Huệ trong bài thơ Nơi Thầy Đến là một đại diện. Hình ảnh người thầy tâm huyết với nghề dẫu trường lớp còn nghèo xác xơ mà tôi may mắn vừa đọc được sáng nay.
Nơi Thầy Đến
Nơi thầy đến
mái trường chưa có vách
Ngày mưa nhiều gió lạnh thốc vào trong
Nơi thầy đến
sợ có lúc bão giông
Tôn tốc mái , các em ngồi ngơ ngác !
Nơi thầy đến
mùa hè nóng rát
Không quạt trần,chỉ có gió ban trưa
Các em ngồi mồ hôi ướt như mưa
Thèm ly nước, mát lòng khi nắng khát !
Nơi thầy đến
đúng mùa giáp hạt
Không có cơm, khoai vài củ đỡ lòng
Các em đến trường gương mặt sáng trong
Vẫn vui vẻ với bạn bè yêu dấu !
Nơi thầy đến
mùa xuân còn ẩn náu
Tết đến rồi áo em bạc sờn khuy
Luôn hồn nhiên chẳng chút nghĩ ngợi gì
Nhìn đôi mắt…..lòng thầy thương dào dạt !
Nơi thầy đến
để giờ này tóc bạc.
Vẫn còn nguyên tiếng ê a ngày nào
Rồi chợt hiểu vì sao
Nơi thầy đến , thầy thương đến vậy !(Lê Thị Bạch Huệ)
Bài thơ xúc động về Tâm Đức của người thầy một đời vì sự nghiệp đưa đò. Được chị bắt đầu bằng:
Nơi thầy đến
mái trường chưa có vách
Ngày mưa nhiều gió lạnh thốc vào trong
Nơi thầy đến
sợ có lúc bão giông
Tôn tốc mái , các em ngồi ngơ ngác !
Nơi Thầy của tác giả đến. Chỉ với sáu câu thơ ngắn ngủi thôi, nhưng bằng những từ ngữ chắt lọc, đặc biệt là động từ Thốc, chị đã cho thấy một ngôi trường tạm bợ :”Chưa có vách” những ngày mưa thì “Gió lạnh Thốc vào trong”.
Đọc câu thơ này của chị tôi cảm thấy như cơn gió lạnh vô tình ấy đang cứa vào trái tim chị, trái tim Thầy của chị và có lẽ còn thốc vào trong trái tim nhiều rất nhiều người nữa, trong đó có tôi!
Bấy nhiêu đó chưa nói hết được sự tạm bợ của ngôi trường này. Chị miêu tả nó có mái tôn, nhưng cái mái vốn chỉ che được nắng này, nếu có “bão giông” thì các em sẽ “ngồi ngơ ngác” vì “Tôn tốc mái”.
Ngôi trường nơi Thầy chị đến không chỉ có vậy khi mưa dầm gió rét. Thầy giảng dạy với cảnh mùa nắng thì:
Nơi thầy đến
mùa hè nóng rát
Không quạt trần,chỉ có gió ban trưa
Các em ngồi mồ hôi ướt như mưa
Thèm ly nước, mát lòng khi nắng khát !
Có nằm mơ thì học trò và thầy cô ở thành phố với đầy đủ phòng học kiên cố, bảng thông minh, giáo án điện tử và cá biệt còn phòng học máy lạnh nữa, cũng chẳng thể thấy cảnh như Nơi Thầy Đến.
Thầy truyền đạt kiến thức và trò lãnh hội trong không gian phòng học mà “Nóng rát” với cái “gió ban trưa”. “ mồ hôi ướt” đẫm lưng áo” như mưa” là chuyện thường. Vậy mà phải “Thèm một ly nước mát” nghe mới thấy đau lòng làm sao? Quả là gian nan chuyện đi tìm từng con chữ ở những vùng sâu vùng xa như thế này.
Nơi Thầy Đến của tác giả với cơ sở vật chất nghèo nàn, khí hậu thiên nhiên khắc nghiệt là vậy còn cuộc sống của người dân nơi đây và học trò của thầy thì sống như thế nào? Ta sẽ thấy ngay đây thôi khi mà vụ giáp hạt là lúc mà nhà nhà đều phải lo cái ăn chờ vụ mới:
Nơi thầy đến
đúng mùa giáp hạt
Không có cơm, khoai vài củ đỡ lòng
Các em đến trường gương mặt sáng trong
Vẫn vui vẻ với bạn bè yêu dấu !
Vậy đấy! học trò vùng sâu là vậy, dẫu bữa ăn chưa đủ no với “Khoai vài củ” thôi lót lòng khi đói chúng vẫn “đến trường gương mặt sáng trong”. Vẫn nô đùa đâu biết sau lưng chúng là nỗi lòng quặn thắt của người thầy và nỗi lo của cha mẹ chúng. Không biết có bao nhiêu cậu ấm, cô chiêu, đi học xe hơi, xe máy đưa đón đến trường, mà được nghe cha mẹ, hay thầy cô kể cho nghe về các bạn bằng tuổi mình, còn đang sống và học trong môi trường như thế này đây!
Chúng vẫn vô tư, vui vẻ đến trường vì chúng có người thầy hàng ngày chờ đợi tới giờ lên lớp truyền đạt kiến thức cho chúng. Thời gian trôi đi và rồi ngày xuân đến tuổi học trò có lẽ chúng ta ai cũng háo hức chờ đợi tết đến có quần áo mới có bánh trưng có mứt kẹo. Ở thành phố thì mùa xuân về học trò còn có bao nhiêu niềm vui khác nữa. Nhưng ở đây nơi mà Thầy đến thì :
Nơi thầy đến
mùa xuân còn ẩn náu
Tết đến rồi áo em bạc sờn khuy
Luôn hồn nhiên chẳng chút nghĩ ngợi gì
Nhìn đôi mắt…..lòng thầy thương dào dạt !
“Mùa xuân còn ẩn náu”? Chị dùng từ ẩn náu bởi có lẽ chị không nỡ nói rằng không có! Bớt xót xa hơn một chút bởi thực tình thì nơi này quá nghèo cơm không đủ no ai còn nghĩ tới xuân với chả tết nữa. Mặc dù trái đất vẫn từ từ quay, hết đông thì ắt xuân phải đến, chỉ có điều người ta có cảm nhận Xuân đã đến hay không mà thôi! trẻ nhỏ thì “Tết đến rồi áo em bạc sờn khuy”. Khi xuân về tết đã đến rồi. Nhưng chúng vẫn “hồn nhiên” vui tươi chẳng hề có chút buồn trong những ánh mắt trong veo kia. Vâng đúng rồi chị ạ “Lòng vẫn thương dào dạt” không chỉ mình chị thương Thầy chị thương, tôi thương và rất nhiều người nữa thương chúng khi tết đến một manh áo mới cũng không có.
Nơi vùng quê nghèo khó là vậy kham khổ là vậy mà Thầy đã đến đã trụ lại để truyền kiến thức cho học trò tới giờ đây khi:
Nơi thầy đến
để giờ này tóc bạc.
Vẫn còn nguyên tiếng ê a ngày nào
Rồi chợt hiểu vì sao
Nơi thầy đến , thầy thương đến vậy !
Thật cảm động với trái tim người thầy nhiệt huyết yêu nghề yêu trẻ chỉ cần nghe tiếng ê a của chúng thôi là không có gì cản được. Thầy mang hết kiến thức ra giảng dạy cho trò như một người lái đò cần mẫn cả cuộc đời đưa khách qua sông, Con đò tri thức ấy luôn đầy ắp tình thầy trò cho tới hôm nay khi mà thầy:”Giờ này tóc bạc” Thầy vẫn cần mẫn với nghiệp lái đò của mình.
Lời của nhà thơ Thảo Nguyên viết về người Thầy của mình giờ đây cũng rất thích hợp khi ta mang nó tặng cho người Thầy của tác giả Lê Thị Bạch Huệ cùng bài Nơi Thầy Đến.
Tháng năm dầu dãi nắng mưa,
Con đò trí thức thầy đưa bao người.
Qua sông gửi lại nụ cười
Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.
Con đò mộc- mái đầu sương
Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày
khúc sông ấy vẫn còn đây
Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông -(Người đưa đò- Thảo Nguyên)
Ngồi viết đến đây bỗng tôi nhớ tới bài hát Người Thầy Năm Xưa: “Một lời chúc cùng ngàn hoa dâng lên Thầy Cô. Và hạt bụi phấn đừng vội rơi mái tóc bạc phơ, để thầy tôi còn mãi nâng bước chân trẻ thơ….- Nguyễn Văn Chung).
Lời bài hát có lẽ cũng là tấm lòng mà tác giả , tôi và có lẽ là sẽ thêm rất nhiều bạn đọc nữa. Chúng ta cùng chúc cho những người đang theo nghiệp làm Thầy nhưng đang ngày đêm vất vả nơi heo hút truyền đạt kiến thức cho trẻ em nghèo.
Cám ơn tác giả Lê Thị Bạch Huệ với bài thơ Nơi Thầy Đến đã cho tôi có cảm xúc viết bài cảm nhận này. Có thể tôi chưa hiểu hết, hiểu đúng ý của tác giả, nên mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của riêng cá nhân tôi giành tặng cho một bài thơ mà tôi rất thích.
Sài Gòn 4/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Huỳnh Xuân Sơn với cảm nhận bài thơ Trường Xưa Ơi! của nhà thơ Vũ Miên
Mùa hạ đến gọi tâm trí mỗi người trở về một miền hoài niệm khác nhau. Nhưng hầu như ai nhìn hoa phượng khoe sắc đều nhớ thời học trò, nhớ ngày xa trường để rồi “90 ngày qua” gặp lại. Kỷ niệm nhớ nhất và nhớ mãi trong mỗi chúng ta có lẽ là mùa hạ chỉ có chia xa mà sẽ không có tựu trường nữa…đó là mùa của những chú chim vừa đủ lông cánh xa rời tổ ấm yêu thương. Nơi có những thầy cô tận tuỵ làm nghề đưa đò. Hết lớp học trò này lại tới lớp trò khác…Thầy không thể nhớ hết lớp lớp trò ấy. Nhưng trò thì mãi mãi sẽ không quên thầy bởi dân tộc ta vốn giàu truyền thống tôn sư trọng đạo…
Nhà thơ Vũ Miên Thảo đã viết lên một khúc tâm tư về mùa hạ cuối cùng của đời học trò. Với đề tặng “Kính tặng Thầy Mười Hai”…Không phải ngay mùa hạ chia tay đầy lưu luyến ấy. Mà mãi đến mười năm sau kỷ niệm mới bật dậy hoà quyện vào tứ thơ qua tác phẩm:
TRƯỜNG XƯA ƠI!
(Kính tặng Thầy Mười Hai)
xa thầy- xa bạn – xa trường
mười năm, lưu bút còn hương học trò
tháng xưa
ngày ấy mưa to
trăm bờ mi ướt, tơ vò… rưng rưng
run môi
nghẹn tắt giữa chừng
nửa câu thơ rớt, ngập ngừng phức âm
ngoài hiên có tiếng thì thầm
cố lên…
khoảnh khắc ba năm gió lùa
chạm hồn
hoa phượng đong đưa
mùa như dao cắt cho vừa giọng ve
giở thêm nhớ những ngày hè
miên man hoài niệm thắt the nỗi đời!
trường xưa ơi - thầy, bạn ơi!... (VMT 1978 / 15-11-2012)
Bài thơ được tác giả ghi dòng chú thích. viết năm 1978 bỏ quên hơn ba chục năm trong quyển lưu bút ố vàng….
Thật ấn tượng với thời gian lưu lạc của bài thơ, và có lẽ cũng do nỗi niềm mười năm sau ngày ra trường đầy kỷ niệm ấy ông mới sáng tác, mà lại ghi vào quyển lưu bút cũ. Để rồi cũng vào một ngày hạ tóc đã phai, nhưng nỗi nhớ cứ ùa về thúc giục ông mở lưu bút và bắt gặp lại Trường Xưa Ơi!
xa thầy- xa bạn – xa trường
mười năm, lưu bút còn hương học trò
Hai câu thơ mở đầu cũ mà không cũ. Thể thơ lục bát dễ đưa câu thơ bay bổng dìu dặt như nhạc, nhẹ nhàng như mây..nhưng thật khó cho hồn thơ, ý thơ trú ngụ. Ở đây tác giả đã dùng tới ba từ “xa” trong một câu lục, để diễn tả cái sự cách “xa” thì quả là đắt giá…mười năm xa ngôi trường cuối cấp, xa bạn bè, xa thấy cô… với tác giả có lẽ chưa hề xa trong tâm tưởng, bởi khi mở lưu bút ngày chia tay. Tác giả vẫn cảm nhận “hương học trò” còn nguyên vẹn…Một câu bát đầy tính nghệ thuật, chuyên chở tình thơ đầy ắp vị ngọt ngào. “Hương học trò …” mới thực sự là chất xúc tác cho nỗi nhớ. Nhất là khi nó “còn” ở trong “lưu bút” dẫu đã “mười năm” qua đi….
Dòng hồi ức ùa về với tác giả khi ông mở “lưu bút” và bắt gặp “hương học trò”…Làn hương ấy phải chăng bắt nguồn từ:
Tháng xưa...
ngày ấy mưa to
trăm bờ mi ướt, tơ vò… rưng rưng
Những ngày đầu hạ ở vùng đất phương nam nơi chỉ có hai mùa mưa nắng bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa… “Ngày ấy mưa to”. Con mưa đầu hạ? hay mưa từ khoé mắt của các cô tú cậu tú ngày tạm biệt, mà có tới “trăm bờ mi ướt”..lòng ai cũng rối như “tơ vò…” “biết ngày sau có còn gặp lại”.Nào đâu chỉ có “rưng rưng” mà đó đây, nơi hành lang lớp học, dưới tán phượng có ít nhất một người
run môi
nghẹn tắt giữa chừng
nửa câu thơ rớt, ngập ngừng phức âm
Lời chia tay, hay lời hẹn ước đầu đời, hoặc giả lời ngỏ chưa dám trao cho “bạn ấy”. Dẫu mấp máy đôi môi…để rồi “nghẹn tắt giữa chừng”...”Nửa câu thơ rớt…” do đâu? phải chăng bởi môi run…Hay bởi những âm thanh hỗn độn của buổi tan trường lần cuối. Khiến cho ai đó “ngập ngừng…” rồi nín lặng.
Thật nhiều thắc mắc cho hai câu thơ…chưa hết dẫu trong khung cảnh “phức âm”làm cho “nửa câu thơ rớt” mà bên tai vẫn nghe được:
ngoài hiên có tiếng thì thầm
Cố lên...
Khoảnh khắc ba năm gió lùa
Ai thầm thì động viên ai cố lên? Hay là tiếng lòng tự nhủ mình “cố lên…” chẳng biết sự cố gắng ấy tới đâu? Có nửa câu thơ rồi không giữ nổi lại để rớt mất…bây giờ cố sao đây?...
Mười năm trôi đi để giờ hối tiếc chăng…một “khoảnh khắc” “run môi” hay “nghẹn tắt”..hoặc giả do ngập ngừng để cho “ba năm gió lùa”…bay mất, Hương học trò còn. Vậy phải chăng bay mất “nửa câu thơ”.
chạm hồn
hoa phượng đong đưa
mùa như dao cắt cho vừa giọng ve
Mười năm bôn ba ấy, cũng là mười mùa hoa phượng nở. Mỗi lần hồn chạm những cánh “ phượng đong đưa” là có một cảm xúc riêng chăng? Động từ “chạm” được tác giả sử dụng thay cho từ nhìn, gặp…khiến cho cảm giác mong manh thêm hụt hẫng…chẳng thể nào gần được mà chỉ có thể chạm thôi, chạm hồn hoa phượng? chạm hồn mùa hạ? hay tâm hồn tác giả chạm vào góc khuất nơi cất giữ những kỷ niệm ngày chia xa mười năm ấy? chỉ tác giả mới có thể trả lời mà thôi..
Mỗi lần Chạm vào “linh hồn mùa hạ” sao không gian, thời gian lại chật hẹp đến vậy? Mùa hạ với nắng mênh mông rưới màu vàng lên vạn vật. Màu trời xanh cao vời vợi hà cớ gì lại thấy “mùa như dao cắt cho vừa” mà sao không vừa cái gì ? mà lại cắt chỉ để “cho vừa giọng ve”…Tiếng ve rộn rã là thế màu phượng rực rỡ là thế. Tác giả ơi! sao để cho hồn thơ trầm lắng và buồn mang mác vậy?
Chưa hết sau cái động từ “chạm” rồi “cắt” bây giờ là “giở” và “nhớ” mà là:
giở thêm nhớ những ngày hè
Miên man hoài niệm thắt the nỗi đời
trường xưa ơi - thầy, bạn ơi!...
Mười năm không quá dài. Nhưng cũng đủ làm cho một cậu học trò ngu ngơ ngày nào thành một chàng lãng tử phiêu dạt theo dòng đời có lẽ đã không êm ả…nay rưng rưng với câu hỏi ngập tràn trong nỗi nhớ : trường xưa có còn nguyên vẹn. Thầy cô bè bạn thì mãi mãi chẳng thể còn đông đủ…
Một mình với dòng hồi ức và “thắt the nỗi đời”. Cuối cùng tác giả chỉ còn có thể cất lên tiếng gọi “trường xưa ơi! - Thầy , bạn ơi!”
Liệu có ai đáp lại tiếng gọi tha thiết này không tác giả ơi! một tiếng gọi cất lên từ trong sâu thẳm đáy lòng… Tiếng gọi ấy như văng vẳng bên tai người đọc là tôi lúc này….
Một bài thơ ngắn, viết theo thể lục bát. Tác giả cố ý ngắt câu xuống dòng theo ý nhấn mạnh điều muốn nói. Mới nhìn cứ tưởng câu thơ bị cắt nát vụn ra. Nhưng không! Nó lại chính là điểm nhấn dẫn dắt người đọc đi qua những “nghẹn tắt”, những nỗi nhớ thương xen lẫn tiếc nuối…Nó là điểm nối tiếp của những cơn sóng xúc cảm trào dâng mà bị ghìm nén lại không nói thành lời. Để rồi bật lên một tiếng gọi “Trường xưa ơi!” rất quen, rất lạ, rất thơ, và nặng trĩu tình.
Và cuối cùng thì có một chút riêng tư gì đó được gửi gắm qua cách viết. Tất cả các chữ đầu dòng tác giả không hề viết hoa theo đúng ngữ pháp. Chỉ duy nhất một cái tên riêng trong lời đề tặng được viết đúng….
Trường Xưa Ơi! Ai cũng có lần cất tiếng gọi như thế!
Với nhà thơ Vũ Miên Thảo. Tôi tin và mong rằng bạn đọc cũng có cùng suy nghĩ đó là Trường Xưa ơi! tiếng gọi thiết tha tình cảm của ông. Đã, đang và sẽ lan toả trong vườn thơ ca đương đại và nó cũng như “hương học trò” mãi còn trong lòng bạn đọc gần xa.
Sài Gòn 7/6/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Huỳnh Xuân Sơn với cảm nhận bài thơ NÓNG của tác giả Bùi Thị Sơn
Màu lửa hạ bừng cháy trên khắp các tàng cây Phượng Vỹ. Tiếng ve thúc giục buổi chia tay rộn rã khắp nơi. Mùa hạ đã thực sự về trong tâm trí mỗi người và nó mang theo nắng nóng đổ khắp ba miền của dải đất hình chữ S. Nhiệt độ ngoài trời có nơi lên đến 39 độ. Nhưng có lẽ cái nóng của thời tiết chẳng thể bì với cái nóng của thời sự, cái nóng dội về từ ngoài thềm lục địa suốt cả tháng nay. Nơi ấy kẻ thù truyền kiếp mấy ngàn năm nhăm nhe cướp nước lại vừa mới thực hiện hành động lấn chiếm. Mang giàn khoan Hải Dương 981 cùng máy bay, tàu chiến và hàng trăm tàu cá công suất lớn vào biển đông. Không cần đánh bắt hải sản, mà chỉ nhằm mục đích đâm trực diện vào tàu cá của ngư dân Việt Nam, đang đánh bắt hải sản trên ngư trường thuộc chủ quyền của nước ta. Bất kể đến sự sống chết của ngư dân Việt trên tàu.. Mục tiêu của tàu quân sự Trung Quốc là phun vòi rồng và đâm thẳng vào tàu của lực lượng cảnh sát biển và lực lượng Hải Giám của Việt Nam... Sự việc kéo dài cả tháng nay thật đau xót khi tàu cá DNa 90152 của ngư dân ở Đà Nẵng đã bị đâm chìm…may mắn các ngư dân đã được tàu cảnh sát biển và lực lượng hải giám cứu thoát…
Sóng biển đông gào thét phải chăng nó cũng góp phần đòi Trung Quốc rút giàn khoan trả lại chủ quyền cho chủ nhân đích thực. Sóng lòng căm phẫn của người dân việt dâng cuồn cuộn từ già trẻ gái trai…đâu đâu cũng sôi sục.
Các nhà thơ của chúng ta hẳn nhiên không đứng ngoài những con sóng ấy! Nóng ra đời từ một nữ công dân Việt Nam, góp một ngọn gió thổi bùng tình yêu quê hương tổ quốc của chín mươi triệu con tim đang Nóng theo tiếng sóng dội về từ biển Đông
Nóng
Tháng 5 nóng hay lòng ta nóng
Ngàn kiến kim cắn xé thịt da
Đêm ngủ chập trờn trong tiếng sóng
Biết tim mình đập phía Trường Sa. (Bùi Thị Sơn)
Bài thơ chỉ bốn câu theo thể tứ tuyệt. Ngay câu đầu chị đã hâm nóng tình yêu tổ quốc bằng một câu hỏi. Chị hỏi ai? Và mong ai trả lời cho chị câu hỏi này? “Tháng năm nóng hay lòng ta nóng” hẳn nhiên là chị đã tự hỏi mình! Nhưng khi đọc tôi lại cũng tự hỏi mình câu hỏi ấy? Và có lẽ sẽ có nhiều bạn đọc cũng sẽ tự hỏi lòng mình câu hỏi này!
Như đã nói ở phần đầu. Nóng tháng năm sẽ chẳng thấm vào đâu so với cái nóng của thời sự..cái nóng bắt nguồn từ sự an nguy của tổ quốc. “Nóng trong lòng” mới là cái nóng đáng sợ, chẳng có máy lạnh, quạt máy. Hay cơn gió nào có thể hạ nhiệt…
Thơ tứ tuyệt vốn chỉ có hai mươi tám chữ.Nên người viết rất ít khi dùng điệp từ, Tác giả của chúng ta sử dụng hai từ Nóng tạo ra một điểm nhấn cùng với tựa bài cũng chỉ một chữ Nóng…Hiệu quả của nó hẳn không cần phân tích ai cũng thấy Nóng….theo từng con chữ của chị. Và có lẽ cũng chẳng ai ngạc nhiên khi chị viết “
Ngàn kiến kim cắn xé thịt da
Nếu chỉ nóng ngoài trời thôi thì cũng đã bực bội với đám rôm sảy quấy rầy…đằng này thêm cái nóng trong lòng dồn dập, nay chúng phun vòi rồng bị thương, mai chúng đâm tàu chấp pháp của Việt Nam…và rồi người bị thương, tàu cá của ngư dân bị chìm….những nhức nhối ấy khiến nữ thi sĩ của chúng ta không thể yên khi cảm thấy cả “ngàn kiến kim” đang “cắn xé thịt da” mình!
Cái cảm giác không yên ả theo chị vào cả trong giấc ngủ. Nhưng “Đêm ngủ chập chờn trong tiếng sóng” chứ không phải bởi lũ “kiến kim”. Phải chăng ngay cả khi mơ màng trong giấc ngủ chị cũng chỉ nghĩ tới Biển. Tiếng sóng dội về từ ngoài khơi xa ấy, mang theo bao căm hờn với quân cướp nước. Mang theo cả tâm tình những người lính đang canh giữ biển. Và, có cả tiếng lòng của biết bao người ngư dân đang ngày đêm bất chấp hiểm nguy vươn khơi bám biển góp phần giữ lãnh hải thiêng liêng của tổ quốc. Còn có trong lòng những con sóng dáng hình những chàng trai làm nhiệm vụ cảnh sát biển, cũng như những cán bộ làm công tác kiểm ngư đang ngày đêm đối mặt với vòi rồng với mũi tàu đâm trực diện của quân Trung Quốc. Có lẽ chị đã nhận ra căn nguyên của giấc “ngủ chập chờn..” nên chị “Biết tim mình đập phía Trường Sa.”
Một bài thơ ngắn nhưng tình thơ thì trĩu nặng, hồn thơ thì mênh mông và Nàng thơ thì có một tình yêu bao la với tổ quốc…
Chị đã thắp nên một ngọn lửa! ngọn lửa ấy sẽ lan toả…
Trái tim chị sẽ không đơn độc khi “đập phía Trường Sa” đâu. Chín mươi triệu người dân Việt Nam và rất nhiều triệu triệu người dân Việt trên thế giới cũng như người dân các nước khác đã, đang và sẽ “đập phía Trường Sa” cùng chị. Bởi Trường Sa, Hoàng Sa là chủ quyền thiêng liêng không thể chối cãi của tổ quốc ta.
Cám ơn tác giả Bùi Thị Sơn đã viết bài thơ Nóng. Cám ơn Bích Câu Thi Quán đã đăng tải, để tôi có dịp chiêm nghiệm. đồng hành và nói lên suy nghĩ của mình. Có thể với góc nhìn phiến diện này tôi chưa thể lột tả được hết những vẻ đẹp từ bài thơ của chị. Mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của cá nhân tôi dành cho một bài thơ mà tôi đồng cảm
Sài Gòn 6/5/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Hoa Đồng Nội Của Tác Giả Thanh Bình (NMCR)
Tôi yêu thích hoa dại, không biết từ khi nào? Có lẽ là từ khi còn bé lắm khoảng ba bốn tuổi. Tôi đã đi chăn trâu theo ông nội rồi. Cả ngày chơi thơ thẩn hái hoa dại trên những triền đồi bãi trống bỏ hoang. Vùng trung du bắc bộ quê tôi, bốn mùa đều có hoa dại. Dân quê tôi ruộng đất ít, mấy ai nghĩ đến trồng hoa vào thời điểm bát cơm ăn độn khoai sắn chưa đủ no. Tôi nhớ tất cả các loài hoa dại quê tôi có lẽ cũng xuất phát từ những ngày chăn trâu từ tấm bé ấy. Chứ sau này lớn lên nữa thì phải mang theo đôi quang đi chăn trâu thêm việc cắt cỏ. Đâu có thời gian mà hoa với bướm …
Thời gian thấm thoắt đã qua hơn ba chục năm, những ký ức cũng dần nhạt phai tỷ lệ thuận với mức độ hằn sâu của những vết chân chim nơi khóe mắt. May mắn thay mấy năm gần đây tôi ra ngoại thành sống gặp rất nhiều hoa dại mọc ở những khu đất trống chưa xây nhà! Cứ vài ngày tôi lại cắt một bình bông mấy loài hoa dại về cắm ở phòng khách, nhiều lần có khách đến ai nấy đều nhìn nó chăm chăm. Mặc, khi hoa héo tôi lại đi cắt bình khác.
Chiều nay vừa thay một bình bông cúc dại xong, lên phòng mở máy lại gặp bài thơ Hoa Đồng Nội của chị Thanh Bình. Lòng tôi nao nao, viết mấy lời thăm chị. Tôi copy về và ngồi nghiền ngẫm bài thơ chỉ vỏn vẹn bốn câu như sau:
Hoa Đồng Nội
Âm Thầm trong gió đùa reo
Bông hoa đồng nội rải nghèo lối đi
Bứt lên…
Dằn xuống mà chi
Hoa giống em.
Chẳng có gì
Hoang sơ… (NMCR)
Càng đọc càng thấy tác giả đã rất khéo léo sử dụng ngôn từ. Chỉ với tựa đề thôi đã cuốn hút người đọc rồi! Bốn câu thơ đọc lên nhìn ngắm quả thật ngôn ngữ chị sử dụng rất đơn giản ai đọc cũng thấy ngay nó là hoa dại, hoa của đồng nội thì vốn dĩ nó luôn luôn “âm thầm” bất kể ở đâu, thôn quê hay thành thị, Chị viết nó : “Âm thầm trong gió đùa reo”. Đọc ta thấy ngay hoa không hề âm thầm bởi động từ reo chị đặt ở cuối câu. Hoa âm thầm lặng lẽ bởi nó chỉ là một loài hoa dại khiêm nhường về hương sắc. Nhưng, đấy chỉ là khi giông tố, mưa trút hay lúc hanh khô lạnh giá mà thôi, hoặc ở một góc khuất nào đấy khiến nó phải âm thầm lặng lẽ cả đời . Gặp gió Xuân nồng nàn đến, hoa cũng xao động, cũng reo vui đón gió trong nắng đấy chứ.
“Bông hoa đồng nội” dù ít,hay nhiều, nó cũng góp phần tô điểm hương sắc làng quê. Sao chị lại để nó gánh thêm cái “tội” “rải nghèo lối đi” thế nhỉ? Phải chăng ngữ cảnh bài thơ ra đời cũng giống nơi tôi sinh ra và lớn lên, Quê nghèo thì ai còn cảm giác say đắm với mấy bông hoa mọc hoang cạnh lối đi nữa đây? Mà cũng vì nghèo nên đường làng, bờ thửa, triền đê ít người qua lại mới có chỗ cho hoa mọc lên và sinh sôi... Phải chăng "rải nghèo lối đi" còn có ý muốn nói, người xa xứ mỗi khi về thấy những Bông Hoa Đồng Nội là nhớ cảnh quê nghèo.
Tới đây tôi nhận thấy những ngôn từ như đã nói nó đơn giản dễ hiểu ở trên, bỗng nhiên lại thấy sâu xa trong đó ẩn chứa cả một nỗi niềm sâu lắng lắm chứ không hẳn chỉ là tả thực một loài hoa đồng nội không thôi đâu!
Tôi nghĩ thế và tôi đặt giả thiết Bông Hoa Đồng Nội này có phải chăng chính là một cô thôn nữ nào đó. Hoặc tác giả bắt gặp hình ảnh bông hoa ấy là chính mình hay không! Ý nghĩ này càng nảy nở trong tôi sau khi đọc đến câu
Bứt lên
Dằn xuống mà chi!
Hai động từ “bứt lên, dằn xuống” đi theo nhau kèm hai từ “mà chi” nửa như cảm thán, nửa nhưmuốn nhắn nhủ người đọc. Thân vốn là loài hoa dại có nghĩa gì đâu? Chẳng cao sang như ly như huệ, chẳng ngọc ngà như hồng như cúc, bứt lên cũng chẳng ai đoái, dằn xuống cũng chẳng ai hoài. Làm vậy chỉ khổ thân tôi thôi! Có sáu chữ rất đơn giản đọc lên ai cũng thấy, ai cũng hiểu sao tôi như nghe nặng trĩu trong lòng với ý nghĩ “Bông hoa Đồng Nội” của chị chính là Hình ảnh người thiếu nữ đó đây ta đã gặp.Có thể là chính tác giả, có thể là tôi và có thể là bất kỳ ai mà ta đã và sẽ gặp….
Suy nghĩ ấy đã có điểm tựa khi tôi vào câu kết:
Hoa giống em
Chẳng có gì
Hoang Sơ….
Tám từ nối nhau thành một sợi dây có ba nút thắt xiết chặt trái tim tôi. Có lẽ với câu thơ này tôi chẳng cần giải thích ý nghĩa của nó làm gì. Chị đã nói hết , nói đủ về Em, về bản chất sự việc sau khi bị bứt lên dằn xuống. Hai từ cuối cùng Hoang Sơ…kèm theo một dấu ba chấm sao tôi cảm thấy như buồn buồn tủi tủi chứa đựng hết vào hai chữ này và ba cái dấu chấm ấy thì phải…
Nhưng tác giả ơi! Cái sự tự mình nhìn nhận rằng Em: “Chẳng có gì” ấy, là do Em nghĩ vậy thôi. Hoa Đồng Nội tuy không rực rỡ về sắc, không nồng nàn về hương. Nhưng nó có sự bền bỉ vì nó được trưởng thành và khoe sắc từ trong mưa nắng bốn mùa. Thậm chí bão tố lũ lụt nữa….
Em cũng vậy! “Em giống hoa” em không đẹp với vẻ đẹp đài các, kiêu sa…Em Hoang sơ….bởi em vốn là một cô gái bước ra từ thôn dã, em được nuôi dưỡng bằng tình cảm chân thực của người thôn quê vốn quanh năm chân lấm tay bùn, nhưng em có trái tim nhân hậu, em có tình yêu đơn giản nhưng bền bỉ và chung thủy dẫu cho gặp phải trắc trở gì thì Em vẫn là Em một Bông Hoa Đồng Nội.
Bài thơ rất ngắn. Được chị viết về Hoa Đồng Nội, nhưng từ tình thơ, ý thơ , hồn thơ phảng phất bao trùm lên từng con chữ chị chắt lọc cẩn thận để gửi gắm một thân phận con người mà cụ thể là Em. Em có lẽ là một cô gái quê nghèo cũng từng phải trải qua những đắng cay cơ cực như loài hoa dại lúc bị bứt lên dằn xuống...
Và đây là nỗi niềm của chính tác giả khi trả lời chia sẻ của bạn bè:
Viết tứ thơ, chị thương mình tội tội
Như bông hoa đồng nội hoang sơ
Chẳng tươi xinh như lan mận đào mơ
Mà dung dị khiêm nhường - Hoa đồng nội (NMCR)
Cám ơn tác giả, cảm ơn Hoa Đồng Nội đã cho tôi sống lại kỷ niệm tuổi ấu thơ. Đặc biệt khiến tôi yêu hơn loài hoa dại ven đường mà tôi vẫn thường nâng niu mỗi ngày.
Sài Gòn cuối xuân 2014
Huỳnh Xuân Sơn
Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Nỗi Niềm Thị Nở Của Nhà Thơ Quang Huy
Ngày mà tôi bước vào tuổi cập kê cũng là lúc trái tim biết rung lên những nhịp đập khác thường khi đối diện với người khác giới. Thời gian ấy tôi không được tiếp xúc với nền văn học lãng mạn. Mãi tới khi 19 tuổi tôi lần đầu mới được đọc những tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Nhưng cũng chỉ là những bản chép tay chuyền nhau hiếm hoi.
Không biết bạn bè tôi thì sao? Riêng tôi đã chết mê chết mệt,anh Chàng Dũng một người đàn ông sống có lý tưởng, có trách nhiệm với tình yêu cao cả: Tình yêu tổ quốc, tình yêu gia đình, bên cạnh mối tình sóng gió với cô gái tên Loan trong tác phẩm Đoạn Tuyệt của Nhất Linh.
Giờ đây lý giải cho cái suy nghĩ lãng mạn của tôi ngày ấy. Không gì khác hơn là do đang tuổi mộng mơ, mà suốt ngày cặm cụi học: Chí Phèo, Tắt Đèn…. Nhưng từ sâu thẳm trong tôi lúc đó còn có thêm những trăn trở về vài cuộc tình trong văn học sử mà những lúc học ở trường, ít khi thầy cô giảng về tình yêu của những nhân vật ấy.
Nổi bật trong số đó là cuộc tình của Thị Nở và Chí Phèo. Trong tác phẩm Chí Phèo của cố nhà văn Nam cao.
Chí Phèo xuất hiện trong dòng văn học hiện thực phê phán năm 1941. Trong bối cảnh xã hội lúc ấy và cho đến mãi sau này. Mỗi khi có dịp nhắc đến nhân vật Chí Phèo thì từ già tới trẻ đều nói :Chí Phèo là tên nát rượu, chuyên rạch mặt ăn vạ, tứ cố vô thân. Thị Nở may mắn hơn Chí Phèo còn có bà Cô. Nhưng nói đến Thị Nở là ai cũng nghĩ ngay đến một người phụ nữ “ma chê quỷ hờn” vì xấu. Hai con người đại diện cho một tầng lớp những người cùng khổ thời bấy giờ. Họ đã gặp nhau và nảy sinh tình cảm.
Tôi đã nghĩ họ cũng có một tình yêu trong cuộc đời khốn cùng của họ. Niềm tin ấy được củng cố sau khi tôi được đọc bài thơ của nhà thơ Quang Huy viết về nỗi niềm của Thị Nở. Đọc bài thơ ấy tôi tìm thấy sự đồng cảm trong tứ thơ và tôi đã đi đến ý nghĩ muốn đồng hành với nhà thơ Quang Huy với cảm nhận của riêng tôi trong bài thơ:
Nỗi niềm Thị Nở
Người ta cứ bảo dở hơi
Chấp chi miệng thế lắm lời thị phi
Dở hơi là dở hơi gì
Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình
Làng này khối kẻ sợ anh
Rượu be với chiếc mảnh sành cầm tay
Sợ anh chửi đổng suốt ngày
Chỉ mình em biết anh say rất hiền
Anh không nhà cửa bạc tiền
Không ưa luồn cúi, không yên phận nghèo
Cái tên thơ mộng Chí Phèo
Làm em đứt ruột mấy chiều bờ ao
Quần anh ống thấp ống cao
Làm em hồn vía nao nao đêm ngày
Khen cho con tạo khéo tay
Nồi này thì úp vung này chứ sao!
Đêm nay trời ở rất cao
Sương thì đậm quá trăng sao lại nhòa
Người ta... mặc kệ người ta
Chỉ em rất thật đàn bà với anh!
Thôi rồi đắt lắm tiết trinh
Hồn em nhập bát cháo hành ngàn năm.(1992, Quang Huy)
Nhà thơ Quang Huy sử dụng nguyên mẫu hai thân phận đại diện cho tầng lớp bần nông khốn cùng của làng Vũ Đại đó là Chí phèo và Thị Nở của nhà văn Nam Cao trong truyện ngắn Chí Phèo. Nhưng đưa vào thơ ca ông lại nhìn với góc nhìn từ trái tim người phụ nữ đời thường như bao con người khác. Chứ không phải chỉ đơn thuần là một Thị Nở mà dung nhan khiến “ma chê quỷ hờn”.
Mở đầu bài thơ ông viết:
Người ta cứ bảo dở hơi
Chấp chi miệng thế lắm lời thị phi
Dở hơi là dở hơi gì
Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình
Ngôn ngữ ông sử dụng rất bình dị như chính những điều mà ý thơ muốn chuyển tải đến bạn đọc. Từ khi Thị Nở xuất hiện trong văn học sử, bất cứ ai cũng nhìn thị ở khía cạnh người đàn bà xấu không có bút mực nào tả nổi. Nhà thơ không hề nhắc tới khía cạnh này, có lẽ ông chỉ muốn nói đến nội tâm của Thị. Người đời gọi Thị, bảo Thị là đồ “dở hơi”, Thị đâu có chấp. Bởi dẫu Thị thuộc hạng người “bần cùng” cũng vẫn hiểu rằng trong đời sống “lắm lời thị phi” mà đã là thị phi thì : “chấp chi”. Khi đã không chấp những lời thị phi thì đương nhiên Thị vui sống.Mặc chung quanh nghĩ gì? nói gì?
Nhưng sự tài tình của nhà thơ ở chỗ: Khi viết lời trả treo của chính Thị Nở kìa : “Dở hơi là dở hơi gì. Váy em sắn lệch nhiều khi cũng tình”. Thị Nở nhận mình trong bộ dạng váy sống “sắn lệch”, nhan sắc thì như người ta nói “ma chê quỷ hờn” nhưng vẫn thấy “Cũng tình”. Có lẽ Thị chỉ nhận ra nó từ đêm trăng trong vườn chuối Thị đang “nằm ngủ há hốc mồm ra” , nhưng Lại gặp được anh Chí Phèo….
Nhà thơ Quang Huy đã khắc họa ra một Nỗi Niềm Thị Nở mà không cần phải nói một câu nào về nhan sắc của Thị. Thị đã có “tình” bởi trong trái tim Thị giờ đây đã có bóng dáng một người. Mà người ấy theo Thị miêu tả thì:
Làng này khối kẻ sợ anh
Rượu be với chiếc mảnh sành cầm tay
Sợ anh chửi đổng suốt ngày
Chỉ mình em biết anh say rất hiền
Vâng, cả làng Vũ Đại ngày ấy, và cả những ai quan tâm tới Nam Cao với Chí Phèo đều biết ,hắn bị người sinh ra hắn bỏ rơi ở cái lò gạch hoang. Được anh bắt lươn nhặt về cho bà mù, bà mù bán hắn cho cha hắn, rồi cha hắn chết. Số phận đưa đẩy hắn tới bóp chân tay cho vợ Bá Kiến….Rồi biến hắn thành tên tù, rồi tên nát rượu. Hình ảnh hắn mỗi khi xuất hiện là tay cầm chai rượu, khi cần..hắn đập chai lấy mảnh rạch mặt ăn vạ….
Ở đây nhà thơ cho Chí Phèo oai phong hơn một chút so với khuôn mẫu. Chí Phèo có “Rượu be” và trên tay luôn có “mảnh sành” … Chí Phèo luôn luôn chửi đổng…. chửi bất kỳ ai! Chí Phèo chửi cả làng… “cả làng ai cũng sợ anh” phải chăng cũng xuất phát từ cái sự say xỉn “chửi đổng” và “mảnh sành” trên tay này chăng”..
Cả làng sợ anh. Chỉ mình Thị là ngoại lệ . Với Thị Nở, Thị đã cảm nhận được bản chất lương thiện trong con người của Chí Phèo nên Thị mới thổ lộ rằng: “ Chỉ mình em biết anh say rất hiền.
Thị Nở không chỉ thấy Chí Phèo rất hiền, mà với Thị thì Chí Phèo nghèo thật. nhưng Chí phèo của Thị thật cao cả, thật khí phách bởi:
Anh không nhà cửa bạc tiền
Không ưa luồn cúi, không yên phận nghèo
Có lẽ vì nhận ra bản chất tốt đẹp của người mà Thị yêu. Nên bây giờ Thị mới bắt đầu trút Nỗi Niềm từ trong gan ruột của Thị ra được tác giả đặt vào khổ thơ tiếp:
Cái tên thơ mộng Chí Phèo
Làm em đứt ruột mấy chiều bờ ao
Quần anh ống thấp ống cao
Làm em hồn vía nao nao đêm ngày
Ai cũng sợ Chí Phèo vậy mà Thị Nở chỉ nghĩ đến cái tên ấy thôi mà đã “đứt ruột mấy chiều bờ ao”. Phải chăng lúc này Chí Phèo đang đi “rạch mặt ăn vạ” ở đâu đó trong làng Vũ Đại. Để cho Thị Nở cô đơn một mình. Nên Thị thơ thẩn bên vườn chuối, bờ ao, là nơi mà Thị hay chốn bà cô ra ngủ và gặp được Chí Phèo từ nhà Tân lãng đi ra cái đêm trăng ấy.
Càng “đứt ruột” thì Thị lại càng nghĩ tới Chí Phèo, bây giờ thì hình ảnh người Thị yêu thương nhớ nhung đã hiển hiện trong trái tim Thị. Dẫu là hình ảnh “quần anh ống thấp ống cao” thì cũng quá đủ để “hồn vía” của Thị “nao nao đêm ngày”. Đúng là khi yêu trái tim luôn có lý lẽ riêng của nó thật. Thị Nở yêu cũng đâu có ngoại lệ.
Và rồi tác giả cũng đã lên tiếng với đôi “trai tài gái sắc” của làng Vũ Đại năm ấy:
Khen cho con tạo khéo tay
Nồi này thì úp vung này chứ sao!
Với hai nhân vật chính “Xứng đôi vừa lứa ” là Thị Nở và Chí Phèo thì có lẽ đây là những giây phút đẹp nhất trong đời của họ.
Đêm nay trời ở rất cao
Sương thì đậm quá trăng sao lại nhòa
Người ta... mặc kệ người ta
Chỉ em rất thật đàn bà với anh!
Thôi rồi đắt lắm tiết trinh
Hồn em nhập bát cháo hành ngàn năm.(1992, Quang Huy)
Một lần nữa Thị Nở rút ruột mà nói ra nỗi lòng của kẻ đang yêu và được yêu. Trời đất cũng ủng hộ cho cuộc “mây mưa” của họ đêm nay “trời ở rất cao” không có gì phải ngại. “Sương thì đậm” sáng ra sẽ tan thành nước giúp phần xóa dấu tích của họ. “Trăng sao lại nhòa” đâu thể nhìn thấy hai người . “ Còn người ta…” ngay lúc đầu Thị đã không ngần ngại mà khẳng khái rằng “chấp chi miệng lưỡi lắm lời thị phi ” thì bây giờ Thị còn sợ gì đâu mà chẳng “…mặc kệ người ta”…Thị khẳng định chắc nịch “Chỉ em rất thật đàn bà với anh”.
Nhà Thơ Quang Huy đã để cho Nỗi Niềm Của Thị Nở kết ở nơi mà hai người gặp nhau, tìm đến nhau theo bản năng của con người. Nơi này cũng chính là xuất phát ra tình yêu của họ, chí ít cũng từ phía Thị Nở. Thị yêu, Thị “nao nao”, Thị thương Chí Phèo tới mức “Đứt ruột”. Và rồi đỉnh điểm của tình yêu chính là sự dâng hiến. Sau đêm nay…Thị đã không còn là con gái nữa, Thị đã trở thành “Đàn bà” người mà “rất thật với anh”. Dẫu Thị từ trong sâu thẳm vẫn nghĩ tới tiết hạnh của người con gái Á Đông đấy chứ! Vẫn biết đến “Tiết trinh đáng giá ngàn vàng” mà cả Thị và Người yêu Chí Phèo của Thị đều “nghèo rớt mồng tơi”. Nhưng có lẽ vì quá yêu nên lỡ trao rồi Thị chỉ còn biết thốt ra hai từ “thôi rồi”. Quả thật hai từ này nhà thơ Quang Huy dùng thật đáng giá, bởi có hai chữ “thôi rồi” bản chất của Thị Nở vẫn còn biết mình đã làm gì…? Và có lẽ cũng vì cái sự giật mình mà thốt ra hai chữ “thôi rồi” này, nên “Hồn em nhập bát cháo hành ngàn năm” hay chăng? Có lẽ thế bởi Chí Phèo ra đời cho tới nay hơn 70 năm, nhưng nói đến Thị Nở thì chưa ai phủ nhận tình cảm mà Thị trao cho Chí Phèo qua bát cháo hành giải cảm vào lúc gần sáng năm ấy! Và có lẽ nó sẽ còn được nhớ tới mãi mãi sau này
Hai chữ “thôi rồi” mà Thị Nở thốt ra ở đây, tôi thấy phảng phất câu thơ cũng chính là nỗi lòng của Thúy Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du :
“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa”
Nếu không có cái “giật mình” này Thúy Kiều cũng chẳng khác gì các cô gái “lầu xanh” khác!
Cám ơn nhà Thơ Quang Huy với bài thơ Nỗi Niềm Thị Nở đã cho tôi có dịp đồng hành với một góc nhìn rất nhân văn của tác giả về hai thân phận con người cùng khổ của xã hội thời phong kiến vào những thập niên đầu của Thế kỷ 20. Dẫu cho họ xấu tới mức nào, nghèo đói ra sao, họ đã phải làm những việc xấu xa “rạch mặt ăn vạ…cuộc đời đã xô đẩy họ đến chỗ cùng đường… Nhưng tình yêu, tình cảm của họ trao cho nhau đáng để ta phải suy ngẫm.
Sài Gòn 19/3/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Bên Lề Thị Phi Của Tác Giả Huỳnh Gia
Tôi chưa có may mắn đọc thơ của tác giả Huỳnh Gia nhiều. Chỉ ít bài thơ chị viết theo thể thơ tự do đăng trên trang cá nhân. Bấy nhiêu cũng đủ để lôi cuốn tôi mỗi khi lang thang trên mạng ghé vào. Trong những lần dạo chơi ấy, tôi bắt gặp bài thơ có tựa đề Bên Lề Thị Phi cùng lời đề tựa Viết Tặng Một Mảnh Đời Khốn Khổ.
"À ơi ! con ngủ cho ngoan
Má đi "hôi" * chút thứ còn sót kia "
Đám đông túm tụm bên lề
Nhao nhao như thể vịt về mé sông:
- "Bà đi rồi - hết trông mong
Trả vài trăm bạc muối lòng cho vay
- Biết rằng tháng rộng năm dài
Một câu khất nợ chẳng hoài đến nhau "
Chú nhà bên tiếng thở phào :
" Thiệt may, thước củi mấy hào - trả xong " !?
Quán tạp phẩm giọng lầm bầm :
" Dăm ngàn tiền gạo hết mong kiếm lời "
Đám đông tay với tận trời
Tay sục sạo - cố mà hôi cho nhiều
Miếng gạch lát - mảnh ván xiêu
Dẫu còn sót lại bấy nhiêu vẫn là ...!?
( Bà ta vỡ nợ - dỡ nhà
Để rồi trôi dạt xứ xa khốn cùng
Gán người miếng đất tổ tông
Nỗi đau ai hiểu - cảm thông ai màng )
- "À ơi !con ngủ cho ngoan
Má đi hôi thứ vẫn còn sót kia ..."
Ngồi bên ngưỡng cửa thị phi
Tôi nhìn ngắm thế nhân - ghi vài dòng
Ngán ngẩm thay những tấm lòng
Tình đời bạc đến như không có gì
Xin đừng ngoảnh lại mà chi
Chân trời mới lại có khi đổi đời
Xin đừng bỏ vuột tiếng cười
Niềm hy vọng vẫn sáng ngời chân mây
Vô hình tôi - cái vẫy tay
" Chị bình yên đợi một ngày nắng lên "
Phía bên kia vẫn xông xênh
Của cần "hôi" đã sạch tênh lâu rồi . (Huỳnh Gia)
Đọc xong bài thơ chị viết. Tôi bần thần rất lâu bởi tình thơ nặng trĩu níu kéo tôi ở lại. Bài thơ chị viết với thể thơ lục bát, rất đơn giản và dễ hiểu….đó là với những gì chị “ngồi bên ngưỡng cửa thị phi. Ngắm thế nhân- ghi vài dòng” muốn nói và chia sẻ với Mảnh Đời Bất Hạnh ấy với bạn đọc.
Nhưng giờ đây khi ngồi đối diện với bài thơ mà tôi mới kịp mở cánh cửa để sửa soạn bước vào thôi. Tôi lại thấy nó không hề đơn giản chút nào!Mang theo suy nghĩ và nỗi niềm nặng trĩu tôi bước vào cặp câu mở đầu:
"À ơi ! con ngủ cho ngoan
Má đi "hôi" * chút thứ còn sót kia "
Lời ru của mẹ là nhịp cầu nối tình cảm, là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ cơ mà. Tại sao người mẹ ở đây lại ru con bằng những lời ru không mang lại chút thiện cảm nào như vậy. Người mẹ này mong con ngủ ngoan chỉ để “Má đi hôi” mà là hôi “chút thứ còn sót kia”. Xót xa thật…
Có lẽ cũng bởi từ lời ru của người mẹ này khiến tác giả chú ý và dẫu “ngồi bên ngưỡng cửa thị phi” chị vẫn quyết định “ghi vài dòng”.
Đâu là những gì mà chị ghi được? ta theo chị vào khổ thơ tiếp:
Đám đông túm tụm bên lề
Nhao nhao như thể vịt về mé sông:
- "Bà đi rồi - hết trông mong
Trả vài trăm bạc muối lòng cho vay
- Biết rằng tháng rộng năm dài
Một câu khất nợ chẳng hoài đến nhau "
Chú nhà bên tiếng thở phào :
" Thiệt may, thước củi mấy hào - trả xong " !?
Quán tạp phẩm giọng lầm bầm :
" Dăm ngàn tiền gạo hết mong kiếm lời "
Cám cảnh cho mảnh đời bất hạnh ấy! một câu thơ tả thực viết về :Đám đông đi hôi của còn sót kia … không thể có câu nào hay hơn trong trường hợp này được viết ra nữa: “nhao nhao như thể vịt về mé sông”. Trong cái khốn cùng của kẻ ra đi chẳng còn gì nữa. Những chủ nợ lúc này làm gì có trật tự, có hàng có lối, và có ai nghe ai nữa…cố giành giựt cho mình được cái gì hay cái đó. Nào phải nợ nần tiền tỷ tiền vàng khối gì cho cam.
Người nhiều than thở cũng chỉ “vài trăm bạc”…Kẻ ít “dăm ngàn tiền gạo”. Xen lẫn trong đám chủ nợ mất của còn có cả tiếng “thở phào” của người may mắn không bị mất “thước củi mấy hào”…. Thật đau xót cho Mảnh đời bất hạnh, và tác giả quan sát cảnh này nghe những lời từ đám đông hỗn độn ấy, chắc cũng chẳng dễ chịu chút nào…
Bài thơ vẫn tiếp tục đi vào sâu trong đám hỗn độn ấy! và đây là những gì họ vơ vét được:
Đám đông tay với tận trời
Tay sục sạo - cố mà hôi cho nhiều
Miếng gạch lát - mảnh ván xiêu
Dẫu còn sót lại bấy nhiêu vẫn là ...!?
Không cần phải diễn giải gì ở khổ thơ này nữa…những thành quả mà chủ nợ hôi được kia, là mồ hôi nước mắt của Mảnh Đời Khốn Khổ bao năm tạo dựng. Nay rơi vào thế túng cùng không còn khả năng chi trả nữa. Thì bị đám chủ nợ mà Mảnh Đời Bất Hạnh thiếu nợ, cũng coi đấy là mồ hôi xương máu của họ. Họ phải “cố mà hôi cho nhiều” thôi. Càng hôi được nhiều càng tốt, bỏ cả con nhỏ chỉ để mong giành giựt được chút của nả còn sót, coi đó là…! Dấu ba chấm đi theo dấu than bỏ lửng khiến ta không khỏi giật mình. Mới hay lời thơ của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tới nay vẫn còn mới nguyên:
“Ở thế mới hay người bạc ác
Giàu thì tìm đến khó thì lui (thơ Nôm số 71)
Tác giả giải thích thêm về Mảnh Đời Bất Hạnh rằng:
( Bà ta vỡ nợ - dỡ nhà
Để rồi trôi dạt xứ xa khốn cùng
Gán người miếng đất tổ tông
Nỗi đau ai hiểu - cảm thông ai màng )
Mảnh Đời Khốn Khổ cũng là người có trách nhiệm với việc làm của mình. Chứ họ không phải là phường “cố đấm ăn giựt”. Khi vỡ nợ - cũng đã cùng đường mới phải “dỡ nhà” rồi “gán” cả “miếng đất tổ tông”. Chỉ còn lại những người vì bữa ăn mà phải nợ “dăm ngàn tiền gạo” hay người cho vay “vài trăm bạc”….
Tác giả dẫn ta đi tiếp , sau khi đã cho ta biết những gì tác giả được chứng kiến đám đông chủ nợ “hôi” của cải còn sót….
- "À ơi !con ngủ cho ngoan
Má đi hôi thứ vẫn còn sót kia ..."
Ngồi bên ngưỡng cửa thị phi
Tôi nhìn ngắm thế nhân - ghi vài dòng
Ngán ngẩm thay những tấm lòng
Tình đời bạc đến như không có gì
Lại vẫn là lời ru của người mẹ trẻ ..nhưng không phải như lúc trước “Má đi hôi thứ còn sót kia”nữa ,dù chỉ là đến giành giật “miếng gạnh lót” hay “mảnh ván xiêu”. Giờ đây là chị ta đi “hôi thứ vẫn còn sót kia”. Chữ “vẫn” tác giả dùng trong trường hợp này sao mà chua chát quá … Không lý chị ru con ngủ để lại tiếp tục chen lấn trong đám hỗn độn ấy, mong tìm được thứ gì mà “Vẫn còn…” nữa đây!
Tác giả chứng kiến cảnh ấy chắc cũng đau lòng lắm nên chị mới thốt ra “ngán ngẩm thay những tấm lòng”… Của người thân, người sơ với Mảnh đời khốn khổ kia…chắc hẳn lúc trước Mảnh Đời Khốn Khổ cũng có tấm lòng rộng mở với đám đông đang hỗn độn tranh giành nhau kia.
Viết đến đây tôi lại thấy thơ Nôm của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm :
“Thế gian biến đổi vũng lên đồi
Mặn lạt chua cay lẫn ngọt bùi
Còn bạc còn tiền còn đệ tử
Hết cơm hết rượu hết ông tôi ( bài 71 )
Thế mới biết Nhân thế đảo điên thời nào cũng có đủ Hỷ Nộ Ái Ố.
Với tác giả Huỳnh Gia có lẽ chị đã phải “ngồi bên lề thị phi” với một nỗi lòng cũng nặng trĩu và lực bất tòng tâm khi nghĩ về thế thái nhân tình…
Tác giả dẫn ta đi vào khổ thơ tiếp bằng trái tim nhân hậu và cái nhìn cảm thông . Khi chứng kiến cảnh “xâu xé” chút gì còn sót và vẫn còn sót, trong mảnh đất hương hỏa đã gán nợ kia:
Xin đừng ngoảnh lại mà chi
Chân trời mới lại có khi đổi đời
Xin đừng bỏ vuột tiếng cười
Niềm hy vọng vẫn sáng ngời chân mây
Vô hình tôi - cái vẫy tay
" Chị bình yên đợi một ngày nắng lên "
Tác giả gửi trong gió (vô hình tôi) mong lời cầu nguyện sẽ đến với Mảnh Đời Khốn Khổ mà chị vô tình phải là người “đứng bên lề thị phi” mà chứng kiến.
Một lời nhắn mang đậm tình người! Thật hiếm trong xã hội hôm nay. Thói thường khi gặp thị phi ồn ào họ tìm cách lánh xa vì sợ “tai bay vạ gió”. Chị đã mở lòng mình để ta có một bài thơ nhân tình thế thái viết về hoàn cảnh cùng đường của Một Mảnh Đời Khốn Khổ.Ta có thể bắt gặp ở bất kỳ nơi đâu, làng quê, thị tứ hay thành phố. Người đi mong rằng sẽ gặp may mắn như lời chúc của tác giả “ Chị bình yên đợi một ngày nắng lên .
Vâng tác giả tin, tôi tin và mong rằng bạn đọc chúng ta cùng tin và cầu chúc cho Mảnh Đời Khốn Khổ kia hãy biến “hy vọng” đang “sáng ngời chân mây” thành khát vọng và sẽ gặp được bến bình yên của cuộc đời .Vào một ngày gần, khi màn đêm đen qua đi, hừng đông le lói và bình minh rực sáng đón ngày mai nắng ấm sẽ tràn đầy.
Còn với đám đông hỗn độn bên kia. Chị cũng không quên họ chị viết:
Phía bên kia vẫn xông xênh
Của cần "hôi" đã sạch tênh lâu rồi .
Bấy nhiêu đã quá thừa đau khổ cho một Mảnh Đời Khốn Khổ rồi. Dẫu rằng họ đã làm gì đi chăng nữa thì lúc này họ đã vào thế túng cùng và khó có lối thoát.
Tác giả có lẽ còn giận những người “tình đời bạc đến như không có gì” nên mới cho hai câu kết nằm ở đây. Chứ nếu như chị kết bài thơ mà không cần phải nói đến những người này…thì bài thơ còn mang đậm tính nhân bản nữa…
Bài thơ Bên Lề Thị Phi của tác giả Huỳnh Gia. Viết theo thể thơ Lục Bát với những câu từ đơn giản, chân chất, ghi lại một cảnh đời vào lúc khốn cùng nhất phải bỏ xứ mà đi…Ngôi nhà cũng dỡ mảnh đất từ đường đã gán nợ…Còn sót chút gì dẫu là Gạch nền, hay ván xiêu thì những người chủ nợ cũng đã nhao nhao xông vào hôi sạch.
Từ bài thơ của tác giả Huỳnh Gia so sánh với thực tế xã hội hôm nay. Vụ án vỡ nợ điển hình gần đây nhất là Huyền Như cùng 3000 tỷ đồng bay biến. Nhan nhản trên báo các vụ vỡ Hụi nhiều vài chục tỷ đồng, ít cũng vài tỷ, con số như không dừng lại kéo theo biết bao mảnh đời khốn khó theo cơn lốc vỡ nợ đang diễn ra…
Bài thơ Bên Lề Thị Phi phần nào đã phản ánh một bộ phận người dân nhất định trong xã hội hôm nay. Coi vật chất nặng hơn tình người. Được tác giả chứng kiến ghi lại. Như một sự sẻ chia, như một lời an ủi và cầu mong Mảnh Đời Khốn Khổ sớm vượt qua những ngày khó khăn trong cuộc đời !
Tôi xin mượn bài thơ của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm làm lời kết cho bài viết này. Mong rằng Mảnh đời bất hạnh hôm nay sẽ may mắn để gặp “Ngày mai nắng lên”.
Thơ Nôm Bài 74
Đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười
Có của thì hơn hết mọi lời
Trước đến tay không, nào thốt hỏi
Sau vào gánh nặng, lại vui cười
Anh anh chú chú , cười hơ hải
Rượu rượu chè chè thết tả tơi
Người của lấy cân ta thử nhắc
Mới hay rằng của nặng hơn người! ( Nguyễn Bỉnh Khiêm )
Sài Gòn cuối xuân 2014
Huỳnh Xuân Sơn
Cảm Nhận Bài Thơ Tóc Em Của Tác Giả Nguyễn Thanh Phương
Có khi nào bạn tự hỏi lòng mình rằng: Đã bao lâu rồi mình không còn nhìn thấy hình ảnh bà, mẹ, chị, người yêu hay em mình, nấu nước bồ kết, vỏ bưởi, gội đầu rồi hong tóc trước gió.
Hôm nay tôi đã hỏi mình câu này và tự nhủ lòng rằng: bây giờ khác….ngày xưa khác…thế hệ ông cha mình khác…thế hệ mình khác…và rồi con mình có khi chúng nó còn chẳng biết Hong tóc trước gió nữa là.Bởi đã có máy sấy…có tiệm gội đầu.
Tôi hỏi bạn, tôi hỏi mình câu hỏi đó. Vì tôi đang đọc :TÓC EM của tác giả Nguyễn Thanh Phương . Chỉ bốn câu thơ Lục Bát, đã đưa tôi ngược dòng thời gian về thời mà cái văn minh vật chất nó chưa xâm lấn như bây giờ. Dầu gội chưa có…mẹ tôi thường phơi vỏ bưởi và bồ kết, nấu nước gội đầu cùng vài lá xả….cái mùi thơm nồng hương quê ấy, nó theo tôi đi khắp mọi miền ký ức, dẫu đã xa có thể nói rất xa.
Trong tôi dâng trào cảm xúc khi bước vô những bước đầu tiên để đồng hành cùng với bài thơ:
Tóc Em
Tóc em phơi nắng chiều đông
Thời gian gội hóa thành bông mất rồi !
Em cười ... Em nói cùng tôi
Tóc đen hóa bạc ...
Tình người thủy chung (Thanh Phương)
Ngay câu “đầu Tóc em phơi nắng chiều đông”.Đã nói lên rất nhiều điều ,sao không phải hong mà lại là Phơi một động từ rất gần gũi rất giản dị thôi.nhưng vì “Tóc Em…” được “Phơi” bởi cái “…Nắng chiều đông”.Nắng chiều đông là nắng ấm áp và chiều là thời gian trôi về cuối ngày. Còn mùa đông thì là mùa cuối của một năm .
Hình ảnh buổi chiều đông nắng ấm, tác giả nhìn vợ mình hong tóc, mà không còn là mái tóc đen huyền ngày thanh xuân nữa.niềm yêu thương xen lẫn xót xa dành cho người vợ tảo tần nhiều năm vất vả bên mình bật lên thành câu thơ
Thời gian gội hóa thành bông mất rồi !
Ở đây tác giả ví von rất đắt, rất thơ và thể hiện được cả một khoảng thời gian rất dài, lẫn tình cảm của lòng mình dành cho sự yêu thương. Từ “Gội hóa”mà lại là hóa “thành bông”.cho ta thấy tác giả rất lạc quan với cái sự thay đổi này…Nó đến là tất yếu, bởi sự nghiệt ngã của thời gian là không bao giờ dừng lại.Từ "Hóa" ở đây thật sâu sắc và cuối câu tác giả thốt bằng từ “ mất rồi”. Làm cho ta thấy như có một chút tiếc nuối ở đây. Phải chăng ông tiếc mái tóc xanh, hay tiếc thời tuổi xuân đã trôi xa. Nhưng cả câu thơ là một lòng yêu thương bao la. Một tình cảm vô bờ, dành cho người đầu ấp tay gối của mình .Người đã chia sẻ ngọt bùi với mình từ lúc tóc xanh cho tới khi đã xế bóng cuộc đời
Để khẳng định điều đó tác giả viết
Em cười ... Em nói cùng tôi
Tóc đen hóa bạc ...
Nếu chỉ Em Cười…em nói cùng tôi thôi thì ta hiểu cuộc sống có nhiều niềm vui một chút trăn trở , một chút chưa như ý vì, bên cạnh “Em cười…” nhịp thơ dài hơn, thì ta lại có “Em nói”.Và cái cười cái nói này lại khiến cho “Tóc đen hóa bạc…”.Thật tài tình chỉ bấy nhiêu từ thôi mà tác giả đã dẫn tôi đi cả một chặng đường dài…Cho tôi hiểu được tình cảm mà tác giả dành cho vợ mình và xa hơn nữa là muốn nói tới người phụ nữ “Công, dung, ngôn, hạnh” vẹn tròn. Với bao vất vả lo cho gia đình cho chồng con và còn việc chung trong xã hội nữa .Nhưng luôn nở nụ cười với người mình yêu thương dẫu có khó khăn tới đâu đi nữa.
Và câu kết “Tình người thủy chung”.
Kết ở đây tác giả thể hiện được cái hậu của cuộc sống. Hạnh phúc của tình yêu, được đơm hoa kết trái. Sau những thăng trầm của cuộc đời .
Với tuổi về chiều như tác giả Thanh Phương, thì chắc hẳn tuổi trẻ của ông là thời gian đất nước đang trong cuộc chiến…rồi khi chiến tranh kết thúc. Lại sống trong thời bao cấp khó khăn cùng với khó khăn chung của đất nước.Thế hệ của ông cũng giống như thế hệ của ông cha tôi ,người phụ nữ luôn luôn chịu đựng nỗi vất vả và đôi khi phải hy sinh hạnh phúc cá nhân vì chồng phải ra trận.
Cám ơn tác giả Thanh Phương với bài thơ Tóc Em đã cho tôi biết bao cảm xúc khi đọc và viết cảm nhận. Một bài thơ rất ngắn nhưng trải một thời gian rất dài.hồn thơ thì mênh mông còn tình thơ thì trĩu nặng.Tôi cảm nhận ông viết bài thơ này không chỉ riêng cho vợ mình. Người ông yêu thương và trân trọng mà ông còn muốn nói tới tất cả những người phụ nữ Việt Nam khác cùng thế hệ với ông. Họ đã sống, đã yêu và đã dành cho nhau những tình cảm sâu nặng thủy chung nhất.
Tôi, với tình yêu vô bờ bến dành cho thơ, rất thích đọc và cảm nhận thơ. Khi tôi bắt gặp hình ảnh, nhạc điệu và hồn trong bài thơ Tóc Em của tác giả Thanh Phương. Tôi đã viết lời cảm nhận này. Đây là ý của riêng cá nhân tôi có thể tôi chưa cảm nhận trọn vẹn hết ý tình và hồn của bài thơ mà tác giả muốn gửi gắm . Mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của tôi giành cho vẻ đẹp tinh khiết nhất của bài thơ mà tôi –một bạn đọc- đã cảm nhận được.
Sài Gòn tháng 10/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Cảm Nhận Bài Thơ Hai Bà Mẹ Của Hòa Bình Của Tác Giả Kim Thoa
Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng gần 40 năm.Nhưng hậu quả mà nó để lại cho người dân thì chưa một ngày lùi xa.Và có lẽ là cho cả các bên tham chiến…Những câu chuyện về người lính cầm súng ra trận vốn đã là đề tài được triệu triêu người cầm bút khai thác!...Nhưng có lẽ viết về những người mẹ của những người lính ấy thì không có nhiều .Và hôm nay tôi đã gặp một bài thơ xúc động viết về hai bà mẹ của hai người lính của hai dân tộc.Họ ở cách nhau nửa vòng trái đất. Hai người cùng thời "Bên trời lận đận". Họ ở hai đầu chiến tuyến…Trong bài thơ của chị Kim Thoa một hội viên Thi Đàn Việt Nam.Dựa trên câu chuyện có` thật.
Hai bà mẹ với những nỗi đau dai dẳng kéo dài nhiều chục năm …Người thì đau nỗi đau mất con mất luôn cả hài cốt.Người thì mang nỗi đau con mình sống trong dằn vặt, đau khổ tới mức bị tâm thần nhẹ, bởi khi tham chiến anh vì sự sống chết của chính bản thân mình mà đã xả một loạt đạn AR15 cướp đi mạng sống của một người lính bên kia chiến tuyến.Hai bà mẹ đó là: mẹ liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm ở xã Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình! và Mẹ của cựu binh Mỹ Homer
Câu chuyện được tác giả kể bắt đầu từ hơn bốn mươi năm trước anh thanh niên Homer theo lệnh sang Việt Nam tham chiến trong một đơnvị Thủy Quân Lục Chiến. Chị viết:
Từ nửa vòng trái đất
Ngươi tới đây
Mắt mở!!...
Mà!... Không thấy ban ngày.
....
Rồi cái gì đến nó cũng phải đến…Chiến tranh mà!..Một mất một còn.Homer trong một trận đánh đã gặp anh lính y tá Hoàng Ngọc Đảm … trong tình huống :” Bất ngờ đụng nhau”.Quá hoảng sợ Homer đã: “Nhắm mắt”
........,,,,,,“Hốt hoảng” xả loạt đạn AR15 vào đối phương...
Bất ngờ đụng nhau nơi sườn đồi
Run sợ!...
Nhắm mắt!...
Hoảng hốt!...
Kéo cò!...ngươi xả đạn
Hạ gục trước đối phương
.......
Người chiến sỹ
Với chiếc mũ tai bèo-
Anh giải phóng quân
.......
Một người lính trẻ, một y-tá đã vĩnh viễn không bao giờ trở về với gia đình về với vòng tay yêu thương của người mẹ nữa… Cuộc chiến tranh ấy đã cướp đi hàng triệu con người như Hoàng Ngọc Đảm và có không ít người lính Mỹ cũng phải nằm lại nơi này….Nhưng may mắn cho Homer là anh đã lành lặn thân hình để trở về bên mẹ còn tâm trí và trái tim anh thì không bao giờ lành lặn nữa- kể từ cái giây phút anh xả súng cướp đi mạng sống của anh Hoàng Ngọc Đảm….
Và trước sự thật nghiệt ngã trong thời chiến ấy.Tác giả đã mạnh mẽ đặt câu hỏi cho người Mỹ,:”Hận thù chi??” mà địa chỉ nơi nhận câu hỏi là “Nhà Trắng” của “Hoa Kỳ”
Ô hay!
Hận thù chi??...
Hỡi Nhà Trắng!
Hỡi Hoa Kỳ!
Xứ lạ!!...
Tác giả đặt câu hỏi rồi -Có lẽ chị cũng chẳng cần chờ câu trả lời-.Bởi trong thâm tâm chị biết chẳng câu trả lời nào có thể làm thỏa mãn cho hàng triệu nỗi đau ấy…Chị quay sang lên án sự vô lý của chính quyền Mỹ đã đào tạo và tôn vinh những người làm ra chất độc da cam gieo cái chết lâu dài trên khắp thế giới.Chứ không giêng quê hương của chị.Quê hương của tôi và của bạn!
.....
Họ đào tạo tiến sĩ
Họ làm lễ tôn vinh
Cấp bằng cho kẻ
Làm ra chất độc
Thiêu cây trụi lá
Găm chất độc da cam vào
Cây trái, chim muông và:
Ngay cả lá phổi mình
Việt Nam anh hùng
Vì đất mẹ hiền
Lớp lớp Hoàng Ngọc Đảm hy sinh
Trước quân xâm lược
Sáng ánh thép lưỡi lê
Không chùn bước!!
…….
Anh ngã xuống
Thế đứng anh phía trước
Dồn quân thù co cụm lại thất kinh
Hai người lính một thế hệ đã gặp nhau trong tích tắc của chiến tranh như vậy.Hậu quả của cuộc gặp này là một người vĩnh viễn ra đi .Một người mắc bệnh trầm cảm suốt quãng đời còn lại ôm những di vật của người mình tước đoạt mạng sống………
Bài thơ được tác giả phân ra gianh giới giữa hai người lính và hai bà mẹ bằng cột mốc 30/4/1975.Mặc dù năm 1972 là Mỹ đã rút quân ra khỏi miền nam Việt Nam…Nhưng cuộc chiến thì vẫn còn tiếp diễn.và nỗi đau vẫn hàng ngày được nhân lên.Chị viết tới đây có lẽ với tâm trạng yên bình hơn nên nhịp thơ có giai điệu nhẹ nhàng hơn phần nói về chiến tranh trước…sau khi những trăn trở “Dằn vặt tâm can” với suy nghĩ về câu hỏi “Rồi đây mối quan hệ là bạn!”.? Hay thù??. Câu hỏi này chắc không phải chị hỏi cho một mình chị..mà chị hỏi cho cả dân tộc Việt Nam.
30/04/1975 - Dấu mốc thời gian
Hằn sâu trong suy tưởng
Dằn vặt tâm can
Rồi đây mối quan hệ là bạn!
Hay thù??
…….
Chị đưa tôi, đưa bạn xem một bức tranh quê hương hồi sinh thần kỳ sau cuộc chiến bằng việc chị miêu tả nơi Anh Hoàng Ngọc Đảm nằm đã ba mươi chín năm.(Tính từ ngày Homer chôn cất anh tới năm 2008)
Thời gian bình lặng trôi
Cây đã hồi sinh
Trời ban lộc xanh
Giọt sương lành đậu - Đài hoa đơm trái ngọt
Chim non trên trời cao
Ngày ngày vang tiếng hót
Canh giữ yên lành
Hài cốt liệt sĩ đến hôm nay
.......
Anh nằm đó
Bình yên, thanh thản lạ
Bởi anh hiểu:
Cây non giờ này không trụi lá
Người vợ thủy chung vẫn chăm sóc mẹ hiền
Đồng đội và anh nằm gọn giữa lòng đất mẹ thiêng
..........
Chỉ với hai khổ thơ ngắn chị đã vẽ nên toàn cảnh bức tranh nơi chiến trường ác liệt năm xưa…Giờ đây Cây đâm trồi nảy lộc…chim ca trên vòm lá, canh giấc ngủ ngàn thu cho anh …Và chị cũng nhắc tới một người rất quan trọng với người nằm xuống đó là :” Người vợ thủy chung vẫn chăm sóc mẹ hiền”.Anh ra đi ba mươi chín năm nhưng vợ anh vẫn một lòng thủy chung son sắt... thể hiện bằng việc “Chăm sóc mẹ hiền” của anh.
Tới đây người mẹ thứ hai mới xuất hiện trong thơ chị. Bà mẹ của cựu binh mỹ Homer sau khi đón con trở về từ chiến trường Việt Nam. Nghe con kể về khoảnh khắc đối mặt với Hoàng Ngọc Đảm…và cho bà xem những di vật của người lính ấy….Bà đã lặng lẽ giữ gìn và nhang khói cho anh từ bên kia bờ đại dương cách xa nơi anh nằm nửa vòng trái đất…Suốt mấy chục năm trời bà sống và giành dụm tiền trợ cấp của mình, cho đến trước khi mất. bà đã đưa cho Homer và mong muốn con mình dùng số tiền này mang những di vật mà bà đã gìn giữ nhiều chục năm kia quay lại nơi mà anh đã tham chiến, để tìm người thân và trao trả di vật cũng như tìm lại nơi người lính phía bên kia nằm yên nghỉ….
Nâng niu linh hồn anh
Còn có thêm người mẹ ở xa kia
Nơi nửa vòng trái đất
Cũng nén hương thơm
Ấp ủ di vật anh
Mẹ gìn giũ bảo tồn!
…..
Hiện hữu đó - Hình ảnh của anh
Người chiến sỹ giải phóng quân
Cùng đồng đội đâu có mất!
Sáng mãi hào quang - Con cháu Bác Hồ
……….
Máu của các anh
Đỏ thắm mãi trang thơ
Khắc trang sử vàng dân tộc
Đồng đội cùng anh
Đâu có mất!
Trong tâm trí muôn người
...........
Chị đã nói ra tiếng nói từ đáy lòng người mẹ Việt Nam…với cái chết của con mình, của chồng mình, của bạn mình..của anh mình…cái chết nó không vô nghĩa …anh đã chết, nhưng “Máu của các anh” đã”Đỏ thắm trang thơ”.và nó cũng đã góp phần “Khắc trang sử vàng dân tộc”….Và tác giả đã không ngần ngại để kết luận “Đồng đội cùng anh”. “Đâu có mất!”.”Trong tâm trí muôn người”
Hình ảnh nhân đạo và đẹp nhất mang tính nhân văn cao cả của người Việt Nam được chị thể hiện trong bài đó là:
‘
Linh hồn anh!
Cùng chính kẻ thù xưa!...
Thành hai người bạn hôm nay!...
............
Từ nửa vòng trái đất
Bên nhau họ về…hiện diện
.........
Là họ
Hai con người đối mặt nơi chiến tuyến
........
Là họ
Một linh hồn
Một người đang còn sống với đầy đủ
Mắt, mũi, chân, tay
Ôm di vật anh
Ân hận!!...
Người lính Mỹ về đây
Nơi 34 năm xưa - Anh ta xả súng!
……
Vâng với việc Homer trở lại còn “Đang sống” và “Ôm di ảnh” với nỗi “Ân hận”về việc mình “xả súng”.Đã nói rõ, nói đủ về tình người giữa hai người lính, hai người mẹ và xa hơn là tính nhân văn của dân tộc Việt Nam mình…
Sau tất cả những hìnnh ảnh và việc làm cảm động của Homer tác giả đã viết:
Với Homer
Với thế giới hôm nay:
Hoàng Ngọc Đảm
Đồng đội!!...
Tất cả đều đang cùng chung sống
…….
Và đây mới thật sự là những xúc động mà bất cứ ai khi đọc tới hoặc nghe kể đều cảm động khi chị viết
Giọt nước mắt lăn dài...
Những cái xiết tay
.........
Của những:
Người anh
Người em
Người chị
Người mẹ
Héo gầy
........
Anh hiểu:
Giữa họ không còn chiến tuyến
Không còn khoảng cách ngăn!
.............
Mấy chục năm mất con…mất luôn cả hài cốt của con mình! . Người mẹ ấy đã “Héo gầy” nhưng bà hiểu chiến tranh là mất mát! …Giờ đây quá khứ đã lùi xa…Con bà cũng đã trở về dù chỉ là nắm xương với vài di vật, mà chính kẻ đã giết con bà gìn giữ và trao trả…Hài cốt của con bà cũng trở về cùng với người cựu binh gầy gò lêu khêu đã 62 tuổi ….Không có nỗi đau nào giống nỗi đau nào…Nhưng hai bà mẹ đều hiểu chiến tranh là mất mát…Và giờ đây giữa hai bà đã không còn khoảng cách dù cách nhau nửa vòng trái đất.Bởi cả hai bà mẹ đều có trái tim nhân hậu… cả hai bà đều xứng đáng là HAI BÀ MẸ CỦA HÒA BÌNH
Giữa bà mẹ Hoa kỳ của Homer và:
Bà mẹ Việt Nam của Hoàng Ngọc Đảm
Không có biển!
.............
Mẹ Hoa Kỳ của Homer
Mẹ Việt Nam của Hoàng Ngọc Đảm
Mãi mãi là:
Hai bà mẹ của
Hòa Bình
Một bài thơ dài được viết theo thể thơ tự do…với những câu thơ ngắn xúc tích và với nhịp thơ lúc dồn dập..lúc nhẹ nhàng…nhưng sâu sắc và đưa được người đọc theo cao trào của cảm xúc cũng như diễn biến của bài thơ… trải dài suốt thời gian bốn chục năm….
Qua bài thơ này tác giả đã thể hiện cho ta thấy…tội ác của chiến tranh…những đau thương mất mát mà người dân thường phải chịu.
Họ có thể là người sống gần nơi bom rơi đạn lạc..họ có thể có chồng, có con, có anh, chị có bạn bè và người thân ra trận… Người ngã xuống họ đã yên phận nơi chín suối…Để lại hậu cuộc chiến những đau thương mất mát kéo dài suốt nhiều chục năm sau.Ở đây điển hình là bà mẹ và chị vợ của anh Hoàng Ngọc Đảm….và còn nhiều và rất nhiều những người phụ nữ Việt nam đã và vẫn đang sống trong mòn mỏi đợi chờ và mong tìm được chút tro tàn của con, của chồng và của người thân mình, vẫn đang còn nằm đâu đó giữa đại ngàn …Nỗi đau này là vô tận
và ngay cả người lính khi may mắn còn lành lặn thân hình trở vê…họ cũng ôm dằn vặt đau khổ suốt phần đời còn lại…như Homer..Và những dằn vặt về việc làm của anh đã lây sang cả người thân của anh..mà ở đây là bà mẹ…mặc dù bà chưa một lần tận mắt thấy chiến tranh tàn khốc thế nào!...
Những dằn vặt trăn trở không chỉ có mẹ của Homer và anh mà nó còn lan sang cả những người từng tham chiến. Đó là cựu binh thủy quân Lục chiến, Wayne nay là GS sử học Đại học Maryland , bạn của Homer và cả ông Sedgwick D. Tourison, Jr. nguyên là Sĩ quan Quân Báo Lục Quân.Những người bạn này của Homer cũng chính là những người góp phần cho hai mẹ con của Homer hoàn thành tâm nguyện là Trao di vật và chỉ nơi chôn cất anh Hoàng Ngọc Đảm…Đưa anh về với gia đình với nơi chốn nhau cắt rốn của mình ….
Bài thơ thể hiện tính nhân văn sâu sắc…Viết về hai bà mẹ có thể gọi họ là đại diện cho hai bên mà một thời đã xem nhau là kẻ thù.Và hôm nay giữa họ đã"Giữa họ không còn chiến tuyến. Không còn khoảng cách ngăn!"
Cám ơn tác giả Kim Thoa cùng bài thơ Hai Bà Mẹ Của Hòa Bình…đã cho tôi có cảm xúc viết bài này. Bài thơ của chị ý sâu và tình rộng có thể tôi chưa hiểu hết được những điều mà chị muốn gửi gắm…Xong ở đây tôi đã viết bằng tất cả những cảm xúc từ trong sâu thẳm trái tim mình…
Mong rằng tác giả và bạn đọc hãy coi đây là một tình cảm của cá nhân tôi giành cho Hai Bà Mẹ Hòa Bình.Và cũng như một bông hoa tặng cho những người phụ nữ Việt Nam nhận ngày 20/10.
Đây là bài thơ Hai Bà Mẹ Của Hòa Bình cùng lời Tựa của tác giả Kim Thoa
Mấy chục năm trước
Từ nửa vòng trái đất
Ngươi tới đây
Mắt mở!!...
Mà không thấy ban ngày.
....
Bất ngờ đụng nhau nơi sườn đồi
Run sợ!...
Nhắm mắt!...
Hoảng hốt!...
Kéo cò!...ngươi xả đạn
Hạ gục trước đối phương
.......
Người chiến sỹ
Với chiếc mũ tai bèo-
Anh giải phóng quân
.......
Ô hay!
Hận thù chi??...
Hỡi nhà Trắng!
Hỡi Hoa Kỳ!
Xứ lạ!!...
.....
Họ đào tạo tiến sĩ
Họ làm lễ tôn vinh
Cấp bằng cho kẻ
Làm ra chất độc
Thiêu cây trụi lá
Găm chất độc da cam vào
Cây trái, chim muông và:
Ngay cả lá phổi mình
………
Việt Nam anh hùng
Vì đất mẹ hiền
Lớp lớp Hoàng Ngọc Đảm hy sinh
Trước quân xâm lược
Sáng ánh thép lưỡi lê
Không chùn bước!!
…….
Anh ngã xuống
Thế đứng anh phía trước
Dồn quân thù co cụm lại thất kinh
………
30/04/1975 - Dấu mốc thời gian
Hằn sâu trong suy tưởng
Dằn vặt tâm can
Rồi đây mối quan hệ là bạn!
Hay thù??
…….
Thời gian bình lặng trôi
Cây đã hồi sinh
Trời ban lộc xanh
Giọt sương lành đậu - Đài hoa đơm trái ngọt
Chim non trên trời cao
Ngày ngày vang tiếng hót
Canh giữ yên lành
Hài cốt liệt sĩ đến hôm nay
.......
Anh nằm đó
Bình yên, thanh thản lạ
Bởi anh hiểu:
Cây non giờ này không trụi lá
Người vợ thủy chung vẫn chăm sóc mẹ hiền
Đồng đội và anh nằm gọn giữa lòng đất mẹ thiêng
..........
Nâng niu linh hồn anh
Còn có thêm người mẹ ở xa kia
Nơi nửa vòng trái đất
Cũng nén hương thơm
Ấp ủ di vật anh
Mẹ gìn giũ bảo tồn!
…..
Hiện hữu đó - Hình ảnh của anh
Người chiến sỹ giải phóng quân
Cùng đồng đội đâu có mất!
Sáng mãi hào quang - Con cháu Bác Hồ
……….
Máu của các anh
Đỏ thắm mãi trang thơ
Khắc trang sử vàng dân tộc
Đồng đội cùng anh
Đâu có mất!
Trong tâm trí muôn người
...........
Linh hồn anh!
Cùng chính kẻ thù xưa!...
Thành hai người bạn hôm nay!...
............
Từ nửa vòng trái đất
Bên nhau họ về…hiện diện
.........
Là họ
Hai con người đối mặt nơi chiến tuyến
........
Là họ
Một linh hồn
Một người đang còn sống với đầy đủ
Mắt, mũi, chân, tay
Ôm di vật anh
Ân hận!!...
Người lính Mỹ về đây
Nơi 34 năm xưa - Anh ta xả súng!
……
Với Homol
Với thế giới hôm nay:
Hoàng Ngọc Đảm
Đồng đội!!...
Tất cả đều đang cùng chung sống
…….
Giọt nước mắt lăn dài...
Những cái xiết tay
.........
Của những:
Người anh
Người em
Người chị
Người mẹ
Héo gầy
........
Anh hiểu:
Giữa họ không còn chiến tuyến
Không còn khoảng cách ngăn!
.............
Giữa bà mẹ Hoa kỳ của Homol và:
Bà mẹ Việt Nam của Hoàng Ngọc Đảm
Không có biển!
.............
Mẹ Hoa Kỳ của Homol
Mẹ Việt Nam của Hoàng Ngọc Đảm
Mãi mãi là:
Hai bà mẹ của
Hòa Bình
Hà Nội 29/01/2013
Xúc động khi nghe thông tin từ THVN về chuyện : Cựu binh Mỹ ôm di vật của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm (người Thái Bình),tới Việt Nam tạ tội..
Sài Gòn 19/10/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)