Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

CẢM NHẬN BÀI THƠ ĐÊM TRĂNG ĐỌC THƠ ĐƯỜNG CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN AN BÌNH



Thơ là tâm tư tình cảm là nỗi lòng của người viết. Mỗi người viết có những mong muốn khác nhau khi viết. Nhưng hầu như ai cũng muốn tác phẩm của mình được phổ biến rộng rãi . Chẳng ai muốn nó nằm trong những góc khuất nào đó mà không ai biết đến.
Bạn bè tôi trong lúc cà phê tán gẫu thường trao đổi với nhau và số đông trong đó có quan điểm như thế. Nhưng cũng có vài bạn lại nói:
“Thơ mình Vợ người” câu tục ngữ này có từ sự đúc kết của ông cha ta bao đời nay. Nhưng bao giờ và điều gì cũng có ngoại lệ cả . Có người làm thơ viết văn thì vẫn có người đọc. Đọc là một chuyện còn cảm nhận ra sao lại là chuyện khác. Ngay như trên thi đàn Tho.com.vn đây thôi. Mỗi tháng có hàng triệu lượt độc giả truy cập. Chắc chắn họ truy cập chỉ để đọc thơ.
Mỗi người đọc thơ có một mục đích riêng chắc chẳng có ai giống ai cả. Biết là thế mà tôi hôm nay lại tò mò muốn biết Nguyễn An Bình đã đọc thơ Đường như thế nào trong đêm trăng:

Đêm Trăng Đọc Thơ Đường

Nhìn trước người xưa đã mất rồi
Trông sau buồn chỉ thấy lẻ loi
Nào hay trời đất mênh mông quá
Một mình hiu quạnh mặc lệ rơi.

Rượu quí mềm môi cùng chén ngọc
Tỳ bà đã giục ngựa lên đường
Ai cười trận địa ta say khướt
Chinh chiến mấy người về cố hương?

Hoàng Hà trôi mãi cùng mây trắng
Thành trơ muôn dặm đỉnh non ngàn
Tiếng sáo rợ Khương hờn dương liễu
Gió xuân còn ngại Ngọc Môn Quan?

Hạc vàng bay mất ngôi lầu vắng
Ngàn năm mây trắng lững lờ trôi
Quê hương xa khuất chân trời cũ
Trên sông khói sóng buồn chơi vơi.

Trăng tàn vẳng tiếng quạ trong sương
Lửa chài phong bãi giấc sầu vương
Nửa đêm thành vắng Hàn San Tự
Vẳng đến thuyền ai một tiếng chuông.

Năm ngoái ngày này tựa cửa trông
Đào hoa vừa ửng má ai hồng
Người xưa nào biết về đâu nhỉ
Để mặc hoa đào cợt gió đông?

Thơ Đường anh đọc bên thềm cũ
Chỉ một mình thôi dưới ánh trăng
Em như cánh nhạn về di trú
Chưa hết mùa trăng đã biệt ngàn.( Nguyễn An Bình )

Thật là bất ngờ khi đọc xong bài thơ này của Nguyễn An Bình. Anh làm tôi( một tín đồ của thơ Đường ) thích thú vô cùng với cách đọc thơ độc đáo ấy.Anh khiến tôi cũng háo hức muốn đọc theo anh , nhưng ngộ nhỡ sở thích của tôi có khác anh thì sao? nên nếu muốn đọc cùng anh tôi phải đi tìm xem anh đã đọc những bài nào trong kho tàng đồ sộ thơ Đường ấy đã:

Bài đầu tiên tác giả đọc, cảm nhận và viết :

Nhìn trước người xưa đã mất rồi
Trông sau buồn chỉ thấy lẻ loi
Nào hay trời đất mênh mông quá
Một mình hiu quạnh mặc lệ rơi.(NAB)

Ở đây tác giả đọc bài Đăng U Châu Đài Ca của Trần Tử Ngang một bài thơ cổ phong thời sơ đường:
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu Bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế há (Đăng U Châu Đài Ca- Trần Tử Ngang)

Bài thơ này có rất nhiều bản dịch nhưng có lẽ bản dịch của Tương Như là tương đối phổ biến với tên gọi :
Bài Ca Lên Đài U Châu.

Người trước chẳng thấy ai
Người sau thì chưa thấy
Ngẫm trời đất thật vô cùng
Riêng lòng đau mà lệ chảy (Tương Như)

Có lẽ tác giả ngồi đọc thơ trong nỗi buồn hoặc cô đơn nên anh chọn những bài thơ nói nên tâm trạng buồn ảo não để đọc. bài nối tiếp cũng vậy.

Rượu quí mềm môi cùng chén ngọc
Tỳ bà đã giục ngựa lên đường
Ai cười trận địa ta say khướt
Chinh chiến mấy người về cố hương?

Đây là khổ thơ anh viết khi đọc bài tứ tuyệt:Lương Châu Từ của Vương Hàn

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ?-( Vương Hàn)

Vương Hàn viết Lương Châu Từ này theo một khúc hát cổ của người Trung Hoa (Từ Khúc) nói về trận mạc biên ải ngày xưa.
Tạm dịch : “Rượu ấm , nho tươi, cùng chén ngọc, chưa uống tỳ bà đã giục vang. Sa trường nằm say xin chớ lạ. Miệt mài chinh chiến biết ngày nao ?” *
Và cũng nói về Khúc Lương Châu này Vương Chi Hoán – tác giả thời Sơ Đường cũng có một bài có tên Xuất Tái- Khúc Lương Châu :

Hoàng Hà viễn thướng bạch vân gian
Nhất phiến cô thành vạn nhận san
Khương địch hà tu oán Dương Liễu
Xuân Phong bất độ Ngọc môn quan –(Vương Chi Hoán),
Sau khi đọc bài thơ này của Vương Chi Hoán nguyễn An Bình đã Viết :

Hoàng Hà trôi mãi cùng mây trắng
Thành trơ muôn dặm đỉnh non ngàn
Tiếng sáo rợ Khương hờn dương liễu
Gió xuân còn ngại Ngọc Môn Quan?(NAB)

Khúc Xuất Tái này của Vương Chi Hoán có rất nhiều bản dịch xin trích bản dịch viết theo thể tứ tuyệt của :Lê Nguyễn Lưu

Mây Trắng mù xa ngọn nước dồn
Cô thành ngàn trượng núi chon von
Sáo Khương Thôi chớ hờn Dương Liễu
Theo gió xuân về Tới Ngọc Môn.-( Xuất Tái-Lê Nguyễn Lưu)

Và dưới đây là bản dịch của Viên Thu theo thể Song Thất Lục Bát
Hoàng Hà tận thẳm nơi mây trắng
Chót vót thành côi vắng núi phơi
Sáo ai Chiết Liễu đừng chơi
Gió xuân đâu đến bên trời ngọc quan-( Xuất Tái- Viên Thu)

Tác giả Nguyễn An Bình đã Đọc Thơ Đường Trong Đêm Trăng Với những bài tứ tuyệt nổi tiếng và sống mãi trong lòng độc giả tới ngày nay. Và làm sao anh có thể bỏ qua được bài thơ được cho là hay nhất Đời Đường : Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu

Hạc vàng bay mất ngôi lầu vắng
Ngàn năm mây trắng lững lờ trôi
Quê hương xa khuất chân trời cũ
Trên sông khói sóng buồn chơi vơi.(NAB)

Khổ thơ này Nguyễn An Bình chắc chắn đã viết sau khi nghiền ngẫm :

Tích Nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ
Thử Địa không dư Hoàng Hạc Lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch Vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Hoàng Hạc Lâu- Thôi Hiệu).

Bài thơ này cũng có rất nhiều bản dịch xin giới thiệu bản dịch theo thể Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú của Bùi Khánh Đản

Người cưỡi hạc vàng xưa đã khuất
Để lầu hoàng hạc chốn này trơ
Hạc vàng một biệt không ngày lại
Mây trắng ngàn năm vẫn lững lờ
Sông tạnh Hán Dương cây bát ngát
Bãi hoang Anh Vũ cỏ tiêu sơ
Bóng chiều đã ngả đầu làng cũ
Khói sóng đầy sông khách ngẩn ngơ-(Hoàng Hạc Lâu- Bùi Khánh Đản)

Còn đây là bản dịch của Trần Dương Hân theo thể thơ Lục Bát
Hạc Vàng nay đã xa vời
Lầu cao Hoàng Hạc bên trời chơ vơ
Hạc bay bay mãi chẳng chờ
Theo vầng mây trắng muôn đời còn bay
Cỏ xanh Anh Vũ mướt dày
Hàng cây soi bóng bên này Hán Dương
Chiều về chạnh nhớ cố hương
Sông vương khói sóng người vương cõi lòng ( Trần Dương Hân)

Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu có rất nhiều giai thoại gắn liền nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là : Thôi Hiệu đã đề bài thơ này trên tường của lầu Hoàng hạc khi Lý Bạch (nhà thơ lớn của Trung Hoa) tới đây đọc bài thơ này đã bẻ bút và than rằng:

“Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc.
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”-( Lý bạch)
Đại ý rằng : “Trước mắt thấy cảnh không tả được. Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu”

Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu ta đã cùng Nguyễn An Bình đọc xong. Bây giờ bài thơ Đọc Thơ Đường Đêm trăng đưa ta đến nỗi buồn cất lên ai oán của Trương Kế:

Trăng tàn vẳng tiếng quạ trong sương
Lửa chài phong bãi giấc sầu vương
Nửa đêm thành vắng Hàn San Tự
Vẳng đến thuyền ai một tiếng chuông.-(NAB)

Chắc chắn rồi đây Hàn San một ngôi chùa cổ nơi có hai vị thiền sư là Hàn San và Thập Đắc nổi tiếng uyên thâm và đạo hạnh thời bấy giờ. Nguyễn An Bình đã đọc tiếng thảng thốt của Trương kế trong đêm khuya:

Nguyệt Lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô tô thành ngoại Hàn san tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền –(Phong Kiều Dạ Bạc- Trương Kế)

Bài thơ này cũng có rất nhiều bản dịch nhưng ở đây tôi xin trích bản dịch của Tản Đà

Qụa kêu trăng lặn sương rơi
Lửa chài cây bãi đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San- (Tản Đà)

Những bài thơ Đường bất tử mà đêm nay Nguyễn An Bình đọc vẫn chưa dừng lại. Anh đưa ta tới tận Thành Nam Trang:

Năm ngoái ngày này tựa cửa trông
Đào hoa vừa ửng má ai hồng
Người xưa nào biết về đâu nhỉ
Để mặc hoa đào cợt gió đông? (NAB)

Khổ thơ này anh viết về bài thơ bất tử lưu danh thiên cổ một cái tên mà bất kỳ ai yêu thơ Đường đều biết đó là Thôi Hộ. Có giai thoại gắn liền với tác giả và bài thơ như thế này:Thôi Hộ là người lận đận khoa cử lại là người “phong lưu tuấn nhã”nhưng “sống khép kín và ít giao du”một lần Thôi Hộ dạo chơi ngoại thành Lạc Dương, gặp một gia trang có vườn đào nở hoa rất đẹp, bèn vào xin nước uống và gặp một giai nhân thấp thoáng trong vườn. Thôi Hộ ra về.

Năm sau ông lại đến nhưng lần này cửa đóng then cài, gọi mãi không có ai Ông liền viết bài thơ sau đề trên cổng:

Khứ niêm kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong. _( Đề Tích Sở Kiến Xứ -Thôi Hộ)

Sau khi gửi lại bài thơ trên cổng gia trang ấy ông đi và một thời gian sau quay lại thì nghe tiếng khóc than từ trong vọng ra. Thôi Hộ gọi cổng và một ông lão ra mở cổng và hỏi ông có phải Thôi Hộ đã đề thơ trên cổng không? Ông lão cho biết con gái mình sau khi đọc bài thơ đã bỏ ăn bỏ uống và mới chết. Thôi Hộ liền vào trong và quỳ xuống bên cạnh xác giai nhân ấy kể lể sự tình thật bất ngờ giai nhân đó đã sống lại và họ trở thành vợ chồng.

Câu chuyện trên thực hư ra sao thì không có cơ sở nhưng bài thơ Đề Tích Sở Kiến Xứ thì đã sống mãi cho tới ngày nay. Và cũng có rất nhiều bản dịch xin trích bản dịch của Tản Đà

Cửa đây năm ngoái cũng ngày này
Má phấn hoa đào ửng đỏ hây
Má phấn giờ đâu đâu vắng tá
Hoa đào còn bỡn gió đông đây- (Tản Đà)

Sáu khổ thơ Nguyễn An Bình đã đọc sáu bài thơ Đường bất hủ và ghi lại cảm xúc của mình với từng bài thơ ấy. Bây giờ anh đưa ta vào khổ kết với tâm sự rằng:

Thơ Đường anh đọc bên thềm cũ
Chỉ một mình thôi dưới ánh trăng
Em như cánh nhạn về di trú
Chưa hết mùa trăng đã biệt ngàn.(NAB)

Anh giãi bày là anh đọc “chỉ một mình thôi” dưới ánh trăng đêm nay và nơi anh đọc những bài thơ ấy là “bên thềm cũ”.
Thềm nhà cũ với ánh trăng khuya anh đã đến với Đăng U Đài Ca của Trần Tử Ngang. Lương châu từ của Vương Hàn và khúc Xuất Tái của Vương Chi Hoán. Ba khúc hát cổ được ba nhà thơ vĩ đại viết ba bài thơ lưu danh cho tới bây giờ.
Và anh đã đọc bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát cú hay nhất thời Đường Hoàng Hạc Lâu. Vẫn chưa hết với đêm trăng bên thềm nhà cũ,anh còn đọc Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế và đặc biệt là bài Đề Đô Tích Sở Kiến Xứ (hay còn có tên gọi Đề Đô Thành Nam Trang) của Thôi Hộ.
Sáu bài thơ, của Sáu nhà thơ đã được lưu danh thiên cổ và đã sống mãi trong lòng người yêu thơ. Sáu bài thơ này cùng với hàng trăm bản dịch khác nhau của rất nhiều nhà thơ Việt Nam, đã đưa những bài thơ ấy gần hơn với nhiều thế hệ người yêu thơ Việt Nam, trong đó có anh có tôi và có bạn. Thơ Đường bất hủ còn nhiều lắm nhưng có lẽ bởi “em như cánh nhạn về di trú” và “Chưa hết mùa trăng đã biệt ngàn” vì vậy anh mới đọc có Sáu bài và phải dừng lại. Có lẽ đêm mai, đêm mốt anh sẽ lại đọc tiếp khi “cánh nhạn” quay về.

Cám ơn tác giả Nguyễn An Bình với bài thơ Đọc Thơ Đường Đêm Trăng đã cho tôi có dịp đồng hành cùng anh, để đoc lại những áng thơ Đường bất hủ. Trong khuôn khổ bài viết này với những suy luận một chiều của cá nhân tôi, có thể chưa phản ánh đúng tâm trạng của tác giả mong anh và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của cá nhân tôi dành cho bài thơ Đêm Trăng Đọc Thơ Đường mà tôi yêu thích.

Sài Gòn 10/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét