Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Về Lại Lái Thiêu ! Của Tác Giả Chung Thị Hạnh



Bài thơ Về Lại Lái Thiêu của tác giả Chung Thị Hạnh. Cứ làm tôi vương vấn mãi. Vì sao mà anh phải ra đi? để chỉ có ngày anh trở về…? Và anh đi đâu đi bao lâu…? để mà khi “về lại” thì tình riêng,quyện hòa với tình đất, tình người , của vùng đất cây trái xum xuê ngọt lành. Để từ đó chị ngân lên một đoản khúc nồng nàn, tha thiết, có tên: Về Lại Lái Thiêu.

Những nốt nhạc lòng của chị nó phảng phất vị ngọt ngào của hương vị cây trái nơi đây ? Tôi còn cảm nhận cả dòng chảy hiền hòa con sông Búng ngoài kia trong giai điệu trùng phùng ngày về này .

Từng cơn gió thổi đưa con thuyền ăm ắp kỷ niệm của chị trôi theo dòng, ngược về hồi ức. Cố gắng lắm tôi mới dám leo lên con thuyền bên cạnh để song hành với :



Về Lại Lái Thiêu



Lâu lắm rồi mới về lại Lái Thiêu,
Anh lẽ nào lại quên đi nguồn cội?
Em lẽ nào lại trách hờn anh vội,
Máu Lạc Hồng còn mãi chảy về tim.


Mấy mươi năm anh xa xứ đi tìm
Hạnh phúc ảo thiên đường không có thật.
Thân viễn xứ lòng bùi ngùi đất khách,
Thèm giọt cà phê đắng ngắt quán Ba Cô.


Phương trời xa trong anh vẫn mơ hồ,
Một lái Thiêu ngày trở về cố quốc,
Có còn ai, cuối đời anh gặp mặt,
Lúng liếng miệng cười má đỏ làm duyên.


Nhớ đình Phú Long ngày lễ hội kì yên,
Em xin mẹ vào đình xem hát bội.
Anh cũng bỏ bát cơm chiều vừa bới vội,
-"Mẹ ơi, con vào đình xem lễ hội kỳ yên!"


Dòng sông Sài Gòn lờ lững ngắm sao đêm,
Trăng mười bảy chưa già nhưng không trẻ.
Hai đứa bên nhau mà sao lặng lẽ,
Tiếng trống đình mỗi lúc một xa thêm...


Bước một mình tìm lối cũ thân quen
Anh trở lại nơi ban đầu hò hẹn
Phố đỏ đèn hoa, người xe nhộn nhịp
Đêm Lái Thiêu mà cứ ngỡ Sài Gòn.


Mấy mươi năm trời thân đất khách vùi chôn,
Anh bỏ phí một thời tuổi trẻ.
Gặp lại nhau, em cũng không còn son trẻ,
Cả xuân thì em đã gửi quê hương.


Đường Lái Thiêu không dài lắm hả em?
Từng góc nhỏ phố phường như trẻ lại.
Anh ước mình hóa mười lăm mười bảy
Để nối mạch truyền kì cho đất mãi nở hoa.( Chung Thị Hạnh)



Tác giả đã chọn thể thơ tự do cho bài thơ này. Thể thơ phóng khoáng để chị có thể thoải mái bay bổng cùng ý thơ, diễn tả một cuộc tình mới chớm thủa đầu đời Làm nền cho “cuộc đất và tình người” . Trên mảnh đất Lái Thiêu tươi đẹp hôm nay, được dẫn dắt bởi phần mở đầu rất tình:



Lâu lắm rồi mới về lại Lái Thiêu, / Anh lẽ nào lại quên đi nguồn cội? / Em lẽ nào lại trách hờn anh vội, /Máu Lạc Hồng còn mãi chảy về tim.



Với bốn câu mở đầu . Tác giả muốn miêu tả một cuộc trùng phùng, trên mảnh đất ngọt ngào cây trái một thời. Nay trở mình vươn dậy theo đà phát triển công nghiệp của đất nước nói chung và Tỉnh Bình Dương nói riêng .

Quê hương của hai người cùng chung dòng “máu Lạc Hồng”.Anh thì đã “lâu lắm rồi mới về lại” và “em lẽ nào lại hờn trách anh vội”. Em không hờn trách bởi em biết “anh lẽ nào” có nghĩa là anh đã không “quên đi nguồn cội”. Quên làm sao được khi mà dòng máu đang cuồn cuộn chảy trong tim anh chính là dòng máu con “Lạc” cháu “ Hồng” .

Để minh chứng rõ hơn cho suy nghĩ của mình. Chị viết tiếp




Mấy mươi năm anh xa xứ đi tìm / Hạnh phúc ảo thiên đường không có thật. Thân viễn xứ lòng bùi ngùi đất khách./ Thèm giọt cà phê đắng ngắt quán Ba Cô.




Phương trời xa trong anh vẫn mơ hồ, / Một lái Thiêu ngày trở về cố quốc, /Có còn ai, cuối đời anh gặp mặt, /Lúng liếng miệng cười má đỏ làm duyên.



Vậy là anh đã rời xa quê hương tới “mấy mươi năm”. Mấy chục năm trời ấy anh “xa xứ” để “đi tìm” mà có lẽ bây giờ anh mới biết là “Hạnh phúc ảo thiên đường không có thật”.

Mấy chục năm ấy bôn ba nơi xứ người . Biết bao lần anh phải “bùi ngùi” nhớ quê hương xứ sở của mình.Nơi ấy có “má đỏ làm duyên” ngày trước, bây giờ ra sao? Liệu có bao giờ “gặp mặt”.

Nhớ người, nhớ quê, thèm cả hương vị “đắng ngắt” của “giọt cà phê” ở “quán Ba Cô”. Quán cà phê này chắc rằng, đã lưu dấu rất nhiều kỷ niệm trong anh. Ngày còn ở quê nhà. Chứ không hẳn chỉ là nhớ hương vị cà phê không thôi. Bao nhiêu nỗi nhớ ấy “trong anh vẫn mơ hồ” .để mong mỏi có một ngày “trở về Cố Quốc” . Về Lại Lái Thiêu. Nỗi nhớ về quê hương đâu chỉ có vậy. Người xa xứ “mấy mươi năm” . Còn vời vợi nỗi nhớ mà nhớ nhất có lẽ là những kỷ niệm, những nơi chốn liên quan đến “má đỏ làm duyên”


Nhớ đình Phú Long ngày lễ hội Kì Yên, / Em xin mẹ vào đình xem hát bội. / Anh cũng bỏ bát cơm chiều vừa bới vội, / -"Mẹ ơi, con vào đình xem lễ hội Kỳ Yên!"



Lái Thiêu có “đình Phú Long” thờ thành hoàng khai phá vùng đất nam bộ. Còn lễ hội Kỳ Yên là lễ hội tưởng nhớ vị có công khẩn hoang vùng đất nam bộ, vừa cầu mưa thuận gió hòa. Trong lễ hội Kỳ Yên có hai phần phần lễ là chính và có thêm phần hội thường là hát bội.

Hai nhân vật anh và em ngày trước người thì lấy cớ “vào đình xem hát bội” . người thì “vào xem lễ hội Kỳ Yên” . Nhưng chẳng biết họ có nghe được một câu một từ nào trong màn “hát bội”, hay là có xem được chút nào “lễ hội” hay không?

Chỉ biết bây giờ hai người trùng phùng “ôn cố tri tân” với kỷ niệm về buổi lễ hội Kỳ yên năm ấy




Dòng sông Sài Gòn lờ lững ngắm sao đêm, / Trăng mười bảy chưa già nhưng không trẻ. / Hai đứa bên nhau mà sao lặng lẽ, /Tiếng trống đình mỗi lúc một xa thêm...



Vậy là hai trái tim lạc nhịp, hẹn hò đi lễ hội ở đình Phú Long mà bây giờ lại nhớ tới ‘hai đứa bên nhau mà sao lặng lẽ’ . Đi lễ hội thì phải đông người chứ sao lại chỉ có “hai người” và tiếng trống đình dồn dập trong lễ hội sao lại “mỗi lúc một xa thêm”. Họ đã đi xa lễ hội để đến bên “dòng sông Sài Gòn”…để mà “ngắm sao đêm”.hay trong tận đáy lòng của mỗi người, họ nghĩ rằng sẽ không còn dịp để bên nhau nghe tiếng trống đình,tiếng trống đình trong anh sẽ xa dần và sẽ trở thành quá khứ, một khi anh rời bỏ quê hương, rời bỏ chị, rời bỏ những ngày xem lễ hội Kỳ Yên?.

Tuổi mười bảy trở về cùng ký ức êm đềm, thật đẹp,nên thơ nên nhạc thành kỷ niệm bên nhau như vậy! mà anh nỡ rời xa “mấy chục niên” để bây giờ “Về lại” anh sau một hồi ngược về “thời ấy” đã trở lại thực tại hôm nay:



Bước một mình tìm lối cũ thân quen / Anh trở lại nơi ban đầu hò hẹn / Phố đỏ đèn hoa, người xe nhộn nhịp / Đêm Lái Thiêu mà cứ ngỡ Sài Gòn.



Mấy mươi năm trời thân đất khách vùi chôn,/ Anh bỏ phí một thời tuổi trẻ. /Gặp lại nhau, em cũng không còn son trẻ, /Cả xuân thì em đã gửi quê hương.



Ngày anh rời xa nơi này chỉ là một thị tứ bé nhỏ, sau chiến tranh tan hoang đổ nát, anh mang theo bên mình ký ức về một “má hồng cười duyên” trong đêm trăng “lễ hội Kỳ Yên”. Đêm nay anh “một mình” lặng lẽ đi trên những con phố “thân quen”. Một mình tìm đến “nơi ban đầu hò hẹn” sau “mấy mươi năm trời” đã “bỏ phí một thời tuổi trẻ”.

Trở về lại quê hương, anh ngỡ ngàng trước sự đổi thay.

Đâu rồi Lái Thiêu nhỏ bé ngày nào? Đâu rồi bờ sông lộng gió, bên những vườn cây trái xum xuê … Tất cả đã đổi thay, đổi thay tới mức mà “Đêm Lái Thiêu mà cứ ngỡ như Sài Gòn”.

Lái Thiêu hôm nay ngày “về Lại” đã thay đổi hết rồi anh ạ! Ngay như bản thân người mà bao năm xa xứ anh vẫn ngày đêm mơ hồ nghĩ tới “má đỏ cười duyên”. Vậy mà hôm nay “gặp lại nhau” thì em đã “không còn son trẻ” bởi “mấy mươi năm” qua thì “cả xuân thì” cũng trôi đi theo năm tháng gian khổ cùng với gian khó của quê hương!

“Mấy mươi năm” thời gian không quá dài, nhưng cũng không hề ngắn cho đời người hữu hạn. Nhưng nó đã đủ làm thay đổi tất cả …để giờ đây “về lại” thì cảm giác là:


Đường Lái Thiêu không dài lắm hả em?/ Từng góc nhỏ phố phường như trẻ lại. / Anh ước mình hóa mười lăm mười bảy / Để nối mạch truyền kì cho đất mãi nở hoa.



Đường đi thì vẫn vậy thôi. Nó không thể dài thêm. Có chăng là nó rộng hơn, đẹp hơn bằng phẳng hơn. Góc phố phường thì mỗi năm mỗi già đi , có chăng là sự thay da đổi thịt của nó, với những ngôi nhà cao tầng. Những khu công nghiệp mọc lên san sát. Những vườn cây trái mênh mông ngày trước, cứ ngày một thu hẹp dần. Cho anh- người xa xứ- cái cảm giác “trẻ lại” đấy thôi. Chứ không phải vậy!

Có lẽ bởi vậy nên trong anh đã cảm nhận được hương nồng của vị đất mặn mòi quê hương. Anh cảm nhận được hồn sông, tình đất, quyện hòa trong bầu không khí đang chảy trong dòng máu, trong trái tim khối óc anh. Anh có một chút nuối tiếc chăng ? nếu cho anh được trở về lại thời “ mười lăm mười bảy”. Anh sẽ làm lại từ đầu phải không?

Và có thể lắm anh sẽ cùng em “nối mạch truyền kỳ” mà em chưa làm hết được. Nếu có ngày ấy thì chắc chắn rồi “đất mãi nở hoa”.

Về Lại Lái Thiêu của tác giả Chung Thị Hạnh phải chăng là như vậy?



Sài Gòn 3/1/2013

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét