Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017
Cảm nhận Hai Khúc Giao Mùa của tác giả Bùi Thị Sơn
Nắng vàng trải nhẹ khắp nơi,báo hiệu mùa thu đã về. Thu về trong tiếng trống ếch em thơ cắc tùng tùng... Thu về cùng bó hoa cưới trên tay cô dâu chiều vu quy. Thu về theo chiếc lá vàng đang tìm đường xuống cội. Cứ tưởng thu về ai cũng háo hức chờ đợi. Nhưng không tác giả Bùi Thị Sơn đứng trước thu lại có cảm xúc đặc biệt khi viết hai Khúc Giao Mùa:
Giao Mùa 1
Tu hú mải miết rong chơi
Phượng còn thắp lửa cuối trời xa xa
Tiếc hè nồng ấm chưa qua
Mà sao trăng đã la đà đón thu ???
GIAO MÙA 2
Bốn mùa phân biệt, cách chia
Mùa này nối tiếp mùa kia rõ ràng
Giao mùa- thời điểm dở dang
Luyến lưu chưa dứt, lỡ làng lên ngôi...(Bùi Thị Sơn)
Hai khúc giao mùa chị viết bằng thơ Lục bát, mỗi khúc mang một tâm trạng hình thái của buổi giao mùa khác nhau.
Nếu như ở tuổi đôi mươi đọc hai khúc giao mùa này, tôi và có lẽ có nhiều bạn đọc khác sẽ nghĩ. Ừ mơ mộng một chút khi hè đi thu đến thôi mà. Ai không có chút lưu luyến màu hoa như màu máu con tim ấy!
Nhưng nay tôi đã rong chơi cùng cơn gió heo may đầu mùa.Tác giả cũng đang hong tóc trước cơn gió heo may cuối thu của đời mình. Lòng tự hỏi ý nghĩ tả thực ấy còn phù hợp hay chăng?
Còn nếu như ngẫm theo quan niệm của phương Đông với quy luật: Xuân sinh Hạ trưởng Thu Liễm Đông tàn…Thì những ý thơ của Khúc Giao Mùa càng thôi thúc tôi tìm xem chị đã gửi gắm điều gì trong hai khúc giao mùa này:
Tu hú mải miết rong chơi
Phượng còn thắp lửa cuối trời xa xa
Tu hú là loài chim xuất hiện nhiều vào mùa hè! Mùa hoa phượng nở cũng vậy.
Bất giác tôi nảy sinh ý nghĩ khi đọc hai câu thơ này,tuổi thanh xuân của ai cũng thế cả thôi. Mải mê lao vào guồng quay của cuộc sống. Người thì quá vất vả mà quên, người thì đầy đủ quá lo hưởng thụ để rồi khi giật mình thì nó trôi qua lúc nào không biết nữa… Trong tình yêu cũng vậy, cứ tưởng trao nhau lời thề nguyện hoặc cưới nhau rồi là đã có nhau mãi mãi! Trong dòng chảy cuộc đời đó đây ta bắt gặp nhiều lắm những chàng, những nàng “mải miết rong chơi” để cho nửa kia mê mải lao vào công việc mà quên đi… Như hình tượng “Phượng còn thắp lửa”.
Tiếc hè nồng ấm chưa qua
Mà sao trăng đã la đà đón thu ???
Ba dấu hỏi cùng trạng thái tiếc nuối, mà như trách cứ gợi cho ta chiều không gian mới của tứ thơ này. Mùa hè chưa qua thì là hẳn nhiên rồi, giao mùa mà. Nhưng “mà sao trăng đã la đà đón thu???” thì đã có một chủ thể thứ ba xen vào khoảnh khắc giao mùa, Đó là trăng! Hè trăng sáng vằng vặc, thì thu trăng vẫn nồng nàn quyến rũ chứ tác giả ơi! Phải chăng hè, thu, trăng có một sợi dây vô hình chia cắt hoặc liên lụy nhau? Hè nồng ấm để nguội màu nắng? Hay thu lơi lả gọi mời? Còn trăng hẳn nhiên là kẻ bị trách cứ vô tình rồi.
Dầu sao thì ta vẫn còn một Khúc Giao Mùa thứ hai đang đợi
Bốn mùa phân biệt, cách chia
Mùa này nối tiếp mùa kia rõ ràng
Giao mùa- thời điểm dở dang
Luyến lưu chưa dứt, lỡ làng lên ngôi...
Vâng rất đồng ý với chị, mỗi mùa có một thiên chức riêng của nó. Tôi xin mượn lời của Thầy Thích Nữ Diệu Hương trong Nội San Tâm Thị số 9 để nói về khúc giao mùa của chị : “Thời gian vô hạn, không gian vô cùng. Thời gian tự nhiên thì không trở lại, mỗi sát na chớp mắt trôi qua là trở thành quá khứ sau lưng khép kín, nhưng thời gian vật lý thì có tuần hoàn, hết ngày đến đêm, hết đêm đến ngày. Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm và Đông tàn; rồi lại xuân, hạ, thu, đông tuần tự. Vạn vật sống trong thời gian vật lý đó bị chi phối theo thời gian sanh, trụ, dị, diệt, như chồi mầm, trưởng thành, già cỗi và lá vàng úa chết. Rồi theo nhịp tâm đang vô thường mà vận hành chuyển động thành dòng phận đoạn sanh tử trong bản chất vốn tự chân thường. (Thích nữ Diệu Hương)
Qua đó ta nhận thấy Khúc Giao Mùa thứ 2 này. Hẳn chị chỉ muốn gửi gắm thêm cho thông điệp của khúc giao mùa thứ nhất rõ ràng hơn thôi. Hè có lẽ đã để quên mình, quên trăng mà cứ ngỡ vẫn còn nồng ấm, vẫn còn luyến lưu. Nhưng không! “luyến lưu” còn chưa dứt mà lỡ làng đã lên ngôi đấy thôi. Hè ơi! Trăng đã ngả sang thu ở đó có một mùa sum vầy, để hè ở lại cô đơn dẫu còn lưu luyến…
Hai Khúc Giao Mùa của tác giả Bùi Thị Sơn đã trôi qua cùng những ý thơ với ẩn ý được chị giấu trong Hè, trong Trăng, trong thu. Phải chăng với tâm ý không hẳn là khúc giao mùa, chuyển giao của thời tiết. Mà có một khúc giao mùa khác của một mối tình, của một duyên nợ. Hè như một cô gái dẫu đã trưởng thành luôn tin, luôn yêu chàng trai (Trăng) của mình. Bỗng một ngày ngỡ ngàng khi biết chàng trai ấy đã không còn của riêng mình nữa. Vòng tay cô gái khác (Thu) đã đón chàng ngả vào. Lỡ làng có lẽ là điều không tránh khỏi, dẫu có “Luyến lưu chưa dứt” cũng vậy mà thôi! Bởi “trăng đã la đà sang Thu…”
Thôi thì như đại thi hào Nguyễn Du từng viết:
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng (Truyện Kiều- Nguyễn Du)
Sài Gòn 6/9/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét