Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Em Từ Lục Bát Bước Ra Của Tác Giả Đan Thanh



1 Lục bát là lục bát ơi
Bắc cầu thương nhớ nối lời thơ ca
Nghìn năm vẫn cứ mặn mà
Dịu dàng đằm thắm, nõn nà, thanh xuân

2 Em từ lục bát bước ra
Mây hồng nắng lụa hai tà áo bay
Ngấn ngơ hoa bướm cũng say
Thoảng hương một suối tóc mây dịu dàng
Có em nắng rực rỡ vàng
Có em rừng núi xanh càng thêm xanh
Từ khi em nắm tay anh
Đất trời rạng rỡ, biển xanh dạt dào

3 Em từ lục bát bước ra
Má đào yếm thắm nết na thảo hiền
Gót sen lãng đãng bước tiên
Thơ ngây má lúm đồng tiền xinh xinh
Say vì sắc, đắm vì tình
Ngọt ngào em gọi: Ơi mình, mình ơi!


4 Em từ lục bát bước ra
Quần lĩnh, yếm thắm áo hoa rạng ngời
Môi xinh em mỉm miệng cười
Là mang dịu ngọt vào đời đó em


5 Em từ lục bát bước ra
Giản đơn chiếc áo bà ba dịu hiền
Em che vành nón nghiêng nghiêng
Ngát thơm một cõi bình yên cho đời


6 Em từ lục bát bước ra
Thắt lưng thiên lý điệu đà dễ thương
Em chê cuộc đời nhiễu nhương
Quần xệ, áo chẽn ra đường thấy ghê
Kín kín hở hở đem khoe
Hàng mới hàng xịn lăng xê quá trời
Lòng em tan nát, rối bời
Em thương lục bát giữa thời đảo điên

7 Em từ lục bát bước ra
Xinh đẹp quý phái như là bà tiên
Em chao con mắt liếc tình
Thế gian đổ quán xiêu đình vì em
Tháo yếm đào, bỏ vành khăn
Em thay áo chẽn short jean khoe đùi
Em chìm trong những cuộc vui
Đại gia, quan chức tới lui dập dìu
Ca dao buồn thỉu, buồn thiu
Trời ơi lục bát cũng tiêu mất rồi

8 Em từ lục bát bước ra
Em cởi yếm thắm vứt qua hàng rào
Mini cũn cỡn diện vào
Bơm ngực xẻ mắt…thành đào đại gia
Cưỡi xe SH tay ga
Cặp bồ quan chức dollar em xài
Nhìn em mà tưởng là ai..

9 Em từ lục bát bước ra
Bỏ con, bỏ vợ, bán nhà anh theo
“Yêu em mấy núi cũng trèo”
Nào ngờ duyên phận hẩm hiu thế này
Đâu rồi cái quạt cầm tay
Yếm đào, khăn vấn, cái dây lưng điều ?
Sáng mode nọ, chiều mode kia
Em người sành điệu lên bìa “thời trang”
Ở nhà đẹp, xài xe sang
Câu ca dao cũ bẽ bàng nhìn theo (Đan Thanh )

Lục Bát vốn là thể thơ có xuất xứ từ ca dao tục ngữ của dân tộc. Trải qua bao nhiêu những thăng trầm cùng dòng chảy lịch sử Thơ lục bát vẫn ngân vang tiếng nói của mình trên khắp mọi miền quê nước Việt Nam.
Hôm nay vẫn như mọi lần rong ruổi để đến với niềm yêu thơ của mình,tôi đã gặp bài thơ Em Từ Lục Bát Bước Ra của tác giả Đan Thanh một cựu học sinh trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn. Tôi thật sự bất ngờ bằng những vần thơ Lục bát mượt mà chị dắt tôi đi qua xuyên suốt nền văn hóa Việt Nam với trang phục hình ảnh và người thiếu nữ Việt trong mỗi giai đoạn lịch sử cho đến ngày nay…

Lục bát là lục bát ơi
Bắc cầu thương nhớ nối lời thơ ca
Nghìn năm vẫn cứ mặn mà
Dịu dàng đằm thắm, nõn nà, thanh xuân

Mở đầu chị giới thiệu về thơ lục bát, bao đời nay là cây cầu nối tình cảm đặc biệt, rất gần gũi với đời sống của người dân Việt. Dẫu nó cùng với nhân dân ta bị tới : "Một nghìn năm đô hộ giặc tàu. Một trăm năm đô hộ giặc Tây" , nhưng thơ Lục bát vẫn sống mãi và ngày càng : dịu dàng đằm thắm , ăn sâu vào tâm trí mỗi người dân, đặc biệt là những người xa xứ. Bởi thơ Lục Bát cũng chính là hồn dân tộc.
Hình ảnh người con gái Việt hiện đại, nơi phố thị, bước ra từ Lục Bát, với hình ảnh tà áo dài, được chị ví như mây hồng nắng lụa, mái tóc dài dịu dàng thướt tha trong gió, làm cho Hoa bướm cũng ngẩn ngơ say. Còn không gian thời gian phải bừng tỉnh. Và thiên nhiên cũng như cỏ cây đều rạng rỡ theo hình ảnh người thiếu nữ ấy

Em từ lục bát bước ra
Mây hồng nắng lụa hai tà áo bay
Ngẩn ngơ hoa bướm cũng say
Thoảng hương một suối tóc mây dịu dàng
Có em nắng rực rỡ vàng
Có em rừng núi xanh càng thêm xanh
Từ khi em nắm tay anh
Đất trời rạng rỡ, biển xanh dạt dào
Còn người thiếu nữ thôn quê bước ra từ lục bát thì sao? Chị miêu tả ngay như thế này

Em từ lục bát bước ra
Má đào yếm thắm nết na thảo hiền
Gót sen lãng đãng bước tiên
Thơ ngây má lúm đồng tiền xinh xinh
Say vì sắc, đắm vì tình
Ngọt ngào em gọi: Ơi mình, mình ơi!

Em là người con gái má đào và “gót sen lãng đãng” .Với chiếc yếm thắm, áo quần giản đơn, nhưng em là người con gái nết na, hiếu thảo, dịu hiền, nhẹ nhàng. Bấy nhiêu đã quá đủ để bất kỳ chàng trai nào cũng say vì sắc,đắm vì tình,Để mà se tơ kết tóc cùng em. Và, hiển nhiên rồi trong tổ ấm gia đình, có một người phụ nữ như vậy thì những lời nói dịu dàng mình ơi! mình à! Sẽ ngân nga như những giai điệu em ru bên tai các chàng thôi.Và nếu em giản đơn thêm một chút nữa với

Em từ lục bát bước ra
Quần lĩnh, yếm thắm áo hoa rạng ngời
Môi xinh em mỉm miệng cười
Là mang dịu ngọt vào đời đó em

Cái nết đánh chết cái đẹp. các cũ xưa dậy chẳng sai bao giờ.Giờ đây thơ chị nhắc lại điều này nữa. “Nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. vâng tôi đồng ý với chị rằng chỉ cần Môi xinh em mỉm miệng cười.Là đủ để cùng nhau bước vào đời.

Em từ lục bát bước ra
Giản đơn chiếc áo bà ba dịu hiền
Em che vành nón nghiêng nghiêng
Ngát thơm một cõi bình yên vào đời

Bốn câu thơ trên được chị miêu tả cho hình ảnh của người phụ nữ đại diện cho ba thời kỳ trang phục khác nhau của lịch sử, gắn liền với Phụ nữ Việt.
Yếm Thắm Áo Tứ Thân Váy Đụp gắn liền với câu ca Quan Họ ngọt ngào một thời xa rất xa .
Trải qua một bước ngoặt “Cấm quần không đáy người ta hãi hùng” .Quần lĩnh , Yếm thắm, áo hoa lên ngôi
Rồi hình ảnh áo bà ba nón lá giản đơn ấy luôn gắn liền với Phụ nữ kể từ trước và sau khi xuất hiện tà áo dài, cho đến hôm nay nó vẫn là trang phục gợi cho chúng ta về hình ảnh đẹp của người con gái Việt Nam

Cả ba khổ thơ này chị đều lấy khuôn vàng thước ngọc của người thiếu nữ dịu dàng ,đoan chính như vẻ đẹp vốn có của nó từ xa xưa đến nay. Công dung ngôn hạnh làm đầu. và đạo tam tòng tứ đức, ông bà cha mẹ xưa đã răn dạy và đúc kết lại làm hình mẫu cho con cháu ngày sau noi theo. Cho tới ngày hôm nay những đức tính và vẻ đẹp ấy, vẫn mãi là biểu tượng mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con mình là đại diện cho tầng lớp ấy trong xã hội hiện đại.

Từ lâu có lẽ từ lúc có áo dài thì chưa có bất kỳ một văn bản nào quyết định nó là Quốc Phục. Xong ở bất cứ nơi đâu trên khắp thế giới, nói đến hình ảnh người con gái Việt Nam thì luôn gắn liền với tà áo dài tha thướt và chiếc nón lá duyên dáng.Áo dài đã đi vào thơ vào nhạc. Nếu muốn, ta có thể gặp ở bất cứ đâu và luôn luôn gắn với người con gái

Ta có thể đơn cử như thi sỹ Nguyên Sa với Áo Lụa Hà Đông
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.
Áo dài trong thơ Phạm Thiên Thư được nhạc sỹ Phạm Duy mô tả trong bài bài Ngày xưa Hoàng Thị “Ôm nghiêng tập vở, tóc dài, tà áo vờn bay,…”
Và ngay cả trong những vần thơ mộc mạc của nhà thơ Huy Cận cũng xuất hiện tà áo dài với:

Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
Hôm xưa em đến mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng em đi đến
Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng (Áo trắng)

Ngược về quá khứ xa nữa thì hình ảnh cô gái thôn quê trong thơ của thi sỹ Nguyễn Bính

Hôm qua em đi tỉnh về
Chờ em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi

Và xa hơn nữa thì không phải tà áo dài mà là quần lĩnh áo tứ thân, e ấp chiếc nón quai thao, tóc cột đuôi gà trong thơ Nguyễn Nhược Pháp.

Nho nhỏ cái đuôi gà cao
Em đeo cái dải yếm đào
Quần lĩnh áo the mới
Tay em cầm chiếc nón quai thao.

Những hình ảnh ấy đã ăn sâu vào tâm thức mỗi chúng ta. Mặc dù quần lĩnh áo the giờ đây không còn phổ biến nữa. Nhưng cũng không vì vậy mà hình ảnh người con gái Việt Nam xa rời với nó. Ngay cả người con gái thời @ ngày nay trong suy nghĩ nhạc sỹ trẻ sỹ Luân vẫn thấy :

Có chiếc áo dài tung tăng trên phố
Những lúc buồn vui vu vơ nào đó….
Áo dài vui áo dài hát bao nắng xuân đang về khắp nơi
Áo dài nói áo dài cười mang hạnh phúc đến cho mọi người (Áo Dài ơi –Sỹ Luân)

Tuyệt nhiên trong ca dao, tục ngữ, thơ ca thời tiền chiến, cũng như thời hiện đại, không hề xuất hiện bóng dáng hình ảnh người con gái Việt Nam với áo hai dây, quần xệ,áo chẽn, shortjean. Vậy mà hôm nay tôi đã bắt gặp tất cả những trang phục ấy trong phần sau này của bài thơ Em Từ Lục Bát Bước Ra khắc họa chân dung một bộ phận nhất định… người con gái Việt Nam hoàn toàn khác.

Em từ lục bát bước ra
Thắt lưng thiên lý điệu đà dễ thương
Em chê cuộc đời nhiễu nhương
Quần xệ, áo chẽn ra đường thấy ghê
Kín kín hở hở đem khoe
Hàng mới hàng xịn lăng xê quá trời
Lòng em tan nát, rối bời
Em thương lục bát giữa thời đảo điên

Một bộ phận thiếu nữ thời nay bị cuốn theo cơn lốc ngoại lai.Đua đòi, ăn diện, hở hang, được chị phản ánh theo từng cung bậc cảm xúc tư tưởng thay đổi theo cơn lốc bùng phát của thời hội nhập và phát triển. Các bạn trẻ này đã có diễn tiến tâm lý thay đổi từ thấp tới cao trào .Ở khổ trên mới chỉ là quần xệ áo chẽn,nửa kín nửa hở…Nhưng trong lòng vẫn còn cảm thấy phân vân về sự thay đổi này .Giữa thời cuộc đảo điên còn cảm thấy cái hồn dân tộc cái bản chất người phụ nữ Á Đông vương vấn.Nhưng có lẽ vì:

Em từ lục bát bước ra
Xinh đẹp quý phái như là bà tiên
Em chao con mắt liếc tình
Thế gian đổ quán xiêu đình vì em
Tháo yếm đào, bỏ vành khăn
Em thay áo chẽn short jean khoe đùi
Em chìm trong những cuộc vui
Đại gia, quan chức tới lui dập dìu
Ca dao buồn thỉu, buồn thiu
Trời ơi lục bát cũng tiêu mất rồi

Các nàng thấy sự thay đổi này sẽ biến mình thành “xinh đẹp quý phái” và chắc chắn sẽ hóa thành Tiên. Và chỉ một cái liếc mắt đưa tình thì cả “thế gian đổ quán xiêu đình” . Suy nghĩ như vậy thì việc mà các cô gái này bị cuốn đi như cơn lốc là tất yếu. Chị diễn tả sự thay đổi này bằng hành động dứt khoát của họ là: “Tháo yếm đào, bỏ vành khăn

Em thay áo chẽn short jean …”. Khi mà tâm lý, tư tưởng và khát vọng của con người thay đổi từ trong ra ngoài như vậy thì việc bị cuốn theo trào lưu sa ngã là tất yếu và hậu quả trước mắt sẽ là: “Chìm trong những cuộc vui”…việc sa ngã này được chị diễn tả theo tâm lý và sự logic rất rõ ,từ những lần chìm trong cuộc vui sẽ dẫn tới đại gia và một bộ phận quan chức tha hóa biến chất , lắm tiền nhiều của tới lui dập dìu…tới mức này rồi thì bất cứ cô gái nào cũng chẳng còn nhớ mình từ đâu ra và mình cần giữ gìn phẩm hạnh như thế nào nữa…vậy là câu lục bát mà từ đó em bước ra đã hoàn toàn biến mất trong mắt họ. Hậu quả của việc mất gốc này chưa hết. Chị nhấn thêm một bước nữa cho ta thấy hậu quả nặng hơn

Em từ lục bát bước ra
Em cởi yếm thắm vứt qua hàng rào
Mini cũn cỡn diện vào
Bơm ngực xẻ mắt…thành đào đại gia
Cưỡi xe SH tay ga
Cặp bồ quan chức dollar em xài
Nhìn em mà tưởng là ai..

Ở trên chị dùng động từ nhưng mới chỉ là tháo bỏ ra thôi.Ngầm thông báo tôi tháo ra, tôi thay đổi đấy nhưng khi cần tôi dừng lại và tôi sẽ mặc lại…cũng đồng nghĩa còn có sự lưỡng lự suy xét. Xong ở đây thì trước những cám dỗ vật chất lớn hơn, không còn là cuộc vui mê đắm, hay đại gia, quan chức săn đón nữa. Mà nó được nâng cấp lên thành Xe tay ga SH rồi tiền thì cũng là tiền ngoại Dola chứ không còn đồng bạc nữa nên các cô sẵn sàng :Cởi yếm thắm mà Vứt qua hàng rào ...Thay vào đó là Mi ni cũn cỡn, rồi bơm ngực xẻ mắt và để mình thành Đào đại gia.Sự thay đổi chóng mặt này quả thật là không thể hình dung ra, chứ nói gì đến nhìn em mà mong nhận ra em bởi em đã không còn nhớ mình đã từ lục bát bước ra nữa. Và hậu quả nặng nề nhất của sự mất gốc và tha hóa của một bộ phận quan chức và một số thiếu nữ đua đòi ngày nay được chị viết

Em từ lục bát bước ra
Bỏ con, bỏ vợ, bán nhà anh theo
“Yêu em mấy núi cũng trèo”
Nào ngờ duyên phận hẩm hiu thế này
Đâu rồi cái quạt cầm tay
Yếm đào, khăn vấn, cái dây lưng điều ?
Sáng mode nọ, chiều mode kia
Em người sành điệu lên bìa “thời trang”
Ở nhà đẹp, xài xe sang
Câu ca dao cũ bẽ bàng nhìn theo

Gia đình tan nát vợ chồng con cái sẻ bầy rẽ nhánh.Cuối cùng là hình ảnh người phụ nữ Á Đông hoàn toàn biến mất. Dẫu nó đã là hình ảnh đẹp đẽ bao đời ăn sâu vào lòng người dân Việt nhưng giờ thì cũng phải chịu bẽ bàng nhìn theo .

Một bài thơ Lục Bát khá dài với chín khổ thơ, với những câu thơ mộc mạc giản dị, từ ngữ không trau chuốt,không sáo rỗng nhưng chứa đựng trong nó cả một chuỗi lịch sử người phụ nữ Việt Nam. Qua những ý thơ, tình thơ sâu sắc. Hồn thơ gợi mở nó đã dắt tôi đi theo những cung bậc cảm xúc của tác giả muốn nhắc lại hình ảnh quá khứ, những nét đẹp trong sáng của người phụ nữ duyên dáng đã bao đời nay trong lòng người dân Việt Nam.Những đức tính tốt đẹp cần phát huy và gìn giữ

Điều quan trọng là phần hai của bài thơ. Tác giả với nỗi lòng của người Bà, người Mẹ, người Chị cùng với trăn trở của một cô giáo già và trên hết là trăn trở suy tư của người Phụ nữ Việt Nam.Chị đã khắc họa và lên án một bộ phận giới trẻ ngày nay ăn chơi, đua đòi, dẫn đến sa ngã, cùng một số quan quyền biến chất cũng như lắm tiền nhiều của. Để rồi bị cuốn theo cơn lốc ngoại lai kệch cỡm. Đạp đổ hết thuần phong mỹ tục mà ông cha ta đã dày công vun đắp, rồi hậu quả là hư hỏng và sẽ là gánh nặng cho xã hội.

Cuối cùng bao giờ cũng thế trong một vườn hoa tươi thắm vẫn có vài cọng cỏ dại.

Đơn cử lỗi kỹ thuật là luật bằng trắc sai ở một số câu nhất định : Em cởi yếm thắm….Bơm ngực xẻ mắt …Và ngay câu mở đầu Lục bát là lục bát ơi !....Tuy nhiên những lỗi này không làm mất đi vẻ đẹp của câu thơ.Phải chăng ở đây tác giả cố tình sai để tăng ý nghĩa câu thơ mà tác giả muốn nhấn mạnh

Đó chỉ là những hạt sạn nhỏ trong một dặm đường dài, nên ta có thể không để ý tới và còn một điều nữa đó là bài thơ quá dài vốn nó vẫn có thể rút gọn lại…

Là một bạn đọc yêu thơ tôi xin cám ơn Tác giả Đan Thanh với bài thơ Em từ Lục Bát Bước Ra, đã cho tôi có cơ hội chiêm nghiệm về cuộc sống, về xã hội, về người phụ nữ Việt Nam, qua những cảm xúc thơ ca của chị.Có thể tôi chưa hiểu hết những gì chị muốn gửi gắm vào bài thơ này. Xin hãy coi đây là tình cảm của cá nhân tôi, dành cho một bài thơ mà tôi tâm đắc

Sài Gòn 22/10/2013
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét