Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

THÀNH ĐỒ BÀN MỘNG VÀ THỰC (Tạp Văn)




THÀNH ĐỒ BÀN MỘNG VÀ THỰC (Tạp Văn)

Con là ai ? Từ đâu tới ? Và vì sao lại muốn nương nhờ cửa phật? Hãy chậm rãi kể cho ta nghe.
Dạ thưa:
Năm 1287 con được sinh ra vào một chiều cuối hạ, mưa vần vũ hơn mười ngày qua, đã làm nước Sông Hồng dâng cao, ( Lại thêm một trận chiến bất phân thắng bại của Sơn Tinh và Thủy Tinh). trong bọc điều nhung gấm. Phụ Hoàng là một vị vua anh minh TRẦN NHÂN TÔNG, Mẫu Hậu là hoàng hậu Trần Thị Sinh,Anh trai con là thái tử sau nối nghiệp vua cha có tên TRẦN ANH TÔNG
Vẫn tưởng sinh ra trong gia đình hoàng tộc,con sẽ được hưởng hạnh phúc sung sướng hết đời, nhưng không phải vậy.
Tuổi thơ con là những ngày êm ấm hạnh phúc, vui chơi, học chữ, học thêu thùa, được vua cha và hoàng hậu cưng chiều. Năm con 12 tuổi, do lời hứa gả của vua cha ( lúc này đã nhường ngôi cho vua anh ) nên sứ thần của vương quốc Champa mang lễ vật sang cầu hôn. Vì con còn nhỏ và vì nhiều lí do khác nữa nên quan lại trong triều phản đối, chỉ có Quan nội chínhTrần Khắc Chung và một người nữa đồng ý gả , nên vua anh đã không gả con. Thời gian thấm thoát trôi.... năm năm sau vị vua nước Chiêm vẫn chưa từ bỏ ý định. Con lúc này đã là một cô gái trưởng thành tài sắc vẹn toàn. Con vẫn sống trong sự sợ hãi về một ngày kia mình sẽ phải rời bỏ nơi này...
Rồi đến một hôm nước Chiêm lại cho sứ giả tới, lần này kèm theo lời cầu hôn là một cuộc đổi chác làm vua anh và tất cả quan lại trong triều thay đổi quyết định. Vua Chiêm đã mang hai Châu là Châu Ô và Châu Rí ra làm Sính lễ để cưới con. Vậy là lễ vu qui của con nhanh chóng được định đoạt và tổ chức.
Vào một ngày đẹp trời năm 1306
Vua Cha và Hoàng Hậu căn dặn con:
-Con là phụ nữ, nay theo chồng nhớ phải giữ đạo hạnh tam tòng tứ đức, phu xướng phụ tùy.
-Dạ Thưa vâng
Con mang theo lời cha mẹ dặn dò, từ biệt cha mẹ và anh em hoàng tộc bước lên thuyền hoa, cùng đoàn tùy tùng do thầy dạy con cũng là quan trong triều, đưa con đi về một đất nước hoàn toàn xa lạ.
Đoàn thuyền đưa dâu xuôi dòng Hồng Hà ra biển lớn và theo hướng nam giương buồm. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đoàn thuyền đã cập bến thành Thị Nại. Đây là kinh đô cũ của vương quốc Champa. Thành Thị Nại được xây trên một dải đất nằm giữa hai nhánh của sông Côn là sông Cầu Đun và sông Gò Tháp, thành xây hình chữ nhật chạy dài theo hướng đông tây. Mặt thành phía bắc chạy dọc theo sông Gò Tháp, lấy sông làm hào chắn tự nhiên.Tường thành phía nam chạy dọc theo nhánh sông Cầu Đun. Tường thành phía đông xây dọc theo một hào nước được đào thông giữa hai nhánh sông tự nhiên . Nhìn từ biển lên con thấy thấp thoáng những đền đài, lầu các nguy nga cao vút trong thành.
Nhìn tòa thành con có chút yên tâm hơn với ý nghĩ đây là kinh đô cũ thì chắc kinh đô mới sẽ không phải là những ngôi nhà nhỏ giữa rừng, như những lời đồn trong dân gian con nghe được khi còn ở nhà
Đón con ở bến thuyền là đoàn voi, ngựa, xe cờ hoa rợp trời. Dẫn đầu đoàn người đó, và tiến về phía thuyền của con, là một người cao lớn, nước da sạm nắng,mái tóc gợn sóng bồng bềnh, mũi cao, mắt sáng thoáng nét đa tình, dáng vẻ hào hoa,phong nhã nhưng không kém phần uy nghi. Người đội một chiếc mũ hình trụ trên đỉnh có gắn một viên đá lớn tỏa ra ánh sáng nhiều màu sắc rực rỡ. Mặc một bộ quần áo lụa trắng , đường viền cổ áo, tay áo, lai áo,và hai hàng khuy lớn bằng vàng, bên ngoài khoác một chiếc áo long bào bằng vàng. Chân mang đôi hia màu đen có thêu hình con chim GARUDA màu đỏ* Theo lời của quan dẫn đoàn đó là Chế Mân, ông vua của vương quốc Champa và cũng là vị hôn phu của con.
Con bước lên bờ với sự hộ tống của cung nữ, mà không hiểu sao lúc đưa tay ra để chàng đỡ lên bờ, con đã bị vấp và may là cung nữ đỡ kịp chứ không con đã bị té ngã . Con trộm nghĩ không biết đây có phải là điềm báo gở cho mình hay không? Con được đưa lên ngồi trên kiệu voi cùng với chàng theo sau là đoàn người hộ tống. Suốt dọc hai bên đường đi, người dân ra vẫy chào hăm hở.
Khoảng một canh giờ sau, đoàn người đưa rước về tới Thành Đồ Bàn. Một tòa thành nguy nga tráng lệ nằm ẩn hiện giữa những cánh rừng xanh ngút ngàn, thành được xây bao quanh bằng những bức tường đá, chỉ để 4 cổng ra vào có quân sĩ canh gác.
Đoàn người tiến vào thành từ cửa phía đông. Khi đã vào bên trong thành con thấy những tòa tháp cao vút lộng lẫy, những đền đài nguy nga tráng lệ. Nổi bật trên nền trời là tòa cung điện nơi vua và hoàng tộc ở, nguy nga tráng lệ không thua mấy so với kinh thành Thăng Long.
Thành Đồ Bàn do tổ tiên của Phu quân con là Chiêm Vương Ngô Nhật Hoan xây dựng vào năm 999 với kiến trúc độc đáo và kiên cố. Đền đài, lầu các đều lớn hơn thành Thị Nại (kinh đô cổ. ) Đường đi trong thành lát bằng đá hoa cương. Những ngôi tháp trong thành thường đứng một mình chứ không thành cụm. Khi con đến đây thì những ngôi tháp này đã khoảng hai trăm tuổi rồi. Mỗi góc tháp đều trang trí tượng hình rắn bằng đá trắng.Trong thành có rất nhiều tượng voi, và tượng các loại quái vật bằng đá trắng mà khi ở quê nhà con chưa từng thấy bao giờ.
Cổng thành phía tây bắc có mười ngôi tháp,được xây trên một gò đất dùng để yểm hậu. Cổng thành phía tây có dãy đồi Kim Sơn án ngữ, Phía đông có núi Long Cốt làm tiền án, phía nam có Nhạn Tháp...
Chủ nhân của vương quốc Champa và tòa thành này chính là CHẾ MÂN, phu quân của con. Đây là một vị quân vương anh hùng, nhân hậu. Chính người đã chỉ huy đoàn quân nước Chiêm đánh bại đại quân Nguyên Mông do Hốt Tất Liệt dẫn đầu. Sau khi thua trận, quân Nguyên Mông để lại cơ man nào là xác chết trên thành Thị Nại. Người cho quân đi nhặt từng xác chết thiêu lấy tro cốt cho vào hũ. Cấp thuyền và lương thực cho những tù binh sống sót trở về quê.
Không những anh hùng và nhân hậu mà người còn là một vị quân vương đạo nghĩa. Minh chứng rõ nhất cho điều này là việc người tha chết cho một viên tướng của đạo quân Champa, đã câu kết với quân Nguyên Mông làm phản. Người chỉ thu hết quân và đuổi về quê làm ruộng*
Con về sống trong thành Đồ Bàn với ngôi hoàng hậu mang tên: PARAMECVARI. Được sống trong nhung lụa, trong tình yêu thương của phu quân. Đêm đêm hưởng tiệc dạ yến, có cung nữ múa hát giúp vui. Thời gian này chỉ kéo dài được gần một năm, sau một cơn bạo bệnh phu quân của con qua đời...
Đời người phụ nữ như hạt mưa sa, trong nhờ đục chịu. Con chịu cảnh góa bụa vào lúc chưa tới hai mươi....
-Thôi đủ rồi con đứng dậy đi
Khi tôi vừa chớm đứng dậy thì dẫm vào vạt áo và trượt ngã.............
.....................................................
Trời ơi ! thì ra nãy giờ tôi sống trong một giấc mơ. Người tôi ướt đẫm mồ hôi. Tôi ngồi dậy và phải mất một lúc tôi mới thoát khỏi ý nghĩ mình là Huyền Trân Công Chúa....Hôm qua tôi đi thăm Khu phế tích Thành Đồ Bàn và tu viện Nguyên Thiều nơi có cụm tháp Bánh Ít. Vào thắp nhang cho vị tổ sư Nguyên Thiều và lạy Phật xong, nơi tôi tìm đến đầu tiên là dưới chân Thích Ca Phật Đài, dưới bóng mát của bức tượng tỏa ra.
Nắng chiều xuống như chậm hơn khi bước chân của cảm xúc đầy vơi, đưa tôi tới mấy ngọn tháp Champa thuộc làng Tri Thiện xã Phước Quang, Tuy Phước Bình Định có tên gọi tháp Bánh Ít ( giống hình chiếc bánh ít ). Đây là quần thể tháp Champa còn nguyên vẹn nhất trên đất Bình Định vậy mà:

Ai tưởng đến tháp Chàm kia trơ trọi
Tháng ngày luôn rộng cửa đón ma Hời
Ai nhìn đến làn rêu thương lở lói
Trên thịt hồng nứt nẻ gạch Chàm tươi ( _ Chế Lan Viên )

Bốn ngọn tháp còn lại ngự trên đồi kế bên tu viện Nguyên Thiều, đều có của chính quay về hướng đông và có nhiều cửa giả với lối kiến trúc độc đáo của người Champa. Tháp chính cao 22m sừng sững tọa lạc trên đỉnh đồi. Xung quanh còn ba ngọn tháp nhỏ hơn. Với lối kiến trúc đa dạng và phong phú của người Champa. Hai ngọn tháp có hình dạng chiếc bánh ít ngọt trần và một ngọn có hình bánh ít mặn đã lột vỏ. Trải qua hơn một ngàn năm bốn ngọn tháp vẫn còn gần như nguyên vẹn, trước nghiệt ngã của thời gian.Tất cả cũng đã chứng kiến dưới chân mình biết bao dâu bể của cuộc đời cũng như những lời tỏ tình, lời thề ước, của biết bao đôi trai gái yêu nhau.
Thành Đồ Bàn giờ đây không còn được như cụm tháp Bánh Ít, chỉ còn là phế tích đánh dấu rằng nơi đây đã có sự hiện diện của một tòa thành, kinh đô của vương quốc hùng mạnh một thời. Nhìn vài pho tượng voi đá, sư tử đá, mấy bậc tam cấp,và một ngôi tháp Cánh Tiên trơ trọi., gợi nên trong tôi những dòng thơ của Chế Lan Viên :
Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới thời gian
Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than...

Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi
Những rừng thẳm bóng chiều tan hỗn độn
Lừng hương đưa rộn rã tiếng từ qui...( Chế Lan Viên )

Tôi nhớ tới bài hát Hận Đồ Bàn Của Xuân Tiên mà chạnh lòng :
Cả dĩ vãng là chuỗi ngày vô tận
Cả tương lai là chuỗi huyệt chưa thành
Cũng đương chôn lặng lẽ những ngày xanh … ( Chế Lan Viên )

Thành Đồ Bàn giờ đây:
Vẻ rực rỡ đã tàn theo năm tháng
Bao năm sau còn dội tiếng kêu thương... ( Chế Lan Viên )

Tôi thơ thẩn bên những di tích, nào chùa Nhạn Tháp phía nam thành, Chùa Thập Tháp phía tây bắc thành cổ. Ngôi chùa này được xây trên nền của mười ngôi tháp Chăm và bằng gạch cũ của chính mười ngôi tháp đó. Đứng trước bậc tam cấp chùa Thập Tháp, lòng tôi dâng tràn biết bao cảm xúc...
Từ khi gặp và đồng cảm với tập thơ Điêu Tàn của nhà thơ Chế Lan Viên, tôi rất thích tìm hiểu về những di tích, phế tích và cả những truyền thuyết gắn với vương quốc Champa. Day dứt trong tôi nhiều nhất chính là chuyện tình của công chúa Huyền Trân và ông vua Chế Mân khi nghe câu:
Tiếc thay cây Quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo ( Ca dao )
Hoặc :
Tiếc thay hạt gạo trắng ngần
Đã vo nước đục lại vần lửa rơm ( Ca dao )
Huyền Trân ngọc ngà kiều diễm thì không có gì phải bàn, nhưng Chế Mân một ông vua thời ấy làm chủ vương quốc Champa hùng mạnh và rộng lớn.Chủ nhân của tòa thành mà phía nam:
Đây chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo quanh thành ( Điêu tàn - Chế Lan Viên )
Phía tây thành:
Nơi ngựa hý chuông rền vang trong gió ( Chế Lan Viên )
Còn vào trong thành:
Đây điện các huy hoàng trong ánh nắng
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh ( Chế Lan Viên )
Vậy thì cớ sao ông lại bị ví với “thằng Mán, thằng Mường ) hay chỉ là “ Nước đục” nhỉ?Tôi cứ hỏi mình và tự đi tìm câu trả lời. Cuối cùng cũng phải chấp nhận rằng:
Thành Đồ Bàn cũng thôi không nức nở
Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe
Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ
Tan dần trong yên lặng của đồng quê ( Chế Lan Viên)

Tôi yêu quê tôi và yêu dải đất Nam Ngãi Bình Phú, yêu những truyền thuyết dân gian, yêu những câu dân ca và yêu cả những ca khúc, câu thơ gắn liền với lịch sử vùng đất ấy. Yêu lắm những người dân hiền hòa cần cù, chân thật và mến khách. Tôi đã đến, ra đi rồi trở lại, và sẽ còn trở lại nhiều lần nữa để hiểu thêm, yêu thêm về mảnh đất và con người nơi đây

* nguồn tư liệu sử dụng cho bài viết có tham khảo từ Internet
Huỳnh Xuân Sơn
13/7/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét