Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Về Miền Lục Bát Lãng Quên Của Tác Giả Nguyễn Hải Hà



Bài thơ Về Miền Lục Bát Lãng Quên của tác giả Nguyễn Hải Hà có liên quan tới một trò chơi dân gian, mà thủa nhỏ bọn con gái chúng tôi rất thích chơi. Ô Ăn Quan, chính là trò chơi ấy, nhưng có lẽ ông chỉ mượn trò chơi này để nói một kỷ niệm khác. Mà có lẽ suốt nhiều năm ông đã mang kỷ niệm về trò chơi này theo bên mình.

Người viết đã trên 70 tuổi mà từng câu thơ, ý thơ của ông trong vắt như là viết từ thời ông còn “để chỏm”vậy:

Nhớ thời chỏm tóc trái đào ,
Nết na lượm sỏi thả vào ô quan ,
Ứ ừ ...chả thích chơi gian ,
Tay úp tay...giấu "nỗi oan"đáy lòng .
Thế rồi ...cánh phượng phập phồng ,
"Bụi thời gian"phủ tơ hồng vương vương .
Người xưa ...có nhớ ,có thương ?
Ô quan vẫn đợi bên đường ...người ơi ! – (Nguyễn Hải Hà )

Bài thơ lục bát ngắn được ông viết về trò chơi dân gian Ô ăn Quan. Khỏi cần nói thì ai cũng biết trò chơi này chơi như thế nào!

Ở đây tác giả nói về trò chơi mà ông chơi từ “thời chỏm tóc trái đào” cơ và có một “nết na” nữa chơi cùng với ông, chứ làm sao mà một mình ông chơi được? hơn nữa trò chơi này vốn dĩ dành cho con gái mà.

Nhưng điều thú vị không chỉ ở từ “nết na” ông dùng để nói về người chơi cùng mình. Mà là ở hai câu sau:

Ứ ừ…chả thích chơi gian

Tay úp tay…giấu “nỗi oan” đáy lòng.

“Ứ ừ…”.là một phản ứng rất nhẹ nhàng của các bạn gái. Và có lẽ cô bạn này khi bị “chơi gian”liền phản ứng. Hai từ “ứ ừ…” đã hằn sâu trong tâm trí tác giả,

Đến hôm nay khi viết bài thơ này, ông đã viết ra hai từ “ứ ừ” rất dễ thương ấy một cách nhuần nhuyễn.

Hai câu thơ này là điểm nhấn cho cả bài thơ cũng bắt nguồn từ hai từ đắt giá “ứ ừ” ấy. Nếu có ai đọc được bài viết này xin cho tôi biết thêm về hai từ “ứ ừ” này nhé!

Còn về phía tác giả khi bị đối phương phát hiện thì tất nhiên là chối bay chối biến và kêu oan rồi.

Nhưng bây giờ thì lại thật thà khai rằng đã “tay úp tay…” để phi tang bằng chứng đi. Còn nỗi “oan thị Mầu” thì cậu chôn dấu tận “đáy lòng”…

Thời gian thấm thoát trôi thời “chỏm tóc trái đào” đã qua. Tuổi cập kê đã tới . Được tác giả mượn hình ảnh “ Cánh phượng phập phồng” nói dùm những rung động đầu đời của cậu trai mới lớn và có lẽ cả “nết na” cũng “phập phồng” nữa. Nhưng tới đây thì cái sự “phập phồng” không tiến thêm chút nào ! mà bài thơ xuất hiện “Bụi thời gian” phủ tơ hồng”.

Vậy là đã có sợi tơ hồng giữa hai người mà có lẽ mới chỉ là tình cảm nhè nhẹ thôi, nên tác giả dùng từ rất nhẹ nhàng “vương vương”

Nhưng vì thời gian xa cách có lẽ rất lâu nó đã làm lu mờ tình cảm của hai người. Tác giả không nói vì sao lại là “bụi thời gian” phủ” có lẽ ở thế hệ của ông tuổi yêu đương rơi vào những năm chiến tranh ác liệt, thì làm sao mà ông lại không có mặt trong số những người ra trận ấy! vậy là xa cách và biền biệt không tin tức.

Tới đây tôi nhớ tới ca khúc Mùa Hoa Cải Ven Sông của nhạc sĩ Lê Vinh có những ca từ như thế này:

Anh nói rồi anh đi

Chiến tranh không ước hẹn

Ai cũng bảo phải quên

Em đành bước sang ngang.

Gửi tình yêu ở lại (Lê vinh).

Có lẽ bởi vậy nên chẳng ngạc nhiên khi ông không hề trách móc, người ấy một câu nào dù là hờn trách nhẹ.

Và ông chỉ viết:

Người xưa...có nhớ có thương?

Ô quan vẫn đợi bên đường...người ơi!



Bây giờ tới câu kết ông mới chịu gọi “nết na” là “người xưa” và nhắn nhủ rằng nếu “có nhớ, có thương” thì hãy biết và nhớ rằng trò chơi xưa ấy “vẫn đợi bên đường”. Cũng có ý muốn nhắn gửi rằng tình cảm thuở xưa ấy, vẫn là một báu vật, mà ông luôn giữ gìn và cất nó vào một góc khuất trong trái tim….hai từ cuối đọc lên sao nghe tình cảm và tha thiết quá tác giả ạ …. “người ơi!”.

Bài thơ khép lại bằng một câu hỏi? thật không dễ trả lời cho cả ông và “người xưa”.

Chỉ có trò chơi chung giữa hai người và ký ức ngày xưa ấy thì vẫn còn mãi trong lòng tác giả. và một tiếng lòng ông cất lên tha thiết “người ơi!” khiến bất kỳ ai cũng phải nao nao theo khi đọc bài thơ này.

Tôi xin mượn một tứ thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh để kết cho bài viết của mình, cũng như gửi tới tác giả Nguyễn Hải Hà lời cám ơn!

Những ô ăn quan, que chuyền, bài hát

Những đầu trần, chân đất, tóc dâu ngô

Quá khứ em đâu chỉ ngày xưa

Mà ngay cả hôm nay thành quá khứ-(Thời Gian Trắng-Xuân Quỳnh)

Sài Gòn 25/11/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét