Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Nếu Em Tàng Hình Của Tác Giả Phạm Đức Mạnh



Từ thời xa xưa cho tới hôm nay. Đời sống hôn nhân, tình yêu hạnh phúc gia đình luôn là đề tài thu hút giới văn nghệ sĩ gửi gắm cảm xúc. Đặc biệt là các thi sĩ với những áng thơ, ca ngợi vẻ đẹp và đôi khi là sự hờn giận điểm tô hương vịcho cuộc sống. Riêng nhà thơ Phạm Đức Mạnh khi viết về đề tài này anh lại có cảm xúc đặc biệt . Anh không đi theo lối viết mà rất nhiều người đã viết đó là ca ngợi hạnh phúc…Anh viết về lúc “cơm không lành canh không ngọt”. Khi ấy không chỉ các “đấng mày râu” mà ngay cả giới “quần hồng” cũng thường nổi xung.. đôi khi là “nông nổi” ao ước người kia “khuất mắt”mình cho rồi…Điều này có lẽ không quá hiếm để tìm, để thấy, xung quanh chúng ta…

Tác giả đã chiêm nghiệm một câu nói nổi tiếng trước khi viết: * “Sự thịnh vượng tốt nhất, hoặc tệ nhất, của một người đàn ông là vợ của anh ta.” (Thomas Fuller 1608-1661 giáo sĩ -nhà sử học người Anh). Làm lời dẫn cho bài thơ

Nếu Em Tàng Hình.

Giả sử một ngày em tàng hình biến mất
Anh vô tư khoái chí cười tươi
Bay nhảy tứ tung chà đời cho đã
Tự do thả mình không trọng lượng ăn chơi

Đôi, ba ngày em tàng hình đâu đó
Anh cần chi nơi chốn đi về
Khi mỏi mệt gục đầu lên vườn gió
Giường vu vơ ru anh vào cơn mê

Nếu em tàng hình nhiều ngày vời vợi
Anh cô đơn chìm tận đáy khổ đau
Bao thứ trên đời chổng đầu lộn ngược
Nồi canh nấu nhầm toàn những gốc rau

Ngày cứ phình ra, đêm ốm dài vô tận
Không có em - anh xơ xác bờ thương
Đôi mắt quầng thâm, tâm hồn teo tắt
Bếp lửa âm u đói bữa cơm thường

Anh ngơ ngẩn ngồi chắp từng sợi nhớ
Ngóng tìm em qua tia nắng mặt trời
Mây sầu muộn đìu hiu về bến đợi
Lặng lẽ vô tình làm mắt lệ trăng rơi

Ngôi nhà thiếu em - từng giờ khô héo
Anh lang thang như ngọn gió bụi đời
Những ý nghĩ xa xăm bắt đầu run rẩy
Đêm trắng vật vờ sợ giấc mơ rơi

Về đi em - đừng tàng hình nữa nhé
Về bên nhau trong biển nhớ dịu êm
Anh thấm thía nỗi buồn cô độc
Vấu víu khoảng không khàn giọng gọi em.( SG, 3.2013- Phạm Đức Mạnh)

Một cảm xúc thơ ca đến từ những chiêm nghiệm trong cuộc sống?. Có thể nào không? Khi hiện thân của nó là một sự giả định (Nếu…) Nhưng lại ẩn chứa một khối tình cảm yêu thương dành cho người phụ nữ Công Dung Ngôn Hạnh, chủ nhân của một tổ ấm hạnh phúc. cùng những diễn biến tâm lý phức tạp hỗn độn của người đàn ông mà đại diện là nhân vật Anh…

Tất cả được tác giả giấu sau những ngôn từ chắt lọc kỹ lưỡng, gửi vào từng ý thơ. Mỗi khổ thơ là một tâm trạng của chủ thể Anh đồng hành cùng một vẻ đẹp của chủ thể Em…

Giả sử một ngày em tàng hình biến mất
Anh vô tư khoái chí cười tươi
Bay nhảy tứ tung chà đời cho đã
Tự do thả mình không trọng lượng ăn chơi

Điều giả sử gần như không thể có thật này được tác giả đưa vào ngay câu đầu tiên rằng “một ngày em tàng hình biến mất”. Chỉ có “tàng hình” mới “biến mất” được với Anh thôi! Nếu điều đó xảy ra thì “Anh vô tư khoái chí cười tươi” có ai trên đời này như Anh của tác giả không? Vợ biến mất khỏi tầm mắt mình, vậy mà hớn hở như thế. Không có Em ngày đó “tự do thả mình”. Nào là “bay nhảy..” thậm chí “chà mình cho đã”…Nếu vậy, hoá ra từ ngày có Em Anh bị trói buộc đến tội nghiệp vậy ư? Em mới “biến mất” mà cả khổ thơ từng từ, từng câu như reo vui lên như thế này hay sao? Có lẽ nào từ trong sâu thẳm đáy lòng Anh chỉ khát khao “em tàng hình biến mất”. Cái điều Anh “giả sử..” này thật cuốn hút người tò mò như tôi tiếp tục dõi theo:

Đôi, ba ngày em tàng hình đâu đó
Anh cần chi nơi chốn đi về
Khi mỏi mệt gục đầu lên vườn gió
Giường vu vơ ru anh vào cơn mê

Trời đất ơi! chẳng lẽ Anh lại khao khát điều giả sử này tới, không chỉ một ngày cho vui tươi, cho thoả chí, để nếm mùi “em biến mất”. Mà Anh lại nỡ “cạn tàu ráo máng” tới mức mong Em “tàng hình đâu đó..” tới “đôi, ba ngày”. Để cho anh tự do bay nhảy không “cần chi nơi chốn đi về”. Vậy đêm hôm khuya khoắt anh “mỏi mệt” ai chăm nom? ai săn sóc? Căn phòng hạnh phúc sẽ thiếu đi hơi ấm của Em…Đấy là tôi suy diễn thôi, chứ Anh của tác giả thì “khi mỏi mệt gục đầu lên vườn gió” ..Vườn địa đàng? hay vườn hoa cây cảnh của quán nhậu cho Anh gục đầu? “Giường vu vơ ru anh vào cơn mê”?

Đấy là do Anh đưa ra “giả sử..”Nên anh mới nghĩ được những ý nghĩ mà chỉ có ngôn ngữ thơ ca mới thoả ý anh thôi.

Bởi khi Anh không mơ màng theo điều giả sử kia ..Thì mỗi ngày nơi đầu tiên Anh muốn về là tổ ấm của mình, đang có người vợ thảo hiền chờ Anh về với mâm cơm dọn sẵn nóng hổi. Lỡ có quá chén với bạn nhậu thì có người lau mặt, cạo gió rồi “ru anh vào cơn mê” bằng đôi bàn tay mềm mại, với những lời âu yếm. Phải chăng với Anh là chưa đủ để giờ đây Anh muốn em “biến mất” tới đôi ba ngày” cho Anh thoả tự do làm điều ngược với thường lệ…Thật lạ lùng với suy nghĩ của Anh tác giả ạ!

Nếu em tàng hình nhiều ngày vời vợi
Anh cô đơn chìm tận đáy khổ đau
Bao thứ trên đời chổng đầu lộn ngược
Nồi canh nấu nhầm toàn những gốc rau

Lại là Nếu…Nhưng bây giờ nhịp thơ không còn réo rắt vui tai như lúc chàng lãng tử phong trần Anh khao khát ‘em biến mất” nữa. Mà nó đã chùng xuống bởi nếu một ngày thì thích thú, đôi ba ngày thì thoả chí trai. Nhưng nếu Em “biến mất” “nhiều ngày vời vợi”… (Đấy là mới nghĩ đến thôi đấy nhé.) Mà đã cảm thấy “cô đơn chìm tận đáy khổ đau”. Có lẽ là Anh đã nói quá lên đấy thôi. Chứ nào đến nỗi “nồi canh nấu nhầm toàn những gốc rau”. Nhưng nếu thế thật, thì rõ ràng Anh là người sướng nhất trên đời, ngày lại ngày mọi công việc “không tên” trong nhà đã có Em lo hết, đến nỗi Anh không biết cần phải nấu canh bằng ngọn hay gốc cơ mà. Khi nồi canh không biết nấu, dẫu ngày nào cũng ăn. Thì lẽ đương nhiên (chẳng có gì phải ngạc nhiên) khi“Bao thứ trên đời chổng đầu lộn ngược”.

Nếu Em vẫn “tàng hình biến mất” thì Anh chưa thể leo lên từ “đáy khổ đau” được mà có lẽ ở luôn “dưới ấy” để gặm nhấm nỗi niềm “chà đời cho đã”:

Ngày cứ phình ra, đêm ốm dài vô tận
Không có em - anh xơ xác bờ thương
Đôi mắt quầng thâm, tâm hồn teo tắt
Bếp lửa âm u đói bữa cơm thường

Nhiều từ đắt giá làm điểm nhấn cho một tứ thơ thành công của tác giả Phạm Đức Mạnh, đó là từ phình và từ ốm, teo tắt, âm u... Khi “không có em” lòng cảm thấy “xơ xác..” Mà là “xơ xác bờ thương” mới khổ chứ! Bữa đến chẳng thiết nấu, thiết ăn, để cho “bếp lửa âm u”.. Đêm thiếu đi hơi ấm thân quen làm sao mà ngủ. Khi không ngủ đương nhiên “đôi mắt quầng thâm”. Cảm giác “đêm dài như vô tận” thêm một chữ ốm mới cám cảnh làm sao. Ngày thì đỡ hơn bởi dù sao cũng còn có người ta qua lại. Cảm giác ngày rộng phình ra cũng là một phát xuất lạ cho một “tâm hồn teo tắt”. Vai trò của Em trong tổ ấm đã được Anh biết đến nhờ khát khao mong Em “tàng hình biến mất” rồi chăng.

Anh ngơ ngẩn ngồi chắp từng sợi nhớ
Ngóng tìm em qua tia nắng mặt trời
Mây sầu muộn đìu hiu về bến đợi
Lặng lẽ vô tình làm mắt lệ trăng rơi

Ngôi nhà thiếu em - từng giờ khô héo
Anh lang thang như ngọn gió bụi đời
Những ý nghĩ xa xăm bắt đầu run rẩy
Đêm trắng vật vờ sợ giấc mơ rơi

Bao nhiêu háo hức vui tươi khi “một ngày em tàng hình biến mất” vụt tắt. Nhường chỗ cho Anh buồn hiu hắt. Cô đơn sầu khổ thân Anh, với nhà vắng, bếp nguội đã đành. Nỗi niềm thiếu vắng Em còn lan sang cả “mây sầu muộn..” rồi “mắt lệ trăng rơi”. Em đã “tàng hình biến mất” rồi, sao Anh còn “ngóng tìm” nhỉ?

Bây giờ mới thấy “Ngôi nhà thiếu Em- từng giờ khô héo”. Chả bù cho những lúc bù khú với bạn bè để Em ngồi một mình chờ cơm tới đêm khuya. Giờ đây “lang thang như ngọn gió bụi đời” rồi “ bắt đầu run rẩy” để lo lắng cả “đêm trắng vật vờ”…Sợ giấc mơ rơi? Hay Anh sợ Em biến mất là sự thật? rồi đây Anh sẽ ra sao khi “ngôi nhà thiếu Em”…

Về đi em - đừng tàng hình nữa nhé
Về bên nhau trong biển nhớ dịu êm
Anh thấm thía nỗi buồn cô độc
Vấu víu khoảng không khàn giọng gọi em.

Không muốn thì khổ thơ kết cũng đã đến. Mang theo nỗi lòng cô quạnh của chủ thể Anh…Một tứ thơ kết nhẹ nhàng về ý thơ nhưng hồn thơ thật nặng, có lẽ nặng hơn rất nhiều “nỗi buồn cô độc”của Anh khi “vấu víu khoảng không khàn giọng gọi em.” Em có về không? Câu hỏi này tôi để ngỏ…

Dẫu có chút sóng xô nhưng Em vẫn kề bên. Em chưa hề “tàng hình biến mất”. Tổ ấm hạnh phúc vẫn ngày ngày được vun đắp bởi bàn tay và tấm lòng cũng như tình yêu của Em dành cho Anh. Anh vẫn ngày ngày đều đặn chỉn chu đi làm, xong việc là muốn ào về thật nhanh với Em để cùng nhau chắt chiu mật ngọt nuôi cây hạnh phúc.

Nếu tôi là tác giả Phạm Đức Mạnh tôi sẽ kết bài viết của mình như thế. Nhưng tôi là tôi. Vậy thì cái kết sẽ là của tác giả, là của bạn đọc, mỗi người sẽ tự tìm thấy cho mình một đoạn kết riêng trong bài thơ Nếu Em Tàng Hình.

Dù bài thơ câu chữ “nghiêng về giả định..nhưng chữ “Nếu” ấy được đặt trên nền tảng chuyển động có thực”…Có lẽ không dễ tìm một cặp vợ chồng nào, trên đời này lại chưa hề có chuyện “cơm không lành canh không ngọt”. Và, chút sóng gió ấy chính là gia vị, là chất xúc tác ủ dậy men tình trong cuộc sống.

Sài Gòn 12/6/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét