Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017
Cảm Nhận Bài Thơ Heo May Của Tác Giả T.T
Chiều nay thật bất ngờ cô bạn học từ cách đây gần ba chục năm vô Sài Gòn công tác ghé thăm và tặng tôi cuốn sách Gió Heo May Đã Về, của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết cho tuổi xế bóng. Kèm theo lời dặn chuẩn bị tâm lý đi nhé, sắp già rồi đấy, kẻo khi “cái già xồng xộc nó theo sau” lại khóc!
Bạn về rồi mở sách ra đọc mới thấy. Ừ! Mình đã vào tuổi heo may rồi! theo vị bác sĩ này tuổi sắp già, chớm già,hườm hườm hay là tuổi heo may nó rơi vào từ 40 đến 60 tuổi. Và một loạt những điều nó gây rắc rối cho ta nếu không chuẩn bị kỹ càng để chờ đón nó….Tôi thầm cám ơn người bạn tâm lý của mình.
Gấp cuốn sách lòng tôi thư thái mở máy bấm Tho.com.vn. thật trùng hợp gặp Heo May của tác giả T.T. Mặc dù tôi đã đọc bài thơ này từ ngày bài thơ mới xuất bản trên Thi Đàn, song hôm nay tôi đọc nó với một tâm trạng khác hẳn, và bỗng cảm thấy rất muốn viết gì đó về Heo May của chị.
Heo May
Giao mùa nghe lá trở trăn
Nghe heo may đến băn khuăn nỗi sầu
Xuân em, một thoáng về đâu?
Ngoài hiên chiếc lá pha màu bâng khuâng.
Phớt buồn ngọn cỏ rưng rưng
Bóng mây phiêu lãng trên tầng ươm mơ (T.T)
Với vỏn vẹn sáu câu thơ lục bát, chị đã diễn tả được tâm lý của người phụ nữ khi bước vô tuổi về chiều và cảnh sắc của mùa thu là mùa của Heo May cũng được chị lồng vô rất nên thơ và hòa quyện giữa ý thơ và tình thơ.
Ngay hai câu đầu:
Giao mùa nghe lá trở trăn
Nghe heo may đến băn khoăn nỗi sầu.
Hai câu thơ hai từ “nghe” và “giao mùa” là qui luật tự nhiên ắt phải có và phải đến dù ta có chờ đón hoặc xua đuổi thì heo may vẫn cứ về cùng buổi giao mùa kia. Chị băn khoăn khi lá ngoài kia trở trăn và buổi giao mùa tới bởi vì đâu? Có khi nào hai từ nghe kia là do chị chưa chủ động đón nó, chỉ đến khi “nghe” thì nó đã xộc đến rồi. nên trong chị mới có “băn khoăn nỗi sầu”.
Và chính bởi không chủ động nên chị giờ đây mới giật mình và tự hỏi:
Xuân em, một thoáng về đâu?
Ngoài hiên chiếc lá pha màu bâng khuâng.
Ngoài hiên kia chiếc lá đã pha màu rồi có nghĩa hạ tràn đầy sức sống thanh xuân đã vừa kết thúc buổi tiễn lá sang thu. Chớm thu lá còn chưa hẳn vàng và xanh tươi trẻ trung thì cũng không còn nữa nó ở trạng thái “pha màu” .
Còn chị với câu hỏi “xuân em một thoáng về đâu” chị hỏi ai bây giờ được nhỉ. Mới xuân xanh phơi phới, cỏ cây đâm chồi nảy lộc, vậy mà đã lùi xa. Nhường chỗ cho cả một mùa hạ xanh rờn đầy sức sống năng động cũng vừa kịp trôi qua, bây giờ chị mới “nghe’ và giật mình hỏi “về đâu?” ư.chị hỏi và chính chị đã trả lời đấy thôi “lá pha màu” bâng khuâng, hay chính lòng chị đang bâng khuâng khi heo may đã về tới cửa.
Khi mà chị hỏi “về đâu?” cũng chính là lúc chị đã chấp nhận và chuẩn bị mở cửa đón Heo may về, mặc dù nó đã chẳng cho chị được có thời gian chuẩn bị . nó đã về tới ngay “ngoài hiên” ngay lúc mà chị thấy “lá pha màu” và ngay khi lòng chị “bâng khuâng”.
Và rồi đó cũng chính là qui luật của tự nhiên của tạo hóa mà. Chị đã viết
Phớt buồn ngọn cỏ rưng rưng
Bóng mây phiêu lãng trên tầng ươm mơ
Hai câu kết cho một bài thơ ngắn viết về một buổi giao mùa thôi chứ không là cả mùa nào. Cho ta thấy với chị dù bất ngờ khi “nghe” mới biết xong chị chỉ “phớt buồn” thôi còn “ngọn cỏ” ngoài kia mới “rưng rưng” thôi nhé! Chứ không phải chị “rưng rưng” đâu!
Có lẽ chị muốn nói với tôi với bạn và với chính tâm hồn chị như vậy!
Và một điều rất vui với chị khi gió Heo May về đã mang theo “bóng mây phiêu lãng trên tầng” không kia, không phải là áng mây buồn giống ngọn cỏ dưới chân nữa. mà nó đã mang lại là vườn ươm mầm gieo hạt những ước mơ của chị khi vào tuổi xế chiều.
Chắc chắn với “bóng mây phiêu lãng trên tầng ươm mơ” kia sẽ cùng với chị cho ta thưởng thức rất nhiều bài thơ hay nữa chứ không chỉ một Heo May hôm nay.
Sài Gòn 18/12/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét