Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017
Cảm Nhận Bài Thơ Nói Với Em Của Nhà Thơ Trương Quang Thứ
Tôi chưa có may mắn gặp nhà thơ Trương Quang Thứ. Nhưng rất mến mộ anh qua chặng đường suốt 40 năm sáng tác thơ cùng biết bao nhiêu tác phẩm ra đời! tôi chưa thể đọc hết chúng, nhưng với hơn ba chục tác phẩm đăng trên trang cá nhân thì tôi đã đọc hết, Tôi không chỉ đọc với tình cảm của một bạn đọc yêu thơ không thôi. Tôi còn đọc bằng sự tìm tòi và học hỏi . Tôi nhận thấy tràn ngập trong thơ anh là những cảm xúc chân thành, xuất phát từ một trái tim đa cảm yếu mềm ẩn nấp trong vỏ bọc lý trí cằn khô, chỉ chờ có dịp là bùng phát dữ dội.
Thơ của nhà thơ Trương Quang Thứ không sử dụng quá nhiều kỹ thuật. Nhưng ngôn từ thì luôn được trau chuốt chọn lọc cẩn thận kỹ lưỡng, trước khi đặt vào khuôn khổ câu chữ và xúc cảm thơ ca thăng hoa.
Trong dòng thơ mà tôi đã đọc và cảm nhận. Có một bài thơ, mà mới đọc qua thôi, tôi ngỡ tác giả là một ai khác chứ không phải là anh. Bài thơ này, kỹ thuật và sự trau chuốt ngôn từ, của một người gần 40 năm làm thơ được đặt sau yếu tố tình thơ. Hay nói cách khác là ngôn từ mộc mạc được sử dụng làm nổi bật lên tình cảm của người viết muốn gửi gắm vào nội dung. Bài thơ tôi muốn nói đó là :
Nói Với Em
Đời mình nhiều trái ngang cay cực
In trong em dấu mệt mỏi hằn sâu
Bởi tại anh một phần - anh biết
Nên bây giờ vẫn mang một niềm đau
Mái tóc em sợi nào vừa thốt bạc
Trắng mòn đêm bởi niềm nỗi riêng tư
Em mệt mỏi tổn thương đau khổ
Có thể nào anh tạ lỗi bằng thơ?
Suốt chặng dài em bên anh phụng sự
Bằng niềm tin bằng tất cả thương yêu
Bỗng một ngày trái trời trở gió
Em sững sờ tim lặng hóa phong rêu!..
.
Anh biết em chịu tủi hờn cay đắng
Thay giờ đây đáng được hưởng ngọt bùi
Anh có lỗi vô cùng !giá đời mình đánh đổi
Dành cho em ánh mắt nụ cười vui
Em cứ trách anh nhiều đi nữa
Để anh hiểu thêm đời và sống tốt hơn
Đời dẫu muộn vẫn đang chờ phía trước
Anh nhặt nắng về làm ấm lại hoàng hôn( Trương Quang Thứ)
Không biết rằng Anh của Tác giả sẽ nói gì với Em trong NÓI VỚI EM đây? Thắc mắc này tôi thực sự muốn đi tìm câu trả lời!
Nói Với Em được mở đầu bằng:
Đời mình nhiều trái ngang cay cực
In trong em dấu mệt mỏi hằn sâu
Bởi tại anh một phần - anh biết
Nên bây giờ vẫn mang một niềm đau
Chẳng cần phải đào bới tìm ý tứ đâu xa, anh đã nói ngay, nói liền về cuộc đời của hai nhân vật chính là Anh và Em . Hai người cũng là đại diện cho một thế hệ sinh ra trong chiến tranh. Lớn lên trong thời chuyển giao giữa hai cuộc chiến. trưởng thành trong chiến tranh và vật lộn với cuộc sống khó khăn thời bao cấp.
Với những người cùng thế hệ anh dù tham gia chiến tranh hay không? trực tiếp hay không trực tiếp tham gia cầm súng . Họ đều nếm trải “trái ngang, cay cực”. “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”. Ở đây “Dấu mệt mỏi hằn sâu” nơi Em. Là “Bởi tại anh một phần…” . Không rõ tại sao anh lại có ý nghĩ ấy. Chỉ thấy tác giả viết : “anh biết…” . Cho đến lúc này sau nhiều năm đầu ấp tay gối ,san sẻ vui buồn. Anh vẫn canh cánh trong lòng “một niềm đau”.
Anh còn muốn nói chắc chắn rất nhiều điều chứ đâu chỉ có vậy. Ta hãy lắng lòng lại nghe điều anh muốn nói tiếp nhé:
Mái tóc em sợi nào vừa thốt bạc
Trắng mòn đêm bởi niềm nỗi riêng tư
Em mệt mỏi tổn thương đau khổ
Có thể nào anh tạ lỗi bằng thơ?
Quả thật tôi đã phải dừng lại một lúc lâu với khổ thơ này. Dẫu những câu từ tác giả dùng thật mộc mạc giản dị như chính những điều mà nhân vật Anh muốn nói!
Tóc phai theo năm tháng là qui luật biến thiên của cuộc sống, dù muốn hay không nó cũng sẽ đến mà! Huống chi Em của Anh đã phải “trắng mòn đêm bởi niềm nỗi riêng tư” ? anh nhận thấy” đêm mòn” theo nỗi niềm của người thiếu phụ bên Anh. Anh nhận thấy “Em mệt mỏi, tổn thương” và cả “đau khổ ” nữa. Có lẽ với những cảm nhận này anh chợt giật mình nhìn lại chính bản thân . Những năm tháng qua anh để lại đấu ấn gì? có lẽ chỉ có Thơ. Nhưng thơ lại là yếu tố góp phần làm lên những “sợi nào vừa thốt bạc”. giờ nghiệm ra điều ấy anh mới bâng khuâng tự hỏi lòng : “có thể nào anh tạ lỗi bằng thơ”.
Tôi nghĩ Anh tự hỏi lòng, vì tôi cảm nhận rằng có lẽ là Anh không mang thành quả này để “tạ lỗi” với Em . Vì Anh biết nó chẳng thể nào làm vơi đi những sợi tóc đã vì Anh , vì thơ mà phải “thốt bạc”. Tác giả thật tài tình khi dùng động từ Thốt ở đây. Đọc lên ta có cảm giác chính Anh đang thảng thốt khi nhìn thấy chúng. Nếu tác giả dùng từ khác chắc hẳn không để lại dấu ấn cho tôi nhiều đến như vậy.
Nhưng với câu hỏi vì sao Anh phải tạ lỗi bằng thơ thì vẫn chưa có câu
trả lời. Ta theo tác giả vào khổ thơ tiếp:
Suốt chặng dài em bên anh phụng sự
Bằng niềm tin bằng tất cả thương yêu
Bỗng một ngày trái trời trở gió
Em sững sờ tim lặng hóa phong rêu!...
Khổ thơ này có lẽ tác giả đã đặt nó như là một con dốc cho người tò mò như tôi hăm hở leo lên. Anh đã biết ,đã nói ra được nỗi lòng với Em. Đã thấu hiểu rằng “suốt chặng dài Em bên Anh phụng sự”. Quan trọng là đã cảm nhận được sự quan tâm lo lắng chăm sóc ấy “bằng tất cả yêu thương” và với “niềm tin”. Hai chữ niềm tin mới đáng quí và trân trọng biết bao!
Rất nhiều người sống với nhau yêu thương lo lắng cả “phụng sự” nhau, nhưng họ vẫn nghi kỵ nhau, đặc biệt khi bên họ là một “nhà thơ” với tâm hồn nhạy cảm và trái tim dễ lạc nhịp bởi nó vốn “yếu mềm”. Nhưng ở đây Em đã bên Anh bằng “niềm tin”, hà cớ gì mà “bỗng một ngày trái trời trở gió”…Trời nào? và trái gì? đã đưa cơn gió độc hay gió lạnh để cho “Em sững sờ..” và tại sao mà từ cảm giác sững sờ lại đi đến “tim lặng hóa phong rêu!”..???
Nếu chỉ cảm giác Sững sờ thôi thì thiếu gì chuyện khiến “Em sững sờ..” một bài thơ ra đời được bạn đọc đón nhận ngoài sức tưởng tượng của Anh , hay tin con trai đậu đại học với số điểm cao, hoặc đơn giản một lứa rau bán được giá gấp nhiều lần dự tính, đều khiến chị em phụ nữ có cảm giác Sững sờ…nhưng sững sờ mang theo cảm giác “tim lặng …” mà còn “hóa phong rêu!” thì phải để lại câu hỏi và câu trả lời này cho riêng Anh và tác giả thôi!
Thắc mắc chồng thêm thắc mắc, nhưng những lời Anh Nói Với Em thì vẫn đang tiếp diễn:
Anh biết em chịu tủi hờn cay đắng
Thay giờ đây đáng được hưởng ngọt bùi
Anh có lỗi vô cùng! giá đời mình đánh đổi
Dành cho em ánh mắt nụ cười vui
Khổ thơ chân thành hối lỗi sau khi thấy trái tim kia không những “lặng” mà còn “hóa phong rêu”. Tác giả đã để Anh Nói Với Em bằng tấm chân tình, được chuyển tải qua những câu thơ mộc mạc, nhưng thấm đẫm tình cảm, khiến cho người ngoài cuộc khi nghe còn mủi lòng, chứ nói gì đến người đối diện với Anh đang nghe.
Không biết những lời này sau khi Em nghe thì phản ứng ra sao? Trái tim đã rộn ràng trở lại hay chưa? Nhưng với khổ kết thì đã mở ra một chiều hướng khác . Mặc cho Em đã chịu nở “nụ cười” qua “ánh mắt” hay không?
Em cứ trách anh nhiều đi nữa
Để anh hiểu thêm đời và sống tốt hơn
Đời dẫu muộn vẫn đang chờ phía trước
Anh nhặt nắng về làm ấm lại hoàng hôn
Một cái kết mở cho một bài thơ thấm đẫm tình cảm. Với bốn câu thơ diễn tả thực tại rằng bản thân Anh thì mong muốn : “em cứ trách anh nhiều nữa đi” (có lẽ Em chỉ sững sờ rồi chết lặng mà “hóa phong rêu” trái tim thôi, chứ Em chưa hề trách móc Anh câu nào thì phải). Nếu chỉ kết bằng câu “ Để anh hiểu thêm đời và sống tốt hơn”. Thì ta chưa tin rằng trái tim đau khổ kia sẽ hết “hóa phong rêu”.
Nhưng hai câu kết đặc biệt là câu cuối “Anh nhặt nắng về làm ấm lại hoàng hôn”.
Từ ý thơ, thủ pháp dùng từ tới thông điệp muốn chuyển tải qua câu thơ đã trở lại tràn đầy chất thơ, mang hồn thơ với phép ẩn dụ tài tình của người làm thơ lâu năm.
Cho thấy một tương lai sáng lạn đã mở ra, dẫu cả hai đã bước vào tuổi xế bóng của cuộc đời rồi. Nhưng chưa có gì là muộn cả Anh quả quyết “sẽ đi nhặt nắng về làm ấm lại hoàng hôn” . Anh tin tưởng mình sẽ gom đủ nắng để sưởi ấm tổ ấm ít nhiều đã bị lạnh. Anh tin, Tác giả tin, tôi tin và mong rằng nhiều bạn đọc khác nữa chúng ta cùng tin để tiếp thêm sức mạnh cho người biết sửa lỗi và có niềm tin rằng không bao giờ là muộn cả!
Một bài thơ Tự Do với những ngôn từ mộc mạc, chân chất được nhà thơ Trương Quang Thứ viết về nỗi lòng của người đàn ông. Khi nhìn thấy sự hanh hao cả về thể xác, lẫn tâm hồn của người phụ nữ . Nhiều năm đầu ấp, tay gối, san sẻ vui buồn với mình. Vì mình, cho mình và do mình, đã để cho Trái tim người ấy phải “sững sờ lặng hóa rêu phong”. Nhưng rồi sau khi cảm giác thảng thốt qua đi người đàn ông chợt thức tỉnh rồi sửa sai. Mở ra một cánh cửa. Sau cánh cửa ấy tràn trề niềm tin và hy vọng. Chờ đón hai người bước vào.
Trong cuộc sống hàng ngày ta gặp nhiều lắm những hình ảnh như Anh như Em trong thơ của nhà Thơ Trương Quang Thứ. Chỉ có điều mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau và họ cũng có những cách giải quyết hậu “bỗng một ngày trái trời trở gió” khác nhau.
Tôi xin mượn lời của một ca khúc , để kết cho bài viết của mình và cũng chính là lời tôi cầu mong sẽ đến với những ai đang có nỗi niềm giống như Em, như Anh của nhà thơ Trương Quang Thứ
“…Con đường hạnh phúc vẫn mãi chờ ta
Dìu ta qua bao khó khăn
Nhìn trời sao em muốn nói…. "(Chậm Lại Một Phút- Vương Vũ)
Tùy bạn, nếu bạn thấy mình cần nói gì với người bên mình hãy cứ nói!
Sài Gòn cuối Xuân 2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét