Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017
Cảm Nhận Bài Thơ Phận Lục Bình Của Tác Giả Thi Ngọc Lan
Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở vùng quê trung du bắc bộ. nơi có con sông Thương hiền hòa nơi khởi nguồn sự tích hoa Bèo Tây ở đất bắc. Tuổi thơ có thấy, có biết hoa Bèo Tây (Lục bình). Nhưng cũng chỉ là biết thôi chứ không có ấn tượng nhiều.
Chỉ đến khi trôi theo dòng đời xuôi ngược tôi vào tới miền tây sông nước, với bạt ngàn đám Lục Bình dập dềnh theo con “nước lớn nước ròng”. Nghe người dân bản địa nói về sự tích hoa Lục Bình về mối tình không môn đăng hộ đối của chàng trai nghèo tên Hòa và người thiếu nữ đài các tên Cẩm Bình . một lần, nhiều lần, nhiều người, từ già tới trẻ.
Trong khoảng mười năm trở lại đây tôi nghe không biết bao lần và còn biết thêm loài hoa “tím ngắt cả triền sông”ấy là biểu tượng cho người phụ nữ nông thôn Việt nam.
Từ đó nếu có dịp tôi lại đứng ngắm từng dề lục bình bốn mùa đều có hoa tím,dập dềnh theo con nước thủy triều bán nhật của sông Sài Gòn hay khắp các kênh rạch sông nước miền tây nam bộ. loài hoa bình dị gắn với một sự tích đau buồn ấy đã theo tôi mỗi khi có dịp đi ngang.
Hôm nay tình cờ mở trang thơ bắt gặp hình ảnh minh họa là một cặp bông Lục Bình thật quyến rũ bấm chuột vô một tựa đề bài thơ Phận Lục Bình. Sao lại là phận ở đây mà không là hoa ?. Tôi tò mò và bước vô phận Lục Bình mong rằng tựa đề không là nội dung của nó;
Lục bình thầm lặng ngược xuôi ,
Lênh đênh con nước chao ôi ! nghĩa tình .
Dẫu là hoa vẫn tươi xinh
Dù trong dù đục lung linh tỏa ngời .
Bốn câu lục bát mở đầu tác giả có lẽ muốn diễn tả thân phận loài cây Lục Bình vốn sống trôi nổi khắp các sông ngòi kênh rạch ao hồ khắp Việt Nam. Môi trường sống “ Dù trong dù đục” thì nó vẫn nở hoa bốn mùa.
Bạn không tin hãy vớt một dề Lục Bình từ sông mang về một vũng nước nhỏ xem, chỉ vài bữa là có bông hoa tím nở dẫu mỏng manh nhưng từng cánh hoa vẫn lung linh giữa đục ngầu nước bẩn dưới đài hoa, và đôi khi những chiếc lá bị dập vùi tan nát thì bông hoa vẫn ngạo nghễ vươn lên khoe sắc một lần cuối rồi cây lục bình đó mới khô héo và lụi tàn do hoàn cảnh.Nhưng mầm sống nó vẫn tồn tại rất lâu sau đó chỉ khi xa môi trường nước thật lâu nó mới chết.
Ở đây ngoài ba câu mang hàm ý miêu tả, còn lại câu “lênh đênh con nước chao ôi! nghĩa tình”. Có thể hiểu nghĩa tình giữa nước và lục bình và cũng có thể mở ra một câu hỏi “nghĩa tình” phải chăng có sự hiện diện của một thân phận nào đó. Ta đi tiếp sau khi để lại câu hỏi này:
Đài hoa duyên dáng buông lơi
Chênh chao khắp nẻo mỏng phơi tím ngần
Thân nàng lận đận gian truân,
Nên đành trôi nổi muôn lần bể khơi !
Vâng tác giả ơi! Tôi đồng ý rằng “đài hoa duyên dáng buông lơi” bởi chẳng có ai khi nhìn thấy màu tím dịu dàng của loài hoa này mà không công nhận vẻ đẹp mỏng mảnh và duyên dáng của nó cả!
Tới khổ này xuất hiện một thân phận mang tên “Nàng” và vì “Chênh chao khắp nẻo” nên “thân nàng lận đận, gian truân” đích thị là một người phụ nữ có cuộc sống thăng trầm khốn khó xuất hiện rồi! nhưng vì sao mà nàng phải “nên đành” chữ đành nghe sao cam phận quá. Mà lại đành “trôi nổi muôn lần bể khơi”. Một chữ đành và sau nó là “nổi trôi muôn lần” thật là đau xót cho nàng. Hai chữ “bể khơi” tác giả dùng ở cuối câu có lẽ muốn diễn tả cái bể khổ của nàng rộng như biển khơi.
Một khổ thơ mượn hoa tả thân phận người rất thành công của tác giả để cuốn tôi đi theo Phận này tiếp.
Đẹp thay tím cả góc trời
Thủy triều xô đẩy một thời truân chuyên ,
Dập vùi... hoa vẫn trinh nguyên ,
Lục bình lặng lẽ đành quên phận mình .
Loài Lục Bình sống gắn kết với nhau dọc theo các triền sông và như nói ở trên nó có sức sống mãnh liệt mà hiếm có loài nào sống ở dưới nước mà chịu đựng được như nó.
Khi ở dưới nước dẫu nó dập dềnh theo con nước khi xuôi khi ngược . nhưng suốt bốn mùa đều nở hoa rực rỡ, khoe sắc đẹp mỏng manh yếu đuối của loài hoa nở ra từ một loài cây có sức sống mãnh liệt.
ở khổ kết này Lục bình và nàng đã là một trong câu thơ. Lục Bình là Nàng và ngược lại Nàng chính là Phận Lục Bình. Người ta đã lấy loài hoa này làm biểu tượng cho người phụ nữ nông thôn Việt Nam quả là rất phù hợp, ít nhất là trong trường hợp này.
Lục Bình dẫu bị “Thủy triều xô đẩy” vẫn “tím cả góc trời!”. và Nàng dẫu đã phải “xô đẩy một thời truân chuyên” và bị “dập vùi”thì vẫn “trinh nguyên” hoa và người kết lại trong ý thơ trong hồn thơ đầy kiêu hãnh nhưng cũng đầy bi lụy và bản chất người phụ nữ Việt Nam cam chịu vẫn thể hiện rất rõ bởi “ lặng lẽ đành quên phận mình”.
Tại sao phải cam chịu vậy? chữ đành dùng lại một lần nữa là có dụng ý của tác giả chăng? Tại sao ? khi bị “dập vùi” mà vẫn giữ được nét kiêu hãnh là “hoa vẫn trinh nguyên”. Mà ngay sau đấy lại cam phận mà “đành quên”
Tới đây tôi chợt nhớ tới câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du khi miêu tả nàng Kiều trong chốn lầu xanh
Biết bao ong bướm lả lơi
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa’ (Trích truyện Kiều –Nguyễn Du)
Kiều đường cùng phải bán mình vào chốn nhơ nhớp ấy để chuộc cha. Thân phận nàng đã vào tay những kẻ “bán phấn mua hương” nhưng cái “giật mình” trong những phút mà “tỉnh rượu” hay những “lúc tàn canh” ấy! mới đáng quý và trân trọng biết bao.Cái “giật mình” ấy chứng tỏ Thúy Kiều đã đau đớn xót xa cho tấm thân mình bị nhơ bẩn. nếu không có ngững cái “giật mình” ấy thì Kiều cũng chỉ như các cô gái lầu xanh khác mà thôi.
Và ở khổ kết của Phận Lục bình còn gợi lại một người phụ nữ mà hoàn cảnh đã đẩy chị tới nỗi khốn cùng của người làm mẹ là mang con đi bán. Đau khổ cùng cực mà xã hội lúc bấy giờ đã đẩy người phụ nữ này trôi dạt trong bể khổ. Bán con chưa hết khổ chỉ vì vài đồng tiền thuế thân của em chồng đã chết, mà chị lại xa chồng bỏ con khát sữa để đi làm vú em cho một tên “nhà giầu máu dê” để rồi muốn giữ được phẩm hạnh của người phụ nữ trong sạch chị đã “bung cửa chạy ra ngoài trời tối đen như mực và tối như chính cái tiền đồ của chị”(Tắt Đèn- Ngô Tất Tố)
Phận Lục Bình trong bài phải chăng là thân phận rất nhiều người phụ nữ ngày nay giữa vòng quay của xã hội, họ muốn thoát nhưng không thoát ra được vì quá nhiều thứ ràng buộc . Họ như những đám lục bình dưới sông kia nước lên thì theo lên nước ròng thì trôi xuống, mặc cho dòng nước trong hay đục. hoa vẫn khoe sắc dẫu yếu đuối và mau tàn nhưng nó vẫn thể hiện hết vẻ đẹp mà nó có.
Phận Lục Bình phải chăng lâm vào cảnh giống Thúy Kiều đường cùng phải bán mình chuộc cha, hay như chị Dậu của Tắt Đèn phải bán con rồi lại phải bung cửa chạy. Đó là những nhân vật trong văn học sử. Họ vì hoàn cảnh xô vào đường cùng, nhưng vẫn cố giữ cái phẩm hạnh của người phụ nữ đoan chính.
Còn xã hội hiện đại ngày nay đã giải thoát cho người phụ nữ rất nhiều rồi! nhưng hàng ngày đọc báo xem ti vi vẫn còn biết bao người phụ nữ bị hoàn cảnh xô đẩy thiên tai vùi dập khiến họ lâm vào cảnh khốn cùng không biết thoát ra bằng cách nào? Chỉ biết ngửa cổ than trời sao nỡ đẩy họ vào bước đường cùng.
Một bài thơ lục bát mượt mà dùng biện pháp “mượn hoa tả người” của tác giả Thi Ngọc Lan đã khắc họa một thân phận người phụ nữ có nhan sắc nhưng vì hoàn cảnh đã đẩy đưa trôi nổi theo dòng đời, nhưng dẫu có như thế nào? bể khổ có đưa đến đâu? và dập vùi như thế nào chăng nữa. Thì “hoa vẫn trinh nguyên” đã khẳng định một tâm hồn người phụ nữ trong sạch dù phải lặn ngụp giữa dòng đời trong đục.
PHẬN LỤC BÌNH !
Lục bình thầm lặng ngược xuôi ,
Lênh đênh con nước chao ôi ! nghĩa tình .
Dẫu là hoa vẫn tươi xinh
Dù trong dù đục lung linh tỏa ngời .
Đài hoa duyên dáng buông lơi
Chênh chao khắp nẻo mỏng phơi tím ngần
Thân nàng lận đận gian truân,
Nên đành trôi nổi muôn lần bể khơi !
Đẹp thay tím cả góc trời
Thủy triều xô đẩy một thời truân chuyên ,
Dập vùi... hoa vẫn trinh nguyên ,
Lục bình lặng lẽ đành quên phận mình .(Thi ngọc Lan)
Sài gòn 11/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét