Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017
Cảm nhận bài thơ Bạn Chăn Bò của tác giả Trương Mạnh Đức
Theo chân trang chủ Mạnh Đức sang nhà, Gặp ngay một tứ thơ khiến tôi muốn dội ngược trở lui.
Yêu thơ khi đã bạc đầu
Cấy ươm chỉ mọc những câu khô cằn
Đậu đôi chùm quả mong manh
Cuối mùa vài trái đầu cành cố ương ( Mạnh Đức)
Nhưng trí tò mò đã chiến thắng tôi thầm nghĩ, có lẽ là một Tao Nhân khiêm tốn và cũng có thề là một lãng tử bông đùa thì sao? Hãy cứ đọc nhiều bài khác sẽ rõ …“Thơ là người” các cụ đã dạy thế mà. Bỏ qua tứ thơ ấy tôi mở cửa bước vào. Trước mắt là một tựa đề khiến tôi mừng vấp té.. Chăn bò, chăn trâu là Nghề tôi rất giỏi hồi nhỏ mà…Tôi biết mình đang ngắm nhìn một trái ngọt trong vô số trái ngọt của Tác giả Đức Mạnh mang tên
BẠN CHĂN BÒ
(Tặng hương hồn Nguyễn Hiền HÀO)
Ngày chúng mình còn nhỏ
Chăn bò trên núi Gôi
Tung tăng cùng nhau hái
Đầy mũ - trái Mâm Xôi
Mày luôn miệng : Đức ơi
Bụi này nhiều...ngọt quá
Ríu ran như chim sẻ
Hương đồi thơm chiều tà
Chiến tranh cùng vào lính
Hai đứa mình chia xa
Đến ngày im tiếng súng
Mày nằm lại rừng già
Những lần vào tìm mộ
Khói nhang quyện rừng le
Mẹ cứ ôm tao khóc :
"Sao nó không trở về."..
Núi trầm tư vẫn thế
Mà trang lứa biệt nhau
Cuộc đời bao dâu bể
Tóc giờ đã trắng đầu
Chiều nay leo lên núi
Lối mòn đỏ Mâm xôi
Rưng rưng tao thầm gọi
Mày nơi nào ... Hào ơi! (Mạnh Đức)
Bài thơ ngũ ngôn được chắt lọc từng từ theo một nhịp thơ rất khác lạ. Ý thơ rộng, tình thơ sâu, thời gian trải dài gần như suốt cuộc đời của tác giả. Tình bạn thủa ấu thơ ai cũng có, tình bạn tình đồng đội những năm tháng chiến tranh rất nhiều người có, Cùng nhau lớn lên, cùng nhau ra trận, một người đi đi mãi, một người về với nỗi day dứt nhớ thương bạn mình, rất nhiều người chung hoàn cảnh ấy. Tuổi về chiều trở lại chiến trường xưa vẫn rất nhiều người lính già làm thế….Nhưng không phải ai cũng như tác giả Mạnh Đức viết ra được Bạn Chăn Bò với những vần thơ da diết,thấm đẫm tình cảm, khiến cho tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc nữa xúc động theo mỗi tứ thơ.
Bạn Chăn Bò được đề tặng cũng như lời khẳng định. Bạn tác giả đã không còn nữa nhưng “Hương hồn Nguyễn Hiền Hào” thì chắc chắn vẫn cùng tác giả buồn vui, vẫn nhận thơ tác giả tặng…Chí ít tôi đã thấy niềm tin ấy của tác giả mãnh liệt qua lối dẫn dắt bạn đọc vào bài thơ như lời tình tự của đôi bạn thân thiết đang bên nhau vậy.
Ngày chúng mình còn nhỏ
Chăn bò trên núi Gôi
Tung tăng cùng nhau hái
Đầy mũ - trái Mâm Xôi
Mày luôn miệng : Đức ơi
Bụi này nhiều...ngọt quá
Ríu ran như chim sẻ
Hương đồi thơm chiều tà
Theo lời tác giả thì địa danh Núi Gôi bây giờ hàng ngày ông vẫn leo núi tập thể dục. Mỗi bước chân đi có lẽ đều gợi nhớ về những kỷ niệm đã cách xa có dễ đến nửa thế kỷ. Nhìn trái Mâm Xôi chín thấy màu đỏ tình bạn chảy trong huyết quản mình. Nghe trong tiếng gió rì rầm lại là tiếng lanh lảnh bạn gọi tên mình khi thấy “Bụi này nhiều..” và trái thì “ngọt quá”. Chỗ này mình chạy, chỗ kia bạn nhảy …Tuổi ấu thơ với những buổi chăn bò rồi hái trái Mâm Xôi và có lẽ còn rất nhiều trò chơi khác nữa…Ngày ấy Tác giả, Bạn Hào của tác giả “Còn nhỏ” và chỉ cần hai người là đã đủ làm nên bản hòa tấu “ríu ran như chim sẻ”. Kỷ niệm gắn với núi Gôi, với những buổi chăn bò, hái trái, có lẽ tác giả và bạn Hào của tác gải chưa bao giờ nguôi quên. Hương đồi thơm chiều tà”, Chiều nay? Hay buổi chiều ngày xa xưa ấy? Có lẽ dư hương ấy với tác giả là cả hai và đậm sâu nhất là những buổi chiều chăn bò hái trái Mâm Xôi trước ngày ra trận.
Chiến tranh cùng vào lính
Hai đứa mình chia xa
Đến ngày im tiếng súng
Mày nằm lại rừng già
Tác giả nay đã qua tuổi 60.Hẳn tuổi thanh xuân của ông gắn liền với hai cuộc chiến. Những năm tháng Xẻ dọc trường sơn, dưới mưa bom bão đạn, khi hòa bình lập lại thế hệ của ông và lớp lớp đàn em lại lao vào cuộc chiến tranh Biên Giới Tây Nam. Nếu không cũng là chiến tranh biên giới phía bắc…Thời gian đằng đẵng với người ở hậu phương hay nơi chiến trận được tác giả gói gọn trong bốn câu thơ. Chiến tranh đã kết thúc nhưng Bạn Hào của tác giả thì mãi mãi không về. Ngày chia tay vào tuyến lửa cũng là ngày hai người mãi mãi xa nhau về thân xác.Nỗi mất mát to lớn nào hơn là Mất bạn, mất người than mất luôn cả xương cốt….Hậu cuộc chiến mãi đeo đuổi theo nỗi đau người lính trở về..
Những lần vào tìm mộ
Khói nhang quyện rừng le
Mẹ cứ ôm tao khóc :
"Giận chi nó không về.".
Nỗi đau mất bạn hiển hiện thêm nỗi đau của Mẹ bạn mất con… “Những lần vào tìm mộ” hẳn đã rất nhiều lần nhưng sao vẫn chỉ có “khói nhang quyện rừng le” mà Bạn đâu chưa thấy. Hành động”Ôm tao khóc” của người mẹ cùng câu hỏi “Giận chi nó không về”. Như một lời tố cáo chiến tranh gieo tang tóc và mất mát đến khắp mọi nơi, mọi nhà, mọi người, dù trực tiếp hay không trực tiếp cầm súng…Mấy chục năm im tiếng súng sao nỗi đau, nỗi mất mát chưa dừng lại? câu hỏi này vẫn biết hỏi chỉ để hỏi mà thôi!
Núi trầm tư vẫn thế
Mà trang lứa biệt nhau
Cuộc đời bao dâu bể
Tóc giờ đã trắng đầu
Một ý thơ khác lạ xuất hiện Núi phải “trầm tư”. Xưa các anh các chị “Em đi lên núi núi phải cúi đầu” mà sao nay hòa bình lâu rồi, tác giả lại thấy “Núi trầm tư” tuy nó “vẫn thế”. Nhưng sau cái sự trầm tư ấy là cả một thế hệ mà nếu ai may mắn trở về nay “Tóc giờ đã trắng mái đầu” phải “Biệt nhau” giữa cuộc đời dâu bể…Hậu cuộc chiến, hậu tiếng súng là vậy ư? Ai trả lời câu hỏi này đây?
Chiều nay leo lên núi
Lối mòn đỏ Mâm xôi
Rưng rưng tao thầm gọi
Mày nơi nào ... Hào ơi!
Khổ thơ kết đưa người đọc trở về thực tại hôm nay trên triền núi Gôi với những con đường mòn đầy trái chín, nhưng không còn tiếng í ới gọi nhau, không còn có bạn bên mình. Chỉ còn nỗi niềm “rưng rưng” của tác giả khi “thầm gọi”, thầm hỏi, trong vô vọng, rồi thảng thốt gọi Hào ơi! Gió núi Gôi có trả lời? Nắng núi Gôi có trả lời? Mấy bụi Mâm Xôi chín đỏ có trả lời cho tác giả được không? Còn bạn Hào của tác giả cùng biết bao người lính trẻ nữa đang ở đâu đó trên đại ngàn xanh, dước dòng sông Thạch Hãn, Dưới Cổ Thành, hay Khe Sanh, Dọc Đường Chín Nam Lào Hay Bình Long An Lộc Hoặc giả dưới mênh mông nước lớn nước ròng Miền Tây Nam Bộ…Dẫu ở nơi nào thì tiếng gọi thảng thốt của người bạn thân từ thuở Chăn Bò cất lên, anh ấy cũng nghe thấy, chỉ là anh ấy chưa trả lời thôi tác giả ạ!
Bạn Chăn Bò với góc nhìn của cá nhân tôi và mong rằng nhiều bạn đọc nữa có cùng suy nghĩ : Đây là một trái ngọt, trong muôn vàn trái ngọt, trên cây đời xanh tốt của tác giả Trương Mạnh Đức
Sài Gòn 25/10/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Nguồn http://manhduc.blogtiengviet.net/2014/10
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét