Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Haiku Điềm Vui của nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh



Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Haiku Điềm Vui của nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh


Cầm trên tay tập thơ Lời Ngắn Tình Dài của nữ sĩ tuổi tám mươi, Phan Thị Thanh Minh, theo thói quen tôi mở tập thơ và đọc trang bên trái. Trong trang 24 có bốn bài thơ ngắn và đọng lại trong tôi bài thơ
 Điềm Vui.
Chích bông ríu ran
Trên bồn trúc cảnh
Bình minh (Phan Thị Thanh Minh
Điềm Vui vỏn vẹn 10 từ cho ba ngắt ý theo lối thơ Haiku Việt.
Ngắt ý thứ nhất gợi cho ta thấy: Có một Điềm Vui sống động đang hiện hữu. Ít nhất có hai chú chim chích bông đang ríu rít trò chuyện với nhau. Hai và có thể nhiều hơn bởi Chích bông ríu ran, không thể lẻ loi một con mà có âm thanh “ríu ran” lan niềm vui sang người đang ngắm nhìn thưởng thức niềm vui ấy được.
Ngắt ý thứ hai là địa điểm cụ thể : Trên bồn trúc cảnh.
Họ nhà Trúc có nhiều chi nhưng trồng trong chậu cảnh thông thường người ta chọn Trúc quân tử.
Trúc quân tử gắn liền với giai thoại của Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi khi đi sứ sang Trung Quốc ông đã xé bức hoành treo ở nhà quan Tể Tướng nước này. Nguyên do dẫn tới việc ấy vì bức hoành thêu con chim sẻ đậu trên ngọn trúc như thật, ông giơ tay bắt, những người có mặt cho là ông quê mùa phá lên cười. Lưỡng Quốc Trạng Nguyên kéo bức hoành xé toạc rồi quay sang giải thích rằng: “Cổ nhân vẫn cho trúc là bản sắc người quân tử, còn chim sẻ là đại diện cho hình dáng kẻ tiểu nhân. Tiểu nhân đâu thể đậu trên đầu quân tử….” Bức hoành ấy và cảnh chim sẻ đậu trên ngọn trúc đã xé đi và không còn ý nghĩa tốt đẹp từ ngày xa xưa ấy.
Nay nữ sĩ gợi lại trúc quân tử đại diện cho bản sắc người quân tử. Mà ở đây có lẽ là người quân tử Việt Nam, bằng hình ảnh “Trên bồn trúc cảnh” có bầy “Chích bông ríu ran” chứ nào phải bọn chim sẻ tiểu nhân cơ hội. Mặc dù hình dáng hai loài chim này vốn nhỏ bé như nhau, nhưng người ta chỉ nuôi chích bông làm cảnh, chứ chưa thấy ai nuôi chim sẻ bao giờ.
Thêm một Điềm Vui nữa đến với người chiêm ngưỡng bồn trúc cảnh, sau khi ngắm mấy chú chích bông nô đùa dưới ánh Bình minh. Bình minh! bắt đầu một ngày mới, mở ra ánh sáng rực rỡ sau những canh dài màn đêm bao phủ.
Ngắt ý thứ ba với hình ảnh “Bình minh” góp vào Điềm Vui của người chiêm ngưỡng một không gian mới, một thời gian mới, hòa cùng sự vật cụ thể Tĩnh là “Bồn trúc cảnh” và sự việc Động là đám “Chích bông ríu ran”.
Điềm Vui mới chỉ là điềm báo trước một niềm vui sẽ tới. Bồn trúc cảnh luôn hiện hữu, đám chích bông tụ tập ríu ran rồi sẽ bay đi. Bình minh lấp lánh phía chân trời rồi cũng trôi theo vòng quay của quỹ đạo để khép trọn một vòng quay.
Điềm Vui sẽ ở lại lâu, hay mau, còn tùy thuộc vào những sự vật, sự việc cụ thể muốn báo, nhưng tâm hồn người chiêm ngưỡng khoảnh khắc này thì ắt hẳn rất vui. Chỉ có niềm vui trong tâm hồn mới dẫn tới cảm nhận sự vật sự việc xung quanh vui theo .
Đại thi hào Nguyễn Du từng viết “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”! Nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh khi viết Điềm Vui hẳn bà đang vui lắm. Bất giác tôi nghĩ có lẽ sau một đêm với những giấc mơ ngọt ngào, nữ sĩ tỉnh giấc. Cũng là lúc ánh bình minh lấp ló. Cánh cửa ban công mở ra…Và rồi trước mắt nữ sĩ là Điềm Vui ập đến hòa cùng dư hương những giấc mơ. Tâm an nhiên tự tại, lòng rộn ràng niềm vui, Xung quanh cảnh vật ắt vui theo. Điềm Vui đã báo, ngày mới bắt đầu sẽ tràn ngập niềm vui đến bên người nữ sĩ dạt dào tình thơ.
Sài Gòn 30/8/2014.
Huỳnh Xuân Sơn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét