Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Mùa Xuân ! Của Tác Giả Dương Đoàn Trọng



Một năm có bốn mùa thay thế nhau. Mỗi mùa qua để lại một dấu ấn riêng. Khoảng lặng giao mùa thì mỗi mùa mỗi khác nhau. Đại đa số khi ta đi qua hết khoảng lặng giao mùa, những luyến lưu của mùa trước. Cũng là lúc mùa sau đã đến từ rất lâu rồi!

Khoảng lặng giao mùa được chờ đợi nhiều nhất có lẽ là lúc tiễn mùa đông đi và chờ đón mùa xuân về.
Cảm xúc khi chờ đón mùa xuân cũng là lúc mà cảm xúc thơ ca ùa về với các nhà thơ.
Với tác giả Dương Đoàn Trọng cũng vậy. Ông viết về Mùa Xuân,mùa của mầm sống cựa mình thức dậy sau một giấc ngủ đông. Nhưng ông không bước hẳn vào mùa xuân để viết,mà ông viết ngay từ khoảng lặng giao mùa giữa Đông lạnh giá và Mùa Xuân ấm áp. Với niềm khát khao, sự chờ đợi để đón xuân về, thông qua hình ảnh một thôn nữ vùng quê Bắc Bộ.

Mùa Xuân
Em đi qua mùa Hạ
Tóc cháy khét trên đồng
Theo chân bò gánh cỏ
Trượt vào chiều mưa giông

Trắng tinh trang giấy mỏng
Viết niềm mơ mênh mông
Tuổi học trò ngắn ngủi
Rơi theo cánh phượng hồng

Trái bưởi vườn dám má
Gió đưa diều sang thu
Trời xanh ngân tiếng nhạc
Mây trắng vờn vi vu

Ôi mùa đông lạnh giá
Nắng vàng mải đi đâu
Gom thật nhiều kỷ niệm
Không sưởi qua đêm thâu

Em mong mùa xuân tới
Đón trời xanh nắng vàng
Con ong không ngơ ngẩn
Bướm bập bùng bay sang (Dương Đoàn Trọng)

Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn, một thể thơ đòi hỏi sự chắt lọc câu từ ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo diễn đạt đầy đủ ẩn ý sâu sắc. Tác giả muốn gửi gắm trong từng câu chữ.
Mùa xuân của tác giả Dương Đoàn Trọng được bắt đầu bằng

Em đi qua mùa Hạ
Tóc cháy khét trên đồng
Theo chân bò gánh cỏ
Trượt vào chiều mưa giông

Người xưa đã nói “cái răng cái tóc là góc con người” vậy mà ở đây tác giả viết về người con gái lại mang một mái “tóc cháy khét trên đồng”. Mùa hạ là mùa nắng lửa, em vất vả đội nắng đội mưa quanh năm “theo chân bò”. Nào là đi cày, đi bừa, cũng theo chân bò, đi chăn cũng theo chân. Nào phải đi chăn không ! theo chân không! Mà là trên vai còn “gánh cỏ” .Em của tác giả với hình ảnh “đi qua mùa hạ” nào chỉ vừa lam lũ vất vả, với những công việc đồng áng của nhà nông, của gia đình.

Mà ở đây còn phải “trượt vào chiều mưa giông”. Phải chăng công việc nhà nông hàng ngày em gặp mưa giông! Phải chăng em đi “theo chân bò gánh cỏ” chưa bao giờ bị trượt chân. Để hôm nay tác giả viết, em lam lũ, rồi Trượt vào chiều mưa giông? Mùa hạ với miền bắc chẳng hề hiếm những trận lốc giông!

Xin trở lại thời điểm ra đời của bài thơ vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước. Miền bắc với bao vất vả khốn khó của thời chiến tranh, bao cấp. Nhà nông cũng không thoát khỏi cơn giông lốc thời cuộc, bủa vây tới hang cùng, ngõ hẻm của đời sống người dân nói chung và Em của tác giả nói riêng.
Có lẽ nào từ Trượt trong câu thơ này muốn nói “em không thể chủ động cho bước đi của đời mình. Dù em đã không nề hà vất vả, em quên đi ngay cả nhan sắc của chính mình. Mái tóc là một “góc con người” vậy mà nó đã “cháy khét”.
Người con gái trong thơ chưa dừng lại ở những hình ảnh ấy. cũng chưa xuất hiện chi tiết nào báo hiệu Mùa Xuân. Bài thơ tiếp tục với

Trắng tinh trang giấy mỏng
Viết niềm mơ mênh mông
Tuổi học trò ngắn ngủi
Rơi theo cánh phượng hồng

Vậy là sau bước ngoặt “trượt vào chiều mưa giông” ấy. em vốn mảnh mai như trang giấy trắng tinh. Với câu thơ “viết niềm mơ mênh mông”. Tôi khắc khoải với câu hỏi Ai viết?ai mơ? Mà mơ gì mênh mông nhỉ? trang giấy trắng tinh ơi! “cánh phượng hồng” đã rơi cùng “tuổi học trò ngắn ngủi” rồi thật sao?

Mùa hạ đã đi qua Em , với nỗi niềm chua xót. Mùa hạ chói chang, mùa hạ réo rắt, mùa hạ tràn đầy hy vọng đã để lại dấu ấn “trượt “ rồi “rơi”. Kết quả của sự trượt và rơi ấy là “tuổi học trò ngắn ngủi”.

Hình tượng em trong mùa hạ ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Tôi và bạn bè tôi đã từng “tóc cháy khét trên đồng” rồi “theo chân bò (trâu) gánh cỏ” để rồi hầu hết bạn tôi đã “trượt” và “rơi” để “tuổi học trò ngắn ngủi” .Tôi may mắn đã đi tiếp hết “tuổi học trò”. Còn bạn , bạn có thấy mình không?
Tới đây vẫn chưa hề có dáng dấp Mùa Xuân xuất hiện. Ta theo tác giả đi tiếp để tìm

Trái bưởi vườn dám má
Gió đưa diều sang thu
Trời xanh ngân tiếng nhạc
Mây trắng vờn vi vu

Mùa thu đến có khác lạ hơn mùa hạ. trời xanh, mây trắng, cánh diều, tiếng nhạc lòng đã có ! niềm vui cũng xuất hiện dù mới chỉ là “Vi vu” và “ngân”lên đâu đó ngoài kia! Cơn giông lốc mùa hạ đã đi qua. Chỉ còn cơn gió đủ để đưa “cánh diều sang thu”. Nhưng lại là chữ nhưng ám ảnh. Trái bưởi vườn dám má” có nghĩa trái bưởi không tròn đầy nguyên vẹn. Nó đã bị “nắng tháng tám” làm dám má rồi.

Mùa Thu nồng nàn vớ”trời xanh yên bình, mây trắng ruổi rong. Xã hội đã thoát khỏi cơn giông, xung quanh em đã vi vu tiếng nhạc ngân nga. Còn em thì cũng đã bước vào thu của đời người. mang theo nhiều những hanh hao cùng những thăng trầm của dòng đời.
Bài thơ được nối tiếp :

Ôi mùa đông lạnh giá
Nắng vàng mải đi đâu
Gom thật nhiều kỷ niệm
Không sưởi qua đêm thâu

Mùa đông đến Em sống với hoài niệm.Với giá lạnh mùa đông Và chắc chắn rồi ăm ắp giá lạnh trong lòng, Nhiều lắm thì phải bởi “ mùa đông lạnh giá” thì “nắng vàng mải đi”. Còn lại một mình em”gom kỷ niệm” để mong “sưởi ấm” lòng mình….Không biết em đã gom bao nhiêu kỷ niệm. Chỉ biết rằng “thật nhiều kỷ niệm” ấy vẫn “không sưởi qua đêm thâu”. Và bây giờ đã đến khổ kết rồi, mà vẫn chưa thấy một chút xíu tin báo Mùa Xuân. Ta theo tác giả vào khổ kết mang theo rất nhiều trăn trở

Em mong mùa xuân tới
Đón trời xanh nắng vàng
Con ong không ngơ ngẩn
Bướm bập bùng bay sang

Cuối cùng thì cũng thấy Mùa Xuân xuất hiện . Nhưng chỉ là trong nỗi niềm ước mong và khát vọng của em thôi! Chứ thật sự mùa xuân chưa đến với em. Nó còn ở tương lai phía trước. “Em mong mùa xuân tới” để em đón “trời xanh nắng vàng”. Khát khao chưa hề dừng lại, mùa xuân em mong mỏi nó tới đâu chỉ đem lại sự bình yên, mà còn làm cho vạn vật xung quanh đổi khác, cây đâm trồi nảy lộc. “Con ong không ngơ ngẩn”. và hình ảnh “bướm bập bùng bay sang” thể hiện bức tranh mùa xuân trong khát vọng của em tràn đầy sống động.
Bài thơ Mùa Xuân nhưng lại bắt đầu bằng hình ảnh Em được thi vị hóa qua ngôn ngữ thơ ca rất trong sáng ở mùa hạ. Qua thu tới mùa đông …em nuôi dưỡng những kỷ niệm khát khao để mong đón một Mùa Xuân tràn đầy sức sống đang về…
Chắc chắn rồi Mùa Xuân đang về trên khắp mọi miền quê!

Sài Gòn 11/1/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét