Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Bài Thơ Những Ngày Tang Lễ Của Đại Tướng Là Ngày Nhân Dân Việt Nam Hành Lễ Phong Thánh Cho Ngài.Của Tác Giả Phạm Ngọc San



Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã vĩnh viễn ra đi cho tới lúc này là vừa tròn 19 ngày chẵn. Cả dân tộc Việt Nam thương tiếc, bùi ngùi tiễn đưa Đại Tướng về nơi an nghỉ cuối cùng theo di nguyện của ông. Mỗi một người dân đều có một cách thể hiện tình cảm khác nhau đối với người mà mình tôn sùng và kính trọng. Người lặng lẽ thắp cây nhang ngay tại nhà mình bái vọng tiễn đưa ông, người tới nhà riêng của ông thắp nhang cầu nguyện. Rồi hàng triệu triệu người dân đổ ra đường kính cẩn nghiêng mình ,khi đoàn xe đưa linh cữu ông đi ngang. Cho tới hôm nay tại nơi ông yên nghỉ hàng ngày vẫn có hàng trăm đoàn người lặng lẽ đến thắp nhang bái biệt ông. Khắp các địa phương trên cả nước, lập bàn thờ để người dân đến thắp nhang tưởng nhớ .

Ngay trong khuôn khổ có hạn của trang thơ này thôi. Các nhà Yêu Thơ và các Nhà Thơ đã bày tỏ tình cảm bằng một chương trình Không Gian Thơ đặc biệt dành riêng cho ông. Dự kiến 150 người, mà cuối cùng là hơn 300 người đổ về trụ sở thi đàn, khiến nơi đây quá tải.

Nếu tính mỗi người về mang một bài thơ thôi, đã có hơn ba trăm tác phẩm, cùng với khoảng 150 tác phẩm đã đăng tải trên trang tho.com.vn này nữa, vậy đã là con số gần 500 tác phẩm.

Tôi chưa có may mắn đọc hết gần 500 tác phẩm mà mình dự đoán, nhưng trên trang thơ này tôi đã đọc hết khoảng 150 tác phẩm đăng tải tại đây. Người nhiều hơn hai chục bài ,người bốn năm bài, có những người tới Thi Đàn đăng kí thành viên chỉ duy nhất một bài viết cho ông mà thôi…Tất cả đều viết với nỗi lòng tôn kính giành cho Đại Tướng, với nỗi đau xót trong lòng, với sự mất mát của cả dân tộc. Và cách bày tỏ nỗi lòng cũng mỗi người mỗi khác.

Trong số những bài thơ mà tôi đã được đọc. Mỗi người có một cách gọi, cách xưng hô khác nhau. Đại đa số gọi Ông với tên gọi Đại Tướng, Người, Ông, Bác tất cả những đại từ nhân xưng này đều tỏ lòng tôn kính một bậc vĩ nhân của dân tộc…

Nhưng hôm nay tôi thật bất ngờ, khi trên mục Thơ hay của Thi Đàn có một bài thơ mới xuất bản. Viết về Đại tướng với một cách xưng hô không giống bất cứ một bài thơ nào tôi đã đọc…Ngay từ tựa bài đã xuất hiện hai Đại từ nhân xưng khác nhau một là Đại Tướng và hai là Ngài…Đại từ Ngài tôi thấy sao khác lạ? và bài thơ của tác giả Phạm Ngọc San- (Một thương binh nặng đã kinh qua cả hai cuộc chiến, hiện chỉ còn chưa tới 30% sức khỏe), đã cuốn hút tôi bước vô khám phá bài thơ Những Ngày Tang Lễ Của Đại Tướng Là Ngày Nhân Dân Việt Nam Hành Lễ Phong Thánh Cho Ngài.

Mở đầu bài thơ tác giả viết:

Ngài đã về trời!

Không

Ngài lại về trấn dọc miền biên ải

Ngài về với Hoành Sơn nhất đới*

Sừng sững ngọa mũi Rồng Thọ Sơn

Ngài dang tay dọc dãy trường sơn

Bảo vệ non sông hình chữ S

Mắt ngài sáng- Một tình yêu tha thiết

Dõi khắp biển đông

Trấn cá kình cho yên con cháu Lạc Hồng

Mãi mãi có Hòa Bình - Tự do – Hạnh phúc

Với tựa bài : “Những Ngày Tang Lễ Của Đại Tướng Là Ngày Nhân Dân Việt Nam Hành Lễ Phong Thánh Cho Ngài”. Cũng chính là quyết định trong trái tim tác giả đã tôn Đại Tướng là vị Thánh rồi. Tác giả không ngần ngại gọi Đại Tướng với đại từ nhân xưng: Ngài, rồi hỏi: “Ngài đã về trời? và tự trả lời luôn: “Không”. Hai câu thơ ngắn gọn thể hiện khẳng khái rằng Ngài là Thánh, và Thánh của nhân dân vì dân nên không thể về trời được, đồng nghĩa là Ngài không mất đâu. Mà Ngài chỉ thay đổi chỗ ở thôi, ở đây chính là Ngài đổi chỗ ở từ kinh thành Thăng Long về dãy Hoành Sơn.

( Hoành Sơn một địa danh quan trọng, như trong lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Hoành Sơn nhất đái.Vạn đại dung thân. (Chữ đoái ở đây ý chỉ dãy Hoành Sơn là cái đai Ngọc.) dành cho Chúa Nguyễn Hoàng và Chúa Nguyễn Hoàng nằm lòng lời khuyên này đi mở mang bờ cõi về phía nam gầy dựng nên một triều đại mấy trăm năm,)

Nơi đây cũng chính là quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài. Nơi mà Ngài có thể dang đôi tay thần thánh của mình tới hai đầu đất nước bảo vệ cho con cháu Lạc Hồng. Từ mũi Rồng Thọ Sơn nơi "Ngài tọa" Ngài có thể dõi mắt nhìn ra biển Đông để với “đôi mắt sáng” của Ngài, có “ánh nhìn tha thiết" nhìn ra biển đông, nhìn sang hai đầu đất nước thân yêu.

Ngài sẽ không những là vị Thánh được người dân tôn thờ, mà Ngài sẽ còn tỏa ánh hào quang soi sáng muôn người dân nước Việt như một vị Thần nữa. Tác giả viết:

Như Thần Độc Cước*

Phúc thần dân thờ phụng

Thân xả đôi, nửa ở đất , nửa ngoài khơi

Gặp “Độc Cước Sơn Triều” giặc khiếp quỷ rã rời

Chỉ có một đường cuốn xéo!

Tác giả đã rất sâu sắc khi sử dụng hình ảnh vị Thần Độc Cước* để ví với vị Đại Tướng của chúng ta, bởi nhân dân Việt Nam ta bao đời nay bị giặc ngoại xâm đô hộ dòm ngó từ đất liền ra tới biển khơi. Nên cần lắm có những vị Thần như thần Độc cước để cho tâm linh muôn dân an lòng.

Theo dòng lịch sử Việt Nam với bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. tất cả những mốc son chói lọi đều gắn với những truyền thuyết Như : Truyền thuyết trăm trứng nở trăm con, An Dương vương xây thành, truyền thuyết Hồ Gươm, và rất nhiều truyền thuyết khác nữa….

Về tâm linh thì nhân dân đã coi Ngài như Thần. Về lịch sử thì đã coi Ngài là Thánh. Đại Tướng của chúng ta được tác giả ví ngang với Đức Thánh Trần Hưng Đạo, một vị thánh cũng với những chiến công hiển hách vang vọng khắp địa cầu. Tới tận ngày nay, bao đời đã qua nhưng Đức Thánh Trần một vị Tướng văn võ song toàn vẫn được toàn dân tôn thờ và kính trọng. Nhắc đến Trần Hưng Đạo là quân thù bạt vía kinh hồn.

Cả khổ thơ sau tác giả một lòng mượn ngòi bút ca ngợi và nhắc lại chiến tích của Đức Thánh Trần Hưng Đạo,

Trên đất này, những địa linh,

những mốc vàng chiến công lung linh khắp nẻo:

Vạn Kiếp, Chi Lăng, Bạch Đằng giang…
lũ xâm lăng nghe khiếp vía kinh hoàng
mới nghĩ đến đã sởn gan xanh mật

Chúng bay hãy ngước nhìn
Đức Thánh Trần ngự trên Kiếp Bạc!*

Vạn đại uy linh!

Và, tác giả cũng không quên nhắc nhở quân thù rằng Đức Thánh Trần của nhân dân ta vẫn còn ngự trên đền Kiếp Bạc, và rất nhiều đền thờ trên khắp đất nước này đang thờ phượng Ngài

Có lẽ sau khi viết về Đức Thánh Trần ngụ ý tác giả muốn so sánh giữa hai vị danh tướng của dân tộc. Một đã được nhân dân phong Thánh bao đời nay và một vị thánh vừa mới đây thôi. Tác giả với một nhịp thơ hào hùng ngắn gọn súc tích đã vẽ lại toàn cảnh bức tranh về Đại Tướng với những chiến công “lừng lẫy năm châu trấn động địa cầu”. Khiến hai đế quốc sừng sỏ phải “thu gói, cuốn cờ”

Điện Biên Phủ - sử sách còn ghi

thực dân Pháp thất kinh
Năm châu lẫy lừng chiến tích
Rồi Điện Biên Phủ trên không-
B52 rúc bùn hóa trầm tích,
Xác pháo đài bay “về thời đồ đá” giữa làng hoa! (*)
Hai đế quốc to thu gói, cuốn cờ
Bại dưới tay kỳ tài Đại Tướng

Một vị Tướng tài đức vẹn toàn, gắn liền với những chiến công hiển hách như vậy thì: “Tổ quốc phong Ngài là Đại Tướng” nhưng cả thế giới lại “Phong Ngài là Danh tướng – Vĩ Nhân”.

Tầm ảnh hưởng của Đại Tướng đã vượt ra khỏi biên giới Nước Việt. Để làm được điều này tác giả không ngại ngần khẳng định là: “binh khí ngài dùng là Đức và Tâm”. Một vị tướng mà luôn luôn lấy việc công làm đầu, vì quân, vì dân trước hết. Chắc chắn vị tướng ấy sẽ được cả dân tộc tôn vinh, kính trọng khi sống. Đến khi Đại Tướng xuôi tay nhắm mắt với tuổi thọ hơn một thế kỷ nhưng trong lòng cả dân tộc vẫn bàng hoàng đau xót. Hàng triệu triệu trái tim cùng thổn thức kính cẩn tiễn đưa Đại Tướng về nơi an nghỉ giấc ngàn thu nơi quê hương thanh bình yên ả.

Tổ Quốc phong Ngài là Đại tướng.

Thế giới phong Ngài là danh tướng - Vĩ nhân.
Chiến công của ngài hiển hách bởi binh khí ngài dùng là Đức và Tâm.
“Dĩ công vi thượng” ngài vì dân vì nước*
Hàng chục vạn người lặng đi trong tâm tưởng
trang nghiêm tay chắp, miệng khấn, cầu.
Hàng vạn dân trầm tĩnh cúi đầu,
trước một nhân cách lớn.
Toàn dân Việt lại cháy lên niềm tin trong phút giây tiếc thương và đau đớn,

Lại tự hào về những chiến công,
Kể cả những chiến công thầm lặng đến hư không,
Của một thánh nhân bất tử!
Hàng vạn dân đồng tâm nhất cử
Dâng lên Ngài đạo sắc đỏ tươi khắc sâu vào lịch sử,
“Ngài bậc thánh của muôn dân!”
Linh hồn người là hào khí non sông!
Ngài lại về với Hoành sơn, ngự lại Núi Rồng,
Trấn giữ non sông và biển cả.

Ngài đã yên nghỉ cõi vĩnh hằng, thân xác Ngài sẽ hòa vào lòng đất mẹ bao la. Nhưng với Dân tộc Việt Nam, với bạn bè năm châu, với tác giả Phạm Ngọc San, với tôi và có lẽ là với bạn. Ngài một vị Thánh của nhân dân, vị thần của dân tộc,Danh Tướng – Vĩ Nhân của toàn cầu, với những chiến công lừng lẫy năm châu. Và cả “Những chiến công thầm lặng đến hư không”. Vẫn sống mãi mãi, bởi tất cả đã được “Hàng vạn dân đồng tâm nhất cử”…”Khắc sâu vào lịch sử”. Mà lịch sử thì mãi mãi gắn liền với đất nước hình chữ S thân yêu này đến muôn đời.

Một bài thơ viết theo thể tự do với cấu trúc câu ngắn, thật ngắn, dài và có câu rất dài. Theo một nhạc điệu rất đặc biệt lúc trầm buồn, lúc hào hùng sâu lắng. Cách ngắt câu đột ngột cũng tạo ra những nét chấm phá rất đặc biệt cho bài thơ. Được tác giả khắc họa rất rõ nét chân dung Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Người anh hùng của cả dân tộc, một vị tướng văn võ song toàn. Người đã vĩnh viễn ra đi, để lại trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè thế giới hình ảnh một vị Thánh Nhân còn lưu lại mãi mãi.

Đây là một bài thơ hay đối với tôi và mong rằng đó cũng là suy nghĩ của nhiều bạn đọc...

Dưới đây là nguyên văn bài thơ cùng những lời ghi chú của tác giả Phạm Ngọc San:



Ngài đã về trời!

Không,


Ngài lại về trấn dọc miền biên ải!
Ngài về với “Hoành sơn nhất đới” (*1)
Sừng sững ngọa mũi Rồng Thọ sơn,(*2)
Ngài dang tay dọc dẫy Trường sơn,
Bảo vệ non sông hình chữ S.
Mắt ngài sáng- Một tình yêu tha thiết,
Rõi khắp Biển Đông,
Trấn cá kình cho yên con cháu Lạc Hồng,
Mãi mãi có Hòa Bình- tự do-hạnh phúc!

Như Thần Độc Cước, (*3)
phúc thần dân thờ phụng,
Thân xả đôi, nửa ở đất, nửa ngoài khơi.
Gặp “Độc Cước sơn triều” giặc khiếp, quỷ rã rời
Chỉ có một đường cuốn xéo!

Trên đất này, những địa linh,
những mốc vàng chiến công lung linh khắp nẻo:

Vạn Kiếp, Chi Lăng, Bạch Đằng giang…
lũ xâm lăng nghe khiếp vía kinh hoàng
mới nghĩ đến đã sởn gan xanh mật

Chúng bay hãy ngước nhìn
Đức Thánh Trần ngự trên Kiếp Bạc!(*4)
Vạn đại Uy linh!

Nay vị Thánh của dân
từng
Làm thực dân Pháp thất kinh
Điện Biên Phủ-cò ghi sử sách
Năm châu lẫy lừng chiến tích...
Và Điện Biên Phủ trên không-
B52 rúc bùn hóa trầm tích,
Xác pháo đài bay “về thời đồ đá” giữa làng hoa! (*5)
Hai đế quốc to thu gói, cuốn cờ
Bại dưới tay kỳ tài Đại Tướng!

Tổ Quốc phong Ngài là Đại tướng.
Thế giới phong Ngài là danh tướng-Vĩ nhân.
Chiến công của ngài hiển hách bởi binh khí ngài dùng là Đức và Tâm.
“Dĩ công vi thượng” ngài vì dân vì nước. (*6)
Hàng chục vạn người lặng đi trong tâm tưởng
trang nghiêm tay chắp, miệng khấn, cầu.
Hàng vạn dân trầm tĩnh cúi đầu,
trước một nhân cách lớn.
Toàn dân Việt lại cháy lên niềm tin trong phút giây tiếc thương và đau đớn,
Lại tự hào về những chiến công,
Kể cả những chiến công thầm lặng đến hư không,
Của một thánh nhân bất tử!
Hàng vạn dân đồng tâm nhất cử
Dâng lên Ngài đạo sắc đỏ tươi khắc sâu vào lịch sử,
“Ngài bậc thánh của muôn dân!”
Linh hồn người là hào khí non sông!
Ngài lại về với Hoành sơn, ngự lại Núi Rồng,
Trấn giữ non sông và biển cả.

Hà Nộ i 13 -14/10/2013
Phạm Ngọc San

(*1) – “Hoành sơn nhất đới” “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” - câu sấm của Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm) đã giúp Nguyễn Hoàng gây dựng nên một triều đại tồn tại mấy trăm năm
(*2) mũi Rồng Thọ sơn: Mũi Rồng núi Thọ Sơn, nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ngọn núi thuộc dẫy Hoành sơn chạy ngang ra biển. nơi đây được coi là có địa thế “Rồng cuộn hổ ngồi”.
(*3) - Thần Độc Cước: Thần Độc Cước-Vị thần được nhiều nơi thờ tự.Là một vị thần trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, gắn liền với sự tích chàng trai khổng lồ đã tự xé đôi thân mình để vừa đánh giặc quỉ biển ngoài khơi và đánh giặc trong đất liền cứu dân làng.Đền Độc Cước nằm trên đỉnh núi mang tên hòn Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ ở thị xã Sầm Sơn. Đền xây dựng từ đời Trần.Đến đời Lê sắc phong”Độc cước sơn triều”
(*4) – Đền Kiếp Bạc: thờ Đức Thánh Ông Trần Triều Khu vực đền Kiếp Bạc là một thung lũng trù phú ba phía có dãy núi Rồng bao bọc, một phía là Lục Đầu Giang. Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi.
(*5) - làng hoa: Năm 1972 một phần xác máy bay B52 bị bộ đội phòng không không quân Việt Nam bắn hạ đã rơi xuống hồ Hữu Tiệp thuộc làng hoa Ngọc Hà.
(*6) - “Dĩ công vi thượng”: Lấy việc công làm hàng đầu

23/10/ 2013

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét