Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Cảm Nhận Bài Thơ Bùi Xuân Phái Của Nhà Thơ Nguyễn Vũ Tiềm



Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc lớp họa sĩ cuối cùng của trường Mỹ Thuật Đông Dương. Ông vẽ rất nhiều đề tài nhưng có lẽ dòng tranh về phố cổ Hà Nội là được biết đến nhiều nhất và ngay khi còn đương thời thì giới thưởng ngoạn tranh đã đặt cho ông một cái tên rất thân thương: Phố Phái. Nói đến tranh về Hà Nội đặc biệt là Hà Nội cổ kính rêu phong không ai lại không nhắc đến Phố Phái.
Nguyễn Vũ Tiềm cũng không ngoại lệ khi viết về Thăng Long Hà Nội ông đã chọn người họa sĩ tài ba này để viết trong tập thơ Sương Hồ Tây Mây Tháp Bút:

Bùi Xuân Phái

Thời gian mối mọt

Nghiến vào quên nhớ trong ta

Kỷ niệm chờ san ủi

Hương khói ông bà chờ khoan cắt bê tông

Búa tạ nện vào ký ức

Thanh lịch thuở nào vào gầu xúc đổ đi



Có chàng hiệp sĩ vung cây cọ

Chấm vào thương nhớ mờ xa

Chạy nước rút cuối chặng đường thế kỷ

Níu giữ vui buồn thần thái phố xưa (Nguyễn Vũ Tiềm )

Mở đầu bài thơ ông làm tôi sững sờ với cách đặt vấn đề, khi ông ví thời gian với mối mọt, mà ông còn để cho mối mọt nghiến vào trí nhớ nữa lại càng làm cho người đọc phải động não.

Viết về một họa sĩ với biệt danh Phố Phái. ông dẫn người đọc vào thế giới của sự lãng quên bởi nghiệt ngã của thời gian. Thật lạ lùng và khiến trí tò mò nổi lên để tôi theo tiếp những vần thơ của ông.

Trời ạ ! ông trăn trở ông suy tư nặng lòng về Hà Nội đến mức mà ông dùng một loạt động từ nào là san ủi, khoan cắt, nện, xúc để diễn tả sự mất mát cả cái hữu hình đến cái vô hình trong Hà Nội hôm nay.
Kỷ niệm thì chờ san ủi.
Hương khói ông bà chờ khoan cắt bê tông.
Hai câu thơ làm nhức nhối lòng người đọc. Những làng hoa một thời nên thơ, vào nhạc và hiện hữu trong tranh như Ngọc Hà gần như biến mất. Nghi Tàm, Quảng Bá , Nhật tâncũng đang rầm rộ san ủi, chẳng còn mấy diện tích cho hoa. Những làng hoa ấy đã bao thế hệ người Hà Nội lưu giữ kỷ niệm về nó. kỷ niệm nào ai nỡ để cho máy ủi san ủi như họ đang san lấp mặt bằng khắp nơi rầm rộ kia. Nếu còn sót lại chút ít thì cũng chỉ là đang Chờ mà thôi…
Và ngay cả những căn nhà từ đường làm nơi thờ tự ông bà thì lớp con cháu đời sau cũng bị cuốn theo guồng xoáy của cơn lốc phát triển mà sẵn sàng phá.Ngày nay dẫu được bảo tồn theo qui định nhưng những ngôi nhà trong khu phố cổ cứ lần lượt biến mất, những bức tường mái ngói cổ kính rêu phong mỗi ngày một ít đi nếu không bị “khoan cắt bê tông” thăm hỏi. thì cũng bị xuống cấp trầm trọng.
Khi mà kỷ niệm bị san ủi. Còn khoan cắt bê tông đến để dỡ bỏ cả nơi thờ tự ông bà thì quả thật quá đau xót cho những người nặng lòng với “thần thái phố xưa” như tác giả. Ta không ngạc nhiên khi ông phải bật ra những câu thơ đau xót và nặng trĩu “Búa tạ nện vào ký ức”. chữ nện cho ta cảm giác tan vỡ hết rồi chỉ một chữ nện mà khiến người đọc phải trăn trở phải nặng lòng, phải suy ngẫm về hậu quả hiển hiện trước mắt.
Vẫn chưa hết sau cú nện chát chúa, vỡ tan cả ký ức ấy. tác giả bồi thêm một câu thơ
“Thanh lịch thuở nào vào gầu xúc đổ đi”
Nét thanh lịch của người Hà nội bao đời nay ăn sâu trong tiềm thức mỗi người dân Việt như :
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An (Ca dao)
Vậy mà hôm nay tác giả để cho cái gầu xúc vô tri vô giác kia lạnh lùng xúc đổ đi. Một câu thơ sâu xa và nặng trĩu với nhiều nghĩa. Một nét đẹp của người Hà Nội sao ông nỡ phũ phàng vậy. Nhưng ta hãy nhìn vào thực tế hôm nay nét đẹp ấy mai một mỗi ngày mỗi mất dần như cái hành động xúc đổ đi kia chẳng thể xúc một lần mà hết, nhưng lần lần sẽ hết và mất hẳn.
Tôi chỉ xin đơn cử một dẫn chứng cho sự mất đi này năm 2008 Hà Nội tổ chức lễ hội hoa anh đào của Nhật Bản mang sang trong lễ hội đó hình ảnh để lại trong mắt bạn bè quốc tế và những ai yêu nét thanh lịch người Hà Nội là cảnh cướp hoa bẻ cành của một bộ phận giới trẻ trước sự bất lực của ban tổ chức. Hậu quả là cho tới nay hoa anh đào từ Nhật không xuất hiện trong lễ hội nữa.
Chưa hết năm 2010 ngay sau lễ bế mạc lễ hội hoa ngày 4/1 nam thanh, nữ tú, ông già, bà cả, có đủ. Lao vào cướp hoa. Sự xuống cấp của nét thanh lịch thấy rõ như vậy đó
Bây giờ thì tác giả mới viết về người họa sĩ tài ba Bùi Xuân Phái bằng hình ảnh: “Vung cây cọ” để “chấm vào thương nhớ” thôi . Nhưng thương nhớ của họa sĩ và có lẽ cả của tác giả nữa chăng đã “mờ xa”. Nên họ phải cố gắng “chạy nước rút”
Có chàng hiệp sĩ vung cây cọ
Chấm vào thương nhớ mờ xa
Chạy nước rút cuối chặng đường thế kỷ
Níu giữ vui buồn thần thái phố xưa
Bùi Xuân Phái đã dành phần lớn cuộc đời họa sĩ của mình để vẽ về phố cổ Hà Nội với mong muốn níu giữ lại những nét đẹp cổ kính, níu giữ cái thần thái phố xưa với những nét vẽ trăn trở như sợ nếu không vẽ rồi nó sẽ biến mất trong tích tắc.
Thơ của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm viết về Bùi Xuân Phái nhưng ông đã đồng cảm, đã trăn trở và khắc khoải cùng từng nét vẽ của Phố Phái. qua từng câu thơ mang đậm dấu ấn hồn tranh của Phố Phái.
Ai đã từng ngắm tranh của Bùi Xuân Phái vẽ về phố cổ Hà Nội và đọc thơ của Nguyễn Vũ Tiềm viết về Bùi Xuân Phái. Ta đều thấy họ đã gửi gắm những kỷ niệm, những hoài cảm, cùng nỗi buồn man mác tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ, từng câu thơ. Và có cảm giác như họ cùng cố gắng níu lại từng mái nhà cổ, từng nét rêu phong trên những bức tường, và níu giữ từng nét đẹp của người Hà Nội xưa.
Hôm nay đã và đang dần mai một và mất đi trước mắt họ.
Sài Gòn 19/11/2013

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét