Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Tâm Tư Thầy Giáo Già Phạm Mộ Đức Qua Bài Thơ Di Chúc Thứ Nhất Cho Con



Chiều nay lãng đãng theo thơ để rồi bắt gặp nỗi trở trăn suy tư hoài niệm của một thầy giáo già đã ngoài bảy chục tuổi, viết Di Chúc Thứ Nhất Cho Con. Thầy giáo già muốn gửi gắm, muốn căn dặn… Và bao nhiêu tâm ý được ông gửi gắm vào câu chữ thật xúc động:

Di Chúc Thứ Nhất Cho Con

Ba để lại cho con một cây thước gỗ

(tấm huy chương giáo dục ba tự tặng cho mình)

Nó ghi dấu những nhạt- nồng -cam -khổ

Trong quãng đời phấn trắng- mưu sinh

Nó là cây thiền trượng

Đã cùng ba mải miết

Đi bón chăm cây lễ nghĩa cho đời

Đi ca hát những thăng trầm đất việt

Những nhục vinh công tội kiếp người

Nó là cây Thiết Bổng

Không phải để trừ ma –diệt quỷ

Mà chỉ để giúp ba

Những lúc muộn phiền

Khi ngả lòng

Nộ khí xung thiên

Đứng vững giữa đàn con lêu lổng

Nó là cây gậy trúc

Cùng ba trên đường lên xuống lớp

Tìm ngôn từ cho những ý thơ

Hay suy ngẫm những cảnh đời trong đục

Những tang thương

Hưng phế

Bất Ngờ

Nó là cây dầm bát nhã

Giúp ba chèo vượt biển buồn vui

Vừa kiếm áo cơm

vừa hành đạo trồng người

Vừa gõ nhịp hát bài ca tiếu ngạo (Phạm Mộ Đức)

Một bài thơ tự do dài, được tác giả gửi gắm tâm tư tình cảm nỗi niềm của một người Thầy. Trải qua những sóng gió bể dâu thời cuộc, cũng như những thăng trầm trong cuộc sống...Tuổi xế chiều nhìn lại ông thấy vật quý giá nhất bên mình chính là "cây thước gỗ" và ông muốn "để lại cho con" cùng với lời căn dặn mà như lời tự sự của chính ông vậy :

(tấm huy chương giáo dục ba tự tặng cho mình)/ Nó ghi dấu những nhạt- nồng -cam -khổ./Trong quãng đời phấn trắng- mưu sinh

Cả cuộc đời làm nghề đưa đò tri thức, hơn bốn mươi năm có biết bao thế hệ học trò được ông truyền thụ kiến thức. Cuộc đời làm thầy của ông bắt đầu từ những năm 67 của thế kỷ trước, trải qua biến cố mậu Thân và suốt cuộc chiến cho tới năm 1975. Đất nước thay đổi ông vẫn bám trụ với nghề thầy. Ông viết về"Quãng đời phấn trắng mưu sinh". Chính vì hai chữ "mưu sinh"đi cùng tấm lòng nhiệt huyết của một đời làm Thầy, nên chẳng có gì lạ khi cây thước này "ghi dấu những nhạt- nồng- cam- khổ" của cuộc đời ông.

Sau cột mốc 1975 những thầy giáo như ông khó khổ chung với sự thiếu thốn của thời bao cấp. Nhưng người thầy còn khó khổ hơn bởi "giấy rách phải giữ lấy lề". Một người làm cán bộ, kỹ sư ra đường có thể mặc chiếc áo rách, đi đôi dép đứt, nhưng người Thầy lên lớp giảng bài trước mặt học trò, ra đường không thể….khó chồng thêm khó chất lên vai người Thầy

Nhưng với tác giả- một người Thầy- đã có đủ "nhạt nồng cam khổ" thì cuộc đời nhà giáo vẫn tiếp diễn :

Nó là cây thiền trượng/Đã cùng ba mải miết/ Đi bón chăm cây lễ nghĩa cho đời./Đi ca hát những thăng trầm đất việt./Những nhục vinh công tội kiếp người

Cây thước gỗ giờ đây là "tấm huy chương giáo dục ông tự tặng cho mình". Nhưng một thời nó đã "là cây thiền trượng" là biểu tượng,là điểm tựa tâm linh, giúp ông vượt qua những sóng gió, thác ghềnh của cuộc sống .

Những lời ông căn dặn con ở khổ thơ này, sao nghe day dứt trong lòng. Với cuộc sống của người Thầy thôi mà sao ông phải dùng cây thước gỗ ấy ví với một cây thiền trượng của các bậc cao tăng , hay là các vị thần thông trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung để mà đi "chăm bón cây lễ nghĩa cho đời" và cùng "những thăng trầm đất Việt" chưa hết cây thiền trượng còn giúp người thầy đi qua "những nhục- vinh công -tội kiếp người".Bài thơ vẫn còn tiếp với những lời căn dặn của ông :

Nó là cây Thiết Bổng. ./Không phải để trừ ma –diệt quỷ./Mà chỉ để giúp ba./Những lúc./muộn phiền./Khi ngả lòng ./Nộ khí xung thiên./Đứng vững giữa đàn con lêu lổng

Nỗi lòng của một người Thầy trải qua những năm tháng sóng gió của cuộc đời, đâu chỉ có những thăng trầm ngoài xã hội, với những biến cố của thời cuộc, ông đã cần đến Cây Thiền Trượng. Giờ đây khi trở về với gia đình, với cuộc sống của người chồng, người cha, ông vẫn phải cần đến cây thước gỗ, lúc này cây thước phải chăng là "cây thiết bổng" của Tề Thiên Đại Thánh mới giúp ông vượt qua được những khó khăn của đời thường. Để làm tròn bổn phận người chồng , người cha và giữ tròn trọng trách một người thầy trong xã hội .

Vượt qua được tất thảy những khó khăn ấy. Và đây là khi cây thước gỗ làm công việc nhẹ nhàng nhất, khi nó chỉ phải cáng đáng công việc của một "cây gậy trúc", và "cây dầm bát nhã" để song hành cùng tác giả trong khổ cuối của lời căn dặn :

Nó là cây gậy trúc./Cùng ba trên đường lên xuống lớp./Tìm ngôn từ cho những ý thơ/Hay suy ngẫm những cảnh đời trong đục./Những tang thương ./Hưng phế./ Bất Ngờ

Nó là cây dầm bát nhã./Giúp ba chèo vượt biển buồn vui./Vừa kiếm áo cơm ./vừa hành đạo trồng người./Vừa gõ nhịp hát bài ca tiếu ngạo

Tới đây có lẽ cây thước gỗ cũng đã làm nhiều thiên chức quá sức của nó rồi, nên tác giả cho nó trở về với những công năng bình dị vừa sức của nó. Đồng hành cùng nó lúc này là tác giả chủ nhân của nó cũng đã thong dong trên đường tới lớp, hay trên đường đi tìm ý thơ. Cây gậy trúc sẽ nhàn hạ chỉ đôi khi gặp những "tang thương"những "hưng phế" và đôi khi là "bất ngờ" mới phải dùng đến.

Cây thước gỗ của nhà giáo, được ông trân quý cả cuộc đời, với bao sóng gió, trồi sụt trong biển buồn vui của nghiệp đưa đò. Khổ kết của bài thơ ông viết cây thước này chính là cây dầm bát nhã đã giúp ông…. Ba câu thơ cuối với ba chữ vừa…dẫn người đọc cập bến bình yên và chia sẻ với ông về sự "vừa lòng" khi ông đã trọn nghiệp Thầy cho mình

Một bài thơ tự do được tác giả sử dụng biện pháp "mượn vật tả tình" đã đưa ta theo suốt cuộc đời nhà giáo hơn bốn mươi năm của ông . Cây thước gỗ chính là biểu trưng cho nghề nghiệp mà ông đã chọn. và cũng chính nghề giáo với những khuôn mẫu mực thước của nghề nghiệp đã giúp ông giữ mình vượt biển đời sóng gió bình yên.

Bài thơ ông viết như một lời căn dặn con và phải chăng cũng chính là lời tâm sự mà ông muốn gửi gắm cho thế hệ thầy cô giáo trẻ hôm nay, sinh ra và lớn lên, vào nghề trong một đất nước yên bình. Dẫu vậy vẫn cần và rất cần giữ trọn đạo đức khuôn mẫu và mực thước của người thầy

Sài Gòn 19/11/2013

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét