Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Huỳnh Xuân Sơn với cảm nhận bài thơ Đêm Lửa Tây Nguyên của tác giả Lý Viễn Giao



Tôi đã và sẽ mãi mãi thích giai điệu ca khúc Ngọn Lửa Cao Nguyên của nhạc sĩ Trần Tiến. Những ca từ hoà quyện vào giai điệu hào hùng, ăn sâu trong tiềm thức. Để mỗi khi có dịp lại cất tiếng hát một mình:

Một ngọn lửa hồng còn trong ta

Một ngọn lửa hồng sáng rừng già

Một ngọn lửa hồng bồi hồi cháy mãi… ( Ngọn Lửa Cao Nguyên- Trần Tiến)

Tôi yêu, tôi nhớ và tôi thích, vì ngọn lửa của nhạc sĩ, lưu lại trong tôi một tình cảm quyến luyến với vùng đất Hoàng Triều Cương Thổ, núi rừng đại ngàn Tây Nguyên…Ngọn lửa như cũng có tâm hồn nó biết “bồi hồi…”. Nó biết “tìm về với cội”

Hôm nay, ngay lúc này, tôi bắt gặp một ngọn lửa mang tâm hồn khác, cũng đến từ tây nguyên. Đó là Đêm Lửa Tây Nguyên, một bài thơ tự do của tác giả Lý Viễn Giao.

Đêm lửa Tây Nguyên

Lời cồng chiêng rực cháy

Gió quát rừng già

Cao nguyên bừng dậy



Đêm lửa Tây Nguyên

Gái trai nhịp nhàng nhún nhẩy

Mắt nhìn thấu mắt

Tay nối dài tay

Lũ voi đại ngàn ngúc ngắc

Bành gỗ rung rinh cười



Đêm lửa Tây Nguyên

Rượu vít cong vòi

Khói thuốc cuộn tròn xoáy ốc

Thác réo gầm trời

Đuốc bay trùm dốc

Ngàn sâu

Nhấp nháy sao rơi



Đêm lửa Tây Nguyên

Vang vọng lời nguyền

Hồn nước linh thiêng

Lửa ra Biển đảo ! ( Lý Viễn Giao)




Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh đất nước đang lâm nguy, bởi quân thù đến gây hấn ngoài biển Đông. Trong khi tác giả đang sống giữa lòng thủ đô Hà Nội..

Tôi đã hỏi lời bài thơ rất nhiều lần.

Sao tác giả của ngươi không lấy một hình ảnh nào trong lúc này mà lại là Lửa?…

Bởi vì theo qui luật biến thiên của Ngũ hành, trong triết học phương Đông thì Lửa cũng chính là hành Hoả và luôn luôn tương khắc với hành Thuỷ…

Dẫu có là Hoả Diệm Sơn thì cũng chẳng thể nào có hiện tượng Tương Vũ. (khắc không nổi bị phản phục).

Vẫn biết trong tương khắc luôn có tương sinh và ngược lại ... Nhưng ngọn lửa từ Đêm Lửa Tây Nguyên này thì thật khó cho tôi lời giải đáp…Khi "Lửa ra biển đảo”

Hỏi lời bài thơ không được

Hỏi Triết học Không ra

Hỏi tác giả ư? Sẽ chẳng có ai làm vậy cả. Bởi tôi đã nghe được lời của Thầy Đàm Khánh Hỷ, giáo sư triết học và cũng là một nhà thơ rằng: “Nỗi thống khổ của người làm thơ là phải đi giải thích ra cho bạn đọc hiểu mình viết gì”?

Nếu vậy thì chỉ còn cách duy nhất để khám phá Ngọn Lửa này là hỏi trái tim tôi. Bởi tôi nghĩ lời trái tim, luôn nằm ngoài vòng kiềm toả của bất kể qui luật hay qui tắc nào.

Đêm Lửa Tây Nguyên đã cháy và cuốn tôi vào với nhiều, thật nhiều thắc mắc: Nếu bạn cũng thắc mắc hãy cùng tôi khám phá từng câu chữ mà tác giả Lý Viễn Giao đã gửi gắm

Đêm lửa Tây Nguyên

Lời cồng chiêng rực cháy

Gió quát rừng già

Cao nguyên bừng dậy

Chỉ vỏn vẹn mười bảy từ cho bốn câu thơ mở đầu.. Với những động từ ghép mạnh như “ rực cháy”, “Gió quát” “ bừng dậy”… được tác giả đưa vào nhằm giới thiệu không gian của “Đêm lửa Tây Nguyên”… Linh hồn của đêm lửa chính là “Lời cồng chiêng” (Một kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO. Công nhận)..”rực cháy”…

Từ Đêm Lửa Tây Nguyên.. Nếu bạn đã một lần chứng kiến lễ “Đâm trâu” “Bỏ mả”. “Mừng lúa mới”….Và rất nhiều lễ hội khác của người dân các dân tộc thiểu số, cư ngụ ở Tây Nguyên.

Bạn sẽ thấy tiếng cồng chiêng thiêng liêng thế nào với họ. Có thể nói ngay từ lúc lọt lòng mẹ các em bé đã được nghe tiếng cồng chiêng…Trải dài suốt cuộc đời cho đến lúc về già nhắm mắt xuôi tay. Hay nói cách khác là cồng chiêng Tây Nguyên có mặt trong mọi nghi lễ của đời sống con người, cộng đồng các dân tộc. Nó như sợi dây gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, mỗi dòng tộc trên khắp các buôn làng Tây Nguyên từ bao đời nay...

Một điều đặc biệt nữa với người dân Tây Nguyên: Khi tiếng cồng chiêng vang lên, cũng chính là lúc sợi dây thiêng liêng gắn kết giữa thần linh với họ được kết nối…

Trở lại với Đêm Lửa Tây Nguyên của tác giả Lý Viễn Giao. Khi “lời cồng chiêng rực cháy” có lẽ cũng chính là lúc lòng người dân nơi đây bừng dậy theo…Hoà vào trong gió ngàn trên non xuống hay dưới thung sâu lên, đã được tác giả miêu tả bằng việc “gió quát rừng già” …Có lẽ tiếng “quát” ấy mạnh và vang xa có sức lan toả mạnh đã khiến “Cao nguyên bừng dậy”

Giữa mênh mông xứ sở cao nguyên đất đỏ, đại ngàn trùng điệp …Gió từ đâu tới? Phải chăng gió từ biển khơi kéo về, Từ thung sâu vượt lên… Cùng với sức mạnh của “lời cồng chiêng rực cháy”…Dậy lên một Đêm Lửa Tây Nguyên hừng hực…

Đêm lửa Tây Nguyên

Gái trai nhịp nhàng nhún nhẩy

Mắt nhìn thấu mắt

Tay nối dài tay

Lũ voi đại ngàn ngúc ngắc

Bành gỗ rung rinh cười

Trái tim tôi vừa mách bảo “Cao nguyên bừng dậy” Theo nhịp cồng chiêng vang dội…lòng người dân Tây Nguyên đã hoà cùng ngọn Lửa…Qua hình ảnh nên thơ, rất thật, của những đêm lễ hội “trai gái nhún nhẩy”…Họ vui mừng và sự vui mừng ấy lan nhanh, lan xa qua “mắt nhìn thấu mắt” Và “tay nối dài tay”….Khiến cho “lũ voi đại ngàn…” Cũng không thể đứng ngoài sự vui nhộn ấy, chúng cũng phải ngúc ngắc theo.. Và cái bành gỗ trên lưng chúng vốn là vật vô tri cũng biết rung rinh cười Theo niềm vui đang lan toả trong cộng đồng

Đêm lửa Tây Nguyên

Rượu vít cong vòi

Khói thuốc cuộn tròn xoáy ốc

Thác réo gầm trời

Đuốc bay trùm dốc

Ngàn sâu

Nhấp nháy sao rơi

Thường sau phần hội già trẻ gái trai cả buôn làng thường tụ về nhà Rông để cùng uống rượu cần…Đó là những lễ hội quanh năm suốt tháng từ bao đời nay vẫn thế…

Trong Đêm Lửa Tây Nguyên…Tác giả để cho rượu Vít cong vòi..và “khói thuốc…” Thì “cuộn tròn xoáy ốc”.Những hình ảnh thật nhiều ám ảnh cho người đọc, bởi những tâm tư sâu lắng của người đang thưởng thức rượu cần và nhả khói thuốc…Họ có thể là người dân bản địa và có thể là chính tâm tư của tác giả… Chưa hết, trong lúc đó lại vọng về từ những ngọn thác mà tiếng nước đổ lúc này thành “réo gầm trời”….

Dòng người xuôi ngược trong đêm với những bó đuốc đặc trung trên tay, giờ đây cũng bị tác giả cho “Đuốc bay trùm dốc”… Vẫn chưa hết, những vì sao lung linh trên trời lúc này bị cho rơi xuống “ngàn sâu”..

Quá nhiều hình ảnh, sự việc khác thường được tác giả đặt vào khổ thơ này…

Phải chăng? Tất cả được bắt nguồn từ tâm tư tình cảm nặng trĩu của: Người dân bản địa? Của vài chàng lãng tử phong trần từ phương xa tới đây? Hay là của chính tác giả? Hoặc có thể chính là tâm tư hơn chín chục triệu người dân Việt Nam, đă được gửi gắm vào Đêm Lửa Tây Nguyên trong thời khắc“cao nguyên bừng dậy”, theo “lời cồng chiêng…” Cùng khoảnh khắc trời đất giao hoà, lòng người Tây Nguyên bùng cháy Ngọn Lửa lòng được tiếp thêm sức mạnh của Thần Linh để:

Đêm lửa Tây Nguyên

Vang vọng lời nguyền

Hồn nước linh thiêng

Lửa ra Biển đảo !

Một khổ thơ kết làm yên lòng người đọc. Biển đảo ngoài khơi xa xôi đang bị quân thù lấn chiếm. Gây nguy hiểm: đâm chìm tàu cá, phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư...

Nhưng ngư dân ta vẫn kiên cường bám biển, kiểm ngư, cảnh sát biển một lòng gan dạ chống chọi với quân Tàu gây hấn…Tất cả đã đang và mãi được hơn chín chục triệu tấm lòng người dân Việt Nam dõi theo, tiếp thêm sức mạnh…

Ngọn Lửa của hồn nước linh thiêng. Đang lan rộng không chỉ ở Tây Nguyên mà đã đang lan ra cả nước, kết thành hơn chín chục triệu ngọn Hoả Diệm Sơn phun trào rẽ sóng biển Đông và sẽ nhấn chìm kẻ thù…

Sài Gòn 13/6/2014

Huỳnh Xuân Sơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét