Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Hạnh Phúc của tác giả Lưu Xuân Thanh



Hạnh Phúc

Tóc xanh ly tán

Đầu bạc bên nhau

Đường xưa dìu bước

Hoa bướm theo sau (1996- Lưu Xuân Thanh)

Bài thơ có tựa đề Hạnh Phúc với vỏn vẹn mười sáu từ. Quả thật mới nhìn và đọc một lần có vẻ như mười sáu chữ ấy quá chật chội với niềm hạnh phúc mà tựa đề muốn nói.

Ngẫm ngợi một hồi thì hình như không phải thế.Như Louis Aragon đã từng nói “ Nghệ thuật làm thơ là phép đem đá hóa vàng, biến đổi những sự yếu hèn thành ra tốt đẹp”. Tác giả Lưu Xuân Thanh nay đã ngoài bảy mươi, bản thân ông vốn là một nhà nghiên cứu kinh dịch, hẳn nhiên khi gửi gắm ý thơ Hạnh Phúc ông phải có lý do riêng cho chuyến xe kiệm lời, mà chuyên chở một khối tình ý sâu nặng này. Bất giác người viết có ý nghĩ, hình như với Hạnh Phúc mười sáu chữ này không thể thêm một từ và nó cũng không thể bớt đi một từ, vì vốn nó vừa đủ kết lại thành một chữ Duyên, chữ Tình, chữ Nghĩa và chữ An.

Xin phép tác giả người viết được đi tìm chữ Duyên, Tình, Nghĩa, và An trong bức tranh Hạnh Phúc. Theo như lời tác giả thì bài thơ này ông viết cho hai người bạn, Vậy thì bây giờ họ cũng đã qua tuổi thất thập cổ lai hy rồi. Thời điểm bài thơ ra đời năm 1996 họ cũng đã qua tuổi Ngũ thập tri thiên mệnh. Tìm ra khoảng tuổi của họ để thấy họ đã có duyên gặp gỡ nhau thủa “Tóc xanh” nhưng vì đâu? Vì sao? Họ phải “Ly tán”. Chỉ hai chữ ly tán thôi là vực thẳm cách ngăn chữ Duyên chữ Tình đến với chữ Nghĩa . Nếu họ ly tán vì công việc, vì cơm áo có lẽ không lâu đến thế…

Nếu như họ sinh vào những năm cuối thập niên 30, đầu thập niên 40 của thế kỷ trước.Khi ấy họ có Duyên gặp gỡ kết Tình với nhau lúc tuổi “Tóc xanh”, vậy thì lúc này có biến cố nào dẫn đến chia ly?. Theo dòng lịch sử thì thời điểm ấy có cuộc chia ly của rất nhiều học sinh Miền Nam ra Bắc, Có lẽ họ không phải trong số này, vậy thì có thể họ là một trong số những cán bộ miền nam đi Tập kết. Một người xuống tàu ra Bắc một người ở lại. Chữ Duyên đã có chữ Tình cũng vừa viết xong. Họ xa nhau bao lâu trong những năm chiến tranh ác liệt ấy, Người đi kẻ ở vẫn nắn nót một chữ Tình sâu nặng nối theo chữ Nghĩa mà có lẽ là nghĩa tào khang. Nên nay họ mới có “Đầu bạc bên nhau”.Hai chữ “tóc xanh” rồi thêm hai chữ “ly tán” vậy là “đầu bạc” xuất hiện, một thời gian quá dài có lẽ kéo đến mấy chục năm non nửa đời người. Họ đã phải trải qua những nỗi nhớ, niềm thương của sự chia ly suốt thời trai trẻ, thời xuân sắc để có được hai chữ “bên nhau” dẫu hai mái đầu đã bạc.

Giờ đây nơi cũ chốn xưa chỉ có tuổi xanh là đã xa, họ “dìu bước” trên đường xưa. Chữ An xuất hiện vì sau mỗi bước đi của họ ‘Hoa bướm theo sau”. “Hoa là nụ cười của đất”, Bướm theo sau chính là vũ điệu vui vẻ sống động đại diện cho vạn vật chăng? Hay là tác giả còn muốn nói đến “Hiệu ứng cánh bướm”như một cách nhắc về luật nhân quả ở đời, có gieo có gặt, có chờ đợi, có hy vọng sẽ có sum họp hay chăng.

Tuổi về chiều được một chữ An hỏi còn gì Hạnh Phúc hơn thế nữa?.

Hạnh Phúc ở đây họ có được từ chữ Duyên chữ Tình chữ Nghĩa và chữ An. Bởi thời điểm đó cùng thế hệ với họ rất nhiều người cũng “Tóc xanh ly tán” khi họ cũng đã có Duyên gặp gỡ, có chữ Tình đơm bông, nhưng họ không viết được chữ Nghĩa…Vợ chồng mỗi người một nơi “xa mặt cách lòng” để rồi mỗi người, mỗi ngả .Cuối đời khi “Đầu bạc” họ không được “bên nhau” dẫu mỗi người có một cuộc sống riêng. Họ vẫn không có được chữ An, có người quay lại đổ thừa cho số phận. Người viết đã không nghĩ như họ

Với cá nhân người viết tuổi đời và vốn sống còn có hạn suy nghĩ về nhân sinh còn thiển cận. Nhưng khi gặp Hạnh Phúc với một thủ pháp đặc biệt của tác giả Lưu Xuân Thanh, người viết đã mạn phép lạm bàn. Đó là tất cả những gì người viết cảm nhận được từ Hạnh Phúc bằng chữ tâm của bạn đọc.

Sài Gòn 2/10/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Nguồn : http://luuxuanthanh.blogtiengviet.net/2014/10/07/h_nh_phuc_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét