Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Nhớ Đồng Đội Của Tác Giả Đỗ Mạnh



Chiều nay tôi thay đổi thói quen nghe nhạc của mình! Có lẽ bởi cả mặt tiền trang Tho.com.vn Mục thơ mới đăng là những bài thơ viết về người lính.Tôi không còn nghe những bản nhạc tiền chiến hoặc nhạc tình nữa. Tôi hết nghe Mùa Hoa Cải Ven Sông lại đến Cùng Anh Tiến Quân Trên Đường Dài, rồi cả Hát Mãi Khúc Quân Hành và bây giờ thì dừng lại ở Đồng Đội Ơi của Nguyễn Giang.

Đồng đội ơi! Tôi nhớ…

Chiến tranh qua lâu rồi

Lòng vẫn thầm thì gọi

Đồng đội đồng đội ơi!

Là những ca từ mà có lẽ rất hợp với tâm trạng của tác giả Đỗ Mạnh khi anh viết bài thơ mà tôi đang đọc có tựa đề

Nhớ Đồng Đội

Ngày vào lính bọn mình từ tứ xứ
Chẳng quen nhau, chẳng hiểu biết về nhau
Nhưng khi cùng mặc bộ đồ xanh của lính
Bỗng thành anh em gắn bó khó chia lìa
---
Chúng mày Huynh, Hợi quê ở Mía
Tao Quốc Oai đây chẳng xa mấy chúng mày ơi
Cuối ngày hành quân xa chân đã mỏi lắm rồi
Ba lô mày nặng không? san để tao mang bớt

Đêm ngủ nhớ che tăng Hợi nhé
Phòng đêm mưa, sương lạnh bủa vây
Nằm trên võng nhớ giờ thay gác nhé bay
Để phòng khi kẻ thù đột nhập

Thằng Huynh nhớ người yêu giờ này sao còn thức
Chẳng có đèn nhưng tao nhìn thấy lá rung
Ngủ đi mày gói giữ những nhớ nhung
Ngày toàn thắng tha hồ mày thỏa nhớ

Đường hành quân mỗi cuối ngày mệt lử
Mơ mộng chút đầu giờ rồi cả lũ ngủ quên
Đến giờ gác gọi sao mày chẳng ngửng lên
Tao nghe rõ mày gọi tên ai trong giấc mộng

Lính là thế mấy năm trong rừng rậm
Cơm với rau rừng thẫm đẫm nước mưa rơi
Chẳng thấy buồn mà ngược lại thấy vui
Vì đêm nào cũng mơ thấy con đường phía trước

Lính là thế chẳng tính gì thua được
Chỉ một giấc mơ là giải phóng quê hương
Đồng đội hôm nay tất cả là anh em
Chẳng gì có thể chia lìa ngoài cái chết
----
Năm nay gặp nhau kẻ còn người mất
Bỗng thấy nôn nao nhớ những vạt rừng xanh
Vết thương của thằng Hợi còn tái phát không Huynh?
Tao không gặp mày chuyển lời thăm nhé

Đồng đội chúng tôi xưa và nay là thế
Sống chết có nhau gian khó chẳng hề chi
Thời gian trôi lịch sử chẳng mất đi
Đơn giản thôi chúng tôi là người lính.(Đỗ Mạnh)

Bài thơ dài được tác giả viết theo thể thơ tự do.Nói lên tình cảm đồng đội những năm chiến tranh biên giới Tây Nam với quân Khme Đỏ. Tác giả không nói cuộc chiến nào nhưng vì anh ở độ tuổi 57 thì chỉ có cuộc chiến ấy! bởi khi đất nước thống nhất tác giả chưa tới 18 tuổi. Xin phép tác giả cho tôi làm phép suy luận này. Bởi mỗi cuộc chiến có một sự khốc liệt và mất mát riêng.

Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam chỉ kéo dài khoảng 10 năm nhưng đau thương và mất mát không hề nhỏ với dân tộc ta.

Ngày ấy tất cả sức lực và tinh thần của cả dân tộc vừa dồn cho cuộc tổng tấn công giành độc lập song. Ngay lập tức lại phải lao vào cuộc chiến với Khơme Đỏ Giành chủ quyền biên giới. Những người thanh niên trai tráng trên khắp cả nước lại bắt đầu nhận nhiệm vụ lao vào trận chiến đấu mới.

Đó là dấu mốc bắt đầu của tình đồng đội đã đi theo tác giả mấy chục năm cho tới hôm nay. Mở đầu bài thơ với những từ ngữ đơn giản nhưng gần gũi như chính những người lính đã được anh viết:

Ngày vào lính bọn mình từ tứ xứ /Chẳng quen nhau, chẳng hiểu biết về nhau /Nhưng khi cùng mặc bộ đồ xanh của lính / Bỗng thành anh em gắn bó khó chia lìa

Bốn câu thơ thể hiện đầy đủ tinh thần và tình cảm của những người lính mới xa nhà để nhận nhiệm vụ.Họ từ khắp mọi miền quê, chưa một lần gặp mặt nhưng khi họ khoác lên mình “bộ đồ xanh của lính” lập tức họ “thành anh em gắn bó khó chia lìa” bởi màu áo ấy đã gắn kết tinh thần yêu tổ quốc giữa họ và đặc biệt họ mặc nó vì họ cùng một chí hướng với nhau.

Bài thơ được viết tiếp
---
Chúng mày Huynh, Hợi quê ở Mía / Tao Quốc Oai đây chẳng xa mấy chúng mày ơi
Cuối ngày hành quân xa chân đã mỏi lắm rồi / Ba lô mày nặng không? san để tao mang bớt

Đêm ngủ nhớ che tăng Hợi nhé / Phòng đêm mưa, sương lạnh bủa vây
Nằm trên võng nhớ giờ thay gác nhé bay / Để phòng khi kẻ thù đột nhập

Sau phút ban đầu gặp nhau bỡ ngỡ vì “chẳng quen nhau” và đã chưa quen thì làm sao mà “hiểu biết nhau” được. Họ đã làm quen và gọi nhau rất thân mật như những người bạn thân thiết.

Họ đã biết tên nhau, nào là Huynh, Hợi cùng quê ở Mía.(Một làng thuộc xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây ngày nay). Vậy là có hai anh lính cùng làng và tác giả cũng khẳng khái ngay rằng”Tao Quốc Oai đây”. Họ lập tức thành những người bạn ngoài nhiệm vụ người lính được giao, giữa họ có thêm tình đồng hương nữa, sợi dây gắn kết thêm gần gụi. Họ sẵn sàng san sẻ cho nhau trên đường hành quân thì “ba lô mày nặng không? Để tao mang bớt”. Có lẽ trong số họ có người sức khỏe không bằng bạn bè chăng?

Và khi đêm xuống thì nhắc nhau “che tăng”( một dạng như tấm bạt ngày nay dùng để che chắn sương lạnh).

Họ không chỉ quan tâm nhắc nhở giúp đỡ nhau để làm tốt nhiệm vụ, “canh gác” “phòng kẻ thù đột nhập”. Mà họ còn quan tâm đến tâm tư tình cảm riêng tư của bạn bè đồng đội nữa

Thằng Huynh nhớ người yêu giờ này sao còn thức / Chẳng có đèn nhưng tao nhìn thấy lá rung / Ngủ đi mày gói giữ những nhớ nhung / Ngày toàn thắng tha hồ mày thỏa nhớ

Với tôi đây là khổ thơ hay nhất làm điểm nhấn cho cả bài thơ.Bạn thức thôi mà tác giả biết “thằng Huynh nhớ người yêu”. Chưa để bạn mình kịp phản ứng( mấy anh lính trẻ thế nào chả cãi) lập tức anh chứng minh rằng “Chẳng có đèn nhưng tao nhìn thấy” mà lạ và hay ở chỗ nhìn thấy “lá rung”.Nếu là tôi là tôi sẽ cãi cố rằng lá rung sao biết người ta đang nhớ người yêu? Nhưng với anh Huynh thì có lẽ bị bạn đoán trúng tim đen lên nằm im.

Đươc thể tác giả động viên luôn “ngủ đi mày” và không quên dặn dò như vẻ ta đây là người từng trải tình trường lắm ấy “Gói giữ những nhớ nhung” mà gói lại để đợi “ngày toàn thắng” mới được “tha hồ mày thỏa nhớ”.

Tác giả thân mến ơi! Anh khuyên người ta như vậy anh có nghĩ tới người ta cũng như anh mà, cùng niềm tin chiến thắng đấy nhưng biết bao giờ? và biết đến lúc nào? Có lẽ nào như những cuộc kháng chiến trước đây mấy chục năm trường thì sao? anh khuyên họ gói nhớ lại đừng nhớ nữa thì quả thật là khó vô cùng cho anh Huynh chứ! Hãy cứ để anh ấy nhớ khi nào nhớ đi!

Và thực tế thì :

Đường hành quân mỗi cuối ngày mệt lử / Mơ mộng chút đầu giờ rồi cả lũ ngủ quên
Đến giờ gác gọi sao mày chẳng ngửng lên /Tao nghe rõ mày gọi tên ai trong giấc mộng

Lính là thế mấy năm trong rừng rậm / Cơm với rau rừng thẫm đẫm nước mưa rơi
Chẳng thấy buồn mà ngược lại thấy vui /Vì đêm nào cũng mơ thấy con đường phía trước

Lính là thế chẳng tính gì thua được /Chỉ một giấc mơ là giải phóng quê hương
Đồng đội hôm nay tất cả là anh em/ Chẳng gì có thể chia lìa ngoài cái chết

Tác giả có lẽ là người đồng đội lớn hơn các bạn của mình một chút về tuổi tác hoặc ít nhất là trong suy nghĩ. Anh quan tâm tới tất thảy những tâm tư tình cảm của bạn thậm chí còn “nghe rõ mày gọi tên ai trong giấc mộng” và anh cũng đã nói ra được một thực tế rất thật là “đường hành quân cuối ngày mệt lử” làm sao mà không mệt cho được khi vai mang vác quân dụng khí tài rồi tư trang mà đi ròng rã “mấy năm trong rừng”.

Thức ăn lại kham khổ chỉ có “cơm với rau rừng” nhưng tinh thần đồng đội tinh thần ý chí kiên cường của người lính thì “chẳng thấy buồn mà ngược lại thấy vui” vui vì “đêm nào cũng mơ thấy con đường phía trước” và giấc mơ ấy không gì khác là “giải phóng quê hương”

Giờ đây anh mới khẳng định thêm một chân lý của những người lính là “lính là thế” họ không so đo tính toán được mất, hơn thua tất cả họ đã cùng chung một bầu nhiệt huyết họ đã là “anh em” và quan trọng nhất là “chẳng có gì chia lìa ngoài cái chết”. Vâng chiến tranh mà! Kẻ còn người mất, chết choc là điều không tránh khỏi và đây cũng là lần đầu tiên anh nhắc đến cái chết trong bài. Sau tất cả những sự vô tư lạc quan của người lính những người coi nhau là “anh em” và là đồng đội với nhau

Bài thơ tới đây có một lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại. tất cả từ đầu tới đây là thời chiến tranh “ở trong rừng”

Sau lằn ranh này là hiện tại giờ này. Những người lính năm ấy “mày tao” bỡ ngỡ làm quen để thành những người đồng đội sống chiến đấu và hy sinh bên nhau có nhau và vì nhau nay đã thành những ông ngoại ông nội sắp bước vào tuổi mùa đông của đời người rồi

Năm nay gặp nhau kẻ còn người mất / Bỗng thấy nôn nao nhớ những vạt rừng xanh
Vết thương của thằng Hợi còn tái phát không Huynh? /Tao không gặp mày chuyển lời thăm nhé!

Một khổ thơ thật nhiều tình cảm nó nặng trĩu tình đồng đội của những người lính già hỏi thăm nhau, không còn nhắc nhở nhau “gói nỗi nhớ” năm xưa nữa mà là “vết thương của thằng Hợi còn tái phát không Huynh”. Vậy là họ may mắn đã trở về để “thỏa nỗi nhớ” nhưng có người đã gửi lại một phần máu xương nơi mặt trận. Họ vẫn bên nhau nhắc nhau rất thân tình.

Cuối cùng tác giả cũng đưa ta tới khổ kết của Nhớ Đồng Đội !

Đồng đội chúng tôi xưa và nay là thế
Sống chết có nhau gian khó chẳng hề chi
Thời gian trôi lịch sử chẳng mất đi
Đơn giản thôi chúng tôi là người lính.

Tác giả đã thêm một lần khẳng định “chúng tôi là người lính” và “Chúng tôi xưa nay vẫn thế”. Vì họ là Đồng Đội với nhau. Là bạn bè hôm nay giữa đời thường, hay ngày trước nơi chiến trường thì trong họ mãi mãi là “Sống chết có nhau gian khó chẳng hề chi”.

Vâng tôi cũng đồng ý với anh và tin chắc rằng bạn đọc cũng thế! Tất cả đều hiểu, đều biết, và tin “thời gian trôi” thời gian không trở lại có nghĩa ta mất nó mãi mãi. Nhưng “lịch sử chẳng mất đi”bao giờ !

Lịch sử chói lọi của dân tộc ta mãi mãi khắc ghi những cuộc chiến trường kỳ gian khổ mà các anh những người lính là một phần của lịch sử ấy!

Một bài thơ dài, viết về người lính, với rất nhiều những ý, từ, diễn tả tình đồng đội, trong những năm tác giả tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam. Tôi là một người sinh ra trong chiến tranh, nhưng chưa kịp lớn thì chiến tranh kết thúc. Những điều tôi biết về chiến tranh về người lính các anh chỉ thông qua sách báo và kiến thức học trong nhà trường. có thể tôi chưa cảm nhận hết và đúng với những gì tác giả viết và thời cuộc lúc bấy giờ. Xin tác giả và bạn đọc bỏ qua cho nếu có thiếu sót .

Sài Gòn 21/12/2013



Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét