Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Người Đàn Ông Đưa Quê Hương Vào Cho Đồng Đội của tác giả Trần Ngọc Hoà (Hoa Hồng)



Người đàn ông Đưa Quê Hương Vào Cho Đồng Đội
(Tặng nhà thơ nhà báo Lê Bá Dương)

Người đàn ông!
Ôm khư khư tháng bảy trong lòng.
Ôm tuổi hai mươi thời lửa đỏ.
Tất tưởi đi về nơi đầy nắng và gió
Chốn ấy
Có đồng đội đang dõi mắt chờ trông.

Hái chùm chiến công giăng trên đám mây hồng
Gom kỷ niệm chiến truờng vương trong sắc sim ngời ngợi
Guộn nỗi nhớ mắc trên màu nắng mới
Người đàn ông
Đi về phía một dòng sông.

Thành Cổ hạ về ngậm nắng ngỡ tràn đông
Gió se cỏ ru những linh hồn yên nghỉ
Ba nén hương, ba ly rượu ấm tình đồng chí
Ba chén cơm lưng, một thố muối vừng

Phía cạn ngày đêm đáy mắt rưng rưng.
Mùa ơi hãy ngủ ngoan đừng thức vội.
Để các anh về bên mẹ trong vòng tay bổi hổi.
Để hồn liệt sĩ ấm trong khúc vu lan.

Người đàn ông
Nỗi nhớ rụa ràn
Dép xếp gối đầu áo mưa làm chiếu ngủ
Đêm Thành Cổ đồng đội về đông đủ
Câu chuyện chiến trường rôm rả râm ran.

Bỗng nháo nhào những giọng nói đục khàn
Đồng chí ơi ! Chúng tôi nhớ nhà nhớ mẹ
Nhớ đàn em thơ nhớ câu hò xứ nghệ
Nhớ cánh đồng lúa trĩu oằn bông

Mẹ em khỏe không ?
Cha em khỏe không ?
Nhắn dùm cô ấy đừng chờ nữa hãy lấy chồng...
Lời chưa kip thốt
Tiếng gà đâu vẳng vọng
Nơi hốc mắt giọt xót xa còn đọng
Người đàn ông bật dậy...
Tay vuột một vòng ôm.

Ông gửi câu trả lời trong ánh sao hôm
Gửi nỗi nhớ vào thơ gửi khúc ru vào gió
Gửi muôn vàn yêu thương trong màu hoa đỏ
Đồng đội không về được quê hương
Ông đưa quê hương vào cho đồng đội thỏa lòng.

Người đàn ông !
Tấm lòng
Nồng nàn như dòng sông.(Trần Ngọc Hòa)

Bài thơ dài được tác giả đề tặng nhà thơ nhà báo Lê Bá Dương với tựa đề Người Đàn Ông Đưa Quê Hương Vào Cho Đồng Đội. Hơn một lần tôi thắc mắc khi chỉ nhìn tựa đề. Bởi tôi và nhiều bạn đọc đã biết nhà thơ nhà báo Lê Bá Dương nhập ngũ khi mới 15 tuổi do khai tăng để xung phong vào chiến trường nơi bom rơi đạn nổ.

Lê Bá Dương còn là cái tên để dấy lên phong trào “xung kích như Lê Bá Dương, chốt chặt như Lê Bá Dương”. Tên anh luôn được đồng đội nhắc đến trên mặt trận B5*(Đường 9 nam Lào) những năm 1968 -1973… Thời trai trẻ Lê Bá Dương là thế. Ngày nay ông là một nhà thơ nhà báo…. Hôm nay Trần Ngọc Hòa gọi ông là Người Đàn Ông Đưa Quê Hương Vào Cho Đồng Đội, hẳn chị phải có lý do. Tôi bây giờ rất mong bạn đọc cùng tôi đi tìm lý do ấy!

Người đàn ông !
Ôm khư khư tháng bảy trong lòng.
Ôm tuổi hai mươi thời lửa đỏ.
Tất tưởi đi về nơi đầy nắng và gió
Chốn ấy Có đồng đội đang dõi mắt chờ trông.
Lời giới thiệu của chị về người đàn ông ấy thật ngậm ngùi.
Tháng bảy mùa vu lan, tháng bảy có ngày tri ân, tháng bảy mùa ngâu…Sẽ không chỉ một mình Người Đàn Ông của chị “Ôm khư khư…” trong lòng. Đó đây khắp trong nam ngoài bắc ta vẫn đọc báo, nghe đài hàng ngày nhiều lắm những người lính già khăn gói trở lại chiến trường xưa, không chỉ tháng bảy. Nhưng hình ảnh Người Đàn Ông “ ôm tuổi hai mươi thời lửa đỏ” rồi “tất tưởi đi về phía đầy nắng gió”, về nơi “có đồng đội đang chờ” thì liệu có mấy người như nhà thơ nhà báo Lê Bá Dương?
Ngay sau ngày hòa bình lập lại. Người dân sống hai bên bờ dòng sông Thạch Hãn đã thấy một người lính tuổi hai mươi, đi hái hoa mua, hoa sim gửi lòng mình vào nó cùng những giọt nước mắt nóng hổi, rồi thả trôi theo dòng nước. Trần Ngọc Hòa viết về người đàn ông ấy đã: Hái chùm chiến công giăng trên đám mây hồng Gom kỷ niệm chiến trường vương trong sắc sim ngời ngợi Guộn nỗi nhớ mắc trên màu nắng mới Người đàn ông Đi về phía một dòng sông. Người đàn ông ấy hôm nay có lẽ không còn nghĩ đến chiến công của mình nữa. Nhiều năm trước ông đã gửi nó “trên đám mây hồng” bồng bềnh, bồng bềnh rồi trôi xa về cuối chân trời. Nhưng trong trái tim của người chiến sĩ nhà thơ nhà báo đa cảm ấy hẳn còn nguyên những kỷ niệm chiến trường. Với ông, với suy tư của Trần Ngọc Hòa và có lẽ của rất nhiều người nữa…Mỗi tấc đất mỗi giọt nước trên sông, mỗi ngọn cỏ… trên quê hương Quảng Trị đều chất chứa kỷ niệm tuổi hai mươi của những người lính! Ai may mắn như ông thì nay tóc đã pha sương gửi lại tuổi hai mươi xa lắc, Nhưng có nhiều và rất nhiều người lính “mãi mãi tuổi hai mươi” đã ở lại quê hương Quảng Trị nơi “bốn mùa đầy nắng gió” này. Khi Trần Ngọc Hòa viết “Gom kỷ niệm chiến trường vương trong sắc sim ngời ngợi” hẳn không ngoài suy nghĩ này.

Với Người Đàn Ông đặc biệt Lê Bá Dương tôi còn được biết, ông là người khơi nguồn cho lễ thả hoa tri ân trên sông. Năm 1987 ông đã tìm về Quảng Trị vào rạng sáng 27/7 năm đó ông ra chợ huyện mua gom hết hoa rồi thuê thuyền đi thả dọc sông. Việc làm nghĩa cử ấy dẫn đến hôm nay bên bờ Nam sông Thạch Hãn có một bến sông thả hoa và 81 cây hoa phượng được trồng nhằm tưởng nhớ những người lính trẻ đã “Mãi mãi tuổi hai mươi” trên quê hương Quảng Trị . Cũng từ bến sông này một bài thơ xúc động lòng người nhiều thế hệ đã ra đời ghi dấu tên ông- Lê Bá Dương
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm. (LBD)!
Nay tác giả Trần Ngọc Hòa lại gọi ông là Người Đàn Ông Đưa Quê Hương Vào Cho Đồng Đội hẳn phải có nguyên do khác nữa, Theo tâm tình cùng dòng cảm xúc trong thơ Trần Ngọc Hoà ta đi tìm căn nguyên khác ấy:
Thành Cổ hạ về ngậm nắng ngỡ tràn đông
Gió se cỏ ru những linh hồn yên nghỉ
Ba nén hương, ba ly rượu ấm tình đồng chí
Ba chén cơm lưng một thố muối vừng

"Thành cổ hạ về ngậm nắng ngỡ tràn đông"? Phải mất rất lâu tôi mới thoát ra được cái cảm xúc lạnh lòng mà câu thơ vừa giăng mắc bủa vây.Nắng lửa Quảng Trị mùa hạ mà ngậm lại cho lòng ngời lính già "Ngỡ tràn đông" Đông nào nơi đây? Phải chăng cái lạnh lẽo của mỗi tấc đất mỗi giọt nước nơi này đều có máu xương những người lính trẻ đã "mãi mãi tuổi hai mươi" toả ra...
Trở lại với Người Đàn Ông Đưa Quê Hương Vào Cho Đồng Đội thì suốt những năm sau này, hầu như năm nào ông cũng tìm về Quảng Trị, không chỉ tháng bảy dịp lễ,ngày tết, mà bất cứ khi nào có dịp đi ngang qua. Nơi công tác là Nha Trang, Quê hương nơi ông sinh ra và lớn lên là Nghệ An. Quảng Trị đâu chỉ là khúc ruột miền trung mà nó còn là Trái tim của ông, trái tim người lính già đau đáu bao năm với chốn này cũng chỉ bởi:“Qua nhiều trận đánh, tự tay tôi đã vuốt mắt, chôn hàng trăm đồng đội. Không chỉ là những mất mát đến xót xa một lúc cả trăm, cả ngàn người lính, mà còn là nỗi đớn đau khi nhiều người lính không còn đủ hình hài để có thể cắm một cái bia tên tuổi anh em. Có những người, sau khi chôn xong thì bị lũ cuốn trôi, hay bom lại xới lên, phải chôn lại... Riêng trong chiến dịch giải phóng và sau này bảo vệ thành cổ Quảng Trị, hàng trăm anh em chúng tôi đã nằm - chính xác hơn là tan hòa vĩnh viễn vào lòng sông Thạch Hãn và cả các dòng sông khác.
Vì vậy mỗi lần về lại Quảng Trị, tôi đều lên đồi cao đốt hương cho khói tỏa đến vong linh anh em đồng đội, rồi xuống sông thả hương hoa gửi vào lòng suối, cuối sông..."(Lê Bá Dương)

Nhiều người dân Quảng Trị và nhiều đồng đội của ông đã rất quen thuộc với hình ảnh người lính già tóc bạc. Vai mang ba lô đầu mũ tai bèo, dọc ngang trên mảnh đất này chỉ để thắp “ba nén hương” và mời đồng đội “ba ly rượu..”. Cảm động thay khi biết hành trang ông mang theo đến những nơi này chia sẻ với đồng chí đồng đội cũ của mình có thêm “ba chén cơm lưng, một thố muối vừng”. Vật chất chỉ có bấy nhiêu nhưng cái tâm cái tình với đồng đội thì nào ai đong đếm nổi. Trần Ngọc Hòa đã đồng cảm để rồi chị viết về điều ấy:

Phía cạn ngày đêm đáy mắt rưng rưng.
Mùa ơi hãy ngủ ngoan đừng thức vội.
Để các anh về bên mẹ trong vòng tay bổi hổi.
Để hồn liệt sĩ ấm trong khúc vu lan.

Vâng, có lẽ ông đã nhiều lần khóc, tác giả cũng rơi lệ và tôi và nhiều rất nhiều người nữa cũng phải rưng rưng khi nghĩ đến những người lính trẻ vì quê hương và tổ quốc mà họ đã phải hy sinh thân mình…Mùa vu lan chỉ là cơn gió nhẹ ru mong an ủi phần nào nỗi đau cho những bà mẹ, người vợ, người thân của họ. Một chút hy vọng thôi nhưng vẫn “xin mùa ơi hãy ngủ ngoan đừng thức vội” để cho các anh có dịp được đoàn tụ lâu hơn với người thân, dẫu chỉ trên cầu ô thước mà thôi! Tác giả Trần Ngọc Hòa vẫn chưa cho biết ông đã mang gì từ quê hương vào cho đồng đội. Muốn biết ta vẫn phải cùng chị đi tiếp với những câu thơ mỗi lúc một xúc động thêm.
Người đàn ông
Nỗi nhớ rụa ràn
Dép xếp gối đầu áo mưa làm chiếu ngủ
Đêm Thành Cổ đồng đội về đông đủ
Câu chuyện chiến truờng rôm rả râm ran.
Như đã nói ở phần đầu, mấy người quay lại chiến trường xưa với đồng đội mà như người lính già Lê Bá Dương. “Dép xếp gối đầu áo mưa làm chiếu ngủ”. Hành trang ấy phải chăng chính là hành trang năm xưa của người lính trẻ. Ông muốn hòa mình cùng với những người đồng đội đồng chí năm xưa. Hai nẻo về khác biệt nên chỉ có đêm mới cho ông thỏa lòng trên mảnh đất Thành Cổ để gặp được “Đồng đội về đông đủ”. Biết rằng âm dương cách trở nhưng cầu Ô Thước đã bắc, ai có tâm đến đó họ sẽ được gặp nhau để cho “câu chuyện chiến trường rôm rả râm ran”. Tới đây tôi vẫn cứ ngỡ chỉ có đồng đội cùng đơn vị năm xưa gặp nhau. Nhưng không !

Bỗng nháo nhào những giọng nói đục khàn
Đồng chí ơi !
Chúng tôi nhớ nhà nhớ mẹ
Nhớ đàn em thơ nhớ câu hò xứ nghệ
Nhớ cánh đồng lúa trĩu oằn bông
Mẹ em khỏe không ?
Cha em khỏe không ?
Nhắn dùm cô ấy đừng chờ nữa hãy lấy chồng...
Lời chưa kip thốt
Tiếng gà đâu vẳng vọng
Nơi hốc mắt giọt xót xa còn đọng
Người đàn ông bật dậy...
Tay vuột một vòng ôm.

Hai khổ thơ này tác giả đã nói đủ nói hết về sự xúc động của người lính già trên cầu Ô Thước những đêm như thế. Hình ảnh chân thật và xúc động nhất làm nghẹn lòng người “Người đàn ông bật dậy…Tay vuột một vòng ôm”. Thực tại phũ phàng trở lại dội vào ông nỗi đau tê dại. Thì ra những khuôn mặt, lời nhắn gửi của đồng đội mà ông nghe suốt cả đêm cứ ngỡ “lời chưa kịp thốt” thì tiếng gà gáy đã thúc giục đồng đội ông phải đi, vậy là có lỗi với đồng đội. Nhưng không đó chỉ là những chiều liên tưởng của trái tim người lính già đọng lại trong ký ức sống dậy. Thêm một đêm nữa và sẽ còn nhiều đêm nữa..Ông nằm nhìn trời Quảng Trị mà nhớ từng khuôn mặt đồng đội xưa. Người thì có người yêu tới nay vẫn đợi. Người có mẹ già neo đơn năm ấy…Người thích nghe Câu hò xứ Nghệ…Người thế này, người thế kia…Làm sao một đêm Năm canh mà đủ với ông,

Nếu bạn biết có một “đêm giữa tháng 11 năm 1969 đại đội của anh lúc ấy gồm có 67 người vừa mới dừng chân để nấu ăn thì một loạt bom B52 dội xuống đội hình. Trận bom quét qua chỉ mấy giây đồng hồ nhưng đại đội chỉ còn đúng 6 người”*. Chưa kể đến dọc đường hành quân và chiến đấu suốt những năm từ 1968 tới ngày hòa bình. Bao nhiêu đồng đội nữa của ông đã ngã xuống trên chiến trường….Phải chăng như vậy cho nên Tác giả viết tiếp:

Ông gửi câu trả lời trong ánh sao hôm
Gửi nỗi nhớ vào thơ gửi khúc ru vào gió
Gửi muôn vàn yêu thương trong màu hoa đỏ
Đồng đội không về được quê hương
Ông đưa quê hương vào cho đồng đội thỏa lòng.

“Một đêm nằm bằng một năm ở”. Vậy mà người đàn ông “dép xếp gối đầu áo mưa làm chiếu ngủ” mà thấy thời gian trôi nhanh đến ngỡ ngàng, khi ông “bật dậy, ôm vuột một vòng tay”. Có lẽ ông đã rưng rưng “nơi hốc mắt giọt xót xa còn đọng”. Để rồi chỉ còn hy vọng ở gió, vào ánh sao mai buổi sớm cũng chính là ánh sao hôm cuối chiều. Gửi nhiều nhất có lẽ là màu hoa đỏ, màu hoa như màu máu con tim, màu hoa của tuổi hoa niên, màu đỏ mang tên chiến dịch 81 ngày đêm trên Cổ Thành đã lấy đi biết bao nhiêu sinh mạng đồng đội của ông, và một phần xương máu của chính ông nữa.. Tới đây tựa đề mới được tác giả Trần Ngọc Hòa lý giải. Đồng đội ông ở lại mãi mãi nơi này, Họ chẳng thể về quê hương với mẹ, với cha, với người yêu, với thân bằng quyến thuộc. Ông một người lính già với cái tâm,cái tình sâu nặng với những người đồng đội đã vĩnh viễn tan vào đất, vào nước Quảng Trị nói riêng và trên khắp các chiến trường nói chung, Ông đã thực hiện tâm nguyện của các thế hệ đồng đội: "không đưa được đồng dội về quê thì đưa quê hương vào cho đồng đội..." những năm gần đây đã có các chương trình "Đêm ấm rừng đồng đội. Chương trình "Hoà đất nước quê hương vào lòng Thạch Hãn..."
. Người đàn ông ! Tấm lòng Nồng nàn như dòng sông. Vâng tác giả, tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc nữa đồng ý với chị. Người đàn ông ấy tấm lòng Nồng nàn như dòng sông!
Với cá nhân tôi vốn được sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong hòa bình, mọi cảm nhận về chiến trường về người lính đặc biệt là những người lính đặc biệt như nhà thơ nhà báo Lê Bá Dương nguyên mẫu trong thơ của tác giả Trần Ngọc Hoà chỉ là qua sách vở và phim ảnh..
Nếu tâm tư tình cảm và suy nghĩ trong bài viết này có điều gì thiếu sót. Rất mong nhận được sự bao dung từ tác giả Trần Ngọc Hoà cũng như nhà báo Lê Bá Dương và tất cả Bạn đọc gần xa
Sài Gòn Tháng 7/ 2014
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét