Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Ước của tác giả Trần Ngọc Bảo



Ước

Ước anh là nước cho em tắm,
Choàng cả thân em trắng nõn nà
Nắng thèm hóa dại,không dám ngắm,
Gió ghen đành chịu,chỉ cười xòa! (Trần Ngọc Bảo)


Tác giả Trần Ngọc Bảo dùng động từ độc lập Ước đặt tựa đề cho bài thơ tình của mình, hẳn ông phải có nguyên do...Người viết không cùng thế hệ với ông, nhưng vẫn muốn đi tìm xem ông đã viết Ước, với ước mong gì và đâu là nội dung mà Ước muốn chuyển tải.
Tác giả vào đề theo cách trực khởi "ước anh làm nước cho em tắm". Thơ tự do viết theo khuôn khổ bài tứ tuyệt vốn chỉ hai mươi tám chữ. Ý thơ được ông khai triển rất rõ ràng để chủ thể trữ tình Anh Ước ngay "làm nước".Rồi chẳng cần rào đón gì thêm, hoặc chưa ai thắc mắc lại vội trả lời luôn "cho em tắm".Chỉ có bảy từ qua sự sắp xếp của tác giả mà nhịp thơ toát lên sự nôn nóng vội vàng...
Có lẽ với chủ thể Anh thì lúc này bản lĩnh "nam nhi chi chí" chỉ còn tập trung vào mỗi nỗi việc ước được làm nước, chẳng phải là nước biển mênh mang để mà "Anh muốn làm sóng biếc hôn mãi cát vàng em",như ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Rất đơn giản rất thật chủ thể Anh của tác giả chỉ muốn làm nước "cho em tắm". Phải chăng lúc này Anh đang múc nước cho em tắm hoặc giả đang nhìn Em tắm từ một góc khuất nào đó...Có thể lắm chứ, bởi tâm trạng của chủ thể anh lúc này không khác là mấy so với nhà thơ Nguyễn Khôi viết trong Ao Làng.
"Cái đêm hè ấy ai ra tắm
Để cả bầu trời phải tắt trăng "Nguyễn Khôi thi sĩ chỉ nhìn người thiếu nữ tắm ở Ao làng mà ông đã cảm rằng, trăng trên trời còn phải tắt, trước thân thể ngọc ngà đang được làn nước vuốt ve mơn trớn kia...
Xin quay trở lại với Ước của tác giả Trần Ngọc Bảo.Khi giai nhân tắm dẫu vô tình hay cố ý chủ thể Anh được chiêm ngưỡng. Có lẽ không chỉ mình Anh mà còn tác giả và không ít các Nam Thanh khác nữa có chung nỗi khát khao hoặc giả ước muốn được"là nước cho em tắm"..Điều ấy được minh chứng trong câu sau ngay đây thôi
"Choàng cả thân em trắng nõn nà". Người viết xin được nhờ tác giả hỏi dùm chủ thể anh rằng :liệu Anh có chối là đang nhìn Em tắm nữa hay không? Anh không nhìn sao lại biết "trắng nõn nà" Và có lẽ cũng chính cụm từ "thân em trắng nõn nà" ấy là nguyên nhân Anh bật ra Ước! để tác giả gửi gắm vào bài thơ tình đầy tính chân thực rất đời và rất thật mang tên Ước mà người viết đã vừa đồng hành qua nửa chặng
Vâng lúc này chỉ có làm làn nước trong mới "choàng cả thân em" được mà thôi!Một nỗi khát khao rất thật, rất đời,mà có lẽ rất nhiều người khi rơi vào cảnh này dù vô tình hay cố ý cũng sẽ Ước như chủ thể Anh thôi!
Trước khi vào câu thứ ba người viết cứ ngẫm nghĩ về câu nói của nhà giáo, học giả Trần Trọng Kim, thơ tứ tuyệt “uyển chuyển biến hóa bởi câu thứ ba. Nếu câu ấy chuyển biến khéo thì câu thơ thứ tư tự trôi đi như thuyền thuận nước”.
Với tác giả Trần Ngọc Bảo thì câu thứ ba của ông là "Nắng thèm hoá dại không dám ngắm". Người viết tới đây có một chút thắc mắc nếu từ Thèm tác giả thay bằng từ khác vần trắc, và từ Dại thay bằng vần Bằng bài thơ sẽ đúng luật Tứ Tuyệt vì không bị thất luật.

Người viết nghiêng về ý tác giả cố tình để thất luật nhằm giữ ý thơ ...(mọi phỏng đoán đều có thể không đúng và cũng có thể đúng. Câu trả lời xin nhờ tác giả)..
Câu thơ thứ ba có những từ Thèm , Hoá, Dại và Ngắm thể hiện ý muốn, niềm mong của chủ thể Nắng...Chứ không còn liên quan tới chủ thể Anh nữa? Phải chăng tác giả đã thi vị hoá nỗi niềm của Anh mà đẩy sang bắt Nắng gánh chịu cái thèm muốn, cái hoá dại, cái không dám ngắm của Anh chăng?
Dẫu là Nắng hay là Anh thì cái sự "không dám ngắm" sau khi "thèm hoá dại" ấy chính là bản lĩnh chế ngự ham muốn của người quân tử đại trượng phu.
Khi tác giả đưa bạn đọc qua câu thứ ba với việc mượn nắng để thể hiện bản lĩnh của chủ thể Anh, hẳn nhiên người viết bước vào câu thứ tư, câu kết của Ước rất nhẹ nhàng như "thuyền thuận nước".
Gió ghen đành chịu chỉ cười xoà".Một câu kết không thể đẹp hơn cho Ước! Nắng, Gió vào thơ của tác giả Trần Ngọc Bảo được gắn cho những động từ chỉ trạng thái bỗng nhiên Nắng Gió như có tâm hồn và nó đã gánh được tâm tư, nỗi niềm cùng những khát khao và ước mong của chủ thể Anh sau khi "Là nước cho em tắm"...
Phải chăng ẩn sau những ngữ nghĩa ta đã thấy ở trên của Ước, thì ở hai câu cuối còn thấy một tầng ý sâu xa nữa.Người viết xin lạm bàn một chút theo thiển ý của người phụ nữ ..
Khi Làn nước Anh muốn Choàng và đã choàng được cả thân Em, là khi ấy Anh đã sẵn sàng che chở, bảo vệ Em ,trước Nắng lãng tử đa tình muốn nhìn như thiêu đốt,hay trước Gió cũng muốn quấn quít bên Em! Có Anh thì dẫu kẻ khác có muốn cũng không dám và có ghen tức cũng đành chịu mà thôi!
Đâu đây phảng phất những ý thơ đồng cảm của nhà thơ Trần Zạ Lữ "Từ em vén mái tóc tiên.Gió mê muội gió anh điên đảo đời"...
Bấy nhiêu thôi trong Ước cũng quá đủ cho người viết cảm nhận một tâm hồn lãng mạn trong vóc dáng nghiêm nghị của vị phó tiến sĩ vừa qua tuổi tám mươi khả kính -nhà thơ Trần Ngọc Bảo.

Người viết như đã nói ở phần đầu không cùng thế hệ với tác giả, lại là phụ nữ nên những cảm nhận suy nghĩ ở trên đều mang tính nhận định chủ quan với góc nhìn một chiều..Nếu như có thiếu sót cũng xin nhận được sự bao dung của tác giả cũng như bạn đọc.
Sài Gòn 12/4/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét