Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Với Chén Đợi Tình Thơ của nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh



Không biết bắt nguồn từ đâu và từ bao giờ thơ và rượu luôn đi liền với nhau. Hầu như thi sĩ nào cũng có tác phẩm gắn với “Túi thơ, bầu rượu”

Một thi sĩ Tản Đà với:

/Trời đất sinh ta rượu với thơ./Không thơ không rượu sống như thừa./Còn thơ còn rượu còn xuân mãi./Còn mãi xuân còn rượu với thơ (Ngày Xuân Thơ Và Rượu- Tản Đà)

Một nhà thơ Tú Mỡ chuyên viết Trào Phúng nhưng cũng có những câu thơ về “bầu rượu túi thơ”:

Minh Niên khai bút, bút khai chai./Vạn sự giai thành , một hoá hai./Còn rượu còn thơ còn chếnh choáng./Còn chưa đáng chán cõi trần ai (Tú Mỡ)

Một Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ lúc thoái ẩn cũng “Bò vàng nhạc ngựa, bầu rượu túi thơ”

Thi tửu cầm kỳ khách./Phong vân tuyết nguyệt thiên./Nợ tang bồng hẹn khách thiếu niên./Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí./Thơ một túi gieo vần Đỗ -Lý./Rượu lưng bầu rót chén lưu linh. ( Thi Tửu Cầm Kỳ 3- Nguyễn Công Trứ)..

Nào đâu chỉ các Nam nhân thi sĩ mới gắn với bầu rượu túi thơ. Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương cũng đã viết:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng xế bóng khuyết chưa tròn (Tự Tình- HXH)



Hôm nay, đầu thế kỷ hai mươi mốt. Nhà thơ Phan Thị Thanh Minh khi bước vào tuổi tám mươi đã có một khúc tự tình thả “Theo dòng chảy rượu” rất đặc biệt, có tựa đề:



CHÉN ĐỢI TÌNH THƠ



Một mình nhắp đắng nhớ chung bôi

Má thắm môi tươi ngập mộng đời

Mơ dựng nhà Loan trên chót đỉnh

Hẹn chèo thuyền Phượng vượt trùng khơi...



Rượu đang đầy đó, tình còn đây

Phiêu bạt người đi dõi bóng mây

Mòn mỏi cành mai làn tóc rối

Đầm đìa lá liễu giọt mi cay !



Bờ tre ven nội còn xanh thắm

Lãng đãng chiều hè gió vẫn hây

Uống cả tâm tình sao vợi cạn

Uống vơi niềm nhớ cứ dâng đầy...



Nhớ nhiều lắm, miệng cười, tay giắt

Ngày việc, tối thơ, tản bộ chiều

Anh bảo tình ta hơn rượu mạnh

Em cười nâng, đặt thốt lời yêu...



Người đợi, rượu chờ ắp chén đây

Thư dài chắp nối để người hay

Bình còn ăm ắp,bình đầy rượu

Người nhớ bời bời, người đợi say...



Theo dòng chảy rượu viết bài thơ

Thỏa tấm tình ai đợi với chờ

Một bức hồi âm về cạnh gối

Nhận - Cho, chẳng dại cũng đâu khờ...



(PhanThịThanhMinh-HàNội )



Người xưa có câu “Ngũ thập tri thiên mệnh” có nghĩa năm mươi tuổi biết được mệnh trời. Nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh đã bước vào tuổi tám mươi. Chắc hẳn sự chiêm nghiệm cuộc sống, sự từng trải trường đời đã được nữ sĩ chắt lọc những gì tinh tuý nhất để gửi gắm vào thơ ca. Ở Chén Đợi Tình Thơ cách thưởng thức rượu và đưa rượu vào thơ của nữ sĩ rất khác biệt. Với thể thơ Tứ Tuyệt Trường Thiên, mỗi khổ thơ có thể tách rời ra một bài tứ tuyệt riêng lẻ, hẳn khi nữ sĩ chọn nó để gửi gắm dòng tự sự, sẽ có rất nhiều ý thơ riêng rẽ, nhưng tất cả đã được bao hàm trong một tựa đề rất đặc biệt Chén Đợi Tình Thơ.

Một mình nhắp đắng nhớ chung bôi

Má thắm môi tươi ngập mộng đời

Mơ dựng nhà Loan trên chót đỉnh

Hẹn chèo thuyền Phượng vượt trùng khơi...



Dòng tự sự của nữ sĩ bắt đầu ngay vào rượu cho câu thơ mở đầu “một mình nhắp đắng nhớ chung bôi”. Vâng có lẽ ở tuổi hoàng hôn của đời người, khi một mình nhắp rượu nữ sĩ chỉ còn cảm thấy vị Đắng trong cay đắng ngọt nồng thơm của rượu. Bởi bà nhớ tới ly rượu “chung bôi”. Chung chứ không phải ly… Ly rượu ngày ấy nữ sĩ đã cùng cạn thủa “má thắm môi tươi…” Và, tâm hồn khao khát với “ngập mộng đời”. Mộng đời ấy của đôi “Loan Phượng” với ước mơ cao vời vợi qua hình ảnh ví von rất tài tình “dựng nhà Loan trên chót đỉnh”. Những lời hẹn thề cũng lãng mạn và quyết tâm đồng lòng không kém “chèo thuyền Phượng vượt trùng khơi”. Một dấu ba chấm nữ sĩ đặt ở cuối câu hứa hẹn nhiều điều nối tiếp cho dòng hồi ức đang chảy ngược dòng... Hẳn với những khát khao cùng quyết tâm ấy thì tương lai “tát biển đông cũng cạn” chứ “dựng nhà” và “chèo thuyền” có chi là khó…



Rượu đang đầy đó, tình còn đây

Phiêu bạt người đi dõi bóng mây

Mòn mỏi cành mai làn tóc rối

Đầm đìa lá liễu giọt mi cay !



“Đời không như là mơ”có lẽ đúng với tâm trạng của nữ sĩ khi mà “ người đi phiêu bạt..” để người ở lại “dõi bóng mây”. Hai câu thơ chở theo hai vế đối khiến nặng lòng người đọc, khi cảm nhận được ý thơ. Có lẽ là “Phượng” đi và “Loan” làm người ở lại. “Mòn mỏi dầm dề” , cành mai Lá Liễu và “làn tóc rối giọt mi cay” ba cặp đối này đủ sức nặng diễn tả, níu giữ chữ tình của người “dõi bóng mây” có lẽ là nhiều năm. Giờ đây thì “rượu đang đầy đó. Tình còn đây”. Tâm trạng này của nữ sĩ khi nhìn “rượu còn đây “ có lẽ giống với nhạc sĩ Y Vân khi viết: “ Buồn như ly rượu đầy. Không có ai cùng cạn.” Chẳng có nỗi buồn nào hơn nỗi buồn lúc này nữa “tình còn đây” Bình rượu, chung rượu, hay ly rượu vẫn còn đầy, nhưng người đối diện không còn tâm trạng để “nhắp” dẫu là thưởng thức vị Đắng hay cay…?

Và đây, với khổ thơ sau này có lẽ nguyên do sẽ được mở cửa



Bờ tre ven nội còn xanh thắm

Lãng đãng chiều hè gió vẫn hây

Uống cả tâm tình sao vợi cạn

Uống vơi niềm nhớ cứ dâng đầy...



Nữ sĩ giờ đây không còn “nhắp chén đắng” nữa, khi mà xung quanh nữ sĩ ,thiên nhiên thì “tre ven nội còn xanh lắm” và trời thì “lãng đãng chiều hè gió vẫn hây”..Dẫu nỗi niềm trong lòng nữ sĩ có thế nào đi nữa, thì xung quanh mọi sự vật, mọi sự việc vẫn diễn ra bình thường như vốn có xưa nay. Chỉ có sự cảm nhận nỗi nhớ, niềm thương, từ sâu thẳm đáy lòng thì có lẽ đang thay đổi .Bởi nữ sĩ đã “uống cả tâm tình” thay vì “nhắp chén đắng”. Mà sao uống mãi vẫn chưa thấy “vợi cạn”. Chưa hết, cứ ngỡ đã “uống vơi niềm nhớ..” mà sao vẫn thấy “cứ dâng đầy”.



Nhớ nhiều lắm, miệng cười, tay giắt

Ngày việc, tối thơ, tản bộ chiều

Anh bảo tình ta hơn rượu mạnh

Em cười nâng, đặt thốt lời yêu...



“khi cố quên là khi càng nhớ thêm..” làm sao mà uống vơi được khi mà từng lời nói, từng cử chỉ của Anh nữ sĩ chẳng thể quên. “Anh bảo tình ta hơn rượu mạnh.” Đã biết rượu mạnh uống sẽ mau say mà sao lại vẫn cứ “em cười nâng, đặt…” hẳn nhiên là nâng ly rượu “tình hơn rượu mạnh” ấy lên mà uống rồi! có lẽ trong lúc chếnh choáng vì rượu mạnh ấy là lúc dễ để “thốt lời yêu” nhất. Nữ sĩ đã bao lần cười mà “nâng” rồi “đặt” những ly “Tình ta hơn rượu mạnh” ấy mà ngất ngây say tới hôm nay. Mà “Nhớ nhiều việc, miệng cười, tay giắt”Nào là “ngày việc, tối thơ, tản bộ chiều”…Nhớ vậy thì làm sao mà “uống vơi niềm nhớ” cho được đây nữ sĩ ơi! Có khi nào căng uống lại càng dâng đầy đến nỗi tràn ra không? Mà có lẽ đã tràn ra thành suối thơ thật rồi đây…



Người đợi, rượu chờ ắp chén đây

Thư dài chắp nối để người hay

Bình còn ăm ắp,bình đầy rượu

Người nhớ bời bời, người đợi say...



“Người đi phiêu bạt..” bao lâu? Và đang ở nơi đâu? liệu có biết “người đợi, rượu chờ ắp chén đây” hay không? người đợi không chỉ ngồi đợi suông mà còn “thư dài chắp nối để người hay”. Người có hay, hay không? Có lẽ câu trả lời này sẽ phải tìm rất lâu nữa, bởi rượu chờ thì “còn ăm ắp” và người đợi thì vẫn “nhớ bời bời”. Không chỉ nhớ mà còn “ đợi say…”

Ở khổ thơ này một lần nữa nữ sĩ sử dụng phép đối ngẫu “bình còn ăm ắp người nhớ bời bời” và “bình đầy rượu người đợi say”. Rượu đầy bình này có lẽ có chất men nồng “hơn rượu mạnh” mới khiến cho “người đợi say”…mang trong tim nỗi “nhớ bời bời”.

Khi đã ngất ngây với men rượu nồng nàn của “bình rượu chờ” đầy ăm ắp, với đủ hương vị của rượu mạnh, rượu tình, cũng là lúc dòng hồi ức của nữ sĩ bước vào khổ kết mang theo rất nhiều nỗi niềm



Theo dòng chảy rượu viết bài thơ

Thỏa tấm tình ai đợi với chờ

Một bức hồi âm về cạnh gối

Nhận - Cho, chẳng dại cũng đâu khờ...



“Thư dài chắp nối để người hay”? cũng chỉ mong nhận lại “một bức hồi âm về cạnh gối”…Lẽ nào nữ sĩ chỉ cần một bức thư hồi âm, đến trong giấc chiêm bao thôi ư? Nữ sĩ đã biết “nhớ cứ dâng đầy” càng uống càng đầy cơ mà ?cớ sao không hy vọng “người đi phiêu bạt” ấy trở về, để lại cùng nhau nhắp chén “chung bôi” dẫu có đắng cay…Vâng Nhận – cho trong tình yêu sẽ chẳng bao giờ là dại và cũng chẳng bao giờ là khờ…Xong nếu chỉ mong “một bức hồi âm..” mà lại chỉ cần “về cạnh gối” là đã đủ “thoả tấm tình ai đợi với chờ..” thì có lẽ khi “theo dòng chảy rượu để viết bài thơ” này có một người đã “khờ”. Hoặc giả ông trời đã không công bằng cho “người nhớ bời bời, người đợi say” rồi!

Chén Đợi quả thật với cảm nhận của riêng tôi là “chén đắng” chứ không hề chứa trong đó là Tình hay Thơ và càng không có chuyện có “Chén đợi ..” sẽ có “Tình thơ”. Ít nhất là trong trường hợp của nữ sĩ hôm nay.. Phải chăng “ly rượu chung bôi” ngày ấy cũng chính là ly rượu ly bôi giống như :

Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu

Tây xuất Dương Quan vô cố nhân ( Vị Thành Khúc-Tống Nguyên Nhị Sứ An Tây-Vương Duy)

(Mời chàng chén tiễn cùng ta

Một mai Tây xuất ai là cố nhân -Võ Thị Xuân Đào dịch)

Có phải chăng “chén đắng chung bôi” ngày ấy có dư hương giống với

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi

Giục ẩm tỳ bà mã thượng thôi

Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi (Lương Châu Từ- Vương Hàn)

(Rượu bồ đào chén dạ quang

Muốn say đàn đã rền vang giục rồi

Sa trường say ngủ ai cười

Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu ( Trần Trọng San dịch)

Dẫu có thế nào thì Chén Đợi Tình Thơ của nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh cũng vừa được uống cạn. Có thể với cảm nhận của tôi khi cùng nhắp chén rượu này với nữ sĩ..Tôi đã cảm nhận những hương vị đắng cay ngọt thơm nồng của rượu khác với bà khi uống nó…Nhưng tôi đã uống bằng tất cả tấm lòng của mình dành tặng cho Chén Đợi Tình Thơ của nữ thi sĩ Phan Thị Thanh Minh kính quý.

Sài Gòn 14/7/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét