Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016
Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Bà Tôi của tác giả Vũ Hữu Cự
Bà ngoại mất sớm, mẹ tôi thành trẻ mồ côi. Bà nội già yếu rồi mất đi khi tôi còn nhỏ. Tôi khao khát tình cảm bà cháu cũng là lẽ thường tình. Tuổi thơ có lẽ ai cũng có lần ngân nga “bà ơi bà cháu yêu bà lắm. Tóc bà trắng màu trắng như mây.” (Xuân Giao). Gần đây ca khúc Bà Tôi của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cũng làm nao lòng nhiều đứa cháu tuổi thanh xuân dành cho bà của mình. Những ca từ như; “Bà tôi đưa tôi ra đầu làng một mình bà đội cả trời nắng to…” hay bùi ngùi với “Chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng, đầu làng mình nổi trận gió to”…Còn nhiều người lại ngồi ru con ru cháu bằng câu ca dao dạt dào tình cảm:
Ngó lên nuột lạt mái nhà
Bao nhiêu nuột thương ông bà bấy nhiêu (Ca Dao)
…Cứ mê mải lan man với thơ với nhạc về bà chiều nay. Để rồi cuốn theo bài thơ Bà Tôi cùng với tâm tư tình cảm của tác giả Vũ Hữu Cự :
Bà Tôi
Bàn chân trần qua hai cuộc chiến tranh
Không huân chương, công danh, chức tước
Đội nắng,tắm sương,việc ruộng đồng, vườn tược
Cho chồng, con ,với cháu được tòng quân.
Bao nếp nhăn đánh dấu bấy mùa xuân
Nỗi mỏi mòn nhớ thương, ngóng đợi
Tin chiến trường vẫn xa vời vợi
Nước mắt nhòa ướt gối mỗi đêm khuya.
Che chở Việt Minh chẳng sợ hiểm nguy
Miếng sắn ,củ khoai ấm tình làng xóm
Đâu biết khom mình trước cường bạo gian tham
Tuổi đã cao vẫn cần kiệm lam làm.
Chữa bệnh cứu người,nhón tay làm phúc
Để hình ảnh bà lưu trong tiềm thức
Người xa,gần tấm tắc ngợi khen
Gương bà đó vững bền muôn thủa.
Lớp cháu con luôn luôn thầm hứa
Gốc cành bền, hoa lá tỏa muôn phương
Góp cho đời một chút, một chút hương
Tương lai đó, của ngày xưa gửi gắm. (15/10/2014 Vũ Hữu Cự)
Bà Tôi được tác giả thể hiện không theo lối mòn tình cảm như ta thường vẫn gặp khi viết về Bà,đó là hình ảnh người phụ nữ đã về già. Bà Tôi cả phần đời từ lúc trở thành thiếu phụ cho đến khi gần trọn 100 tuổi…Bà Tôi của tác giả Vũ Hữu Cự dưới góc nhìn của người viết bài, Bà là hình ảnh đại diện cho phần đông người phụ nữ Việt Nam Thế kỷ 20. Thế kỷ mà nước ta trải qua ba cuộc chiến tàn khốc. Thanh niên trai tráng lên đường ra trận, để lại hậu phương những người phụ nữ chờ chồng, ngóng con rồi ngóng cháu… Ba cuộc chiến ấy có biết bao bà mẹ mất chồng, mất con, mất cháu…Họ được nhà nước phong Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Nhưng còn rất nhiều những người vợ, người mẹ, nay đã là bà, bao năm tháng đằng đẵng ngóng chồng, đợi con, chờ cháu. May mà chồng, con, cháu họ đã trở về,dù lành lặn hay phải gửi một phần xương máu lại chiến trường. Họ được cho là những người phụ nữ may mắn ư? Không…Có chăng họ may hơn những người phụ nữ ngóng chờ trong vô vọng. Cho dù bây giờ đã là bà, thậm chí rất nhiều người đã ngóng chờ tới khi về bên kia thế giới….
Bà của tác giả Vũ Hữu Cự là một trong số những người phụ nữ mòn mỏi chờ đợi và gặp được chồng, con, cháu trở về. Biết vậy mà sao vẫn nghèn nghẹn khi đọc lời giới thiệu của tác giả về bà của mình:
Bàn chân trần qua hai cuộc chiến tranh
Không huân chương, công danh, chức tước
Đội nắng,tắm sương,việc ruộng đồng, vườn tược
Cho chồng, con ,với cháu được tòng quân.
Bà vốn là người phụ nữ rất đơn sơ, giản dị “Chân trần đi qua hai cuộc chiến tranh”. Người lính thế hệ ông cha ra trận với đôi dép lốp vượt suối băng đèo, làm lên chiến thắng lịch sử Điện Biên. Thế hệ cha anh vẫn đôi dép lốp đơn giản ấy, đã vượt dãy trường sơn băng rừng,vượt núi, đi đến ngày thống nhất đất nước. Sau những bước chân làm lên lịch sử oai hung, luôn có dáng hình thân thương của những người bà, người mẹ, người vợ, người em gái. Đêm ngày dầm dãi nắng, mưa với tiêu chí “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Vườn tược ruộng vườn sau những trận mưa bom, ác liệt, dưới bàn tay và công sức cùng những giọt mồ hôi, đôi khi là nước mắt và máu, của các bà, các mẹ, các chị và các em,Lúa lại trĩu bông, hoa lá, ngô khoai lại reo vui chờ mùa thu hoạch. Ngày hòa bình lập lại Bà của tác giả cũng như rất nhiều người phụ nữ đảm đang khác “Không huân chương, công danh, chức tước”. Có lẽ với bà và nhiều rất nhiều người phụ nữ khác ,những tấm bằng ấy có hay không, không quan trọng bằng Chồng, Con, Cháu của bà đã được đạn bom né tránh nguyên vẹn trở về…Để có được điều đó bà đã trải qua hai cuộc chiến, với thời gian dài đằng đẵng. Nỗi nhớ, niềm thương, bên cạnh nỗi lo, cùng sự vất vả hàng ngày đã hằn lên:
Bao nếp nhăn đánh dấu bấy mùa xuân
Nỗi mỏi mòn nhớ thương, ngóng đợi
Tin chiến trường vẫn xa vời vợi
Nước mắt nhòa ướt gối mỗi đêm khuya.
Bốn câu thơ này có lẽ là thời Bà của tác giả ngóng chồng, Người phụ nữ trẻ mới “Mỏi mòn nhớ thương ngóng đợi” Nỗi nhớ len lỏi vào cả những đường cày, khi cấy, hết hạ qua thu đến đông rồi xuân. “Đêm năm canh ngày sáu khắc” trong khi “Tin chiến trường vẫn xa vời vợi” làm sao mà “nước mắt” lại không “nhòa ướt gối mỗi đêm khuya” đây! Thời gian vẫn lặng lẽ trôi, người vợ trẻ hậu phương từ lúc:
Che chở Việt Minh chẳng sợ hiểm nguy
Miếng sắn ,củ khoai ấm tình làng xóm
Đâu biết khom mình trước cường bạo gian tham
Tuổi đã cao vẫn cần kiệm lam làm.
“Che chở Việt Minh” ngày ấy hẳn là thời chống Pháp. Bà đã “chẳng sợ hiểm nguy”. Cuộc sống của “người chân trần đi qua hai cuộc chiến tranh” thật đơn giản với “miếng sắn, củ khoai”. Nhưng ấm áp tình làng nghĩa xóm, Người phụ nữ mạnh mẽ cương trực “đâu biết khom mình trước cường bạo gian tham” Nay đã ở tuổi cao nhưng vẫn “cần kiệm lam làm”. Tiễn chồng con cháu lên đường ra trận, còn bà ở lại cùng nỗi nhớ niềm mong… Năm tháng thanh xuân trôi xa dần, đến lúc xế bóng, chiều tà rồi khuất núi, còn mãi hình ảnh trong lòng con cháu, họ tộc và làng xóm
Chữa bệnh cứu người,nhón tay làm phúc
Để hình ảnh bà lưu trong tiềm thức
Người xa,gần tấm tắc ngợi khen
Gương bà đó vững bền muôn thủa.
Bài Thơ Bà Tôi của tác giả Vũ Hữu Cự đã đưa người viết đi qua hai cuộc chiến tranh của dân tộc. Dõi theo hình dáng một thiếu phụ trẻ trải qua những thăng trầm cùng thế sự trở thành bà Lão tuổi gần Trăm. Theo như tác giả Bà về với tổ tiên khi còn gần ba tháng nữa là đủ trăm tuổi tròn. Bà đã đi xa và đây là những gì cháu con còn ghi khắc:
Lớp cháu con luôn luôn thầm hứa
Gốc cành bền, hoa lá tỏa muôn phương
Góp cho đời một chút, một chút hương
Tương lai đó, của ngày xưa gửi gắm.
Một khổ kết thể hiện đạo lý của người Việt. Uống nước nhớ nguồn. Bà đã đi xa nhưng con cháu chắt của bà được sinh ra nuôi dưỡng từ “Gốc cành bền” thì tương lai đó không chỉ là “một chút hương”mà sẽ vươn cành, xanh lá, nảy nụ, đơm bông,kết trái ngọt ngào. Cho thỏa ước nguyện của bà “Ngày xưa gửi gắm”. Hình ảnh bà phải chăng là hình ảnh của phần lớn những người phụ nữ Việt Nam sống trong thế kỷ 20, và đi qua ba cuộc chiến tranh ác liệt của dân tộc.
Với tác giả, với tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc nữa khi đọc đến đây cũng đều nhớ về Bà của mình. Mỗi người sẽ có nỗi nhớ gắn với những kỷ niệm riêng. Nhưng có lẽ sẽ rất nhiều bạn đồng ý với tôi và mong rằng tác giả Vũ Hữu Cự cũng nghĩ thế. Bà Tôi của tác giả là một trong những người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Riêng tôi lại có một chút khao khát của riêng mình sau khi đọc Bà Tôi có được nỗi nhớ như nhà thơ Trương Nam Chi và xin mượn mấy câu thơ của chị, để kết cho những dòng cảm nhận bài thơ Bà Tôi của tác giả Vũ Hữu Cự
Nhớ bà bên bếp lửa hồng
Nhớ bà bên luống cải ngồng vàng ươm
Nhớ bà gánh nước thổi cơm
Lon ton cháu chạy trên con đường làng (Viết Cho Bà Ngoại- Trương Nam Chi)
Sài Gòn 17 /10/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Nguồn :http://tho.com.vn/thi-pham/ba-toi/55816
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét