Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016
Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Bốn Mươi Năm của tác giả Đỗ Minh Tâm
Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Bốn Mươi Năm của tác giả Đỗ Minh Tâm
Có những nỗi đau mà khi biết ta không thể chia sẻ bằng lời. Có những mất mát mà khi chiến tranh khốc liệt không ai nhìn thấy. Có những mối tình son sắt đợi chờ cứ ngỡ trong cổ tích bước ra. Có những sự chịu đựng hy sinh vì tình yêu mà khó có ai tin đó là sự thật. Có cuộc gặp lại sau bốn mươi năm mà chỉ thoáng chốc họ nhận ra nhau. Bốn mươi năm sau sẽ có rất nhiều điều mà hôm nay ta chưa nghĩ tới và biết được. Nhưng bốn mươi năm trước tất cả những điều trên đã có,, đã trải qua trong một chuyện tình giữa hai người lính....Để rồi hôm nay tác giả Đỗ Minh Tâm đã có tác phẩm
Bốn Mươi Năm
Bốn mươi năm mới gặp lại nhau
Vẫn bối rối như ngày xưa ấy
Một thoáng thôi ánh nhìn thức dậy
ta giật mình em thảng thốt nỗi đau!
Hai mái đầu bạc trắng bông lau
Hai cuộc đời bể dâu mưa nắng
Nhà em nghèo vách xiên vạt nắng
Ta đầu trần áo lính bạc vai
Bốn mươi năm một chặng đường dài
Ta lăn lóc trong cuộc đời gai góc
Hằng đêm nhớ thương em ta khóc
Khóc thầm thôi vì sợ ánh trăng đau
Bốn mươi năm tìm lại được nhau
Em vẫn dịu dàng mỗi câu thưa,dạ
Ta ngơ ngác sao nhà trống vắng quá ?
Phía đầu giường một chiếc gối đơn côi
Bốn mươi năm em vẫn chờ đợi tôi
Tấm hình quân phục một thời em vẫn giữ
Thư tỏ tình vẫn nguyên từng nét chữ
Tấm vải dù vẫn ngăn ngắt màu xanh
Bốn mươi năm giờ ngồi dưới mái tranh
Ta thổn thức giấu giọt rơi mặn chát
Bốn mươi năm để một giờ tan nát
Nắng loang chiều dần tắt cuối hàng cau (Đỗ Minh Tâm)
Bốn mươi năm, gần nửa thế kỷ, nếu tính từ cột mốc 30/4/1975 Thì thế hệ thanh niên tràn đầy nhiệt huyết lúc bấy giờ, nay đã bước vào tuổi xế chiều. Những tưởng nỗi đau, nỗi mất mát do chiến tranh gieo vào lòng, rồi đồng hành với cuộc đời họ sẽ dần nguôi ngoai. Những người “mãi mãi tuổi hai mươi” đã đành, người may mắn trở về dẫu theo binh nghiệp hay chuyển ngành, cũng đều bị guồng quay của cuộc sống khó khăn hậu cuộc chiến kéo xa nỗi đau hậu cuộc chiến. Người bị thương may mắn trở về với gia đình rồi cũng dần ổn định cuộc sống. Nào ngờ trong số họ có những người suốt bốn mươi năm qua, mỗi “đêm năm canh ngày sáu khắc”vẫn nằm nhìn ngắm vết thương thân thể liền sẹo và gặm nhấm nỗi đau từ vết thương lòng của chính mình.
Người thương binh ấy đã trao lời tỏ tình cho một cô gái “đẹp như hoa Plang của núi rừng” cách nay bốn mươi năm. “Anh nói rồi anh đi./ chiến tranh không ước hẹn…” chị âm thầm chờ đợi với niềm tin mãnh liệt suốt thời gian ấy…Cho tới một ngày ở một căn nhà “nghèo vách xiên vạt nắng” hai người họ mới “ tìm lại được nhau”. Éo le thay từ đây bắt đầu một nỗi đớn đau, ray rứt, vò xé trái tim người thương binh có lẽ đến hết phần đời còn lại.
Câu chuyện tình ấy, nỗi đau có thật ấy được tác giả Đỗ Minh Tâm ghi lại từ khoảnh khắc:
Bốn mươi năm mới gặp lại nhau
Vẫn bối rối như ngày xưa ấy
Một thoáng thôi ánh nhìn thức dậy
Ta giật mình em thảng thốt nỗi đau!
Hai mái đầu bạc trắng bông lau
Hai cuộc đời bể dâu mưa nắng
Nhà em nghèo vách xiên vạt nắng
Ta đầu trần áo lính bạc vai
Ngày chia xa tiễn anh vào nơi lửa đạn, hẳn hai người họ chưa hoặc không bao giờ nghĩ rằng “bốn mươi năm” sau có lần gặp gỡ như thế này.
Xưa Phan Khôi viết trong Tình Già thì mới chỉ có:
“…Hai mươi bốn năm sau.
Tình cờ đất khách gặp nhau.
Hai mái đầu xanh giờ đã bạc.
Nếu chẳng quen lung đố có nhìn ra được. (Tình Già- Phan Khôi).
Vậy mà ở đây hai người họ sau bốn mươi năm mà chỉ “Một thoáng thôi ánh nhìn thức dậy”
Vẫn là cái nhìn “bối rối”, vẫn là hành động “bối rối”nhưng trong hai trái tim họ không còn cảm giác rạo rực của chàng trai cô gái tuổi đôi mươi cảm mến nhau nữa. Thay vào đó là “ta giật mình” còn “em thảng thốt” có lẽ cả hai người cùng một lúc ôm thêm vào lòng một “nỗi đau” mới!
Hai mái đầu bạc trắng của hai mảnh đời vốn đã quá nhiều vật lộn với “mưa nắng” của cuộc đời cũng như của thời cuộc. Hai chứng nhân của một thời đạn lửa đã hy sinh tình riêng để bảo vệ tình chung.
Nay gặp lại mới cám cảnh làm sao “nhà em nghèo vách xiên vạt nắng” có lẽ chẳng có mấy căn nhà nghèo hơn được nữa… Phía anh nào có khá hơn sau bốn mươi năm trở về cuộc sống thường nhật với hòa bình mà vẫn “đầu trần” và “áo lính bạc vai”. Người thương binh ấy đã trải qua “ một chặng đường dài. /Ta lăn lóc trong cuộc đời gai góc” nhưng chưa hề quên người con gái mà anh đã trao lời hò hẹn. Anh vẫn “Hằng đêm nhớ thương em ta khóc./ Khóc thầm thôi vì sợ ánh trăng đau” Có câu “nước mắt đàn ông không rơi thành dòng”. Anh đã khóc bao đêm như vậy? Anh đau lòng, người ấy đau lòng. Vậy sao anh vẫn sợ tiếng khóc của mình làm cho “ánh trăng đau”? Một ý thơ trong một câu thơ đẹp và đau đến nao lòng người đọc tác giả ạ!
Sẽ chẳng ai ngạc nhiên sau khi “một thoáng nhận ra nhau” họ dẫu giờ đây đã “bạc trắng hai mái đầu” mà phía em“vẫn dịu dàng mỗi câu thưa,dạ”. Còn phía anh thì “Ta ngơ ngác sao nhà trống vắng quá ?” nhưng có lẽ ai cũng ngạc nhiên xem lẫn chút bàng hoàng xót xa khi “ Phía đầu giường một chiếc gối đơn côi”.
Tới đây, nỗi xót xa đớn đau của người phụ nữ nặng tình, sắt son chờ đợi bốn mươi năm đã làm cho tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc nghẹn lời khi đọc.
Tôi muốn mượn lời ngỏ của tác giả Đỗ Minh Tâm Là người chứng kiến câu chuyện và viết ra khúc bi ai Bốn Mươi Năm, thay những điều tôi muốn viết. Lời tựa được viết thế này: “Người lính thương binh mang trên mình những vết thương và nỗi đau của chiến tranh,biết mình sẽ không mang lại hạnh phúc mà chỉ là gánh nặng cho người mình yêu thương. Anh không thể gặp lại người yêu, sống lăn lóc trong cuộc đời gai góc. Nhưng suốt bốn mươi năm hình ảnh người con gái đẹp như hoa Plang của núi rừng năm ấý không một ngày không hiện hữu trong anh. Mười bốn ngàn sáu trăm đêm những giọt nước mắt nhớ thương cứ lặn vào trong.Những tưởng sau bốn mươi năm nàng đã có một gia đình hạnh phúc và đã quên đi lời hẹn năm xưa của một người lính đi vào hiểm nguy bom đạn. Có ngờ đâu vì quá nhớ thương trong suốt bốn mươi năm anh phải tìm gặp nàng, để rồi phải một lần nữa mang vết thương ân hận. Biết nói gì đây ? Ngoài kia bóng hàng cây đã ngả. Mảnh trăng gầy đã lấp ló đầu non, vắng phía xa từ khu rừng còn sót lại sau tàn phá của thời gian là tiếng chim Từ Quy đang gọi bạn.”
Với riêng tôi thì lại nghĩ khác chứ không thể để hai người họ phải nghe tiếng gọi nhau não nề của chim Từ Quy tác giả ạ. Minh chững rõ nhất là hai con chim từ quy dẫu gọi tìm nhau suốt đêm, nhưng khi gần sáng chúng sẽ bay mỗi con mỗi ngả…Vẫn biết giờ đây “sau sự tàn phá của chiến tranh”, sự nghiệt ngã của thời gian, hai “mái đầu xanh giờ đã bạc”, bóng nắng chiều đã ngả. Nhưng mảnh trăng non mới lấp ló đầu non thôi, mai, mốt, bữa kia, nó sẽ tròn, rồi mới dần khuyết. Tôi tin và mong rằng bạn đọc cũng tin và mong cho hai người họ được bên nhau, nương tựa vào nhau sẻ san cho nhau chút hơi ấm đầu đông. Bởi suốt “Bốn mươi năm em vẫn chờ đợi tôi” và cảm động hơn nữa những kỷ vật tình yêu một thời còn nguyên vẹn:
Tấm hình quân phục một thời em vẫn giữ
Thư tỏ tình vẫn nguyên từng nét chữ
Tấm vải dù vẫn ngăn ngắt màu xanh
“Vẫn giữ”, “vẫn nguyên”, và đặc biệt “vẫn ngăn ngắt màu xanh” sau bốn mươi năm. Thử hỏi ai? Điều gì? Có thể ngăn cản họ bên nhau nữa đây ? dẫu cho nỗi lòng của anh vẫn rưng rức :
Bốn mươi năm giờ ngồi dưới mái tranh
Ta thổn thức giấu giọt rơi mặn chát
Bốn mươi năm để một giờ tan nát
Nắng loang chiều dần tắt cuối hàng cau
Phía anh với bản chất chịu đựng hy sinh của người lính hẳn sẽ không muốn mình là gánh nặng cho người phụ nữ cả đời anh yêu thương. Nhưng thử hỏi với một người phụ nữ như chị có lẽ cũng từng là một người lính. Bốn mươi năm qua nâng niu kỷ vật của tình yêu, sống trong chờ đợi với một niềm tin sắt đá như vậy. Thì liệu chị có sẵn sàng để ai đi đường nấy, sau khi biết căn nguyên của trái tim anh “tan nát” hay không?
Với câu thơ cuối cùng “Nắng loang chiều dần tắt dưới hàng cau”. Tôi lại có suy tư riêng thế này. Buổi hoàng hôn có nét đẹp đằm thắm dịu dàng của buổi hoàng hôn. Nắng dần tắt, chứ chưa hẳn đã tắt. Tôi thấy màu nắng hanh vàng, đan xen với thân cau đứng thẳng hàng bên giàn trầu hạnh phúc. Biết rằng chưa thật trọn vẹn, bởi cái háo hức, rạo rực, nồng nàn của buổi bình minh trải dài đến bóng xế đã bị bao phủ bởi bầu trời mây xám, và chớp giật xé ngang. Nhưng với họ có lẽ chút ấm áp của nắng hoàng hôn chiều muộn, sau giông tố là đủ.
Âu đó cũng là chút an ủi cho những năm dài hiu hắt của hai số phận, hai mảnh đời cùng một thế hệ sinh ra, lớn lên, yêu, sống và chiến đấu trong thời chiến, họ đại diện cho thế hệ anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Bốn Mươi Năm bài thơ hay về nội dung, ngôn từ trau chuốt, tình sâu ý nặng với riêng tôi cùng một góc nhìn từ thế hệ con cháu với họ là như thế.
Cám ơn tác giả Đỗ Minh Tâm đã cho tôi có dịp đồng hành với bài thơ. Nếu có sai sót mong được tác giả và bạn đọc lượng thứ bỏ qua.
Sài Gòn 9/8/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét