Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Cảm nhận bài thơ Viết Về Em của tác giả Lã Tất Tố



Tôi đã viết rất nhiều cảm nhận thơ của các tác giả nam giới lớn tuổi. Phần đông trong số ấy là thơ tình hoài niệm một thời trai trẻ. Thật bất ngờ hôm nay gặp bài thơ với lời giới thiệu Thơ tình U70 (có thể 71 mà cũng có thể 79).Tác giả ở tuổi thất thập cổ lai hy ấy,vừa mới gửi tâm tư tình cảm của mình vào câu chữ rất ngọt ngào:


Viết Về Em

Em bảo anh "Đừng có viết về em".
Anh đắn đo và trằn trọc mãi.
Lúc cao tuổi có giống thời con gái.
Yêu say đắm rồi vẫn bảo là không.

Dù kém tài song là một đàn ông.
Cũng vọc vạch cầm kỳ thi họa.
Từng ngợi ca bào gương người xa lạ.
Với riêng em lại nghĩ "Bụt chùa nhà".

Ngót bảy mươi xuân đâu thấy em già.
Khéo léo cần cù dịu dàng vui vẻ.
Vẫn yêu đời hồn nhiên như đứa trẻ.
Chăm sóc cháu con việc đoàn thể vẹn toàn.

Nhắc tới tên em trong phố ngoài làng.
Già trẻ gái trai mọi người đều yêu quý.
Bạn thân thiết mà anh vô tâm thế.
Chưa một lần làm thơ để tặng em.

Cũng như bao người phụ nữ Việt Nam.
Ngôn hạnh công dung đảm đang trung hậu.
Nửa cuộc đời chồng bận đi chiến đấu
Em tảo tần nuôi dạy bốn trai ngoan (Lã Tất Tố)

Năm khổ thơ cho một bài thơ Tự do hai mươi câu, Viết Về Em, nhưng có lẽ ông muốn mượn những câu thơ giản dị này, để gửi nỗi lòng mình.Chủ thể Em là một người phụ nữ “Ngót bảy mươi xuân”. Một đời tần tảo lam lũ, nhưng sắp ở tuổi “xưa nay hiếm”, mà Em của tác giả vẫn “Đâu thấy già”, ít nhất là với tác giả…Ông đã thấy đã nghe về Em và nay đã viết:
Nhắc tới tên em trong phố ngoài làng.
Già trẻ gái trai mọi người đều yêu quý.
………..
Cũng như bao người phụ nữ Việt Nam.
Ngôn hạnh công dung đảm đang trung hậu.
Nửa cuộc đời chồng bận đi chiến đấu
Em tảo tần nuôi dạy bốn trai ngoan.

Thiết nghĩ bấy nhiêu câu thơ, đã đủ khắc họa nên bức chân dung Em của tác giả nói riêng và những người phụ nữ cùng thế hệ tác giả…Tuổi thơ sống trong gian khổ, khó khổ chung với cái khó của toàn xã hội lúc bấy giờ, hết chiến tranh chống Pháp, lại đến cải cách ruộng đất..Rồi lại tất cả cho tiền tuyến….Thế hệ họ là thế hệ vừa làm cha vừa làm mẹ vì ‘Chồng bận đi chiến đấu”.
Những tưởng tuổi về chiều là lúc an nhàn hưởng vui bầu bạn tuổi già.Nhưng Em của tác giả thì vẫn “Chăm sóc cháu con việc đoàn thể vẹn toàn.”. Nếu như chỉ là Bạn thân thiết mà anh vô tâm thế.” Thì bài thơ đâu có gì để nói nữa…
Viết Về Em đã khắc họa xong một hình ảnh người phụ nữ Công Dung Ngôn Hạnh tuyệt vời. Cuối chiều có “bốn trai ngoan” với người phụ nữ hỏi còn hạnh phúc nào bằng. Ngay cả khi bạn thân là tác giả: “Chưa một lần làm thơ để tặng em.” Cũng chưa sao là người viết tôi nghĩ vậy…
Nhưng tất cả ngôn từ , ý thơ còn lại thì lại mở ra một cánh cửa bước vào một thế giới khác…

Em bảo anh "Đừng có viết về em".
Anh đắn đo và trằn trọc mãi.

Hai câu thơ mở đầu này, nếu như không có lời dẫn thì có lẽ không riêng gì người viết mà sẽ có rất nhiều bạn đọc nghĩ đó là của một chàng trai trẻ đang yêu. Nào là “em bảo” rồi thì “Anh đắn đo”, rồi còn “trằn trọc mãi” nữa cơ chứ…Mà tất cả những biểu hiện dằn vặt, đau khổ của chàng trai trẻ đang yêu ấy lại chỉ vì anh thổ lộ rằng: Muốn viết về Em và em thì can “Đừng có viết”… Suy đi tính lại thì cuối cùng cũng đưa anh tới ý nghĩ kiểu “Con gái nói có là không” ..Nhưng em ở đây thì cũng đã “Ngót bảy mươi” và anh thì đã U 70 rồi…

Có lẽ khi viết ra hai câu thơ:
Lúc cao tuổi có giống thời con gái.
Yêu say đắm rồi vẫn bảo là không.

Là sau rất nhiều đêm ngày ông mất ăn mất ngủ …Rồi mới đi đến quyết định Viết !bởi:
Dù kém tài song là một đàn ông.
Cũng vọc vạch cầm kỳ thi họa.
Từng ngợi ca bao gương người xa lạ.
Với riêng em lại nghĩ "Bụt chùa nhà".

Tục ngữ đã có câu “Bụt chùa nhà không thiêng”..Bám víu vào câu tục ngữ này, tác giả dẫu vô tình hay cố ý để nghĩ mình là “Bụt chùa nhà..” hòng bao biện cho mình khi mà đã từng “Ca ngợi” bao tấm gương, mà toàn là những người xa lạ thôi, còn viết cho riêng Em thì chưa bao giờ viết, thế mới buồn chứ?

Mới hay, đàn ông dù già hay trẻ khi họ có cảm tình với một người phụ nữ và đặc biệtkhi thân thiết bên nhau, mọi quy luật đều đứng ngoài cuộc tất thảy…Tác giả của chúng ta có lẽ đã biết bấy lâu nay mình vô tình với Em..

Nhưng rồi những câu thơ của người từng trải qua hai phần ba thế kỷ.Với biết bao biến cố của đời, cũng như của trời…Có lẽ cũng đủ làm nguôi tất cả hờn giận, hay hờn tủi bấy lâu nay của Em
Ngót bảy mươi xuân đâu thấy em già.
Khéo léo cần cù dịu dàng vui vẻ.
Vẫn yêu đời hồn nhiên như đứa trẻ.

Nghĩ mãi người viết vẫn chưa hình dung ra hình ảnh một người phụ nữ đã là bà nội “ngót bảy mươi xuân” rồi mà vẫn còn “hồn nhiên như đứa trẻ”..Dẫu có yêu đời như thế nào đi nữa…Phải chăng ở đây, trong mắt, trong tim tác giả.. Em có là ai? Em có như thế nào thì tác giả cũng “Không cần biết”, mà chỉ biết hôm nay sau bao năm là “bạn thân thiết” ông đã viết được cho bà một bài thơ với tất cả tâm tình của một Tao Nhân cầm kỳ thi họa có đủ…Qua đó thể hiện tình cảm của mình với Em...

Hẳn sau Viết Về Em ông rất vui và Em của ông cũng thế. Tuổi về chiều, với chút tình cảm trao nhau qua những vần thơ mộc mạc, có lẽ cũng làm ấm lòng mỗi người trong cuộc …

Sài Gòn 5/12/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét