Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Tâm Tình Cô Giáo Trẻ Của Tác Giả Trương Hoài Phong



Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước lứa học trò thế hệ tuổi tôi tốt nghiệp cấp ba, chỉ có một lựa chọn duy nhất để thi vào một trường nào? Chứ không có nhiều lựa chọn như học sinh bây giờ trước ngã rẽ của cuộc đời.

Trong khi các bạn tôi chọn cho mình rất nhiều trường với nhiều ngành nghề khác, còn tôi vốn con nhà nghèo nên chọn bến đỗ của những cô cậu “Chuột chạy cùng sào” với hy vọng đậu thì có học bổng và không phải đóng học phí.

Ngày ra trường tôi đã “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Nên chưa nếm “nỗi niềm đầy vơi”của nghề thầy. Tuy nhiên cứ đến tháng 11 vẫn nao nao, tới ngày đó có khi điện thoại vài cuộc chúc mừng thầy cô cũ ,có khi hỏi thăm vài người bạn còn theo nghề.

Tháng 11 mới đi được một phần ba và ngày nhà giáo còn 10 ngày nữa. Nhưng cả trang thơ thì đã chộn rộn như ngày mai ngày mốt là tới 20/11 vậy. Trong dòng thơ về nhà giáo đang ào ào chảy vào tôi bắt gặp một suy tư một trăn trở khác lạ của tác giảTrương Hoài Phong. Với bài thơ:Tâm Tình Cô Giáo Trẻ. Ngay từ cái tên của bài thơ đã khiến tôi quyết định chia sẻ những tâm tình của mình với tác giả:

Ba năm theo nghiệp của thầy
Vui, buồn sớm đã đong đầy tim em
Miệt mài giáo án từng đêm
Học trò ngỗ nghịch... nỗi niềm đầy vơi.

Bước vào lời tâm tình của cô giáo, tác giả giới thiệu về một cô giáo trẻ mới ra trường theo nghiệp làm thầy của Thầy mới ba năm.

Nỗi niềm của một cô giáo mới ra trường đâu chỉ có soạn bài, chuẩn bị giáo án mà còn bởi đám “học trò ngỗ nghịch” đây chính là căn nguyên của “buồn sớm đong đầy tim em” bên cạnh niềm vui có được khi đứng trên bục giảng.

Ai đã từng là học trò và nếu còn làm “trò ngỗ nghịch” nữa thì sẽ thấu hiểu nỗi lòng của cô giáo trẻ. Xin đừng hỏi sao chỉ có đám trò ngỗ nghịch mà đã “nỗi niềm đầy vơi”…ba năm làm Thầy cô còn :

Bao nhiêu vất vả thầy ơi
Em càng thấm thía những lời thầy khuyên
Đời càng vất vả truân chuyên
Càng thêm cao cả, thiêng liêng chữ nghề.

“Bao nhiêu vất vả” ở đây là nỗi lo cơm áo, gạo tiền bởi đồng lương không đủ sống, phải làm thêm phải chăn nuôi trồng trọt, nếu ở quê.

Ở thành phố thì phải dạy cua dạy kèm hoặc làm thêm dạy thêm ở các trung tâm gia sư. Đôi khi còn phải làm thêm trái nghề nữa, cũng chỉ mong đủ sống.

Cái khó ở đây là làm gì thì cũng phải nghĩ tới đạo đức của nghề thầy cao quý mà xã hội đã khoác lên vai những người mang trọng trách ươm mầm tri thức này. Có lẽ cũng với suy nghĩ này. Cô giáo trẻ nói tiếp với Thầy:

Gạo, tiền, cơm, áo nhiêu khê
Làm sao giấy rách giữ lề thầy ơi?
Giữa đời muôn mặt mù khơi
Lắm khi em muốn buông lơi giữa dòng.
Cuộc đời vinh, nhục, đục, trong
Làm sao giữ vẹn tấm lòng thanh cao?

Vâng cô đã hiểu và giữ trọng trách mình mang trên vai. gánh nặng cơm áo, nghề nghiệp , giữa một xã hội đang phát triển không đồng đều. Bên cạnh một bộ phận tầng lớp nhất định không nhỏ người ta coi trọng vật chất hơn tất thảy.

nhưng với cô giáo trẻ này có lẽ cái Khuôn mẫu mực thước và đạo đức của nghề thầy nó đã ăn sâu trong tiềm thức cô. Nên mỗi khi “giữa đời muôn mặt mù khơi” và giữa dòng đời trong đục cùng trôi. Vinh quang đôi khi chỉ cách nỗi nhục một lằn ranh nhỏ. Nhưng cô đã giữ được mình để hôm nay cô tâm tình với Thầy

Tác giả sử dụng câu tục ngữ “giấy rách phải giữ lấy lề” trong câu thơ và cũng là câu hỏi cho Thầy và cũng chính là lời cô giáo tự răn mình “làm sao giấy rách giữ lề thầy ơi”, thật đắt và thật ý nghĩa.

Bởi cô nói, cô hỏi để Thầy thấy là cô đã vượt qua được thôi vì cô đã nói “Lắm khi em muốn buông lơi giữa dòng”. Nghĩa là cô chưa buông

Cô xao động cô mệt mỏi khi bơi giữa dòng xô bồ ấy, mà lại cứ phải lo giữ cái nếp của một cô giáo, vừa bơi vừa vật lộn kiếm sống vẫn phải lựa chỗ mà bơi!

Quả thật để giữ đúng và làm theo “Luân lý chức nghiệp” của nghề thầy và giữ được trọn “vẹn tấm lòng thanh cao” mà vẫn đủ cơm ăn áo mặc là vô cùng vất vả và thật khó khăn với một cô giáo trẻ mới ra trường nữa. Dòng tâm sự vẫn tiếp diễn giữa hai thầy trò

Lời thầy răn dạy hôm nao
Vẫn còn in đậm, dạt dào lòng em
Bên trang giáo án từng đêm
Ngả đầu tìm chút êm đềm... hư không.

Đến đây ta đã hiểu được nỗi lòng của cô sau những “truân chuyên” trong cuộc đời làm thầy ba năm qua , cô đã và vẫn nhớ những “lời Thầy răn dạy” .Khắc sâu trong lòng hằng đêm bên trang giáo án cô “ngả đầu tìm chút êm đềm…” tìm ở đâu đây? Giữa ồn ào sóng đời xô dạt? giữa đám học trò mà có đứa “còn ngỗ nghịch”.

Nhưng nhờ những “lời răn dạy ”của thầy mà cô đã tìm thấy sự êm đềm dẫu một chút ấy ở chốn “hư không” mà thôi!

Sáng nay, một đóa hoa hồng
Một em trò nhỏ gửi lòng tri ân
Lòng em xúc động vô ngần
Hiểu ra chân lý rất gần thầy ơi.

Tới đoạn này thì tất cả đã vỡ òa niềm vui thay vì “nỗi niềm đầy vơi” như lúc đầu cô tâm tình với Thầy.. “Một đóa hoa hồng” thôi, của “ trò nhỏ” tượng trưng cho sự biết ơn của trò với cô mà có lẽ “em trò nhỏ này” là một trong những em học trò mà đã khiến cô phải “buồn vui” khi mới gặp đây, mới khiến cô xúc động và mang cái sự “xúc động vô ngần” ấy về khoe với thầy và cô bây giờ đã “hiểu ra chân lý rất gần”.

Câu kết này mới thực sự cho thấy là tấm lòng của cô đã mở ra với nghề thầy mà cô đã chọn. và cũng khẳng định là cô đã vượt qua được cột mốc khó khăn đòi hỏi phải qua. Để đến với cuộc sống thanh bạch của nghề Thầy cao quý như Thầy của mình

Thì ra quý nhất trên đời
Tấm lòng trân quý sáng ngời ngàn năm.

Một bài thơ lục bát viết về một cuộc đối thoại giữa hai thầy trò mà chỉ có phía Trò nói, trò nghĩ, trò làm, trò hiểu và trò đúc kết , nhưng trò ở đây lại cũng là thầy dù mới ba năm. Đọc cả bài thơ ta không thấy thầy nói câu nào cũng không có một từ nào nói về sự hiện hữu của người thầy ở đây nhưng ta vẫn thấy Thầy ở đây trong lời tâm tình này. Đó là sự thành công của bài thơ mà tác giả đã viết.

Cám ơn tác giả Trương Hoài Phong cùng với bài thơ Tâm Tình của Một Cô Giáo Trẻ. Đã cho tôi có cảm xúc viết lên bài viết này. Có thể những cảm nhận trên đây của tôi chưa thực sự lột tả được hết ý tình của bài thơ. Mong bạn đọc và tác giả hãy coi đây là tình cảm của riêng cá nhân tôi dành cho một bài thơ mà tôi đồng cảm.

Dưới đây là bài thơ ấy

Tâm Tình Cô Giáo Trẻ

Ba năm theo nghiệp của thầy
Vui, buồn sớm đã đong đầy tim em
Miệt mài giáo án từng đêm
Học trò ngỗ nghịch... nỗi niềm đầy vơi.

Bao nhiêu vất vả thầy ơi
Em càng thấm thía những lời thầy khuyên
Đời càng vất vả truân chuyên
Càng thêm cao cả, thiêng liêng chữ nghề.

Gạo, tiền, cơm, áo nhiêu khê
Làm sao giấy rách giữ lề thầy ơi?
Giữa đời muôn mặt mù khơi
Lắm khi em muốn buông lơi giữa dòng.
Cuộc đời vinh, nhục, đục, trong
Làm sao giữ vẹn tấm lòng thanh cao?

Lời thầy răn dạy hôm nao
Vẫn còn in đậm, dạt dào lòng em
Bên trang giáo án từng đêm
Ngả đầu tìm chút êm đềm... hư không.

Sáng nay, một đóa hoa hồng
Một em trò nhỏ gửi lòng tri ân
Lòng em xúc động vô ngần
Hiểu ra chân lý rất gần thầy ơi.
Thì ra quý nhất trên đời
Tấm lòng trân quý sáng ngời ngàn năm.( Trương Hoài Phong)

Sài Gòn 11/11/2013



Huỳnh Xuân sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét