Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Cảm nhận bài thơ Biển Hoàng Hôn của tác giả Đinh Hải Lợi



Biển Hoàng Hôn là tựa đề bài thơ của tác giả Đinh Hải Lợi, Nó sẽ gợi cho người đọc một Biển chiều thật đẹp, nên thơ như tranh và dạt dào sóng biếc nếu…Vâng sẽ là như thế nếu như không có nút thắt ngắt ngang sự gợi mở…Đó chính là lời dẫn “Nhớ về người cha liệt sĩ ra đi từ biển”. Tác giả nay đã ngoại sáu mươi tuổi, phải chăng người cha kính yêu của chị đi tham gia kháng chiến chống Thực Dân Pháp những năm kháng chiến chín năm…(1945- 1954). Một tựa đề thật đẹp, mang theo một lời dẫn đủ khiến người đọc như tôi phải kính cẩn mà bước vô thế giới mênh mông của:

BIỂN HOÀNG HÔN
(Nhớ về người cha liệt sĩ ra đi từ biển)
Mặt trời rơi khuất dần cuối biển
Chim hải âu lạc chốn phương trời
Linh hồn cha giữa biển mặn mòi
Con cô đơn giữa chiều vàng võ
Biển buồn thương hòa trong máu đỏ
Vì cha là con của biển yêu

Cha bỏ lại con đi giữa biển chiều
Biển cuộn sóng, dâng, gào tìm gọi...
Tháng năm dài biển ơi có mỏi?
Buồm bơ vơ khát vọng bình yên
Hoàng hôn về nhuộm đỏ triều lên
Hải âu rã cánh chiều trên biển
Dấu chân cha bãi cát ôm trìu mến
Hỏi nơi nào người lính đã đi qua?
Ôi con thuyền chở nặng gặp phong ba
Và khuất hẳn sau hoàng hôn biển cả
Mây, trời, nước chiều nghiêng vội vã
Ngập đỏ miền thương nhớ khôn nguôi
Ước một lần góc biển gặp cha tôi
Thì có lẽ... biển đỡ gào, thét, gọi .(Đinh Hải Lợi)
Người Thiếu phụ ngóng cha nơi cửa biển Diễn Châu vào một chiều tháng bảy…Thấu hiểu nỗi niềm của mẹ già, tiếng lòng của đứa con chưa bao giờ thấy mặt cha, cất lên gửi vào câu chữ trong một bài thơ tình thật cảm động, nhất là lúc này biển không yên ả… Năm khổ thơ của bài thơ tự do này cũng chính là năm khúc ngân của tiếng lòng tác giả khi nhớ về người cha Liệt sĩ của mình…
Mặt trời rơi khuất dần cuối biển
Chim hải âu lạc chốn phương trời
Linh hồn cha giữa biển mặn mòi
Con cô đơn giữa chiều vàng võ
Có lẽ chị đã đứng trước biển rất lâu cho đến khi “mặt trời rơi khuất dần cuối biển”. Mặt trời lặn từ từ như xưa nay vốn vậy. Chỉ có lòng người ngắm nó có lẽ đã hụt hẫng chơi vơi, nên thấy mặt trời rơi về cuối chân trời… Thấp thoáng ngoài khơi trên ngàn cánh sóng là những chú Hải Âu dũng mãnh xoải cánh bay. chứ chúng không thể lạc giữa bốn phương trời đâu tác giả ạ. Có lẽ chị mới là người cảm thấy trong sâu thẳm lòng mình sự cô đơn lạc lõng chơi vơi khi bóng chiều vừa đổ xuống, làm sao còn có thể hy vọng nhìn thấy gì ngoài khơi xa nữa… Chỉ còn những ngọn đèn biển hay đèn của những con tàu… Chị biết và biết rất rõ người cha kính yêu của chị, sáu mươi ba năm trước đã ra đi và nằm lại đâu đó vì một lời thề “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Chị đã vẫn và sẽ mãi tin rằng linh hồn cha vẫn dõi theo con, phải chăng chị còn có khao khát cha nhận ra mình cút côi thiếu vắng vòng tay nâng niu của người cha suốt cả cuộc đời, từ khi còn trong bụng mẹ chứ không phải tới bây giờ khi “chiều vàng võ” hắt nghiêng dáng chị... Về phần mình chị có lẽ đã nhận ra “con cô đơn..”không chỉ lúc này khi đứng trước Biển Hoàng Hôn…Mà có lẽ bất cứ khi nào nghĩ về biển, nghe tiếng sóng biển, nhìn thấy biển hoặc nhớ đến cha...
Biển buồn thương hòa trong máu đỏ
Vì cha là con của biển yêu

Cha bỏ lại con đi giữa biển chiều
Biển cuộn sóng, dâng, gào, tìm gọi...
Với tác giả, với người mẹ già và con cháu của tác giả thì biển dào dạt, dập dềnh triệu triệu con sóng nối đuôi nhau kia..không mang màu xanh như vốn có. Hòa trong đó “buồn thương..” và “máu đỏ…” của cha chị và bao đồng đội nữa…Biển cuộn sóng hay lòng chị đang “cuộn sóng dâng gào tìm gọi”?…Có lẽ đã nhiều năm qua, không thể đếm được bao lần chị đứng trước biển thầm gọi người cha ra đi và mãi mãi từ một cửa biển “cha bỏ lại con..” bỏ lại người vợ hiền ra đi “giữa biển chiều..”. Biển chiều ầm ì tiếng sóng dội vào bờ…Trong những âm thanh ấy, âm thanh nào là nỗi lòng chị hôm nay, mẹ chị bao năm qua nữa đang “gào tìm gọi” người cha, người chồng ra đi lâu lắm chưa thấy trở về… Những lời “gào tìm gọi..” trong vô vọng ấy , sóng có mang câu trả lời tới được không? Chẳng cần biết với những người phụ nữ đang ngóng trông, hy vọng rồi tuyệt vọng lại hy vọng, cứ như thế không hề nản lòng…
Tháng năm dài biển ơi có mỏi?
Buồm bơ vơ khát vọng bình yên
Hoàng hôn về nhuộm đỏ triều lên
Hải âu rã cánh chiều trên biển
Sáu mươi ba năm hết mẹ lại đến chị ..chưa bao giờ mệt mỏi mỗi khi trước Biển chiều hoàng hôn. Nhưng câu hỏi “tháng năm dài biển ơi có mỏi? lại mở ra một nỗi niềm sâu kín khác…Khát vọng trong lòng gửi đi tìm sự bình yên. Cánh “buồm bơ vơ” hay chính mẹ con chị bơ vơ đây? Hải âu rã cánh sau một ngày miệt mài vỗ cánh trên biển. Cùng hình ảnh “nhuộm đỏ triều lên” mỗi khi hoàng hôn xuống…Phải chăng chính là hình ảnh những người phụ nữ chờ đợi trong bơ vơ vô vọng...
Dấu chân cha bãi cát ôm trìu mến
Hỏi nơi nào người lính đã đi qua?
Ôi con thuyền chở nặng gặp phong ba
Và khuất hẳn sau hoàng hôn biển cả
Cuối cùng thì chị cũng ngậm ngùi mà nhận ra. Chỉ còn “dấu chân cha..” đã được bãi cát ôm ấp trìu mến suốt nhiều chục năm qua…Tất cả, tất cả…Con thuyền, người lính, cha chị đã “khuất hẳn sau hoàng hôn biển cả “Bởi “con thuyền chở nặng gặp phong ba”. Con thuyền đó đã đưa người lính ra đi không trở lại bến bờ. Bởi cuộc kháng chiến gian nan, vất vả, một mất một còn đã mang đi biết bao người lính đã hy sinh để đổi lấy sự bình yên cho đất nước trong đó có cha của tác giả Đinh Hải Lợi…

Mây, trời, nước chiều nghiêng vội vã
Ngập đỏ miền thương nhớ khôn nguôi
Ước một lần góc biển gặp cha tôi
Thì có lẽ... biển đỡ gào thét gọi.
Một khổ thơ kết, đúc kết tất cả qua hình ảnh rất thơ “mây, trời nước chiều nghiêng vội vã..” Động từ nghiêng ấy đã xô về “ngập đỏ miền thương nhớ khôn nguôi” của mẹ tác giả bao năm qua và của chính tác giả …Hai câu kết thể hiện một niềm ao ước trong vô vọng “Một lần góc biển gặp cha tôi”. “Thì có lẽ... biển đỡ gào thét gọi”…Tác giả chưa bao giờ được gặp cha, vậy cho nên biển vẫn cuộn dâng gào thét gọi không nguôi... chính là sự gào khóc gọi trong lòng tác giả. Bài thơ Biển Hoàng Hôn ra đời từ tâm tư tình cảm nỗi niềm của tác giả Đinh Hải Lợi. Người con duy nhất của người liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, đã hành quân ra trận bằng đường biển. Câu chuyện Biển Hoàng Hôn được bắt đầu từ cách đây: Sáu mươi ba năm trước (1951) nơi cửa biển Diễn Châu tỉnh Nghệ An, có một thiếu phụ tuổi đôi mươi, tiễn chồng lên đường ra trận tham gia Kháng Chiến Chín Năm. Đánh đuổi thực dân Pháp bảo vệ tổ quốc.

Sáu mươi ba năm… là khoảng thời gian quá dài cho một người phải chờ đợi, phải ngóng trông và dõi theo những con thuyền xa dần, xa dần rồi khuất hẳn và mang đi mãi mãi người chồng nhất mực yêu thương vừa mới cưới của mình! Sáu mươi ba năm có thể là dài nhưng chưa hẳn quá dài. Khi người ta sống trong hy vọng và chờ đợi… Dù sao thì khoảng thời gian ấy đã đủ làm cho một thiếu phụ tuổi đôi mươi trở thành bà lão tóc bạc phơ, đã ngoài tám mươi tuổi đời, sáu mươi ba năm chờ chồng…Nhưng không thể như Chinh Phụ chờ chồng tới hóa đá của tích Hòn Vọng Phu.. Bởi người thiếu phụ sau đó biết mình đã mang trong mình một hình hài bé nhỏ. Giọt máu để lại của người ra đi mà không hề hay biết năm ấy… Nay đã là bà nội, bà ngoại ở tuổi 62…có lẽ không biết bao lần chị cùng mẹ… rồi mẹ con bà cháu cùng nhau, nhìn ra cửa biển ngắm sóng xô và hy vọng… Người vợ tiễn chồng một mình năm ấy, hôm nay bà đã có con cháu chắt...Cả gia đình vẫn luôn nhắc nhớ tới Người ra đi từ biển năm ấy...
Sài Gòn 18/7/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét