Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Như Một Lời Sẻ Chia cùng một sự đồng cảm với tác giả Hà Thị Ngọc Diệp cựu giáo sinh k4 Sư Phạm Quy Nhơn qua chùm thơ Tiễn Biệt Tri Âm*



* Kính tưởng nhớ Thầy Võ Sum, cựu giáo sư,cựu Giám học trường Sư Phạm Quy Nhơn.


Tôi có may mắn được gặp tác giả Hà Thị Ngọc Diệp cách đây hơn hai năm, khoảng đầu tháng 5/2012 khi tôi cùng chồng tới thăm Thầy của anh và cũng là Phu quân của tác giả. Khoảng thời gian thăm viếng không nhiều, nhưng dấu ấn cô để lại thì rất sâu đậm trong tôi. Đặc biệt khi tôi đọc được chùm thơ cô viết cho người 49 năm đầu ấp tay gối với mình gần một tháng sau đó, dẫu lúc đó tôi chưa bén duyên với thơ văn, song tôi vẫn nhớ những vần thơ ấy cho tới hôm nay, khi gặp lại cô trên mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió, trong một cuộc hội ngộ tràn đầy niềm vui cùng sự xúc động của các cựu giáo sinh, bạn đồng môn của cô... Trước giờ chia tay tôi nhắc lại mấy câu thơ cô đã viết. Để rồi cô đọc và chảy theo suối tình thơ là rưng rưng những giọt nước mắt của cả người đọc lẫn người nghe…
Chùm thơ xúc động ấy có ba bài.

Ngọn Đèn Trước Gió

Gió thổi ngọn đèn lắc lư.
Chống chọi làm sao một tia leo lét.
Thân đèn thời gian đục khoét.
Ngửa mặt lên trời sấm sét rền vang.
Anh ơi !
Lệ nào còn để chứa chan.
Lệ nào còn đủ dâng tràn bờ mi.(Hà thị Ngọc Diệp)

Chân Thứ Ba


Xin cám ơn người tặng cho chiếc chân thứ ba
Từng bước ngập ngừng, tay run chống đỡ,
Chầm chậm, chầm chậm, chắt mót từng hơi thở,
để đi hết đoạn đường mình phải qua,
Đoạn đường trước mắt tuy không xa,
Nhưng có nhiều cát bụi mưa sa.
Thân thể mỏi mòn đành hẹn rày, mai, lần lữa…
Trái đất giận hờn không buồn quay thêm nữa,
Bởi phải tải nặng, lắm điều về chuyện của chúng ta.
Xin hãy bỏ qua, cho thêm vài vòng quay nữa,
Để cho mình được nói hết những gì chưa kịp nói ra.
Trước lúc đi xa, xin hãy thứ tha,
để cho những đôi mắt ướt nhìn nhau không phải nghẹn ngào.
Xin bầu trời đầy sao hãy giữ nguyên hơi ấm
Mãi ấp ủ hoài thương nhớ ngàn năm……(Hà thị Ngọc Diệp)



Thôi Thì

Anh vội vàng buông chiếc chân thứ ba
Đòi đi cho được mười sáu chân cho êm ái.
Thôi thì…!
Chúc anh đi thoải mái,
Về nhà Cha có hoa trái trường sinh.
Có nghìn tiếng chim vui ríu rít, chúc lành.
Được vỗ về ru êm trong vòng tay của Mẹ.
Mới hôm qua anh tươi cười nghạo nghễ.
“Chỉ còn một năm nữa thôi, chúng ta tổ chức đám cưới Vàng,
ngày ấy em phải mặc đồ thật sang để quên ngày lam lũ”.
Hãy bỏ qua mọi chuyện cũ : giận hờn, giận dữ, tươi trẻ, đắm say.
Thế rồi anh vội buông tay.
Để đám cưới mình bị dang dở.
Hôm nay đất bằng trăn trở
Bầu trời đầy mây trắng bay.
Anh đành bất lực xuôi tay…!
Hốt hoảng…
Anh ơi…đừng để em một mình.
Thôi thì…mặc kệ cô đơn…!
(Phút biệt ly, 13h50’ ngày 20 tháng năm 2012-Hà thị Ngọc Diệp)




Người đọc thơ là tác giả, là cựu giáo sinh k4 SPQN, một thời ngắn ngủi là cô giáo, rồi cả một quãng đời dài cô và thầy là một nông dân lam lũ “chính hiệu” và nay đã là bà ngoại, bà nội ở tuổi ngoài 70. Ba bài thơ ra đời có lẽ trong cùng một khoảng thời gian gần nhau..Tình nghĩa phu thê mặn nồng 49 năm, nay bờ vai vững chãi một thủa của cô đang như “Ngọn đèn trước gió” mỗi bước di chuyển phải nhờ đến “Chân Thứ Ba” được người bạn tặng. Trước đó có lẽ điểm tựa của ông là đôi vai mảnh mai của tác giả. “ Thôi Thì”…Vẫn biết không ai tránh được quy luật sinh tử của tạo hóa. Vẫn biết và biết rất rõ “Ngũ thập tri thiên mệnh”(50 tuổi biết được mệnh trời) huống chi tác giả và phu quân đã qua tuổi “Thất thập cổ lai hy” rồi. Và cả hai đều hiểu rõ:

“Đoạn đường trước mắt tuy không xa,

Nhưng có nhiều cát bụi mưa sa.

Thân thể mỏi mòn đành hẹn rày, mai, lần lữa…

Trái đất giận hờn không buồn quay thêm nữa,

Bởi phải tải nặng, lắm điều về chuyện của chúng ta.

Xin hãy bỏ qua, cho thêm vài vòng quay nữa,

Để cho mình được nói hết những gì chưa kịp nói ra.

Trước lúc đi xa, xin hãy thứ tha,

để cho những đôi mắt ướt nhìn nhau không phải nghẹn ngào.(trích Chân Thứ Ba)

Nếu bạn cũng như tôi, biết được hai chủ thể chính ở đây hai“Chúng ta” ấy. Họ đã có một thời chồng là giáo sư, giám học, một ngôi trường sư phạm lớn nhất miền trung thời bấy giờ, Vợ là cô giáo trẻ. Họ sống yêu thương và hạnh phúc cho tới một ngày…

Sau tháng tư 1975 ông chính thức trở thành anh nông dân chân lấm tay bùn, trên quê hương thuộc vùng bán sơn địa huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Bạn sẽ hiểu hơn nỗi đau đè nén khi mà “Thân thể mỏi mòn đành hẹn rày, mai, lần lữa…” và vì sao “Chuyện của chúng ta” mà “trái đất giận hờn không buồn quay thêm nữa”vì nó đã “Phải tải nặng”..Biết là như thế nhưng với tấm lòng của người vợ, tảo tần, tình nặng nghĩa sâu như các cụ xưa đã dạy:

Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu
Thương cho đến thuở bạc đầu vẫn thương.(Ca dao)

Hai mái đầu bạc bấy lâu nay, sáng chiều sau những giờ lao động cực nhọc hay khi ốm đau lúc về già …bên hàng ba vẫn cùng nhau uống trà, ngắm trăng, đàm đạo thơ ca nhạc họa. Mặc bên ngoài xã hội phát triển nhanh như vũ bão, họ vẫn lặng lẽ tâm tình bên nhau như xưa nay vẫn bầu bạn như thế.

Nay khi viết:

...Từng bước ngập ngừng, tay run chống đỡ,

Chầm chậm, chầm chậm, chắt mót từng hơi thở,

để đi hết đoạn đường mình phải qua (trích Chân Thứ Ba)

Hẳn tác giả đã rất đau lòng khi “Xin cám ơn người tặng cho chiếc chân thứ ba” Một người bạn đã tặng ông cây gậy cho dễ bề di chuyển…Tác giả biết người yêu thương của mình dẫu

...Mới hôm qua anh tươi cười nghạo nghễ.

“Chỉ còn một năm nữa thôi, chúng ta tổ chức đám cưới Vàng,

ngày ấy em phải mặc đồ thật sang để quên ngày lam lũ”.

Hãy bỏ qua mọi chuyện cũ : giận hờn, giận dữ, tươi trẻ, đắm say.(trích Thôi Thì)

Nhưng tác giả hiểu và có lẽ phu quân của bà cũng biết rất rõ mình giờ đây như “Ngọn đèn trước gió” nào phải đèn lớn như cây đèn Măng Sông còn đỡ. Ngọn đèn chỉ “Một tia leo lét” trong khi:

Gió thổi ngọn đèn lắc lư.

Chống chọi làm sao một tia leo lét.

Thân đèn thời gian đục khoét (trích Ngọn đèn trước gió).

Ngọn đèn leo lét,dầu đà sắp cạn, thân đèn không còn nguyên vẹn, bởi nghiệt ngã của thời gian bào mòn. Người phụ nữ tần tảo, lam lũ sớm khuya, người tình, người vợ, người bạn tri âm, tri kỷ nay đã không còn nước mắt để rơi. Khi cô “Ngửa mặt lên trời..” và bất giác thấy như “… sấm sét rền vang.” Phải chăng ông trời muốn báo một điềm chẳng lành sắp đến, nhưng cũng chỉ còn biết thốt lên.

Anh ơi !

Lệ nào còn để chứa chan.

Lệ nào còn đủ dâng tràn bờ mi. (trích Ngọn Đèn Trước Gió)

Hay cũng chỉ còn biết cầu xin trời đất:

Xin bầu trời đầy sao hãy giữ nguyên hơi ấm

Mãi ấp ủ hoài thương nhớ ngàn năm……(trích Chân Thứ Ba).

Hai người cứ thế cầu xin trái đất cho thêm chỉ “Vài vòng quay nữa” để mà “Nói hết những điều chưa kịp nói”..Nhưng, lại là chữ nhưng, ám ảnh biết bao nhiêu khi vào buổi trưa ngày 20/5/2012 ấy cô phải quặn thắt lòng để mà nhìn, để mà thấy, để mà bất lực, rồi thét lên:



Anh vội vàng buông chiếc chân thứ ba

Đòi đi cho được mười sáu chân cho êm ái.

Cám cảnh làm sao với hình ảnh run run mỗi bước đi không vững cùng chiếc chân thứ ba và đôi vai mảnh mai của người phụ nữ ấy….Thì họ vẫn còn ngập tràn hạnh phúc. Nay với chiếc xe “Mười sáu chân” thì…thôi thì…Trời bắt ông phải đi chứ ông nào muốn mà đòi tác giả ơi! Nỗi đau là vô tận đè trên đôi vai gầy guộc, bóp nghẹt trái tim yếu đuối, khiến cho đôi chân ngã quỵ…Nhưng tình yêu niềm tin vực được tâm hồn người vợ dậy và thốt lên dẫu chẳng muốn:

Thôi thì…!

Chúc anh đi thoải mái,

Về nhà Cha có hoa trái trường sinh.

Có nghìn tiếng chim vui ríu rít, chúc lành.

Được vỗ về ru êm trong vòng tay của Mẹ.(trích Thôi Thì)



Thế rồi… cũng hiện hữu một tiếc nuối, một trách cứ, một hờn giận và trên hết là tình yêu vô bờ cô hờn người đi đã: “Để đám cưới mình bị dang dở.”Gần trọn 50 năm “đầu ấp mà kề” với bao thăng trầm trong cuộc sống cùng chèo chống với thăng trầm của xã hội. Khó khăn khổ cực nhưng không thể chia lìa họ. Bầu trời có vần vũ bão giông, mặt đất có chao nghiêng hay đôi khi là động đất thì cũng lại trở về bình lặng sau những ly trà thanh đạm mỗi sáng mỗi chiều có đôi có cặp…Nay thì…” đất bằng trăn trở” bởi cả “Bầu trời đầy mây trắng bay.” Phủ xuống một màu tang tóc khi mà:

Anh đành bất lực xuôi tay…!

Hốt hoảng…

Anh ơi…đừng để em một mình.

Thôi thì…mặc kệ cô đơn…!

(Phút biệt ly, 13h50’ ngày 20 tháng năm 2012)) (Hà thị Ngọc Diệp)

Vâng! “hốt hoảng” bà biết ông đã để lại bà “Một mình…” Thôi Thì “Mặc kệ…” biết là “cô đơn”..biết là không thể tránh khỏi. Bà cũng chẳng còn “Lệ” để mà “tràn bờ mi”. Chỉ còn chút sức tàn, lực kiệt..với trái tim đầy ắp yêu thương để “Phút biệt ly” đưa người Thầy, người yêu thương, người chồng, người bạn tri kỷ, tri âm của mình về nơi xa lắm. Nơi ông về trong trái tim của bà vẫn nghĩ hay cứ nghĩ đó là “nhà Cha có hoa trái trường sinh” có lời ru êm, có vòng tay vỗ về của Mẹ.Và, giờ đây đã không còn có ông bên cạnh nữa...Thì với tác giả mãi mãi trong tâm tưởng vẫn ghi dấu một bóng hình bởi:

Vợ chồng là nghĩa phu thê
Tay ấp, má kề sinh tử có nhau.(ca dao)

Ông đã đi xa, nhưng với tác giả có lẽ ông chưa bao giờ xa cả, ông vẫn hiện diện quanh bà trong những vui buồn của cuộc sống và bên con cháu chắt, cũng chính là niềm vui sống cho bà khi “cô đơn” lúc bóng đổ chiều tà..…

Chùm thơ Tiễn Biệt Tri Âm đã đến dòng cuối cùng…Tôi xin gửi tới tác giả như một lời sẻ chia, cùng một sự đồng cảm…Cầu mong nơi chín suối người quá cố sẽ mỉm cười cùng với tác giả với tôi và với mỗi bạn đọc hôm nay…

Sài Gòn buổi sáng đầu tiên của tháng 12/2014

Huỳnh Xuân Sơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét