Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Bài Thơ Mới ! Của Tác Giả Dương Đoàn Trọng



Bên tai tôi giờ đây là giai điệu hào hùng, ra đời từ thời cha anh tôi vượt trường sơn hùng vĩ bằng đôi chân, mà qua hết được những gian khổ, chết chóc, hiểm nguy làm nên một chiến thắng đi vào lịch sử dân tộc và vang danh khắp thế giới. Cũng có một phần từ những lời ca như dưới đây nâng bước quân hành ngày ấy:

Núi vút thành vách đứng, nắng hè khét đá, rừng khuya mất lối

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình.

Ta là con của núi non Trường Sơn

Nối mạch rừng quê giữa hương ngàn

Ôi ! núi rừng che ta, núi rừng bao vây quân thù bốn phía

Con đường nam bắc thiêng liêng tình nghĩa

Nơi chân trời đang dâng sắc hồng đang lan, lòng ta như nắng

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình. (Bước Chân Trên Dãy Trường Sơn _Vũ Trọng Hối)

Giai điệu bài ca lúc như ánh lửa bập bùng, lúc như nhịp bước quân hành ấy cuốn hút tôi. Nhưng tôi phải dừng lại, vì ngay lúc này, trước mắt tôi, là bài thơ của một người lính già .Người mà cách đây trên bốn mươi năm đã hăng hái lên đường "đi theo ánh lửa của trái tim mình".

Nhưng lời thơ hôm nay như có gì đó khiến tôi phải trăn trở phải tìm tòi để khám phá nội tâm của bài thơ được người lính già Dương Đoàn Trọng gửi gắm với tên gọi

Bài Thơ Mới

Len lỏi trong những nếp nhăn
mấy chục năm về trước
gặp lại bao đồng đội Trường Sơn
Dây võng treo những trái tim lơ lửng
Chong chao tiếng hát thì thầm
lẫn cả vào nước mắt
Chiếc gậy vội vàng ta chặt
chúng mình chống mòn đoạn tuổi đang xanh

Hy vọng ngày về sao quá mỏng manh
Nên chẳng dám điều gì nói trước
Môi em thâm đen mấp máy trong cơn sốt
Viên thuốc vội vàng đắng cả tứ thơ anh
Tuổi chúng mình qua đi thật nhanh
Muốn lấp nỗi đau lại là quá chậm
Người bạn tôi chỉ còn là cái nấm
đánh dấu mảnh sắt tây đã gỉ hết rồi
Chữ khắc thân cây nay không còn cây nữa
Con suối ngày nào cũng đã đổi hướng trôi

Đồng đội
đồng đội ơi
Mây trắng Trường Sơn nay bám đầy mái tóc
Chiếc gậy bây giờ chặt lại rặng tre quê
chống cái tuổi già xiêu vẹo bờ đê
Bài thơ mới viết về đồng đội cũ . (Dương Đoàn Trọng)

Bài thơ ngắn gọn với những câu từ chắt lọc viết về những trăn trở suy tư của người lính năm xưa hừng hực khí thế ra trận. để hôm nay vẫn con đường vô nam ấy, vẫn những địa danh xưa và vẫn là "Đi theo ánh lửa từ trái tim mình".Nhưng không còn đi chiến đấu giữa bom rơi đạn nổ nữa mà là đi tìm lại nơi chôn cất đồng đội.

Với tâm tư nặng trĩu của người lính già ông viết

Len lỏi trong những nếp nhăn / mấy chục năm về trước / gặp lại bao đồng đội Trường Sơn. / Dây võng treo những trái tim lơ lửng / Chong chao tiếng hát thì thầm / lẫn cả vào nước mắt / Chiếc gậy vội vàng ta chặt / chúng mình chống mòn đoạn tuổi đang xanh

Giờ đây chiến tranh đã lùi xa gần bốn mươi năm ông phải ngồi lục lại trí nhớ về những người đồng đội đã không may nằm lại chiến trường "mấy chục năm về trước" Câu thơ ông viết thật xót xa khi mà muốn lục lại ký ức ông đã dùng từ "len lỏi" nào phải len lỏi trong rừng thiêng nước độc muỗi vắt bâu bíu đâu. Mà là len lỏi trong "Những nếp nhăn" Khiến người đọc không thể không bùi ngùi theo những câu thơ, mà ông phải " len lỏi trong nếp nhăn" kia mới tìm được .Nào là "dây võng treo lơ lửng" sao không đong đưa ru ông vào giấc ngủ , mà lại là "treo lơ lửng trái tim" khi cánh võng trong mớ hỗn độn ông tìm được có cả tiếng hát "chong chao" theo ! Dẫu chỉ là " tiếng hát thầm thì" chưa hết nó lẫn vào nước mắt. Còn đây chiếc gậy trường sơn huyền thoại ngày nào làm nên lịch sử sao nay lại là chiếc gậy đã "chống mòn đoạn tuổi đang xanh" của "chúng mình"

Ông có lẽ nào đã thể hiện sự mệt mỏi, già nua của trái tim thổn thức. đau thắt nơi ngực trái, mỗi khi nghĩ về đồng đội. Những người còn nằm đâu đó giữa đại ngàn trường sơn kia chăng ? Hay còn một lý do nào khác khi ông len lỏi tìm kiếm ký ức của chính ông. ?

Mang theo câu hỏi này ta vào khổ thơ tiếp.

Hy vọng ngày về sao quá mỏng manh / Nên chẳng dám điều gì nói trước / Môi em thâm đen mấp máy trong cơn sốt / Viên thuốc vội vàng đắng cả tứ thơ anh

Ngày ấy đi theo "ánh lửa từ trái tim mình" ông và đồng đội đâu có thời gian để nghĩ cho an nguy của mình, chứ nói chi nghĩ đến ngày về. chắc chắn rằng như thế ! nhưng sao bây giờ ông lại nhớ rằng " ngày về sao quá mỏng manh" và vì vậy cho nên sẽ "chẳng dám điều gì nói trước" cả.

Cảm động nhất với hình ảnh hiện về trong ông có lẽ thật nhất lúc này là "môi em thâm đen" thâm bởi sốt rét và ngày ấy để trị bệnh sốt rét chỉ có mấy viên kí ninh đắng nghét. Không biết em uống thuốc khi ấy đắng thế nào " trong cơn sốt" đã "mấp máy" điều gì ? chỉ biết bây giờ trong ký ức của ông vị đắng ấy nó "đắng cả tứ thơ anh".

Tôi muốn hỏi nhỏ ? Thơ ông đắng hay nỗi lòng ông đắng ? hoặc giả là cổ họng ông ngay lúc này khi ông viết bài thơ mới này ông vẫn thấy nó Đắng chăng ?

Trong khi chờ anh trả lời tôi đi tiếp vô khổ thơ sau :

Tuổi chúng mình qua đi thật nhanh / Muốn lấp nỗi đau lại là quá chậm / Người bạn tôi chỉ còn là cái nấm / đánh dấu mảnh sắt tây đã gỉ hết rồi / Chữ khắc thân cây nay không còn cây nữa / Con suối ngày nào cũng đã đổi hướng trôi

Một khổ thơ rất "đắng" và ngậm ngùi của tác giả ! có lẽ bao tâm tư tình cảm giành cho đồng đội ông gửi vào những câu thơ này ! vẫn biết thời gian là vô cảm. nó trôi đi lặng lẽ vốn bình thường vẫn vậy. chỉ tại ông "muốn lấp nỗi đau" hay hàn gắn vết thương chiến tranh nên ông đã đổ thừa tại tuổi của ông và bạn bè ông nó trôi đi quá nhanh . Còn việc ông muốn làm là "lấp nỗi đau" thì "lại là quá chậm". Qủa thật mâu thuẫn trong anh không dễ gì giải quyết trong một sớm một chiều được. Vẫn cần phải có thời gian nữa, dẫu anh đã len lỏi trong những nếp nhăn mà tìm ra được "người bạn tôi chỉ là cái nấm".Một cái nấm rừng vô tri vô giác ? hay còn lại một mảnh xương người đồng đội chỉ bằng cái nấm ? cái nào là bạn anh đều đau lòng cả.

Ngày ấy anh và đồng đội đã cẩn thận để mà "đánh dấu mảnh sắt tây " có lẽ với suy nghĩ cứng như sắt thì khi quay lại tìm bạn mảnh sắt tây ấy nó sẽ chỉ nơi bạn nằm. Vậy mà khi quay lại thì thời gian quá lâu nó đã gỉ hết rồi ! vậy là mất dấu ư ? không các anh còn cẩn thận "khắc lên cây" Nhưng đâu phải là "mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ lên cây" và "mong mùa sau có còn gặp lại" thì may ra …

Ở đây là chiến trường ! khắc lên cây , cây có thể bị bom rơi trúng cắt phăng.Cây có thể bị thuốc khai hoang rắc trúng và khi quay lại nó đã mục từ lâu. Một manh mối nữa cũng mất. Ông lại lục trong mớ hỗn độn thì ra vẫn nhớ được ngày ấy chôn cất bạn cạnh con suối. Nhưng nay tìm đến thì suối cũng đã đổi dòng, thay hướng.

Nỗi đau chồng thêm nỗi đau, người hy sinh thì đã rồi. Người sống hôm nay đi theo tiếng gọi của trái tim. Lặn lội về lại chiến trường xưa tìm kiếm hài cốt đồng đội thì lại mất phương hướng để tìm, bao nhiêu thứ dùng để đánh dấu nay không còn nữa. may mắn tìm được người nào thì lại chỉ còn là cái nấm. Trong vô vọng ông đã nghĩ ra cây nấm ấy là hiện thân của bạn mình chăng ? quả thật không dễ gì mà "lấp được nỗi đau" này . khi mà ông đã cố hết sức cũng chỉ tìm ra con suối đổi dòng đổi hướng. Ông đã mất phương hướng hay ông đã mất niềm tin vào sự lục lọi trong mỗi nếp nhăn của chính mình.

Dù có thế nào đi nữa thì khổ kết đã tới !

Đồng đội
Đồng đội ơi
Mây trắng Trường Sơn nay bám đầy mái tóc
Chiếc gậy bây giờ chặt lại rặng tre quê
Chống cái tuổi già xiêu vẹo bờ đê
Bài thơ mới viết về đồng đội cũ .

Có lẽ nào trái tim rực lửa nhiệt huyết ngày ấy nay đã thực sự già nua.

Ông gọi đồng đội –Đồng đội ơi! Họ còn nằm đâu đó nơi rừng sâu núi cao hay bên bờ suối, nhưng chắc chắn họ có nghe thấy !

Còn bản thân ông và bạn bè ông có may mắn trở về thì cũng mang những vết thương thân thể cộng thêm vết thương lòng nữa. Mấy ai hiểu nỗi lòng ông và những người lính già như ông vào những lúc như thế này!

Hình ảnh ông miêu tả thật nao lòng khi “mây trắng trường sơn nay bám đầy mái tóc”. Chiếc gậy trường sơn huyền thoại nay giúp ích cho ông “chống cái tuổi già xiêu vẹo”.lại là chiếc gậy được chặt ở “rặng tre quê”…

Ôi ! Bài Thơ Mới của ông viết về những người “đồng đội cũ”. Là nỗi niềm là hồi ức một thời hào hùng trong ông còn lại bây giờ đó ư?

Sài Gòn 21/12/2013



Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét