Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Cảm nhận bài thơ KHÔNG NHỚ TÊN EM của nhà thơ Trần Thanh Quang



Thi sĩ Xuân Diệu lúc sinh thời ông đã viết

Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây (Cảm Xúc).

Gần đây nhạc sĩ Phú Quang đã có lúc
“Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố./ Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường..” (Em Ơi Hà Nội Phố).

Nhà thơ Xuân Diệu hay nhạc sĩ Phú Quang vì đâu và vì sao? lại lãng đãng như vậy thì ai cũng đã biết ít nhiều. Hôm nay nhà thơ nguyễn Thanh Quang cùng mang tâm hồn lãng mạn như Xuân Diệu và đãng trí như Phú Quang trong bài thơ

Không Nhớ Tên Em

Nhìn thấy em - đâu phải là em
Vẫn nét cũ – nhạt nhòa xa lạ
Như tảng đá già
bẽ bàng không cao thấp
Muốn gọi tên, mà chẳng thể nhớ ra.

Thuở chưa xa, em như giấc mơ hoa
Nhiều năm sau – đắng lòng nỗi nhớ
Gặp em hôm qua
dài tim anh thở
Xin ai giấc ngủ triền miên.( Trần Thanh Quang)

Một bài thơ tình ngắn viết về một chủ đề không mới, gặp lạingười xưa sau thời gian xa cách, nhưng ý tứ ẩn trong những câu thơ dài ngắn không phân định, thì lại chất chứa những điều mới . Tác giả Nguyễn Thanh Quang viết Không Nhớ Tên Em khi anh chưa qua tuổi 60 có nghĩa thời gian xa cách tính từ tuổi mang “giấc mơ hoa” thì có lẽ cũng mon men 40 năm. Gần 40 năm thời gian ấy đủ làm cho một cô gái tuổi trăng tròn thành bà nội bà ngoại tóc hoa râm. Có lẽ không mấy ngạc nhiên khi tác giả của chúng ta

Nhìn thấy em - đâu phải là em
Vẫn nét cũ – nhạt nhòa xa lạ

Hai câu thơ chia ra hai giai đoạn em của ngày xưa và em của hôm nay bằng hai vế đối. Tác giả vừa khẳng định “nhìn thấy em” xong, lại vội vàng thốt ra “Đâu phải là em”.Thật mâu thuẫn nhưng phần nào thông cảm cho tác giả bởi anh đã giải thích “vẫn nét cũ” đấy, nhưng có lẽ do thời gian bào mòn trí nhớ nên anh thấy “Nhạt nhòa xa lạ”.Đến đây bắt đầu sóng gió nổi nên trong lòng người nhìn thấy em, tất cả bắt đầu từ “muốn gọi tên mà chẳng thể nhớ ra”.Không nhớ kỷ niệm cũ, không nhớ gì còn có thể từ từ nhắc nhớ, nhưng không nhớ tên gọi của chính người ấy thì làm sao đây? Đành “như đá ngây ngô”. Mà có lẽ đã hóa đá thật, bởi tác giả lúc này khi mà càng cố nhớ thì rủi thay lại càng không thể nhớ!
Như tảng đá già
bẽ bàng không cao thấp

Tảng đá bao nhiêu tuổi mà gọi là già? Chưa ai biết, có lẽ tác giả cũng không biết, chỉ có trí nhớ của người đối diện với em kia thì có lẽ đã già thật rồi!nên “Muốn gọi tên, mà chẳng thể nhớ ra”.Tên thì đã quên hẳn rồi, em có lẽ cũng đã đi qua rồi. Nhưng kỷ niệm từ thủa xa xưa thì cứ hiện về rõ nét, tất cả… tất cả chỉ trừ mỗi cái tên. Nhớ từ “Thuở chưa xa, em như giấc mơ hoa” để rồi nay “Nhiều năm sau – đắng lòng nỗi nhớ”. Và, như Nguyễn Tâm Hàn đã viết:

Đành rằng lỡ chuyến đò ngang
Đành rằng tình đã dở dang mất rồi…
…Chỉ là được gọi tên người
Chỉ là được gặp là vơi nhớ nhiều… (Khó Quên)

Nhưng tác giả của chúng ta đã “Lỡ chuyến đò” đã “dở dang” và đã “được gặp”nhưng chẳng thể “gọi tên” . Vậy là nỗi nhớ chồng thêm nuối tiếc vì cơ hội khó lặp lại. Hay vì cố nhớ mà không thể…Để rồi sau một đêm trăn trở day dứt nhớ về thủa “mơ hoa”. Giờ đây đành thú thật với bạn đọc và cũng như an ủi mình vì trí nhớ đã “già” nên:
Gặp em hôm qua
dài tim anh thở
Xin ai giấc ngủ triền miên.

“Gặp em” rồi thấy”không phải là em” để rồi thấy “em như” từ thủa xa xưa…rồi sau một đêm “dài tim anh thở” thì “xin ai” một giấc ngủ triền miên. Diễn tiến của đại từ nhân xưng em chập chờn theo trí nhớ lúc tỏ (nhớ về “tuổi mơ hoa”-không cần) lúc quên (điều rất cần là tên em). Phải chăng đó cũng là tiền đề khởi phát cho điều ước ao một “giấc ngủ triền miên” chứ em đừng xuất hiện để rồi ta không nhớ…Xin ai? Hay tác giả xin chính mình đây? Viết đến đây người viết bỗng nhớ tới một khúc hát của nhóm Mai Bích Dung có lẽ rất phù hợp với tâm trạng của tác giả khi Không Nhớ Tên Em:

Tôi đứng đó như hình một pho tượng
Chờ ai đây đợi ai đây và tìm ai đây?
Nghe nuối tiếc gào thét giữa muôn sóng khơi
Nghe trái tim rung lên bồi hồi
Mong gì gặp lại lần thứ hai ( Linh Hồn Tượng Đá)

Nếu đúng vậy thì thật khổ cho sự đãng trí nhất thời của tác giả về sự nhớ quên này. Điều cần nhớ lại chẳng nhớ ra như thế, có lẽ trong mỗi chúng ta ai ít nhiều cũng gặp phải.Nhất là thời gian qua quá lâu…Xưa thi sĩ Phan Khôi trong Tình Già mới chỉ có

“Hai mươi bốn năm sau
Tình cờ đất khách gặp nhau
Hai mái đầu xanh giờ đã bạc
Nếu chẳng quen lung đố có nhìn ra được…”

Thì hôm nay có lẽ Em và mỗi bạn đọc chúng ta cũng không trách cứ gì tác giả vì sự đãng trí này. Có chăng là chính tác giả không bằng lòng với chính mình mà thôi! Nhưng tác giả ơi! cũng từ sự đãng trí ấy mà hôm nay mới có một bài thơ thật dễ thương tràn đầy cảm xúc mang tên Không Nhớ Tên Em.

Sài Gòn 16/11/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét