Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016
Có Một nỗi cô đơn đáng sợ trong RỖNG của tác giả Hoàng Dung qua cảm nhận của Huỳnh Xuân Sơn
Rỗng là một tính từ, mà không có ai và phần lớn không vật dụng gì muốn gắn liền với nó. Vậy mà tác giả Hoàng Dung, lại dùng để đặt tựa đề cho một bài thơ tình….Rỗng ám ảnh người đọc là tôi, bất giác tôi muốn đi tìm xem vì sao lại Rỗng….
RỖNG
Yên lặng
Chỉ có tiếng thở quen thuộc
Nhưng mơ hồ từ chốn xa xăm
Lặng thầm
Trong vùng giá lạnh
Mắt ráo hoảnh
Nhìn thạch sùng chắt lưỡi gọi nhau
Tiếng chắt lưỡi ngọt ngào
quyến dụ...
Đồng hồ không ngủ
Tít tắc...tít tắc...
Nghe chừng " đánh mất...đánh mất..."
Chút mong manh còn lại
Đến là tê tái
Giật mình
Hóa rỗng trái tim (Hoàng Dung).
Rỗng được gửi gắm qua thể thơ Tự Do. Với những ngôn từ trau chuốt nhưng gần gụi. Câu dài, câu ngắn không phân định, theo một nhịp thơ không êm ả, với những câu thơ điệp tự có chủ đích. Những âm thanh, hình ảnh khác lạ hòa quyện vào ý thơ, níu giữ tình thơ sâu thăm thẳm, nhưng không khuất lấp. Nhằm khắc họa một nỗi niềm, mà có lẽ không có người phụ nữ nào, dù trẻ, hay già muốn trải qua. Cô đơn đã là đáng sợ, nhưng đáng sợ hơn khi nỗi cô đơn ấy gặm nhấm tâm hồn ta, dày vò thân xác ta, trong một căn phòng mà bóng tối đồng lõa với cô đơn.
Yên lặng
Chỉ có tiếng thở quen thuộc
Tiếng thở nào quen thuộc đây? Tiếng của mình thì không thể nghe rồi, phải chăng “Lặng thầm” mà còn thêm “trong vùng giá lạnh” để cho nhân vật trữ tình của Rỗng cảm thấy “Như mơ hồ từ chốn xa xăm”…Vậy nhiều khả năng là tiếng thở của người có lẽ đã có một thời “mặn nồng ân ái”! mới có cảm giác “quen thuộc” nhưng vì đâu? Vì sao? Mà loan phòng hạnh phúc một thời ấy nay trở thành “Vùng giá lạnh” chỉ có hai người họ mới biết và tác giả mới hiểu…
Trong không gian Lặng yên và lặng thầm ấy, có một người thở đều cùng giấc ngủ và một người có đôi “Mắt ráo hoảnh”.Đôi mắt ấy đã bao đêm không ngủ hay mới chỉ đêm đầu tiên trong vùng giá lạnh đã “ráo hoảnh”rồi..Ám ảnh nhất là đôi mắt ấy trong đêm khi thạch thùng cất tiếng mà “Nhìn thạch sùng chắt lưỡi gọi nhau” sao không là nghe mà lại là “nhìn”, có lẽ chủ thể đã không nhìn bằng đôi mắt bình thường mà nhìn bằng “đôi mắt” của trái tim cô đơn! Và chính sự cô đơn trong cảnh “đồng sàng dị mộng” ấy mới cảm thấy; “Tiếng chắt lưỡi ngọt ngào” và âm thanh cô độc của loài thạch sùng cũng khiến cho chủ thể Em cảm thấy chúng “quyến dụ...”.
Thạch sùng tặc lưỡi trong đêm, vốn không gọi nhau, nhưng với chủ thể Em của Rỗng thì có lẽ ngoài việc “mắt ráo hoảnh” chị còn thèm khát được nói, được nghe, được sẻ chia …Nhưng người thì đây,ngay bên cạnh, mà sao như mơ hồ từ chốn xa xăm…vì đâu và vì sao? Thì cũng đều đáng sợ cả…Nhất là trong không gian ấy còn có thêm tiếng “tíc tắc…tíc tắc” vô hồn của chiếc “Đồng hồ không ngủ”….dội vào nỗi cô đơn khắc khoải trong tim nghẹn đắng mà nghe ra âm thanh ấy đang gõ tiếng “Đánh mất..đánh mất./ Chút mong manh còn lại”…Mới “nghe chừng” thôi ư? Không….Không…Hình như là đã mất mất thật sự, mất hết rồi. Chỉ còn “tiếng thở quen thuộc” là hiện hữu, không gian thân thuộc cũng đã mất..đối nghịch với tiếng thở gần có lẽ là lòng người bên cạnh đã quá xa xăm…Tất cả đang cùng nhau gặm nhấm, dày vò trái tim khiến nỗi cô đơn mỗi lúc một lớn lên và đỉnh điểm tột cùng đã tới… sự cô đơn khủng khiếp nhất ấy là khi có người bên mình đấy nhưng lại không thể sẻ chia hay nắm giữ….Sự cảm nhận rõ ràng “Đến là tê tái” rồi “Giật mình”…Cô đơn đến từ sâu thẳm tâm hồn, nơi cảm nhận sâu sắc nhất thì lại “Hóa rỗng trái tim”.Trái Tim quả là một nơi trống rỗng đáng sợ nhất cho bất cứ ai…Trái Tim đã hiện diện trong Rỗng của tác giả Hoàng Dung nhưng có lẽ nó chỉ còn là nhịp đập cơ học vô hồn ….
Một Rỗng đáng sợ đã đến hồi kết, mong rằng Rỗng chỉ là cảm xúc thơ ca mà tác giả Hoàng Dung trong một phút xuất thần đã viết ra…
Là một phụ nữ, bản thân chưa từng trải qua những nỗi cô đơn đáng sợ như Rỗng. Nên sự đồng cảm này có thể chưa là suy nghĩ chung, của phần đông bạn đọc cũng như tác giả…Xuân Sơn mong được lượng thứ nếu như có sai sót…
Sài Gòn 1/12/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét